Sunday, September 18, 2011

Hôm nay Ngày Khai Trường

 
http://ue.vnweblogs.com/gallery/18513/HV_01.gif

Nguyễn thị Cỏ May

Phượng tắt lửa rồi, Trời đã sang Thu.
Cánh cửa Trường sơn xanh rộng mở
Gió mùa Thu lật từng trang vở.
Khai Trường!
Khai Trường!
Tiếng trống âm vang bồi hồi ngực trẻ
Đắm sâu ký ức các Thầy Cô …
Năm học mới bắt đầu rồi!
Tiếng trống trang nghiêm
Đang điểm nhịp theo dòng người hối hả
Vẫn tiếng trống trường thôi
Tưởng như quen mà hóa lạ
Khi lòng ta lật mở những trang hồn”.
(Nguồn Internet)

Mỗi khi nhìn trẻ con, quần áo mới, cặp mới, được cha, mẹ dẫn tới trường nhập học, trong chúng ta chắc còn nhiều người còn nhớ truyện ngắn Tôi đi học, tác phẩm có lẽ là xuất sắc nhất của nhà văn Thanh Tịnh ghi lại “những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường”, cách đây gần thế kỷ:
“Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đương có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học”…
Thanh Tịnh đã bắt đầu câu chuyện về ngày đầu cắp sách đến trường bằng những câu văn miên man cảm xúc như thế. Bởi với Thanh Tịnh, “hôm nay tôi đi học” là một sự kiện trọng đại đầu tiên mà ông trải qua. Bởi ngày đầu tiên đi học là một ấn tượng khắc sâu trong tâm khảm đến mức hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc”  “lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường”. Cái ý tưởng “ghi lên giấy” một kỷ niệm sâu sắc của tuổi thơ bắt đầu từ tâm trạng “nao nức” ấy.
 
Ngày tựu trường là một ấn tượng đẹp tuyệt vời của không riêng một ai nếu đã có một lần nhập học dù sau này có thành đạt trong việc học hay không. Nhà văn Pháp Anatole France ghi lại kỷ niệm Ngày Khai Trường của ông vô cùng cảm động. Nó giữ ở người đọc hình ảnh một Cậu Bé tung tăng đi nhập trường tuy người đọc lúc bấy giờ chưa từng biết qua vườn Lục-xăm-bảo ở đâu. Bản văn của Anatole France, chắc trong chúng ta có không ít người còn nhớ vì nó được chọn làm bài chánh tả của Lớp Nhứt (Cours Supérieur, thi Bằng Sơ Học) mà sau khi dò lỗi chánh tả, học sinh gần như đã thuộc lòng vì nó như một bài thơ bằng tản văn phong phú hình ảnh và âm điệu:
 
Tôi sẽ nói với bạn điều mà hằng năm làm cho tôi nhớ lại, đó là bầu trời mùa thu vần vũ, những bữa ăn tối dưới ánh sáng ngọn đèn và những chiếc lá bắt đầu vàng trên hàng cây lay động; tôi sẽ nói với bạn điều mà tôi trông thấy khi tôi băng ngang khu vườn Lục-xăm-bảo (Luxembourg, Paris VI) trong những ngày đầu tháng mười; lúc bấy giờ khu vườn hơi buồn và đẹp hơn bao giờ hết; vì đó là lúc lá vàng rơi từng chiếc trên bờ vai trắng của những pho
 
tượng. Điều mà tôi thấy lúc bấy giờ trong khu vườn ấy, đó là một cậu bé, hai tay thọc vào túi, và cặp da trên lưng, đi tới trường vừa nhảy nhót tung tăng như một con chim sẻ. Chỉ có trí tưởng tượng của tôi trông thấy cậu bé ấy mà thôi; vì cậu bé ấy, chính là một cái bóng; đó là cái bóng của chính tôi cách đây hai mươi lăm năm.
Cách nay hai mươi lăm năm, cùng lúc này, cậu bé ấy băng ngang khu vườn xinh đẹp kia trước tám giờ để tới trường. Cậu ta cảm thấy lòng se thắc vì hôm ấy là ngày khai trường.
Tuy nhiên cậu ta nhảy tung tăng, sách vở mang trên lưng, và con vụ (con quay) trong túi. Ý tưởng gặp lại bạn bè làm cho cậu ta cảm thấy vui ngay trong lòng. Cậu bé sẽ có biết bao câu chuyện để nói và để nghe.
 
