Saturday, January 7, 2012

* Từ khám đường tới nhà lao và chuồng rệp

NgyThanhalt

Trong cơn mưa bụi lất phất của bình minh Florida chưa ló dạng, chiếc máy bay quân sự C-130 mở bánh đáp chiếu đèn pha rực sáng xuống đầu phi đạo số 23, từ từ bỏ dần cao độ. Bên ngoài vòng rào phòng thủ của Căn cứ Không quân Homestead, bà quả phụ trẻ Adela Giroldi 36 tuổi cầm tay mấy đứa con nhỏ đứng giữa cơn gió lộng quất nước mưa vào mặt, chong mắt chờ chiếc máy bay chạm bánh xuống mặt đất. Con bé Karina Giroldi 9 tuổi hỏi mẹ một câu thật thơ dại: "Mẹ ơi, tại sao trời làm mưa?". "Vì trên trời cao kia bố con đang mừng vui, hoan hỉ". Từ tối hôm qua, thứ Tư, 4/01/1990, cộng đồng người Panama tại Florida đã truyền miệng nhau tin về chuyến bay quân sự này, từ Panama đến Mỹ. Suốt đêm, bà Adela chỉ chực chờ trời mau sáng để dẫn mấy đứa con mồ côi cha ra vành đai phi trường chứng kiến chuyến bay.
Cha đứa bé, chồng bà Adela là ông Giroldi thuộc dòng dõi người Ý, lúc sinh thời đã gia nhập Lực lượng Quốc phòng Panama và được gửi đi thụ huấn tại trường lục quân Mỹ School of the Americas ở căn cứ Fort Benning thuộc tiểu bang Georgia, sát biên giới Alabama, về sau này cải danh thành Viện Nghiên cứu Hợp tác An ninh Bắc Bán Cầu, chuyên huấn luyện cho sĩ quan các nước đồng minh thuộc các nước châu Mỹ La tinh về kỹ thuật vận dụng luật pháp và các thành tựu quân sự. Đầu năm 1988, ông có công yểm trợ cho Noriega, dẹp yên được cuộc đảo chính do Đại tá Leonidas Macias Tư lệnh Cảnh sát đứng ra chỉ huy.

Vào ngày lịch sử 3/10/1989 ấy, khi cuộc đảo chánh quân sự của một tập thể đông đảo quân nhân do Thiếu tá Giroldi lãnh đạo bị triệt hạ, phía chính quyền thông báo rằng bản thân người cầm đầu cùng 9 sĩ quan nổi loạn (gồm León Tejada, Juan Arza, Edgardo Sandoval, Eric Murillo, Jorge Bonilla, Francisco Concepción, Ismael Ortega, Deoclides Julio và Feliciano Muđoz) đã thiệt mạng trong các cuộc chạm súng. Thế nhưng 9 tháng sau một ủy ban chuyên về nhân quyền đã khám phá ra rằng chồng bà Adela, Thiếu tá Moisés Giroldi Vera, đã bị đám bộ hạ của Tướng Mặt Dứa xử tử trong một nhà kho ở thị trấn Albrook. Cùng bị xử tử với Thiếu tá Giroldi Vera là Đại úy Javier Licona và 11 sĩ quan quân đội khác, những người làm đảo chánh, sau khi họ buông súng đầu hàng vì cuộc đảo chánh bất thành. Người may mắn thoát chết duy nhất là Đại úy Licona, nhờ giờ chót ông được phái tới gặp Tướng Marc Cisneros, Tư lệnh phó Quân lực HK Khu vực Phía Nam - rồi ở lại luôn trong căn cứ Mỹ.
Cuộc nổi loạn bằng vũ lực không thành, trong khi tất cả các phương thức khác nhằm thuyết phục Noriega rút lui vào hậu trường cũng đã thất bại, dân chúng ê chề mệt mỏi với các áp lực của công luận cũng như quốc hội. Nhưng người ta vẫn bàn tán tới một cuộc đảo chánh tiếp theo, nhất là sau thông cáo của chính quyền Reagan ngày 22/03/1988, nói rằng: "Hoa Kỳ ủng hộ Lực lượng Phòng thủ Panama [tức Bộ Quốc phòng] với đặc tính chính trực của nó trong vai trò một cơ cấu chuyên môn quân sự, và chúng tôi trông đợi cơ quan này đóng một vai trò quan trọng và có tính xây dựng trong một chế độ dân quyền". Bản thông cáo ấy có tác dụng như một lời hứa, rằng Mỹ sẽ hậu thuẫn phe quân nhân nếu họ tống khứ được Noriega nhưng vẫn tuân phục một bộ máy chính quyền dân sự. Đúng một tuần sau bản thông cáo, tham vụ báo chí Tòa Bạch ốc Marlin Fitzwater gián tiếp xác nhận lời hứa ấy, khi ông nói: Nay Hoa Kỳ đang xem xét lại tất cả các chọn lựa khác cứng rắn hơn.

