Trận chiến trên cầu Bến Đá Cuả TĐ9/TQLC |
Lời giới-thiệu: MX Nguyễn Kim Đễ Cựu Trung Tá Ngay sau khi ký-kết Hiệp-định Geneve (20-7-1954) chia đôi đất nước, Cộng-Sản Bắc Việt đã mang sẵn mộng xâm-chiếm nốt miền Nam bằng cách này hay bằng cách khác. Năm 1960, họ đã đưa cán-bộ Trung-ương Đảng âm-thầm vượt vĩ-tuyến 17, vào Nam thành-lập và kiểm-soát Mặt Trận Giải-Phóng (MTGPMN). Cho tới năm 1965, CS Bắc Việt đã đưa vào miền Nam hơn 1 triệu quân chính-qui, với những vũ-khí tối-tân do Nga-sô và Trung Cộng cung-cấp. Vào đầu mùa hè 1972, về mặt quân sự, họ đã tận dụng toàn lực để mở rộng trên toàn các mặt trận trong Nam. Trong khi đó về phiá Bắc, họ đã xua quân tràn qua bờ sông Bến-Hải. Trong những ngày đầu, vì phải đối đầu với một lực lượng gồm 5 Sư Đoàn chính Qui (318. 304, 312, 320 và 325) và nhiều đơn vị cơ-giới và địa-phương, SĐ3/BB của QLVNCH và những lực-lượng tăng-phái đã buộc phải triệt-thoái khỏi thị-xã Quảng-Trị. Vì thiếu kế-hoạch từ đó việc triệt-thoái đã diễn ra một cách hỗn-độn nên đoàn quân và dân di tản khỏi Quảng Trị đã bị lực lượng truy kích của CS Bắc Việt thừa thắng, truy-kích theo, tạo nên bao thảm-cảnh tàn-phá và chết chóc dài khoảng 12 cây số trên QL1. Đoạn đường này trải dài từ Thị-xã Quảng-Trị cho tới cầu Bến Đá, một cây cầu nằm về phiá Nam cuả Quận lỵ Hải Lăng khoảng 5 cây số. Sau này đọan đường đầy chết choc đó được mang tên là “Đại-Lộ Kinh Hoàng”. CS Bắc-Việt tưởng rằng việc chiếm thành phố Huế đã nắm chắc trong tay, nên họ hăm hở xua quân tiến về Huế. Về mặt chính-trị, nếu chiếm được Huế, họ sẽ dùng làm thủ đô cho MTGPMN để đòi hỏi chia cắt đất nước thêm một lần nữa … Vừa tiến quân, vừa tàn-sát, lực-lượng truy-kích của CS Bắc-Việt đã không gặp một lực lượng trì-hoãn chiến nào đáng kể cho đến khi chạm phải Tiểu-Đoàn 9/TQLC. Vào chiều ngày 1-5-1972, đơn vị này đã từ những giải núi Trường Sơn được lệnh đổ ra về phiá Đông để bảo vệ cầu Bến Đá nằm trên QL1. Tiểu Đoàn 9/TQLC trải dài trấn-giữ bờ phía Nam giòng sông Ô-Khê chờ đón lực-lượng truy-kích của CS Bắc-Việt. Trên bình diện chiến-thuật, bài viết sau đây của Tân-An Đoàn văn Tịnh đã ghi nhận đầy đủ chi tiết về trận đánh tại cầu Bến-Đá của một Đại đội thuộc Tiểu Đoàn 9/TQLC. Nhưng trên phương diện chiến-lược và chính-trị, người ta thấy có hai lập-luận tương-phản như sau: 1. Trên phương-diện chiến-thuật, việc chặn đứng một lực-lượng hùng-hậu cuả CS Bắc Việt quả là một trận đánh ngoạn mục, kỳ-công, và ngoài ra chiến-thắng này còn có một giá trị trên phương diện chiến-lược rất quan-trọng - CS Bắc-Việt và MTGPMN đã không có một nơi tạm mang danh là thủ đô để có thể mặc cả trong thế hoà đàm. - Tuyến phòng thủ Mỹ-Chánh đã được thành-lập ngay sau đó. - Tổng Thống VNCH đã ra lệnh tổ-chức phản-công, tái-chiếm cổ-thành Quảng-Trị vào ngày 16-9-1972. 