Thế là cậu bé băng ngang vườn Lục-xăm-bảo trong cái mát mẻ của buổi sáng. Những gì cậu bé trông thấy lúc bấy giờ, hôm nay tôi trông thấy lại.
 
Cũng cùng khung trời và cùng lối đi, cảnh vật còn giữ linh hồn của ngày xưa, linh hồn đó có làm cho tôi vui, làm cho tôi buồn và làm cho tôi bâng khuâng; duy chỉ có cậu bé ấy, ngày nay không còn nữa.
 
Vì vậy khi tôi ngày càng già đi, tôi càng quan tâm nhiều hơn tới ngày khai trường”(Anatole France, Les Humanités, Le Livre de mon Ami, Paris).
 
Anatole France
 
Thêm một Ngày Khai trường
 
Quyển Les grands coeurs của văn hào người Ý EDMOND DE AMICIS (Tâm Hồn CaoThượng, Hà Mai Anh dịch) đã từng là cuốn sách gần như kim chỉ nam hay gối đầu giường của nhiều thế hệ học sinh Việt Nam. Ở Tiểu Học, Ngày Khai Trường và nhiều bài khác được trích ra làm bài Chánh tả hoặc Tập đọc. Với học sinh Trung Học, tác phẩm được làm đề tài thuyết trình.
 
Thời gian trôi đi, nhưng những gì tác giả gửi gắm qua từng bài học của thuở đầu đời về công ơn cha mẹ; về lòng yêu nước, thương người; về tình thầy trò, bè bạn, v. v. . . vẫn không bao giờ cũ, không bao giờ phai nhạt!
 
Những trang sách là những bài học không chỉ hữu ích cho việc đào tạo những công dân tốt tương lai mà còn là những bài học về Đạo đức hết sức quí báu đối với đông đảo bạn đọc các giới, các ngành. "TÂM HỒN CAO THƯỢNG" từ bản Pháp văn qua bản Việt văn là cuốn sách của các bạn trẻ, của mọi gia đình. Là món quà tặng đầy ý nghĩa và hữu ích của các bậc cha mẹ và các bạn trẻ:

Hôm nay là ngày khai trường. Mấy tháng hè đã thoáng qua như giấc mộng. Sáng nay, mẹ tôi đưa tôi vào trường Baretti để ghi tên lên lớp ba. Đi đường, óc tôi cứ vơ vẩn đến chốn thôn quê, lấy sự đi học làm ngại. Phố nào cũng thấy nhan nhản học trò. Hai hiệu sách lớn chật ních những phụ huynh vào mua sách vở, giấy, bút cặp da. Cửa trường đông nghịt những người, cảnh binh và người gác cổng phải khó nhọc mới mở được một lối vào. 

Vừa bước qua cổng trường thấy một bàn tay vỗ vào vai, tôi giật mình ngoảnh lại thì ra thầy giáo lớp hai tôi học năm ngoái, mái tóc đỏ hoe vẫn để rối, nét mặt vẫn tươi, thầy bảo tôi:
- Enricô ơi! Thầy trò ta từ nay chia tay nhau nhỉ?
Điều ấy, tôi đã nghĩ đến, nay thầy tôi lại nhắc, khiến tôi thêm chạnh lòng” (Ngày Khai Trường, tháng mười, thành Torino, Ý)
Bản dịch Tâm Hồn Cao Thượng của Hà Mai Anh sau khi được xuất bản, Chánh quyền Giáo dục Pháp đô hộ đã ban hành sử dụng làm sách Giáo khoa về Công dân Giáo dục bởi nội dung của nó viết về những giá trị luân lý, đạo đức vốn là những giá trị qui chiếu của xã hội. Như Lòng ái quốc trong Tâm Hồn Cao Thương được tác giả khơi lên qua bức thư của một người cha viết cho con:

