Sunday, January 22, 2012

* 10 tổ chức tình báo tốt nhất thế giới (kỳ 2)

CIA, MI-6 là những cái tên nổi tiếng, nhưng ISI mới được coi là tổ chức tình báo hoạt động hiệu quả nhất thế giới.
Biểu tượng của DGSE.


 Cơ quan DGSE (Pháp)
Cơ quan Tổng quản lý An ninh Ngoại quốc có lịch sử non trẻ so với các tổ chức tình báo lâu đời khác trên thế giới, mới chỉ thành lập ngày 2/4/1982.
DGSE chịu sự điều hành của Bộ Quốc Phòng Pháp cùng với Tổng quản lý An ninh Quốc nội (DCRI), làm nhiệm vụ cung cấp tin tình báo liên quan đến an ninh quốc gia bằng các hoạt động bán quân sự và công tác phản gián ở nước ngoài.
Hoạt động của cơ quan tình báo này là thu thập thông tin từ các nguồn ngoài nước để hỗ trợ với các quyết định quân sự và chiến lược của các nhà hoạch định chính sách.
Trụ sở chính của DGSE tại 141 Boulevard Mortier, Paris với giám đốc hiện tại là Erard Corbin de Mangoux. Số lượng thành viên của cơ quan này khoảng 4.620 đặc vụ (số liệu năm 2007) cùng với lượng gián điệp tình nguyện khác. Ngân sách dành cho hoạt động của cơ quan này là 543,8 triệu Euro.
Cơ quan DGSE đã từng khai thác mạng lưới “Nicobar” nhằm hỗ trợ cho thương vụ bán 43 chiến đấu cơ Mirage-2000 của các công ty quốc phòng Pháp cho Ấn Độ với trị giá gần hơn 2 tỷ USD và mua được thông tin về loại giáp sử dụng trong xe tăng T-72 của Liên Xô.
Một trong những thành công quan trọng của cơ quan này là ngăn chặn hơn 15 vụ tấn công khủng bố nhằm vào Pháp từ sau vụ 11/9 ở Mỹ. Cũng chính cơ quan này đã đóng vai trò chủ đạo trong vụ giải cứu hai nhà báo Pháp bị bắt làm con tin suốt 124 ngày ở Iraq.

Cơ quan FSB (Nga)
Cục An ninh Liên bang Nga (FSB) là cơ quan tình báo quy mô lớn và độc nhất tại Nga, là người kế thừa của các tổ chức khác từ thời Liên xô như Cheka, NKVD và KGB.
Biểu tượng của FSB.


Được thành lập chính thức ngày 3/4/1995, số lượng nhân viên đặc viên của cơ quan tương đối lớn, từ 200.000-300.000 người (khoảng 62.000 đặc vụ, 4.000 lính đặc nhiệm và 160.000-200.000 biên phòng) để đảm bảo có thể trải đều trên đất nước rộng nhất thế giới này. Trụ sở chính của FSB đặt tại quảng trường Lubyanka, Moscow.
Nhiệm vụ chính của FSB là các hoạt động tình báo nội địa, bao gồm: phản gián, chống lại tổ chức tội phạm, khủng bố và buôn thuốc phiện. Còn trách nhiệm tình báo gián điệp ngoài nước thuộc về Cơ quan Tình báo Ngoại quốc Nga (FIS), tuy nhiên FAPSI (Cục liên bang về Thông tin và giao tiếp chính phủ) trực thuộc FSB có thể tiến hành hoạt động giám sát điện tử ngoài nước Nga.
Thủ tướng Vladimir Putin từng được bổ nhiệm là Giám đốc của FSB năm 1998 dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Nga khi đó là ông Boris Yeltsin. Sau khi lên làm Tổng thống, ông Putin đã cải tổ cấu trúc của FSB sau nhiều chỉ trích về chất lượng hoạt động của cơ quan này.
FSB đặc biệt thành công trong nhiệm vụ chống khủng bố khi nguy cơ này tăng cao từ sau vụ bắt cóc con tin rạp hát Moscow năm 2002. Trong vụ giải cứu con tin trong vụ tấn công bắt giữ con tin ở trường Beslan, FSB đã ghi điểm trong nỗ lực tìm kiếm và tiêu diệt tên đầu não của nhóm khủng bố trong thảm họa là Shamil Basayev khi người này đang tham gia phi vụ buôn bán vũ khí.
Hiệu quả của công tác chống khủng bố đã khiến con số các vụ tấn công khủng bố của Nga giảm mạnh trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2 của Putin, từ 257 (năm 2005) xuống chỉ còn 48 (năm 2007).
Công tác phản gián của FSB cũng có hiệu quả, ví dụ như có khoảng 400 điệp viên nước ngoài bị lộ từ trong 2 năm: 1995 và 1996; hoặc trong năm 2007, ngăn chặn hơn 100 điệp viên. Các nhà khoa học làm gián điệp hay bán công nghệ cho nước ngoài bất hợp pháp cũng bị FSB bắt giữ như Igor Sutyagin, Valentin Danilov..

