Wednesday, January 4, 2012

* Mỹ-Iran và những toan tính sau nguy cơ về một cuộc chiến

Những căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã đạt mức cao nhất trong hai thập kỷ qua. Thậm chí, tại Washington đang rộ tin đồn về một cuộc xung đột sắp xảy ra giữa Mỹ và Iran. Thực hư toan tính của hai bên như thế nào và khả năng xảy chiến lớn đến đâu?
Iran cảnh cáo hàng không mẫu hạm Mỹ không được quay lại Vịnh Persian, Mỹ khăng khăng tiếp tục hiện diện


Những dự đoán kinh khủng

Ngòi nổ gây căng thẳng bắt đầu từ vụ việc Tổng thống Mỹ ban hành một đạo luật cấm các ngân hàng giao dịch tài chính với ngân hàng trung ương Iran. Động thái này, cộng thêm với việc Mỹ tăng cường chuyển giao vũ khí cho các nước theo đạo Hồi thuộc dòng Sunni (như quyết định cung cấp 84 máy bay tiêm kích F-15 cho Arập Xêút), đã khiến cho Iran có những hành động quân sự trong những ngày gần đây.
Iran tập trận hải quân 10 ngày, phóng thử các tên lửa được thiết kế để bắn chìm tàu tại Eo biển Hormuz, tuyên bố đã tự chế tạo được các thanh nhiên liệu hạt nhân, bổ sung bằng một cảnh cáo rằng Washington không nên tìm cách đưa tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS John C. Stennis trở lại Vịnh Péc-xích và nhất là dọa đóng cửa eo biển Hormuz.
Eo biển Hormuz chỉ rộng có 50 km, nhưng có đến 40% lượng dầu sản xuất trên thế giới được trung chuyển qua cửa ngỏ này.

Những tuyên bố của Iran ngày càng gay gắt. Cùng với thái độ cứng rắn của Mỹ, thái độ gây chiến rõ ràng của Tehran trong mấy ngày vừa qua đã thổi bùng những dự đoán kinh khủng trong giới chính trị gia và các học giả rằng khả năng xảy ra một cuộc chiến giữa Mỹ và Iran đã đến gần.

Thậm chí, “chiến tranh Iran” là chủ đề được các ứng viên đảng Cộng hòa đem ra thách thức Tổng thống Obama trong cuộc đua tranh cử vừa mới được tăng tốc ở Mỹ. Đáng chú ý, Cựu Thống đốc bang Massachusetts, Mitt Romney, người vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử kín của Đảng Cộng hòa nhằm chọn ra ứng cử viên bầu cử tổng thống ở bang Iowa, đã đưa ra một cam kết rõ ràng rằng nếu ông giành thắng lợi trong cuộc đua vào Nhà Trắng, ông sẽ “sử dụng lực lượng quân sự nếu cần thiết” và “Iran sẽ không thể có được vũ khí hạt nhân”.
Trong khi đó, không ít ý kiến trong đảng Cộng hòa cho rằng bất kể hành động quân sự nào của Mỹ “đều vượt xa hơn nhiều một cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran”.
Báo chí thì đăng nhiều ý kiến phân tích lo ngại rằng Mỹ có thể sẽ rơi vào một cuộc chiến với Iran, vì một chiến lược chỉ tập trung vào việc gia tăng áp lực và áp đặt các lệnh trừng phạt sẽ không để ngỏ con đường ngoại giao nào để thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.
Báo chí cũng khẳng định các nước phương Tây không nghi ngờ khả năng Israel dùng vũ lực chống Iran. Bên cạnh đó, một lệnh cấm vận quốc tế cũng đang trong quá trình soạn thảo. Liên minh châu Âu đang nghiên cứu đến một chiến lược kêu gọi xây dựng một liên minh trên tinh thần tự nguyện mà không cần thông qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhằm tránh sự phản đối dường như là chắc chắn của Trung Quốc và Nga.