2. Giả thử đơn-vị này không chặn được lực-lượng truy-kích hùng-hậu của CS Bắc-Việt thì CS Bắc-Việt và MTGPMN đã có thành-phố Huế làm thủ-đô và sẽ có tư-thế mạnh trong hội-đàm đòi chia cắt đất nước một lần nữa. - Sẽ không có trận đánh Tái-chiếm Quảng-Trị. - Cũng sẽ không có cuộc di-tản miền Trung đau thương … và cuối cùng mất tất cả đất nuớc … Những tổn thất và mất mát từ đó trở đi, không thể qui trách vào những người đã quên mạng sống của mình để bảo vệ từng tấc đất. Nhiệm-vụ của những chiến sĩ QLVNCH nói chung và TQLC nói riêng đã hoàn tất, họ thấy giặc đến là đánh, giản dị chỉ có vậy thôi. Hơn nữa chính trong cuốn hồi-ký của Henry Kissinger gần đây đã được giải-mật, cho thấy rằng năm 1972 người Mỹ đã muốn lật-đổ chính-phủ VNCH vì VNCH nhất-quyết không nhượng-bộ CS Bắc Việt để Mỹ có thể rút chân ra khỏi chiến-trường Việt-nam. Trân trọng giới thiệu để độc giả tuỳ nghi nhận định. MX Nguyễn Kim Đễ Tình hình tổng quát vào những ngày cuối tháng 4-1972 LĐ369/TQLC gồm 3 Tiểu Đoàn 2, 5 và 9 trải dài từ Nam lên Bắc qua hai căn cứ Barbara và Nancy nằm trên đường đỉnh của dẫy Trường-Sơn nhằm ngăn chặn địch từ hướng tây cuả Trường-Sơn tràn ra QL1. Tất cả trận tuyến của 3 Tiểu Đoàn đều chịu áp lực nặng nề của địch. Tiền đồn và tuần tiễu cấp Trung đội của ta thường xuyên chạm địch. Căn cứ Barbara và Nancy hàng ngày nhận lãnh hàng trăm quả đạn pháo kích đủ loại. TĐ2/TQLC trải dọc theo trục lộ dẫn từ QL1 tới căn cứ Barbara. TĐ9/TQLC trách nhiệm căn cứ Barbara,(một căn cứ đã được bỏ hoang của Hoa Kỳ). Để giảm thiểu tổn thất vì pháo kích, BCH/TĐ9 đã khôn khéo chỉ đặt một Tiểu đội đặc biệt với máy truyền tin để duy trì sự hiện-diện mà thôi. Ngoài ra toàn bộ Tiểu đoàn trấn giữ tại các yếu điểm quan trọng khác. Kế hoạch này buộc địch đã phải tung ra nhiều cuộc tấn công thăm dò vị trí của ta, nên hầu như hàng ngày chạm địch. TĐ5/TQLC trấn giữ căn cứ Nancy (nằm cách vào khoảng 5 cây số về phiá Bắc của căn cứ Barbara) cũng bị áp lực rất nặng. Sau nhiều đợt pháo kích nặng và tấn công, TĐ5/TQLC đã phải rời bỏ vị trí và địch đã làm chủ căn cứ này. Ngày 30/4 và ngày 1/5/1972 Bắt đầu từ buổi trưa ngày 1/5/1972 đầu mùa hạ, từ trên những đỉnh núi cao của dẫy Trường Sơn, chúng tôi nhìn xuống đồng bằng và phía Bắc tỉnh Quảng-Trị rất rõ ràng. Trên không phận, rất nhiều phi vụ F4 và A37 từ Hạm-đội 7 ngoài biển thay phiên nhau dội bom liên tục xuống dọc theo những vùng sát chân núi cố dập tắt các ổ pháo lớn, súng cối và hệ thống phòng không hùng hậu của địch quân đang ngày đêm đổ về phía Quốc-lộ I và các vị trí TQLC cũng như các đơn vị bạn. (BĐQ, BB...). Có thể nói cho đến giờ phút này, sức chống cự của SĐ3/BB không còn nữa. Vùng HQ Quảng-Trị chỉ còn lại LĐ-147 và LĐ-258 TQLC cùng một số đơn vị BĐQ đang cố cầm cự mãnh liệt. Sau khi rút khỏi chiến trường Gio-Linh, Đông-Hà, Khe-Sanh và Cam-Lộ, các căn cứ hỏa lực chính yếu phía Bắc của Quảng-Trị như C1, C2, A1, A2, đỉnh Fuller, căn cứ Carol, Cùa, Mai-Lộc cùng các đỉnh Sarte, Holcomb đã lọt vào tay quân Bắc-Việt. Tóm lại, từ phía Bắc sông Thạch-Hãn không còn một đơn vị nào của QLVNCH trấn giữ. Trên QL-1 vô cùng bận rộn, các đơn vị bạn không còn hàng ngũ, lẫn lộn giữa dân chúng cùng di tản vội về phía Nam. Chiến trường không còn ranh giới, bom-đạn đổ xuống khắp nơi, từ rừng-núi, đồng-bằng, quốc-lộ, làng-mạc và ngay trên bãi cát trắng của biển Đông. Hàng loạt đạn phòng không 37 ly của địch lập thành hệ thống phòng thủ dọc theo vùng đồi núi chạy lên phía Bắc chi chít, cố bắn hạ máy bay đang oanh tạc. Pháo của Bắc-Việt cùng những ổ súng lớn nhắm thẳng ra trục lộ, quyết ngăn chặn và cắt đứt các đơn vị đang rúi lui. Thê thảm nhất là dân chúng, cha con, chồng vợ...gánh gồng, đùm nhau cố chạy về Nam bị pháo địch, vô số người dân vô tội bị chết và bị thương nằm la liệt bên cạnh những chiếc xe trúng đạn tan tành trên QL-1 từ Quảng-Trị về tới sông Ô-Lâu. Ban đêm, C47 còn có tên là Fire Dragon và C130 mang những khẩu đại bác 105 ly gọi là Spector Gunship rãi đều dọc trên vị trí phòng thủ hỏa lực của địch quân, những cột lửa đạn với tiếng hụ kinh hoàng. Ngày 2/5/1972 Mặc dù trong lúc TĐ2 và TĐ 9/TQLC đang tiếp tục chạm địch, Đại tá Phạm văn Chung LĐT/LĐ369 đã ra lênh cho Tiểu Đoàn 2 và 9/TQLC lập tức đoạn chiến, dùng trì hoãn chiến để trở ra QL1. TĐ2/TQLC đã trở ra QL1 tới cầu Mỹ Chánh và TĐ9/TQLC kéo ra QL1, lập phòng tuyến trấn giữ bên giòng sông Ô-Khê vói nhiệm vụ chận đứng sự tiến quân của địch, và cố gắng tiếp cứu các đơn vị bạn đang lui quân một cách hỗn tạp, cùng dân chúng đang cố chạy xuôi về Nam. Đặc biệt lưu ý phải ngăn chặn được thiết-giáp của quân Bắc-Việt tràn xuống như chúng đã từng xử dụng với LĐ-147 trên cầu Đông-Hà. BCH/LĐ đã gom góp hầu hết ống phóng hỏa tiển M72 chống chiến xa từ các đơn vị nằm tuyến sau trao cho TĐ9/TQLC để xử dụng. BCH/TĐ 9 đã xử dụng ĐĐ3 và ĐĐ4 phòng ngự trên yếu điểm "Cầu Bến Đá" trên giòng Ô-Khê. Đây là một cuộc phòng thủ diện địa, tuy cấp thời nhưng tinh thần và khả năng tác chiến vô cùng hùng hậu. Trong tinh hình khẩn trương này, người chiến sĩ của TĐ 9/TQLC không còn sự lựa chọn nào khác hơn là tiêu diệt lực lượng hùng hậu của địch nếu không muốn để bị địch giết. Trong khi đó, Đại tá Lữ đoàn trưởng ra lệnh cho TĐ2/TQLC chuẩn bị tuyến phòng thủ thứ hai tại cầu Mỹ Chánh nằm trên QL1, cách cầu Bến Đá 3 cây số về hướng Nam. Những tháng năm dài hành quân diệt địch từ ngày rời khỏi quân trường, tôi đã đi khắp nơi, trên mọi vùng của quê hương đất nuớc. Trực tiếp tham dự hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, từ vùng rừng-núi Trường-Sơn, vùng đồng-bằng, kinh-lạch, sình-lầy bao la như Nam-Căn, Cà-Mau, Kiên-Giang...nếm đủ mùi vị, cảm giác của chiến trận....chưa bao giờ chúng tôi có một cuộc hành quân và phòng thủ tác chiến như thế này - với một cảm giác mạnh tối đa. Pháo binh địch tập trung ồ ạt đổ xuống trên vị trí phòng thủ của Lữ Đoàn, đạn pháo lớn, pháo nhỏ, súng cối...