Saturday, January 21, 2012

* Chuyện vui Rồng Năm Nay Nhớ Rồng Năm Xưa

Thu Nga

Không biết người ta tưởng tượng ra con rồng từ thời nào, và tại sao rồng lại được biểu tượng cho quyền thế, linh thiêng, sang trọng? Chúng ta biết chỉ có đền thờ, cung miếu, nơi trang nghiêm hay cung của ông vua bà chúa mới có hình con rồng; còn nơi chốn dân gian nghèo khổ, thì không bao giờ thấy hình ảnh của con vật này cả.
Rồng theo hình, tượng, là một con vật có thân hình rất dài như con rắn khổng lồ (theo Kinh Thánh, sách Khải Huyền thì con rồng hồi xưa, chính là con rắn, là ác quỷ, lừa dối thế gian), đầu có sừng, râu dài, mắt lộ, răng lởm chởm, móng chân nhọn và sắc, thân hình uốn con, lượn khúc uy nghi. Vì cho là rồng cao quý nên lúc nào rồng cũng được cận kề với vua chúa, chẳng hạn những đồ dùng nào có liên quan tới thân thể vua thì được gọi là “long”, như giường của vua nằm gọi là “long sàng”, chỗ vua ngồi làm việc gọi là “long án”, áo vua bận gọi là “long bào”, đôi mắt của vua là “long nhãn”, râu của vua gọi “long tu”, gương mặt vua gọi là “long nhan”, kiệu vua ngồi là “long cáng”.
Muốn con cháu sau này làm ăn phát đạt, thăng quan, tiến chức người ta hay nhờ thầy địa lý tìm chỗ có “long mạch” để chôn, chẳng may “mạch rồng” nửa đường bị đứt chỉ vì lý do nào đó, thì con cái đang làm vua một cõi, sẽ rớt khỏi “long đôn” (ghế ngồi) lúc nào không hay…. Nói chung, cái gì của vua cũng sang nên không gọi long thì cũng gọi rồng. Tới chầu chực chỗ ông vua ngồi gọi là “bệ rồng”. Vì rồng cao quý như vậy nên ai có số sang cả, hay tự cho mình là dòng dõi “số dách” nhưng chẳng may dính vào hạng cùng đinh, hay vô phúc lấy phải người chồng hay người vợ kém thông minh, cù lần, hay trong trường hợp chỉ duyên phận hẩm hiu của một cô gái mười hai bến nước, cô gặp nhằm bến chót, đục như nước vo gạo thì ca dao có câu:
“Rồng vàng tắm nước ao tù
Người khôn ở với người ngu nực mình”
Vì hình ảnh bay lượn của rồng quá đẹp, nên những người văn hay, chữ tốt, nhất là mấy cụ đồ ngày xưa, với hình ảnh râu tóc bạc phơ, xăn tay áo rộng, chấm bút long vào nghiên mực Tàu, giơ cao bút long lên, hoa một vòng rồi ngoay ngoáy những câu đối trên giấy điều, mọi người đứng bu chung quanh xem ông đồ múa bút và tấm tắc khên chữ “như rồng múa, phượng bay”. Những câu đối này được trịnh trọng đem về nhà treo ở chỗ trang trọng nhất trong ba ngày Tết cho oai.
Cô gái đẹp trong ngày hội Chùa Hương” trong bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp cũng đã khen nét bút một thư sinh nho nhã mà nàng gặp trong ngày hội lớn, khi chàng khoa bút lông trổ tài:
Khi qua chùa Giải Oan
Trông thấy bức tường ngang,
Chàng đưa tay lẹ bút
Thảo bài thơ liên hoàn.
Tấm tắc thầy khen hay
Chữ đẹp như rồng baỵ
(Bài thơ này em nhớ
Nên chả chép vào đây)
