Thursday, September 29, 2011


* Tr/T Huế, chiến binh anh dũng và trung thành với Tổ Quốc



Sư Đoàn 1 BB

FALLS CHURCH, Virginia  - “Harry Trần Ngọc Huế là một chiến binh lỗi lạc và ông đã phải trả giá đắt cho sự trung thành với tổ quốc mình trong cuộc chiến Việt Nam.” Ðó là lời mà Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ James Webb (Dân Chủ-Virginia) viết về người cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) này trong một bức thư đề ngày 4 Tháng Tư vừa qua.

Qua một người bạn giới thiệu, tôi được gặp người đàn ông mà nhiều người trong Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, trong đó có Thượng Nghị Sĩ Webb, từng là bộ trưởng Bộ Hải Quân, gọi là “anh hùng của những anh hùng (Hero of the Heroes).”

Tướng cao to, khỏe mạnh, mặc dù tuổi đã ngoài 60, bàn tay trái chỉ còn hai ngón nguyên vẹn, cộng với một vài vết thẹo trên khuôn mặt và phía dưới cằm, ít ai ngờ rằng, con người này đã từng vào sinh ra tử biết bao lần, nhất là cuộc chiến lấy lại Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 1 Bộ Binh và Ðại Nội Huế, hồi Tết Mậu Thân 1968.

Vì những hành động anh hùng của mình, ông Harry Trần Ngọc Huế đã được Hoa Kỳ tặng thưởng một huy chương “Ngôi Sao Bạc” (Silver Star) và một huy chương “Ngôi Sao Ðồng” (Bronze Star). Ngoài ra, ông cũng được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tặng Ðệ Ngũ Ðẳng Bảo Quốc Huân Chương cùng nhiều huy chương cao quý khác. Harry là tên các cố vấn Mỹ đặt cho ông.

Cuộc tái chiếm Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 1 Bộ Binh
Là đại đội trưởng Ðại đội Hắc Báo, lực lượng tổng trừ bị của Sư Ðoàn 1 Bộ Binh QLVNCH, Trung úy Trần Ngọc Huế đã khôn khéo và dũng cảm chỉ huy trận chiến một mất một còn với quân đội Bắc Việt để lấy lại quyền kiểm soát Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 1, nơi đầu não chỉ huy tái chiếm lại Huế vào Tết Mậu Thân 1968.

Người cựu chiến binh này kể: “Lúc đó, Ðại đội Hắc Báo của chúng tôi là Lực Lượng Phản Ứng Cấp Thời (Fast Reaction Forces) đóng tại sân bay Thành Nội. Ðêm đó là mùng một Tết và quân đội Bắc Việt đã tấn công nhà đèn, Thiết Ðoàn 7 Thiết Giáp, Phú Văn Lâu, Tòa Hành Chính Tỉnh và Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 1. Ngoài đường phố tràn ngập lính Bắc Việt, phi trường bị pháo kích dữ dội...”

Ông kể tiếp: “Chúng tôi có 6 trung đội, sau khi bố trí quân, tôi về nhà nghỉ. Một lúc sau, thấy pháo dữ dội quá, tôi trở dậy, mặc đồ lính đi. Trong đêm tối, tôi thấy đặc công Bắc Việt đi hàng hàng lớp lớp ngoài đường.”

“Lúc đó, tôi rất lưỡng lự, không biết có nên đi hay không vì con gái đầu lòng của tôi mới sinh được một tháng. Tôi có thể trở về nhà với vợ con, nhưng nghĩ lại trách nhiệm của người lính và một chỉ huy. Hơn nữa, nếu nước mất nhà tan, thì chưa chắc gia đình tôi yên ổn. Thế là tôi tiếp tục đi phía sau họ để đến phi trường,” người anh hùng này kể tiếp.

Khi đến sân bay, theo lời ông kể, đặc công Bắc Việt đã tiếp cận bộ chỉ huy Ðại đội Hắc Báo của Trung úy Huế.

“Họ chiến đấu rất hăng say. Họ mặc quần đùi, đeo súng AK bá xếp. Tuy nhiên, các anh em Hắc Báo đã dũng cảm chiến đấu và đánh bật đối phương ra khỏi phi trường. Chúng tôi cứu được hai lính thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, lúc đó có nhiệm vụ bảo vệ phi trường, khỏi tay quân địch,” ông Huế kể tiếp.

Sau đó, đơn vị Hắc Báo lại được lệnh của Trung tá Ngô Văn Chung, trưởng phòng 3, Sư Ðoàn 1, qua giải cứu Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn, đang bị địch vây hãm.

“Liền đó, tôi nghe trên điện đàm tiếng Trung tá Chung nói: Ðây là lệnh của mặt trời (ẩn danh của Tướng Ngô Quang Trưởng). Nếu không thi hành sẽ bị đưa ra tòa án mặt trận”. Ông Huế kể.

Qua hệ thống vô tuyến chỉ huy, ông Huế cũng nghe được lệnh của Trung tá Chung ra lệnh cho Thiết Ðoàn 7, đồn trú tại An Cựu, đưa xe tăng sang cứu Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn.

“Tuy nhiên, Trung tá Chí, thiết đoàn trưởng Thiết Ðoàn 7 Thiết Giáp, cho sư đoàn biết là hiện tại bộ chỉ huy của ông đang bị pháo và đặc công uy hiếp nặng nề,” ông Huế kể tiếp.

Sau khi ổn định tình hình, Trung úy Huế tập trung anh em Hắc Báo lại và ban lệnh hành quân kế tiếp.

Ông kể: “Tôi nói với anh em rằng, một nửa đại đội phòng thủ phía Nam sông Hương đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và tôi đã mất liên lạc. Nay Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn đang bị vây hãm, tình thế thập tử nhất sinh, tất cả đều trông cậy vào Hắc Báo chúng tôi. Vì sự sống còn của anh em và gia đình, vì sự sống còn của đồng bào và thành phố, chúng tôi quyết phải đánh, dù bất cứ giá nào.”

Sau khi nghe đại đội trưởng Huế nói, tất cả đều hô to “Xin thề! Xin thề! Xin thề!” và “Huế ơi, có chúng tôi đây!”

“Ðó là lời thề của các chiến sĩ Hắc Báo trước khi xung trận,” cựu đại đội trưởng Hắc Báo cho biết tiếp.
Nhờ sống ở Huế lâu và rất rành đường đi nước bước trong thành phố, nên ông Huế dễ dàng dẫn quân luồn lách qua những ngả đường, đến nơi mà địch hoàn toàn không biết.

Người cựu chiến binh QLVNCH này say sưa kể: “Khi đến bên này Cầu Kho, tôi thấy bên kia cầu, gần cổng chính vào Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn, địch đang lúc nhúc đào công sự, chuẩn bị tấn công. Bên trong bộ tư lệnh không thể nào ra được. Ngoài nhân viên Việt Nam còn có một số cố vấn Mỹ trong đó. Nếu bộ tư lệnh mà bị chiếm là coi như rắn mất đầu. Thế là chúng tôi phải dốc toàn lực đánh một mất một còn với địch.”

Theo ông Huế, Hắc Báo là đơn vị đầu tiên của Sư Ðoàn 1 có súng M16, được coi là tối tân nhất lúc đó. Họ cũng sử dụng súng phóng hỏa tiễn M72, đại liên 30ly và đại bác 57ly không giật.

“Từ bên này cầu, tôi cho bố trí ba khẩu đại liên bắn trực xạ làm quân địch rối loạn. Cùng lúc đó, chúng tôi dùng cả lựu đạn khói làm địch không thấy đường. Sau khi hy sinh một tiểu đội, chúng tôi chiếm lại cầu và mở đường vào bên trong bộ tư lệnh,” ông Huế kể tiếp như vậy.

Người đầu tiên Trung úy Huế gặp khi vào bên trong bộ tư lệnh là Trung tá Trần Văn Cẩm, tham mưu trưởng sư đoàn. Trung tá Cẩm liền chỉ cho đại đội trưởng đại đội Hắc Báo biết nơi địch quân đang chiếm đóng trong khu vực. Ðó là khu vực Ðại đội 1 Quân Y Sư Ðoàn, bệnh xá và câu lạc bộ.

“Không chần chờ, tôi cho lệnh chiến đấu,” ông Huế kể.

Ðơn vị Hắc Báo dùng lựu đạn đi đến tấn công từng phòng, giết và bắt một số tù binh một cách dễ dàng.

“Chiến thuật của Hắc Báo lúc đó là cận chiến nhằm bắt sống tù binh để khai thác. Nếu không được mới dùng lựu đạn tấn công,” ông Huế cho biết như vậy.

Tôi hỏi: “Làm sao mà đặc công có thể thoát bãi mìn để vào được bên trong bộ tư lệnh nhiều thế?”
“Ðó là một đường cống, lỗ thoát nước. Ðó chính là nơi mà đặc công bò vào,” ông trả lời.

“Sau khi chiếm cửa hậu phía Bắc của thành Mang Cá, tôi thấy một cảnh hãi hùng. Ðịch đang bò lê bò càng dọc theo bên ngoài bờ thành. Thế là các khẩu đại liên của Hắc Báo cứ thế mà ‘quét’ vào. Cuộc chiến bắt đầu từ 10 giờ sáng mà mãi đến 3 giờ chiều mới kết thúc,” ông Trần Ngọc Huế nói.

Ông nói tiếp: “Lúc đó, chúng tôi chiến đấu với tinh thần sống tự do hay là chết.”

Ngay sau đó, ông đã được tặng thưởng huy chương Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Bạc (Gallantry Cross with Silver Star) do chính Tướng Creighton Abrams, tư lệnh Các Lực Lượng Quân Ðội Hoa Kỳ tại Việt Nam, gắn lên ngực áo. Cũng trong dịp này, ông được lên đại úy và chính Tướng Ngô Quang Trưởng gắn lon cho ông.

Ngày 19 Tháng Sáu, 1969, Ngày Quân Lực VNCH, ông Trần Ngọc Huế được thăng cấp thiếu tá.

Viên ngọc của “Huế”

Sinh ra và lớn lên tại Huế, cái tên Trần Ngọc Huế của ông còn có nghĩa là “hòn ngọc của Huế xuất phát từ nhà Trần.”

Năm 12 tuổi ông đã vào trường Thiếu Sinh Quân. Sau khi đậu tú tài, chàng thanh niên Trần Ngọc Huế vào trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt, khóa 18. Ra trường năm 1963, ông được điều ngay về Sư Ðoàn 1 Bộ Binh.

Kể từ năm 1969, ông lần lượt làm tiểu đoàn trưởng các tiểu đoàn 1/3, 5/2 và 2/2 thuộc Sư Ðoàn 1 Bộ Binh.

Tháng Ba, 1971, Tiểu Ðoàn 2/2 của ông cùng với các tiểu đoàn khác, dưới sự chỉ huy của Ðại tá Ngô Văn Chung, trung đoàn trưởng Trung Ðoàn 2, được điều động tham gia cuộc hành quân Lam Sơn 719 với nhiệm vụ đột kích bằng trực thăng vận vào mục tiêu chiến lược Tchepone, Nam Lào. Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiếm và kiểm soát mục tiêu chính của cuộc hành quân, ông Huế sẽ được Tướng Phạm Văn Phú đáp trực thăng xuống gắn lon trung tá và tiểu đoàn của ông sẽ được lệnh hành quân về phía Tây Nam Lào, giải vây cho hai tiểu đoàn 3/3 và 4/3.

Sau khi giải vây được cho tiểu đoàn bạn, Tiểu Ðoàn 2/2 lại bị địch bao vây.

Ông Huế kể: “Lúc đó, pháo bắn vào dữ quá. Tôi bị thương nặng nơi mặt, đầu và cổ. Ban chỉ huy ra lệnh mở đường máu rút lui. Anh em đòi khiêng tôi rút lui, nhưng tôi không chịu. Tôi không muốn anh em bị thiệt hại vì mang tôi đi. Chúng tôi xuống 600 người nhưng chỉ thoát được 50 người. Toàn bộ số còn lại bị bắt hoặc hy sinh. Ðó là ngày 21 Tháng Ba, 1971.”