Cơ quan MI6 (Anh)
Được hình thành rất sớm, từ năm 1909 với tên gọi Cục Hoạt động Bí mật (SSB) có trụ sở tại Vauxhall Cross, London, cơ quan tình báo MI6 đã sớm trở thành huyển thoại với hiệu quả trong hoạt động của mình nhưng tính bí mật của chúng thì mãi sau này mới dần hé lộ.
Biểu tượng mới của MI6 từ năm 2010 vừa thông qua.


MI6 đảm nhiệm vai trò tình báo ngoài nước, trong khi MI5 đảm nhiệm hoạt động an ninh trong nước, cùng với Trụ sở Liên lạc Chính phủ (GCHQ) và Tình báo quốc phòng (DI), đều trực thuộc sự chỉ đạo của Hội đồng Tình báo chung (JIC).
Tên gọi MI6 xuất phát từ tên gắn trên tàu hiệu của Anh trong giai đoạn Chiến tranh Thế giới thứ hai, vì trước đó nó được biết đến dưới nhiều cái tên. Mãi đến năm 1994, sự tồn tại của cơ quan này mới được công khai.
Trong thời kỳ đầu, SSB chia theo mảng lục quân và hải quân nhằm tập trung vào hoạt động của Đế chế Đức thông qua hoạt động gián điệp và phản gián.
Đến những năm 1920, MI6 hướng đến hoạt động gián điệp tại các nước theo chủ nghĩa cộng sản, đặc biệt Liên Xô. Tiêu biểu là chiến dịch lật đổ chính quyền Xô Viết năm 1918 bởi đặc vụ Sidney George Reilly và Robert Lockhart.
Hoạt động của MI6 nổi bật nhất trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai với hoạt động giải mã điện tín mật hay cung cấp thông tin tình báo sai lệch cho Đức phát xít.
Tuy nhiên, từ sau Chiến tranh Lạnh, vai trò và hoạt động của MI6 có thay đổi do mối lo ngại với Liên Xô không còn cấp bách, thay vào đó là khu vực Bắc Ireland, Trung Đông..
Mới đây nhất, theo một số nguồn tin, nhờ vào những thiết bị tình báo điện tử ELINT trị giá tới 25 triệu Euro đã giúp MI6 phát hiện nơi ẩn náu và giúp bắt giữ Đại tá Saif Gaddafi tại Libya thông qua phát hiện tín hiệu cuộc gọi mà cơ quan này gài sẵn “bọ”.

Cơ quan CIA (Mỹ)
Nổi tiếng không chỉ ngoài đời thật mà còn trên phim ảnh, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ chắc chắn là một trong những tổ chức hoạt động tình báo hiệu quả nhất trên thế giới. CIA được thành lập ngày 18/9/1947, có trụ sở đặt tại Langley, bang Virginia.
Số lượng đặc vụ của CIA là một điều bí mật cũng như con số về số tiền mà chính phủ Mỹ rót hàng năm cho hoạt động của tổ chức này. Chỉ có một vài vụ thông tin rò rỉ, như của cựu nhân viên CIA Mary Graham về ngân sách hàng năm cho CIA khoảng 44 tỷ USD.
CIA, một trong những cơ quan tình báo quyền lực nhất thế giới.