… “Tại sao anh yêu xứ sở của anh?
Câu hỏi ấy chẳng làm nẩy nở trong óc con biết bao nhiêu là câu trả lời hay sao? Tôi yêu xứ sở của tôi vì mẹ tôi sinh trưởng ở đấy; vì nguồn máu trong huyết quản của tôi đều là của người; vì trong khu đất thánh kia đã chôn vùi tất cả những người quá cố mà mẹ tôi thương, mà cha tôi trọng; vì cái đất mà tôi sinh, thứ tiếng tôi nói, quyển sách tôi học, các em tôi, chúng bạn tôi và một dân tộc lớn chung sống với tôi, cảnh đẹp của tạo hóa bao bọc chung quanh tôi, tóm lại tất cả những sự vật mà tôi đã trông thấy, tất cả những cái gì mà tôi yêu, tất cả những cái gì mà tôi quí, nhất nhất đều thuộc về xứ sở của tôi cả.
 
Bây giờ còn bé, con chưa hiểu thấu được thế nào là lòng yêu nước. Rồi ra con sẽ biết. Khi du lịch ở xa về, một buổi sáng, đứng tựa bao lan tàu con thấy ở chân trời một dãy núi xanh của xứ con hiện ra, bấy giờ con sẽ thấy tràn lệ cảm ở trong lòng con dâng lên và miệng con buột ra những tiếng kêu mừng rỡ.
 
Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con ở nước ngoài chợt nghe thấy một người trong đám thợ thuyền nói tiếng nước con, theo lòng con xúi giục, tự nhiên con đến hỏi chuyện người thợ không quen ấy.
 
Con sẽ cảm thấy tình yêu nước, khi con nghe thấy người ngoại quốc lăng mạ xứ sở con, lòng tức giận sẽ làm cho con nóng mặt.
Con sẽ cảm thấy tình yêu nước mạnh mẽ và tôn đại hơn nữa, nếu một ngày kia, nước địch vô cớ giày xéo vào đất ta; lúc ấy con sẽ thấy nào cha hôn con khuyên câu “dũng cảm”, nào mẹ tiễn con hẹn lúc “khải hoàn”.
 
Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con trông thấy những đội quân vất vả trở về với những khúc ca chiến thắng.
 
Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con trông thấy lá cờ quốc gia (…) bị bắn tả tơi đi đầu một toán người nghĩa dũng, ai nấy đều phô cao cái trán buộc băng hay cái tay bị bó, trong đám đông dân chúng hoan hỉ, người ta ném hoa mừng và hô những lời chúc tụng. 

Con ơi! Bây giờ con đã hiểu thế nào là lòng ái quốc. Đó là một điều rất to tát, rất thiêng liêng. Vì một ngày kia, ta trông thấy con về trận được an toàn, nhưng được tin con đã lẩn lút để tránh cái chết, thì cha đây, cha vẫn đón con lúc đi học về bằng tiếng cười vui vẻ, bấy giờ cha sẽ đón con bằng những tiếng khóc xót xa. Cha sẽ không thể thương con được nữa và sẽ đâm tim mà thác cho rồi!

Cha của con.”
Chắc quyển Tâm Hồn Cao Thượng ngày nay ở Việt nam không còn được lưu hành nữa. Nếu quả thật thì chắc không phải vì bị kiểm duyệt, mà đúng hơn vì nó đã quá lạc hậu với sự cảm nhận của xã hội từ nửa thế kỷ nay được nhà cầm quyền cộng sản ra sức giáo dục tinh thần xã hội chủ nghĩa như giá trị tiêu chuẩn.
 
Nếu người cha viết thư cho con khơi dậy Lòng Ái quốc, sẽ phải viết cách nào không để đụng chạm tới nguyên lý “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội” và nhứt là làm sao khỏi bị ở tù, bị công an nhân dân đạp vào mặt khi viết cho con “Con sẽ cảm thấy tình yêu nước mãnh liệt hơn, trở thành sanh tử, khi con thấy quân Tàu xâm lược ồ ạt kéo qua dày xéo đất nước của con và Chánh quyền cộng sản đang thỏa hiệp với giặc Tàu?”
Nguyễn thị Cỏ May

No comments:

Post a Comment