Tuesday, January 24, 2012

Note from chiensitudonews.blogspot





* Bản sắc Việt trước "thảm họa" ngoại lai

Phải chăng ngày nay tình trạng thiếu vắng người tài, hay người tài chưa xuất hiện, còn bị che khuất là một trong những lý do khiến cho rất nhiều "thảm họa" xảy ra, từ lai căng, nhái nhép, copy sống sượng đến bát nháo, lộn xộn trên nhiều lĩnh vực của văn hóa đang lũng đoạn cuộc sống hàng ngày?
Chưa khi nào như từ ngày đất nước một lần nữa đổi mới và mở cửa ra thế giới hiện đại, chủ điểm bản sắc văn hóa của dân tộc lại không ngừng ám ảnh các tâm trí ưu dân ái quốc, bức thiết không kém gì những vấn đề phát triển kinh tế và bảo tồn môi sinh Việt Nam đặc thù.
Bản sắc văn hoá của một dân tộc được hình thành từ vận động nội tại của chính dân tộc ấy và tiếp biến, dung hội, giao thoa với các nền văn hoá khác. Một quá trình học hỏi cái khác biệt, sáng tạo cái mới và khẳng định cái đã có.
Vừa tiếp nối cái đã định hình, vừa phát triển thích ứng với các giá trị đương thời. Đó là những vận động lịch sử bắt buộc, không thể cưỡng lại được của bất cứ dân tộc nào. "Văn hoá là sức sống giao hòa, được lặp đi lặp lại trong ứng xử, giống như một vùng lau lách được người ta đi mãi thì thành đường mòn, viết mãi thì thành thi thư".
Để thấy bản sắc văn hóa một dân tộc, người ta thường nhìn nhận ở các lĩnh vực ( thể hiện ra trong vật thể và phi vật thể): Ngôn ngữ, kiến trúc, nghệ thuật, trang phục, âm nhạc, ẩm thực, tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán, cách giao tiếp ...
Hiện đại mà không lai căng, hổ lốn?
Sẽ rất ngạc nhiên và buồn cười nếu có ai đó đòi chúng ta hôm nay nói- viết như tổ tiên chúng ta cách đây ngàn năm (từ tiếng Việt thuộc dòng Môn-Khmer- ngữ hệ Đông Nam Á, sau chuyển biến thành tiếng Việt-Mường rồi Hán- Nôm, Nôm và chữ quốc ngữ), hoặc thường ngày phục trang khăn đống áo the...
Vậy, nhu cầu làm mới và thích ứng với cái mới, cái đương thời luôn là nhu cầu có thật và rất quan trọng. Nếu người Việt cho đến nay có được nét tinh hoa văn hóa thì một phần là nhờ ở việc vừa giữ gìn tiếng Việt vừa bồi tích thường xuyên từ mới và ngữ dụng mới vào kho từ ngữ đã có.
Cũng như thế với các loại hình nghệ thuật từ kiến trúc, đến trang phục, từ âm nhạc đến phong cách ứng xử giao tiếp, từ sinh hoạt tôn giáo đến cảm nhận tâm linh...cái cốt lõi (đã định hình như nguồn tạo sinh, xem như là bản sắc), luôn là cái trụ để thu nhận cái tiếp biến giao thoa làm cho phong phú thêm lên mà vẫn tồn tại, vẫn không mất đi.
Một ví dụ để minh chứng: Không phải chỉ ở Việt Nam mới có Chùa Một Cột, các nước như Nhật Bản hay Hàn Quốc...cũng có. Kiến trúc Chùa Một Cột đầu tiên được sinh ra ở quốc gia nào, chưa có câu trả lời chính xác nhưng chắc chắn ở Việt Nam, Chùa Một Cột khác ở chỗ được xây trên một cái cột tròn, mọc giữa hồ nước vuông (quan niệm vũ trụ đất vuông- trời tròn).
Chùa thờ Phật bà Quan âm (tục thờ Mẫu- đặc trưng Việt Nam). Kiến trúc ở đây không thuần chỉ là tạo hình, mà hình được tạo ra với ý nghĩa dịch lý và tâm linh ở bên trong. Nó biểu hiện vũ trụ quan, (qua tượng Linga - Yoni, tức Âm Dương vật thể). Nó là hai nguyên lý mâu thuẫn khởi thuỷ, phối hợp để sinh sinh hoá hoá ra vạn vật theo đạo Càn Khôn.
Vật thể mang yếu tố vũ trụ ấy được nghệ thuật hoá một cách độc đáo tạo thành biểu tượng "Hoa sen" mọc giữa bùn lầy, phù hợp tâm lý Việt. Dịch lý sâu xa biểu thị cho lòng yêu thương bác ái của người Mẹ vũ trụ hoá thân vào biểu tượng Hoa sen.
Một biểu tượng của nền văn minh lúa nước với tục thờ "Mẫu" - Mẹ lúa. Một ý nghĩa uyên thâm, minh chứng tinh thần Việt độc đáo của người dân Việt có khả năng dung hoà tất cả khuynh hướng mâu thuẫn thành một hoà điệu của đạo nhất thể Âm Dương tiềm ẩn trong tâm khảm người Việt.
Không phải chỉ ở Việt Nam mới có Chùa Một Cột
Vừa mạnh, vừa yếu?
Có người nói bản sắc văn hóa Việt vừa mạnh vừa yếu. Yếu ở chỗ không biết (không thích, không chấp nhận) sự cực đoan mãnh liệt.
Song nếu nhìn ở khía cạnh khác, tôi lại thấy văn hóa Việt rất mạnh, chỉ mạnh mới có thể bao dung, tiếp nhận, nhân ái, dĩ hòa với những cái khác biệt, để rồi từ đó dung nạp chuyển hóa thành cái của mình, bản sắc mình.
Có văn hóa mới có bản lĩnh. Văn hóa làm nên bản lĩnh. Người Việt có bản lĩnh chống ngoại xâm, chống đến cùng để bảo vệ độc lập tự chủ nhưng bên cạnh đó lại là một phong cách ứng xử nhân đạo, nhân văn đầy bao dung với chính kẻ đã gieo tai họa cho mình. Mạnh là như vậy.
Từ trước tới nay, trong các lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc, văn chương, lễ nhạc, y phục, ca vũ, tôn giáo của người Việt có bao nhiêu phần trăm ảnh hưởng từ Trung Hoa, từ Chăm, sau này từ Pháp, từ các nước La tinh? Nhưng bao nhiêu ảnh hưởng thì cũng là bấy nhiêu cái bị thay đổi, bị Việt hóa để trở thành văn hóa Việt.
Ngay như địa hạt tín ngưỡng tôn giáo, đạo Phật đến Việt Nam từ Trung Hoa và Ấn Độ hay đạo Ki tô đến từ phương Tây, nhưng vào đến nước Việt, người Việt chỉ chấp nhận cái tinh túy, còn cái hình thức, hay cái cực đoan đã được thay đổi.
Hoặc gần đây nhất về âm nhạc, mặc dù nghệ thuật giao hưởng (của phương tây) chiếm lĩnh vị trí số một trong thang giá trị âm nhạc toàn thế giới nhưng đã và đang được các nghệ sĩ Việt Nam thổi vào đó những hợp âm chứa đựng tâm hồn Việt, và khá thành công.
Trải suốt chiều dài lịch sử, Việt nam đã có ba lớp văn hóa chồng lên nhau là lớp văn hóa bản địa, lớp văn hóa giao lưu với Trung Quốc và khu vực, lớp văn hóa giao lưu với phương Tây. Nhờ gốc văn hóa bản địa vững chắc (thể hiện ra bằng vật thể và cả phi vật thể) nên đã không bị ảnh hưởng văn hóa ngoại lai đồng hóa, trái lại còn biết sử dụng và Việt hóa các ảnh hưởng đó làm giầu cho nền văn hóa dân tộc.
Một ví dụ cho thấy: Trên thực tế một phụ nữ Âu mặc áo dài, đội nón lá, nói vài câu tiếng Việt, không bao giờ trông như một người Việt. Nhưng không ít người Việt mặc đồ "tây", nói tiếng "tây", phong cách ứng xử như "tây" được không ít người nhầm là "tây" chính hiệu.

