NGUYÊN NHÂN VÀ HỆ QUẢ(*)
Một nửa, nửa phía Nam của Việt Nam ngày nay, đất của Champa cũ, hình thành và nhất thống được, là do hai cuộc di dân để giữ biên ải phía nam nước Đại Việt, nhưng nguyên nhân sâu xa thì khác nhau và tạo hệ quả khác nhau...
- Cuộc di dân năm 1306 theo Huyền Trân công chúa vào Ô Lý, chỉ để giữ một cống phẩm và trở thành Thuận Hóa của Đại Việt, mục đích để thông hiếu với Champa anh em...
- Nhưng cuộc di dân vào Thuận Hóa năm 1558 của Thái tổ Nguyễn Hoàng, sự ly khai của một dòng họ, mục đích là tìm tự do “thái bình” cho mình, mà từ đó cát cứ, hình thành nên tư tưởng lớn... Nam tiến tạo nên một Đàng Trong - Nam Việt, rồi... nhất thống với Đàng Ngoài để thành Việt Nam ngày nay !
Do những yếu tố khách quan của địa lý tự nhiên của xứ Đàng Trong, và những ảnh hưởng của địa - chính trị, địa - văn hóa, địa - kinh tế đã tạo nơi này thành một vùng tự do thương mại mới lạ mà trong luận án tiến sĩ của mình, Li Tana đã nhận xét : “Tiền tệ và buôn bán quả là thiết yếu với sự tồn tại, chưa nói đến phát triển, của vùng đất này… làm cho Đàng Trong khác với bất cứ xã hội Việt Nam nào khác trong lịch sử”(1). Trong quyển Lịch sử tiền tệ Việt Nam (sơ truy & lược khảo)(2), (hoặc trên Nghiên Cứu Huế tập 3,4,7) tôi đã có một số khảo luận về tiền tệ xứ Đàng Trong như “Tiền Thái Bình của chúa Nguyễn”, “Những nhận định về tiền đồng đỏ thời chúa Nguyễn”, “Những nhận định về Họ Mạc đúc tiền?”, “Những nhận định về tiền kẽm thời chúa Nguyễn”… Đây là những dòng tiền chính thức do chúa cho đúc trên lãnh thổ của mình. Nhưng ngoài ra, cũng có nhiều dòng tiền được đúc ở các quốc gia khác, song lại được chúa cho sử dụng, tạo nên một chính sách tiền tệ rất cần được đi sâu tìm hiểu…
* NHU CẦU NẨY SINH NHU CẦU…
Giữa thế kỷ XVI, do những yếu tố chính trị lịch sử, sự tìm kiếm “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” của dòng họ Nguyễn, đã đem chất Việt từ Bắc vô Nam rồi phối hợp với văn hoá bản địa cùng với nền kinh tế hàng hóa phương Tây nhập vào, tiếp biến nên một Đàng Trong với một cơ chế “kinh tế thị trường”…; và lúc lâm chung, Thái Tổ đã dạy hoàng tử thứ 6 (tức chúa Sãi - Nguyễn Phúc Nguyên) những lời sau: “-Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang [Hoành Sơn] và sông Gianh [Linh Giang] hiểm trở, ... thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi lại với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta”(3). Và những lời di huấn này đã được các chúa đời sau thực hiện bằng những cuộc phân tranh “-Ta không thụ sắc!” cho đến năm 1672 mới tạm ngưng…
Trong hoàn cảnh chiến tranh đó, lại thêm do “hai xứ Quảng Nam, Thuận Hóa không có mỏ đồng”(4), nên các chúa Nguyễn rất cần nguyên liệu đồng ngoại nhập để đúc súng đạn chống lại Đàng Ngoài, là một vấn đề rất thiết yếu:
- Chúa Nguyễn gởi 5000 kati (3000 ký) đồng sang Macao và nhờ người Bồ Đào Nha đúc đại bác cho chúa(5).
- “Nhà vua [tức chúa Nguyễn] có 1200 khẩu đại bác, tất cả đều bằng đồng, trong số này người ta thấy có nhiều khẩu có kích thước khác nhau, mang huy hiệu của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, nhưng đặc biệt, có 4 khẩu đại bác nặng, dài khoảng 6 mét, mang huy hiệu Đàng Trong, trông thật đẹp”(6).
Mặt khác, sự hình thành các đô thị nói chung và thủ phủ của Đàng Trong nói riêng, phải bắt đầu từ sự hội cư rồi phát triển dần các yếu tố liên quan đến cuộc sống, mà sự phát triển kinh tế là yếu tố quan trọng hàng đầu; và trong bối cảnh kinh tế hàng hóa đó, không thể không sử dụng tiền tệ. Vì thế, Li Tana đã cho biết thêm: “Các trang tả việc chuẩn bị chiến tranh trong Tiền Biên, thư từ gởi cho chính phủ Nhật Bản hay các văn kiện về mối quan hệ giữa các chúa Nguyễn với Macao… tất cả đều để lộ mối bận tâm chính yếu của họ Nguyễn là tiền và khí giới. Nhu cầu cấp bách của họ Nguyễn về khí giới đã trực tiếp kích thích nền ngoại thương của Đàng Trong…”(7).
Một vài ghi chép của lịch sử dưới đây, cho thấy đồng tiền đã được sử dụng ngay từ thời chúa Tiên: “(Năm 1572) Bấy giờ chúa ở trấn hơn 10 năm, chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nhân dân đều yên cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp. Thuyền buôn các nước đến nhiều. Trấn trở nên một nơi đô hội lớn”(8). Và “(1608) được mùa to, mỗi đấu gạo giá 3 đồng tiền”(9).
Thật ra, ở vùng biên viễn phía Nam này, không phải đến thời này mới có sử dụng tiền, mà ngay từ thời Trần cũng đã có... Theo tôi, thương cảng cổ Thanh Hà ở Thừa Thiên - Huế, cửa ngõ quan trọng nhất để phát triển đô thị Phú Xuân, nhiều nhà nghiên cứu đã dựa vào văn bản để cho rằng được hình thành năm 1636(10), nhưng e chưa được đúng!, mà phải hình thành sớm hơn, tức khoảng thời Trần. Bởi quan sát về địa lý, thương cảng này rất gần thành cổ Hóa Châu, chỉ cách một con sông; trong khi có quân đội giữ thành Hóa Châu, “dinh (doanh trại)” thì phải có “thị (chợ đò mua bán)” để phục vụ! Tuy rằng thời Trần không có xưởng đúc tiền tại Hóa Châu để quân đội ở đây dùng, nhưng sự giao thương hằng ngày buộc phải đem theo tiền triều đình để sử dụng(11).
