Saturday, January 21, 2012

* NĂM THÌN NÓI CHUYỆN RỒNG

Nguyễn Châu

Nhâm Thìn (2012) thuộc THỦY. Tượng nạp âm của Nhâm Thìn là Trường Lưu Thủy, nước chảy liên tục, không ngưng nghỉ, xuôi về biển, xuống chỗ thấp. Trường Lưu Thủy cần có Kim để giữ nguồn (Kim sinh Thủy) và cần đất (Thổ) dựng để chảy thành sông. Thổ có khả năng cản, chế thủy theo nhiều cách. Thổ là trung gian và nơi chốn để Kim, Mộc, Thủy, Hỏa vận hành. Do đó, vũ trụ có Ngũ hành nhưng chỉ có Tứ thời (bốn mùa) vì Thổ kiêm cả tứ thời.
Người tuổi Nhâm Thìn rất nhậy cảm, mưu trí và dễ hội nhập vào cuộc sống hơn tuổi Giáp Thìn (Hỏa). Loại Rồng nầy biết sự lợi hại của nhẫn nại, cho nên không bị nung nấu bởi mong muốn trở thành tâm điểm của sự chú ý như các con Rồng khác (ưa nổi bật).
Rồng Nhâm Thìn biến tùy thời mà tiến tới hoặc rút lui khỏi những hoàn cảnh không thuận lợi. Rồng nầy có những suy đoán khôn ngoan, tinh tế, nhờ vậy mà thường sẵn sàng nhìn thẳng vào mắt những người đối diện. Tuy nhiên, sự quá tự tin, đôi khi cũng làm cho Rồng nầy có những hành động không chính xác do thiếu sự nghiên cứu căn bản, do không nhìn thông suốt dự án này, trước khi khởi đầu một dự án khác.
Phần đông đàn ông tuổi Nhâm Thìn có mạng sang quý, được trọng vọng trong xã hội. Tuy nhiên, người tuổi Rồng nói chung, luôn luôn cần được sống tự do và phiêu bồng như gió, như mây. Người tuổi Rồng cần phải có ý thức về bản chất và tính khí của mình để khỏi rơi vào thất vọng sau khi đã quá hăng say hành động nhưng ước vọng không thành tựu như mong muốn.
Tuổi Rồng có những tính cách làm người khác ái mộ, sự phóng khoáng và độ lượng hấp dẫn bạn bè, nhưng về nội tâm, Rồng thường cô đơn. Thái độ tự mãn nguyện của tuổi Rồng có thể cho thấy rằng “chàng hay nàng” không cảm thấy thực sự cần thiết phải đến với bạn bè.

VẬN KHÍ NĂM NHÂM THÌN
Năm nay thuộc hành Thủy, không thuận lợi cho những người mạng Hỏa, mạng Thổ; thời cơ tốt cho người mạng Kim và mạng Mộc. Thủy dưỡng Mộc, Kim sinh Thủy. Người mạng Kim tuy gặp thuận lợi nhưng lại vất vả vì “sinh xuất” chứ không phải “sinh nhập” với hành Thủy.
Năm NHÂM thuộc về Mộc vận gặp Thìn Thủy nên Mộc thành thái quá mà không có gì ức chế bớt. Mộc chủ Phong cho nên gió bão sẽ tràn lan gây nhiều tàn phá và gẫy đổ, suy sụp. Mộc thịnh thì Thổ suy sẽ có nhiều cơn gió to, nhiều trận bão lớn trên địa cầu, không gian bị mây mù làm cho trần thế bị tối tăm. Về mặt sức khỏe của người và vật thì năm Nhâm Thìn này với Mộc vận thái quá, các bệnh thuộc phong sẽ lan tràn (nhức xương, đau khớp, đầu nặng; tỳ Thổ bị thụ tà sinh ra các bệnh về tiêu hóa. Từ tổn Tỳ đến tổn Can, tâm trạng con người trở nên nóng nẩy, mất kiên nhẫn, mất bình tĩnh, không kiểm soát được lời nói và hành vi của mình. Bệnh nhức đầu và hoa mắt làm cho con người bị tối tăm trí óc.
Về mặt chính trị quốc gia và quốc tế, nhiều nhà lãnh đạo không còn đủ bình tĩnh để kiểm soát hành vi, thái độ của mình gây nhiều tranh cãi giữa các quốc gia đồng minh cũng như đối nghịch.
Trong năm Nhâm Thìn 2012, giông bão chính trị cũng sẽ khốc liệt vô cùng: Trung Cộng tăng ngân sách quốc phòng lên gấp ba lần, chủ đích là vô hiệu hóa các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương để dễ bề xâm lăng và thao túng các quốc gia quanh cái gọi là đường lưỡi bò trên Biển Đông. Trung Đông không thể nào yên ổn, Do Thái và Iran thì giông bão đang ngấm ngầm chờ bùng phát.