Ngày 3/10/1989, Thiếu tá Moisés Giroldi nổ súng, đồng thời yêu cầu lực lượng Lục quân Mỹ trú đóng ở Panama yểm trợ, bằng cách đứng ra phong tỏa 3 trục lộ chính, nhưng một mặt vì liên lạc vô tuyến kém hữu hiệu, mặt khác vì ở trong nước Thiếu tá Giroldi mang tai tiếng cũng là tên khốn kiếp, một thứ vỏ dưa nếu phải tránh vỏ dừa Noriega, nên rốt cuộc chỉ có hai trục lộ được Mỹ dàn quân án ngữ, còn trục lộ thứ ba bỏ ngõ, để phe Noriega hành quân cứu viện và truy kích phe âm mưu đảo chánh. Giroldi bị bắn, và người bóp cò súng là chính tay Noriega. Sau đó, tình hình tồi tệ hơn. Ở Mỹ, nghị sĩ Jesse Helms gọi Tổng thống Bush Cha là một tên ma cô chính trị trong vấn đề Panama, Tổng thống Noriega mặc sức báo thù, nhất là sau khi tòa án Panama xử khuyết tịch Ông Mặt Dứa có tội trong cái chết của Thiếu tá Giroldi. Tình hình này dẫn tới Chiến dịch Vì Công Chính. Mỹ đổ quân vào lãnh thổ Panama ba tháng sau, chỉ 5 hôm trước đại lễ Giáng sinh năm 1989, với 4 lý do được Tổng thống Bush đưa ra: (1) Bảo đảm tính mạng 35.000 công dân Mỹ tại Panama sau khi Noriega đã tuyên bố tình trạng chiến tranh với Hoa Kỳ, và sau khi đã xảy ra xô xát giữa quân nhân Mỹ và binh sĩ địa phương, trong đó có một TQLC Mỹ bị giết mới mấy bữa trước cùng nhiều vụ gây hấn với công dân Mỹ khác xảy ra ở nhiều nơi trong vùng, (2) Bảo vệ dân chủ và nhân quyền tại Panama, (3) Chống trả hoạt động của bọn buôn lậu ma túy dùng Panama làm trung tâm rửa tiền, vừa là cứ điểm phân phối ma túy vào nước Mỹ và châu Âu, và (4) Duy trì tác dụng của hai thỏa ước do Tổng thống Jimmy Carter ký chung với Tư lệnh Lực lượng Quân sự Panama là Tướng Omar Torrijos vào ngày 7/09/1977, nhằm bãi bỏ Hiệp ước mang chữ ký của nhà ngoại giao Pháp Phillipe Bunau-Varilla đại diện cho Panama, và Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Hay ký ngày 18/11/1903.
Lệnh hành quân Vì Chính Nghĩa được tổng thống Mỹ ban ra sau khi Noriega bị quốc hội và đông đảo chính khách Mỹ nhận định rằng hành động của ông ta đe dọa tính trung lập của Kênh đào Panama cho nên Hoa Kỳ có quyền viện dẫn các điều khoản của hai thỏa ước Carter-Torrijos để động binh.