Rồng hiếm, quý quá, nên người ta ví những món ăn cầu kỳ bằng câu nói: “Nem công, chả phụng, râu rồng”. Thịt con công thì chả biết có ai ăn chưa, và nêm nếm như thế nào, chỉ biết con công là một loại vật cũng thuộc vào hang vương giả, thật ra giống chim này không làm được việc gì “ích quốc, lợi dân”, chỉ thấy chúng thích khoe trương bộ cánh đủ màu sặc sỡ cho người ta chiêm ngưỡng mà thôi, thành ra nem công không biết có mùi vị đế vương như chả phượng hay không? Mà đã ai ăn chả phượng chưa nhỉ?! Con phượng hoàng theo hình vẽ và mô tả là một con chim đẹp nhất trong các loài chim, tuy nhiên chả làm bằng thịt của nó thì có ngon nhất trong các loài chả hay không thì không ai dám bảo đảm cả! Còn nếu bắt được con rồng, vặt râu để làm món nhắm thì chắc chắn không còn có thứ gì trên đời này “bắt rượu” cho bằng?! Khổ một nổi con vật có họ hàng với hoàng gia này chỉ đi bằng mây, về bằng gió, làm sao có thể cắt râu để nấu? Thành ra ước mơ nhắm món râu rồng mãi mãi cũng chỉ là mơ ước thôi!
Thế nhưng trong truyện cổ nước ta lại có một câu chuyện rất ngộ nghĩnh có liên quan đến những món ăn sang cả, cầu kỳ đó như sau:
“Xưa, ở chốn kinh kỳ, có đôi vợ chồng giàu có, hầu như không thiếu thốn một thứ gì. Một hôm bỗng dưng anh ta chem chép cái môi ra điều đang thòm thèm một thứ gì lắm, sau cùng anh nói với vợ:
- Bu nó à! Nhà chúng ta giàu có, món nào cũng đã ăn qua, chẳng hạn như chả phụng, râu rồng mình cũng đã nếm rồi (anh chàng này nói dóc không thua gì bọn Vẹm ở Việt Nam!); mình chỉ chưa có nếm qua món nem công bao giờ cả, bu mày có muốn ăn thử món này cho đủ lễ bộ không nhỉ?
Chị vợ cả đẩn cũng bảo: Ừ! Đúng vậy! Đã ăn râu rồng, chả phụng rồi mà còn thiếu món nem công thì chưa phải là dân phú quý thứ thiệt, nên chị hỏi chồng:
- Thế thì thầy nó có thấy công ở đâu để bắt làm thịt hay không?
Anh chồng cho biết là anh thấy một con công ở trong vườn hoa của vua, con công này là con công nhà giàu nên nó nhìn béo tốt lắm, làm nem thì hết xẩy. Anh ta hứa với vợ sẽ tìm cách bắt trộm con công trổ tài làm nem cho bu nó lé mắt chơi. Thế là anh làm thật, anh đi rình mò thế nào mà lại tóm được chú công, đem về. Nhưng không biết nghĩ sao, anh không làm nem của thịt con công mà lại làm nem bằng thịt con gà. Anh đưa cho vợ ăn, chị vợ vừa nếm vừa gật gù khen tài xoay sở của chồng không tiếc lời.
Không bao lâu, vị quan có bổn phận trong coi vườn thượng uyển phát giác ra con công bị mất tích, bèn ra bố cáo đi tìm tên bắt trộm với giải thưởng “nặng ký” là “đàn ông được làm quan, đàn bà được vào cung làm phi tần”. Ố là la! Vợ anh chàng “dóc tổ” nghe chuyện thấy khoái lỗ tai, nghĩ coi bộ đời mình sắp lên hương rồi đây; chị ta nghĩ nhanh: nếu mình tố cáo thằng chồng (chỉ có tài ăn trộm và ăn vặt này), sẽ được phong lên làm chức phi tần, lúc đó không những được ăn râu rồng, chả phụng, nem công hàng ngày mà chắc chắn sẽ còn ăn nhiều thứ chi chi nữa còn đặc biệt gấp bội phần, thế là chị ta bèn đi tố cáo rằng chính anh chồng chị bắt trộm con công làm nem (cho chị ăn! đểu chưa!). Anh chồng lúc này mới thấy “giận đời đen bạc”, “hận kẻ bạc tình”, anh thở dài ngao ngán, tâu với vua quan rằng công đi lạc vào nhà anh (lại dóc tổ nữa), chứ anh không hề ăn trộm, đã vậy anh chỉ nuôi dùm con công chứ không hề làm thịt, anh khai chỉ làm thịt con gà để thử lòng vợ mà thôi (!?) (đúng là không ai biết vợ mình bằng mình). Thế là anh chồng lại được thăng làm quan, còn chị vợ gian ác thì bị tù chung thân! Cũng vì câu chuyện cắc cớ này nên dân gian ta có câu:
“Nem công, chả phượng râu rồng
Có hai vợ chồng chẳng hết lòng nhau”
 