Sau đó, ông Huế được anh em tù binh khiêng đi dọc đường mòn HCM về tới Vĩnh Linh. Phía địch quân đưa ông lên xe lửa và mang ra nhốt tại nhà tù Hỏa Lò. Vài tháng sau, ông bị đưa lên nhốt ở các trại tại Sơn Tây, Hoàng Liên Sơn, Yên Bái, Lạng Sơn và Cao Bằng.

Ông Huế kể tiếp: “Sau khi Hiệp Ðịnh Paris được ký kết hôm 27 Tháng Giêng, 1973, theo quy định, địch phải thả tôi. Lúc đó, tôi đang ở Kỳ Cùng thì địch đưa về Hà Tây. Sau đó, họ đưa tôi cùng một số anh em khác vào bờ sông Thạch Hãn để trao trả tù binh. Nhưng tự nhiên địch chia chúng tôi ra làm hai nhóm, nhóm bị bắt tại các nơi khác và nhóm bị bắt ở Lào. Lúc đó, tôi đã mường tượng một điều gì đó không tốt.”

“Các anh bị bắt ở Lào là thuộc quyền Mặt Trận Lào Yêu Nước,” một cán bộ Bắc Việt nói với ông Huế như vậy, theo lời kể của ông.

Ông kể tiếp: “Thế là họ đưa chúng tôi về ngã ba Ðường Thành, Hà Nội, và giam tiếp. Chúng tôi phản đối bằng cách tuyệt thực và cạo đầu. Thế là chúng còng tay và đánh đập chúng tôi. Sau đó, chúng tôi bị đưa đi Yên Bái và nhốt cách ly. Kế đến, chúng lựa ra 11 người đầu não, trong đó có tôi, đưa lên nhốt ở Cao Bằng.”

“Năm 1974, chúng tôi bị đưa về Nghĩa Lộ làm trại cải tạo chuẩn bị đón thêm tù binh. Sau đó, chúng tôi lại bị đưa trở lại về Yên Bái để làm đường chiến lược Tây Bắc,” ông kể tiếp.

Năm 1978, khi Việt Nam rục rịch chiến tranh với Trung Quốc, ông Huế lại bị đưa về Nam Hà. Ðến Tháng Tư, 1982, ông được chuyển về Hàm Tân. Tháng Bảy, 1983, ông được thả.

Về Sài Gòn, ông bị quản thúc tại gia trong nhiều năm cho đến năm 1991, ông sang Hoa Kỳ diện cựu sĩ quan chế độ cũ.

Cuộc sống mới tại Hoa Kỳ

Hồi ở Tiểu Ðoàn 2, Trung Ðoàn 2 của Sư Ðoàn 1, ông Huế có một người bạn thân là David Wiseman, lúc đó là cố vấn Mỹ. Ông Wiseman cũng từng bị thương ba lần tại Việt Nam và rất cảm kích tinh thần chiến đấu của người bạn Trần Ngọc Huế.

Sau năm 1975, ông David Wiseman không biết người bạn của mình sống chết ra sao. Ông cầm tấm hình của ông Huế đi khắp vùng thủ đô Washington D.C. và đưa cho mọi người xem. Mỗi lần ông đưa tấm hình ra, ông đều nhận được một cái lắc đầu.

Cho đến một hôm, ông Wiseman tham dự một buổi tiệc gây quỹ của Hội Gia Ðình Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam tại Virginia và gặp ông Ngô Ðức Am, em rể của bà Khúc Minh Thơ, chủ tịch hội.

Thật là may mắn cho ông Wiseman vì ông Am chính là người ở chung trại tù với ông Huế.

Sau khi xem tấm hình, ông Am cho ông Wiseman biết ông Huế vẫn còn sống ở Việt Nam. Thế là ông Wiseman tìm cách liên lạc với ông Huế.

Việc đầu tiên là ông Wiseman gởi cho ông Harry một bức thư ngắn trong đó kèm theo năm tờ giấy $20. Bức thư chỉ có vài hàng: “Harry, tôi biết anh còn sống. Tôi đã tìm anh 20 năm nay. Tôi sẽ tìm mọi cách đưa anh sang Mỹ. Nếu anh qua Mỹ tôi sẽ giúp. Nếu anh muốn ở lại, tôi sẽ gởi tiền về giúp. Anh còn thích hút thuốc Salem không?”

Khi đến Hoa Kỳ năm 1991, chính ông Wiseman là người ra đón gia đình ông Huế tại phi trường Washington National Airport. Sau đó, ông Wiseman lo mướn nhà cho gia đình ông Huế, giúp mua sắm một số vật dụng cần thiết.

Theo ông Huế cho biết, ông Wiseman đã qua đời cách đây bốn năm.

Kể từ khi biết Harry đến Hoa Kỳ, các cố vấn Mỹ, mà nhiều người sau này trở thành bạn thân và coi Harry như anh em ruột, gọi điện thoại và đến thăm tới tấp. Ai cũng muốn giúp ông ổn định cuộc sống mới.

Năm 1994, nhờ bạn bè Mỹ giúp đỡ, cựu chiến binh Trần Ngọc Huế và ba cô con gái, Coco, Vicky và Elly, vào làm cho ngân hàng Navy Federal Credit Union cho đến nay.

Một người lính đầy danh dự

Dù trong hoàn cảnh nào, cựu chiến binh Harry Trần Ngọc Huế luôn giữ được khí tiết và danh dự của một người lính QLVNCH. Vì thế, ông được nhiều người rất kính nể.

“Mỗi người có một cách sống riêng. Bản thân tôi luôn sống với danh dự của một quân nhân QLVNCH. Người ta (các cố vấn Mỹ) đã rời bỏ quê hương sang giúp mình thì mình phải giúp họ hoàn thành nhiệm vụ. Sống với họ phải sống xứng danh quân đội VNCH. Vì thế, tôi có những cảm tình rất khó tin với các cố vấn Mỹ,” ông Huế chia sẻ như vậy.

Ông Ned Devereaux, cố vấn cũ và từng bị thương với ông cố vấn Wiseman và ông Huế ngày 8 Tháng Mười Một, 1970, cho biết: “Khi tôi gặp Harry lần đầu tiên, tôi biết ngay ông là một người lính chuyên nghiệp, một sĩ quan chuyên nghiệp, một người mà khi ra lệnh tôi sẽ theo ngay, không thắc mắc. Harry đã làm tôi cảm thấy mình là một thành viên trong gia đình quân đội của ông. Những gì ông làm đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ dễ dàng.”

“Nếu phải viết một câu về Harry, tôi sẽ viết, Harry thật sự là một anh hùng, một người trung thành với tổ quốc, cấp trên, gia đình và binh sĩ của mình và tôi coi Harry như một người anh em cùng huyết thống và thật sự kính nể ông,” ông Devereaux viết như vậy trong email gởi cho tôi.

Ông Thái Quang Ty, một trung sĩ đại đội Hắc Báo tham gia trận đánh lấy lại Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 1 Bộ Binh, đang sống tại thành phố Atlanta, Georgia, kể: “Anh Huế là một chỉ huy tài giỏi và mưu lược. Lúc tôi ở cùng đơn vị với anh, Hắc Báo đánh đâu thắng đó, chưa thua một trận nào. Ở mỗi trận đánh, anh đều quan sát trước địa hình trước khi giàn quân. Các chỉ huy khác thường xua binh sĩ đi trước, riêng bản thân anh lúc nào cũng đi sát binh sĩ. Chính vì vậy làm cho tinh thần anh em hăng say.”

Qua điện thoại, ông Richard Weyand, cố vấn đại đội Hắc Báo từ năm 1967 đến 1969 và hiện sống tại thành phố Kenosha, Wisconsin, nói: “Harry là người dấn thân nhất cho cuộc chiến. Cách chỉ huy của ông, sự trung thành của ông và sự can đảm của ông làm tôi tự hào khi được làm việc với ông trong hai năm trời.”

Một cố vấn khác của đơn vị Hắc Báo, ông William Bolt, hiện là trung tướng hồi hưu sống tại thành phố Columbia, South Carolina, kể qua điện thoại: “Trong một trận đánh tại phía Nam thành phố Huế vào cuối năm 1968, chính ông Harry đã cõng ông Richard Weyand ra sau khi ông này bị thương trong một bãi mìn. Harry quả thực là một người can đảm. Ông là một người yêu nước và là người hy sinh nhiều nhất cho đất nước của ông mà tôi được biết.

Khi Giáo Sư Sử Học Andrew Wiest, trường đại học University of Southern Mississippi, chuẩn bị viết tác phẩm “Vietnam's Forgotten Army, Heroism and Betrayal in the ARVN,” ông vô tình biết được Harry Trần Ngọc Huế qua ông Jim Coolican, cựu Ðại Tá Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và là cố vấn của ông Huế hồi Tết Mậu Thân 1968.

Giáo Sư Wiest kể: “Tôi sang thăm Việt Nam năm 2000 và thấy rất nhiều. Một điều tôi ít thấy nói đến là QLVNCH. Về Mỹ tôi quyết định viết một cuốn sách về đề tài này. Trong lúc nghiên cứu tìm tài liệu, nhiều người cho tôi biết phải tìm và viết về Harry Trần Ngọc Huế. Thế là tôi nhờ cựu cố vấn Jim Coolican giúp tôi.”

“Tôi nghĩ Harry là một biểu tượng xứng đáng nhất của Việt Nam và Hoa Kỳ. Cũng như bao nhiêu người khác sau chiến tranh, đến Hoa Kỳ với hai bàn tay trắng. Giờ đây, cả ba cô con gái của ông đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Harry đã thực hiện được giấc mơ Mỹ của mình,” giáo sư này nói tiếp.

Ông kết luận: “Harry là người yêu nước nhất mà tôi gặp từ trước đến nay.”

Vào Tháng Mười Hai tới đây, Giáo Sư Andrew Wiest sẽ cho ra mắt tác phẩm nêu trên.



Ðại úy Harry Trần Ngọc Huế được Tướng Creighton Abrams, Tư Lệnh Quân Ðội Hoa Kỳ tại Việt Nam, gắn huy chương “Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Bạc” (Gallantry Cross with Silver Star), sau trận Mậu Thân 1968



Bàn tay chỉ còn hai ngón nguyên vẹn của Harry Trần Ngọc Huế và những tấm huy chương.



Harry Trần Ngọc Huế: “Lúc đó, chúng tôi chiến đấu với tinh thần sống tự do hay là chết.”



Cựu hắc báo Harry Trần Ngọc Huế đứng cạnh bức hình mà cựu cố vấn David Wiseman đã cầm để đi tìm ông trong một thời gian dài. 


ĐOÀN VĂN TỊNH:
Trận chiến trên cầu Bến Đá Cuả TĐ9/TQLC 





Lời giới-thiệu: MX Nguyễn Kim Đễ Cựu Trung Tá


Ngay sau khi ký-kết Hiệp-định Geneve (20-7-1954) chia đôi đất nước, Cộng-Sản Bắc Việt đã mang sẵn mộng xâm-chiếm nốt miền Nam bằng cách này hay bằng cách khác.




Năm 1960, họ đã đưa cán-bộ Trung-ương Đảng âm-thầm vượt vĩ-tuyến 17, vào Nam thành-lập và kiểm-soát Mặt Trận Giải-Phóng (MTGPMN).

Cho tới năm 1965, CS Bắc Việt đã đưa vào miền Nam hơn 1 triệu quân chính-qui, với những vũ-khí tối-tân do Nga-sô và Trung Cộng cung-cấp. 

Vào đầu mùa hè 1972, về mặt quân sự, họ đã tận dụng toàn lực để mở rộng trên toàn các mặt trận trong Nam. Trong khi đó về phiá Bắc, họ đã xua quân tràn qua bờ sông Bến-Hải.

Trong những ngày đầu, vì phải đối đầu với một lực lượng gồm 5 Sư Đoàn chính Qui (318. 304, 312, 320 và 325) và nhiều đơn vị cơ-giới và địa-phương, SĐ3/BB của QLVNCH và những lực-lượng tăng-phái đã buộc phải triệt-thoái khỏi thị-xã Quảng-Trị.

Vì thiếu kế-hoạch từ đó việc triệt-thoái đã diễn ra một cách hỗn-độn nên đoàn quân và dân di tản khỏi Quảng Trị đã bị lực lượng truy kích của CS Bắc Việt thừa thắng, truy-kích theo, tạo nên bao thảm-cảnh tàn-phá và chết chóc dài khoảng 12 cây số trên QL1. Đoạn đường này trải dài từ Thị-xã Quảng-Trị cho tới cầu Bến Đá, một cây cầu nằm về phiá Nam cuả Quận lỵ Hải Lăng khoảng 5 cây số. 