NÓI CHUYỆN RỒNG
RỒNG là một tạo vật của huyền thoại và truyền thuyết. Chữ Hán là LONG, chữ Phạn là Nâga.
Màu sắc rực rỡ và kỳ lạ, biểu tượng của may mắn và quyền uy, con Rồng Đông Phương luôn luôn được xem là một linh vật. Rồng đứng đầu trong bộ Tứ Linh: Long, Lân, Quy, Phụng (Rồng, Sư Tử, Rùa, Phượng Hoàng). Rồng Đông Phương hoàn toàn trái ngược với Rồng Tây Phương. Rồng trong thần thoại Tây phương là một quái vật, hung hiểm cần phải trừ diệt, để bảo vệ con người.
Trong truyện cổ tích Nga và trong truyền thuyết của một số dân tộc Âu Châu, Rồng thường được mô tả như một loài bò sát có vẩy, đuôi dài, biết bay, thường có ba đầu, miệng phun ra lửa. Nếu bị chặt đứt đầu, loại Rồng này sẽ mọc lại các đầu khác như cũ. Có loại Rồng chỉ có một đầu và có một cái miệng ngắn, quặp như mỏ đại bàng.
Theo những truyện cổ phương Tây: Rồng được giao nhiệm vụ canh giữ các kho báu vật, các lâu đài hoặc canh giữ các mỹ nhân. Nhưng Rồng Tây Phương dường như là loài chỉ có sức mạnh, không có mưu trí, cho nên thường bị các dũng sĩ đánh bại và bị giết.
Nó có hình dáng của khủng long có thêm sừng, cánh, vây lưng và có thể phun ra lửa hoặc nước, thường sống nơi hẻo lánh, xa loài người... Da của nó rắn chắc, không loại vũ khí nào có thể sát thương được, nhưng có yếu huyệt sinh tử nằm ở mắt và lưỡi.

TẠO VẬT HUYỀN THOẠI
Rồng là một con vật kết hợp tất cả những con vật thuộc huyền thoại và vũ trụ. Thân hình của rắn, vẩy cá chép (cá gáy), chân phượng hoàng, sừng nai, mũi có vòi của bạch tuộc... Vì vậy Rồng được xem như một con vật hùng mạnh nhất trong vũ trụ.
Trong văn hóa Trung Hoa, Rồng là biểu tượng của sự tốt lành, một linh vật nhân từ. Về dịch lý, Rồng tượng trưng cho Dương (yang), Phụng tượng trưng cho Âm (yin). Từ thời nhà Hán (206 BC – 220 AD) trở đi, Rồng còn tượng trưng cho Hoàng Đế, Con của Trời (Thiên Tử).
Rồng đứng đầu “360 loài sinh vật Có Vẩy” và con vật thứ Năm trong vòng hoàng đạo của tử vi Đông Phương. Là một trong bốn con vật định hướng của vũ trụ, Rồng ngự trị ở hướng Đông, vùng mặt trời mọc, biểu tượng của sự sinh sản, sáng tạo phong phú, của mùa Xuân và vũ thủy nói chung, hành Mộc. Với chức năng này, Rồng được mệnh danh là “Thanh Long” (Rồng xanh-lục) đối nghịch với “Bạch Hổ” (Cọp trắng) ngự trị tại hướng Tây, hành Kim, vùng mặt trời lặn, vùng an nghỉ, mơ mộng, thương yêu và mùa Thu; Chu Tước hay Chu Điểu (Chim đỏ) ngự trị hướng Nam, mùa Hạ, hành Hỏa, sức sống dũng mãnh; Huyền Vũ (Rùa Đen) ngự trị hướng Bắc, mùa Đông, sự lạnh lẽo, u buồn, chậm chạp và màu đen.
Theo quan niệm về quá trình sinh dưỡng, thì vào mùa Đông, Rồng ẩn mình dưới đất; đến ngày mồng hai tháng Hai âm lịch, Rồng thức dậy và bay lên trời tạo nên cơn sấm sét và trận mưa đầu tiên của mùa Xuân. Tại miền Bắc Trung Hoa và Việt Nam, đây là tín hiệu để nông dân bắt đầu xuống đồng cày ruộng.
Tại Việt Nam, dưới thời nhà Nguyễn, Hoàng Đế Minh Mạng rất chú trọng đến Lễ Xuống Đồng vào đầu mùa Xuân, Hoàng Đế và các quan Đại Thần cùng xuống đồng cày luống đầu tiên mở màn cho sự canh tác.
Trong văn hóa Đông Phương, Rồng là một con vật kỳ diệu, có khả năng biến hóa, ẩn hiện, làm mây, phun mưa... Rồng có thể biến thành một tằm nhỏ, rồi hiện ra như một dãy núi cao từ mặt đất đến bầu trời; khi nằm yên thì gió hòa mưa thuận, khi cựa mình vùng vẫy thì biển nổi ba đào, sóng bão.
Sách “Thuyết văn giải tự” của Trung Hoa nói về Rồng rằng: “Lân trùng chi trưởng, năng u năng minh, năng tế năng cư, năng đoản, năng trường, xuân phân nhi đăng thiên, thu phân nhi tiềm uyên.”(Đứng đầu loài có vẩy, Rồng có khả năng ẩn, hiện, có thế hóa nhỏ, hóa lớn, hóa ngắn, hóa dài, tiết xuân phân thì bay lên trời, tiết thu phân thì lặn xuống đáy vực.)
Theo truyền thuyết, thì khi Rồng lên trời không ai có thể thấy được vì Rồng ẩn mình trong những đám mây mưa mà Rồng tạo ra.
Từ thời xa xưa, các truyền thuyết về vũ trụ đã phân biệt bốn loại Rồng: trước hết là “thiên long” (Rồng trời) tượng trưng cho quyền năng sản sinh và tái tạo của trời; tiếp đến là “thần long” (Rồng thần/ spirit-dragons) có chức năng làm cho mưa rơi; thứ ba là “địa long” (Rồng đất) có nhiệm vụ cai quản các nguồn suối và sông, hồ; thứ tư là “phú cang long” (Rồng giữ kho báu vật).
Trong Phật giáo, Rồng có một vai trò quan trọng trong tu tập. Trên đường giáo hóa, Phật đã độ được ba anh em họ Ca Diếp sau khi chinh phục con Hỏa Long là thần Lửa mà ba người này tôn thờ. Kinh nói là “hàng long phục hổ”. Trong Đạo Tạng Kinh, khi Phật thuyết pháp đều có “Thiên Long Bát Bộ” đến nghe. “Thiên Long Bát Bộ” gồm: Thiên Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Gia Lâu La, Khẩn Na La và Ma Hô Già La. Bộ này bao gồm các vị thần và các quái vật có nguyện hộ pháp, thuộc hàng “phi nhơn” (không phải giống người).
Kinh Pháp Hoa, trong Phẩm Đề Bà có nói đến công cuộc giáo hóa của Văn Thù Sư Lợi tại thủy cung, kết quả là đã có Long nữ thành Phật.
Tại nhiều chùa ở miền Nam Việt Nam, người ta thấy hình tượng Đức Phật Đản Sinh với chín con Rồng phun nước tắm Phật (Cửu Long Phún Thủy).
Gia đình của Long Vương ở Nam Hải có rất nhiều duyên phận với Quan Âm Bồ Tát. Chẳng hạn, con ngựa trắng đưa Đường Tăng đi thỉnh kinh là hóa thân của một con Rồng nhỏ, Thái Tử của Bắc Hải Long Vương Ngao Nhuận, phạm tội nặng, bị trói và treo lên chờ chém. May thay, thấy Đức Quan Âm Bồ Tát đi qua, tiểu long xin Ngài cứu độ. Đức Phật từ bi tâu Ngọc Hoàng xin tha cho tội chết để tu tập, về sau hóa thành ngựa trắng theo Tam Tạng lập công chuộc tội. Xong hành trình thỉnh kinh, tiểu long này được hiện nguyên hình và trở lai Long Cung.
Chuyện thứ hai: Long Nữ, con gái của Đệ Tam Thái Tử của Nam Hải Long Vương Ngao Thuận, một hôm hóa thân thành cá rong chơi ven biển, rủi ro bị vào lưới một ngư dân, bị đem ra chợ bán. Đức Quan Âm Bồ Tát biết chuyện, sai Thiện Tài Đồng Tử đi cứu bằng cách hóa ra thường dân đến mua con cá ấy rồi trả về Nam Hải. Nam Hải Long Vương sai Long Nữ đem viên ngọc Dạ Minh Châu cúng dường Bồ Tát để tạ ơn cứu độ. Gặp Quan Âm Bồ Tát, Long Nữ vô cùng kính ngưỡng, liền xin quy y, được Bồ Tát thâu nhận làm đệ tử. Từ đó, người ta thấy Thiện Tài đồng tử và Long Nữ luôn luôn ở bên cạnh Quan Âm Bồ Tát.
Thời xưa, người Trung Hoa cho rằng quả đất có hình vuông nằm trong bốn cái biển lớn bao quanh bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và tin rằng có bốn vị Rồng vua (long vương), mỗi vị cai quản một cái biển gọi là “Tứ Hải Long Vương.
Long Vương ở Biển Đông tên là Ngao Quảng; Long Vương ở Biển Nam tên là Ngao Thuận; Long Vương Biển Tây tên là Ngao Khâm; Long Vương Biển Bắc tên là Ngao Thuận.
“Vua Rồng Bốn Biển” có một vai trò rất đặc biệt trong phong tục truyền thống dân gian Á Đông. Các truyện cổ kể rằng các Long Vương sống trong một thủy cung nguy nga, tráng lệ và có rất nhiều ngọc, vàng cùng đồ quý giá gọi là Long Cung. Những người nào may mắn, được thần tài mỉm cười, giúp đỡ, có thể đi xuống đáy biển thăm Thủy Phủ Long Vương. Những người này có thể được Long Vương ban thưởng cho một công chúa để cưới làm vợ với của hồi môn tha hồ lựa chọn!

