Tuesday, January 17, 2012

* Tản Mạn Ngày Tết

Báo Xuân Ngày Xưa

Mỗi năm cứ đến Tết là mong chờ được đọc những tờ báo Xuân hay những tờ giai phẩm Xuân được phát hành từ những trường trung học, đặc biệt là Báo Xuân trường Trung Thu.
Báo Xuân là truyền thống độc đáo của người Việt chúng ta. Vậy báo xuân đầu tiên ra đời như thế nào?
Theo giới báo chí kỳ cựu của thời kỳ 1930- 1940 chính tờ báo xuân đầu tiên ra đời do sáng kiến của ông Diệp Văn Kỳ sau khi ông gia nhập vào tờ báo Đông Pháp Thời Báo.
Tờ báo xuất bản ở Sài Gòn, mỗi tuần 3 kỳ (thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu). Số đầu tiên ra ngày 2-5-1923.
Giám đốc kiêm quản lý là ông hội đồng Nguyễn Kim Đính, tờ báo duy nhất thể hiện phong trào tư bản quốc gia, nên được đông đảo quần chúng đón đọc.
Do đó, ngay vào cuối năm 1927, tờ báo xuân ít trang với khổ báo 65cm x 40cm ra đời với hai màu đen đỏ đã bán hết ngay.
Nội dung tờ báo có phụ trương phụ nữ, trẻ em và thể thao và nhờ sự xuất hiện của nhà thơ Nguyễn Khắc Hiếu với bài thơ Chơi Xuân với lời văn mộc mạc của thời 30-40:
Thơ với rượu cùng xuân, ta vẫn thế.
Ngoài trăm tuổi vắng ta trần thế,
Xuân nhớ ta chưa dễ biết đâu tìm!
Cùng nhau nay hãy uống thêm!

Đông Pháp Thời Báo (le Courrier Indochinoise)
Tờ báo xuân thứ hai là Thần Chung ra đời năm 1929, chỉ tiếc là tờ báo này ra đời ngày 7-1-1929 đã phải chết yểu ngày 25 tháng 3 năm 1930. Tờ báo Tết năm Kỷ Tỵ (2/1929 ) có câu đối Tết:
Vang động tiếng chuông mai, mừng chúc anh em ba bữa tết
Ngỗng ngang tình nước cũ, trông mong vận hội lắm ngày Xuân.
Cũng trong nhóm làm báo xuân, báo Công Luận rồi Báo Trung Lập.
Cả hai tờ báo đều ra báo xuân rồi bị đóng cửa.
Báo Xuân ra đời ngày Xuân, tuy được trau chuốt song cũng phải chịu số phận của tình hình đất nước qua từng giai đoạn của lịch sử.
Trước hết giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Số báo Xuân Công Luận ra ngày 14-2-1931 ta thán cảnh khổ của dân Năm Kỳ qua bài viết Tết Năm Ngoái với Tết Năm Này của Nguyễn Văn Bá:
Cái Tết buồn làm sao!
Cái Tết năm Tận Vị nầy buồn làm sao..
Vài năm sau đó báo chí được tự do nên khá phát triển vào khoảng năm 1938-1939, những tờ báo xuân Điện Tín, Sài Gòn, Truyền Tin, Dân Báo.
Ngoài Bắc những số Xuân của tờ Phong Hóa rồi Ngày Nay đã chiếm lĩnh tâm hồn đọc giả Nam Kỳ.
Phong Hoá đã có những nhân vật sáng tạo như Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạnh... trên những ký họa về hai nhân vật tưởng tưởng như là nhân vật bình dân của Việt Nam.
Sau khi Pháp trở lại Sài Gòn lần thứ hai. tờ báo Tương Lai và Phục Hưng đều ra báo Xuân Tết Bính Tuất năm 1946, trong báo Phục Hưng có sáng kiến in danh thiếp cầu chúc bạn đọc.
Xuân năm sau 1947 làng báo lại xuất hiện những tờ báo như: Việt Bút, Tin Điện, Kiến Thiết, Sự Thật, Lên Đàng, Nam Kỳ, Tân Việt, Tiếng Gọi...Gọi...
Tới năm 1948 thì nhiều tờ báo xuân có chủ đề khá đa dạng như Xuân Khói Lửa,
Xuân Dân Tộc, đặc biệt một số nhà xuất bản như Tân Việt, Nam Cường cũng ra báo Xuân, thậm chí các đạo Cao Đài, Hòa Hảo, Thiên Chúa đua nhau ra báo Xuân như Xuân Tiếng kèn, Xuân Miền Đông , Xuân Chiến Đấu ..
Cho tới những năm 1950 -1954 Bao Xuân có sự cạnh trang rõ rệt nên mỏi tờ báo tìm cách trang trí trang bìa hấp dẫn hơn như trình bày màu sắc , hầu hết báo xuân đều có ảnh bìa là phụ nữ, nhất là thiếu nữ trẻ đẹp mặc áo dài hay áo bà ba bới tóc đầy màu sắc truyền thống dân tộc.
Sau này có hai tờ báo sống lâu nhất là tờ Sài Gòn Mới và Điện Tín.
Như vậy từ khi Đông Pháp thời báo ra số Xuân đầu tiên vào năm 1927 đến nay, một số báo chạy theo phát hành trong dịp Tết ngày càng được giới báo chí coi như đặc san hay số đặc biệt với nhiều bài vở trình bày và in đẹp đã trở thành món ăn tinh thần trong dịp năm cũ hết năm mới đến, không thể thiếu trong mọi gia đình Việt Nam.
Riêng tại nơi xứ tị nạn của chúng ta, năm nay có hàng chục tờ báo xuân có thể xem hay nhất là tờ Người Việt và tờ Việt Báo...

Lê Công Lý

No comments:

Post a Comment