Và cũng thực tế, trước khi chúa Nguyễn vào Nam, Thuận Hóa là một vùng đất xa xôi của triều Mạc nên đã có lưu hành các loại tiền của triều Mạc cùng các loại tiền thời trước. Tôi đã gặp nhiều lô tiền đào được, trong đó có các hiệu tiền Trung Quốc thời Đường - Tống - Nguyên - Minh và tiền Việt Nam từ thời Lê - Thuận Thiên (1428-1433) đến Mạc - Quảng Hoà (1541-1546) nhưng không có đồng tiền nào của Lê trung hưng, như vậy lô tiền này được chôn rất gần sau năm 1541. Vấn đề đúc tiền và sử dụng tiền ở giai đoạn từ Trần đến Lê - Mạc chỉ ở hình thức đơn giản như hóa tệ trung gian trao đổi, mỗi đồng tiền ăn 1 đồng, chưa có sự đột biến về mệnh giá đồng tiền cũng như chưa có nhiều chủng loại tiền tệ.
Đến khi Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, đã cho đúc các loại tiền Thái Bình(12), đồng thời sử dụng các loại tiền của Lê trung hưng mang theo cùng các loại tiền mang niên hiệu của Trung Quốc. Tôi cũng đã gặp một lô tiền khác, phần lớn là các hiệu tiền Trung Quốc thời Đường - Tống - Nguyên - Minh, còn tiền Việt Nam chỉ có các loại Thái Bình của chúa Tiên cùng 3 đồng tiền Nguyên Hòa Thông Bảo của Lê Trang Tông (1533-1548) và một đồng Gia Thái Thông Bảo của Lê Thế Tông (1573-1577). Như vậy, tuy đóng đô ở Trà Bát, nhưng các đồng tiền của chúa Tiên và của Lê trung hưng cũng đã lăn đến vùng đất mà Alexandre de Rhodes gọi là “kẻ Huế”, và chúng được chôn không xa vào những năm sau 1573.
Tuy kể ra một vài điều như vậy, nhưng sự thật, vai trò đồng tiền ở đây, một nơi không có mỏ đồng để đúc, còn quan trọng hơn chúng ta tưởng. Cứ xem bài thơ “Thuận Hoá vãn thị” do Minh vương Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) làm và viết trên đồ sứ ngự chế, trong đó có câu: “Thời cô bạch tửu năng diên khách / Nhật dụng thanh tiền khước tiện dân”(13), hàm ý thời ấy chúa đúc ra tiền bằng đồng thau (thanh tiền) là một việc giúp cho dân tiện lợi khi sử dụng hằng ngày…
* DỊCH VỤ BUÔN TIỀN…
Đọc các công trình nghiên cứu về kinh tế ngoại thương ta được biết từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVI, người Nhật đã nhập tiền Vĩnh Lạc Thông Bảo từ Trung Quốc để sử dụng; nhưng đến năm 1608, chính quyền Nhật cấm các loại tiền này để dần chuẩn hóa tiền nước mình; và đây là cơ hội để các thương gia Nhật đem các loại tiền cũ này xuống bán cho Đàng Trong mà người Hà Lan gọi là “món hàng có lời nhất”(14).
-“Tiền đồng này là một món hàng nhập cảng được đòi hỏi nhiều nhất ở Đàng Trong... Những lái Nhật thật là những tay cạnh tranh đáng sợ. Những tiền đồng họ mang ở Nhật sang, bao giờ họ cũng bán lại cho những kiều dân Nhật ở Faifoo (Hội An)... ”(15).
-“Thuyền Nhật... đổi hàng ở Trung Quốc... nhất là đồng... các thuyền mua (đem đến Đàng Trong) từ Quảng Đông: tiền đúc được lãi rất nhiều... ”(16).
-Tháng giêng năm 1637, lái Hà Lan đã mang đến cửa Hàn (Tourane - Đà Nẵng) 13.500.000 đồng zènes (tiền đồng của Nhật)(17).
-Ngoài người Hà Lan ra, người Trung Quốc cũng đem đến Đàng Trong một số lượng lớn tiền kim loại Nhật. Chẳng hạn vào tháng 9/1637, 4 chiếc thuyền của người Hoa chở từ Nhật tới Đàng Trong... 2 triệu zènes(18).
Ở trên, chúng ta thấy ban đầu, các chúa Đàng Trong mua tiền đồng cũ này chủ yếu để đúc súng chống lại Đàng Ngoài. Nhưng trong một môi trường của nền kinh tế hàng hóa, những loại tiền này lại trở thành nhu cầu sử dụng hóa tệ ngày càng tăng. Và dịch vụ buôn tiền này rất xôn xao…
Một nhân chứng thời đó là Christophoro Borri, một người châu Âu đến Đàng Trong năm 1621 cho biết: “Người Tàu và người Nhật là những người làm thương mại chính yếu ở xứ Đàng Trong”(19). Theo thống kê số lượng thuyền có cấp giấy phép châu ấn, do chính quyền Nhật cấp cho các thuyền buôn Nhật Bản xuống Đông Nam Á, trong 30 năm (1604-1635) gồm 356 thuyền, thì trong đó có 87 thuyền đến Đàng Trong, chiếm tỉ lệ cao nhất(20). Ngược lại, thuyền buôn của thương gia Hoa kiều vùng Đông Nam Á đến Nhật Bản từ năm 1647 đến 1720, theo thống kê của Iwao Seiichi, có 663 chiếc, trong đó có đến 203 chiếc xuất phát từ Đàng Trong, cũng chiếm tỉ lệ cao nhất(21). Chúng ta không thể biết hết số lượng tiền đúc được buôn đến Đàng Trong là bao nhiêu đồng, nhưng chỉ riêng Verenigde Oostindische Compagnie (VOC: Công ty Đông Ấn - Hà Lan), trong 5 năm (từ 1633 đến 1638), đã chở đến Đàng Trong trên 100 triệu đồng tiền(22), là một khối lượng rất lớn.
Thế nhưng, mãi đến năm 1688 ở Đàng Trong vẫn thiếu khối lượng tiền lưu hành, cho nên chúa Nguyễn Phúc Thái còn viết thư phó thác cho một chủ thuyền người Trung Hoa tên Hoàng Khoan Quan đem hàng hoá qua Nagasaki mua bán và trình Mạc phủ Tokugawa thỉnh cầu đúc tiền đồng viện trợ, như sau: “ ...Quý quốc và quốc gia tôi xa nhau... Nghe nói rằng ngày xưa, tuy xa nhau vẫn có quốc giao... Tôi thầm nghĩ, nước tôi bây giờ cần rất nhiều kinh phí cho lưu thông tiền tệ, nhưng kỹ thuật chế tạo tiền tệ không có, nên đành phải gác vấn đề tài chính lại. Tôi nghe rằng, ở quý quốc sản xuất đồng tốt, và chế tạo tiền tuỳ theo nhu cầu. Nếu thật như thế, tại sao không chế thật nhiều tiền bằng đồng để cứu những nước nghèo về tiền tệ. Điều mong muốn đối với quý quốc là quý quốc làm luật lưu thông tiền tệ ở nước ngoài, và giao dịch ở nước tôi và hai quốc gia chúng ta cùng được lợi...” (23).