Con rồng không những được coi là cao quý ở chốn trần gian mà ở chốn thiên đình, rồng cũng được làm quan to, chức trọng, trông coi việc làm mưa cho hoa mầu nẩy nở cho trần thế. Quan rồng lại hiếm nữa, nên càng quý hơn. Nhưng cũng vì lý do quan rồng hiếm, nên số mưa quan rồng làm không đủ “chỉ số” cho mưa hòa, gió thuận, vì thế Trời ra chiếu chỉ ban xuống dưới thủy cung là Trời sẽ có kỳ thi rồng, tức là những con vật dưới thủy cung, nếu qua được kỳ hạch của Trời sẽ biến thành rồng lên tiên giới, chỉ ngồi chơi, xơi nước làm có mỗi công việc phun nước xuống trần gian làm mưa, lương hậu, có vacation, có “sick leave”, “401” nhiều “benefits” lắm!
Thể lệ thi rất dễ, chỉ có thi nhảy cao mà thôi và gồm có ba đợt nhảy qua ba con sóng là “ra trường”. Các giống vật dưới nước nghe thế thì lấy làm thích chí vô cùng vì kỳ này mà thi đậu thì được vinh thân phì da cho cả giòng họ của mình. Cua, cá, nhái, ếch gì ở dưới nước cũng ghi tên thi cầu may. Trong cả mấy tuần, chả anh chị nào nhảy cho ra hồn! Anh cá rô coi bộ bặm trợn như vậy, mà nhảy chỉ được có một đợt sóng là bắt đầu lè lưỡi thở hồng hộc. Anh chàng tôm may mắn làm sao lại vượt qua được tới hai kỳ hạch, tuy nhiên đến kỳ thứ ba, đợt sóng cao quá, anh ngã lộn xuống với sức rơi khủng khiếp khiến lưng anh còng lại, phân bón gì cũng bị di tản lên tới đầu; mặc dù anh tôm đã biến dạng gần thành hình đầu rồng rồi với nào là râu, vuốt cũng đã nhú ra từ chân.

