Saturday, January 14, 2012

* Iran ‘dắt mũi’ phương Tây: Tung hỏa mù (kỳ 1)

Trong khi Mỹ và liên minh châu Âu (EU) quẩn quanh với biện pháp cấm vận vốn tỏ ra vô hiệu suốt 30 năm nay với hy vọng “bóp nghẹt” chương trình hạt nhân của Iran thì quốc gia Hồi giáo lại cho thấy sự đa mưu với vô số chiêu thức khiến phương Tây phải “mướt mải chạy theo”.
“Lên gân” tại eo biển Hormuz
Giới chức Iran gần đây liên tục đe dọa đến khả năng phong tỏa eo biển Hormuz, tuyến đường biển chiến lược quan trọng hàng đầu thế giới, với chiều ngang ở chỗ hẹp nhất chỉ có 34 km nhưng hàng ngày có tới 17 triệu thùng dầu, tương đương 20% lượng dầu của thế giới được vận chuyển qua đây.
Mới đây nhất, Esmeail Kowsari, thành viên của Ủy ban Đối ngoại và An ninh Quốc gia tuyên bố, hải quân Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) sẽ bắt đầu cuộc tập trận “nhà tiên tri vĩ đại VII” từ ngày 27/1 ở vịnh Péc Xích, chủ yếu là rèn luyện khả năng đóng cửa eo biển Hormuz “trong thời gian ngắn nhất nếu tình thế bắt buộc”.
Iran đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz. Ảnh minh họa: MarineTimes.