Quá trình buôn tiền này kéo dài hàng mấy trăm năm, cho đến thời Lê Quý Đôn vẫn còn chứng kiến: “Tiền Khai Nguyên nhà Đường và tiền Thuần Hóa, Tường Phù nhà Tống, luyện đồng rất tốt, chôn xuống đất không nát. Chữ ở tiền nhà Tống phần nhiều là chữ vua viết... Năm Giáp Ngọ, quân nhà vua vào Thuận Hóa, biên kho tàng, thấy hơn 30 vạn quan xâu bằng mây, đều là tiền tốt, một đồng không lẫn, mới biết từ trước đều do thuyền buôn chở vào đấy...” (24).
Để hiểu tại sao có hiện tượng dịch vụ buôn tiền này, chúng ta cũng nên tìm hiểu lại một chút…
* LƯỢC SỬ TIỀN TỆ NHẬT BẢN:
Vào thời kỳ Nara (700-794), Nhật Bản mới bắt đầu tiếp xúc khoa học kỹ thuật và đã cử sứ giả sang Đại Đường (Trung Quốc) học hỏi để củng cố việc cai trị. Sau khi triều Đường cho lưu hành đồng tiền Khai Nguyên Thông Bảo vào năm 621 thì ở Nhật Bản, mãi đến năm 708, vị thiên hoàng thứ 43 niên hiệu Hòa Đồng mới phỏng theo tiền nước Đại Đường để đúc tiền “和同開珍 (Wado kaichin/ Hòa Đồng Khai Trân)” bằng bạc và bằng đồng với ý nghĩa là vua Hòa Đồng bắt đầu cho lưu hành một loại báu tệ. Chữ “珍 (trân)” và chữ “寶 (bảo)” đều chung một nghĩa là báu vật; tuy vậy trong chữ “bảo” vừa có chữ “trân” vữa có chữ “bối” là biểu hiện của tiền tệ, do đó, ngoài tiền đồng kể trên, triều đình còn cho đúc đồng tiền bằng vàng “開基勝寶(Kaiki shoho/ Khai Cơ Thắng Bảo)” và đồng tiền bằng bạc “太平元寶 (Taihei genpo/ Thái Bình Nguyên Bảo)”. Và sau đó triều đình Nhật Bản tiếp tục cho đúc các loại tiền bằng kim loại thông thường là đồng, kẽm mà ngày nay các nhà sưu khảo gọi là tiền “Kochosen”, như năm 760, niên hiệu Thiên Bình Bảo Tự năm 4, nhà vua cho đúc tiền “萬年通寶 (Mannen tsuho/ Vạn Niên Thông Bảo)”, rồi sau này tiếp tục đúc “神功開寶 (Jinggu kaiho/ Thần Công Khai Bảo)” (năm 765), “隆平永寶 (Ryuhei eiho/ Long Bình Vĩnh Bảo)” (năm 796), “富壽神寶 (Fuju simpo/ Phú Thọ Thần Bảo)” (năm 818), “承和昌寶 (Showa shoho/ Thừa Hòa Xương Bảo)” (năm 835), “長年大寶 (Chonen daiho/ Trường Niên Đại Bảo)” (năm 848), “饒益神寶 (Nyoyaku shimpo/ Nhiêu Ích Thần Bảo)” (năm 859), “貞觀永寶 (Jokan eiho/ Trinh Quan Vĩnh Bảo)” (năm 870), “寬平大寶 (Kanpei daiho/ Khoan Bình Đại Bảo)” (năm 890), “延喜通寶 (Engi tsuho/ Diên Hỉ Thông Bảo)” (năm 907), “乾元大寶 (Kengen daiho/ Càn Nguyên Đại Bảo)” (năm 958)(25).
Tuy nhiên, ta có thể thấy rõ do nền kinh tế suy yếu nên đồng tiền càng về sau càng nhỏ lại và được đúc cả bằng kẽm, rồi lại được ấn định đồng tiền mới mệnh giá bằng 10 đồng tiền cũ(26) làm người dân không còn thích sử dụng tiền Kochosen này nữa.
Cả một thời gian dài hàng trăm năm, qua các thời kỳ Heian (794-1192), Kamakura (1192-1333), Muromachi (1338-1573), kinh tế Nhật Bản là chế độ trang viên, việc thu thuế và trao đổi chủ yếu bằng thóc và nông sản như sợi gai, bông, dầu, lụa, muối, đậu… do vậy, triều đình và các lãnh chúa đều không đúc tiền riêng cho mình, mà lúa gạo và vải là những đơn vị trung gian trao đổi phổ biến nhất. Tuy vậy, qua các cuộc giao thương, các đồng tiền rất chuẩn xuất phát từ thời Đại Tống, Đại Nguyên, và nhất là Đại Minh (Trung Quốc) du nhập vào xứ sở hoa anh đào làm người ở đây, đặc biệt là giới quý tộc, cũng thích sử dụng, gọi là tiền Toraisen. Tiền ngày càng có vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế, nhưng Nhật Bản vẫn phải nhập tiền đồng từ Trung Quốc.
Thế nhưng, trong giai đoạn Chiến Quốc (1490-1600), sự tranh giành quyền lực thảm khốc giữa các lãnh chúa, do động lực của chiến tranh phải sản xuất vũ khí… nhiều mỏ kim loại quý tự nhiên như vàng, bạc, đồng đã được phát hiện. Nhu cầu tiền tệ tăng nhanh, do vậy tiền đúc nội địa cũng được đúc. Các loại tiền này, chỉ biết do người Nhật đúc lậu tại xứ sở mình, nhái lại các loại tiền Trung Quốc, ngày nay không rõ được đúc ở đâu và được gọi là tiền Shichusen; và trong loại tiền Shichusen này, cũng có rất nhiều hạng loại, riêng loại có chất liệu xấu, mà phần lớn tiền Shichusen là loại này, các nhà sưu khảo tiền cổ hay gọi là tiền Bitasen.
Đặc biệt, giữa thế kỷ XVI, người Nhật thấy đồng tiền “永樂通寶 (Vĩnh Lạc Thông Bảo)” của Đại Minh được đúc to, sắc, chuẩn, tốt, đẹp, nên rất chuông đồng tiền này và nhập thêm từ Trung Quốc, thậm chí còn tự đúc lại ngoài bằng đồng, còn đúc cả bằng vàng và bạc, gọi là tiền Eirakusen.
Và một phát triển mới trong bước đầu cải cách tiền tệ Nhật Bản, đó là Thiên hoàng Go-Yōzei (Hậu Dương Thành thiên hoàng: 1586 - 1611), niên hiệu Tenshō (Thiên Chính: 1587-1592) đã cho đúc ra tiền mang niên hiệu mình là “天正通寶 (Tenshō tsuho/ Thiên Chính Thông Bảo)” bằng bạc.