Đó là một loại hiện tượng không biểu thị nỗi lo sẽ mất chất, mất bản sắc, mà biểu thị suy nghĩ rằng người Việt có khả năng tiếp biến cao. Chỉ có điều, tiếp biến rồi mất hẳn hay tiếp biến để thích nghi, còn cái cốt lõi thì chẳng bao giờ mất lại là một vấn nạn luôn luôn được đặt ra, luôn luôn mới mẻ theo từng thời kỳ khi những đòi hỏi thích nghi dấy lên từ các bối cảnh biến chuyển.
Người tài là trụ cột...
Đọc lại lịch sử thời Lê, ta thấy Nguyễn Trãi và Lương Đăng, người thì dâng nhạc mới phỏng theo quy chế của nhà Minh (Trung Hoa), người thì làm mới trên cơ sở cái cũ mang cốt cách truyền thống dân tộc. Những gì Nguyễn Trãi đưa ra muôn đời được nhớ, những gì Lương Đăng làm mới nhưng mất gốc đã bị tẩy chay và lãng quên.
Để giữ được cốt lõi trong tiếp biến phải có những người có tài, tầm, tâm, đức. Thời đại nào thiếu vắng những người như vậy thì xảy ra khủng hoảng tâm lý, khủng hoảng niềm tin... Và đó chính là những lúc các câu hỏi về nguy cơ bị mai một, bị đồng hóa, bị tan biến lại được nêu ra cấp thiết, từ một "bản năng xã hội-văn hóa" rất đặc trưng của nòi giống Việt, vốn đã dạn dày một truyền thống bảo tồn cộng đồng cả về căn bản vật chất và căn bản tâm linh.
Vậy, để giữ được cốt lõi trong tiếp biến phải có những người có tài, tầm, tâm, đức. Thời đại nào thiếu vắng những người như vậy thì xảy ra khủng hoảng tâm lý, khủng hoảng niềm tin... Và đó chính là những lúc các câu hỏi về nguy cơ bị mai một, bị đồng hóa, bị tan biến lại được nêu ra cấp thiết, từ một "bản năng xã hội-văn hóa" rất đặc trưng của nòi giống Việt, vốn đã dạn dày một truyền thống bảo tồn cộng đồng cả về căn bản vật chất và căn bản tâm linh.
Phải chăng ngày nay tình trạng thiếu vắng người tài, hay người tài chưa xuất hiện, còn bị che khuất là một trong những lý do khiến cho rất nhiều "thảm họa" xảy ra, từ lai căng, nhái nhép, copy sống sượng đến bát nháo, lộn xộn trên nhiều lĩnh vực của văn hóa đang lũng đoạn cuộc sống hàng ngày?

Monday, January 23, 2012

* Việt Khang, anh là ai?


Việt Khang-Võ Minh Trí : một người thanh niên yêu nước chân chính như thế mà vào lúc 7:00 giờ tối ngày 23-12-2011, Công An Cộng sản Việt nam đã vào bắt anh đi vào trại tù, đó có thể là sự tiên đoán của bản nhạc “Anh Là Ai” mà Việt Khang đã chuẩn bị cho mình để dấn thân làm một người trai yêu nước giữa chốn hám danh, hám lợi, đầy dối trá của bạo quyền.

Việt Khang, anh là ai?

Nhạc Sĩ Việt Khang
Từ bản nhạc “Việt Nam Tôi Đâu” ra đời trên hệ thống Internet vào tháng 8/2011 đến bây giờ, số người nghe gần nữa triệu, lời nhạc và tiếng hát của Việt Khang đã đi vào lòng người. Việt Khang đã viết từ tận đáy lòng sâu thẳm của mình với nỗi đau ray rức…nỗi đau này không phải vì đói rét, cũng không phải vì vết thương bị cắt trên da thịt…mà nỗi đau của một người mất nước nỗi đau trăn trở hằng sâu trong tâm hồn người yêu nước.
Sống qua gần nữa đời người, anh đã thấm nghiệm được sự dối trá lừa đảo của chế độ độc tài đương quyền, tác giả “Việt Nam Tôi Đâu” đã mở đầu cất cao lời nhạc “Việt Nam ơi thời gian quá nữa đời người, và ta đã tỏ tường rồi, ôi cuộc đời ngày sau tàn lửa khói….”. Nữa cuộc đời, trải qua 36 năm từ ngày cả dân tộc Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản đến nay Việt Khang đã nhìn thấy xã hội muôn ngàn mãnh đời đổ vỡ, tàn tạ, bị áp bức, bóc lột, đói khát mà đáng ra bất cứ một quốc gia nào “sau tàn lửa khói” đều không thể lâm vào cảnh tượng đau đớn như Việt Nam.
Việt Khang đã tỏ tường trên thân thể gầy còm của đất “Mẹ Việt Nam đau từng cơn xót dạ nhìn đời, người lầm than đói khổ nghèo nàn, kẻ quyền uy giàu sang dối dang” …Lời nhạc không mang tính hằn họcthù hận nhưng mang tâm trạng đau nhói ở tâm can hoà với lời ca thống thiết nói lên sự cách biệt bất hạnh của hai giai cấp một bên là người dân đói khổ thật thà, bên kia là kẻ quyền uy giàu sang dối dang, mà kẻ quyền uy đó chính là thành phần tư bản đỏ của bạo quyền Cộng sản Việt nam hiện nay đang trấn lột đồng bào.
 
Nhạc Sĩ Việt Khang
Còn tổ quốc Việt Nam thì sao? Việt Khang tự hỏi rằng “Giờ đây Việt Nam còn hay đã mất?” Nếu còn, tại sao nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam lại để cho “bọn giặc Tàu ngang tàn trên quê hương ta” mà cả một guồng máy khổng lồ của công an, bộ đội chỉ để phục vụ cho “đảng cầm quyền” mà không bảo vệ được ngư dân Việt Nam đến nỗi “Hoàng Trường Sa đã bao người dân vô tội, chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu” ….
Tổ quốc đã không còn hiện hữu trước một bạo quyền chỉ biết hiếp đáp người dân, chỉ biết bóc lột giàu có dối gian, trong khi ngoại xâm đang thật sự hống hách trên quê mẹ Việt Nam…là một nhạc sĩ yêu nước Việt Khang dùng tiếng hát sâu xoáy của mình như tiếng kêu của con quốc quốc trong đêm thâu kêu gọi lòng yêu nước của mọi người “là một con dân Việt Nam, lòng nào làm ngơ trước ngoại xâm, người người cùng nhau đứng lên đáp lời sông núi” . Đồng bào ơi! tổ quốc đang lâm nguy không phân biệt già trẻ trai gái hãy đoàn kết “ từng đoàn người đi chẳng nề chi, già trẻ gái trai hãy dơ cao tay….” đoàn kết sức mạnh dân tộc để “chống quân xâm lược, chống kẻ nhu nhược bán nước Việt Nam”.
Việt Khang-Võ Minh Trí đã cất cao giọng hát từ đáy lòng sâu thẳm của tâm hồn, lời ca cao vút của anh như những nhát dao cắt lòng những ai đang trăn trở trước nguy cơ của dân tộc, anh đã buông tiếng hát nói lên phần hồn của bản nhạc mà đó cũng là ước nguyện của đồng bào.
Nhạc sĩ Việt Khang là thành viên của Tuổi Trẻ Yêu Nước, trước khi anh bỏ hồn vào hai bản nhạc “Việt Nam Tôi Đâu” và “Anh Là Ai” anh đã đoán rằng sự an ninh cá nhân của anh không được
bảo đảm, nhưng đó là thứ vũ khí trong đấu tranh Diễn Biến Hoà Bình mà tài nghệ anh đang có là viết nhạc và lời ca, anh tận dụng sở trường của mình để cứu quê hương dân tộc. Tiếng hát của anh với bài “Việt Nam Tôi Đâu” là tiếng huy động lòng người, tiếng kèn thúc dục sự đứng lên của mọi giới, khi nghe tiếng hát của bài nhạc “Việt Nam Tôi Đâu” người đang trùm chăn phải thức dậy, kẻ ươn hèn trở nên can đảm….Một người thanh niên yêu nước chân chính như thế mà vào lúc 7:00 giờ tối ngày 23-12-2011, Công An Cộng sản Việt nam đã vào bắt anh đi vào trại tù, đó có thể là sự tiên đoán của bản nhạc “Anh Là Ai” mà Việt Khang đã chuẩn bị cho mình để dấn thân làm một người trai yêu nước giữa chốn hám danh, hám lợi, đầy dối trá của bạo quyền.