Sau này đọan đường đầy chết choc đó được mang tên là “Đại-Lộ Kinh Hoàng”.

CS Bắc-Việt tưởng rằng việc chiếm thành phố Huế đã nắm chắc trong tay, nên họ hăm hở xua quân tiến về Huế. 

Về mặt chính-trị, nếu chiếm được Huế, họ sẽ dùng làm thủ đô cho MTGPMN để đòi hỏi chia cắt đất nước thêm một lần nữa …

Vừa tiến quân, vừa tàn-sát, lực-lượng truy-kích của CS Bắc-Việt đã không gặp một lực lượng trì-hoãn chiến nào đáng kể cho đến khi chạm phải Tiểu-Đoàn 9/TQLC. 

Vào chiều ngày 1-5-1972, đơn vị này đã từ những giải núi Trường Sơn được lệnh đổ ra về phiá Đông để bảo vệ cầu Bến Đá nằm trên QL1. Tiểu Đoàn 9/TQLC trải dài trấn-giữ bờ phía Nam giòng sông Ô-Khê chờ đón lực-lượng truy-kích của CS Bắc-Việt.


Trên bình diện chiến-thuật, bài viết sau đây của Tân-An Đoàn văn Tịnh đã ghi nhận đầy đủ chi tiết về trận đánh tại cầu Bến-Đá của một Đại đội thuộc Tiểu Đoàn 9/TQLC.

Nhưng trên phương diện chiến-lược và chính-trị, người ta thấy có hai lập-luận tương-phản như sau:
1. Trên phương-diện chiến-thuật, việc chặn đứng một lực-lượng hùng-hậu cuả CS Bắc Việt quả là một trận đánh ngoạn mục, kỳ-công, và ngoài ra chiến-thắng này còn có một giá trị trên phương diện chiến-lược rất quan-trọng
- CS Bắc-Việt và MTGPMN đã không có một nơi tạm mang danh là thủ đô để có thể mặc cả trong thế hoà đàm.
- Tuyến phòng thủ Mỹ-Chánh đã được thành-lập ngay sau đó.
- Tổng Thống VNCH đã ra lệnh tổ-chức phản-công, tái-chiếm cổ-thành Quảng-Trị vào ngày 16-9-1972.

2. Giả thử đơn-vị này không chặn được lực-lượng truy-kích hùng-hậu của CS Bắc-Việt thì CS Bắc-Việt và MTGPMN đã có thành-phố Huế làm thủ-đô và sẽ có tư-thế mạnh trong hội-đàm đòi chia cắt đất nước một lần nữa.
- Sẽ không có trận đánh Tái-chiếm Quảng-Trị.
- Cũng sẽ không có cuộc di-tản miền Trung đau thương … và cuối cùng mất tất cả đất nuớc …
Những tổn thất và mất mát từ đó trở đi, không thể qui trách vào những người đã quên mạng sống của mình để bảo vệ từng tấc đất.

Nhiệm-vụ của những chiến sĩ QLVNCH nói chung và TQLC nói riêng đã hoàn tất, họ thấy giặc đến là đánh, giản dị chỉ có vậy thôi.

Hơn nữa chính trong cuốn hồi-ký của Henry Kissinger gần đây đã được giải-mật, cho thấy rằng năm 1972 người Mỹ đã muốn lật-đổ chính-phủ VNCH vì VNCH nhất-quyết không nhượng-bộ CS Bắc Việt để Mỹ có thể rút chân ra khỏi chiến-trường Việt-nam.


Trân trọng giới thiệu để độc giả tuỳ nghi nhận định.
MX Nguyễn Kim Đễ


MX Tân-An Đoàn-Văn-Tịnh

Tình hình tổng quát vào những ngày cuối tháng 4-1972
LĐ369/TQLC gồm 3 Tiểu Đoàn 2, 5 và 9 trải dài từ Nam lên Bắc qua hai căn cứ Barbara và Nancy nằm trên đường đỉnh của dẫy Trường-Sơn nhằm ngăn chặn địch từ hướng tây cuả Trường-Sơn tràn ra QL1.


Tất cả trận tuyến của 3 Tiểu Đoàn đều chịu áp lực nặng nề của địch. Tiền đồn và tuần tiễu cấp Trung đội của ta thường xuyên chạm địch. Căn cứ Barbara và Nancy hàng ngày nhận lãnh hàng trăm quả đạn pháo kích đủ loại. 

TĐ2/TQLC trải dọc theo trục lộ dẫn từ QL1 tới căn cứ Barbara.

TĐ9/TQLC trách nhiệm căn cứ Barbara,(một căn cứ đã được bỏ hoang của Hoa Kỳ).

Để giảm thiểu tổn thất vì pháo kích, BCH/TĐ9 đã khôn khéo chỉ đặt một Tiểu đội đặc biệt với máy truyền tin để duy trì sự hiện-diện mà thôi. Ngoài ra toàn bộ Tiểu đoàn trấn giữ tại các yếu điểm quan trọng khác. Kế hoạch này buộc địch đã phải tung ra nhiều cuộc tấn công thăm dò vị trí của ta, nên hầu như hàng ngày chạm địch. TĐ5/TQLC trấn giữ căn cứ Nancy (nằm cách vào khoảng 5 cây số về phiá Bắc của căn cứ Barbara) cũng bị áp lực rất nặng. Sau nhiều đợt pháo kích nặng và tấn công, TĐ5/TQLC đã phải rời bỏ vị trí và địch đã làm chủ căn cứ này.


Ngày 30/4 và ngày 1/5/1972
Bắt đầu từ buổi trưa ngày 1/5/1972 đầu mùa hạ, từ trên những đỉnh núi cao của dẫy Trường Sơn, chúng tôi nhìn xuống đồng bằng và phía Bắc tỉnh Quảng-Trị rất rõ ràng. Trên không phận, rất nhiều phi vụ F4 và A37 từ Hạm-đội 7 ngoài biển thay phiên nhau dội bom liên tục xuống dọc theo những vùng sát chân núi cố dập tắt các ổ pháo lớn, súng cối và hệ thống phòng không hùng hậu của địch quân đang ngày đêm đổ về phía Quốc-lộ I và các vị trí TQLC cũng như các đơn vị bạn. (BĐQ, BB...). 

Có thể nói cho đến giờ phút này, sức chống cự của SĐ3/BB không còn nữa. Vùng HQ Quảng-Trị chỉ còn lại LĐ-147 và LĐ-258 TQLC cùng một số đơn vị BĐQ đang cố cầm cự mãnh liệt. Sau khi rút khỏi chiến trường Gio-Linh, Đông-Hà, Khe-Sanh và Cam-Lộ, các căn cứ hỏa lực chính yếu phía Bắc của Quảng-Trị như C1, C2, A1, A2, đỉnh Fuller, căn cứ Carol, Cùa, Mai-Lộc cùng các đỉnh Sarte, Holcomb đã lọt vào tay quân Bắc-Việt. Tóm lại, từ phía Bắc sông Thạch-Hãn không còn một đơn vị nào của QLVNCH trấn giữ. Trên QL-1 vô cùng bận rộn, các đơn vị bạn không còn hàng ngũ, lẫn lộn giữa dân chúng cùng di tản vội về phía Nam. 

Chiến trường không còn ranh giới, bom-đạn đổ xuống khắp nơi, từ rừng-núi, đồng-bằng, quốc-lộ, làng-mạc và ngay trên bãi cát trắng của biển Đông. Hàng loạt đạn phòng không 37 ly của địch lập thành hệ thống phòng thủ dọc theo vùng đồi núi chạy lên phía Bắc chi chít, cố bắn hạ máy bay đang oanh tạc. Pháo của Bắc-Việt cùng những ổ súng lớn nhắm thẳng ra trục lộ, quyết ngăn chặn và cắt đứt các đơn vị đang rúi lui. Thê thảm nhất là dân chúng, cha con, chồng vợ...gánh gồng, đùm nhau cố chạy về Nam bị pháo địch, vô số người dân vô tội bị chết và bị thương nằm la liệt bên cạnh những chiếc xe trúng đạn tan tành trên QL-1 từ Quảng-Trị về tới sông Ô-Lâu. 

Ban đêm, C47 còn có tên là Fire Dragon và C130 mang những khẩu đại bác 105 ly gọi là Spector Gunship rãi đều dọc trên vị trí phòng thủ hỏa lực của địch quân, những cột lửa đạn với tiếng hụ kinh hoàng.


Ngày 2/5/1972
Mặc dù trong lúc TĐ2 và TĐ 9/TQLC đang tiếp tục chạm địch, Đại tá Phạm văn Chung LĐT/LĐ369 đã ra lênh cho Tiểu Đoàn 2 và 9/TQLC lập tức đoạn chiến, dùng trì hoãn chiến để trở ra QL1.

TĐ2/TQLC đã trở ra QL1 tới cầu Mỹ Chánh và TĐ9/TQLC kéo ra QL1, lập phòng tuyến trấn giữ bên giòng sông Ô-Khê vói nhiệm vụ chận đứng sự tiến quân của địch, và cố gắng tiếp cứu các đơn vị bạn đang lui quân một cách hỗn tạp, cùng dân chúng đang cố chạy xuôi về Nam.

Đặc biệt lưu ý phải ngăn chặn được thiết-giáp của quân Bắc-Việt tràn xuống như chúng đã từng xử dụng với LĐ-147 trên cầu Đông-Hà. 

BCH/LĐ đã gom góp hầu hết ống phóng hỏa tiển M72 chống chiến xa từ các đơn vị nằm tuyến sau trao cho TĐ9/TQLC để xử dụng.

BCH/TĐ 9 đã xử dụng ĐĐ3 và ĐĐ4 phòng ngự trên yếu điểm "Cầu Bến Đá" trên giòng Ô-Khê. 
Đây là một cuộc phòng thủ diện địa, tuy cấp thời nhưng tinh thần và khả năng tác chiến vô cùng hùng hậu.

Trong tinh hình khẩn trương này, người chiến sĩ của TĐ 9/TQLC không còn sự lựa chọn nào khác hơn là tiêu diệt lực lượng hùng hậu của địch nếu không muốn để bị địch giết.
Trong khi đó, Đại tá Lữ đoàn trưởng ra lệnh cho TĐ2/TQLC chuẩn bị tuyến phòng thủ thứ hai tại cầu Mỹ Chánh nằm trên QL1, cách cầu Bến Đá 3 cây số về hướng Nam.


Những tháng năm dài hành quân diệt địch từ ngày rời khỏi quân trường, tôi đã đi khắp nơi, trên mọi vùng của quê hương đất nuớc. Trực tiếp tham dự hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, từ vùng rừng-núi Trường-Sơn, vùng đồng-bằng, kinh-lạch, sình-lầy bao la như Nam-Căn, Cà-Mau, Kiên-Giang...nếm đủ mùi vị, cảm giác của chiến trận....chưa bao giờ chúng tôi có một cuộc hành quân và phòng thủ tác chiến như thế này - với một cảm giác mạnh tối đa. 

Pháo binh địch tập trung ồ ạt đổ xuống trên vị trí phòng thủ của Lữ Đoàn, đạn pháo lớn, pháo nhỏ, súng cối...đủ loại đạn, đủ loại tiếng nổ. Chúng cố làm sao cho ta không thể ngóc đầu lên nổi, nhưng địch quân đã quên một điều:

Với tình thế trước mắt, cuộc chiến đấu sinh-tử, một mất, một còn. Các cấp cán-bô, chỉ huy chẳng còn gì phải gìn-giữ, tất cả đều nằm trên phòng tuyến. Chịu đựng tất cả, cùng chiến đấu và không cần biết mọi hiểm nguy đang vây quanh, không thể lùi bước được nữa. 

Trên phòng tuyến đầy cả ống phóng M72, đạn cối, M79...tất cả đều sẵn sàng, dáng mặt của tất cả mọi người vẫn bằng-an, vui-vẻ một cách tin tưởng. Cái ý-chí và tinh thần này vô cùng quan trọng, không phải chỉ duy nhất cho trận đánh khốc liệt sắp tới, mà là một sức mạnh vô địch để giữ vững sự yên-lành của mọi người trước sự di-tản bỏ chạy của các cánh quân bạn và dân chúng đang diễn ra trước mắt một cách đau lòng.


