Sunday, September 18, 2011

VIÊN LINH; Thiên Cổ Hùng Văn của Nguyễn Trãi



582 năm sau, Chiêu Niệm Áng Thiên Cổ Hùng Văn của Nguyễn Trãi

Ngày 19 tháng 9, 1442, nhà thơ, nhà tư tưởng Nguyễn Trãi lìa đời trong một vụ án tru di tam tộc dưới triều Lê Thái Tông, cho tới nay vẫn còn là nghi án.

Chân dung Nguyễn Trãi (1380-1422).

Cùng với Lê Lợi, ông điều hành cuộc kháng chiến chống xâm lược Bắc phương trong 10 năm, tới 1428 đánh bật được quân giặc ra khỏi lãnh thổ Ðại Việt, mà từ năm 1407 tới năm 1417 ngay trước đó, quân binh của Hồ Quí Ly và của nhà Hậu Trần đã thất bại. Sau ba lần Bắc thuộc, nước ta thoát ách đô hộ của kẻ láng giềng tham bạo lần thứ tư, nhà Lê giành lại quyền tự chủ đất nước, ấy là nhờ công lớn của các chiến sĩ Lam Sơn, trong đó, “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần,” điều ấy đã trở thành lịch sử. Linh hồn của cuộc kháng chiến 10 năm ấy, chiến công của cuộc đánh đuổi Bắc phương ấy, và Quốc thể của đất nước Ðại Việt từ đó, đã được Nguyễn Trãi thâu tóm lại trong một bài đại cáo, mà 582 năm nay người Việt đời đời gọi nó là áng Thiên cổ Hùng Văn:

Bình Ngô Ðại Cáo
Cái văn: Nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân;
Ðiếu phạt chi sư, mặc tiên khứ bạo.
(Từ đây trở xuống là bản dịch của Bùi Kỷ, có vài cải sung):

Từng nghe:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Nước Ðại Việt ta từ trước,
Vốn xưng văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Ðinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Ðường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương.
Tuy mạnh yếu nhiều lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có

Vì vậy:
Lưu Cung tham công nên thất bại,
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong.
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Ðô,
Sông Bạch Ðằng giết tươi Ô Mã.
Việc xưa xem xét,
Chứng cớ còn ghi.

Nguyễn Trãi, hiệu Ức Trai, cháu ngoại Tư Ðồ Trần Nguyên Ðán, con danh sĩ Nguyễn Phi Khanh, sinh năm 1380 tại làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, Hà Ðông. Năm 1400, đời nhà Hồ, ông đi thi đỗ Thái Học Sinh (Tiến sĩ). Năm 1418, ông cùng Trần Nguyên Hãn bỏ nhà Hồ vào Lam Sơn tham gia cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi chống giặc; suốt 10 năm kháng chiến, ông là nhà chiến lược quân sự, ngoại giao, đóng góp rất lớn trong việc khôi phục chủ quyền cho đất nước. Năm 1428, Lê Lợi phong cho ông tước Quan Phục Hầu, coi Viện Cơ Mật. Sau bị gièm pha, ông lui về ở ẩn tại Côn Sơn, Chí Linh thuộc Hải Dương. Cũng tại nơi này khi Vua Lê Thái Tông đi kinh lý có ghé thăm, khi trở về triều mang theo vợ lẽ của Nguyễn Trãi là Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Trước khi về, vua nghỉ đêm tại Lệ Chi Viên, và đột ngột qua đời. Gian thần đổ tội cho Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, và đưa đến bản án tru di. Ðời sau khi nhắc đến vụ này đều gọi là Thảm án Lệ Chi Viên (Vụ án Vườn Vải), để nói tới oan khuất của ông và Lễ Nghi Học Sĩ Nguyễn Thị Lộ. Thập niên '80, Nguyễn Trãi được ghi tên trong danh sách Danh Nhân Thế Giới của UNESCO.

Một cách không chính thức, văn học giới Việt Nam hồi cuối thế kỷ XX coi bài thơ Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt là Tuyên ngôn Ðộc lập thứ nhất của ta, và bài Bình Ngô Ðại Cáo của Nguyễn Trãi là bản Tuyên ngôn thứ hai. Một bản đọc trong trận đánh quyết định giữa Ðại Việt và giặc Tống; một bản đọc sau khi Ðại Việt sạch bóng quân Minh.
 (Nói theo Ca dao, Tống hay Minh cũng chỉ là Ngô: Như trong câu “Vợ thằng Ngô đốt vàng cho chú khách.”)