đủ loại đạn, đủ loại tiếng nổ. Chúng cố làm sao cho ta không thể ngóc đầu lên nổi, nhưng địch quân đã quên một điều: Với tình thế trước mắt, cuộc chiến đấu sinh-tử, một mất, một còn. Các cấp cán-bô, chỉ huy chẳng còn gì phải gìn-giữ, tất cả đều nằm trên phòng tuyến. Chịu đựng tất cả, cùng chiến đấu và không cần biết mọi hiểm nguy đang vây quanh, không thể lùi bước được nữa. Trên phòng tuyến đầy cả ống phóng M72, đạn cối, M79...tất cả đều sẵn sàng, dáng mặt của tất cả mọi người vẫn bằng-an, vui-vẻ một cách tin tưởng. Cái ý-chí và tinh thần này vô cùng quan trọng, không phải chỉ duy nhất cho trận đánh khốc liệt sắp tới, mà là một sức mạnh vô địch để giữ vững sự yên-lành của mọi người trước sự di-tản bỏ chạy của các cánh quân bạn và dân chúng đang diễn ra trước mắt một cách đau lòng. 6 giờ chiều ngày 2/5/1972 Thiếu úy Lam đã sẵn sàng với một Tiểu-đội Cảm-tử (7 người), gồm B1 Hạnh mang máy truyền tin, Trung-sĩ Thành, Tiểu-đội trưởng và Hạ-sĩ I Quyền cùng 3 người lính của Trung-đội 2 làm nhiệm vụ của Biệt-kích. Vượt sông Ô-Khê, di chuyển lên phía Bắc càng xa càng tốt, tìm một vị trí ẩn nấp và chiến đấu. Mục đích theo dõi tình hình địch và dân chúng đang di chuyển về Nam, báo cáo kịp thời, nhất là thiết-giáp địch. Cho đến giờ này, bên phía sông hoàn toàn thuộc về địch quân. Nên chuyến đi của Lam vô cùng nguy hiểm, chỉ sơ hở là "tiêu" ngay tức khắc. Mặt trời không còn nữa, đêm xuống bao phủ khắp nơi, tôi tiển Lam qua sông. Chiếc cầu vẫn còn đó, nhưng không thể dùng nó được. Tiểu-đội cảm-tử vượt sông an-toàn và họ yểm trợ nhau bò lên trên những bờ cao. Trung-sĩ Thành quay lại vẫy vẫy tay trong đêm đen. Họ như những bóng cây đổ xuống mặt đất, do ánh hỏa châu của pháo binh và máy bay chiếu sáng từ trên. Họ đã biến mất và tất cả im lặng, một vài phút giây khó thở. Cứ thế, chúng tôi chờ đợi toán quân gọi về cho biết tình hình di chuyển. 1/2 giờ trôi qua, có tiếng bấm rời rạc trên loa máy, dấu hiệu liên lạc tôi đã dặn Lam và Hạnh kỹ lưỡng. Tôi bốc máy và nói vừa đủ nghe - Cho qua đi Hạnh. - Trình anh Tư, chúng tôi đã rời bờ sông có lẽ hơn 100m. Trước mặt có nhiều bóng người qua lại trên đường. - Nhận, địch quân đó - cẩn thận, tìm chỗ ẩn-nấp và bố trí. - Đáp nhận. Giọng của Hạnh thì thào trong máy, tôi cúi xuống sau dàn bao cát chất thành chiến tuyến, đốt điếu thuốc, liên tục rít những hơi dái và nhè nhẹ thở khói, im-lặng, đợi-chờ. Thời gian bổng đi chậm lại vì khoảng không gian chung quanh tôi hình như thiếu không khí, ngột-ngạt, chúng tôi đang trông-đợi , đang hồi-họp đến cực-độ. Đây là một sự kiện có thể tạo cho chúng tôi thắng lợi, nhưng cũng có thể mất những chiến-hữu gan-dạ, can-đảm này. - Ám hiệu truyền tin lại xuất hiện. B1 Hoàng nói. Tôi vội vàng nắm ngay ống liên hợp từ tay B1 Hoàng. - Tôi nghe. - Trình anh Tư, từ phía trong núi, chúng tôi thấy có những toán quân di chuyển ra gần trục lộ. Hoả châu sáng lắm, ở vị trí này chúng tôi có thể quan sát dễ dàng. - Nhận 