Các danh từ ghép với chữ LONG
Chữ “long” xuất hiện trong nhiều danh từ ghép, chẳng hạn như “long mẫu”, “long chủng”, “long hồ”, “long sàng”, “long châu” vân vân.

RỒNG và LONG trong Địa Danh
Về địa danh như: Thăng Long (Hà Nội), Hạ Long (Vịnh); Bạch Long Vĩ (hải đảo); Long Giáng (chùa); Hàm Long (Thanh Hóa) Long Hưng (Quảng Trị); Long Thọ (Kim Long-Huế); Làng Long Vương quân Phan Lý Chàm tỉnh Bình Thuận; Quận Hải Long có tháp Chàm YAN (có nghĩa là linh ứng) người Việt gọi là Tháp ông Dàng, bà Dàng tọa lạc tại xã Thạch Long (Mũi Né).
Bến Nhà Rồng (Sài Gòn); Sông Cửu Long, Long Thành, Long An, Long Bình, Long Khánh, Long Giao (Nam Việt Nam); làng Long Hồ (trên đường liên tỉnh Vĩnh Long-Vĩnh Bình) có Văn Thánh Miếu; Trung Liệt Đại Thần Phan Thanh Giản được thờ tại đây.

1. Chữ “long” chỉ thị những gì thuộc về Vua hoặc Hoàng Đế
Long ân: ơn vua.
Long cổn: áo vua mặc khi thiết triều.
Long nhan: mặt vua (mong được thấy long nhan).
Long thể: thân thể vua.
Long phi tiến đức: mũ các đại thần đội khi thiết triều.
Long sàng: cái giường rồng cao chân là giường chính ngự.
Long đình: tòa nhà chặm trổ các kiểu thức (motifs) rồng.
Long vị: bài bị chạm khắc hình rồng chầu để thờ các vị thần linh, các vị vua.
Long xa: xe của Vua.
2. Những danh từ bắt đầu bằng chữ “long” nhưng không có liên quan đến vua hay hoàng đế.