Chúng em viết lên đây những lời chân tình của người đồng hành với anh, anh lâm nguy chúng em vẫn còn tiếp tục cuộc hành trình với lòng tin tưởng “kẻ bán nước không bao giờ được dân tộc tha thứ, và kẻ xâm lăng không bao giờ thành công trước sức mạnh đoàn kết của một dân tộc” – Ở chốn lao tù kia, xin anh vững tin vào chính nghĩa đã chọn.
Long Hải & Quốc Tuấn
Viết tại Việt Nam trước đêm giao thừa 2012

* Chuyện công tử Bạc Liêu và “đại yến gan rồng”

Công tử Bạc Liêu là thành ngữ xuất phát từ cuộc đời ăn chơi trở thành “huyền thoại” của những cậu ấm từ vùng đất từng được mệnh danh là giàu nhất Nam Bộ.
Nét phong độ vẫn còn đó ở người đàn ông 72 tuổi được người đời phong danh “Công tử Khánh”.
“Đệ nhất ăn chơi”
Nhà báo, nhà văn Phan Trung Nghĩa, người được giới cầm bút phong tước hiệu “Công tử Bạc Liêu” (CTBL) không chỉ vì anh là tác giả quyển sách “Công tử Bạc Liêu - sự thật và giai thoại” mà còn bởi phong cách chơi đến “mát trời ông địa”, đã có lần thú nhận với tôi rằng: “So với “kỳ tích” của tiền bối, tôi chưa được đứng gần hàng rào của cái thành trì ăn chơi đó”.
Theo Phan Trung Nghĩa, đối tượng khai sinh ra thành ngữ CTBL chính là Huỳnh Văn Phước, gọi theo tiếng Hoa là Dù Hột, con của ông chủ Chá, một đại địa chủ xứ Bạc Liêu. Tương truyền Dù Hột “chịu chơi” đến mức khi thấy có 5 chiếc xe tranh nhau chở khách bèn bao tất tần tật vì ngưỡng mộ cái thú trả tiền không cần “cân đo đong đếm”.
Chiếc chở công tử, chiếc chở nón, chiếc chở gậy, chiếc chở cặp da và chiếc chở mắt kiếng. Về sau thành ngữ CTBL được “xã hội hóa”, gọi chung cho tất cả những “địa chủ con” ở Bạc Liêu có máu ăn chơi danh bất hư truyền. Mỗi người mỗi nết, nhưng tất cả đều có điểm chung là xem tiền như giấy lộn và chẳng có món ngon vật lạ nào trên đời này mà các “cậu” chưa trải qua.
Đương thời, người ta xếp hạng CTBL theo 4 trường phái. Đại diện cho trường phái “trăng hoa” là công tử Điều. Cậu sẵn sàng hạ lệnh cho tá điền vác cả trăm giạ lúa đổi lấy một đêm vui với người đẹp. Mỗi lần là một “hương đồng gió nội” khác nhau, quyết không lặp lại. Lưu truyền sau một đêm vui vẻ với con gái ông Trần Thanh Bạch - người được mệnh danh là người đẹp xứ Bạc Liêu thời ấy, công tử tỏ ra rất đẹp lòng nên “bo” thêm tiền cho người đẹp cất nhà, còn chuyện tình cảm thì công tử đã đoạn tuyệt ngay sau cái đêm “hôm ấy”.
Đại diện cho trường phái “văn nghệ” là công tử Lũy. Không chỉ thường xuyên tổ chức đại tiệc, công tử còn nuôi nấng cả đoàn ca hát trong nhà. Đại diện cho trường phái “yêng hùng” là công tử Cân (Phan Kim Cân). 
Từng du học bên Tây, lại là con trai đại điền chủ nức tiếng giàu có Trần Trinh Trạch, người sở hữu 110.000ha lúa và hơn 100.000ha muối... nên cậu Ba Huy có những cách chơi vượt cả “mình rồng”. Cậu rinh về chiếc xe “mu rùa” Peugeot, loại xe mà đương thời chỉ có vua Bảo Đại mới dám sắm để vi hành, chỉ để đi... thăm ruộng. Thậm chí sau này cậu Ba còn mua cả máy bay làm chân đi thăm ruộng và thuê người Tây về làm quản lý điền sản...
Còn về “bản lĩnh đàn ông”, cậu Ba quả là cao thủ khi không chỉ cưới vợ Tây mà còn là người đầu tiên ở miền Tây tổ chức thi “đấu xảo sắc đẹp” vào năm 1940 với vai trò là chủ khảo. Danh sách "nhân tình, nhân ngãi" của cậu Ba, toàn là người đẹp và nghệ sĩ nổi tiếng đương thời, dài đến mức ngay cả cậu cũng không sao nhớ hết...
Nói về “kỳ tài ăn chơi” quả cậu Ba Huy xứng danh là đệ nhất CTBL, bởi trên đời này chỉ mỗi món “gan rồng” là chưa từng nếm. Nhưng chính đây là “gót chân A-sin” khiến sau này vị đệ nhất CTBL đã bị qua mặt, mà người đó lại là cháu ruột kêu cậu Ba bằng cậu: Công tử Khánh.
“Mình rồng” và “đại yến gan rồng”
Sinh năm 1940, cầm tinh con rồng, cuộc đời của công tử Khánh (tên thật là Phan Kim Khánh) có lúc ăn chơi chẳng kém “mình rồng”. Là sản phẩm của cuộc tình đầy lãng mạn giữa “công tử yên hùng” Phan Kim Cân và quý nữ thứ sáu của đại điền chủ Trần Trinh Trạch - bà Trần Thị Đông, lẽ đương nhiên ông Khánh sẽ trở thành công tử, nhưng chính cái tính “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” đã thôi thúc ông cố công tạo dựng cho mình “thương hiệu riêng” đến mức người từng trải như cậu Ba Huy cũng chào thua vì chưa lần được nếm món “gan rồng” như cháu.
Chúng tôi đến nhà công tử Khánh ở Cầu Sập, ngoại ô TP.Bạc Liêu. Nếu không được giới thiệu trước, tôi khó lòng tin được ông Khánh đã bước qua cái tuổi xưa nay hiếm (72 tuổi). Thời gian và sự sa sút kinh tế vẫn không làm lu mờ được vẻ sung mãn và nét quý tộc của người cuối cùng được hưởng trọn “danh vị” CTBL. Vừa nghe có khách viếng, ông khui hũ rượu ngâm cả tổ ong mật để nhâm nhi với món heo quay đặc sản xứ Bạc Liêu. Đúng là công tử! Sau mấy vòng xã giao, rượu ngà ngà, người đàn ông có 7 đời vợ chính thức với 7 dòng con này đã hé lộ cuộc đời ăn chơi “bá cháy” của mình.
Khoảng đầu thập niên 1960, được gia đình đưa lên Sài Gòn ăn học, nhưng do cái máu ăn chơi cứ rần rật nên dù được chu cấp khoản tiền rất lớn, nhưng thỉnh thoảng công tử Khánh vẫn phải về Bạc Liêu bán ít căn phố lầu. Một lần đang buồn vì hết tiền, bỗng công tử Khánh được gã người Hoa, một đại gia trong giới kinh doanh đồ cổ, kêu đến cho tiền với điều kiện: Về nhà ông ngoại lấy cặp lục bình đầu tiên trong số 5 cặp đang trưng bày, sẽ được thưởng 250.000 đồng.
Công tử Khánh càng hoảng hồn khi gã người Hoa nói rõ mồn một: “Cặp lục bình cao 7 tấc, có hình con rồng 5 móng ôm quanh, dưới đít có ấn triện đỏ”. Đến lúc “chôm” được, công tử Khánh càng hốt hoảng: Thằng cha này biết rành đồ trong nhà ông ngoại hơn cả cháu ruột. Cặp lục bình mang lên, gã người Hoa mân mê như trứng mỏng. “Rồng 5 móng là đồ ngự dụng. Đây là báu vật”. Nói xong, không chỉ giao đủ tiền, gã người Hoa còn thưởng thêm: “Nghe đồn cậu thích ăn chơi, bữa nay tôi đãi “nhất dạ đế vương”.
Là tay “chọc trời”, nhưng trong suốt cuộc đời ăn chơi đã qua và mãi đến sau này, công tử Khánh không bao giờ trải qua cảm giác tuyệt diệu như lần thưởng thức bữa “đại yến gan rồng” hôm ấy. “Mình mặc long bào, vừa ngồi vào ngai vàng đã có hoàng hậu đẹp như tiên giáng trần sà vào lòng, bên dưới 20 cung nữ “tuyệt sắc” uốn éo mời gọi...” - giọng ông Khánh trở nên nóng hổi. “Sau khi vui vầy với hoàng hậu, đến giờ ăn, một tên đóng vai thái giám bước vào nói léo nhéo giọng “xăng pha nhớt”: “Xin hoàng thượng ban thiện ngự”.
Đang cao hứng, nổi máu công tử, ông Khánh kêu: “Gan rồng”. Tưởng là nói chơi, nào ngờ một hồi sau tên thái giám bưng lên cái khai bên trong là con rồng được cắt tỉa từ củ hủ dừa đẹp như... tranh. Giữa bụng rồng là lá gan to cỡ cái chén. Vừa dọn, thái giám vừa giải thích: “Bẩm đây là gan con công. Công gần với phụng mà phụng song hành và ngang tước với rồng, nên nay dùng gan công thay thế cho gan rồng, mời bệ hạ”...
Vừa đưa miếng gan công qua đầu lưỡi, cái vị giác vốn no đủ “sơn hào hải vị” như được đánh thức bởi cái mùi thoang thoảng thơm, cái vị bùi bùi không gì sánh được khiến người từng trải như công tử Khánh cũng vỗ tay khen: “Thằng cha ba Tàu này cao tay ấn thật!”.