6 giờ chiều ngày 2/5/1972
Thiếu úy Lam đã sẵn sàng với một Tiểu-đội Cảm-tử (7 người), gồm B1 Hạnh mang máy truyền tin, Trung-sĩ Thành, Tiểu-đội trưởng và Hạ-sĩ I Quyền cùng 3 người lính của Trung-đội 2 làm nhiệm vụ của Biệt-kích. Vượt sông Ô-Khê, di chuyển lên phía Bắc càng xa càng tốt, tìm một vị trí ẩn nấp và chiến đấu. Mục đích theo dõi tình hình địch và dân chúng đang di chuyển về Nam, báo cáo kịp thời, nhất là thiết-giáp địch. Cho đến giờ này, bên phía sông hoàn toàn thuộc về địch quân. Nên chuyến đi của Lam vô cùng nguy hiểm, chỉ sơ hở là "tiêu" ngay tức khắc. 

Mặt trời không còn nữa, đêm xuống bao phủ khắp nơi, tôi tiển Lam qua sông. Chiếc cầu vẫn còn đó, nhưng không thể dùng nó được. Tiểu-đội cảm-tử vượt sông an-toàn và họ yểm trợ nhau bò lên trên những bờ cao. Trung-sĩ Thành quay lại vẫy vẫy tay trong đêm đen. Họ như những bóng cây đổ xuống mặt đất, do ánh hỏa châu của pháo binh và máy bay chiếu sáng từ trên. Họ đã biến mất và tất cả im lặng, một vài phút giây khó thở. Cứ thế, chúng tôi chờ đợi toán quân gọi về cho biết tình hình di chuyển. 1/2 giờ trôi qua, có tiếng bấm rời rạc trên loa máy, dấu hiệu liên lạc tôi đã dặn Lam và Hạnh kỹ lưỡng. Tôi bốc máy và nói vừa đủ nghe
- Cho qua đi Hạnh.
- Trình anh Tư, chúng tôi đã rời bờ sông có lẽ hơn 100m. Trước mặt có nhiều bóng người qua lại trên đường.
- Nhận, địch quân đó - cẩn thận, tìm chỗ ẩn-nấp và bố trí.
- Đáp nhận.

Giọng của Hạnh thì thào trong máy, tôi cúi xuống sau dàn bao cát chất thành chiến tuyến, đốt điếu thuốc, liên tục rít những hơi dái và nhè nhẹ thở khói, im-lặng, đợi-chờ. Thời gian bổng đi chậm lại vì khoảng không gian chung quanh tôi hình như thiếu không khí, ngột-ngạt, chúng tôi đang trông-đợi , đang hồi-họp đến cực-độ. Đây là một sự kiện có thể tạo cho chúng tôi thắng lợi, nhưng cũng có thể mất những chiến-hữu gan-dạ, can-đảm này.
- Ám hiệu truyền tin lại xuất hiện. B1 Hoàng nói.
Tôi vội vàng nắm ngay ống liên hợp từ tay B1 Hoàng.
- Tôi nghe.
- Trình anh Tư, từ phía trong núi, chúng tôi thấy có những toán quân di chuyển ra gần trục lộ. 
Hoả châu sáng lắm, ở vị trí này chúng tôi có thể quan sát dễ dàng.
- Nhận 5, cho anh em quan sát kỹ lưỡng chung quanh vị trí.
- Anh Tư yên-tâm.

Bây giờ là 3 giờ sáng, trong suốt đêm, chúng tôi cũng đón chừng vài chục người dân, đàn ông có, đàn bà và con nít di chuyển về Nam. Những trạm chốt đầu cầu cẩn thận sẵn sàng tác chiến và kiểm soát bằng mắt và để cho họ qua cầu mới tiếp nhận. Không có một người lính nào của đơn vị bạn, vì họ đã biết về con đường này rất nguy hiểm nên họ đã thoát hiểm mưu sinh ở đâu đó để vượt qua giòng Ô-Khê . 
3 giờ 40, Lam cho biết
- Có tiếng động cơ và áp tai trên mặt đất, nghe tiếng chuyển động nặng nề, có lẽ là Thiết-giáp.
- Nhận 5, cẩn thận theo giỏi.
4 giờ 5, giọng của Lam cấp bách.
- Hình như Thiết-giáp địch di chuyển từ phía Tây trong núi ra.
- Không đâu! từ Bắc xuống Nam song hướng tiến của chúng không phải dùng lộ nhựa. Cẩn thận quan sát. 
4 giờ 15, Lam báo:
- Thiết-giáp địch xuất hiện và nhanh chóng chạy ra lộ nhựa. 3, 4 chiếc cách chúng tôi chừng 100mét hơn và đang dừng lại. Bộ-binh địch đang tiến lên, chúng la lối nghe rõ lắm.
- Lam-Giang nghe đây; Lập thành 2 toán như đã dự trù, yểm trợ nhau, nhanh chóng rút lui 
- Đáp nhận.
- 1, 2, 3, 4 đây Tầm-Dương.
- Nghe, nghe, nghe, nghe anh Tư.
- Cho tất cả anh em rút nòng ống phóng M72 và sẵn sàng. Nhớ, phải nhắm kỹ từng chiếc Thiết-giáp địch, bắn đích xác, đừng cho chúng chạy lọt qua cầu. Xạ thủ đại liên quạt liên tục sát mặt đất dứt đám bộ-binh địch. Kiểm soát và sẵn sàng. Sông-Danh kiểm soát tổ diệt chiến xa của anh trên cái hầm cao. Lựu đạn và trái sáng sẵn sàng. 
- Đà-Lạt đây Tân-An, trình Đại-bàng. Tiếng di chuyển của Thiết-giáp địch đã đến gần, tháp tùng chúng có bộ-binh đông đảo. Cách trước tuyến chừng 200m. 
- Đà-Lạt đáp nhận. Tân-An thận trọng và sẵn sàng. Tác xạ chính xác,còn Toán biệt-kích....
- Trình Đại-bàng, tôi đang cho Lam và toán Biệt kích di chuyển nhanh về phòng tuyến.
- Dặn và kiểm soát con cái cẩn thận, tránh ngộ nhận. Chúc Tân-An thành công.
- Đáp nhận. Cám ơn Đà-Lạt.
Chiến tuyến bây giờ không còn như ngày trước, Đại-đội trưởng, Đại-đội Phó, Trung-đội trưởng tự tạo cho mình vị trí phòng thủ và tác chiến ngay trên tuyến như anh em binh-sĩ. Thậm chí vị Tiểu-Đoàn trưởng chỉ huy trận đánh và BCH cũng đã sẵn sàng trong những hầm hố dã chiến chỉ cách phòng tuyến chừng vài chục mét.
- Trùng dương đây Tầm dương (Tôi gọi Đại đội 4 của Đại úy Nguyễn minh Trí)
- Trùng dương nghe Tầm dương trên 5.
- Tóan Biệt kích sắp dọt qua cầu tránh ngộ nhận.
- Nhân Tầm dương 5

Chiếc cầu Bến-Đá do một Trung đội của ĐĐ3 kiểm soát. ĐĐ4 nằm bên phải, ĐĐ3 nằm bên trái của QL1. ĐĐ1 bố trí bảo vệ sườn phải hướng về làng mạc và dãy đồi cát phía Đông, ĐĐ2 phòng thủ về hướng tây, bảo vệ sườn trái của đơn vị, đề phòng địch đánh bọc từ dãy núi đổ xuống. 
ĐĐCH và BCH/TĐ đương nhiên trở thành lực lượng bảo vệ mặt sau và không có lực lượng trừ bị nữa vì đây có thể là trận chiến cuối cùng của đơn vị.

Anh hai Thăng-Long (Danh hiệu của Đại Úy Lê Thắng xử lý chức vụ Tiểu Đoàn Phó TĐ9/TQLC) nằm chung với BCH/ĐĐ3 ở ngay gần đầu cầu Bến Đá.

Giờ phút nghiêm trọng sắp đến. Tuy lòng chúng tôi nôn-nao, hồi-hộp và nóng như lửa đốt, nhưng trên mặt ai cũng quyết tự-tin.


4 giờ 20 ngày 2/5/1972
Những đóm hỏa-châu từ trên cao về phía Tây của QL-1. Không đủ soi sáng cho khu vực quanh cầu Bến-Đá. Giữa sự im-lặng đang bao trùm trong đêm. Bỗng dưng nhiều tiếng chuyển động của động-cơ ầm-ầm tiến nhanh về phía chúng tôi. 
- Tầm-Dương, Tầm-Dương đây Lam-Giang.
- Tôi nghe.
- Thiết-giáp địch phóng rất nhanh về phía anh Tư. Chúng tôi không thể về kịp.
- Cho chạy nhanh lên.

Trong đêm tối, bổng rực sáng và hàng trăm ống phóng hỏa-châu đồng loạt bắn thẳng lên trời. Cả một vùng bao la sáng rực như ban ngày. Toán quân của Lam-Giang đã chạy tới đầu cầu và thiết-giáp địch đuổi sát sau lưng các anh chừng ba chục thước.

- Lam-Giang, Lam-Giang, cho tất cả tiểu-đội nhảy xuống song! Nhảy xuống sông!
Trong giây phút cấp bách đó, những binh-sĩ của ổ tác-chiến giữ đầu cầu khai hỏa vào chiếc thiết-giáp đầu tiên và tiếp tục hàng trăm tiếng nổ lớn và đồng loạt của những ống phóng M72. Những tia lửa kẻ những đường sáng rực trong đêm bay thẳng tới mục tiêu. Loạt đạn khai hỏa đầu tiên của Trung-đội 2/ĐĐ3/TĐ9/TQLC khởi đầu cho trận chiến của toàn bộ của LĐ/369 Thủy quân lục chiến. 

Đạn pháo của địch-quân, đạn pháo của các pháo-đội TQLC từ phía Nam sông Mỹ-Chánh. Tiến hụ cùng những cột lửa của C47 từ trên cao, tạo nên một vùng chiến-trận khốc-liệt và hãi-hùng. Toàn bộ trên chiến địa, đạn pháo ào-ạt đổ xuống như mưa. 

Trong ánh sáng chiếu tỏa như ban ngày của hỏa-châu và đạn lớn. Chúng tôi nhìn thấy từ trên cầu, Tiểu-đội biệt-kích cùng với Lam-Giang lao thẳng xuống giòng sông cùng lúc với 3 chiếc thiết-giáp địch xông thẳng qua cầu như 3 khối lửa đang cháy phừng-phực dưới hỏa-lực kinh-hoàng của ống phóng M72 của toán diệt chiến-xa. 

Từ giờ phút khởi đầu đó, liên tục những tia-sáng phóng về đoàn chiến-xa địch từ phòng tuyến của ĐĐ3 và ĐĐ4.

8 chiến-xa đầu tiên đã bị hoả thiêu và đơn vị bộ-binh của địch tùng-thiết đã bị hoàn toàn tiêu diệt, không tên nào sang được bên này cầu, ngoại trừ 5 chiếc thiết-giáp đầu, vì chúng đã xiềng xạ-thủ và người-lái chiến-xa vào xe, nên tuy cháy như ngọn đuốc, nhưng chúng vẫn phóng qua cầu và tông vào những gò cát cao hay cây cối, bờ vực hai bên đường. 

Tại bên kia cầu, những chiếc còn lại bốc cháy dữ-dội và đâm vào các gò đất ở hai bên Quốc Lộ 1. 

30 phút tác-chiến, 30 phút tác-xạ, đạn ống phóng M72, ống phóng lựu M79 và toàn thể những khẩu đại-liên, súng nhỏ đã tạo nên những tấm lưới hỏa-lực dày-đặc về phía trước bề ngang cả 500 mét. 

Mờ sáng, những người chiến-binh kiêu-hùng của TĐ9/TQLC đã hỏa-thiêu đoàn thiết-giáp và những đơn-vị bộ-binh tùng-thiết của Trung-đoàn 66/304 quân Bắc-Việt bên giòng sông Ô-Lâu. Bờ Bắc giòng Ô-Khê, tiếng la-hét, gào-tháo, rên-rĩ của đám tàn-quân Bắc-Việt bỏ chạy ngược trở lại phía Bắc, để lại trên bải chiến-trường cả trăm xác người lăn-lóc, nát-bét với vũ-khí bể-gẫy, hỗn-loạn. 