Rồi sang thời kỳ Edo (1600-1868), vào niên hiệu Keichō (Khánh Trường: 1596-1611), Mạc phủ Tokugawa Ieyasu đã thắng lợi trong cuộc chiến đẫm máu ở Sekigahara (năm 1600), đã thâu tóm toàn quyền lực về tay mình. Ông đã cho đúc tiền đồng “慶長通寶 (Keichō tsuho/ Khánh Trường Thông Bảo)”. Những đồng tiền niên hiệu của thiên hoàng này, nhất là đồng tiền Khánh Trường đúc năm 1606 làm người ta không còn thích tiền Eirakusen làm bản vị tiền tệ nữa... Về chính sách ngoại thương, chính Tokugawa Ieyasu đã quy định giấy phép “Châu ấn thuyền”, tức là các thuyền xuất cảng ra nước ngoài đều phải có giấy phép đóng dấu đỏ thì mới hợp pháp.
Tiếp theo, năm 1617, Thiên hoàng Go-Minoo (Hậu Thủy Vĩ Thiên Hoàng: 1612-1630) niên hiệu Genna (Nguyên Hòa: 1615-1623), Kanei (Khoan Vĩnh: 1624-1630) cho đúc tiền “元和通寶 (Genna tsuho/ Nguyên Hòa Thông Bảo)” và “寬永通寶 (Kanei tsuho/ Khoan Vĩnh Thông Bảo)”. Hiệu tiền Khoan Vĩnh này, đã được đúc đi đúc lại không biết bao nhiêu lần, cho đến thời Thiên hoàng Meiji (Minh Trị thiên hoàng: 1868-1911) vẫn còn đúc! Và đây là đồng tiền chuẩn của Nhật Bản, một hiện tượng tiền Khoan Vĩnh rất đặc sắc…
Chính trong quá trình chuẩn hóa tiền tệ như vậy, các loại tiền cũ dần bị chính quyền Nhật Bản thu hồi. Và đó là phế liệu mà các thương nhân Nhật Bản cũng như thương nhân Hà Lan (VOC)… được cấp giấy phép (châu ấn thuyền), đem bán cho chúa Nguyễn để đúc súng, để rồi chúng cũng trở thành tiền tệ lưu hành ở xứ Đàng Trong (Việt Nam)…
Như đã nói trên, do nhu cầu sử dụng tiền ở Đàng Trong, một thị trường mới khai phá, tăng cao, các loại tiền cũ của Trung Quốc và tiền Shichusen của Nhật Bản đều không đáp ứng đủ, nên tại Nhật thì “Thời gian giữa các năm 1659 và 1684, ... cho phép các niên trưởng thành phố Nagasaki lập một sở đúc tiền để sản xuất các đồng tiền nhái lại các đồng tiền cũ của Trung Hoa để xuất khẩu”(27)...
* ĐỊNH DẠNG CÁC DÒNG TIỀN ĐÚC TẠI NHẬT BẢN:
1. Dòng tiền mậu dịch đúc tại Nagasaki (Trường Kỳ):
Không kể các loại tiền chính thống của Nhật như tiền hiệu Khoan Vĩnh và các tiền Trung Quốc từ thời trước như tiền Vĩnh Lạc, Hồng Vũ nhập vào đất Nhật rồi được đưa vào Ðại Việt, tiền đồng đúc ở Nagasaki có ba loại chính:
1.1. Nagasaki Eiryaku Sen hay tiền “Trường Kỳ Vĩnh Lịch”: được sử dụng ở Formosa (Ðài Loan), đúc theo mẫu Vĩnh Lịch Thông Bảo của Quế Vương (1646-1662) nước Đại Minh theo các thư pháp chân thư và triện thư. Sau khi Quế Vương bị Ngô Tam Quế giết vào năm 1662, Trịnh thành Công - một bộ tướng của Quế Vương - đã chiếm cứ Ðài Loan làm căn cứ để tìm cách khôi phục Đại Minh, thì dịch vụ buôn tiền trở nên phát đạt vì người Nhật thêm mối khách hàng đúc tiền. Nhưng đến năm 1683, khi vua Khang Hi bình định được Ðài Loan, thành trì phản Thanh phục Minh cuối cùng bị phá vỡ, dịch vụ buôn tiền trở nên trì trệ, rồi chấm dứt. Các tiêu bản của tiền Trường Kỳ Vĩnh Lịch này cũng thường tìm thấy tại Việt Nam, tuy nhiên với tần xuất ít hơn so với tiền mậu dịch Trường Kỳ.
1.2. Nagasaki Gogyo Sen hay tiền “Trường Kỳ ngũ hành”: là một loại tiền được đúc đặc biệt ở Nagasaki để chúc may mắn cho Teiseiko (tên tiếng Nhật của Trịnh Thành Công, vì mẹ ông là Tagawa, người Hirado tỉnh Nagasaki). Loại tiền này gồm các đồng Kin Sen (Kim tiền), Moku Sen (Mộc tiền), Sui Sen (Thủy tiền), Ka Sen (Hoả tiền) và Do Sen (Thổ tiền); mỗi đồng tiền được đúc 4 chữ tượng trưng cho một hành trong Ngũ Hành, với bốn mẫu chữ khác nhau; song loại tiền này rất ít tìm thấy ở Việt Nam.
1.3. Nagasaki Boeki Sen hay tiền “Trường Kỳ mậu dịch”: là tiền dùng trong việc giao thương, phần lớn được đưa vào Ðại Việt thời đó và một phần cũng được xuất cảng đến Hà Lan để nấu chảy lấy đồng.
-Loại tiêu biểu và được đúc nhiều nhất là tiền “元豐通寶 (Genho tsuho/ Nguyên Phong Thông Bảo)”, đọc vòng khi theo chữ triện (Cho Kan Ho Genho), khi chữ thảo (gọi là Gyo Sho Genho), khi chữ khải; đường kính tiền vào khoảng 24 mm, gờ viền lỗ ở mặt sau có thể có hay không; và có đến 40 loại mẫu khác nhau, có loại chữ viết to (Hiji Genho), có loại chữ viết nhỏ (Shoji Genho), có loại có vành lớn hơn và có mệnh giá gấp 2 đồng khác mà người Nhật gọi là loại Taiyo. Người sưu tập lại còn phân biệt thêm dựa vào chi tiết, từ nét ngang cuối cùng của chữ Phong có ngang hàng với nét ngang dưới của lỗ vuông hay không, hoặc nét móc của chữ Nguyên dài hay ngắn hơn cạnh dọc của lỗ vuông…
-Kế đến là dòng tiền “祥苻元寶 (Shofu genho/ Tường Phù Nguyên Bảo)” cũng rất thông dụng thời đó và rất dễ nhận biết vì hiệu tiền Trường Kỳ thường là những niên hiệu của nước Đại Tống có chữ viết theo lối chân phương như Gia Hựu Thông Bảo, Hi Ninh Nguyên Bảo, Thiên Thánh Nguyên Bảo… Tuy nhiên tiền Trường Kỳ lại có những nét đặc thù, khi nhìn hai đồng tiền của Trường Kỳ và của Trung Quốc chúng ta sẽ phân biệt rõ ngay: đặc điểm nổi bật nhất của tiền Trường Kỳ là lỗ vuông rất to (7-8mm) có viền vuông vắn, thư pháp khác biệt với tiền Trung Quốc như chữ viết được bớt nét cho đơn giản như trường hợp chữ “Phong” viết thảo hoặc viết khải; hợp kim dùng đúc tiền của Nhật Bản cũng khác hẳn của Trung Quốc, vì thế màu gỉ cũng có điểm khác biệt.