Trách nhiệm chính của CIA là cung cấp các đánh giá tình báo an ninh cho các nhà hoạch định chiến lược cấp cao về chính phủ các nước nhằm đề ra biện pháp thích hợp; thực hiện việc tuyên truyền về hình ảnh về chính quyền Mỹ và thực hiện một số hoạt động ngầm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống.
Mặc dù nhiệm vụ chính là tình báo, CIA còn có thể thành lập các bộ phận chiến lược để tiến hành các nhiệm vụ khẩn cấp đòi hòi sự can thiệp, ngăn chặn và giải trừ đe dọa về vũ khí. Lực lượng này cũng sử dụng thay thế cho quân đội trong một số trường hợp để ngăn ngừa nguy cơ về tuyên bố chiến tranh.
CIA là người kế nhiệm của Cơ quan tình báo chiến lược OSS, được thành lập trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Cho đến hiện nay, cơ cấu tổ chức của CIA rất lớn và đa dạng, phân theo các lĩnh vực liên quan và cả khu vực hoạt động.
Cuộc chiến chống khủng bố là hoạt động ưu tiên hàng đầu của CIA, với việc thành lập Trung tâm chống khủng bố từ năm 1986 để xử lý vấn đề này. Cuộc chiến dài hơi nhất của CIA là xây dựng chiến lược toàn diện để đối phó với mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Thành tích mới nhất của cơ quan này là việc tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden tại Pakistan.

Cơ quan ISI (Pakistan)
Sẽ không khỏi bất ngờ khi Cơ quan tình báo Pakistan được coi là tổ chức hoạt động hiệu quả nhất thế giới, kể từ thời điểm thành lập năm 1948. Trụ sở chính tại thủ phủ Islamabad, cơ quan này ban đầu thành lập nhằm hỗ trợ hoạt động của Cục tình báo quân sự Pakistan (PMI) trong thời kỳ chiến tranh Ấn Độ-Pakistan năm 1947-1948.
Những dấu ấn và thành tích của ISI gần như không có đối thủ trong danh sách dài các thành công của mình. Tuy nhiên, nó cũng được gắn với một bức màn tuyệt mật trong hoạt động của mình trong suốt nửa thế kỷ qua.
Số lượng đặc vụ của ISI lên tới xấp xỉ 100.000 người và trải khắp cả nước và trên toàn thế giới. Tổ chức này là một trong ba cơ quan tình báo chính của Pakistan, bên cạnh Cục tình báo (IB) và Tình báo Quân đội (MI).
ISI mới là cơ quan tình báo tốt nhất thế giới.


Một trong những thành tựu lớn lao hàng đầu của ISI là hỗ trợ đào tào, huấn luyện quân du kích của Afghanistan trước sự can thiệp quân sự của Liên Xô vào đất nước láng giềng từ năm 1979, làm thất bại hoạt động tình báo của KGB - cơ quan tình báo tốt nhất tại thời điểm đó, khiến Liên Xô rút quân vào tháng 1/1989.
Hoạt động chống khủng bố của cơ quan ISI cực kỳ hiệu quả. Hàng trăm phần tử khủng bộ bị giết hoặc bắt giữ đều do các thông tin mà ISI thu thập được. Thủ lĩnh chiến dịch Khaled Sheikh Mohamed của al-Qaeda bị ISI bắt giữ và giao cho CIA.
ISI cũng chịu trách nhiệm trong việc hỗ trợ đào tạo và cung cấp vũ khí cho lực lượng du kích ở vùng Kashmir, nơi thường xuyên giao tranh với Ấn Độ thông qua chiến dịch Tupac.
Lo sợ trước các nguy cơ từ quốc gia Hồi giáo như Iraq hay Syria, ISI cũng chịu trách nhiệm việc phá hủy các cơ sở hạt nhân của 2 nước này qua chiến dịch Opera (ở Iraq) và Orchard (ở Syria).
Mạnh Thắng

No comments:

Post a Comment