Cũng trong giây phút đó, đoàn quân của Lam-Giang đã về an-toàn với chúng tôi, ngoại trừ một vài vết thương khi họ lao xuống sông và chiếc máy truyền-tin bị thiết-giáp địch tác-xạ banh hết một góc. Nhưng người lính tuyền-tin B1 Nguyễn-Văn-Hạnh may-mắn an-toàn với vết thương trên vai trái. Đoàn quân Lam tiến lại gần tôi và bố-trí, tôi quay lại bắt tay Lam và siết tay anh trong vòng tay thân-mến, cùng những người chiến binh biệt kích can-đảm đã hoàn thành nhiệm vụ hiểm-nguy. 
- Thăng-Long, Thăng-Long, anh Hai báo cáo cho Đà-Lạt mọi việc nghe.

Thăng-Long vui-vẻ móc ống liên-hợp. 
- Đà-Lạt đây Thăng-Long. 
- Cô-Tô nghe Thăng-Long, Đà-Lạt đang bận liên lạc với Cao-Bằng (Cô-Tô là danh hiệu truyền tin của Đại-Úy Kiều-Công-Cự, vị Trưởng Ban 3 TĐ9/TQLC) 
- Nhờ Cô-Tô trình với Đà-Lạt là ĐĐ3, ĐĐ4 đã hoàn toàn làm chủ tình hình, 8 chiếc thiết-giáp địch bị bắn cháy ngay bên kia cầu, song còn đà chạy nên có 5 chiếc phóng qua được bên này. Còn Bộ Binh địch không một tên nào lọt qua sông, bị bắn hạ hoàn toàn bên kia bờ. 
- Nhận 5, chúc mừng Thăng-Long, Tân-An, Trùng-Dương và tất cả anh em binh-sĩ.


Xác Chiến Xa Địch

6 giờ sáng ngày 3/5/1972, mặt biển Đông đã hừng sáng, vùng biển bao la dưới muôn ngàn tia sáng ban mai của vừng dương trên biển Đông cả vùng đất trời, như rực rỡ cùng đón mừng chiến thắng tuyệt đối của một đơn-vị tác-chiến hào hùng.

Đến 7 giờ sáng, phòng tuyến của TĐ được cũng cố và các đơn vị trưởng tiếp tục nhận lệnh của LĐ. Trong suốt buổi sáng ngày 3/5/1972, không có một trận tấn công nào của địch. Nhưng đến 2 giờ chiều cùng ngày, địch lại tập trung lực lượng từ phía Tây, từ trong những dãy núi trọc cách lộ chừng 2km, ào ạt tấn công sườn trái của LĐ. TĐ9/TQLC vẫn nằm lại trên vị-trí cũ chận sự tấn-công từ phía Bắc. TĐ9/TQLC được lệnh rút lui về phía chiến tuyến Mỹ-Chánh.

Trong tất cả mọi loại chiến thuật tác chiến, Trì hỏan-chiến và đoạn-chiến, là một loại tác chiến rất khó khăn cho cấp chỉ huy cùng mọi đơn vị.

Hơn nữa, trong tình thế hiện tại, lực lượng địch quân quá hùng hậu. Quân Bắc-Việt cố chận ngang sườn và dứt thành từng đoạn để tiêu diệt. Bom đạn đổ xuống khắp chiến địa, nên sự lui quân chiều ngày 3/5/72 trở nên nguy hiểm và khó khăn. 

Nhưng chiến tuyến Mỹ-Chánh đã được lập xong vững vàng. Nên tuy rằng những gì có thể xảy ra cho các Đại Đội trên đoạn đường lui quân không thể lường được. 

Song chúng tôi cũng yên tâm, cùng lắm thì Tiểu đoàn sẽ đơn độc tác chiến cũng chưa đến nổi gì. Vì giữa vùng phía Tây và trục lộ, thế cao của trục lô xe lửa và bờ đất chạy dài theo QL-1 cũng rất tiện lợi cho chúng tôi để cấp bách lập phòng tuyến chiến đấu. 

Hơn nữa lộ trình chừng vài cây số là về tới tuyến Mỹ-Chánh. Với dự trù và tính toán đó chúng tôi vô cùng bình tâm, bởi lẽ "Chiến thắng mà phải lui quân". 

Nếu không giải thích cho binh sĩ hiểu một cách tường tận, rõ ràng là một đều vô cùng nguy hiểm cho cuộc đoạn chiến cấp bách này. 

Lúc 4 giờ chiều, tôi đã đến từng Trung-đội trên tuyến phòng thủ nói rõ cuộc Hành-quân chiều nay và nhất là điểm đến của Đại Đội là bờ sông Mỹ-Chánh, tất cả tin tưởng và yên tâm. 
- 1, 2, 3, 4 đây Tầm-Dương. Thẩm quyền vào máy. 
- Đáp nhận. 
- Trung-đội 1 lui quân trước, di chuyển sát vào bờ đường. Cho 1 Tiểu-đội tiến bên trái đường, nhanh chóng nhắm hướng Mỹ-Chánh di chuyển chừng 1 km nằm lại bố trí. Trung-đội 4 tiếp theo Trung-đội 1. 
- Đáp nhận. 
- Thi hành 
- Trung-đội 2 nằm tại chỗ, Trung-đội 3 dạt qua trái đội hình cẩn thận di chuyển trên đồng ruộng, hướng về Nam và BCH/ĐĐ theo sau Trung-đội 4. 

Chúng tôi thận trọng lên đường, nhưng khi di chuyển được 500m, tiếng của Sáng vội vàng trong máy (hỏa lực địch đã nổ sau lưng và Trung-đội 2 khai hỏa chống cự) 
- Trình anh Tư, địch đang bám sát lại. 
- Cho con cái tác chiến, bình tỉnh không sao. Tác xạ vào chúng ngay từ xa, đừng để chúng bám sát. 
- Đáp nhận. 

Và sau đó chúng tôi lại bắt đầu trận đánh. Chiều đã xuống, màu đất trời sắp sẩm tối, tôi nhìn lên trời cao và chung quanh rồi ban lệnh cho Sông-Danh. 
- Cho toàn bộ Trung-đội của Sông-Danh rút lui ngay, chỉ cho một toán nhỏ nằm lại cạnh phía Đông của trục lộ, để chúng cho tôi. 

Trung-đội 4 dừng lại quay về phía Bắc. Chiếm những gò cao yểm trợ cho Trung-đội 2 rút lui và ra lệnh cho Thiếu-úy Sử khai hỏa ngay và BCH/ĐĐ cùng toán biệt-kích nằm lại chiến đấu. 
Trung-đội 2 nhanh nhẹn rút về cạnh Đông của trục lộ và lui về phía sau chừng cây số nằm lại yểm trợ cho BCH/ĐĐ và Trung-đội 4 và Tiểu-đội của Trung-đội 2 lui nhanh chóng và Trung-đội 1 nằm lại quay hướng phòng thủ về phía Tây sẵn sàng tác chiến yểm trợ 

Trung-đội 3 chiếm những gò cao, bố trí, yểm trợ cho ĐĐ rút lui. Cứ thế chân vạt, bài học chiến thuật của trường mẹ đã đưa chúng tôi về tới căn cứ. Địch quân đã tiến sát ĐĐ vì TĐ2 đã rút hết về bên kia sông Mỹ-Chánh 
- Tân-An đây Đà-Lạt. 
- Tân-An nghe. 
- Cố gắng đưa con cái an-toàn về tới nơi, tới chốn. 
- Đáp nhận Đà-Lạt. Chúng bám sát quá, nhưng không sao. 

Và khi chạy qua cầu Mỹ-Chánh. Đêm đã xuống tự bao giờ. Trung-đội của Luyến phải lội qua sông để bảo đảm an-toàn. Các Trung-đội 1, 3, 4 và BCH/ĐĐ cũng về được qua cầu sông Mỹ-Chánh an-toàn. Một vài binh-sĩ bị thương được mang theo. Trên mặt cầu, từng khối thuốc nổ TNT được Công-Binh đặt chuẩn bị giựt sập cầu theo lệnh của Lữ Đoàn. 

6 giờ chiều ngày 3/5/1972, không còn lực lượng nào của ta lưu lại bên bờ Bắc sông Mỹ-Chánh. Và cũng giờ phút này, giòng sông ranh giới Huế và Quảng-Trị là chiến tuyến phương Bắc ngăn chặn toàn bộ sự xâm nhập và tấn công của gần 5, 6 Sư Đoàn quân của cộng sản Bắc-Việt và cũng là nơi khởi đầu cho chiến dịch tái chiếm Quảng-Trị, Cổ-Thành Đinh-Công-Tráng - Chính địa danh này đã đi vào chiến-sử oai hùng của đoàn quân Cọp-Biển.

* Quân Dù Tiến Về Thành Nội - 1968




Lời nói đầu:
Bài dịch được chuyển dịch từ chương năm “Help for the Citadel” trong quyển sách The Siege at Hue của tác giả George C. Smith. Đây là một trong năm quyển sách của người Hoa Kỳ viết về trận chiến Tết Mậu Thân tại Huế. Tác giả nguyên là Đại Uý cố vấn về truyền tin cho Sư Đoàn 1 Bộ Binh, ông là người đã có mặt tại cả hai nơi, hữu ngạn và tả ngạn trong trận chiến Huế. Tám ngày đầu của trận chiến, tác giả nằm trong cơ quan MACV, phân bộ Huế bên hữu ngạn sông Hương, đến ngày thứ chín, ông được trực thăng vận vào thành Mang Cá, nơi đặt bản doanh Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh của Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng, Đại Uý Lục Quân George C. Smith có mặt trong thành Mang Cá cho đến hết cuộc chiến

Khác với những tác giả khác chỉ chú trọng đến quân Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, George C. Smith đã dành riêng hai chương để nói về người lính Việt Nam Cộng Hòa trong trận chiến Huế, chương thứ năm và chương thứ mười ba “Credit the ARVN”. Người dịch xin chuyển dịch sang Việt ngữ chương năm để vinh danh những người lính Nhảy Dù và lính Thiết Giáp đã anh dũng hy sinh năm 1968 trong trận đánh ngay làng An Hòa, cửa ngõ vào Thành Nội Huế. Không pháo binh dọn đường, không phi cơ yểm trợ, các người lính thuộc hai Tiểu đoàn 2 và 7 Dù vẫn dũng cảm xung phong tuy biết rằng quân số địch có cả trung đoàn, đợt đầu tiên bị bắn ngã nhưng rồi đợt sau và đợt sau nữa vẫn không ngừng xung phong vì lính Dù biết nơi thành Mang Cá, Tướng Trưởng đang chờ “bắt tay” họ, những người lính Nhảy Dù Việt Nam.
Đại Uý Ty Cobb có một nhiệm vụ rất quan trọng và cần phải hoàn tất cho ngày 29 tháng Giêng, đó là “chôm” một ít thức ăn Mỹ cho các người bạn Nhảy Dù của ông đang chuẩn bị đón tết vào ngày mai. Đại Uý Cobb không có họ hàng gì với danh thủ khúc côn cầu Ty Cobb, chỉ là người trùng tên, ông là viên cố vấn trưởng cho Tiểu Đoàn 2 Dù hiện đang tạm đóng quân tại Quảng Điền phía bắc Huế, cách căn cứ 17 khoảng mười lăm cây số về hướng đông. Cobb lấy chiếc xe Jeep và một chiếc xe Dodge chạy ngõ sau căn cứ 17 ra quốc lộ 1 rồi chạy ngang qua thành phố Huế để về Phú Bài.


