Saturday, September 24, 2011


Trang sưu tầm

KHOA HỌC KỶ THUẬT NGÀY NAY

http://ue.vnweblogs.com/gallery/18513/HV_01.gif

Đức chạy thử ô tô "có thể... nói, nhìn và tự lái

Ô tô có thể nói, nhìn và tự lái – Đó là loại ô tô của tương lai được điều khiển hoàn toàn bằng máy tính, đang được chạy thử nghiệm trên đường phố Berlin (Đức).

Trong suốt mùa hè vừa qua, các nhà nghiên cứu của trường Đại học Free ở Berlin (Đức) đã cho loại xe này chạy thử nghiệm quanh Berlin. Ô tô lưu thông trên đường phố nhờ sử dụng hàng loạt các thiết bị phức tạp, trong đó có: máy tính, thiết bị điện tử, hệ thống vệ tinh định vị chính xác lắp trên thân xe, camera phía trước, máy quét tia laze trên nóc xe, xung quanh đằng trước và sau.

Chạy xe không cần chạm tay vào vô lăng
Chạy xe không cần chạm tay vào vô lăng

Raul Rojas, người đứng đầu nhóm nghiên cứu về thông minh nhân tạo của trường Đại học Free cho biết: “Ô tô có thể nhận ra đường đi, vỉa hè, nhà cửa và cây cối trong tầm cao 70m. Nó có thể phản ứng đúng với đèn xanh đèn đỏ ở phía trước. Ô tô này có thể nhận biết và phản ứng với môi trường của nó còn nhanh hơn con người”.

Chiếc ô tô đang được nghiên cứu là chiếc Volkswagen Passat, trị giá 551.800 USD, được thiết kế dựa vào công nghệ đặc biệt trong suốt 4 năm.

Một số nhóm nghiên cứu khác cũng đang thử nghiệm công nghệ mới này. Đáng chú ý nhất là Google cho chạy thử nghiệm chiếc Toyota Prius tự động ở Nevada (Mỹ).

Giáo sư Ferdinand Dudenhoeffer chuyên ngành kinh tế tự động của trường Đại học Duisburg-Essen nói: “Ô tô điều khiển bằng máy tính là một xu hướng phát triển lớn của các hãng xe và trung tâm nghiên cứu ở một số nước đang thực hiện. Vào lúc này, khó có thể nói được ai có đươc chiếc xe hoàn hảo nhất. Với sự tiến bộ công nghệ, chỉ sau khoảng 10 năm nữa là có ô tô hoàn toàn tự động sẽ được bán ra thị trường. Hiện nay đã có ô tô bán tự động khi cần đỗ hay phanh khẩn cấp”.

Tuy nhiên ông cũng băn khoăn vấn đề là ai sẽ chịu trách nhiệm khi xảy ra tai nạn: chủ xe? người qua đường? hay nhà sản xuất? 

Thìa điện tử có thể đo nồng độ muối của thức ăn

Hãng Compact Impact vừa tung ra một sản phẩm mới rất hữu ích, giúp mọi người không phải ăn những món súp, nước chấm hay nước xốt bị cho muối quá đà.
Thìa điện tử có thể đo nồng độ muối của thức ăn

Sản phẩm đó là chiếc thìa điện tử có tên Salinity Monitor Spoon, có khả năng đo nồng độ muối của dung dịch thức ăn ở nhiệt độ khoảng 60-80 độ C.

Salinity Monitor Spoon có 3 mức đo nồng độ muối: 0,6-0,8%, 0,9-1,1%, và mức “siêu mặn” 1,2% trở lên.

Nhờ có chiếc thìa hữu ích này mà người dùng sẽ xác định được món ăn đó có phù hợp với mình hay không, tùy vào thể trạng bình thường, cần bổ sung muối hay kiêng muối.

Blogger Inventor Spot chia sẻ về Salinity Monitor Spoon: “Những người bị huyết áp cao thường phải giảm lượng muối trong đồ ăn hàng ngày. Tuy nhiên, rất nhiều người già đã bị giảm khả năng cảm nhận món ăn, nên họ khó có thể lựa chọn chính xác món nào nhạt phù hợp với mình. Do vậy, Salinity Monitor Spoon sẽ là công cụ rất hữu ích.”