5, cho anh em quan sát kỹ lưỡng chung quanh vị trí. - Anh Tư yên-tâm. Bây giờ là 3 giờ sáng, trong suốt đêm, chúng tôi cũng đón chừng vài chục người dân, đàn ông có, đàn bà và con nít di chuyển về Nam. Những trạm chốt đầu cầu cẩn thận sẵn sàng tác chiến và kiểm soát bằng mắt và để cho họ qua cầu mới tiếp nhận. Không có một người lính nào của đơn vị bạn, vì họ đã biết về con đường này rất nguy hiểm nên họ đã thoát hiểm mưu sinh ở đâu đó để vượt qua giòng Ô-Khê . 3 giờ 40, Lam cho biết - Có tiếng động cơ và áp tai trên mặt đất, nghe tiếng chuyển động nặng nề, có lẽ là Thiết-giáp. - Nhận 5, cẩn thận theo giỏi. 4 giờ 5, giọng của Lam cấp bách. - Hình như Thiết-giáp địch di chuyển từ phía Tây trong núi ra. - Không đâu! từ Bắc xuống Nam song hướng tiến của chúng không phải dùng lộ nhựa. Cẩn thận quan sát. 4 giờ 15, Lam báo: - Thiết-giáp địch xuất hiện và nhanh chóng chạy ra lộ nhựa. 3, 4 chiếc cách chúng tôi chừng 100mét hơn và đang dừng lại. Bộ-binh địch đang tiến lên, chúng la lối nghe rõ lắm. - Lam-Giang nghe đây; Lập thành 2 toán như đã dự trù, yểm trợ nhau, nhanh chóng rút lui - Đáp nhận. - 1, 2, 3, 4 đây Tầm-Dương. - Nghe, nghe, nghe, nghe anh Tư. - Cho tất cả anh em rút nòng ống phóng M72 và sẵn sàng. Nhớ, phải nhắm kỹ từng chiếc Thiết-giáp địch, bắn đích xác, đừng cho chúng chạy lọt qua cầu. Xạ thủ đại liên quạt liên tục sát mặt đất dứt đám bộ-binh địch. Kiểm soát và sẵn sàng. Sông-Danh kiểm soát tổ diệt chiến xa của anh trên cái hầm cao. Lựu đạn và trái sáng sẵn sàng. - Đà-Lạt đây Tân-An, trình Đại-bàng. Tiếng di chuyển của Thiết-giáp địch đã đến gần, tháp tùng chúng có bộ-binh đông đảo. Cách trước tuyến chừng 200m. - Đà-Lạt đáp nhận. Tân-An thận trọng và sẵn sàng. Tác xạ chính xác,còn Toán biệt-kích.... - Trình Đại-bàng, tôi đang cho Lam và toán Biệt kích di chuyển nhanh về phòng tuyến. - Dặn và kiểm soát con cái cẩn thận, tránh ngộ nhận. Chúc Tân-An thành công. - Đáp nhận. Cám ơn Đà-Lạt. Chiến tuyến bây giờ không còn như ngày trước, Đại-đội trưởng, Đại-đội Phó, Trung-đội trưởng tự tạo cho mình vị trí phòng thủ và tác chiến ngay trên tuyến như anh em binh-sĩ. Thậm chí vị Tiểu-Đoàn trưởng chỉ huy trận đánh và BCH cũng đã sẵn sàng trong những hầm hố dã chiến chỉ cách phòng tuyến chừng vài chục mét. - Trùng dương đây Tầm dương (Tôi gọi Đại đội 4 của Đại úy Nguyễn minh Trí) - Trùng dương nghe Tầm dương trên 5. - Tóan Biệt kích sắp dọt qua cầu tránh ngộ nhận. - Nhân Tầm dương 5 Chiếc cầu Bến-Đá do một Trung đội của ĐĐ3 kiểm soát. ĐĐ4 nằm bên phải, ĐĐ3 nằm bên trái của QL1. ĐĐ1 bố trí bảo vệ sườn phải hướng về làng mạc và dãy đồi cát phía Đông, ĐĐ2 phòng thủ về hướng tây, bảo vệ sườn trái của đơn vị, đề phòng địch đánh bọc từ dãy núi đổ xuống. ĐĐCH và BCH/TĐ đương nhiên trở thành lực lượng bảo vệ mặt sau và không có lực lượng trừ bị nữa vì đây có thể là trận chiến cuối cùng của đơn vị. Anh hai Thăng-Long (Danh hiệu của