Quốc lộ 1 tràn ngập xe nhà binh và các xe nghỉ lễ, ngoài ra không có gì khác lạ hơn, di chuyển ngang qua thành phố, Đại Uý Cobb cảm được Huế đẹp và thanh bình. Là cư dân của thành phố Sparta, tiểu bang New Jersey, Cobb cũng là viên sĩ quan liên lạc Nhảy Dù cho Sư Đoàn 1 Bộ Binh trước đó hai tháng, nay ông được thuyên chuyển về Tiểu Đoàn 2 Dù. Cobb vượt qua các người dân với nụ cười rạng rỡ trên gương mặt Tại sao họ không vui được chứ? Hầu hết mọi người được về lại nhà cho lễ Tết.
Tuy đã đến Huế nhiều lần, Cobb vẫn luôn ngạc nhiên về kích thước thẳng đứng của Thành Nội mỗi khi ông nhìn thấy nó từ phía xa. Kiến trúc Thành Nội giống như nhảy thẳng vào người khi ta tiến gần đến nó, Thành Nội nổi trội hơn các tòa cao ốc ở phía ngoài thành phố, nó nổi cao lên như tòa lâu đài to lớn thời trung cổ
Khi hai chiếc xe tiến tới gần cây cầu chính của thành phố (cầu Trường Tiền) trên sông Hương, Cobb nghĩ đến cuộc hành quân vào tuần trước. Tiểu Đoàn 2 Dù được trực thăng vận vào một khu vực nằm ở hướng tây cách Huế khoảng tám cây số để tìm kiếm sự hoạt động của cộng quân.
“Chúng tôi tìm thấy một hang động lớn được đào sâu vào trong một ngọn đồi. Trong hang đầy cả những vật dụng mới toanh, hầu như tất cả còn nằm trong thùng gỗ,” Đại Uý Cobb kể lại nhiều năm sau. “Chúng tôi tìm thấy vài chục khẩu súng máy, sáu khẩu cối 60 ly, hai mươi bảy khẩu súng trường SKS có gắn lưỡi lê, dụng cụ giải phẫu, và ba tấn gạo. Đây phải là bộ chỉ huy trung đoàn.”
Cái họ không tìm thấy là quân địch.

“Đây lại là một điều tốt bởi vì quân số của họ đông hơn chúng tôi nhiều,” Đại Uý Cobb nói. “Tôi nghĩ là nhiều người trong bọn họ đã có mặt trong Huế cải trang làm thường dân và đang dò xét thành phố.”
Cả một kho súng và vật liệu được mang về thành Mang Cá, nơi đặt bản doanh của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh. Những tuần lễ sau đó, rất nhiều súng và những vật dụng tịch thu này được dùng để chống trả lại quân địch khi chúng tấn công Thành Nội.

“Nhìn lại việc ấy, tôi nghĩ tịch thu hầm vũ khí có lẽ đã giúp cho quân phòng thủ tại Huế thoát khỏi cuộc tấn công đầu của địch,” Đại Uý Cobb nói. “Có lẽ chúng tôi góp phần vào việc giúp họ giữ chặt việc phòng thủ.”
Đaị Uý Cobb ngưng ngang những suy nghĩ về hầm vũ khí của địch trên đường đến Phú Bài. Khi mà những nhân viên tình báo trong Sư Đoàn 1 Bộ Binh không nghĩ nhiều cho lắm về việc tìm thấy kho tàng địch, Cobb cũng không lo cho lắm về quân địch đang tổ chức một trận chiến lớn trong khu vực, bên cạnh đó ông có một nhiệm vụ quan trọng cần phải hoàn tất trong ngày cho riêng ông.

Đoàn xe vào trong căn cứ Phú Bài và Đại Uý Cobb cố gắng mang được càng nhiều thức ăn mà ông đã cố gắng trả giá cho. Thực phẩm gồm có 60 cân anh đường vì người Việt thích đồ ngọt, 10 cân anh cà phê, hai thùng hộp trái đào, nhiều hộp thịt bò hộp, và hai hộp bánh, đường trở về hướng bắc tuy chậm nhưng yên ổn.
Ngày hôm sau, Đại Uý Cobb và Thiếu Tá Thạch, tiểu đoàn trưởng đến thăm và mang thực phẩm chia đều cho cả bốn đại đội. Vào buổi trưa, tại bộ chỉ huy tiểu đoàn có một buổi tiệc ăn mừng tết, tiệc kéo dài cho đến tối. Vào lúc 12 giờ đêm, một vài người lính bắn vài tràng đạn M-16, những người khác đốt những phong pháo đón mừng giao thừa. Rồi tất cả trở nên lặng im.
Đại Uý Jack Chase cũng có một nhiệm vụ giống như vậy vào ngày trước Tết. Chase sống ở thành phố Jericho, tiểu bang Vermont, ông là cố vấn cho Chi Đoàn 3/7 Thiết Kỵ đóng phía ngoài căn cứ 17 tây bắc Huế.

“Tôi lấy được một số đồ bổ sung thường có C-ration trong đó,” Chase nói. “Những người lính thích kẹo và chewing-gum nhưng họ lại không cần đồ cạo mặt, họ thích nhổ râu hơn.”
Chi Đoàn 3/7 vừa thay người chỉ huy, Trung Uý Trần Văn Minh thay Đại Uý Nguyễn Văn Thi được một tháng, ông vẫn còn chưa thích ứng với đơn vị mới.
“Thi rất được các người lính kính nể,” Chase cho biết. “Ông ta chỉ thua Thượng Đế chừng một hay hai bậc trong khi Minh chỉ mới hành quân với đơn vị lần đầu tiên, ông ấy phải chứng minh cho các người lính biết mình ngon lành.”
Chi đoàn tổ chức tiệc ăn mừng Tết vào buổi trưa với những nghi lễ và trao đổi quà cáp cho nhau. Trung Uý Minh tặng cho Đại Uý Chase cuốn album để hình bằng sơn mài mà cho đến giờ Đại Uý Chase vẫn còn tưng tiu nâng giữ. Trên bàn đầy những thức ăn cổ truyền và những món lạ khác, và nhất là đầy những tiếng cười vui vẻ và tình bạn thắm thiết.
“Họ làm thịt một con trâu,” Chase nhớ lại. “Hồi tưởng lại, đó là miếng thịt dai nhất và khó nuốt nhất mà tôi đã ăn.”
Đêm hôm ấy, tất cả mọi người đi ngủ với cái bao tử dầy đặc và trái tim hạnh phúc.
Một trong những nhiệm vụ chính trong ngày Tết của Đại Uý Chuck Jackson là lo cho Tiểu Đoàn 7 Dù có đủ rượu cho buổi tiệc tết.




“Rượu được chọn là Black Label scotch,” Jackson nói. “Nhưng chúng tôi uống Red Label trong cái ly cối. Rượu Hennessy cognac cũng rất được ưa chuộng.”
Tiểu Đoàn 7 Dù chỉ mới chuyển tới An Lỗ cách căn cứ 17 vài cây số chừng một hay hai ngày trước tết vì lý do an ninh và đóng rải rác phía ngoại ô. Đại Uý Jackson từ thành phố Macungie, tiểu bang Pennsylvania đi với Thiếu Tá Ngọc chúc tết bốn đại đội, ông thử nhiều món ăn trong mỗi đại đội.
“Tôi không thích thức ăn Việt Nam cho lắm, rất là khó nuốt trôi miệng khi miếng thịt còn dính chút lông heo,” Jackson nói. “Nhưng tôi thích ăn những miếng bánh vuông nhỏ mà lúc ban đầu tôi nghĩ là kẹo ngào đường được gói trong những lá dừa, ăn ngon miệng lắm, sau này tôi biết được nó là những miếng thịt heo sống được để cho lên men mà người Việt gọi là nem chua.”
Jackson, giống như Cobb và Chase lên giường ngủ không nghĩ rằng một cuộc chiến lớn với quân địch đang gần kề. Gần sáu giờ sau, định mạng sẽ mang ba đơn vị lại với nhau cho cuộc chiến đẫm máu chống lại lực lượng to lớn của quân địch ngăn chận không cho họ tiến vào Thành Nội, nơi mà họ được kêu gọi đến gấp để cứu Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 đang bị địch bao vây.
Tướng Trưởng gọi viện binh lúc 4 giờ 30 sáng, sau khi kêu gọi Trung Đoàn 3 Bộ Binh và Thiết Đoàn 7 Kỵ Binh tập hợp với ông tại Thành Nội, ông xin lệnh cho phép Chiến Đoàn Đặc Nhiệm 1 Dù (gồm ba tiểu đoàn 2,7 và 9) được nằm dưới quyền hành quân của ông. Sau khi được sự chấp thuận từ cấp trên, cả ba đơn vị được báo động di chuyển về Huế. Tiểu Đoàn 9 Dù và Chi Đoàn 2/7 Thiết Kỵ đang bị quân địch tấn công bộ chiến trong phạm vi đóng quân của họ tại Quảng Trị, cách phía bắc Huế khoảng năm mươi cây số, họ không thi hành lệnh được cho đến khi họ phải hoàn tất một vài sự việc cấp thời.
“Chúng tôi nhận cú phôn vào khoảng 4 giờ 30 sáng,” 3/7 Chase nói. “Chúng tôi không bị địch tấn công và nghĩ chắc không phải việc lớn lao cho lắm, chúng tôi chỉ chuẩn bị cho ba ngày hành quân.
Tám cây số bắc căn cứ 17, Tiểu Đoàn 7 Dù bị đánh thức bởi đạn cối pháo kích lúc 3 giờ sáng. Một tiếng rưỡi sau, lệnh cho giao tiếp với 3/7 Thiết Kỵ tiến về Huế để “giúp làm giảm bớt áp lực cho lính Sư Đoàn 1”
Hai đơn vị gặp nhau tại căn cứ cây số 17 và dấn mình xuống quốc lộ 1 thẳng về Huế lúc 9 giờ 20 sáng. Mặt trời sáng tỏa và Chi Đoàn 3/7 dẫn đầu, ba trăm bảy mươi lăm người lính Tiểu Đoàn 7 Dù dàn mỏng đội hình, hai đại đội di chuyển hai bên quốc lộ. Con đường rầy xe lửa nằm song song quốc lộ về hướng tây ở sườn phải, rất nhiều người lính bỏ nón sắt xuống và đội chiếc mũ đỏ quen thuộc lên đầu.

