Theo nhận định được lưu tuyền trong giới văn học, có hai bài thơ không chắc là của Nguyễn Trãi, song trong giai thoại dân gian, hay trong sách vở trước tác đời sau, vẫn ghi là của Nguyễn Trãi: một bài là chuyện đối đáp với cô hàng chiếu, và một bài Lục bát nhan đề Tự Thán.
Ðền thờ Nguyễn Trãi mới xây dựng trong vòng 15 năm nay tại Côn Sơn. (Hình: Quốc Anh) |
Sách Nam Hải Dị Nhân liệt truyện do Phan Kế Bính soạn và in năm 1912, trong mục 11 viết về Nguyễn Trãi, có chép chuyện cô gái bán chiếu tên Nguyễn Thị Lộ và bài thơ đối đáp với Nguyễn Trãi, ai nấy đều biết. Nhiều người cho rằng bốn câu thơ hỏi (nói là của Nguyễn Trãi) nôm na quá, chưa chắc do ông làm, mà chỉ là do người sau đặt thêm ra, nói là của ông.
Còn bài lục bát nhan đề Tự Thán, thấy xuất hiện trong sách Thi Văn Bình Chú của Ngô Tất Tố, theo sau bài Hỏi Cô Hàng Chiếu. Bài này như sau:
Tự Thán
Chiếc thuyền lơ lửng bên sông
Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay?
Chắc chi thiên hạ đời nay,
Mà đem non nước làm rày chiêm bao?
Ðã buồn về trận mưa rào
Lại đau về nỗi ào ào gió đông
Mây trôi nước chảy xuôi dòng
Chiếc thuyền hờ hững trên sông một mình.
Nguyễn Trãi
(Ngô Tất Tố (-1954) Thi Văn Bình Chú, cuốn thứ nhất Lê-Mạc-Tây Sơn, Mai Lĩnh Hà Nội in lần thứ hai, 4.1952)
Ngô Tất Tố giải thích ngay dưới bài thơ:
“Bài này không có câu nào hiểm hóc, ý nghĩa mạch lạc đều rất óng chuốt, vậy mà cực kỳ khó hiểu. Vì suốt trong bài không thấy một dấu vết nào có thể nhận được tác giả muốn nói việc gì. Ông [Tản Ðà] Nguyễn Khắc Hiếu chịu rằng, “tâm sự anh hùng khó thể người ngoài biết được đau đớn,” thật là một người sành thơ. Xét ra tác giả khi chưa gặp vua Lê, đã quyết phải diệt quân Minh, chắc không khi nào lại nghĩ đến câu “chắc chi thiên hạ đời nay / mà đem non nước làm rày chiêm bao.” Ðến khi đuổi được giặc Minh, tức là thù nhà trả, nợ nước xong, cái gánh trên vai đã nhẹ thì có việc gì mà buồn và đau?
“Hoặc giả tác giả cảm vì những quang cảnh [Thái Tổ mất, quan Phụ Chính Lê Sát chuyên quyền, Thái Tôn giết Lê Sát rồi tự cầm quyền chính, lại ham mê tửu sắc, dân bị mất mùa đói khổ, giặc giả kế tiếp nổi lên ở các miền thượng du] mà làm bài thơ này, và cũng vì thế mới có hai câu “đã buồn vì trận mưa rào / lại đau vì nỗi ào ào gió đông?”
Ngô Tất Tố khen bài thơ: “Bài này nhời nhẽ thanh tao, ý tứ man mác vô hạn, [...]tưởng như Nguyễn Trãi đương đứng giữa một bầu trời bát ngát, bốn chung quanh không có bóng người.” Nhưng Ngô Tất Tố không rõ tâm sự của Nguyễn Du là tâm sự như thế nào. Và cũng không ghi chép bài này từ đâu, mặc dù ông cho biết gián tiếp bài này là của Nguyễn Trãi. Trong lời Tựa (Lời của Biên giả), Ngô Tất Tố viết: “Từ đời nhà Trần [1225-1400], hai ông Hàn Thuyên, Nguyễn Sỹ Cố đã dùng chữ nôm đặt ra thơ phú quốc âm, lại ở Ðông Thanh tạp chí cũng có mấy bài Ðường luật nói là thơ của đời Trần. Vậy là từ đời nhà Trần thơ văn quốc âm đã xuất hiện rồi. Nhưng vì thi tập của các ông Hàn, Nguyễn nay đã thất truyền, còn những bài của Ðông Thanh thì đều thiếu tên tác giả, và ngoài mấy chữ “Thơ đời Trần,” ở đấy không có một dấu vết nào có thể chứng thực là của đời Trần. Vì “chưa được thấy nguyên bản, nên tôi không giám [dám] thu lục vào đây,” sợ để lầm cho độc giả.
