Doãn Quốc Vinh Dùng Nghệ Thuật Để ‘Cho Em Niềm Hy Vọng 9’
Các tác phẩm nghệ thuật của Doãn Quốc Vinh.
Trangđài Glassey-Trầnguyễn
Trangđài Glassey-Trầnguyễn

Càng đọc, càng nhớ lại cái lần đầu tiên gặp Doãn Quốc Sỹ trong cái tủ kính khóa chặt của ông Ngoại tôi ở một vùng quê miền Tây Nam đất Việt. Tôi đọc lén. Lén cái chính quyền sau 1975. Lén cả ông Ngoại tôi, vì sách quý, con nít biết gì mà động vào. Tuy sau này tôi mới biết, ông tôi không hề cấm con cháu đọc sách của ông, dù ông quý sách hơn cả vàng (nên tôi oai hùng mượn ông quyển “Ba Sinh Hương Lửa” và vác về nhà đọc một cách hết sức chính quy). “Ngàn vàng dễ kiếm, lời tốt khó tìm.” Quý là đúng.
Và quý nhất là cái thông điệp mà nhà văn, nhà giáo Doãn Quốc Sỹ đã trân trọng gửi gắm cho độc giả ở cuối truyện. Với cái ngôn ngữ giản dị và một tâm hồn thuần Nho, ông nói lên một sự thật và một thực tế mấu chốt của thời đại chúng ta. “Ở thế giới thực dân tư bản, người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn. Ở thế giới thực dân cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua bằng tình thương yêu rộng rãi và chân thành.”
“Tình thương yêu rộng rãi và chân thành.” Tình thương yêu ấy, nó có mùi vị gì, màu sắc ra sao, kích cỡ thế nào, hình dáng làm sao? Theo tôi, nhà giáo Doãn Quốc Sỹ đã xuất sắc trong việc tề gia, để câu trả lời nằm chính ngay trong huyết mạch lưu truyền của ông.
đến “Niêu Cơm Quê Nhà”

Tôi đặc biệt quan tâm đến “Niêu Cơm Quê Nhà,” một bài thơ Doãn Quốc Vinh viết tặng cho người thân ở xa, khi anh còn ở tại Sài Gòn, vào năm 2005. Bài thơ dung dị và dân dã như cái niêu cơm, như ý niệm quê nhà, như mối tình thôn quê thuần nông nghiệp. Bài thơ được ‘nấu’ như thế này:
“…lạy trời , lạy đất , lạy mây
lạy cho lúa chín trĩu đầy hạt thơm
lạy cho xó bếp nhiều rơm
để tôi thổi chín niêu cơm quê nhà
mời anh , mời chị ở xa
ghé chơi … xơi chén cơm cà với tôi
bát canh bông bí ngọt chồi
vại dưa , khoanh cá, khúc dồi … chân quê
dăm năm thu vén bộn bề
này anh, này chị đường về nhớ chăng?”
Doãn Quốc Vinh đã thể hiện “tình thương yêu rộng rãi và chân thành” một cách thật cụ thể trong bài thơ này. Anh cầu khẩn cho có được những điều kiện cần thiết để nấu một bữa cơm nhà quê, để mời những anh những chị đang sống xa quê, vài năm “thu vén bộn bề” một lần, về lại. Anh mong họ được hưởng lại cái không gian quê nhà ngay trên đầu lưỡi. Không dưng anh làm cho tôi thèm mùi khói rơm quá!
Nhưng cái sự chuyên cẩn trong từng cái lạy, cái chọn món, cái ‘thổi’ cơm (rất dân dã, và hầu như chỉ còn ở thôn quê Việt Nam vì sự bành trướng của bếp ga, bếp điện) – tất cả bày ra một mâm cỗ của yêu thương, thông cảm, chia sớt. Người-ở-lại Doãn Quốc Vinh đã “chân thành” và cũng rất “rộng rãi” với tâm sức của mình khi đi ngược dòng thời gian, thổi một “niêu cơm quê nhà” để làm ấm lòng người đi xa. Cho đến khi chính anh cũng là người đang đi xa, thì anh lại tiếp tục ‘thổi’ cơm để gửi về cho những đồng bào ở lại, nhất là những đồng bào nghèo khó.
dùng hội họa để “Cho Em Niềm Hy Vọng 9”

Nếu tình người bàng bạc trong văn chương chữ nghĩa của cha con họ Doãn, thì tình người là một nếp sống hằng ngày trong gia đình này. Doãn gia đã cưu mang bao người cơ bần, ngay giữa lúc họ Doãn cũng phải đối diện với khó khăn thời chiến. Họ Doãn đã dùng cái “tình thương yêu rộng rãi và chân thành” để sống và làm chủ đạo cho dòng tộc mình. Cho nên việc họa sĩ Doãn Quốc Vinh đưa cái “tình thương yêu rộng rãi” ấy đến góp tay với SAP-VN để phục vụ đồng bào trong cảnh khốn cùng, âu chỉ là một việc tất yếu.
SAP-VN, với tất cả những thành quả trong hoạt động từ thiện gần hai thập niên qua, đã đón nhận sự giúp đỡ hết mình của biết bao nhân tài và mạnh thường quân. Nhưng sự giúp đỡ của Doãn Quốc Vinh lần này làm cho tôi xúc động theo lũy thừa đôi, có lẽ vì anh diễn đạt cái ‘tình quê’ một cách tự nhiên và sâu sắc, nhất là qua những bài thơ và phát biểu của anh.
Trong thời gian chuẩn bị cho ngày gây quỹ, thân mẫu của anh, bà Doãn Quốc Sỹ, nhũ danh Hoàng Thị Thảo, đã hấp hối và qua đời đầu tháng Chín tại Houston, Texas. Có lẽ bà là một trong những người đàn bà hạnh phúc nhất, vì đã có một người phối ngẫu giàu lòng nhân ái như vị văn tài Doãn Quốc Sỹ, đã cùng bà nuôi nấng những người con có tấm lòng tha thiết với quê hương và với đồng bào như Doãn Quốc Vinh.
Kính mời quý đồng hương cùng đến, thưởng lãm những “niêu cơm quê nhà” mà Doãn Quốc Vinh đã ‘thổi’ bằng óc sáng tạo và nét cọ tài ba, để cùng SAP-VN thắp sáng tình quê trên những vùng nhân sinh nghèo khổ của quê hương. Nếu không có quý vị, “niêu cơm quê nhà” của Doãn Quốc Vinh sẽ không “chín” nổi vì thiếu lửa.
Quý đồng hương có thể mua vé trước tại Nhà Sách Tự Lực (714 531 5290), hoặc Tiệm Kính Optometry (714 418 0190), hay qua email tại sapvntix@gmail.com. Nếu có thắc mắc về chương trình gây quỹ, xin quý vị gọi số điện thoại 714-901-1997.
Xin hẹn cùng ‘ăn cơm quê nhà’ với quý vị lúc 4:30 chiều ngày 16 tháng Mười, 2011 tại Nhà hàng Mon Amour (Mon Cheri 2 cũ), tọa lạc tại 3150 W. Lincoln Ave, #134, Anaheim, CA 92801.
No comments:
Post a Comment