Cách Huế khoảng năm cây số, con đường sắt thu nhỏ lại chỉ còn cách quốc lộ khoảng một trăm thước làm cho các người lính Mũ Đỏ phải di chuyển qua tay mặt một chút để dễ kiểm soát phía bên kia đường xe lửa. Lúc gần 12 giờ trưa, khi Thành Nội nằm trong tầm mắt thì chiếc APC (thiết vận xa M-113) dẫn đầu bị trúng hỏa tiễn RPG, đạn trong xe phát nổ làm chết tám người lính. Đoàn xe dừng lại ngay bên đường.
“Viên đạn bắn từ khoảng giữa quốc lộ và con đường rầy xe lửa, quân địch chờ chiếc APC đến ngay họ, khoảng chừng mười lăm thước rồi khai hỏa,” Chase nói. “Anh sẽ không bao giờ nghĩ người nào lại nằm núp trong vị trí đó, nhưng họ chỉ cần một ít lùm tre bao che mà thôi.”
Đoàn xe nhìn trong sự kinh hoàng trong khi chiếc APC lại nổ bùng lần thứ hai, không một ai có thể lại gần chiếc thiết vận xa để giúp những người lính còn kẹt trong xe. Khi một chiếc APC khác đến gần để nhìn cho rõ hơn, chiếc này cũng bị ăn hỏa tiễn địch. Nhiều người lính nhảy ra khỏi xe và tìm chổ nấp, những chiếc APC còn lại đồng loại khai hỏa đại liên 50 ly và 30 ly vào hai bên đường.
“Khi chúng tôi đến được chiếc APC đầu, thân xác còn lại của những người lính không đầy chiếc nón sắt,” Chase cho biết.
Ngay khi chiếc APC thứ nhì trúng đạn địch, đại đội đầu bên sườn trái của Tiểu Đoàn 7 Dù cũng bị cộng quân bắn vào từ ngay một nghĩa trang lớn trước mặt. Sau khi Trung Uý Minh liên lạc với Tiểu Đoàn 7 Dù, đội hình chiến đấu sẽ được thi hành như thế này, Tiểu Đoàn 7 Dù sẽ xung phong thẳng vào nghĩa trang trong khi các chiếc APC vì không thể di chuyển trong nghĩa trang sẽ bắn yểm trợ.
Quân địch chờ cho các người lính Dù vào tới giữa nghĩa trang thì khai hỏa bắn gục toán quân đi đầu với súng máy, súng cá nhân và đạn súng cối. Rồi thì sự việc lại tệ hại hơn.
“Một trăm năm mươi người lính xung phong ngang qua nghĩa trang và sau khi họ di chuyển được khoảng hơn hai trăm thước thì không còn bóng dáng người nào đứng vững được,” Chase nói lại khi quan sát cuộc xung phong này từ chiếc APC ngay quốc lộ. “Tôi có thể nhìn thấy họ ngã gục từng người một, giống như anh tưởng tượng chiến trận xảy ra trong thời nội chiến vậy.”
Jackson bị choáng váng và kích động khi đứng quan sát tại bộ chỉ huy tiểu đoàn, ông nhớ lại, “Thật là một ngày buồn thảm.”
Vào sáng sớm, Tiểu Đoàn 2 Dù được báo động chuẩn bị cho trách nhiệm trong Huế, trong thời gian di chuyển đến căn cứ cây số 17, tiểu đoàn phải nhổ hai chốt địch và cộng quân cũng giật sập một cây cầu trên đường di chuyển. Lúc 12 giờ trưa tiểu đoàn với quân số ba trăm năm mươi người lính đến được căn cứ cây số 17.
“Không một ai biết được việc gì đang xảy ra tại Huế. Chúng tôi không rõ sự việc nghiêm trọng đến độ nào,” Cobb nói. “Chúng tôi chỉ được nghe rằng họ cần sự giúp đở và cuộc hành quân sẽ ngắn hạn.”
Lúc 2 giờ trưa, sau khi “kiếm” được vài chiếc xe nhà binh, tiểu đoàn rời căn cứ. Hầu hết mọi người đều trang bị nhẹ vì được cho biết đây là cuộc hành quân ngắn hạn.
“Vật tôi nhìn thấy đầu tiên khi đến gần Huế là một đống quân dụng nằm bên vệ đường,” Cobb nói. “Đống quân dụng này được thu lại từ những người lính bị thương và tử trận trước đó. Tôi linh cảm được hôm nay sẽ là một ngày xấu, tôi vội chụp lấy vài trái lựu đạn với ý nghĩ mình sẽ cần đến chúng.”
Tiểu Đoàn 2 Dù sẽ xung phong tấn công vào quân địch, họ sẽ đánh vào bên sườn địch. Tiểu đoàn phó và viên cố vấn phó đại đội, Đại Uý Donald C. Erbes cùng xung phong với đại đội đầu tiên.
“Chúng tôi chạy chưa đến một trăm thước thì viên tiểu đoàn phó bị viên đạn AK-47 bắn ngay cái nón sắt làm ông bị hy sinh ngay tức khắc,” Erbes nhớ lại.
Tuy bị giao động, Đại Uý Erbes vẫn mang xác người tiểu đoàn phó vào sau một ngôi mộ và hối thúc các người lính tiếp tục tấn công. Đại đội kế tiếp với tiểu đoàn trưởng và Đại Uý Cobb cũng đồng loại xung phong tiếp tục cuộc tấn công.
“Một sự việc tức cười khi chạy băng ngang nghĩa trang,” Cobb nói. “Tôi nghĩ Đại Uý Cobb bị tiêu tùng rồi. Tôi ở phía sau đại đội đầu khoảng một trăm thước và trong khi chạy, tôi thấy một làn khói trắng và rồi trái đạn cối 60 ly rơi giữa hai chân tôi, may mắn là đất ruộng lại mềm, trái đạn chui sâu vào lòng đất. Việc kế tiếp tôi biết được là tôi nhào lộn một vòng trên không trung rồi rơi xuống đất bằng hai chân. Chỉ trừ một chút hoảng hồn và một mảnh nhỏ miểng cối trên mũi, tôi không bị gì khác hơn, tôi liền nhìn bộ chỉ huy tiểu đoàn, mọi người lại đang cười tôi. Giữa chiến trận và nhiều người chung quanh đang ngã gục, mọi người lại nhìn và cười tôi, không biết làm gì khác hơn, tôi chỉ biết cười theo.”
Cùng lúc ấy, Đại Uý Erbes cố gắng liên lạc xin pháo binh yểm trợ nhưng không liên lạc được với ai, ông cũng cố gắng gọi Sư Đoàn 1 Không Kỵ xin mấy chiếc trực thăng hỏa lực, sau cùng ông liên lạc được một chiếc trực thăng hỏa lực đang bay trên vùng nhờ chiếc này đến giúp.
“Viên phi công trực thăng cho biết sẽ bay một vòng định vị trí quân bạn trước,” Erbes nói. “Rồi anh ta lại bị bắn rơi. Đó là chiếc trực thăng hỏa lực cuối cùng tôi thấy được trong thời gian tôi ở Huế.”
Các đơn vị được lệnh đóng quân đêm chờ sáng mai sẽ vào Thành Nội, xác các người lính tử trận và thương binh được gom lại, những người lính lo nghỉ ngơi và canh gác đêm.

“Rất nhiều tên địch bị chúng tôi giết bận đồ thường dân làm tôi đoán sẽ dễ dàng cho chúng đột nhập vào thành phố,” Chase nói. “Một việc khác tôi để ý là chúng không cần lấy vũ khí và đạn dược của chúng tôi. Việc này làm tôi tin tưởng bọn chúng đã có sẵn tất cả những gì chúng cần. Bọn chúng đã không cần vũ khí của chúng tôi, bọn chúng đến Huế được trang bị đầy đủ với những vật dụng mà chúng muốn mang theo.”
Phải gần đến nửa đêm mọi người mới nghĩ đến việc phải ngủ một chút. Cobb, Erbes và Jackson nằm trong khu nghĩa trang nhưng rất khó cho họ chợp mắt được.
“Trời thật lạnh và nhiều tiếng động vẫn tiếp diễn chung quanh,” Cobb nói. “Tôi nghĩ đến việc chúng tôi có thể dùng ba lô cá nhân mà chúng tôi đã bỏ lại căn cứ 17. Tôi run mình vì lạnh cả đêm.”
Vào sau nửa đêm, Jackson nói, ông nghĩ, ông nghe một người nào đó nổ máy chiếc APC bị hỏng đang nằm gần quốc lộ.
“Tôi nghĩ quân địch sẽ lấy chiếc APC và dùng nó để tiêu diệt chúng tôi,” Jackson nói. “Chúng tôi thật là không cần điều đó.”
Erbes, dân thành phố Gainesville, tiểu bang Florida, nói ông nhớ hàng chục chất nổ đã nổ vang trong Thành Nội đêm ấy. Ông cho rằng quân địch đã cho nổ tung những gì chúng chiếm vừa được.
Mọi việc lại trở nên nhẹ nhàng vào sáng ngày hôm sau, 1 tháng Hai, đoàn quân tiếp viện đã liên lạc được với Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1, bộ tư lệnh cho biết sẽ gởi một trung đội Hắc Báo dẫn đường cho Chiến Đoàn 1 Đặc Nhiệm Dù vào một cổng thành đã được giữ an toàn. Đoàn quân dưới sự hướng dẫn của những người lính Hắc Báo dọn sạch hướng đông dọc theo bờ thành tây bắc mang theo các người chết và bị thương với họ. Chỉ có những tay súng bắn sẻ của quân địch theo quấy rối, trên đường di chuyển những người lính ăn thức ăn mà họ có thể tìm được, vào giữa trưa, họ vào tới Thành Nội.
Chiến Đoàn 1 Đặc Nhiệm Dù báo cáo thương vong: 40 hy sinh, 91 bị thương, thiệt hại nặng nhất là phía Tiểu Đoàn 7 Dù. Họ giết chết 270 tên địch, tịch thu 71 cây súng cá nhân, 25 súng cộng đồng, bắt sống 5 tên địch. Đại Uý Chase báo chi đoàn của ông bị mất 4 chiếc APC trên tổng số 12 chiếc. Nhìn vào các gương mặt của những người lính trong thành Mang Cá, Đại Uý Cobb nói ông có thể biết có chuyện rất to lớn đang xảy ra.
“Mọi người nhìn rất sợ hãi,” Cobb nói. “Một viên cố vấn Hoa Kỳ tiến đến tôi và cho biết tình hình rất nguy biến.”
Chỉ sau hai giờ có mặt trong thành Mang Cá, cả ba đơn vị được mang lên tuyến đầu mở rộng thêm chu vi phòng thủ cho bộ tư lệnh.
Có lẽ chuyến du hành anh dũng vào Thành Nội là do Tiểu Đoàn 1/3 Bộ Binh, tiểu đoàn này bị quân địch chận đánh và bao vây cách đông Huế nhiều cây số. Đại Uý Phan Ngọc Lương, tiểu đoàn trưởng ra trường Võ Bị Đà Lạt năm 1960, ông là một trong những sĩ quan trong giàn sĩ quan xuất sắc của Tướng Trưởng. Lương là một quân nhân kỷ luật, điều khiển tiểu đoàn với bàn tay sắt. Không hài lòng với sự bê bối của một số lính trong tiểu đoàn, ông cho cả tiểu đoàn hành quân tảo thanh địch vào buổi tối ngày 30 tháng Giêng trong ý định trừng phạt lính ông.
“Chúng tôi đi ngay vào cái đuôi của một tiểu đoàn Việt cộng và đối mặt đánh nhau với bọn chúng,” Đại Uý Lương nói. “Và chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi chỉ còn lại khoảng ba băng đạn cho mỗi người lính, quân địch lại bao vây, chúng tôi phải rời khỏi nơi đó.”
Thiếu Tá Lục Quân Gary Webb, cố vấn tiểu đoàn liên lạc được với vài chiếc trực thăng hỏa lực vào lúc sáng sớm, các chiếc trực thăng bắn bao che cho tiểu đoàn thoát khỏi vòng vây quân địch và họ tiếp tục chiến đấu xa tới phía đông bờ biển Ba Làng. Tại nơi đó, Webb gọi trực thăng đến tiếp tế và di tản thương binh.
“Chúng tôi tiêu diệt hơn 100 tên địch và tịch thu rất nhiều vũ khí, nhiều đến nổi chúng tôi không thể mang theo hết,” Lương nói, và sau đó ông cho biết quân bạn hy sinh 15 người, 33 người khác bị thương.


Sau khi được tiếp tế, tiểu đoàn di chuyển qua nhiều chốt địch vào ngày hôm sau và cuối cùng đến được Ba Làng. Tại đây, tiểu đoàn lên ba chiếc thuyền hải quân Việt Nam chạy lên sông Hương và vào được thành Mang Cá vào lúc 3 giờ trưa. Đơn vị lập tức được giao một khu vực dọc theo bờ thành tây bắc. Thiếu Tá Webb đã là cố vấn cho một đơn vị người Thượng trong một nhiệm kỳ trước đó, sau này được tưởng thưởng một trong những huy chương cao quý nhất của quân đội Hoa Kỳ, Distinguished Service Arward.
Những đơn vị khác vào được thành Mang Cá trong ngày 1 tháng Hai là hai đại đội của 4/2 Bộ Binh, họ được trực thăng vận vào Thành Nội từ căn cứ của họ ở Đông Hà, gần vùng phi quân sự. Đơn vị này đến nơi lúc 3 giờ chiều và được dàn quân ngay khu đông nam thành phố dọc theo bờ thành đông bắc, quân số còn lại của tiểu đoàn cùng với một đại đội của 1/1 Bộ Binh đến thành Mang Cá vào ngày hôm sau. Cũng vào đến thành Mang Cá vào ngày 2 tháng Hai là Tiểu Đoàn 9 Dù, tiểu đoàn chạm nặng với quân địch tại phía bắc Quảng Trị. Tiểu Đoàn 9 được trực thăng Hoa Kỳ vận chuyển vào Huế đóng chung với hai tiểu đoàn 2 và 7 Dù để giúp lấy lại phi trường Tây Lộc.

