Saturday, January 21, 2012

* 'Ngoại giao không lực' đưa Mỹ quay lại châu Á-Thái Bình Dương?

Để giữ vai trò là “kẻ thống trị” châu Á – Thái Bình Dương, nhiều nhà phân tích nhấn mạnh Mỹ cần một chiến lược "ngoại giao không lực".
Việc Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Australia Julia Gillard đồng lòng ký thỏa thuận lịch sử cho phép Washington từng bước triển khai 2.500 thủy quân lục chiến trên đất Australia giữa tháng 11 vừa qua có thể gây bất ngờ đối với một bộ phận công chúng thế giới. Tuy nhiên, với giới chiến lược gia thì đây lại là chuyện hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên.
Lý do là trước đó, chính sách châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Obama biểu hiện nhiều thay đổi rõ rệt.
Đầu tiên là Báo cáo Quốc phòng định kỳ bốn năm một lần (QDR) của Bộ Quốc Phòng năm 2010 tiết lộ, Mỹ đang lên kế hoạch cho một thay đổi chiến lược. Sau đó không lâu, Chiến lược quân sự quốc gia năm 2011, cũng là tài liệu chiến lược của Bộ Quốc Phòng Mỹ đã chỉ rõ “Các lợi ích và ưu tiên chiến lược của Quốc gia sẽ từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà ra”.
Sự thay đổi chiến lược đặt mục tiêu vào châu Á-Thái Bình Dương của Washington trở thành "sự thật rõ như ban ngày" khi Ngoại trưởng Mỹ, Hilary Clinton trong một bài bình luận đăng trên Tạp chí Chính sách đối ngoại khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng khu vực này sẽ là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong những năm tới.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích thừa nhận rằng, bước chuyển đổi của Mỹ trong chính sách hướng về châu Á là quá muộn. Theo họ, lẽ ra nó phải xảy ra sớm hơn nếu nước Mỹ không phải hứng chịu thảm họa 11/9 kéo theo “cuộc chiến chống khủng bố” vô cùng tốn kém và đầy tai tiếng.
Nay chính sách và chiến lược của Washington càng rõ ràng song một câu hỏi được đặt ra là liệu họ có đủ lực để quay trở về thống lĩnh bàn cờ châu Á – Thái Bình Dương khi bản thân nước Mỹ đang lao dốc trong cơn suy thoái kinh tế? Hiện tại, để “cứu” quốc gia khỏi nguy cơ vỡ nợ, Mỹ “bấu víu” vào chính sách thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu. Do vậy, cắt giảm ngân sách quốc phòng là điều bắt buộc.
Trong 10 thập kỷ tới, Washington dự kiến cắt giảm 10% ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, Ủy ban tối cao thuộc Quốc Hội Mỹ lại vừa thất bại để đạt được các giải pháp nhằm giảm 1.200 tỷ USD thâm hụt ngân sách liên bang. Do đó, dự kiến, trong trong giai đoạn 2012 - 2021, chi tiêu quân sự thực tế sẽ phải giảm tới 20%. Rõ ràng điều này khiến con đường trở lại châu Á–Thái Bình Dương của Mỹ càng trở nên gập ghềnh và khó khăn hơn.
Trong khi đó, do khoảng cách địa lý quá xa xôi, việc đảm bảo hoạt động hiệu quả ở châu Á-Thái Bình Dương sẽ ngốn không ít tiền của trong ngân sách quốc phòng eo hẹp của Mỹ. Thậm chí, nhiều người quan ngại, kinh phí dành cho các hoạt động tại khu vực này sẽ lớn gấp nhiều lần so với kinh phí dành cho các hoạt động của Mỹ tại châu Âu.
Ngoài ra, dù luôn được các quốc gia chủ nhà gánh đỡ một phần chi phí, việc duy trì hoạt động của quân đội Mỹ tại các căn cứ quân sự của nước này tại Nhật Bản và Hàn Quốc được cho là tốn kém hơn cả. Tuy nhiên, trong khi người Mỹ đang cố gồng mình để tiếp tục duy trì nhiệm vụ thì người dân địa phương ở xung quanh các căn cứ này lại ngày càng tỏ ra khó chịu với sự hiện diện thường xuyên của những người lĩnh Mỹ.
Tất cả những điều này đang đặt ra thách thức lớn cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ để tìm ra cách tiếp cận mới đối với châu Á-Thái Bình Dương.
Cách tiếp cận này không chỉ cần đảm bảo phù hợp với nguồn tài chính eo hẹp của Bộ Quốc phòng mà còn cần chứng minh được khả năng đánh bại mọi khoảng cách về không gian và tận dụng tối đa các khả năng cũng như vị thế chiến lược của các đối tác của Mỹ trong khu vực.
Dựa trên những yêu cầu trên, nhiều chuyên gia phân tích chính trị đề xuất chiến lược “ngoại gia không lực” đặt trọng trách lên vai không quân Mỹ. Theo nhóm chuyên gia này, “ngoại giao không lực” sẽ tạo ra nhiều lợi thế hoàn toàn khác biệt so với các chiến lược khác.
Mỹ cần một cách tiếp cận mới để trở lại bàn cơ châu Á-Thái Bình Dương và đó chỉ có thể là "ngoại giao không lực". Ảnh minh họa: factcheck.