Về Y Dược:
- Long nhãn: tên một trái cây nhỏ có vị ngọt (long yan/longans); một vị thuốc có tên khoa học là Euphoria longana (thuốc Bắc gọi là á-lệ-chi) tính chất bình, ngọt có tác dụng bổ “tâm”, chủ trị các chứng liên quan đến thần kinh suy nhược, hay quên, mất ngủ, hồi hộp; dùng dưới dạng cao lỏng hoặc sắc cùng với một số vị khác; có thể nấu chè với hạt sen (liên tâm nhãn nhục/một món ăn cao cấp vì bổ tim, sáng mắt. Người tì vị yếu, bụng hay đầy hơi và kém ăn thì không nên dùng.
- Sách Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh viết:
“Long nhãn tục gọi là quả nhãn,
Ngọt, bình, không độc, tính ôn hòa
Trấn áp lên kinh, trùng lao hết,
Bổ tâm, ích tỳ, thêm tuổi già.” (trang 229).
- Long tu: Râu rồng; còn có tên là Lô Hội, Lưỡi lổ, Hổ thiệt, Tương đảm, tên khoa học là Aloe sp (alovera), hiện được các hãng dược thảo khai thác và chế biến thành nhiều thứ thuốc gần như “trị bá chứng”.
- Long đởm (thảo): tên khoa học là Gentiana scabra, vị đắng. Khi vị đắng đi vào gan, mật và bàng quang; có tác dụng giúp tiêu hóa, nhuận trường; chủ trị táo bón do thấp nhiệt trong tỳ vị. – Long đảm có hiệu Lăng du, lá cây ngậm đắng như mật rồng (QAGN).
Sách Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh viết về Long đởm thảo như sau:
“Long đởm thảo cỏ thanh ngâm,
Vị khổ hàn, có bệnh phải tầm.
Mắt đỏ song đau đều chữa khỏi,
Can kinh thấp, thủng chẳng còn xâm.
Phụ nhân sản hậu kinh nguyệt ứ
Sắc uống, thông ngay thật chẳng nhầm!”(trg 304)
- Long cốt: một vị thuốc Bắc quí, hiếm có công dụng trị di tinh, mộng tinh, phụ nữ bị băng huyết, trừ phong làm thần kinh co giật, trị ho xốc lên. Sách HTYTTL viết một cách “thần bí” xem như là “xương rồng” thật: Long cốt đứng đầu loài trùng có vảy là một vật thần linh. Sinh ở trong khe đá đất Tấn (bên Tàu xưa) và lấy ở trong hang núi Thái sơn chỗ Rồng chết. Lý triều quốc sử nói: Tiết mưa xuân cá chép bay lên cởi xương để lại. (sđd, trg 198-199).
Về nguồn gốc và tính chất của Long cốt, sách HTYTTL viết:
“Sơn tây ngàn cả Thái nguyên rừng,
Sản vật xương rồng lâu đã từng,
Vị cam, nung lửa, tán nhỏ để.
Ngưu hoàng đem bỏ nó gần chưng (nấu).
Băng, đới, mộng di tiếng đã từng.”
Sách chú thích: đây là xương của một số con vật chết bị chôn lâu năm dưới đất (Os Draconis) (sđd.trg 320).
- Long não: cây Rã Hương, tên khoa học là Cinnamomum camphora, có mùi thơm. Long não đặc được dùng ngoài làm thuốc sát trùng, tiêu viêm, kích thích (dùng dưới dạng cồn hay dầu 5-10%). Dùng trong dưới dạng thuốc tiêm để hồi tỉnh cơ tim, chữa trụy tim hay suy nhược, hoặc dùng uống để chữa đau bụng, làm giảm phân lượng (uống mỗi ngày 0,05-0,2g, tiêm da dưới dạng dung dịch dầu 10-20%). Long não còn dùng trong công nghiệp chế ngà voi nhân tạo, phim ảnh, chất cách điện. Tinh dầu long não có thể dùng ngoài xoa bóp thay long não đặc, hoặc dùng trong công nghiệp làm dung môi, hòa tan nhựa, sơn, chiết safrol, xineol, chế thuốc trừ sâu (theo Đỗ Tất Lợi).
- Ô long vĩ: đuôi rồng đen (sợi bồ hóng trên bếp, hoặc trên sườn nhà tranh).
Sách HTYTTL viết:
Ô long vĩ là cái mồ hóng.
Đắng, cay, nóng, ấm, tính lành thường.
Trừ vị phiên, an thai, thổ huyết.
Chữa đau bụng, ế ách, lở sưng.
Còn có tên là “bách thảo sương” và “lương thượng trần”. Có thể dùng để cầm máu khi bị thương. (trg 266).
- Phục long can: đất trong lòng bếp lâu ngày/ một chất làm thuốc trị bịnh (khá tốt).
- Phục long phẩn: tro của vật hun đốt ngoài cửa bếp.
- Du long thái: còn gọi là rau dừa, trị đau bụng lâm râm. Có tác dụng hút mủ khi bị gai nhọn cắm vào da thịt. Nấu lên mà tẩm vào chỗ bị gai xóc, gai sẽ lồi ra khỏi da thịt.
- Trần Thổ long: cứt giun (trùn) khô có tác dụng chữa sưng phù, chữa bệnh sởi.