Đã hơn thế kỷ trôi qua, thế sự đã bao đổi thay, nhưng cái thành ngữ CTBL vẫn được lưu truyền. Mỗi người một cách nhìn nhận, nhưng có điều chắc chắn là chẳng một ai đủ can đảm nổi tiếng theo cái danh vị ấy.
Theo Lục Tùng - Nhật Hồ

* Năm Thìn chiêm ngưỡng nét uy quyền Rồng triều Nguyễn

Đã từng là kinh đô cuối cùng của triều Nguyễn từ năm 1802-1945, Huế là nơi còn lưu giữ lại gần như nguyên vẹn các công trình kiến trúc trong đó rồng là biểu tượng không thể thiếu, tượng trưng cho uy quyền của bậc đế vương.
Dạo bước đầu năm vào các di tích như Đại Nội, lăng các vua như Khải Định, Minh Mạng, Tự Đức cũng như qua miền phủ đệ hay đến thư thả tâm hồn với các ngôi quốc tự như Bảo Quốc, Diệu Đế, Thiên Mụ... đâu đâu du khách cũng có thể bắt gặp hình ảnh con rồng.
Rồng xuất hiện nhiều trên các diềm mái ngói, ở ô - hộc trang trí dưới phần mái, cột kèo hay chạm khắc trên các đồ dùng như đỉnh đồng, khay chén, chậu... Rồng thời Nguyễn hình dáng cân đối, không quá ốm hay mập. Rồng toát lên vẻ đẹp uy quyền của bậc minh quân: oai vệ - lực lưỡng - thông minh - thần khí.

Rồng trên lầu Ngũ Phụng (Đại Nội)

Đôi rồng trên phần mái

Rồng chầu cam lồ trên điện Thái Hòa

Cặp rồng quện vào nhau

Rồng chầu mặt trời trên cửa Chương Đức

Đầu rồng đội bánh xe luân hồi trên quốc tự Bảo Quốc

Ngai vàng của vua - nơi có 9 con rồng

Bửu tán trên ngai vàng

Ấn tín của vua chạm rồng được cách điệu lớn để ở sân trước điện Cần Chánh

Kiệu vua có 2 đầu rồng ở đầu cán

Rồng trên long bào

trên lọng

Rồng ở máng xối nước

Con rồng oai vệ bằng đồng trước sân nhà hát Duyệt Thị Đường

Móng con rồng quân tử có 5 ngón

Cột đèn chạm trổ rồng

Đèn kéo quân

Rồng mới phục hồi trên ô hộc ở Trường Lang
Đầu rồng dữ tợn với móng vuốt làm nhiệm vụ giữ cửa
Rồng trên chậu tùng già

Trên các cột đá, gỗ trong cung điện vua Nguyễn

Ở Cao đỉnh (đỉnh đồng dành cho vua Gia Long - vị vua đầu tiên triều Nguyễn) có khắc 1 con rồng được xem là đẹp nhất tại Đại Nội

Đôi rồng trên 1 lư đồng

Rồng chầu với rêu phong
Rồng làm quai chuông trên lầu Ngũ Phụng

Rồng trên gạch hoa

Rồng trên bình phong lăng vua Tự Đức

Rồng trên súng thần công
Những con rồng chầu bệ vệ tại Hiển Lâm Các.

Đại Dương - Ngọc Nghĩa

* Bước Xuân Về

Thơ Hạ Long Bụt sĩ


Mỗi năm me vàng rơi lấm chấm
vỉa hè niên thiếu lắc lơ xa
là bước xuân về trong gió nhẹ
hồn quê trang trí đón mùa hoa!

Tôi nhớ
công viên lộng lẫy lá
thấp thỏm mong chờ tia nắng mai
tinh sương, mái ngói chưa tỉnh giấc
bồ câu tượng Mẹ ngủ bờ vai.

Lẩn khuất đâu đây hình bóng cũ
tóc ai hương bưởi vẫn ươm thơm
tôi ngỡ
lòng tôi khô sa mạc
nào ngờ hoen ướt vết mơ loang !

Sớm nay,
một thoáng,
chợt bàng hoàng
ngọn cây khoác cánh
bốc mờ sương
say say trời đất xuân vào mắt
theo gió nghiêng nghiêng ghẹo phố phường