2. Riêng các dòng tiền từ Nhật có chất liệu xấu vì nhiều sắt và tạp chất, được người Nhật gọi là tiền “Shichusen”, theo “Bổn Bang Ố Tiền Đồ Phả” của Tang Vỹ Phú Phòng thì có 3 dòng chính:
2.1. Tiền “Chú tả” (Chusasen): được đúc theo nguyên mẫu của các hiệu tiền của khối đồng văn thời đó, bằng cách dùng đồng tiền nguyên mẫu chuẩn, đẹp làm mẫu ấn vào khuôn. Vì thế, khi đúc ra, các sản phẩm mới thường nét chữ cạn, to bè, hay dính lại với nhau thành khối, chỉ còn nhận được dạng chữ chứ không rõ nét chữ, vành đồng tiền rộng, lỗ vuông thường thiếu đường viền, lưng tiền thường có vành không rõ ràng...
2.2. Tiền “Gia đao” (Katosen): khi làm khuôn đúc, đã dùng “đao” để chỉnh sửa chút ít nét chữ so với đồng tiền nguyên mẫu.
2.3. Tiền “Cải tạo” (Kaizosen): khi làm khuôn đúc sửa đổi nhiều hơn, hình thành nên những đặc điểm mới theo kiểu Nhật (như thư pháp chẳng hạn), làm khác hẳn so với đồng tiền ban đầu.
3. Ngoài các dòng tiền trên, căn cứ vào các tư liệu nghiên cứu về tiền tệ Nhật Bản đã xuất bản, cũng như hiện vật của các nhà sưu tập tiền cổ tại Việt Nam, cho thấy còn có một dòng tiền cũng có lẽ nằm trong dòng chảy này, chúng thường được gọi là “Đảo tiền”, là dòng tiền được đúc tại các đảo nhỏ ở Nhật Bản, Philippines và Indonesia cùng thời gian với tiền Bitasen và tiền Nagasaki. Thư pháp trên Đảo tiền thường không đẹp, không chuẩn và ngược so với những dòng tiền tương tự; các hiệu của Đảo tiền đa số cũng đúc theo tiền Trung Quốc như Khai Nguyên, Chí Đạo, Thái Bình, Tống Nguyên, Thiên Thánh… nhưng số lượng Đảo tiền tìm thấy tại Việt Nam cũng tương đối ít gặp so với Shichusen và tiền Nagasaki.
* CÁCH SỬ DỤNG TIỀN CỦA CÁC CHÚA NGUYỄN:
Ngoại trừ chúa đã cho sử dụng lại tiền Shichusen cùng tiền mậu dịch đúc tại Nagasaki của Nhật Bản, và mặc dù việc đúc tiền, sử dụng tiền thời chúa Nguyễn rất phức tạp đồng thời còn nhiều ý kiến tranh cãi, song dựa vào một vài dòng sử rời rạc, tôi cũng đã cố gắng tìm hiểu được một số dòng tiền được đúc thời chúa Nguyễn; có thể tóm tắt như sau:
1. Ngay từ thời Nguyễn Hoàng vào Nam, đã bắt đầu cho đúc tiền để sử dụng. Và vì chúa không có niên hiệu, nên đã dùng hai chữ “Thái Bình” như ám chỉ tư tưởng vào Nam của mình. Lê Quý Đôn đã cho biết: “Nguyễn gia lệ sơ kế tập y dạng chú tiểu gian tiền dụng Thái Bình tự…”(28) mà Lê Xuân Giáo dịch là “Theo lệ cũ nhà Nguyễn, người nào mới được nối ngôi chúa thì cứ theo kiểu mẫu tiền cũ mà đúc, ở khoảng nhỏ đồng tiền cũng đề hai chữ Thái Bình”.
Và lệ đúc tiền này được truyền qua 9 đời chúa, cho đến vị chúa thứ 10 là Nguyễn Phúc Ánh hoàn tất di chí của tổ tiên, lên ngôi hoàng đế Gia Long, thì vẫn còn đúc ra tiền “Thái Bình”. Cho nên việc đúc ra tiền “Thái bình” này, ngoại trừ mang vai trò của đồng tiền thông thường, còn có vai trò chính trị, như nhắc nhở di huấn của tổ tiên.
2. Theo sự ghi chép của Đại Nam Thực Lục, cho biết: Ất Tỵ (1725), tháng 4, mùa hạ, Nguyễn Phúc Thụ mới lên ngôi “đúc thêm tiền đồng. Buổi quốc sơ thường đúc tiền đồng nhỏ (in hai chữ Thái Bình), lại có tiền cũ và tiền Khang Hy nhà Thanh, dân gian vẫn thông dụng. Bấy giờ có người huỷ tiền để đúc đồ dùng, số tiền cũ ngày một hao cho nên có lệnh đúc thêm”(29).
Theo sự khảo cứu của tôi, thì đây là dòng tiền bằng đồng đỏ gồm 25 hiệu tiền, là những đồng tiền đường kính 22,5 - 23mm, mang các hiệu của Trung Quốc hoặc các hiệu lạ, thường lên màu gỉ nâu đen, hay gặp ở những di tích thế kỷ XVIII. Trước đây, chúng tôi chỉ mới thống kê được 21 hiệu tiền, nay đã 25 hiệu, trong 4 hiệu mới phát hiện, đặc biệt có hiệu “Khoan Vĩnh Thông Bảo” là một hiệu tiền đúc lại từ một hiệu tiền của Nhật Bản.
3. Không những chúa đúc tiền mà còn cho các phiên thuộc của mình đúc tiền thuận tiện cho việc thương mãi: “Mùa xuân năm Bính Thìn, Túc Tông hoàng đế năm thứ 11 (1736) lấy Thiên Tứ làm Đô đốc trấn Hà Tiên, ban cho 3 chiếc thuyền long bài, miễn cho thuế má, lại sai mở cục đúc tiền để tiện cho việc buôn bán. Thiên Tứ bèn chia đặt nha thuộc, kén quân lính, xây thành bảo, mở chợ búa, thương nhân các nước đến tụ họp buôn bán rất đông”(30).