Về Thức Uống
Có hai loại trà mang chữ Long, đó là Trà Long Tỉnh và Trà Ô Long.
1/ Trà Long Tỉnh chỉ trồng ở một thôn nhỏ ở Hàng Châu, tỉnh Triết Giang (Trung Hoa) đó là thôn Mai Gia Ô. Về cái tên Long Tỉnh có hai truyền thuyết: có người nói trà Long Tỉnh được vua Khang Hy (Mãn Thanh) phong là vương trà; cũng có truyền thuyết kể rằng khi vua Càn Long vi hành về Giang Nam xem dân cho biết sự tình, đã ghé vào quán Mai Gia Ô uống trà. Thấy trà ở đây ngon hơn các loại trà trong hoàng cung. Nhân vừa thưởng thức trà vừa ngắm cảnh, vua Càn Long thấy hình bóng cây trà lung linh dưới mặt nước giếng trông giống như một con rồng đang múa lượn, nên đặt tên là giếng rồng. Giếng tiếng Hán là “tỉnh”.
Trà Long Tỉnh phân làm 5 loại căn cứ vào phẩm chất. Cao cấp nhất là Tứ Phương Long Tỉnh (thuộcnhóm Tây Hồ Long Tỉnh); kế đến là Mai Gia Ô Long Tỉnh, đứng hạng nhì, nổi tiếng với màu xanh ngọc bích; hạng thứ ba là Tiền Đường Long Tỉnh; hạng tư là Bạch Long Tỉnh trồng tại An Cát, không đúng là giống trà long tỉnh; hạng thứ năm, thấp nhất, là Vũ Tiền Long Tỉnh. Trà loại này được hái vào tiết thanh minh, phẩm chất tầm thường.
2/ Trà Ô Long.
Đây là loại trà trồng ở các tỉnh Phúc Kiến, Đài Loan và Quảng Đông (Trung Hoa), cũng rất nổi tiếng về phẩm chất, hương vị. Trà được chế biến rất công phu. Có bốn loại trà Ô Long: 1) Vũ Di (ở Bắc Phúc Kiến); 2) Thiết Quan Âm An Khê (Nam Phúc Kiến); 3) Ô Long Đài Loan và 4) Ô Long Pao Chủng.
Cái tên “Thiết Quan Âm” phát xuất từ một giai thoại.
“Tương truyền vào thời nhà Thanh, đời vua Càn Long, tại vườn trà ở trấn Tây Bình, huyện An Khê, ông Ngụy Ẩm pha chế được một loại trà ngon, mỗi ngày sáng tối ông đều pha 3 chum trà cúng dường Bồ Tát Quan Âm. Cứ như vậy suốt mười năm trời không hề gián đoạn, chứng tỏ lòng thành tin Phật của ông. Một đêm, Ngụy Ẩm mộng thấy ở trên vách núi có một cây trà tỏa ra mùi thơm của hoa lan, đang lúc định hái, bị tiếng chó sủa ở đâu làm tỉnh cơn mộng lành. Sáng ngày hôm sau, quả nhiên ở trên chởm đá ông tìm thấy một cây trà giống hệt cây trà trong mộng. Ngụy Âm bèn hái một ít lá non mang về nhà chuyên tâm chế biến. Sau khi chế xong, vị trà dịu ngọt thơm ngon, làm tinh thần nhẹ nhàng. Ngụy Ẩm cho rằng đây là vua trong các loại trà, liền bứng cả cây trà mang về nhà trồng làm giống. Vài năm sau, trà mọc nhiều và tươi tốt, cành lá xum xuê. Do vì lá trà đẹp như Ngài Quan Âm, nặng như sắt, mà lại do Ngài Quan Âm gia hộ báo mộng cho nên ông gọi trà là Thiết Quan Âm. Từ đó Thiết Quan Âm nổi danh thiên hạ.”

Rồng Trong Từ Ngữ Thông Dụng
Long Mã phụng đồ (ở Huế có Bình Phong Long Mã tại trường Quốc Học và ở Hội An tại Miếu thờ Khổng Tử).
“Long chầu, Hổ phục”, “Long mạch”: chỉ về thế đất để xây cung điện, xây nhà ở hoặc xây lăng mộ.
“Long thần hộ pháp”: Hai tượng thần to lớn đứng hai bên cửa vào chánh điện của chùa, thường gọi là ông Thiện, ông Ác. Đây là hai vị thần có nhiệm vụ bảo vệ chánh pháp.
Long thủ: đàn Tỳ Bà.
Long Xà: lá cờ.
Long kiều: chiếc sào để chống cho thuyền đi.
Long tuyền (tịch ly bôi hề vũ long tuyền).
Long Trì: sao trong tử vi thường đi với Phượng Các (chỉ nhan sắc và tài hoa của phụ nữ).
Long Tỉnh: Giếng Rồng (Trà Long Tỉnh).
Long cốt: xương rồng.
Long y: xác vỏ rắn lột (rơi bên đường).
Long nhị: quả mướp ty qua.
Long can: lúa lép, xấu không có hạt
Long hội: tên một thứ cá.
Long khuôn: sàn gỗ phẳng để nuôi tằm.
Long tinh: cái trứng con tằm hóa nên.
Long tinh kỳ: cờ của Đại Nam Hoàng Triều, tức cờ của Việt Nam giai đoạn từ 1920 đến 1945 (Thời Pháp Bảo Hộ). Cờ gồm có nền màu vàng ở giữa là một sọc màu đỏ thắm lớn, thường gọi là cờ hai bên vàng giữa đỏ.
Long tuyền: củ nghệ vàng (Hoàng khương).
Long toàn lương: một tên gọi củ gừng khô.
Long phục: cái thoi.
Long tụ: cái bọng đan mau (cái giỏ thưa).
Long Khách: chim Anh vũ. (Chỉ Nam Ngọc Âm Giaỉ Nghĩa).
Long sắt: con cà cuống (thơm ngon/ Bích sắt: con gián/có mùi hôi).
Thủy trung long: loại thuyền nhẹ.
Thanh Long Đao: vũ khí của Quan Vân Trường.
Thiên long: là con Rết có hiệu là Ngô Công.
Thổ long: là con rắn Nữ Ca.
Chân long: khuôn để làm đồ gốm.
Du Long: rau đắng để ăn sống, gia vị
Nương long: bộ ngực phụ nữ (cổ văn).
“Mùa hè hây hẩy gió nồm giông
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng
Lược trúc lỏng cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long.”
(Hồ Xuân Hương-Thiếu Nữ Ngủ Ngày).
Ngọa Long Cương: tên quả núi ở Long Trung, vùng Nam Dương, đất Kinh Châu, nơi Gia Cát Lượng (tự Khổng Minh) ẩn thân, làm ruộng và ngâm vịnh. Dân gian gọi ông là Ngọa Long tiên sinh.
Thanh long: cây có trái (họ Xương Rồng – Cactus).
Bạch long: Vỏ chua.
Khổ long: vỏ lốt (thanh mộc hương).