Hiện nay, mọi người có thể đặt mua chiếc thìa điện tử trên tại website của hãng Compact Impact với giá 64 USD.

Robot cũng có thể viết báo

Trí tuệ nhân tạo, được gọi một cách bóng bảy là robot-viết lách (robot-writer) đã học được cách viết những bài tường thuật và nhận xét ngắn trên cơ sở các sô liệu thống kê.

“Đúng như người ta chờ đợi, đội Wisconsin đang trên đường tiến đến đích cuối sau khi đã thắng áp đảo với tỷ số 51-10 trong vòng tứ kết. Wisconsin đang dẫn đầu kể từ khi vận động viên Russel Wilson ném thành công quá bóng cách rổ 8 yard lúc ở tỷ số 44-3”. Một đoạn tường thuật nghe cũng “được” đấy chứ! Có điều, đây là đoạn không phải do phóng viên viết mà trí khôn nhân tạo của công ty Narrative Science “sáng tác” trong nửa phút khi đưa vào nó một vài dữ liệu.

Hiện nay trí tuệ nhân tạo đã có thể viết những báo cáo hoặc bài viết đơn giản.
Hiện nay trí tuệ nhân tạo đã có thể viết những báo cáo hoặc bài viết đơn giản.

Một chương trình “thông minh” đã được bán ra thị trường, dùng để xử lý các số liệu thống kê ví dụ như bảng thi đấu thể thao, quyết toán tài chính hoặc tính toán nguyên vật liệu cho một công trình xây dựng, biến những con số khô khan và những từ khoá thành các bản giải trình và báo cáo ngắn.

Trong nhiều năm qua, các chuyên viên lập trình đã thử nghiệm những chương trình để thay thế những “nhân viên - người”, sắp xếp số liệu và làm thành những bản text theo những khuôn mẫu sẵn có, để người đọc có thể theo dõi tư liệu một cách có hệ thống.

“Robot-viết lách” của công ty

đã được nghiên cứu trong 10 năm là một sản phẩm được coi là hoàn thiện nhất của họ. Chúng hoàn toàn có thể thay thế người trong việc soạn thảo văn bản đơn giản.

Chương trình Narrative Science сòn có khả năng rút ra các kết luận, hay ít ra nhận xét từ các số liệu, có thể gây bất ngờ đối với người có tư duy cũ kỹ hoặc các nhân viên kém chuyên môn.

Hiện nay, trí thông minh nhân tạo được nhà quản trị một số trang trên mạng sử dụng để tự động xuất bản những tin tức thời sự về thể thao và thị trường bất động sản. Chi phí sử dụng robot-viết lách rẻ hơn nhiều so với dùng người để làm những công việc này. Chẳng hạn “viết" những bản tin chừng 500 chữ để đưa lên mạng chỉ mất không đến 10 đôla.

Tuy nhiên “robot-viết lách” hiện nay vẫn còn quá thô sơ, không viết được những bài phức tạp, đòi hỏi phải tổng hợp nhiều thông tin từ các nguồn khác nhau, phỏng vấn và phân tích. Thế nhưng, các ông chủ của những công ty truyền thông lớn nhận định: Robot-viết lách đang liên tục được cải tiến và sẽ được sử dụng rộng rãi không phải trong những bài cần sự phân tích sắc sảo mà trong các bản tin thể thao, giải trí thương mại (nhất là thông báo về giá cả, mua-bán…). Những chuyên mục nào không đòi hỏi phải có những bài viết của các chuyên gia giỏi thì vẫn có thể yên tâm giao cho trí thông minh nhân tạo với tên thường gọi là robot-viết lách.

Siêu vật liệu từ tơ nhện, da người

Một nhà sinh học tế bào và một nghệ sĩ người Hà Lan đã tạo ra một loại tơ tổng hợp từ tơ nhện và da người có khả năng làm giảm sức xuyên phá của đạn súng trường xuống còn một nửa.