Đến lượt chú cá chép, từ lúc nghe thông cáo, chú ta đã tập luyện kỹ càng rồi nên chú vững tinh thần lắm. Chú vượt qua cả 3 con sóng cao ngất từng xanh một cách hiên ngang. Cả thủy cung, thiên đình vang dậy tiếng reo hò “Cá Chép vượt vũ môn!” Như vậy “Cá chép hóa rồng” hay “cá hóa long” là do sự tích này mà ra. Vì cá chép đã biến thành rồng, dĩ nhiên cũng bay được như rồng nên trong lễ cúng ông Táo ta có tục gởi biếu ông Táo con cá chép béo to để nó cõng ông Táo lên chầu Ngọc Hoàng trong ngày 23 tháng Chạp! Câu chuyện “cá hóa rồng” cũng để chỉ những người hàn vi, nghèo khó gặp cơ hội thuận tiện, hoặc có chí kiên nhẫn, được công thành, danh toại, hay được lột xác trở thành giàu sang, phú quý.
Rồng lại có hình dáng rất đẹp nên được khắc, tạc lên những món trang sức cho quý bà, quý cô như trên các cây kiềng đeo cổ, trên xuyến đeo tay, hay các chàng họa sĩ tài ba vẽ tô lên những chiếc áo dài cho quý bà, quý cô với hình con rồng với đủ nanh, đủ vuốt cùng vảy màu vàng lóng la, lóng lánh. Chúng ta cũng không quên là trên huy hiệu của trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam có hình con rồng quấn quanh lưỡi kiếm rất đẹp và oai. Ngày xưa mấy cô phải có nhan sắc mặn mà, thuộc loại “nghiêng thùng, đổ nước” mới được tuyển vào làm cho hãng Air Việt Nam, tức là hãng Con Rồng Lộn Nhào chớ không phải dễ. Ngoài việc vừa đẹp vừa sang làm cho bao nhiêu người, bao nhiêu vật bắt quàng làm họ, rồng còn được người ta dùng làm biểu tượng vừa ngon vừa khéo, vừa lịch sự ví dụ như hiệu bánh ngọt nổi tiếng nhờ danh con rồng là “Bảo Hiên Rồng Vàng”... Ngay như gạo cũng vậy, không tìm được gạo Rồng Xanh, Rồng Đỏ thì làm sao có cơm vừa dẻo, vừa thơm cho được?!
Câu chuyện liên quan đến rồng mà được chúng ta trân quý, giữ gìn và tự hào nhất là truyền thuyết “Con Rồng Cháu Tiên”. Câu chuyện bắt đầu vào lúc xửa, lúc xưa... khi ấy ông Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ sinh được 100 trứng, nở 100 con, nhưng toàn là con trai. Một hôm, ông Lạc Long Quân, ngẫm nghĩ hồi lâu, và chắc ông đã tìm ra một sự gì không được ổn lắm, nên mới nói với bà Âu Cơ rằng: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, Tiên và Rồng ở với nhau không hạp, vì thế tôi và bà phải chia tay mà thôi. Tôi sẽ dắt 50 đứa đi xuống biển sinh sống, còn bà thì dắt 50 đứa và hãy đi về hướng núi tìm kế sinh nhai. Nói là làm, ông Lạc Long Quân mới đi về miền đồng bằng và dân tộc Văn Lang của chúng ta bắt đầu từ đó với vua Hồng Bàng …và rồi dân tộc được sinh sôi nảy nở ra nhiều hơn... nhiều hơn...
Như vậy đó! Chúng ta không tự hào sao được khi nguồn gốc của chúng ta là Rồng và Tiên với hơn 4,000 năm văn hiến. Nhưng vì vận nước điêu linh, con Rồng cháu Tiên sa cơ, thất thế, trôi nổi khắp bốn phương trời, ngày thương đêm nhớ về chốn quê nhà đang bị đọa đày bởi những người cùng chung huyết thống nhưng không cùng chung chiến tuyến chuyên làm chuyện hại dân, hại nước, ô nhục giống nòi.
Câu chuyện Rồng gần nhất là Đại hội 1,000 năm Thăng Long do Cộng Sản Việt Nam tổ chức vào năm 2010, để chứng tỏ họ cũng nhớ về tổ tiên và cho mọi người biết họ cũng là con Rồng cháu Tiên, do câu chuyện Vua Lý Thái Tổ nằm mộng thấy rồng vàng xuất hiện khi ban chiếu dời đô từ Hoa Lư về La Thành, nên ngài đã đổi tên La Thành ra là Thăng Long (tức Hà Nội bây giờ); nhưng thay vì tổ chức vào tháng 7 năm 2010, mới đúng 1,000 theo lịch sử nước nhà, thì đảng Cộng Sản lại làm vào ngày 1 tháng 10, là ngày Quốc Khánh Tàu và kết thúc ngày 10 tháng 10 là ngày Quốc Khánh Đài Loan! Nhà cầm quyền đã cho thợ đúc 1,000 con rồng và order 2,000 viên rubi từ Phi Châu để làm mắt Rồng cho tăng thêm vẻ giàu có, vương giả. Phải chi CS chỉ cần bỏ ra 1 phần ngàn của những chi phí vô bổ này để cứu vớt những người ở làng mù ngay tại trong nước, hay dùng 1 số tiền nhỏ nhoi giúp dân chúng nghèo khó vì thiên tai bão lụt khắp mọi miền đất nước, hay ít ra cũng xây được những cây cầu cho các em học sinh tiểu học đến trường thay vì phải đu giây, chèo bè, thuyền mong manh trên giòng nước lũ để có được một vốn liếng căn bản học hành tối thiểu..., và còn nhiều cảnh tang thương đoạn trường mà người dân nghèo đang phải đối diện từng ngày, từng giờ ngay trên đất nước Việt Nam. Nhiều người ao ước phải chi 1,000 con rồng này linh thiêng, biết phun lửa thật để tiêu diệt cả tập đoàn buôn dân bán nưóc, buôn thần, bán thánh, ăn hại đái nát này thì hay cho dân tộc Việt Nam biết mấy!
Nhân dịp đầu năm con Rồng, một lần nữa, chúng ta hãy cùng hướng về đất nước thân yêu, nguyện cầu các bậc tiền nhân và hồn thiêng sông núi, độ trì để những đứa con lưu lạc có một ngày về quang phục quê hương, giải trừ chế độ Cộng Sản để toàn dân Việt Nam sớm được thanh bình.
Thu Nga

No comments:

Post a Comment