Đại Úy Lê Thắng xử lý chức vụ Tiểu Đoàn Phó TĐ9/TQLC) nằm chung với BCH/ĐĐ3 ở ngay gần đầu cầu Bến Đá. Giờ phút nghiêm trọng sắp đến. Tuy lòng chúng tôi nôn-nao, hồi-hộp và nóng như lửa đốt, nhưng trên mặt ai cũng quyết tự-tin. 4 giờ 20 ngày 2/5/1972 Những đóm hỏa-châu từ trên cao về phía Tây của QL-1. Không đủ soi sáng cho khu vực quanh cầu Bến-Đá. Giữa sự im-lặng đang bao trùm trong đêm. Bỗng dưng nhiều tiếng chuyển động của động-cơ ầm-ầm tiến nhanh về phía chúng tôi. - Tầm-Dương, Tầm-Dương đây Lam-Giang. - Tôi nghe. - Thiết-giáp địch phóng rất nhanh về phía anh Tư. Chúng tôi không thể về kịp. - Cho chạy nhanh lên. Trong đêm tối, bổng rực sáng và hàng trăm ống phóng hỏa-châu đồng loạt bắn thẳng lên trời. Cả một vùng bao la sáng rực như ban ngày. Toán quân của Lam-Giang đã chạy tới đầu cầu và thiết-giáp địch đuổi sát sau lưng các anh chừng ba chục thước. - Lam-Giang, Lam-Giang, cho tất cả tiểu-đội nhảy xuống song! Nhảy xuống sông! Trong giây phút cấp bách đó, những binh-sĩ của ổ tác-chiến giữ đầu cầu khai hỏa vào chiếc thiết-giáp đầu tiên và tiếp tục hàng trăm tiếng nổ lớn và đồng loạt của những ống phóng M72. Những tia lửa kẻ những đường sáng rực trong đêm bay thẳng tới mục tiêu. Loạt đạn khai hỏa đầu tiên của Trung-đội 2/ĐĐ3/TĐ9/TQLC khởi đầu cho trận chiến của toàn bộ của LĐ/369 Thủy quân lục chiến. Đạn pháo của địch-quân, đạn pháo của các pháo-đội TQLC từ phía Nam sông Mỹ-Chánh. Tiến hụ cùng những cột lửa của C47 từ trên cao, tạo nên một vùng chiến-trận khốc-liệt và hãi-hùng. Toàn bộ trên chiến địa, đạn pháo ào-ạt đổ xuống như mưa. Trong ánh sáng chiếu tỏa như ban ngày của hỏa-châu và đạn lớn. Chúng tôi nhìn thấy từ trên cầu, Tiểu-đội biệt-kích cùng với Lam-Giang lao thẳng xuống giòng sông cùng lúc với 3 chiếc thiết-giáp địch xông thẳng qua cầu như 3 khối lửa đang cháy phừng-phực dưới hỏa-lực kinh-hoàng của ống phóng M72 của toán diệt chiến-xa. Từ giờ phút khởi đầu đó, liên tục những tia-sáng phóng về đoàn chiến-xa địch từ phòng tuyến của ĐĐ3 và ĐĐ4. 8 chiến-xa đầu tiên đã bị hoả thiêu và đơn vị bộ-binh của địch tùng-thiết đã bị hoàn toàn tiêu diệt, không tên nào sang được bên này cầu, ngoại trừ 5 chiếc thiết-giáp đầu, vì chúng đã xiềng xạ-thủ và người-lái chiến-xa vào xe, nên tuy cháy như ngọn đuốc, nhưng chúng vẫn phóng qua cầu và tông vào những gò cát cao hay cây cối, bờ vực hai bên đường. Tại bên kia cầu, những chiếc còn lại bốc cháy dữ-dội và đâm vào các gò đất ở hai bên Quốc Lộ 1. 30 phút tác-chiến, 30 phút tác-xạ, đạn ống phóng M72, ống phóng lựu M79 và toàn thể những khẩu đại-liên, súng nhỏ đã tạo nên những tấm lưới hỏa-lực dày-đặc về phía trước bề ngang cả 500 mét. Mờ sáng, những người chiến-binh kiêu-hùng của TĐ9/TQLC đã hỏa-thiêu đoàn thiết-giáp và những đơn-vị bộ-binh tùng-thiết của Trung-đoàn 66/304 quân Bắc-Việt bên giòng sông Ô-Lâu. Bờ Bắc giòng Ô-Khê, tiếng la-hét, gào-tháo, rên-rĩ của đám tàn-quân