Được xem là một loại quyền lực mềm, chiến lược “ngoại giao không lực” hướng đến việc phát triển các quan hệ đồng minh vốn có và mở rộng mạng lưới đồng minh nhờ tích cực tìm kiếm các đối tác mới tại Thái Bình Dương nhằm bảo vệ lợi ích tối đa cho người Mỹ.
Thực tế là không quân Mỹ trong 6 thập kỷ qua thành công với chiến lược kiểu này. Điểm mạnh của nó được chứng minh ở ba lĩnh vực sau:
Đầu tiên, sức mạnh không quân rõ ràng có khả năng “san bằng” mọi trở ngại, thách thức về mặt khoảng cách hay không gian khi không quân Mỹ được xếp vào hàng mạnh nhất thế giới.
Quan trọng hơn, Thái Bình Dương là khu vực vô cùng rộng lớn bao phủ tới 1/3 bề mặt trái đất. Do đó, Mỹ gặp vô vàn khó khăn để phản ứng nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả đối với các sự kiện xảy ra bất ngờ tại đây.
Song với chiến lược tăng cường sức mạnh cho không quân, không có nơi nào trên trái đất mà người Mỹ không thể đặt chân đến trong vòng nhiều nhất là 24h.
Tuy nhiên, “những cỗ máy trên không” dù mạnh đến mấy cũng không thể bay mãi trên không trung. Chúng cần được “nạp pin” tại các căn cứ không quân dưới mặt đất. Đó là lý do tại sao không quân Mỹ cần tăng cường xây dựng mạng lưới đối tác rộng mở với các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương.
Một điểm thuận lợi cho không quân Mỹ đó là do sở hữu sức mạnh bậc nhất thế giới, họ là đối tác mà các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương luôn chào đón và mong mỏi được hợp tác.
Thứ 2, ngoại giao không lực là chiến lược khôn khéo, mang lại nhiều lợi ích.
Kể từ khi chính quyền Tổng thống Obama theo đuổi chính sách quyền lực mềm, ngoại giao không lực không chỉ đơn thuần dừng lại ở mục tiêu “giữ chỗ” các phi đội bay Mỹ tại các căn cứ không quân nước ngoài.
Thay vào đó, ngoại giao không lực giúp Mỹ xây dựng các đối tác chiến lược thông qua các quan hệ ràng buộc về kinh tế, đào tạo và hỗ trợ các lực lượng địa phương, tham gia luyện tập, thực hiện các nhiệm vụ chung cũng như tích cực tham gia các hoạt động cứu trợ nhân đạo và nhiều hoạt động thiết thực khác.
Chẳng hạn, Không lực 15 (Fifth Air Force) hoạt động tại căn cứ không quân Yokota, Nhật Bản, trong những năm gần đây đã tích cực tham gia vào các hoạt động cứu trợ cho các nạn nhân lụt bão, nạn nhân trong các thảm họa núi lửa, động đất, sóng thần.
Có thể liệt kê ra một số ví dụ điển hình về những thành quả mà ngoại giao không lực đã đạt được, giúp Mỹ chứng tỏ khả năng phản ứng nhanh nhạy với các thảm họa tự nhiên trong khu vực và làm “mát lòng” các quốc gia Thái Bình Dương:
Đó là trận động đất, sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004; siêu bão tại Myanmar năm 2008; trận động đất lịch sử tại Indonesia 2009 cũng như thảm họa động đất, sóng thần Tohoku tại miền Đông Nhật Bản đầu năm nay.