Dựa vào dòng sử liệu này và sự ghi chép của Lê Quý Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục, tôi đã cho rằng tiền do Mạc Thiên Tứ đúc là một hệ thống gồm 51 loại tiền đồng thau đường kính thường 20-21mm (cũng có loại lớn đến 23-24mm nhưng cùng đặc điểm), mặt sau không có gờ viền hoặc viền không rõ, thường được tìm thấy ở các di tích thế kỷ XVIII.
Đây cũng là một vấn đề gay tranh cãi nhiều. Hiện nay, theo nhà sưu khảo tiền cổ Nguyễn Thanh Minh ở Thành phố Hồ Chí Minh, đã phân lập ra cả chục dòng tiền nhỏ mỏng và chưa xác định rõ do ai đúc. Tuy nhiên, ông Minh (cũng như nhiều nhà sưu tập tiền cổ khác) đã đồng ý với tôi rằng trong đó có một dòng tiền nhỏ mỏng mà mẫu tiền đặc trưng nhất là Thiên Phù nguyên bảo, An Pháp nguyên bảo… được đúc vào thế kỷ XVIII, mà đó chính là dòng tiền mà tôi đã tìm cách chứng minh do Mạc Thiên Tứ đúc. Như vậy, các dòng tiền nhỏ mỏng khác do ai đúc thì sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm.
4. Cũng theo chính sử cho biết: “... (1746) Bắt đầu đúc tiền kẽm trắng. Trước là Túc Tông sai đúc tiền đồng, sở phí rất nhiều mà dân gian lại nhiều người phá để làm đồ dùng, số tiền ngày thêm hao giảm. Đến đây người nước Thanh họ Hoàng (không rõ tên) xin mua kẽm trắng của Tây để đúc tiền cho rộng việc tiêu dùng. Chúa nghe lời, mở cục đúc tiền ở Lương Quán. Vành tiền và chữ để theo thể thức tiền Tường Phù nhà Tống. Lại nghiêm cấm đúc riêng... Sau đó lại đúc thêm tiền Thiên Minh Thông Bảo pha lẫn kẽm xanh, vành lại mỏng, vật giá vì thế vụt cao lên”(31).
Dựa vào dòng sử liệu này, tôi đã phân lập được 86 hiệu tiền kẽm thường được tìm thấy ở các di tích thế kỷ XVIII. Theo ông Nguyễn Thanh Minh thì hiện nay các nhà sưu tập tiền cổ đã tìm thấy hơn 200 hiệu tiền kẽm khác nhau. Tuy vậy, hiện tại tôi lưu ý là có hiệu tiền kẽm “Thái Bình Nguyên Bảo” là đúc lại từ một hiệu tiền hiếm có của Nhật Bản.
Qua những điều trên, và dựa vào thực tế, ta thấy chúa Nguyễn đã cho sử dụng chung rất nhiều dòng tiền: từ 4 hệ thống tiền do chúa đúc, đến tất cả các loại tiền của cả 4 nước Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên, và không phân biệt. Chính thế, LiTana cho rằng : “Bị ám ảnh bởi nền văn hóa Trung Hoa, Lê Quý Đôn đôi khi đã lầm tiền đồng Nhật thành tiền đồng Trung Hoa. Chẳng hạn ông nói là vào năm 1774 quân của chúa Trịnh đã tìm thấy hơn 300.000 quan tiền đồng tốt nhất trong kho của họ Nguyễn tại Huế.. Theo ông, đa số là tiền đồng Trung Hoa thời Tống (960-1279), và khi họ Nguyễn đúc tiền kẽm vào thập niên 1740, họ đã nhái lại dáng kiểu của đồng tiền Tường Phù của Trung Hoa (1008-1016). Tuy nhiên, nếu chúng ta so sánh đồng tiền kẽm có khắc các chữ Tường Phù Thông Bảo, rất có thể là do họ Nguyễn đúc vào thập niên 1740, chúng ta sẽ thấy là nó khác với đồng Tường Phù của Trung Hoa đời nhà Tống. Phải hơn, đồng tiền này nhái lại đồng Shofu gempo (Tường Phù Nguyên Bảo) của Nhật, một trong những đồng tiền Nhật phổ biến nhất được đúc theo đồng tiền của Trung Hoa đời nhà Tống và nhà Minh. Đồng tiền này được đúc tại Nagasaki giữa các năm 1659 và 1684, cũng có những chữ Hán như vậy nhưng theo một mẫu khác. Do đó, rất có thể là trong số 300.000 quan tiền đồng tìm thấy trong kho của họ Nguyễn vào năm 1774, một phần lớn là tiền Nhật”(32).
Cách giải thích trên của LiTana cũng có phần đúng theo lối lý luận của thực tế ngày nay, chứ không phải hoàn toàn đúng, nhưng lại không chính xác như cách giải thích của Lê Quý Đôn là người đương thời. Vì theo LiTana thì “tiền đúc tại Nagasaki giữa các năm 1659 và 1684, cũng có những chữ Hán như vậy nhưng theo một mẫu khác”; mà theo khảo cứu “Tiền Shichusen của Nhật Bản ở Việt Nam” của ông Nguyễn Thanh Minh, tuy chưa công bố, nhưng cho biết phần lớn các loại tiền Nhật Bản đúc nhái hiệu tiền Trung Quốc thì thường có chất liệu rất xấu do trình độ đúc tiền còn kém - nhưng như vậy về mặt làm kinh tế mới có lời. Còn Lê Quý Đôn thì cho biết “đều là tiền tốt, một đồng không lẫn... luyện đồng rất tốt, chôn xuống đất không nát. Chữ ở tiền nhà Tống phần nhiều là chữ vua viết... ”. Như vậy, trong 300.000 quan này phần lớn là đúng tiền chính hiệu Trung Quốc, nhưng đã thông qua dịch vụ buôn tiền của các thương gia Nhật Bản (nên LiTana đã lầm là tiền Nhật) để bán cho Đàng Trong; còn tiền Shichusen của Nhật Bản, nếu là loại tốt thì cũng chỉ là một phần rất nhỏ!
Ngoài việc sử dụng các loại tiền đồng, kẽm mới đúc hoặc các loại tiền Trung Quốc - Nhật Bản - Triều Tiên, chúa Nguyễn còn sử dụng cả bạc nén(33) là một loại dữ tệ trước đây chưa thấy dùng, và cả các loại tiền bằng bạc của Tây phương như một thứ ngoại tệ.