Sunday, January 22, 2012

* Hai Mùa Xuân

TQL



Như bao đứa trẻ khác. Lúc nào cũng mong Tết đến để có được lì xì, và nhất là được cha mẹ may cho áo mới, mặc khoe với bạn, trong ngày đầu năm.Có khi còn ngây thơao ước, sao Tết lại không có 2 hoặc 3 lần trong một năm nhỉ....Dần theo năm tháng,với bao nhiêu biến cố của cuộc đời. Nhìn lại mổi mùa xuân là một sự đánh mất,là sự hao mòn, theo hai nghĩa của thời gian và sức khỏe.Tuy nhiên, dù ở vào thời kỳ nào, thì tâm hồn chúng ta, vẫn còn rạo rực,vẫn còn mơ ước,khi mùa xuân mới lại về.
Mùa xuân đầu tiên, mà tôi còn nhớ, là vào năm lên tám tuổi,học lớp hai trường làng. Nhà tôi lúc bấy giờ, vừa là nơi sinh sống của gia đinh, vừa là nơi mẹ tôi bán vải, và tạp hóa. Bên cạnh nhà, ba tôi làm thêm một mái hiên,để mở một tiệm may. Lúc ấy, ba tôi có nhận thêm 2 cô học trò,và lúc nào đồ may vẫn đầy ắp. Đăc biệt những ngày cận tết thì ba tôi, và những cô thợ học nghề phải tăng tốc, và làm cho đến nữa đêm. Còn mẹ tôi lui cui dưới ngọn đèn, để đơm nút, và làm khuy cho kịp, đểsáng mai giao hàng cho khách. Năm nào tôi cũng được ba may cho một bộ đồ mới,và trao cho tôi vào lúc gần giao thừa, lúc mà những người khách cuối cùng vừa ra về,và thế là sáng mai tôi thức sớm,mặc vào, và chạy ra khoe với mấy đứa con gái, con của bà Ba bán bánh ú ở đầu đường. Nhưng năm nay vì quá nhiều hàng, mà khách người nào cũng muốn lấy hàng cho kịp trước tết.Ba tôi và mấy cô thợ phải cố gắng may đồ cho khách,riêng đồ may cho tôi, thì không nghe ba tôi nhắc đến.Tôi không dám hỏi ba tôi, cũng như không dám nhắc mấy cô thợ. Tôi khép nếp đứng sát vào cái tủ, dựng đứng, khuất ở bên trong, và đủ tầm nhìn, để theo giỏi xem, ba tôi có đem xấp vải màu xanh của tôi ra, để cắt chưa.Tôi chờ đợi mỏi mòn cho đến lúc thiếp đi, và ngủvùi cho đến sáng. Khi thức giấc, thì thấy mẹ tôi bên giường ,bà vuốt mái tóc của tôi, và thì thầm, trong nước mắt. Tết nay, ba con không may kịp cho con bộ đồ mới,mẹbiết con buồn,do đó mẹ vội vả chọn một bộ đồ, trong số đồ của khách may, mà không lấy, cho con mặc tạm năm nầy. Mẹ hứa vào đúng ngày mùng bốn, tiệm mình khai trương, mẹ sẻ nói ba , may cho con. Nước mắt mẹ vẫn còn chảy, khi bà vội vàng đi xuống nhà bếp, để lo bánh nước cúng đầu năm. Riêng tôi, mặc chiếc áo rộng thùng thình, và cái quần dài phủ gót. Tôi không dám đi ngang qua nhà bà Ba bán bánh ú, như mội năm. Những đứa con gái của bà Ba, vì không thấy tôi, lấy làm lạ,đến trước cửa nhà tôi nhìn vào, trong những chiếc áo mới tinh, rực rở như tìm kiếm tôi, để khoe đồ mới. Tôi ngồi trong nhà, và dở hé tấm màng cửa sổ nhìn ra chúng nó, trong lúc cái tay vẩn còn kéo chiếc quần lên cho khỏi tuột, và trong bụng nghĩ thầm, sao mình lại không là con bà Ba nhỉ....Mẹ tôi như đoán được ý tôi,bà kéo vội tôi vào lòng và hun lên trán. Bà nói nhỏ, mẹ xin lổi con, vì không may kịp cho con bộ đồ mới,thay vào đó, mẹ lì xì cho con 20 đồng, con ra đầu đường chơi bầu cua cá cọp......
55 năm trôi qua, mẹ tôi đã qua đời, trong lúc tôi vào quân đội, và đóng quân ở vùng sâu. Tôi không về kịp để nhìn mặt mẹ tôi lần cuối. Mẹ tôi không còn nữa để tôi tạ ơn bà, trong ngày lễ mẹ, và để nói với mẹ rằng,trong hoàn cảnh nào con vẩn hảnh diện là con của mẹ.
Vào năm 1976 cái tết đầu tiên của tôi,trong tù cải tạo.Trong bốn bức tường của doanh trại,chúng tôi chia từng nhóm nhỏ, ngồi chụm vào nhau, để chờ đợi giao thừa. Cũng có cà phê pha từ cơm cháy khét,vài mẩu thuốc lào,và vài thẻ đường tán, thế mà cũng ấm lòng. Quả thật, con người cũng mau thích nghi với hoàn cảnh. Không có đồng hồ, để biết chắc giờ, chúng tôi chỉ đoán chừng còn khoảng 15 phút nữa thì đến 12 giờ, thì bất ngờ, có tiếng la thất thanh của anh An từ trong góc trại, phía bên trái.
Anh An ,không biết vì buồn, hay mệt, mà anh đã nằm vùi, từ tối đến giờ.Lúc chiều, anh đã không vát nổi 5 cây tràm từ rừng vềtrại, phải nhờ anh Thành tiếp sức, và về đến trại, anh vẫn mặc nguyên bộ đồ ước, và nằm mê mang, cho đến giờ nầy.
Anh An trước kia là sinh viên năm thứ ba trường Đại Học Khoa Học Cần Thơ. Nha Động Viên hạ xuống một tuổi, nên anh đi vào Trường Bộ Binh Thủ Đức.Ra trường anh làm tùy viên cho một ông tướng, nên chưa nếm mùi gian khổ của chiến trường, do đó vào trại tù, anh vẫn nguyên vẹn của một chàng thư sinh trói gà không chặt. Hằng ngày chúng tôi phải vào rừng để đốn tràm, và bứt dây choại. Một thứ dây, để đang lọp, và bện đăn, mà người thành phố chắc ít ai biết. Rừng thì nước lấp xấp, đầyđỉa,và vắt.Nước trầm thủy quanh năm,không thay đổi,nên người nào cũng bị ghẻ.Nhớlại mà rợn người.
Trở lại việc anh An,anh vừa khóc vừa, kêu cứu. Càng lúc, tiếng la của anh càng lớn " Các bác ơi cứu tôi....cái ... của tôi đã bị tét rồi....Hảy tìm cách may lại để cứu tôi các bác ơi ...".Cả trại chạy lại đốt đèn lên, và quan sát....Thì ra một con đỉa trâu,hút máu no, phình lớn, nhưng vẩn còn bám chặt. Thấy ngứa, nên anh đưa tay xuống gải, và thấy nó mềm mềm, trơn trơn, nên anh tưởng trung tâm hành quân của anh bị bể...Thế là cả trại cười ra nước mắt.
Mải mê bàn đến chuyện của An, nên chúng tôi đã quên mất giờ giao thừa đã qua, mà không cảm nhận gì được cái tết đầu tiên ởtong tù. Những mùa xuân sau có lẻ vì sự mỏi mòn trông đợi ngày về, và sự thất vọngđến cùng, nên quả tim dần nguội lạnh, tôi không còn cảm giác nào hơn, là sự chấp nhận để những năm tháng trôi qua,mà không có một chút hy vọng nào....
Cali Mùa Xuân 2012