Nhà sinh học tế bào Abdoelwaheb El Ghalbzouri cho biết tơ nhện chắc gấp 3 lần vật liệu Kevlar dùng làm áo chống đạn. Nếu áo chống đạn làm từ 33 lớp Kevlar thì với tơ nhện chỉ cần 3 lớp là đủ.

Siêu vật liệu từ tơ nhện, da người

Ngoài ra, ông Abdoelwaheb El Ghalbzouri và nghệ sĩ Jalila Essaïdi cho biết việc tích hợp tơ nhện vào vết phỏng sẽ thúc đẩy quá trình lên da non và ít có sẹo, rất có ích cho bệnh nhân bị phỏng.

Bà Jalila Essaïdi nói: “Hỗn hợp giữa tơ nhện và da người này cứng cáp và khỏe hơn so với da người. Các lớp tơ nhện lồng ghép với da cho phép tạo ra những lớp mô lớn hơn”.

Theo hãng tin Reuters, tơ nhện cũng có khả năng đẩy mạnh việc tái tạo xương, sụn và dây chằng bên cạnh một số ứng dụng như dùng làm chỉ khâu phẫu thuật nhờ vào tính đàn hồi và độ dẻo dai của nó.
Trong khi đó, nhà hóa học người Đức Thomas Scheibel cũng đang phát triển một loại tơ nhện tổng hợp dùng chế tạo ra loại kem phủ lên bề mặt da khi cấy ghép, sử dụng trong dệt may và phụ tùng ô tô.
Ông Scheibel nhận xét: “Tơ nhện không những dẻo hơn cao su mà còn bền hơn thép”. Thách thức lớn nhất hiện nay là việc thương mại hóa sáng chế này vì khó lòng có thể đạt giá thành thấp như sợi ni lông.

Găng tay robot giúp phục hồi chức năng

Những bệnh nhân gặp khó khăn trong việc cử động ngón tay sau khi bị tai nạn hoặc đột quỵ sẽ sớm nhận được sự giúp đỡ từ một găng tay robot được phát triển bởi các kỹ sư Ý.

Găng tay Gloreha nói trên có thể hoạt động nhờ vào một loạt xi-lanh hơi nằm dọc theo găng tay. Thiết kế này cho phép thiết bị gây sức ép nhỏ lên trên bàn tay để hướng dẫn nó cử động trong quá trình luyện tập.

Găng tay robot giúp phục hồi chức năng

Ngoài ra, người đeo găng tay Gloreha còn có thể tự cử động bàn tay để tái tạo những cử chỉ như cầm nắm, chỉ trỏ… Những bộ cảm biến điện tử trong găng được gắn kết với phần mềm cho phép người sử dụng thấy được cử động của một bàn tay ảo 3 chiều trên màn hình máy tính. Bệnh nhân sẽ làm theo những cử động của bàn tay ảo này trong nhiều bài luyện tập khác nhau.

Găng tay Gloreha là thành quả của công trình kéo dài 3 năm do Công ty Idrogenet và các nhà nghiên cứu tại Đại học Brescia hợp tác tiến hành. Đã có 3 nguyên mẫu của chiếc găng tay được phát triển. Trong số này, phiên bản mới nhất đã được thử nghiệm trên 40 bệnh nhân tại 3 bệnh viện ở Ý từ tháng 11-2010 đến tháng 4-2011. Ông Carlo Seneci, Chủ tịch Công ty Idrogenet, cho báo Daily Mail (Anh) biết: “Găng tay Gloreha được dùng trong các phiên trị liệu kéo dài nửa giờ và mỗi ngày có từ 1 đến 2 phiên trị liệu như thế. Chúng tôi nhận thấy có sự cải thiện trong cử động của bàn tay và sự thuyên giảm của chứng phù”.

Theo ông Seneci, nhiều bệnh viện và trung tâm phục hồi chức năng ở Ý đã đặt mua loại găng tay nói trên. Ngoài ra, Công ty Idrogenet cho biết sẽ phát triển một phiên bản găng tay Gloreha đơn giản hơn để bệnh nhân có thể sử dụng ở nhà.

No comments:

Post a Comment