Bình Ngô Ðại Cáo lẫm liệt ở nhiều mặt:

Bài Cáo mở đầu bằng lời xác định Việc nhân nghĩa; và Việc chinh phạt. Người làm việc nước, theo lẽ Thánh hiền, lấy dân làm chủ, và diệt kẻ ác để yên dân. Ðiều thứ hai, Ðại Việt vốn là một nước văn hiến (có văn hóa, có hiền tài, hào kiệt), đã dựng nền độc lập từ nhiều triều đại trước, song song với Hán Ðường Tống Nguyên Minh (và sau này: Thanh); mỗi bên hùng cứ một phương. Ðã thế, Cương vực đã rạch ròi, Phong tục lại khác biệt. Bài cáo nhắc đến những lần Bắc quân đại bại trong mười bốn thế kỷ trước, rồi sau đó mới tả đến chiến công của thời hiện đại: Chiến công phá tan quân Minh, khôi phục Ðất nước, và vượt cao xuất chúng còn là rao giảng chủ thuyết Duy Tân!

Nguyễn Trãi không quên kể tội nhà Hồ: Chính sự phiền hà, lòng dân oán giận, “bọn gian tà còn bán nước cầu vinh,” dối trời lừa đất, buộc dây vào lưng trai tráng bắt xuống biển mò ngọc, bắt lên rừng đào vàng, giăng lưới đặt bẫy, há miệng nhe răng tàn hại muông thú; nay xây nhà, mai đắp đập, thu mua sản vật ép sức dân phu, trúc núi Nam, nước biển Ðông không đủ ghi, không đủ rửa hết tội lỗi của cường quyền ác đảng.

Nguyễn Trãi sau đó mới kể đến sự khó khăn thiếu thốn của quân mình, mấy tuần quân ở Linh Sơn không có lương thực, lính ở Khôi huyện vắng tanh nhưng lòng cầu hiền, trọng tài, chí khôi phục đất nước, tâm thương người khó nghèo, yêu sĩ tốt như yêu con, đã khiến vượt qua tất cả.

Ta gắng chí khắc phục gian nan,
Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới.
Tráng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào.

Bình Ngô Ðại Cáo còn kể ra chiến lược của Bộ tham mưu, Thuật dùng người của chủ tướng, tài năng của quân kháng chiến, kế hoạch binh vận và tâm lý dân tình, đánh tâm công trước thì sự gây thanh thế, việc chiếm đoạt thành làm tan rã địch quân chỉ là chuyện phải đến.

Thế trận xuất kỳ, lấy yếu chống mạnh
Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều
Trọn hay:
Ðem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo
Trận Bồ Ðằng sấm vang chớp giật
Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay
Sĩ khí đã hăng
Quân thanh càng mạnh

Cách đây vài năm trên một số tạp chí Khởi Hành, khi viết về Nguyễn Trãi, giáo sư Trần Ngọc Ninh có viết ra một khám phá lớn: Ngay đầu thế kỷ XV (1428), nhà cách mạng Nguyễn Trãi đã manh nha chủ thuyết Duy Tân đất Việt. Hai chữ Duy Tân tìm thấy hiển nhiên trong câu cuối cùng của Bình Ngô Ðại Cáo:

Một cỗ nhung y chiến thắng, nên công oanh liệt ngàn năm,
Bốn phương biển cả thanh bình, ban chiếu Duy Tân khắp chốn.
Xa gần báo cáo,
Ai nấy đều hay.

Than ôi, cuộc cách mạng Duy Tân Ðất Nước của Nguyễn Trãi, báo trước trong Ðại Cáo Bình Ngô, biết đâu không là nỗi sợ hãi của bọn tham quan cẩu trệ trong triều Lê sơ, và các đại quan nhà Minh ngay sau đó đầy rẫy trong Triều đình Lê Lợi, và góp phần đưa đến cái chết đột ngột của ông, và Vụ Án Vườn Vải chỉ là một màn của vở kịch?



No comments:

Post a Comment