Bắc-Việt bỏ chạy ngược trở lại phía Bắc, để lại trên bải chiến-trường cả trăm xác người lăn-lóc, nát-bét với vũ-khí bể-gẫy, hỗn-loạn. Cũng trong giây phút đó, đoàn quân của Lam-Giang đã về an-toàn với chúng tôi, ngoại trừ một vài vết thương khi họ lao xuống sông và chiếc máy truyền-tin bị thiết-giáp địch tác-xạ banh hết một góc. Nhưng người lính tuyền-tin B1 Nguyễn-Văn-Hạnh may-mắn an-toàn với vết thương trên vai trái. Đoàn quân Lam tiến lại gần tôi và bố-trí, tôi quay lại bắt tay Lam và siết tay anh trong vòng tay thân-mến, cùng những người chiến binh biệt kích can-đảm đã hoàn thành nhiệm vụ hiểm-nguy. - Thăng-Long, Thăng-Long, anh Hai báo cáo cho Đà-Lạt mọi việc nghe. Thăng-Long vui-vẻ móc ống liên-hợp. - Đà-Lạt đây Thăng-Long. - Cô-Tô nghe Thăng-Long, Đà-Lạt đang bận liên lạc với Cao-Bằng (Cô-Tô là danh hiệu truyền tin của Đại-Úy Kiều-Công-Cự, vị Trưởng Ban 3 TĐ9/TQLC) - Nhờ Cô-Tô trình với Đà-Lạt là ĐĐ3, ĐĐ4 đã hoàn toàn làm chủ tình hình, 8 chiếc thiết-giáp địch bị bắn cháy ngay bên kia cầu, song còn đà chạy nên có 5 chiếc phóng qua được bên này. Còn Bộ Binh địch không một tên nào lọt qua sông, bị bắn hạ hoàn toàn bên kia bờ. - Nhận 5, chúc mừng Thăng-Long, Tân-An, Trùng-Dương và tất cả anh em binh-sĩ. 6 giờ sáng ngày 3/5/1972, mặt biển Đông đã hừng sáng, vùng biển bao la dưới muôn ngàn tia sáng ban mai của vừng dương trên biển Đông cả vùng đất trời, như rực rỡ cùng đón mừng chiến thắng tuyệt đối của một đơn-vị tác-chiến hào hùng. Đến 7 giờ sáng, phòng tuyến của TĐ được cũng cố và các đơn vị trưởng tiếp tục nhận lệnh của LĐ. Trong suốt buổi sáng ngày 3/5/1972, không có một trận tấn công nào của địch. Nhưng đến 2 giờ chiều cùng ngày, địch lại tập trung lực lượng từ phía Tây, từ trong những dãy núi trọc cách lộ chừng 2km, ào ạt tấn công sườn trái của LĐ. TĐ9/TQLC vẫn nằm lại trên vị-trí cũ chận sự tấn-công từ phía Bắc. TĐ9/TQLC được lệnh rút lui về phía chiến tuyến Mỹ-Chánh. Trong tất cả mọi loại chiến thuật tác chiến, Trì hỏan-chiến và đoạn-chiến, là một loại tác chiến rất khó khăn cho cấp chỉ huy cùng mọi đơn vị. Hơn nữa, trong tình thế hiện tại, lực lượng địch quân quá hùng hậu. Quân Bắc-Việt cố chận ngang sườn và dứt thành từng đoạn để tiêu diệt. Bom đạn đổ xuống khắp chiến địa, nên sự lui quân chiều ngày 3/5/72 trở nên nguy hiểm và khó khăn. Nhưng chiến tuyến Mỹ-Chánh đã được lập xong vững vàng. Nên tuy rằng những gì có thể xảy ra cho các Đại Đội trên đoạn đường lui quân không thể lường được. Song chúng tôi cũng yên tâm, cùng lắm thì Tiểu đoàn sẽ đơn độc tác chiến cũng chưa đến nổi gì. Vì giữa vùng phía Tây và trục lộ, thế cao của trục lô xe lửa và bờ đất chạy dài theo QL-1 cũng rất tiện lợi cho chúng tôi để cấp bách lập phòng tuyến chiến đấu. Hơn nữa lộ trình chừng vài cây số là về tới tuyến Mỹ-Chánh. Với dự trù và tính toán đó chúng tôi vô cùng bình tâm, bởi lẽ "Chiến thắng mà phải lui quân". Nếu không giải thích