Quốc gia Panama
Trong khi hai phần nam và bắc châu Mỹ phình ra với tổng diện tích 42 triệu cây số vuông (gần bằng châu Á với 44.4 triệu cây số vuông, và rộng hơn châu Âu với 10.3 triệu cây số vuông), hai đầu khổng lồ của lục địa này nối thông nhau chỉ bằng eo đất Panama rất hẹp, còn gọi là Vực Darien, được hình thành khoảng 3 triệu năm về trước với địa hình rừng già dày kín gần như bất khả xâm phạm, như một chiếc cầu lục địa giữ một vị trí quan trọng trong vấn đề sinh thái đa dạng của hành tinh do động thực vật có thể di chuyển qua lại, cũng như là một vị trí chiến lược về mặt quân sự, giao thông và kinh tế. Chính eo đất này là phần lãnh thổ của quốc gia Panama trong đó có luôn kênh đào Panama, phần đất mà bạn buộc phải cắt ngang qua nếu muốn lái xe xuyên châu Mỹ, từ Alaska xuống Patagonia.
Về phương diện địa lý, Cộng hòa Panama là nước nằm ở cực nam trung Mỹ, chỉ có hai nước hàng xóm là Colombia bên phía đông và Costa Rica ở phía tây. Phía bắc Panama giáp Đại Tây Dương, phía nam có Thái Bình Dương. Từ thời kỳ đầu thế kỷ 16, sau cuộc đổ bộ đầu tiên của Christopher Columbus vào Vịnh Almirante hôm 6/10/1502 để eo đất này trở thành thuộc địa Tây Ban Nha, chính những người Tây Ban Nha này đã khai thông những con đường để chuyển vàng bạc từ Peru đến Panama trước khi xuống tàu cập bến ở Đại Tây Dương. Trong 300 năm kế tiếp, vùng đất nay là Panama đã lần lượt rơi vào tay Peru và vương quốc Grenada, trước khi bị sáp nhập vào Đại Colombia năm 1819. Đại Colombia là phần đất do nhà cách mạng Simón Bolívar gốc Venezuela chiến đấu và lật đổ sự thống trị của Tây Ban Nha, giành độc lập cho một loạt sáu quốc gia nay là Venezuela, Colombia, Panama, Ecuador, Peru, và Bolivia. Sau đó, Đại Colombia mới được tách ra thành Venezuela, New Grenada và Ecuador. Tới năm 1863, New Grenada lại cải danh thành Colombia với biên giới phía tây đụng với Costa Rica; và mãi đến ngày 3/11/1903, Panama mới tách rời khỏi nước Colombia, với Demetrio Brid chủ tịch Hội đồng Thành phố được chọn làm tổng thống của nước cộng hòa Panama mới thành lập. Và với tư cách nước đầu tiên công nhận tân quốc gia Cộng hòa Panama, Hoa Kỳ đã gửi quân tới bảo vệ những lợi ích kinh tế của nước này.
Mặc dù qua năm 1904 quốc hội lập hiến mới bầu Tiến sĩ Manuel Amador Guerrero làm vị tổng thống hợp hiến đầu tiên của Panama, nhưng vào trung tuần tháng 11/1903 Panama đã ký Hiệp ước Hay-Bunau Varilla thỏa thuận trao cho Mỹ quyền xây dựng và quản lý vô hạn định kênh đào Panama, sẽ mở cửa từ năm 1914. Với thời gian cầm quyền ngắn ngủi của các tổng thống, Panama đã trải qua các giai đoạn bất ổn chính trị và tham nhũng tương tự Việt Nam vào giai đoạn sau khi Hội đồng Quân nhân Cách Mạng của Dương Văn Minh giết "được" Tổng thống Ngô Đình Diệm, và tình trạng rối rắm này lên đến đỉnh cao dưới 3 nhiệm kỳ làm tổng thống của ông Arnulfo Arias Madrid.