Rồng trong Sấm Trạng Trình
1-
“Nói cho hay khảm cung rồng dấy
Chí anh hùng xem lấy mới ngoan
Chữ Rằng lục thất nguyệt gian
Ai mà nghĩ được mới gan anh tài.”
(Bàn về chí khí anh hùng và sự hiểu biết thời thế vận mệnh: Rồng chỉ có thể vùng vẫy ở “Khảm cung” tức là nơi nào có nước (Khảm là thủy) thời cơ thuận lợi là cuối tháng 6 và trong tháng 7 (tháng bảy nước nhảy lên bờ), cần phải biết rõ điều này thì mới đúng là anh tài.)

2-
“Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh
Can qua tứ xứ khởi đao binh
Mã đề dương cước anh hùng tận
Thân dậu niên lai kiến thái bình.”
(Nói về cuộc chiến tranh Thế Giới Thứ 2: Đuôi Rồng (cuối năm Canh Thìn - 1940) đầu Rắn (đầu năm Tân Tỵ -1941) cuộc Thế Chiến bùng nổ, khắp nơi đều gặp nạn đao binh. Ngựa hí (năm Nhâm Ngọ -1942), bước chân Dê (năm Quý Mùi -1943) tất cả mọi anh hùng đều xuất trận và đều bị tổn thương, chiến tranh kéo dài qua năm Giáp Thân -1944 và đến năm Ất Dậu thì kết thúc (bằng bom nguyên tử của Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki khiến cho Nhật phải đầu hàng vô điều kiện, thế giới được thái bình.)


3-

“Hùm gầm khắp nẻo gần xa”
Mèo kêu rộn tiếng quỷ ma tơi bời.
Rồng bay năm vẻ sáng ngời
Rắn qua sửa soạn hết đời sa tăng.
Ngựa lồng quỷ mới nhăn răng....”
Năm Canh Dần (2010) “Hùm gầm khắp nẻo gần xa”: những con cọp kinh tế Á Châu gầm rú vì bị rơi vào vòng khủng hoảng trầm trọng của kinh tế tài chánh, đang lớn tiếng kêu cứu một cách khẩn thiết... Nhưng các quốc gia khác trên thế giới cũng đang bị suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chánh, nên chẳng ai cứu giúp được ai. Riêng tại “rừng chính trị” cộng sản Việt Nam, những con hùm một thời làm chủ sơn lâm như Tướng Võ Nguyên Giáp, Tướng Nguyễn Trong Vĩnh (Cựu Đại sứ tại Bắc Kinh); TS Cù Huy Hà Vũ (con trai của công thần Cù Huy Cận) đang gầm rú đòi phá hủy cơ chế xã hội chủ nghĩa đã và đang gây tàn hại đất nước, núi rừng, sông, biển (đòi ngưng khai thác Bâu Xít Cao Nguyên Trung Việt, ngưng cho thuê Rừng Đầu Nguồn vân vân). Trong tất cả những tiếng gầm của những cựu đảng viên CS nhiều tuổi đảng nhất, tiếng của Trần Độ gây tác động mạnh nhất làm nhiều người lo ngại.
Năm Tân Mão (2011) “Mèo kêu rộn tiếng quỷ ma tơi bời” ý nói năm Tân Mão này với các phong trào chống đối nổ ra khắp nơi, nhất là các cuộc biểu tình chống Trung Cộng xăm lăng tại Hà Nội và Sài Gòn, người dân bày tỏ lòng yêu nước đã bị chính quyền Cộng sản Việt Nam cấm cản và đàn áp dã man... khiến cho tiếng mèo kêu thêm ai oán và rộn rã hơn làm cho tâm trí của loài quỷ đỏ rối bời, vì không biết sẽ phải đối phó như thế nào cho ổn. Những đảng viên cộng sản kỳ cựu, nhiều công trạng đứng lên chống Đảng, trả thẻ đảng, cùng với áp lực đòi nhân quyền, đòi Dân Chủ từ quốc nội được hải ngoại hỗ trợ... Ngoài ta còn áp lực của Quốc Tế Nhân Quyền. Suốt năm con mèo (2011) cộng sản Việt Nam đã dùng bạo lực để trấn áp các phong trào yêu nước và dân chủ tại quốc nội.
Qua năm Nhâm Thìn (2012), “Rồng bay năm vẻ sáng ngời” tức là rồng ngũ sắc sẽ bay về với chính nghĩa quốc gia ngời sáng trời Đông, chuẩn bị cho năm Quý Tị (2013) “Rắn qua sửa soạn hết đời sa tăng” tức là quỷ ở Sa-tăng ở địa ngục đỏ đang dần dần giẫy chết và đến năm Giáp Ngọ (2014) “Ngựa lồng” đạp cho quỷ nhăn răng mà chết.” Trên đây là những luận đoán của Đại Lãng Thiền Sư. Nó có tính cách chủ quan và bị ám thị bởi thời cuộc hiện nay của đất nước. Tuy nhiên, nếu Sấm Trạng Trình đến nay vẫn còn linh ứng thì phước cho dân tộc Việt Nam lắm!