Chiến tranh, ai sợ hơn?
Iran chuẩn bị tiến hành cuộc bầu cử quốc hội (dự kiến vào ngày 2/3/2012) - cuộc bầu cử đầu tiên tại Iran sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi khiến hàng chục nghìn người xuống đường biểu tình năm 2009.
Ban lãnh đạo Iran đang lo lắng theo dõi tình hình trước bầu cử, trong bối cảnh làn sóng “Mùa Xuân Arập” bùng lên ở khu vực từ đầu năm 2011 vẫn chứng tỏ đang còn nguyên sức nóng. Nền kinh tế Iran thì đang chao đảo, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát đều ở mức 2 con số.
Giới chức Iran đang tìm cách làm tăng giá dầu để cứu nguy cho nền kinh tế. Lệnh cấm vận xuất khẩu dầu, nếu như được thực hiện, không những gây phương hại cho nền kinh tế Iran (do 80% thu nhập của quốc gia này phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ), mà nó còn khiến cho giá dầu thô trên thế giới tăng, gây ra tình trạng bất ổn cho toàn khu vực Trung Đông.
Bằng chứng là thái độ thách thức mới nhất của Iran đã gây bất ổn các thị trường dầu mỏ thế giới và đẩy giá dầu ngày 3/1 lên 111 USD/thùng. Nhưng điều này cũng ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế Iran, khiến đồng rial của nước này bị mất tới 12% giá trị chỉ trong ngày 3/1.
Nói tóm lại, động cơ của Iran - sau những động thái và tuyên bố của Mỹ trừng phạt tài chính Tehran - có thể là tài chính nhiều hơn quân sự. Iran không muốn xung đột với Mỹ bởi vì không đủ mạnh để chống lại các xung đột quân sự của một nước có các đồng minh hung mạnh, trong đó có Israel.
Trong khi đó, cùng lúc, chính trường Mỹ cũng đã bước vào năm bầu cử với kinh tế là vấn đề trọng tâm.
Những lời kêu gọi chiến tranh được đưa ra vào một thời điểm đặc biệt: Mỹ vừa kết thúc chiến dịch “Tự do cho Iraq”, một cuộc chiến trừng phạt một chế độ độc tài vì bị cho là chế tạo vũ khí hủy diệt nhưng kết quả lại rõ ràng: không tìm thấy vũ khí hủy diệt, trong khi thiệt hại về người và của của cả hai bên không thể kể hết.
Trong trường hợp một chiến dịch quân sự cho dù là quy mô nhỏ xảy ra ở vùng Vịnh Péc-xích, thì ngay lập tức sẽ dẫn đến cuộc xung đột toàn cầu, lôi kéo gần như tất cả các nước trong khu vực. Nhưng đây không phải là tất cả các nước đều chống Iran. Nước này cũng có những đồng minh.
Một cuộc chiến tranh với Iran sẽ được cả khu vực Trung Đông nhìn nhận như một cuộc chiến nữa nhằm vào Hồi giáo, có thể kích động lực lượng Hezbollah tại Li-băng và Hamas tại Palestin tấn công Israel. Hành động quân sự với Iran cũng sẽ tạo cho những kẻ chống Mỹ cực đoan một điểm tập hợp lực lượng - Cộng hòa Hồi giáo Iran - với những hậu quả vô cùng lớn có thể kéo dài cả một thế hệ.
Hơn nữa, Mỹ vừa thông qua lệnh trừng phạt cứng rắn nhất đối với Iran, song Mỹ đang phải thận trọng cân nhắc tới việc tránh để các nước đồng minh phải nhập khẩu năng lượng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ bị ảnh hưởng. Và dù đang có cuộc tranh cãi về vấn đề hạt nhân của Iran, nhưng có một sự thật là hiện không có một bằng chứng thuyết phục nào cho thấy Iran đi theo hướng chế tạo vũ khí hạt nhân.

Như vậy, cả hai bên đều không được lợi lộc gì nếu gây chiến: Iran biết rằng nếu họ phong tỏa Eo biển Hormuz hay tấn công tàu Mỹ, họ sẽ là người thua thiệt; Mỹ cũng không muốn sử dụng sức mạnh quân sự, mà chỉ muốn sử dụng các biện pháp gây sức ép.
Iran và Mỹ cũng không còn chỗ cho những tính toán sai. Những toan tính sai lầm có thể sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh. Sự nghiêm trọng của tình hình Trung Đông có thể sẽ khiến các bên tìm kiếm ít nhất là một giải pháp ngoại giao. Song khó có thể dự liệu mọi điều.

Điều rất đáng quan ngại là cả hai bên đều đang thiếu những hoạt động ngoại giao, thường đi kèm với sự gia tăng căng thẳng. Với tình trạng hiện nay, cả thế giới đang gặp nguy hiểm.
Nguyễn Viết

No comments:

Post a Comment