Chọn nghề tổng thống
Năm 1931, ông Arias cầm đầu một cuộc đảo chánh, lật đổ Tổng thống Florencio Harmodio Arosemena. Năm kế, ông đưa người em ruột tên Harmodio ra làm tổng thống bù nhìn rồi đứng sau hậu trường, nắm nội các và tất cả mạng lưới ngoại giao, để tạo nền tảng. Năm 1940, ông ra ứng cử tổng thống với danh nghĩa thành viên Đảng Cách mạng Quốc gia và thắng cử với đa số tuyệt đối. Vừa nhậm chức xong, Arias ban hành ngay bản hiến pháp mới, cho phụ nữ quyền bầu cử, bỏ tù những người đối lập, và bày tỏ ý định liên minh với Phe Trục vừa mở màn Thế chiến Thứ Nhì được một năm, đang thắng trận khắp nơi. Ý định theo Phe Trục của Arias làm Mỹ chọn hậu thuẫn âm mưu đảo chánh vào tháng 10/1940. Arias bị lật đổ, nhưng 8 năm sau, ông lại ra ứng cử và thất bại. Qua năm kế tiếp, quốc hội bỗng dưng xét lại kết quả bầu cử, và tuyên bố ông đắc cử. Nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ hai xong, ông tức khắc đình chỉ hiến pháp và thành lập lực lượng cảnh sát chìm, để nạn dịch tham nhũng tràn lan khắp nước, làm ông lại bị lật đổ nữa, vào năm 1951. Tới năm 1968, ông lại ra, và đắc cử nhiệm kỳ thứ ba sau khi tung ra sáng kiến về một liên minh chính trị gồm 5 đảng khác nhau. Nhậm chức xong, ông lại ra tay, thu tóm quốc hội, tối cao pháp viện và tái bố trí Lực lượng Bảo vệ Quốc gia, tức Bộ Quốc Phòng. Lần này phe đối lập với ông không chờ lâu. Sau khi Arias làm tổng thống được 11 ngày, họ đã hành động. Các sử gia cho rằng lầm lỗi của Arias lần này là do ông quyết định phái Tư lệnh Quân đội Omar Torrijos tới một vị trí xa lạ làm Trung tá Torrijos bị vuột tầm tay những khoản thu khổng lồ tiền hụi chết từ các cú hối lộ nặng ký. Torrijos bèn mang quân bao vây phủ tổng thống. Arias thấy đơn vị lính phòng vệ của mình bỏ đi, rồi nhận được cú điện thoại từ tổng thống nước láng giềng Costa Rica cho hay họ đã đóng cửa biên giới. Cùng đường, Arias phải trốn ra khỏi dinh tổng thống, dắt theo Tham mưu trưởng Hildebrando Nicosia, lúc nửa đêm nhảy lên chiếc xe do con rể của Nicosia lái, đâm bừa qua các chướng ngại vật để lọt vào Khu kênh đào để xin tị nạn và xin Mỹ che chở tính mạng. Cuộc ra đi lần thứ ba của "tổng thống" Arias vội vàng đến độ phải bỏ lại bà mẹ già 93 tuổi đang ngủ trên lầu, với máy trợ thính bít kín hai lỗ tai, nên không hay biết gì về việc bỏ rơi bà để tìm sự sống của thằng con bất hiếu. Mười năm sau, nhờ Mỹ áp lực Omar Torrijos - lúc này đã tự phong cho mình chức thiếu tướng - nới lỏng các thể chế chính trị, Arias đã có thể về nước năm 1978. Vẫn chưa nguôi tham vọng làm vua, năm 1984, lão ông 84 tuổi Arnulfo Arias lại ra tranh cử tổng thống nữa. Điều lạ lùng và buồn cười, là số phiếu cử tri dành cho ông già gần đất xa trời này lại hết sức cao. Khi cuộc kiểm phiếu đang tiến hành với số phiếu dẫn đầu là của Arnulfo Arias, chính phủ đương nhiệm do Manuel Noriega ra lệnh ngừng ngay việc đếm phiếu. Phe này đã gian lận, đánh tráo phiếu, và tuyên bố ứng cử viên Nicolás Ardito Barletta đắc cử, với 1.713 phiếu. Ông Ardito bị công chúng gọi trại tên thành "fraudito" (little fraud, gian lận chút thôi) còn Arias lại nhanh chân nhảy lên máy bay, thoát sang Florida lần nữa, và là lần chót.