* HỆ QUẢ CỦA MỘT CHÍNH SÁCH:
1. Có thể thấy trước và ngay sau khi Thái tổ Nguyễn Hoàng vào Nam, giai đoạn quốc sơ chỉ mới sử dụng một hình thức tiền tệ rất đơn giản. Nhưng đến năm 1600, khi Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng bắt đầu thiết lập mối ngoại giao với chính phủ Nhật Bản thì thương thuyền Nhật, Hà Lan... cập bến nhiều ở Đàng Trong. Và thương cảng Thanh Hà đã làm sự giao lưu hàng hóa phát triển mạnh... Rồi việc chúa Nghĩa dời thủ phủ từ Kim Long về Phú Xuân làm một đô thị mới ra đời mà: “Phía ngoài thành thì chợ phố liên tiếp, cây to um tùm, thuyền chài, thuyền buôn đi lại như mắc cửi. Thực là một nơi đô hội lớn, văn vật thanh dung lừng lẫy, đời trước chưa từng có”(34). Thủ phủ mới thành lập - trung tâm chính trị quân sự của một cõi biên thuỳ - nằm gần một thương cảng lớn càng làm phát triển nền kinh tế hàng hóa. Có thể thấy điều ấy qua mức độ thu thuế quy định được Lê Quý Đôn ghi lại thể lệ như sau: tàu Thượng Hải lệ thuế đến nộp 3000 quan, khi về 300 quan; tàu Quảng Đông mới đến nộp 3000 quan, khi về 300 quan; tàu Phúc Kiến mới đến nộp 2000 quan, khi về 200 quan; tàu Hải Đông mới đến nộp 500 quan, khi về 50 quan; tàu Tây Dương mới đến nộp 8000 quan, khi về 800 quan; tàu Mã Cao, Nhật Bản mới đến nộp 4000 quan, khi về 400 quan; tàu Xiêm La, Lữ Tống mới đến nộp 2000 quan, khi về 200 quan... (35), và các loại hàng hóa đã được đem đến đây đều “bán đi chạy lắm, hàng bán nhiều lời, không có ế đọng…”(36).
Những điều này, phần nào cho thấy tầm cỡ giao lưu thương mãi quốc tế rộng lớn của các chúa; và đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế đô thị, nhất là thủ phủ của Đàng Trong. Có thể chứng minh cho nhận định này qua sự so sánh: trước khi Đoan Quận Công vào trấn thủ Thuận Hóa, theo Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An viết năm 1555 thì thống kê chỉ có 22 làng nghề thủ công; nhưng đến năm 1776, khi Lê Quý Đôn viết Phủ Biên Tạp Lục thì ở Phú Xuân đã phát triển đến 48 làng nghề, trong đó có làng đúc tiền Lương Quán(37) nổi tiếng...
2. Do nhu cầu sử dụng tiền tệ tăng, ngoại trừ sử dụng tiền cũ của Trung Quốc, mua lại tiền cũ hoặc nhờ Nhật Bản đúc giúp, thuê các công ty phương Tây đúc..., sau này các chúa còn thành lập các xưởng đúc ở địa phương để sản xuất tiền tại chổ như các dòng tiền đã nêu, phần lớn do Hoa kiều đảm nhiệm, nên mang các niên hiệu Trung Hoa, nhưng trong đó có các mẫu tiền, hiệu tiền của Nhật Bản, do đó cũng chưa thể loại trừ các thương gia Nhật Bản cũng có đúc tiền tại Đàng Trong mà sử không ghi chép cụ thể. Nhưng chính sự phát triển tiền tệ không có quy hoạch, không kiểm soát đã tạo sự khủng hoảng tiền tệ vào nửa sau thế kỷ XVIII, gây rối loạn xã hội, là một trong những nguyên nhân tạo sự bùng nổ của phong trào nông dân Tây Sơn.
3. Lệ đúc tiền Thái Bình khi các chúa Nguyễn nối nghiệp được biểu hiện cuối cùng bằng đồng tiền “Gia Long - Thái Bình” khi Gia Long lên ngôi vua, mang ý nghĩa chính trị đơn thuần như một lời di huấn của tổ tiên. Tuy nhiên, sau thống nhất đất nước, vị vua này đã rút được kinh nghiệm về việc quản lý kinh tế tiền tệ, nên đã chuẩn hóa hệ thống tiền tệ trên toàn quốc bằng cách ban hành tiền mẫu cho các cục đúc tiền và thu hủy các loại tiền cũ.
* CHÚ THÍCH :
(*) Tác giả xin chân thành cảm ơn 2 nhà sưu khảo tiền cổ Nguyễn Thanh Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) và Bùi Tiến Đạt (Huế) đã góp ý nội dung bài viết cũng như cung cấp hình minh họa.
(1) Li Tana, Xứ Đàng Trong, Lịch Sử Kinh Tế Xã Hội Việt Nam Thế Kỷ 17 Và 18, NXB Trẻ, 1999. Trang 117.
(2) Nguyễn Anh Huy, Lịch Sử Tiền Tệ Việt Nam (sơ truy & lược khảo), NXB Văn hóa Sài Gòn, 2010.
(3) Quốc sử quán triều Nguyễn (Nguyễn Ngọc Tĩnh dịch), Đại Nam Thực Lục, NXB Giáo Dục, Đà Nẵng, 2004, Tập 1, Tr.37.
(4) Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977. Tr. 221.
(5) Pierre-Yves Manguin, Les Portugais sur les cootes du Việt-Nam et du Campa, EFEO, Paris, 1972. Tr. 202-203.
(6) Jean Koffler, “Descrition historique de la Cochinchine”. Dẫn lại theo Li Tana, sách đã dẫn. Tr. 63.
(7) Li Tana, sách đã dẫn. Tr. 60.
(8) Quốc sử quán triều Nguyễn, sách đã dẫn. Tr. 31.
(9) Quốc sử quán triều Nguyễn, sách đã dẫn. Tr. 36.
(10) Chẳng hạn xem: ChengChingHo, “Làng Minh Hương và phố Thanh Hà thuộc tỉnh Thừa Thiên”, Huế Xưa Và Nay, số 13 và 14; Đỗ Bang, Phố Cảng Vùng Thuận Quảng Thế Kỷ XVII-XVIII, Hà Nội, 1996.
(11) Khoảng năm 1998, những cuộc rà tìm phế liệu ở đây, dọc bờ sông, đã tìm thấy một lô tiền thời Trần chỉ mang hai hiệu Thiệu Phong (1341-1357) và Đại Trị (1358-1369), số lượng tuy không nhiều như các lô tiền thời Đường Tống, nhưng có thể nói nhiều nhất từ trước đến nay (so với cả nước) để bổ túc cho các nhà sưu tập. Như sử ghi và giải thích..., chúng ta đã biết, tìm ra được một đồng tiền thời Trần đã rất khó; nhưng lô tiền này có được cả hàng trăm đồng tiền, giới buôn tiền cổ trúng lớn nên giấu nhẹm, không dám nói rõ tung tích, chỉ bán rỉ rả..., nhưng vì ý nghĩa lịch sử nên tôi đã hỏi dò ra được...
(12) Xem bài “Tiền Thái Bình của chúa Nguyễn” trong sách của tôi, hoặc trên Nghiên Cứu Huế, Tập 7, năm 2010.