Rồng Trong Văn Chương Việt Nam
“Rồng vàng tắm nước ao tù
Người khôn ở với người ngu bực mình.”
(Ca dao)
“Lấy chồng thì phải theo chồng
Chồng vô hang rắn hàng rồng cũng theo.”
“Một ngày dựa mạn thuyền Rồng
Còn hơn suốt kiếp ở trong thuyền chài.”
(Ca dao)
“Nhớ chàng như bút nhớ nghiên
Như mực nhớ giấy, như thuyền nhớ sông
Nhớ chàng như vợ nhớ chồng
Như chim nhớ tổ, như rồng nhớ mây.”
(Ca dao)
“Quyết lòng lập miễu chạm rồng
Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa.”
(Ca dao)
“Trứng rồng thì nở ra rồng
Liu điu thì nở ra dòng liu điu.”
(Ca dao)
“Một đàn thằng hỏng đứng mà trông
Nó đỗ khoa này có sướng không?
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông Cử ngổng đầu rồng.” (thơ Trần Tế Xương/Cảnh Xướng Danh).
“Rồng mây khi gặp hội ưa duyên
Đem quách cả sở tồn làm sở dụng.” (thơ NCT)
“Tỉnh Thừa Thiên, dân hiền cảnh lịch
Non xanh nước biếc, điện ngọc đền rồng...” (Hò Huế).
“Ngày ngày chầu chực sân rồng,
Bữa bữa dựa kề loan giá,
Ông Cao Tổ năm năm thượng mã
Mới dựng nên cơ nghiệp Lưu gia.
Ông Quan Công sáu ải thoát qua
Vì cậy có Thanh Long, Xích Thố!” (Lục Súc Tranh Công).
Rồng trong ngôn ngữ
Bệ rồng: chỗ đặt ngai vua
Sân rồng: ý nói nơi cung vua
Đòn rồng: đòn gỗ có chạm hình rồng trong giàn đưa linh cữu (hòm) người chết.
Vòi rồng: 1/ Ống phun nước của xe chữa cháy (fire-pump/water-canon); 2/ Cơn lốc xoáy: hiện tượng một luồng không khí từ trên cao cuộn theo mây thòng xuống mặt đất, từ xa trông giống như một cái vòi rồng khổng lồ. Tiếng Anh là “tornado” gốc chữ Latin là “tornare” có nghĩa là xoáy, quay tròn; Tây Ban Nha là “Tornar”.
“Rồng đến nhà tôm”(Người sang đến nhà người hèn/ lời nói khiêm tốn khi chào khách bất ngờ).
“Rồng bay phượng múa”: 1/ ý nói đẹp và linh hoạt như “chữ viết như rồng bay phượng múa”; 2/ Tên một tiểu thuyết của Kim Dung được chuyển ngữ từ “Longfei Fengwu” (Long phi Phụng vũ).
“Rồng rắn lên mây” (tên một trò chơi trong đó mọi người tham gia đều đi theo kẻ dẫn đầu).
“Nói như rồng như phượng” (nói chuyện liến thoắng – lém lỉnh / a glib talker).
“Rồng mây gặp hội” (gặp may mắn về thi cử, công danh; được cơ hội tốt.)
“Rồng mây” hoặc “Rồng gặp mây” (gặp thời thuận lợi).
Vài cuốn sách có liên quan đến Rồng
- “Con Rồng Việt Nam” Hồi Ký Chánh Trị của Bảo Đại, vị Hoàng Đế sau cùng của Việt Nam, Nguyễn Phước Tộc xuất bản, Hoa Kỳ 1990. Bản tiếng Pháp “Le Dragon d’Annam” Nhà Xuất Bản Plon, Paris 1980.
- “Đòn Rồng” bản dịch cuốn “Dragon Strike” tiểu thuyết giả tưởng của hai tác giả người Anh HUMPHREY HAWKSLEY và SIMON HOLBERTON. Nội dung mô tả cuộc tấn công bằng không quân và hải quân của Trung Cộng vào Việt Nam Cộng sản. Việt Nam bị đánh bất ngờ, thiệt hại rất lớn nhưng vẫn chủ trương hòa bình, đối thoại. Sau đó thì có kế hoạch đánh du kích, cảnh cáo Trung Cộng, đòi rút quân ngay lập tức nếu không sẽ bị tiêu diệt, rồi kêu gọi Mỹ,Pháp và quốc tế can thiệp vân vân. Bản dịch Việt ngữ do nhóm Nguyễn Văn Lập phổ biến trên internet từ năm 2007. Website Dựng Nước Giữ Nước.
- “Nhật Ký Rồng Rắn” của Tướng Cộng sản Trần Độ
Tác phẩm này đã bị nhà nước Cộng sản tịch thu và Tướng Trần Độ đã bị loại khỏi đảng Cộng sản Việt Nam.
Trích đoạn:
Lời đầu
Bản viết này để tặng các bậc lão thành cách mạng, các bậc trí giả và các người có trọng trách lãnh đạo hiện nay.
Đây không phải là các luận văn, và không phải các bài văn chương. Đây là một tấc lòng “để tặng người đời và cuộc đời”.
Đây là những ý nghĩ nung nấu trong những tháng cuối năm Rồng và đầu năm Rắn, và cũng là những ý nghĩ nung nấu trước đó hàng chục năm và sẽ còn nung nấu tiếp đến cả khi sang thế giới bên kia.
Đây là nỗi niềm cay đắng của một cuộc cách mạng, và của một kiếp người.
Đây chỉ là những ý nghĩ được ghi lại trong những ngày cuối năm Thìn và đầu năm Tỵ nên được gọi là nhật ký và nhật ký Rồng Rắn.