Từ vị trí người nắm thực quyền của một chính phủ quân sự, Tướng Omar Torrijos cuối cùng đã trở thành nhà lãnh đạo độc tài, cai trị Panama cho tới khi ông thiệt mạng vào tuổi 52 trong một tai nạn máy bay đầy bí ẩn và nghi vấn vào hôm 31/07/1981. Ngày hè định mệnh ấy, chiếc phi cơ quân sự riêng DeHavilland Twin Otter mang số đuôi FAP-205 thuộc Không lực Panama rơi xuống Penonome gần khu cộng đồng Coclesito, sau khi máy bay biến mất khỏi màn ảnh rada, vì thời tiết xấu, nhưng do trình độ kỹ thuật thấp kém của Panama vào giai đoạn ấy, gần trọn một ngày sau, việc rớt máy bay mới được báo cáo, và mất thêm nhiều ngày nữa Không lực Panama mới tìm ra được địa điểm tai nạn, trước khi một toán lực lượng đặc biệt được thả xuống để thu hồi xác chết Tướng Torrijos. Ông tướng được mai táng linh đình vào trong một cái lăng, nhưng cái chết của ông mở ra những nghi vấn khác, thay vì để ông an giấc ngàn thu. Ví dụ trong một phiên tòa sơ thẩm ở Miami vào tháng 5/1991, luật sư của Noriega là ông Frank Rubino đã thưa với tòa rằng: "Tướng Noriega đang thủ đắc trong tay các tài liệu về các âm mưu của các cơ quan Hoa Kỳ nhằm ám sát tướng Noriega và ông Torrijos", nhưng chánh án phiên tòa đồng ý với công tố viên rằng việc tiết lộ những tài liệu mật ấy sẽ vi phạm Luật Bảo mật Quốc gia. Rồi tới gần đây, tác giả John Perkins viết trong cuốn Tự thú của một kẻ giết mướn kinh tế rằng Torrijos đã bị ám sát vì quyền lợi của người Mỹ, những kẻ đã đặt một quả bom vào chiếc máy bay riêng của ông, cũng chỉ vì phía Mỹ hoàn toàn chống đối cuộc thương thuyết giữa ông Torrijos với một nhóm thương nhân Nhật Bản do Shigeo Nagano cầm đầu, đang nỗ lực đề cao ý kiến về một kênh đào Panama rộng hơn, tân tiến hơn và ngang với mức thủy triều ngoài biển. Khi ấy đang ở trong nhà tù Mỹ, ông Noriega phát biểu rằng các cuộc thương thuyết ấy đã làm phát sinh những phản ứng bất thuận từ bên trong chính giới Hoa Kỳ, tuy nhiên, các tài liệu điều tra về nguyên nhân tai nạn máy bay làm chết Torrijos đã bị thất lạc trong cuộc đổ bộ của Mỹ vào Panama hôm 20/12/1989, đến nay vẫn chưa tìm lại được. Lịch sử ghi nhận rằng ông Torrijos chết ngay sau khi ông Ronald Reagan nhậm chức tổng thống Mỹ, và chỉ 67 ngày sau khi chuyến máy bay chở vợ chồng tổng thống nước Ecuador là ông Jaime Roldós cùng với vợ chồng Bộ trưởng Quốc phòng Marco Subía Martínez, hai phụ tá hành quân và 3 người tháp tùng khác đâm vào núi Huairapungo ở tỉnh Loja. Tai nạn này cũng được tác giả John Perkins lập luận là do một trái bom gắn vào máy thu âm trong buồng lái máy bay, và trước đó ông Roldós đã công bố dự án tái bố trí ngành hydrocarbon, một kế hoạch nghịch với quyền lợi Hoa Kỳ. Trong kế hoạch này, Tổng thống Roldós đã ký với Colombia và Peru các điều khoản mà Tổng thống Reagan cho là có khuynh hướng nghiêng về phía Liên Xô.