Tóm lại, với bộ sách này, tôi đã tốn nhiều công phu, có khi chỉ vì một chữ nghi ngờ mà phải mất hàng 5, 6 ngày, tìm kiếm từ mấy bộ sách mới dám quyết định.” (trang 11, 12, sđd) Viết như thế, Ngô Tất Tố hàm ý ông biết rõ bài thơ quốc âm này, Tự Thán, là của Nguyễn Trãi. Nhưng trong phần Giải Thích và Phê Bình gần 2 trang giấy, lại viết không đoán được tâm sự của Nguyễn Trãi.
Nhưng có một người đã viết rất rõ về “Tâm sự Ức Trai,” đó là sử gia Trần Quốc Vượng.
Ông nghi rằng ngay từ đầu trông thấy Lê Lợi vừa “pha [pha: xẻ, thái, chặt] thịt lợn, thỉnh thoảng lại nhón một miếng bỏ vô miệng nhai,” Nguyễn Trãi đã bỏ đi, vì cho là người tầm thường. Còn người anh họ của ông thì cho rằng diện mạo Lê Lợi giống Câu Tiễn (hàm ý rằng đó là người vô ơn.) Trần Quốc Vượng viết: “Có một vết nứt li ti nào trong quan hệ Lê Lợi-Nguyễn Trãi ngay từ dạo đó không? Ðể [...]vì kháng chiến mà bỏ qua, nhưng khi hòa bình lập lại, thì [...]vết rạn ngày càng lớn rồi tan vỡ với triều Lê với bi kịch gia tộc bị tru di?” (TQV: Tâm sự Ức Trai... Xưa và Nay, số 123, 9.2002). Ðọc văn bia Vĩnh Lăng ở Lam Kinh, sử gia nhận xét: “Văn bia hàm súc nhưng Ức Trai viết rất dài về 10 năm chiến đấu (1418-1428), từng ngày từng ngày một. Còn 6 năm đức Lê Lợi ở ngôi (1428-1433) Ức Trai chỉ viết vỏn vẹn một câu: “Vua thức khuya dậy sớm sáu năm mà trong nước thịnh trị, đến nay băng.”
Sử gia tự hỏi: “Tâm sự Ức Trai được bộc lộ ở thơ văn... Con người đầy nhạy cảm như Ức Trai đã dự cảm thấy điều gì khi cụ vẩy bút làm bài thơ Ðề Kiếm”:
Quốc thù rửa sạch nghìn năm nhục
Hòm quí giữ gìn vạn thế công.
Chỉnh đốn đất trời là từ đó
Thế gian đâu còn nhớ anh hùng?
Năm 1429 Lê Lợi hạ lệnh tập trận ở Hồ Gươm, Nguyễn Trãi làm bài thơ Quan duyệt thủy trận trong có hai câu khác thường:
Lòng vua muốn để dân ngơi nghỉ
Văn trị nên xây dựng thái bình!
Sử gia Trần Quốc Vượng ngac nhiên: “Tập trận rầm rộ mà lại 'Văn trị nên xây dựng thái bình' ư?”
Ðến cuối năm 1429, hai anh hùng (anh họ và thân tín của Nguyễn Trãi) là Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo đã bị vua giết, khi vua về Tây Ðô (Lam Kinh), chỉ còn một mình Nguyễn Trãi trong hàng cận thần. Mọi người làm thơ làm phú mừng ngày trở lại Lam Sơn, thơ Nguyễn Trãi nhắc nhở đến “quyền mưu/ nhân nghĩa”: hẳn không phải không có ý:
“Quyền mưu vốn dĩ để trừ gian, Nhân nghĩa duy trì thế nước yên.” Lúc này các công thần và là bạn hữu thân tín của Nguyễn Trãi đã bị giết, chính Nguyễn Trãi ngay năm 1428 đã bị lột chức Lại Bộ Thượng Thư, các quan đầu triều họ Lê “cậy công, cậy tông (họ) lên năm quyền cao (Lê Ngân, Lê Sát). Sử gia Trần Quốc Vượng tin rằng ông đã hiểu tâm sự Nguyễn Trãi, nên viết vọng về tiền nhân như sau: “Thôi cụ ạ, quyền tướng phủ làm chi... Từ nay cụ bị triều Lê kém sử dụng là cái chắc rồi! Ai bảo cụ cứ nhắc đi nhắc lại chuyện nhân nghĩa, chuyện ‘ưu quốc ái dân’ với vua và triều đình của đám quyền thần mới!”
No comments:
Post a Comment