Tiểu Đoàn 9 Dù chỉ mới vào đóng trong các trại binh tạm thời tại Quảng Trị một ngày trước tết. Hầu hết sáu trăm năm mươi người lính của tiểu đoàn giống như hai tiểu đoàn bạn 2 và 7 Dù đều thất vọng khi biết không được về Sài Gòn ăn tết, nhưng họ cam chịu số phận của họ và cố gắng làm cho tình trạng được tốt hơn.
“Tôi nhớ chắc rằng chúng tôi đã không ăn tết nhiều lắm,” Đại Uý Dick Blair, cố vấn trưởng Tiểu Đoàn 9 Dù nói. “Tôi nhớ có một vài người lính bận đồ múa lân và họ múa lân ngay trên đường phố, nhưng chúng tôi đã không có buổi tiệc ăn mừng tết. Mọi người đi ngủ sớm vào tối ngày 30 tháng Giêng.”
Một phần của Quảng Trị là thành phố “tường” giống như Huế nhưng nhỏ hơn, thành phố nằm trên quốc lộ 1 cách tây bắc Huế khoảng năm mươi cây số, trong này có bộ chỉ huy Trung Đoàn 1 Bộ Binh và Chi Đoàn 2/7 Thiết Kỵ, nó cũng là nơi đặt cơ quan MACV, Toán Cố Vấn số 4.
Bộ chỉ huy Tiểu Đoàn 9 Dù cùng hai đại đội nằm trong thành phố Quảng Trị, đại đội thứ ba đóng phía nam thành phố, đại đội thứ tư nằm ở phía bắc thành phố, Chi Đoàn 2/7 Thiết Kỵ đóng phía tây cách khoảng một cây số.
Vào buổi tối đêm 30 tháng Giêng, hai Trung Sĩ cố vấn Tiểu Đoàn 9 Dù, Mike Smith, dân thành phố Dahlonega, tiểu bang Georgia và John Church, hai người bạn thân từ hồi còn ở với Sư Đoàn 82 Dù gặp nhau ở câu lạc bộ hạ sĩ quan trong Quảng Trị cho vài chai bia. Hai viên cố vấn hồi tưởng lại những ngày xưa cũ và cụng vài ly và uống một hai chai bia để ăn mừng tết Việt Nam, đó cũng là lần cuối Smith nhìn thấy Church còn sống.
Lúc 3 giờ sáng ngày 31 tháng Giêng, Thiếu Tá Nguyễn Thế Nhã cho người đánh thức Đại Uý Blair và báo cho ông sẵn sàng vì quân địch đang tấn công vào thành phố.
“Việc đầu tiên tôi làm là gọi máy cho Trung Sĩ Church đang ở với đại đội nằm phía bắc thành phố, tôi không liên lạc được với anh ấy và biết chắc một việc xấu đang xảy ra,” Blair nói.
Quân Bắc Việt di chuyển trong bóng đêm và ngay trong sương mù dầy đặc đi ngay vào đại đội nơi Church đang ở và xóa sạch đại đội này. Quân Nhảy Dù có 40 người hy sinh và 65 bị thương. Church là một trong những người lính bị tử thương.
Đại Uý Blair, dân thành phố Centerville, tiểu bang Virginia để máy liên lạc nội bộ tiểu đoàn và ông nghe được việc điều quân của đại đội này. Một trong những điều ông nghe được là viên đại đội trưởng nói với lính đại đội không cần dùng súng nữa, dùng lựu đạn thanh toán địch. Viên đại đội trưởng này cũng yêu cầu pháo binh bắn ngay vào vị trí đại đội nhưng không được chấp thuận vì quá nguy hiểm.
Quân địch lại không đụng vào Chi Đoàn 2/7 Thiết Kỵ, chúng đi ngay sát phía bắc chỗ đóng quân của chi đoàn. Đại Uý Jim Zimmerman, cố vấn chi đoàn đang ở trong cơ quan MACV nằm trong Cổ Thành khi quân địch tấn công. Trong vòng một giờ đồng hồ sau, một chiếc APC được gởi đến và viên cố vấn này có mặt ngay trong trận chiến.
Hơn hai giờ đầu, quân Bắc Việt pháo khoảng 200 viên đạn cối vào thành phố, làm cho mọi người phải kiếm chổ trú ẩn. Khi trận pháo kích giảm đi, Thiếu Tá Nhã và Đại Uý Blair leo lên nóc một tòa cao ốc để quan sát cho rõ ràng hơn. Khi sương mù vừa tan, họ trông thấy quân địch bận đồ xanh rời khỏi cánh rừng và bắt đầu di chuyển vào thành phố.
Đại Uý Blair xoay người sang và hỏi Thiếu Tá Nhã sẽ làm gì?
“Chúng ta sẽ tấn công,” Blair cho biết Nhã đã nói với ông ta. “Lính Nhảy Dù không chết khi chiến đấu trong hố cá nhân. Họ chỉ hy sinh khi xung phong tấn công thẳng vào quân địch.”
Vậy đó, Tiểu Đoàn 9 Dù làm đúng việc đó, đại đội có viên cố vấn Smith xung phong thẳng vào quân địch, vậy mà quân địch với quân số đông gấp bội lại bỏ chạy. Về sau, cùng trong ngày, trực thăng hỏa lực trực thuộc Sư Đoàn 1 Không Kỵ bay đến vùng giao tranh và bắt đầu bắn xuống những vật và những gì họ trông thấy được, kể cả quân bạn.
“Tôi nhìn lên các chiếc trực thăng hỏa lực và khi ấy họ lại bay về hướng chúng tôi. Tôi la to bảo mọi người nằm xuống đất,” Smith cho biết. “Hầu hết những người lính ngồi vào trong hố cá nhân hay núp trong chiến hào. Thật là rởn óc. Tôi vào máy và gọi cho Đại Uý Blair xem thử ông có thể bảo họ ngưng bắn, nhưng bọn họ vẫn tiếp tục bắn xuống.”
Tiểu Đoàn 9 Dù với sự giúp sức của Chi Đoàn 2/7 Thiết Kỵ đánh tan các cuộc tấn công của quân địch trong ngày 31 tháng Giêng. Buổi tối hôm đó, quân địch tuy đã có hai trung đoàn đánh Quảng Trị lại gởi thêm viện binh đến từ hướng tây cho lần tấn công cuối cùng. Khi bọn chúng tiến vào ngay một nghĩa trang rộng lớn phía ngoài thành phố, Blair gọi máy liên lạc với các phi cơ Hỏa Long mà các tay lính tác chiến Hoa Kỳ gọi là “Con Rồng Phun Lửa” vì tiếng kêu như hú vang lên từ những khẩu súng máy trong phi cơ.
“Chúng tôi chơi Hỏa Long vào bọn chúng suốt đêm,” Smith nói, “Và khi bình minh vừa đến, có quá nhiều thân xác và các phần thân thể con người nằm đầy trong khu nghĩa trang bao trùm lên cả mặt đất. Tôi không biết có bao nhiêu tên địch bị chúng tôi giết chết. Tôi không bao giờ đếm xác bọn chúng.”
Khi tình hình đã tạm ổn định trong ngày 2 tháng Hai, Tiểu Đoàn 9 Dù giao việc bảo vệ thành phố cho Chi Đoàn 2/7 Thiết Kỵ, họ lo việc vào Huế. Các chiếc Sea Knights chia làm hai đợt vận chuyển tiểu đoàn vào Thành Nội Huế, đến chiều tối thì toàn bộ tiểu đoàn vào đến Huế. Tướng Trưởng lập tức gởi họ đến khu vực phía tây thành phố, nơi họ sẽ giúp chiếm lại phi trường Tây Lộc.
Phải cần đến bốn ngày sau thì Chi Đoàn 2/7 Thiết Kỵ mới rời Quảng Trị để về Huế. Sau một tuần lễ giao tranh, đôi khi phải đánh từng nhà một trong Cổ Thành, Quảng Trị được tuyên bố giải tỏa. Quân đội miền Nam cho biết họ tiêu diệt được 1,450 quân địch, tịch thu 485 vũ khí.
Nguyễn Văn Phúc


* Đặc sản tương ớt xào của người Quảng Nam

Món ớt đó ngon ngay từ... cái nhìn đầu tiên. Nó làm bạn muốn cho cả một cái thìa thật to vào để "đổi màu" bát mỳ Quảng hay bún bò. Nhưng rồi lại xuýt xoa vì cay quá.


Lần đầu tiên vào Đà Nẵng, đi ăn mỳ Quảng trên đường Đống Đa, thấy lọ tương ớt xào màu rất đẹp nhưng tôi không dám ăn. Đó là bởi "sự ám ảnh" của những loại tương không rõ nguồn gốc ở các quán ăn vỉa hè tại Hà Nội. Nhưng rồi thấy mọi người ăn ầm ầm, nên cũng "liều" cho một thìa nhỏ nhằm làm cho bát mỳ Quảng hấp dẫn hơn. Không ngờ nó quá ngon làm tôi "nghiền" liền.



Tương ớt xào ở đây rất đặc biệt, nó khác hoàn toàn với món sa tế xào ở ngoài Bắc và 100% không phải là thứ tương ớt màu nhợt nhợt thông dụng kia. Nó hấp dẫn người ta từ màu sắc đỏ thắm, cay nồng của ớt, thơm thơm của hạt mè (hạt vừng) lẫn trong đó. Tương ớt xào không những để ăn cùng với các loại mỳ mà còn có thể cho vào cháo trắng hay trộn riêng với cơm.

Món tương ớt có thể ăn kèm với nhiều món khác rất ngon.

Đất của món tương ớt xào này nằm ở Quảng Nam. Trong chuyến ra phố cổ Hội An, cô hướng dẫn viên du lịch tận tình chỉ cho du khách nơi mua món tương ớt xào ngon thứ thiệt có tên là Triều Phát. Cô còn kể cho chúng tôi về một bà cụ làm tương ớt xào rất đặc biệt ở ngôi nhà đã 200 năm tuổi tại số 41 phố Nguyễn Thái Học (Hội An).

Chẳng là cụ làm món tương ớt xào cực ngon, trong một lần triển lãm hay festival gì đó, cụ được mời trình diễn cách làm món này. Du khách thập phương rất thích, trong đó có rất nhiều du khách nước ngoài "mê mẩn" món tương mà họ nói "hơn đứt món nước sốt nước họ".

Thế rồi, một ngày đẹp trời, bà cụ được mời sang Pháp để làm món tương ớt xào và cũng nhanh chóng chiếm được cảm tình của rất nhiều người. Rồi vì một cơ duyên nào đó, bà cụ đã sang Pháp định cư hẳn, mang theo "bí quyết" gia truyền bao năm sang trời Tây.

Món tương xào gia truyền đã theo bà cụ sang Pháp.
Ảnh minh họa, nguồn ảnh Eatlover.

Giờ đây, du khách tới Hội An vẫn ghé qua căn nhà của bà cụ để mua tương ớt xào do một người họ hàng của bà làm. Dù theo nhiều người sành ăn, món tương ớt này không thể sánh bằng món tương ớt của bà cụ kia nhưng cũng ngon hơn nhiều loại tương xào bán ở hàng khác.

Ra chợ Hội An hay chợ Đà Nẵng, tìm mua món tương ớt xào này chẳng khó. Du khách còn có nhiều lựa chọn: lấy tương ớt cay nhiều hay cay ít.

Nguyên liệu làm tương ớt xào là loại ớt sừng, trái lớn, nạc dày, xẻ bỏ hột rồi đem luộc mềm trong nước sôi, vớt ra để ráo, băm nhuyễn. Sau đó trộn với cà chua vừa đủ, khử dầu bằng cách cho vào chảo đun sôi. Tiếp đó thêm hạt mè, tỏi trộn đều cho thấm. Cuối cùng cho hỗn hợp trên xào to lửa cho ráo nước. Sản phẩm cuối cùng chính là tương ớt xào.

Vì ớt đã được luộc qua nên không còn cay đáng kể nữa nhưng vẫn còn thơm mùi ớt, rất kích thích khẩu vị.


Ớt sừng là nguyên liệu chính của món tương ớt xào.

Ở Đà Nẵng, ớt xào có thêm vị tỏi "mồ côi".

Còn muốn làm thật cay thì chỉ cần thêm vào chút ớt tươi băm và phải là ớt chỉ thiên, đó là loại ớt nhỏ trái, thân trái ớt khi phát triển đúng mức mọc chỉa thẳng lên trời.


Cách làm món tươngơớt xào. Nguồn ảnh Eatlover.

Món này làm không khó nhưng ngon hay không lại phụ thuộc vào "tay" của người làm rất nhiều và cũng còn tùy theo khẩu vị của người thưởng thức. Để giữ được món tương ớt này lâu, sau khi làm, bạn để tương ớt thật nguội, nên cho vào lọ thủy tinh, bên trên đổ một lớp dầu khử chín để tránh nấm mốc xâm nhập.