Torrijos chết, quyền lực dần dần rơi vào tay một sĩ quan từng nắm ngành mật vụ Panama và là cựu nhân viên tình báo CIA tên Manuel Antonio Noriega, để một chương sử đau thương khác của nước Panama bắt đầu.

Cùng một điểm đến, ba chuyến bay

Các tin tức nói rằng cái chết của Torrijos trong vụ máy bay rơi hôm 31/07/1981 là một tai nạn, nhưng Đại tá Roberto Díaz Herrera, một cựu đồng đội với Noriega không đồng ý. Ông này cương quyết bảo rằng máy bay rớt vì bom, và người đừng bên sau trái bom ấy là Noriega. Torrijos chết, Đại tá Florencio Flores Aguilar thay chức tư lệnh quân đội Panama trong một năm, rồi bàn giao cho Rubén Darío Paredes. Ngồi chưa nóng ghế, ông Paredes mặc cả với Tham mưu trưởng Manuel Noriega rằng ông giao chức tư lệnh lại cho Noriega để ra tranh cử tổng thống với sự hậu thuẫn của Noriega để dễ đắc cử, nhưng sau khi Paredes vừa từ chức tham mưu trưởng liền bị Noriega phản phé, ra lệnh bắt giam, làm ông mất cả chì lẫn chài.

Để tăng cường sức mạnh quyền lực, vào tháng 8/1983, Tham mưu trưởng Noriega tự thăng cho mình lên cấp tướng, vượt khỏi hạn chế của các thỏa ước khi cho phép Mỹ đặt các trạm nghe lén ở Panama, móc nối để chuyển giao tiền và vũ khí Mỹ tới tay phiến quân Nicaragua. Tên tuổi Noriega liên quan tới nhiều cái chết của những người đối lập. Bác sĩ Hugo Spadafora, cựu Bộ trưởng Y tế, là người thường công khai lên án Noriega có liên quan tới các vụ buôn bán ma túy, nên bị một tiểu đội mật vụ bắt cóc từ một chuyến xe đò ở biên giới Costa Rica. Sau đó, người ta tìm thấy xác Spadafora gói trong một túi đựng thư của bưu điện Mỹ, nhưng thiếu mất cái đầu. Khi ông này bị giết, Noriega đang có mặt ở Paris, nhưng người ta tìm thấy được băng thu âm cú điện thoại khi Luis Córdoba, chỉ huy trưởng quân sự tỉnh Chiriquí, gọi qua Pháp cho Noriega: "Chúng ta vồ được con chó điên ấy rồi!" và được trả lời "Anh thừa biết cần phải làm gì với một con chó mình mẩy đầy ghẻ lở phải không?". Noriega cũng bị cáo giác là đã dùng lực lượng mật vụ để áp đảo quần chúng xuống đường hồi năm 1987, sử dụng bạo lực hồi tháng 5/1989, có nhúng tay vào các vụ mất tích của Everett Clayton Kimble năm 1968 và Luis Quiroz Morales năm 1969 cũng như vụ bắt cóc và xử tử Heliodoro Portugal năm 1970.
Với 6 năm cầm quyền, Noriega đã nhanh chóng biến chính quyền Panama thành một ổ độc tài quân phiệt, một bộ máy đầu cơ buôn bán ma túy quy mô lớn, và đàn áp tất cả các hoạt động đối lập và dân chủ trong nước, vừa khiêu khích chính phủ Hoa Kỳ, mặc dù Mỹ đang quản trị kênh đào Panama một cách hợp pháp cho đến cuối năm 1999. Cuộc đời của Noriega là một chuỗi những ngày hưởng lạc và hành lạc, cờ bạc và rượu chè, tráo trở và xa hoa.
Cuối cùng, chuyến bay đã hạ cánh lúc 2g45 sáng, mang theo tù binh Manuel Noriega. Bà Adela Giroldi biết là Noriega sẽ phải đối diện trước công lý về những tội buôn ma túy, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ông trả lời về cái chết tức tưởi của chồng bà. Bà nói với ký giả báo Sun Sentinel đứng bên cạnh: "Tôi chỉ muốn vào tận cửa máy bay, để hỏi Noriega hắn cảm thấy thế nào khi ra lệnh hành quyết chồng tôi". Cậu con trai tên Moises 14 tuổi có vẻ chính chắn hơn, vừa kéo thằng em tên Josue kém nó 4 tuổi vào lòng, vừa nói: "Cần gì phải xử án lôi thôi. Cứ việc xử tử hắn, một tên khốn kiếp, giết người không gớm tay".
Bốn mẹ con bà Giroldi đã bay đến tỵ nạn ở Florida trên một chuyến bay quân sự sau khi cú đảo chánh ngày 3 tháng Mười thất bại. Cũng như những kiều dân Panama khác đang nhấp nhổm ở hàng rào căn cứ Homestead, gia đình này mong mỏi được quay về nước, ngay khi nào có thể. Bà có nhận xét rằng: "Trong một cuộc nội chiến, tất cả mọi phe phái đều bại trận. Tốt hơn cả là người Mỹ nhập cuộc sớm".