(13) Phạm Hy Tùng, Cổ Vật Gốm Sứ Việt Nam Đặt Làm Tại Trung Hoa, NXB Văn hoá Sài Gòn, 2006, Tr 110.
(14) Dagh, Register Gehouden Int Casteel Batavia Vant. Dẫn lại theo LiTana, sách đã dẫn, Tr. 138.
(15) W.J.Buch, La Compagnie Des Indes Néerlandaises Et l’Indochine. Dẫn lại theo Thành Thế Vỹ, Ngoại Thương Việt Nam Hồi Thế Kỷ 17, 18 Và Đầu 19, NXB Sử học, Hà Nội, 1961, Tr. 104.
(16) Bowyear, Nhật Ký Về Đàng Trong Năm 1695. Dẫn lại theo Thành Thế Vỹ, sách đã dẫn, Tr. 226-227.
(17) Thành Thế Vỹ, sách đã dẫn, Tr.148.
(18) W.J.Buch, De Oost - Indische Compangie En Quinam, Amsterdam, H.J. Paris, 1929. Dẫn lại theo LiTana, sách đã dẫn, Tr.138.
(19) Christophoro Borri, Xứ Đàng Trong Năm 1621, NXB Thành phố HCM, 1998, Tr. 89.
(20) Nguyễn Văn Kim, Quan Hệ Của Nhật Bản Với Đông Nam Á Thế Kỷ 15-17, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003. Bảng 3.1, Tr. 125-126.
(21) LiTana, sách đã dẫn, Tr.101.
(22) A.van Aelst, Neil Gordon Munro, Coins of Japan, Yokohama, 1904. Tr. 111-112.
(23) Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, Tr. 221. Ngày nay, trong khoảng những năm cuối thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, sự khai canh và rà tìm phế liệu dọc miền duyên hải từ sông Gianh trở vào, thường tìm thấy nhiều tiền cổ Trung Quốc trước nửa đầu thế kỷ XVII, có thể cả hàng tấn... Chẳng hạn xem báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 16 năm 2003 (ra ngày 27/4/2003) có bài “Đất tiền cổ” của Nguyễn Quốc Khương; bài “Nhộn nhịp mua bán tiền cổ” trên báo Lao Động ra ngày 7/9/2004; hoặc bài “Quảng Bình: Hàng tấn tiền cổ được phát hiện... và biến mất” của Hồng Lam - Tâm Phùng trên An Ninh Thế Giới số 172 ra ngày 3/11/2004... Theo sự ghi chép của Lê Quý Đôn “Tiền Khai Nguyên nhà Đường và tiền Thuần Hóa, Tường Phù nhà Tống, luyện đồng rất tốt, chôn xuống đất không nát”, cho thấy từ xưa đã phát hiện việc chôn tiền dưới lòng đất. Có thể do người ta chôn làm của, giấu trong các cuộc chiến tranh từ thời Champà - Đại Việt hoặc Trịnh - Nguyễn phân tranh, hoặc nội chiến giữa Nguyễn Văn Huệ và Nguyễn Phúc Ánh... nếu ngày nay tìm thấy được cũng là chuyện rất bình thường chứ không phải là phát hiện gì mới và quan trọng lắm như các báo chí đã đưa tin.
(24) Kawamoto Kuniye, “Nhận thức quốc tế của chúa Nguyễn ở Quảng Nam căn cứ theo Ngoại phiên thông thư”, Đô Thị Cổ Hội An, NXB KHXH, Hà Nội, 1991, Tr. 177.
(25) Xem: Lục Nguyên Bảo, Đông Dương Cổ Tiền, Giá Cách Đồ Phổ (sách chữ Nhật), Nhật Bản, 1973. Hoặc: Đinh Phúc Bảo, Lịch Đại Cổ Tiền Đồ Thuyết (sách chữ Hán), Thượng Hải thư điếm, 1988.
(26) Lục Đức Thuận, Võ Quốc Ky, Tiền Cổ Việt Nam, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009. Tr. 173-174.
(27) Innes, The door ajar: Japan’s Foreign Trade In The 17th Century, luận án tiến sĩ, University of Michigan, 1980. Dẫn lại theo LiTana, sách đã dẫn, Tr.138-139.
(28) Lê Quý Đôn (Lê Xuân Giáo dịch), Phủ Biên Tạp Lục, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá, Sài Gòn, 1972. Tập 2, Tr. 45,46.
(29) Quốc sử quán triều Nguyễn, sách đã dẫn. Tr. 139.
(30) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, NXB Khoa học Xã hội, 1995. Tr. 242.
(31) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, tập 1, NXB Giáo dục, 2004. Tr. 154.
(32) Li Tana, Xứ Đàng Trong, Lịch Sử Kinh Tế Xã Hội Việt Nam Thế Kỷ 17 Và 18, NXB Trẻ, 1999. Trang 235.
(33) Bạc nén thời chúa Nguyễn và thời Tây Sơn là những thỏi bạc thể tích 1cm x 3cm x 20cm, không có ghi niên hiệu gì, chỉ có khuôn dấu ghi tên chủ lò bạc như “Xuân”..., gọi là bạc mành, chất lượng kém; mỗi khi trao đổi thì thợ bạc phải thử lại và đóng dấu tên lò bạc để làm tin khi gặp lại khỏi phải thử. Khác với bạc nén thời Nguyễn sau này được triều đình phát hành đều có ghi niên hiệu năm đúc và chuẩn lượng bạc như “Gia Long niên tạo - Tinh ngân nhất lượng”... đã được xác định rõ ràng.
(34) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, tập 1, NXB Giáo dục, 2004. Tr. 159.
(35) Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977. Tr. 231.
(36) Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977. Tr. 235.
(37) Riêng tại Lương Quán, trong một chuyến đi điền dã, tôi được nghe già làng trưởng tộc kể về việc đào móng làm nhà đã phát hiện “tiền kẽm”, mà tôi cho là tin tức rất đáng tin cậy. Khi nghe cụ già đào được 2 hũ tiền kẽm, tôi ngạc nhiên hỏi vì sao biết đó là tiền kẽm thì cụ giải thích: lấy ra phần lớn là tiền đã mục nát màu xám tro, bóp thì vụn thành bột trắng, có đồng đọc được là Thiên Minh và Phúc Nguyên, hoàn toàn không có tiền đồng lẫn vào hoặc các tiền kẽm triều Nguyễn (4 đời đầu) xen vào. Về đồng tiền Phúc Nguyên, cụ già đọc 2 chữ trên dưới, theo tôi, rất có thể là tiền Phúc Bình Nguyên Bảo, vì chúa Nguyễn Phúc Thụ có đúc tiền đồng đỏ hiệu Phúc Bình Nguyên Bảo (đọc tròn), rất có thể tiền kẽm đã đúc lại hiệu này.
Tiền Chú tả:
No comments:
Post a Comment