Saturday, January 14, 2012

* Khám phá ngôi đền thờ 8 vị vua nhà Lý

Với kiến trúc độc đáo, giàu nghệ thuật, cảnh trí hữu tình và mang trong mình một giá trị lịch sử thiêng liêng, đền Đô đã được người đời ngợi ca bằng câu ca dao: “Đền Đô kiến trúc tuyệt vời/Thăng Long đẹp nhất, đẹp người ngàn năm”.
Đền Lý Bát Đế, còn gọi là đền Đô hoặc Cổ Pháp điện là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng thờ tám vị vua của nhà Lý. Đền được xây dựng trên đất Cổ Pháp (nay thuộc phường Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh), vùng thắng địa được cho là nơi phát tích của vương triều Lý.
Theo sử sách, ngôi đến được vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng từ ngày 3/3 năm Canh Ngọ (1030) khi ông về quê làm giỗ cha. Sau này, đền được trùng tu và mở rộng nhiều lần. Lần trùng tu lớn nhất là vào năm 1620, dưới triều vua Lê Kính Tông.
Với kiến trúc độc đáo, giàu nghệ thuật, cảnh trí hữu tình và mang trong mình một giá trị lịch sử thiêng liêng, Đền Đô đã được người đời ngợi ca bằng câu ca dao: “Đền Đô kiến trúc tuyệt vời/Thăng Long đẹp nhất, đẹp người ngàn năm”.
Tiếc thay, vào năm 1952, quân Pháp đã phá hủy hoàn toàn ngôi đền bằng bom. Dựa theo phác thảo trong tài liệu lưu trữ và các dấu tích còn được lưu giữ, từ năm 1989 đền Đô đã được khởi công xây dựng lại theo kiến trúc bạn đầu.
Ngày nay, ngôi đền thờ 8 vị vua triều Lý là một trong những danh thắng nổi tiếng nhất của tỉnh Bắc Ninh. Lễ hội đền Đô được tổ chức vào các ngày 14, 15, 16 tháng 3 Âm lịch hàng năm nhằm kỷ niệm ngày Lý Công Uẩn đăng quang (ngày 15/3 năm Canh Tuất - 1009) là lễ hội có quy mô lớn thu hút hàng vạn khách hành hương về thể hiện lòng thành kính và nhớ ơn với các vua Lý…
Dưới đây là một số hình ảnh Đất Việt ghi nhận về đền Đô:

Ấn tượng đầu tiên của du khách với đền Đô là khung cảnh tho mộng của hồ bán nguyệt, nơi đặt tòa thủy đình tráng lệ - địa điểm để các chức thời xưa ngồi xem biểu diễn rối nước.
Thủy đình là một tòa nhà rộng 5 gian có kiến trúc chồng diêm 8 mái, 8 đao cong nằm giữa hồ, nối với bờ bằng một chiếc cầu đá. Công trình này từng được Ngân hàng Đông Dương thời Pháp thuộc chọn làm hình ảnh in trên tờ giấy bạc "năm đồng vàng" và cũng là hình in trên đồng tiền xu 1000 đồng ngày nay.
Cổng vào nội thành gọi là Ngũ Long Môn, với 5 bức chạm khắc rồng bằng đá rất công phu.
Khu vực nội thành có kiến trúc theo kiểu "nội công ngoại quốc", trung tâm là chính điện. Chính điện gồm Phương đình 8 mái 3 gian rộng đến 70 m² ở phía trước, kế tiếp là nhà Tiền tế 7 gian, rộng 220 m². Tại đây có điện thờ vua Lý Thái Tổ.
Sau nhà Tiền tế là Cổ Pháp điện gồm 7 gian, rộng 180 m², là nơi đặt ngai thờ, bài vị và tượng của 8 vị vua nhà Lý.
Gian giữa của Cổ Pháp điện là nơi thờ Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông. Ba gian bên phải lần lượt thờ Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông; ba gian bên trái thờ Lý Anh Tông, Lý Huệ Tông và Lý Cao Tông.
Gần Ngũ Long Môn còn có giếng Ngọc, tuổi đời đã gần 8 thế kỷ. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy trong giếng bộ đồ thờ cổ của đền Đô thời xưa, gồm bộ đỉnh, đôi hạc, đôi rùa đều làm bằng đồng, trên có khắc chữ "Cổ Pháp điện".
Nằm đối xứng nhau ở hai bên chính điện là nhà văn chỉ và nhà võ chỉ, có kiến trúc tương tự nhau, gồm 3 gian chồng diêm với hàng tượng ngựa đá trước sân. Nhà văn chỉ thờ Tô Hiến Thành và Lý Đạo Thành, những quan văn đã có công lớn giúp nhà Lý. Nhà võ thờ các tướng Lê Phụng Hiểu, Lý Thường Kiệt, Đào Cam Mộc.
Phía Đông đền Đô có nhà bia, nơi đặt "Cổ Pháp Điện Tạo Bi" (bia đền Cổ Pháp). Bia được khắc dựng năm Giáp Thìn (1605), do tiến sĩ Phùng Khắc Khoan biên soạn, ghi lại sự kiện nhà Lê xây dựng lại đền và ghi công đức của các vị vua triều Lý.
Nhìn chung, kiến trúc của đền có sự kế thừa phong cách cung đình và phong cách dân gian trong một tổng thể hài hoà, bề thế vững chắc nhưng không cứng nhắc trong khung cảnh thiên nhiên.

No comments:

Post a Comment