Sunday, January 8, 2012

* Bước đột phá của quân y trong chiến tranh Iraq

Chiến tranh Iraq đã tạo ra những tiến bộ đáng kể trong ngành quân y, đặc biệt trong lĩnh vực khống chế các vết thương do bom, mìn tự chế gây ra.
Những thực tế trên chiến trường Iraq đã khẳng định "qui tắc vàng" của lính cứu thương Mỹ: “Muốn cứu một mạng sống, đầu tiên phải ngăn chảy máu”.
Trong chiến tranh Iraq, 3.480 lính Mỹ đã thiệt mạng và 32.000 người khác bị thương. Khi cuộc chiến này sắp chấm dứt đối với người Mỹ, ngành quân y của họ bắt đầu tổng kết và đánh giá các bài học và phương pháp mới đã giúp cứu mạng hàng trăm binh lính.
Gần 70% tổng số ca bị thương tại Iraq của lính Mỹ là do bom, mìn tự chế (IEDs). Những thiết bị này gây ra các vết bỏng nặng, đặc biệt ở các chi và tổn thương phổi.
Trong khi các nhà khoa học cải tiến xe bọc thép để ngăn ngừa IEDs thì các bác sĩ chiến trường cũng tìm cách chữa trị tốt hơn cho các vết thương.
Lính Mỹ ở Iraq có cơ hội sống sót khá cao: 90% trong số họ được trở về nhà. Đây là một bước tiến lớn nếu so sánh với con số 76% trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Bom mìn tự chế (IEDs) là cơn ác mộng của lính Mỹ tại Afghanistan và Iraq.
Quân y của Mỹ đã cải tiến phương pháp băng ga-rô truyền thống và sử dụng thêm các dụng cụ mới để nâng cao khả năng sống sót cho binh lính.


Bước tiến lớn này tới từ việc cải tiến một phương pháp rất cơ bản: băng ga-rô.
Băng ga-rô là phương pháp sơ cứu và cầm máu đã được sử dụng hàng trăm năm. Nhược điểm của phương pháp này là dễ ngăn cản sự lưu thông máu và dẫn tới việc hoại tử các chi. “Khi tôi là một bác sĩ chiến trường, băng ga-rô được coi là giải pháp cuối cùng”, trung tá Robert Mabry – người từng tham gia lực lượng lính Mũ Nồi Xanh trong chiến dịch tại Mogadishu vào năm 1993.
Trong những cuộc chiến trước đây, Quân đội Mỹ cũng rất hạn chế sử dụng băng ga-rô. Họ hay dùng các cành cây, gậy..để nẹp cầm máu. “Nhưng chúc bạn may mắn khi muốn tìm một cành cây tại Iraq và Afghanistan”, Robert Mabry nói.
Sau chiến tranh Việt Nam, một mạng lưới các bác sĩ và bác sĩ quân y đã đưa ra kết luận rằng quân đội đã sai lầm khi áp dụng những phương pháp cấp cứu thông thường tại chiến trường. “Một vụ tập kích khác với một tai nạn xe hơi. Vết thương và sự nguy hiểm cũng khác”, Robert Mabry cho biết.
Vì vậy, trong chiến tranh Iraq, quân đội Mỹ sử dụng chất đông máu, kim và ống thông để xử lý các vết thương ở ngực, tạo đường thông không khí tới mũi và cổ họng đi kèm phương pháp băng ga-rô truyền thống.
Và lính cứu thương chiến trường cũng được trải qua các khóa đào tạo kỹ lưỡng hơn so với trước đây. Do vậy, khoảng 87% trong 459 ca bị thương phải dùng tới băng ga-rô đã lành vết thương và không ai phải cắt bỏ các chi vì hoại tử.
Một lính cứu thương đang tập sơ cứu cho đồng đội ở Iraq. Với tay nghề cao hơn và những dụng cụ mới, quân y Mỹ đã cứu sống và hạn chế được hậu quả cho nhiều thương binh tại Iraq.


Một cải tiến nữa đó là quân đội Mỹ nâng cao tầm quan trọng của việc giữ ấm cho người bị thương vì chứng hạ thân nhiệt là rất nguy hiểm với những người bị mất máu.
“Ai nghĩ rằng một người có thể bị lạnh khi nhiệt độ bên ngoài là 40 độ C. Nhưng giữ ấm cho bệnh nhân là điều quan trọng nhất mà chúng tôi nhận ra khi sơ cứu”, bác sĩ Hastings nói.
Những bình dịch truyền lớn từng là biểu tượng cho ngành quân y Mỹ trong chiến tranh Việt Nam không còn được áp dụng nhiều tại Iraq. Theo trung tá Mabry, một lính cứu thương ngày nay chỉ cần mang 1-1,5 lít dịch truyền, thay vì hơn 6 lít như cách đây 40 năm. Một người lính bị thương không cần dung dịch truyền khi đã cầm được máu và không bị sốc.
Một trong những lý do mà những người lính bị thương trên chiến trường có cơ hội sống sót cao hơn đó là Mỹ đã tổ chức tải thưởng bằng đường không rất tốt. Tại các bệnh viện dã chiến, những kỹ thuật xử lí và máy móc tân tiến được sử dụng ngày càng nhiều.
“Hạn chế cuối cùng là các vết thương ở bụng, ngực và cổ mà không thể dùng phương pháp băng ga-rô để cầm máu. Đây sẽ là thách thức lớn tiếp theo của ngành quân y”, trung tá Marby nói.

Hữu Nghĩa (theo Defense Talks)

No comments:

Post a Comment