* Chuyện lì xì

Trầm Thiên Thu
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Từ tuổi trung niên trở lên, không ai lại không biết câu đối rất phổ biến:Đêm Ba mươi, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa
Sáng mồng Một, giơ tay bồng ông Phú vào nhà
Vì “bần hàn” mà bị gọi là “thằng”, và vì “phú quý” nên được gọi là “ông”. Cùng là đại từ chỉ ngôi thứ hai, nhưng lại mang ý nghĩa cách biệt một trời một vực! Cái “phú quý” thường được hiểu theo nghĩa “tiền bạc” và “vật chất”, hiếm có người nghĩ tới cái “phú quý” theo nghĩa tinh thần.
Ngày Tết, ngày Xuân, hai tiếng “lì xì” rất thường được nhắc tới, và người ta nghĩ ngay tới bao giấy nhỏ màu đỏ, bên trong có một hoặc vài tờ tiền mới. Những năm gần đây, người ta “kiểu cách” hơn còn chuộng tờ 2 USD để lì xì cho “ra vẻ”.
Theo nhà nghiên cứu Cao Sơn, “lì xì” có tiếng chữ là lợi thị, đọc theo âm Quảng Đông, Triều Châu thành “lê-i-xị”, chỉ số tiền được cho (tặng, biếu) trong các dịp đầu năm, khai trương và cả trong lễ thành hôn nữa – chứ không chỉ bó hẹp trong dịp Tết Nguyên đán. Ở Việt Nam, “lì xì” được hiểu một cách đơn giản là “tiền mừng tuổi”. Tiền này không nhằm để cất cho nặng hầu bao, mà ngụ ý cầu chúc người nhận quanh năm sung mãn, may mắn, phát đạt. Như vậy, ý nghĩa chính của “tiền lì xì” mang không nằm ở “tiền” mà ở “tình”, tức ở lòng mong ước cầu chúc con cháu hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới, còn phong bì “nặng” hay “nhẹ” (nhiều hay ít tiền) không phải là điều đáng lưu tâm. Đó là một nét văn hóa. Nhưng ngày nay, văn hóa lì xì đang bị lạm dụng thái quá, bị “biến tướng”. Do đó, người lì xì cảm thấy phải… “nghĩ ngợi”!
Nếu định nghĩa cho vui thì lì xì là vì người kia “lì” quá nên đành phải “xì” tiền ra thôi! Lì xì cũng có thể là “lì xì ngược” và “lì xì xuôi”.
Chuyện đời vốn dĩ nhiêu khê, phú quý sinh lễ nghĩa. Lễ nghĩa một chút cũng tốt, nhưng hễ điều gì “thái quá” thì cũng hóa “bất cập”, gây phiền toái cho nhau. Người ta thường nói: “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Có tiền thì người ta nói ngang, nói dọc gì chũng không bị bắt bẻ. Người không có tiền không dám ăn, không dám nói – dù có thể “trình độ” người nghèo hơn hẳn người giàu. Quả thật, “miệng nhà quan có gang, có thép”. Còn miệng nhà nghèo? Chắc là “miệng nhà nghèo bép xép, lôi thôi”!
Chuyện đời là thế đã đành. Chuyện “nhà đạo” cũng không khá hơn. Nói là một chuyện, làm là chuyện khác!
Ở GP Xuân Lộc thấy có linh nọ “chịu khó” đi chúc tuổi mỗi dịp Tết Nguyên Đán, nhưng đi là cốt để nhận những phong bì – càng “nặng” càng… tốt. Suốt khoảng 10 năm, linh mục này đi “chúc tết” như vậy. Linh mục là chủ chăn, bổn phận là quan tâm chăm sóc đoàn chiên, đi chúc tết các gia đình là nhiệm vụ, tạo sự gần gũi và hiểu nhau hơn, vậy mà sao lại “đòi” phải có phong bì? Có những người đã từng phải đóng cửa, tránh né để không phải tiếp người đến chúc tết nhà mình. Chuyện “lạ” thật và… buồn thật!
Cũng tại GP Xuân Lộc, một linh mục khác nói rằng mọi năm đi chúc tết các gia đình thì không nhận lì xì, nhưng năm nay (Nhâm Thìn, 2012) thì “xin được nhận”. Linh mục này nói thêm: “Chúng tôi không nhận cho bản thân, chỉ nhận cho giáo xứ, lý do là giáo xứ còn thiếu khi phải tổ chức thứ này hoặc thứ nọ”. Nói như vậy có điều gì đó vẫn “tiêu cực”. Giáo xứ này thuộc vùng quê, còn nhiều người nghèo, chắc chắn những người nghèo phải “nghĩ ngợi” lắm lắm. Phải chi linh mục này nói thêm rằng quý vị đừng ngại, ít nhiều gì cũng được, không có cũng không sao, cái chính là chúng ta chúc tết nhau, như vậy thì những người “thiếu điều kiện” sẽ đỡ tủi thân hơn. Và chắc rằng đó là điều Chúa muốn, vì “Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” (Mt 14:14), và lần khác, Đức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn” (Mt 15:32). Rõ ràng là Chúa luôn cảm thấy chạnh lòng thương những người nghèo. Thiết tưởng Phúc âm tường trình quá rõ ràng, không cần nói gì thêm!

Đi chúc tết trong 2 ngày (mùng 2 và 3, hoặc mùng 3 và 4), mà số gia đình khoảng gần 2.000 hộ thì thời gian “ngồi đối thoại với nhau” quá ít, thể hiện “nghi thức” cũng hết thời gian rồi!
Tại TGP Saigon, một linh mục mới về nhận xứ mới gần năm nay, linh mục này không đi chúc tết đúng ngày Xuân mà đi trước Tết cả tháng trời, linh mục này đến thăm hỏi và tạo sự thân thiện giữa chủ chăn và đoàn chiên, mỗi tuần đi một khu, nhờ vậy mà thời gian “ngồi đối thoại với nhau” nhiều hơn.
Cũng tại TGP Saigon, một linh mục chưa qua ngũ tuần xây dựng một nhà thờ thuộc loại “nổi bật” với một ý xanh rờn: “Chưa thấy Rôma thì cứ tới đây”. Xây nhà thờ xong thì nợ vài tỷ đồng. Rồi thuê “ca sĩ” về làm show với giá vé 200.000 đồng để “cứu vãn”. Hàng tuần, có những ngày giáo dân phải “nghĩ ngợi” nhiều vì “xin tiền” tới 3 lần: Mỗi giáo dân tới dự lễ đều nhận 1 thư ngỏ, giữa lễ thì có xóc giỏ, sau lễ lại có những người cầm giỏ đứng ở các cửa và cổng để chờ “lòng hảo tâm”. Hết ý! Giáo dân “than phiền” nhiều nhưng… vô ích. Được biết, Tết Nhâm Thìn này, các gia đình cũng “bị” linh mục chính xứ đi chúc tết, và vấn đề chính vẫn là “chuyện lì xì”!
Ngày xưa người ta nói: “Đi chùa tốn gạo, đi đạo tốn công”. Điều đó cho thấy một “thực tế”, vì các thiện nam và tín nữ đi chùa thường có những “thói quen” như làm công quả, bố thí, phát tâm cúng dường Tam Bảo và cúng dường Trai Tăng,… nghĩa là “tốn công và tốn của”. Nhưng “đi đạo”, ý nói theo đạo Công giáo, chỉ tốn công sức (dự lễ, xưng tội, đọc kinh, cầu nguyện…). Tuy nhiên, ngày nay không còn “thuần túy” như vậy vì nhiều lý do “thực tế”! Ngày xưa, khi Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình (TGP Saigon) còn sống, ngài đã có thư chung nói về việc “xây dựng nhà thờ”.
Người viết không có ý “bới bèo ra bọ” hoặc “vạch lá tìm sâu”, cũng không có ý tiêu cực mà có ý tích cực xây dựng. Theo lẽ thường thì niềm vui người ta không nhớ lâu, thậm chí là dễ quên, nhưng nỗi buồn thì luôn làm người ta nhớ rất lâu. Thật vậy, khi cơ thể bạn bình thường, không hề thấy gì “khó chịu”, nhưng khi bạn bị một vết thương, dù nhỏ như đạp gai, bạn rất dễ nhận thấy “cái đau”.
Theo thánh Phaolô, chúng ta đều là những người “từ cõi chết trở về”, chẳng ai hơn ai: “Anh em đừng dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ cho tội lỗi nữa. Trái lại, anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa” (Rm 6:13).

* Thơ chào Xuân Nhâm Thìn

Kha Đông Anh

NGHE TIN XUÂN
Nghe tin Xuân vừa sang
Lòng thấy vui rộn ràng
Ánh thiều quang chói lọi
Mà thắm đẹp dịu dàng

Gió ru mây lưng trời
Theo nắng lên rạng ngời
Lòng người vui phơi phới
Chào mùa Xuân thắm tươi

Chim tung cánh ngang trời
Nhạc Xuân vang khắp nơi
Chúa Xuân – nguồn vui mới
Là mùa Xuân muôn đời

Ngày tháng trên trần gian
Mong chờ Xuân Thiên Đàng
Long chân thành tha thiết
Cảm tạ muôn Thiên ân


LỘC XUÂN

Mùa Xuân về đây
Tình Xuân nồng say
Lộc non xanh biếc
Mùa Xuân đầy ngày

Tạ ơn Thiên Chúa
Thương suốt tháng năm
Hồng ân chan chứa
Lộc Xuân Chúa ban

Xin thương bình an
Cho đời mừng Xuân
Luôn luôn tín thác
Tình Chúa vô biên

Xin cho Cha Mẹ
Hưởng trọn mùa Xuân
Gia đình vui vẻ
Thắm nghĩa tình thân

Xin Chúa nhân từ
Ban mùa bội thu
An tâm sống đạo
Làm rạng Danh Cha


GIAO THỪA

Vang vang khúc hát giao thừa
Báo mùa Xuân mới cũng vừa về đây
Cõi lòng rộn rã ngất ngây
Đoàn con bên Chúa phút giây giao thừa
Kính dâng tình mến thiết tha
Gọi là Của Lễ đầu mùa Xuân vui
Giờ đây năm cũ qua rồi
Và năm mới đã lên ngôi trị vì
Rắc gieo những hạt thi ca
Là Hồng ân Chúa bao la muôn đời
Xin thương tha thứ tội đời
Để hồn thanh thản khoảng trời bình an


HỎI XUÂN

Sâu vào trời trăng khuyết
Chưa tròn mà gọi Xuân?
Ngày cuối năm chưa hết
Sao tính là Tết luôn?