cho binh sĩ hiểu một cách tường tận, rõ ràng là một đều vô cùng nguy hiểm cho cuộc đoạn chiến cấp bách này. Lúc 4 giờ chiều, tôi đã đến từng Trung-đội trên tuyến phòng thủ nói rõ cuộc Hành-quân chiều nay và nhất là điểm đến của Đại Đội là bờ sông Mỹ-Chánh, tất cả tin tưởng và yên tâm. - 1, 2, 3, 4 đây Tầm-Dương. Thẩm quyền vào máy. - Đáp nhận. - Trung-đội 1 lui quân trước, di chuyển sát vào bờ đường. Cho 1 Tiểu-đội tiến bên trái đường, nhanh chóng nhắm hướng Mỹ-Chánh di chuyển chừng 1 km nằm lại bố trí. Trung-đội 4 tiếp theo Trung-đội 1. - Đáp nhận. - Thi hành - Trung-đội 2 nằm tại chỗ, Trung-đội 3 dạt qua trái đội hình cẩn thận di chuyển trên đồng ruộng, hướng về Nam và BCH/ĐĐ theo sau Trung-đội 4. Chúng tôi thận trọng lên đường, nhưng khi di chuyển được 500m, tiếng của Sáng vội vàng trong máy (hỏa lực địch đã nổ sau lưng và Trung-đội 2 khai hỏa chống cự) - Trình anh Tư, địch đang bám sát lại. - Cho con cái tác chiến, bình tỉnh không sao. Tác xạ vào chúng ngay từ xa, đừng để chúng bám sát. - Đáp nhận. Và sau đó chúng tôi lại bắt đầu trận đánh. Chiều đã xuống, màu đất trời sắp sẩm tối, tôi nhìn lên trời cao và chung quanh rồi ban lệnh cho Sông-Danh. - Cho toàn bộ Trung-đội của Sông-Danh rút lui ngay, chỉ cho một toán nhỏ nằm lại cạnh phía Đông của trục lộ, để chúng cho tôi. Trung-đội 4 dừng lại quay về phía Bắc. Chiếm những gò cao yểm trợ cho Trung-đội 2 rút lui và ra lệnh cho Thiếu-úy Sử khai hỏa ngay và BCH/ĐĐ cùng toán biệt-kích nằm lại chiến đấu. Trung-đội 2 nhanh nhẹn rút về cạnh Đông của trục lộ và lui về phía sau chừng cây số nằm lại yểm trợ cho BCH/ĐĐ và Trung-đội 4 và Tiểu-đội của Trung-đội 2 lui nhanh chóng và Trung-đội 1 nằm lại quay hướng phòng thủ về phía Tây sẵn sàng tác chiến yểm trợ Trung-đội 3 chiếm những gò cao, bố trí, yểm trợ cho ĐĐ rút lui. Cứ thế chân vạt, bài học chiến thuật của trường mẹ đã đưa chúng tôi về tới căn cứ. Địch quân đã tiến sát ĐĐ vì TĐ2 đã rút hết về bên kia sông Mỹ-Chánh - Tân-An đây Đà-Lạt. - Tân-An nghe. - Cố gắng đưa con cái an-toàn về tới nơi, tới chốn. - Đáp nhận Đà-Lạt. Chúng bám sát quá, nhưng không sao. Và khi chạy qua cầu Mỹ-Chánh. Đêm đã xuống tự bao giờ. Trung-đội của Luyến phải lội qua sông để bảo đảm an-toàn. Các Trung-đội 1, 3, 4 và BCH/ĐĐ cũng về được qua cầu sông Mỹ-Chánh an-toàn. Một vài binh-sĩ bị thương được mang theo. Trên mặt cầu, từng khối thuốc nổ TNT được Công-Binh đặt chuẩn bị giựt sập cầu theo lệnh của Lữ Đoàn. 6 giờ chiều ngày 3/5/1972, không còn lực lượng nào của ta lưu lại bên bờ Bắc sông Mỹ-Chánh. Và cũng giờ phút này, giòng sông ranh giới Huế và Quảng-Trị là chiến tuyến phương Bắc ngăn chặn toàn bộ sự xâm nhập và tấn công của gần 5, 6 Sư Đoàn quân của cộng sản Bắc-Việt và cũng là nơi khởi đầu cho chiến dịch tái chiếm Quảng-Trị, Cổ-Thành Đinh-Công-Tráng - Chính địa danh này đã đi vào chiến-sử oai hùng của đoàn quân Cọp-Biển. |
No comments:
Post a Comment