Đánh giá khả năng hiện thực hóa tuyên bố cứng rắn này của Iran, Giáo sư Caitlin Talmadge tại ĐH George Washington cho rằng, nếu muốn, Iran hoàn toàn có thể đóng cửa eo biển Hormuz.
Hải quân Iran không đủ tàu chiến lớn để duy trì một cuộc phong tỏa lâu dài nhưng với các loại tên lửa, tàu nổi, tàu ngầm rải thủy lôi và khả năng đánh bom liều chết bằng tàu cao tốc, Iran có thể gây ra một cuộc tàn phá đáng kể.
Ngoài ra, theo ông Talmadge, Iran có hàng nghìn thủy lôi, ngư lôi, tên lửa hành trình, hơn 1.000 tàu cao tốc kiểu Zolfaqar trang bị tên lửa Nasr chống tàu chiến có thể đạt tốc độ 128 km một giờ, cùng với đó là những máy bay không người lái có vũ trang và những dàn tên lửa hùng mạnh bố trí dọc eo biển.
Vài năm gần đây, Iran cũng củng cố và gia tăng đáng kể căn cứ hải quân dọc theo chiều dài eo biển chiến lược này nhằm đối phó với hạm đội 5 của Mỹ đang đóng ở Bahrain.
Giáo sư Talmadge khẳng định, những mối đe dọa trên có thể biến những chuyến đi qua eo biển Hormuz trở thành ác mộng.
Trong khi đó, Alireza Nader, chuyên gia của công ty tư vấn Mỹ RAND cho rằng, Iran có thể sẽ không đóng hẳn eo biển Hormuz mà sẽ áp dụng chiến thuật đánh du kích nhằm tránh đụng độ lớn không cân sức.
“Họ chỉ quấy rối bằng cách chặn và khám tàu dầu bởi họ biết các hành động quân sự sẽ là một cuộc tự sát về mặt kinh tế. Iran sẽ mất 80% doanh thu từ dầu mỏ bởi hằng ngày nước này xuất khẩu 2,5 tỷ thùng dầu qua ngả Hormuz. Không những mất nguồn xuất khẩu dầu mỏ, Iran cũng mất luôn đường nhập khẩu hàng hóa thiết yếu như xăng”, chuyên gia Alireza Nader nhấn mạnh.
Theo ông, chỉ bằng cách quấy rối này, Iran sẽ gây xáo trộn thị trường dầu mỏ toàn cầu, đẩy giá bảo hiểm hàng hải lên cao chót vót và nhất là bán giá dầu tăng lên thêm ít nhất 50 USD một thùng. Đó thực sự là một thảm họa. Các nước phương Tây đang trong vòng xoáy khủng hoảng khó mà trụ vững nếu giá dầu leo thang.
Dẫu vậy, nếu quyết định đóng cửa hay quấy rối tại eo biển Hormuz, ít chuyên gia tin rằng, chính quyền Iran có thể thực hiện nó trong thời gian dài. Các chuyên gia cho rằng, họ chỉ đạt được mục tiêu này trong vài ngày vì sẽ phải hứng chịu sự đáp trả dữ dội của Mỹ và các nước khác.
Ông Nikolas Gvosdev, Giáo sư chuyên nghiên cứu an ninh quốc gia thuộc ĐH Chiến tranh hải quân Mỹ ở Rhode Island tin rằng, Tehran sẽ chỉ hành động như vậy như là một giải pháp cuối cùng. “Họ có lẽ đe dọa nhiều hơn là hành động”, ông Gvosdev nhấn mạnh.
Tuy nhiên, dù chỉ là lời đe dọa hay hành động thực sự thì việc tàu chiến và tàu sân bay các nước rầm rầm kéo đến eo biển Hormuz trong những ngày gần đây cũng đủ cho thấy phương Tây không hề coi nhẹ tuyên bố cứng rắn của quốc gia Hồi giáo.
Răn đe hạt nhân
Trong khi cuộc khẩu chiến liên quan đến việc đóng cửa eo biển Hormuz chưa xuống, Tehran lại thêm dầu vào lửa khi tuyên bố về kế hoạch làm giàu uranium.
Phát biểu tại trụ sở IAEA ở Thủ đô Vienna, Áo, đại diện của phía Iran Ali Asghar Soltanieh cho biết, cơ sở hạt nhân Fordo của nước này được xây dựng gần thành phố Qom linh thiêng của người Hồi giáo dòng Shiite và đây là nơi đang tiến hành các hoạt động làm giàu uranium ở cấp độ 20%.
Uranium làm giàu 20% là một bước đi quan trọng tiến tới việc sản xuất vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, ông Ali Asghar Soltanieh khẳng định, động thái làm giàu uranium này nhằm mục đích vì hòa bình, đó là tạo ra các đồng vị phóng xạ điều trị ung thư.
“Mỗi bước đi chúng tôi thực hiện cho tới nay và trong tương lai đều sẽ nằm trong khuôn khổ và sự giám sát của IAEA. Hiện nay, với việc giám sát bằng máy quay và các hoạt động thanh sát 24/24 giờ, các hoạt động làm giàu uranium tại Natanz và Fordo đều nằm dưới sự kiểm soát của IAEA”, đại diện Iran nhấn mạnh.
Bất chấp sự quả quyết của Iran về mục đích hòa bình, phương Tây vẫn tỏ ra hết sức quan ngại. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố, Iran quyết định làm giàu uranium gần thành phố Qom là sự việc hết sức nguy hiểm. Ngoại trưởng Anh William Hague thì mô tả đây là một hành động khiêu khích.
Quả thực, mối lo ngại này của phương Tây là hoàn toàn có cơ sở bởi Tehran thừa sức "qua mặt" IAEA. Trên thực tế, sự tồn tại của cơ sở làm giàu uranium ở gần thành phố Qom chỉ được phát hiện bởi cơ quan tình báo các nước phương Tây vào tháng 9/2009 trong khi IAEA không thể đưa ra được thời gian chính xác ra đời của nhà máy này.
Ngoài ra, cơ sở làm giàu uranium với tốc độ mạnh này cũng là mối đe dọa tiềm tàng với phương Tây vì nó nằm dưới lòng đất và có thể chống lại sự tấn công của các lực lượng quân đội nước ngoài.
Như vậy, rõ ràng là Iran đã thành công trong việc đem con bài hạt nhân ra để răn đe đối phương đúng thời điểm nhạy cảm.
Trà My (tổng hợp) 

No comments:

Post a Comment