Ai bày ra ngày Tết
Để lòng người mong Xuân?
Niềm vui là có thật
Và kể cả nỗi buồn!

Đêm ba mươi – trừ tịch
Tống cựu để nghinh tân
Dù Tết già hay trẻ
Thì cũng vẫn là Xuân

Ngồi chờ mong lặng lẽ
Ước mơ đầy khát khao
Phút giao thừa kỳ lạ
Rạo rực niềm thương yêu.

* Cậu Đồ Nho

TS.Lê Đình Thông

Năm nay đào nở rộ,
Có một cậu đồ nho.
Bày mực tàu cuối phố,
Dáng thanh tao học trò.

Chữ ‘‘Thụ Nhân’’ tâm bút,
Viết từ tấm lòng son.
Bàn tay nhỏ tí chút,
Múa bút cả càn khôn.

Chữ thảo là phượng múa,
Nét xổ như rồng bay.
Đồi Năng Tĩnh nắng lụa,
Núi Kiêm Ái chân mây.

Tết Nhâm Thìn 2012
TS.Lê Đình Thông

Cậu Đồ Nho (đeo huy hiệu Thụ Nhân)
qua ống kính Chung Thế Hùng

* Minh niên khai bút

Jos. Tú Nạc
Minh niên khai bút, bút khai tâm,

Thiên địa giao hòa, tâm hòa trí, 

Bất vi bản ngã, trí vong tâm,

Phục Đức Chí Nhân khắc thiện tâm.

Xuân Nhâm Thìn 2012

* Anh Hùng vọng nguyệt


Anh Hùng độc lập ( Huy chấn sơn hà )
Anh Hùng vọng nguyệt
Anh Hùng tương ngộ
Mã đáo thành công ( bát mã )