PHẦN I
I. Hiện nay, cái gì là quan trọng nhất?
14.11.2000
Thử nghĩ về tình hình đất nước Việt Nam hiện nay.
Thử nêu một câu hỏi?
“Hãy nhìn lại xem: từ năm 1975 đến 1985, mười năm xây dựng xã hội chủ nghĩa trong cả nước và nước có tên là: “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa” thì đất nước ra thế nào? Có phải suýt chết đói, suýt rơi xuống vực thẳm rồi không? Thắng lợi 1975, ta đã thu lại một nửa nước no đủ và đầy hàng hoá, thế mà ta đã phát huy thắng lợi đó ra sao, mà đến những năm đầu của thập kỷ 80, cả nước đói nghèo, ngắc ngoải.
Đó có phải là một sự thật hiển nhiên không?
“Có nhất thiết chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin, chỉ có chủ nghĩa xã hội, mới làm cho đất nước phát triển hay không? Nếu chỉ cần nêu cao vai trò của Đảng, thì có nghĩa là đất nước phát triển hay không phát triển là không quan trọng.
“Vậy hãy cứ xem quanh ta: Đài Loan, Đại Hàn, Singapore và thêm nữa, Thái Lan và Malaysia, mấy nước này có do chủ nghĩa Mác-Lênin hướng dẫn không? Những nước ấy có cần có một Đảng cộng sản lãnh đạo tuyệt đối theo chủ nghĩa xã hội không? Thế mà cả 5 nước ấy, khi bắt đầu còn nghèo khổ, vậy mà chỉ sau khoảng 20-30 năm họ đã trở thành những nước phát triển rõ ràng, nhân dân đa số có đời sống khá phong lưu.
“Họ không có một Đảng cộng sản “tài tình”, “sáng suốt”, mà chỉ có những chính khách, có được chính sách kinh tế xã hội thông minh và có hiệu quả. Còn Việt Nam, kể từ khi toàn thắng trong cuộc chiến tranh đến nay đã hơn 25 năm và sắp sửa có hoà bình 30 năm, dài bằng thời gian chiến tranh rồi, mà vẫn chưa thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu.” (ngưng trích)

Năm Rồng Và Ký Ức Kinh Hoàng về Bão Lụt trong lịch sử Việt Nam
Trận Bão Năm Giáp Thìn 1904:
Đây là trận bão kinh khủng nhất đã tàn phá toàn cõi Việt Nam từ Bắc chí Nam. Đường xe lửa xuyên Việt biến mất trong ngập lụt. Tại miền Nam, tỉnh Gò Công bị thiệt hại về người, về của cải lớn nhất. Người chết vì bão lụt phải gặp đâu chôn đó, còn người sống sót thì thiếu ăn. Thảm cảnh được ghi lại qua những giòng thơ dân gian sau đây:
“Rủ nhau đập xác cho liền
Gặp đâu chôn đó, chớ nề ai khiêng
Thân chết chôn rồi đã yên
Còn người sống sót, gạo tiền đâu ăn?”
Nỗi lo sợ ám ảnh tâm tư:
“Năm Thìn bão nổi thình lình
Kẻ trôi, người nổi, hai đứa mình còn đây.”
Hoặc:
“Giáp mặt mình đây kể chắc mình còn
Năm Thìn trời bão khóc mòn con ngươi.”

“Từ ngày bão lụt năm Thìn
Bao nhiêu trôi nổi mới nhìn được em.”
Tại miền Trung, đặc biệt là Kinh Đô Huế, bão Giáp Thìn 1904 đã làm gãy cột cờ của kỳ đài (xây dưới triều Vua Gia Long năm 1807 và thổi bay mấy vài cầu Thành Thái (sau này xây lại có tên là Trường Tiền).
Trận Bão Năm Nhâm Thìn 1953 cũng gây nhiều thiệt hại cho nên nhiều người bị ám ảnh bởi năm Rồng.
Chuyện Rồng chắc chắn là còn nhiều. Năm Nhâm Thìn là Trường Lưu Thủy, nước chảy mãi, nhưng phải ngưng câu chuyện Rồng ở đây vì đã quá dài. Xin kính chúc quý vị một năm Rồng nhiều thuận lợi, an vui.
NGUYỄN CHÂU
San Jose, CA, 2011

No comments:

Post a Comment