Đáng chú ý là ngoại giao không lực hay các hoạt động tích cực, không quản ngại nguy hiểm của không quân Mỹ trong thảm họa động đất, sóng thần Ấn Độ Dương và Tohoku lần lượt giúp Mỹ tăng cường và thắt chặt quan hệ song phương với Indonesia và Nhật Bản.
Ngoài ra, cũng cần phải kể đến Học viện không quân Mỹ (IAAFA) có trụ sở ở căn cứ không quân Lackland, San Antonio, bang Texas, nơi tiếp nhận học viên đến từ khắp châu Mỹ La tinh để tham gia các khóa đào tạo từ bảo trì máy bay đến quản lý, lãnh đạo không quân.
Mục tiêu của Học viện là xây dựng đội ngũ phi công hoặc các cá nhân có khả năng lãnh đạo lực lượng không quân tại quốc gia quê hương họ. Từ đó, giúp không quân Mỹ xây dựng nền tảng và tiềm năng hợp tác với không quân các quốc gia này được thuận lợi và dễ dàng hơn.
Việc nâng cao các khả năng hợp tác với các quốc gia có cùng lợi ích chung này sẽ giúp Mỹ bớt “nặng gánh” hơn về mặt chi phí cho các hoạt động và cam kết khu vực, liên khu vực hoặc quốc tế nhờ được các đối tác cùng chung vai san sẻ, đỡ đần.
Cuối cùng, khi nhiều người quan ngại rằng với tham vọng châu Á-Thái Bình Dương xoay quanh trục Mỹ, số lượng các căn cứ quân sự của nước này trong khu vực sẽ tăng lên đáng kể thì ngoại giao không lực chính là cách trấn an họ.
Thực tế là, quyền lực không quân và ngoại giao không lực không đòi hỏi phải thiết lập thêm nhiều căn cứ không quân quy mô, lâu dài mà tốn kém cho cả Chính phủ Mỹ lẫn Chính phủ các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, khiến họ cảm thấy khó chịu.
Thay vào đó, nó đặt trọng tâm vào việc tổ chức nhiều hoạt động chung, các kế hoạch triển khai ngắn hạn và một số kế hoạch tạm thời khác nhằm duy trì sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.
Do đó, nó loại bỏ được cảm giác chiếm đóng của người Mỹ tại các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong khi đó, Trung Quốc, đối thủ số 1 của Mỹ tại đây lại ngày càng chỉ ra nhiều động thái hống hách và khiêu khích khiến các quốc gia trong khu vực bất an. Thực tế này khiến họ có thiện cảm và cần đến vai trò của Mỹ nhiều hơn.
Thêm vào đó, các hoạt động hỗ trợ, cứu trợ nhanh chóng và linh hoạt của không quân Mỹ để đối phó với các sự cố bất ngờ tại địa bàn họ đóng quân và hoạt động cũng giúp thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa Mỹ và các quốc gia sở tại.
Do đó, không có gì phải bàn cãi khi không khả năng quân sự nào khác có thể đáp ứng được tính nhanh nhạy, linh hoạt như sức mạnh không quân và ngoại giao không lực sẽ là công cụ hiệu quả giúp Mỹ quay trở lại bàn cờ châu Á-Thái Bình Dương sớm nhất và vững vàng nhất.

Lê Dung (theo Diplomat)

No comments:

Post a Comment