* Một ngày cuối năm…

Nguyễn Hồng Phúc
Sóc Trăng quê tôi không có chợ hoa nườm nượp đông nghẹt người như chợ hoa Nguyễn Huệ Sài Gòn, nhưng tôi vẫn thích đi ngắm hoa cắm trong chùa ngày 30 tết. Cắm hoa trong chùa từ lâu đã trở thành một thói quen phong nhã. Các thầy ra chợ mua những bông hoa đẹp nhất, kết hợp với vườn hoa sẵn trong chùa để cắm nên những bình hoa đẹp và mang đầy ý nghĩa. Tôi vẫn nhớ sáng 29 tháng chạp, các sư thầy đạp xe đạp chầm chậm xuống phố, chọn nhiều hoa như hoa mai, hoa cúc, huệ, những bông tươi nhất, đẹp nhất còn đọng đầy sương mai trên lá, ưu tiên đem về chùa làm quà dâng lên đức Phật. Rửa sạch hoa, ngắt đi những lá xấu, các sư thầy bắt đầu cắm vào hàng chục bình hoa bằng sứ và đồng. Trong cách cắm tính đối xứng đặt lên hàng đầu. Sang nhất là cắm một nhánh hoa mai làm cành chủ. Lúc cắm phải phối hợp màu theo nguyên tắc: cành thấp màu tối, cành cao nhẹ để thấy được sự thanh thoát. Nguồn hoa dâng lên bàn thờ Phật, chính là sự dâng tâm nguyện của mình lên Phật…Khi ngắm nhìn những bình hoa đẹp tuyệt vời tôi thắc mắc hỏi một sư trụ chì cái ý nghĩa xâu xa của nghệ thuật cắm hoa đẹp thì sư trả lời rằng “sự cắm hoa lên bàn Phật không cần hoa đẹp, chỉ làm sao cho bình hoa tươm tất, thể hiện lòng thành của mình. Tương tự với gia đình, dù con khôn lớn đi đâu nhưng khi nghĩ về gia đình, khi cho cha mẹ một thứ gì đó thì quan trọng nhất là cách cho. Như một người con nghèo có hiếu thuận – dù chỉ cho cha mẹ một chén cơm nhưng với tất cả tấm lòng thì còn hơn gấp trăm lần người con giàu cho cha mẹ ở nhà lầu, đi xe hơi nhưng vô lễ, mắng nhiếc cha mẹ…”.
Bước vào bất cứ nhà miền quê nào trong thời điểm cuối năm, cũng có thể nhận thấy ngay không khí chuẩn bị Tết nhộn nhịp, từ việc mua sắm, may mặc đến việc trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, cỗ bàn, đón tiếp. Tôi còn nhớ tết năm xưa nhà cửa tươm tất, giấy đỏ dán đầy nhà, lư đồng bóng nhoáng. Má và bà Nội tôi nhổ lông và làm gà để nguyên đầu và chân gà để trên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên với 2 quả dưa hấu trưng trên bàn thờ tổ tiên. Bên Canada chúng tôi kiếm được một con gà còn nguyên chân và đầu để cúng như Việt Nam là một thử thách không nhỏ. Tại các siêu thị thịt gà chủ yếu được bán từng loại như đùi, ngực, lòng, chân, ức…. Gà nguyên con cũng có bán nhưng không có đầu, chân…
Ngày tôi còn nhỏ, cái tết của gia đình được chuẩn bị khá chu đáo. Từ đầu tháng chạp là má tôi mua sắm vài khúc vải để tiện việc may mặc cho các con vào dịp Tết vì bà vẫn sợ nếu chờ quá cận tết thì giá cả sẽ mắc hơn. Ba má tôi không giàu có nhất vùng, nhưng gia đình lại đông con nên cứ chia ra mua sắm dần dà chuẩn bị cho các con hầu kịp hưởng tết với mọi người. Lo xong quần áo con cái thì đã qua giữa tháng chạp. Đấy là lúc mẹ tôi chuẩn bị mua sắm thức ăn thức uống cho 3 ngày tết. Ngày 23 là ngày đưa ông Táo về trời, để gửi thông điệp về đấng tối cao báo cáo tình hình làm ăn và sức khỏe con cái trong năm. Thưở ấy tôi hiểu một cách mù mờ về huyền thoại ông Táo về trời. Lớn lên một chút tôi nghiệm ra rằng người Việt nam mình hơi tin dị đoan.
Ngày 28 tết, má tôi dậy sớm đi chợ mua lá chuối xanh thẫm để gói bánh tét. Đồng thời má tôi cũng sắm sửa thêm những vật dùng cho ngày Tết. Má tôi mua sẵn gà, bánh mứt, trái cây, hương để cúng và biếu họ hàng gần xa. Má tôi vẫn không quên mua vài cành mai để cắm cho những ngày linh thiêng này. Trước tuần lễ Tết chúng tôi thường lau chân đèn hay bộ lư toàn bằng đồng óng ánh. Chúng tôi phải lau cho chúng bóng loáng như sự sáng sủa cho cả năm mới đến. Trước đây má tôi còn mua pháo nhưng ngày nay lặng tiếng pháo cũng bớt đi phần nhộn nhịp vào những ngày Tết. Chúng tôi có một việc nhỏ là mang lá chuối xanh ra ngoài nắng phơi khô rồi xếp từng xấp cẩn thận. Trong khi đó, bà nội tôi lấy mấy bó lạt được ngâm nước rồi chẻ nhỏ thật đều dùng để gói cột bánh tét. Mãi về sau này mỗi khi nhớ về bà nội tôi lại nhớ đến mùi cay của vôi và trầu. Lúc nhỏ, tôi bắt chước bà nhai thử trầu mà tê cả môi cả lưởi. Đêm 29 tết, má và bà nội bận rộn đến nỗi không ngủ được vì công việc làm bánh tét. Chiếc chiếu to được trải ra giữa nhà bếp, nếp được ngâm ngày hôm trước đem ra để ráo lúc chiều. Đậu xanh ngâm kỹ, nắm lại từng nắm cùng với ba rọi ba chỉ được trải lên lớp nếp nằm trên lá chuối. Má và bà nội cẩn thẩn quấn cuộn lại thành cái bánh tét và bỏ vào nồi nước đang đun sôi. Tôi thử gói vài lần nhưng lúc nào cũng bị má sửa và gói lại cho đẹp. Má tôi bảo bánh tét ngon không những nêm nhân vừa miệng mà bề ngoài cần phải trông đẹp mắt. Nồi nấu bánh tét phải là nồi to và cao và lửa phải cháy đều. Ngày xưa chúng tôi đâu có bếp gas hay điện tối tân như ngày nay, nhưng bánh nấu xong rất ngon nhờ lửa củi này. Má tôi dùng bếp than hồng để đun nước xôi và nấu nướng.
Từ 23 đến 30 tháng chạp, gia đình tôi khá bận rộn háo hức về công ăn việc làm. Ba tôi có nhiều khách hàng đến sửa xe hơn. Khách hàng ai cũng muốn xe cộ trong tình trạng tốt để rước nhiều khách ngày đầu năm. Người làm ruộng thì cần xe máy cày khỏe để qua năm mới gặt hái trúng mùa… Riêng phần tôi, ba tôi giao nhiệm vụ đi thâu tiền thiếu của khách hàng cuối năm và nhân trả tiền cho chủ nợ. Việc trả nợ cuối năm là việc làm tôi thích nhất vì cách đối xử khác hơn lúc đòi tiền, thí dụ cậu Tổng chở tôi bằng xe Honda đến tiệm Kiều Lý ở đường giữa Sóc Trăng để trả tiền mà bà chủ là người ăn nói nhẹ nhàng tính tình dễ chịu mỗi khi gặp bà để trả tiền hay hẹn nợ, nhưng trả nợ thì ít mà việc đi đòi tiền khách hàng thì nhiều vì đa số là họ hàng, hàng xóm quen thuộc lại làm cho việc đòi nợ khó khăn hơn. Mấy bác khách hàng của cha tôi như bác tư Trọng, bác bảy Bình chủ tiệm cây xăng Shell cận cầu bon, củ Ấu ở đằng sau rạp Nhị Trưng, tiệm uốn tóc Mỹ Châu, dượng bảy Sên lái xe Lambretta quảng cáo rạp Hòa An và đa số chủ ruộng có máy cày ở Bải Xàu và Vũng Thơm…
Đến ngày 30 tết, là ngày vui nhất. Ngày này, ngoại trừ có vài năm nhân viên trong xưởng phải làm việc cực nhọc đến chiều tối vì ba tôi chìu khách hàng theo lời yêu cầu của họ để hoàn thành công việc giao xe cho kịp tết, các anh nhân viên làm việc phải ngừng tay để lo quét dọn nhà cửa sạch sẽ trước khi được phát lương về quê ăn tết. Nhìn thấy đám thợ hiện rõ nét vui vẻ trên khuôn mặt khi nhận lương cuối năm lòng tôi cảm thấy hớn hở vui lây khi cầm bó tiền giao cho từng người. Vì tôi biết chắc rằng ai cũng cần đến để chuẩn bị sắm sửa cho ba ngày tết. Mọi việc hoàn tất khi chiều vừa tắt nắng. Bà nội tôi trưng bày mấy cây mai trong phòng khách và trước cửa nhà trông tươm tất và sạch sẽ hơn những ngày thường vì nhà chúng tôi là một xưởng sửa chữa xe cộ và máy cày. Sau khi kiểm soát tất cả đồ đạc trang trí xong, bà Nội dọn mâm cơm cúng ông bà tổ tiên. Năm nào cũng vậy ở giữa chiếc bàn tròn chiễm chệ một con gà trống luộc vàng rói chung quanh là những món xào và hai quả dưa với nhảng đỏ. Kết thúc bữa cúng, đợi cho hương tàn ba tôi đóng cổng nhà và không tiếp khách nữa. Bữa chiều hôm đó nhà tôi không dọn cơm. Ai đói bụng thì dùng tạm chén cơm nhẹ đơn sơ để chờ đến giao thừa.
Ngoài đường, hàng xóm lác đác vài người đi chùa, nhà nhà đều đóng cổng, ở đâu cũng chỉ thấy các bàn thờ với hương thơm nồng nàn. 15 phút trước giao thừa, ba tôi đánh thức cả nhà dậy để cúng lễ ông bà. Bọn nhỏ như chúng tôi mắt mờ mắt nhắm không muốn thức dậy nửa đêm. Nhưng khi nghe lớp đớp vài tiếng pháo của hàng xóm đốt vội làm cả lũ tỉnh táo hơn. Mẹ tôi và bà Nội đã sửa soạn trà nước và rượu để cúng vái ông bà. Bữa cơm giao thừa bắt đầu lúc nữa đêm. Mọi người nâng ly chúc mừng ông bà, khấn vái cầu xin ông bà tổ tiên giúp con cháu dồi dào sức khỏe và làm ăm khấm khá năm mới. Ba tôi tranh thủ kể chuyện làm ăn trong năm, ôn lại chuyện cũ, ông cũng nhân lúc có mặt đông đủ anh em và gia đình để giáo dục con cái….
Chúng tôi xa quê hương gần 40 năm, tục lễ và cúng giao thừa đã bị đưa vào quên lãng. Ngày nào cũng như ngày nào chúng tôi phải lo làm ăn tất bật nơi xứ người không còn thì giờ để nghĩ đến phong tục cúng lễ giao thừa. Họa chăng, chúng tôi thắp vài cây nhang và đặt vài mâm trái cây để nhớ đến ông bà và tổ tiên. Con cái chúng tôi lớn lên ở hải ngoại cũng không hiểu tục lệ giao thừa là gì nữa, chúng chỉ hiểu mang máng là year end celebration mà thôi….
Xuân năm nay tôi hớn hở thu xếp trở về Việt Nam để hưởng xuân con Rồng nơi quê cha đất tổ, hầu được nhìn lại phong tục giao thừa như lúc thiếu thời.
Má tôi cũng đi chợ sắm sửa may mặc nhưng cho các cháu, cũng mua bánh tét và trái cây để cúng ông bà chứ bà không còn sức để tự làm với bà nội nữa.
Đêm 30 năm nay, không còn tiếng pháo rộn rã như những năm xưa. Họa may chỉ còn nhìn lên truyền hình xem họ bắng pháo bông và ca hát. Tiếng hát mừng xuân thì cũng là những bài ca quen thuộc như năm nào. Ngoài đường phố Sóc Trăng tiếng xe gắn máy ồn ào làm mất vẻ thanh tỉnh của những đêm 30 ngày xưa.
Nhưng có điều lần giao thừa này chúng tôi không còn nghe ba ôn lại chuyện vui buồn của công ăn việc làm trong năm, không còn bà Nội để lo cắm mấy cây mai và lau chùi đánh bóng lư đồng nữa. Các bác bà con xa gần và bạn bè hàng xóm kể cả ba tôi, đa số đã ra đi vĩnh viễn hoặc sống lụm khụm già nua ở một phương trời nào đó. Tôi cũng không còn có dịp đi đòi tiền hay trả nợ các khách hàng của ba tôi vào cuối năm nữa.
Tất cả đã qua đi như quá khứ. Riêng tôi trở về đây cúng giao thừa với mẹ già, vài đứa em và các cháu nhưng lần này cúng giao thừa cũng là lúc làm tôi nhớ lại những kỷ niệm đẹp và công ơn của cha tôi và cũng như các bác các chú. Hình như nước mắt tôi đã rơi xuống ly rượu từ lúc nào không hay…
Nguyễn Hồng Phúc
Mùa xuân 2012