Hai tuần trước khi chuyến bay rước Tướng Noriega vào lãnh thổ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ vào sáng ngày 5/01/1990, Tổng thống George Bush Bố đã ra lệnh cho quân đội Mỹ thực hiện một hành động quân sự trừng phạt và lật đổ chính quyền Noriega, bắt Noriega làm tù binh, giúp nhân dân Panama phục hồi chính quyền dân sự. Chiến dịch "Vì Chính Nghĩa" - Operation Just Cause - đã dồn Noriega vào thế kháng cự, rồi trốn vào tỵ nạn bên trong tòa đại sứ Vatican suốt 10 ngày, chỉ chịu ra đầu hàng sau khi phía Mỹ bắt những dàn máy phóng thanh với công suất tối đa ngày đêm liên tục phát nhạc rock làm đinh tai nhức óc, nên sứ quán đã phải hối thúc Noriega ra đầu thú thay vì để họ giao nộp. Tới tháng 4/1992, tòa án Miami ở Florida xét xử Noriega về 8 tội danh, gồm có việc buôn bán ma túy, giết người, lạm quyền, rửa tiền, và dành cho ông bản án 40 năm tù giam. Vì lý do sức khỏe và nhờ nhận tội, chính phủ Mỹ đã rút ngắn bản án xuống còn 30 năm, rồi đặc xá xuống còn 17 năm. Noriega mãn hạn tù tại Mỹ vào tháng 9/2007, nhưng phải tiếp tục nằm nhà đá để chờ... chính phủ Pháp xin dẫn độ. Thủ tục này kéo dài gần ba năm. Ngày 27/04/2010, hành khách Manuel Noriega từ khám đường Mỹ đáp xuống Paris, sau đó lại vào nhà lao La Santé, rồi ra tòa, bị tịch thu một số trương mục ngân hàng và bất động sản trong đó có một căn nhà trị giá 3.6 triệu đô, và lãnh 7 năm tù giam về các tội hoạt động buôn ma túy và vũ khí trái phép, rửa tiền, buôn bán bất động sản phi pháp trên đất Pháp. Tuy nhiên, chỉ tới 23/09/2011, ông lại được ân xá có điều kiện, để về nước và chịu xét xử các tội khi còn cầm quyền. Ngày 11/12/2011, chuyến bay của hãng hàng không Iberia mang cờ Tây Ban Nha đã chở Noriega đáp xuống phi trường quốc tế Panama, sau khi dừng chân ở Madrid, nhưng vị hành khách đặc biệt này không thực sự đặt chân lên đất nước thân yêu sau 22 năm xa cách - vì cụ ông Noriega 77 tuổi phải ngồi xe lăn. Ông được bí mật mang từ phi trường bằng cổng sau, tới thẳng chuồng rệp có tên rất mỉa mai El Renacer (Sự Tái Sinh), để bắt đầu thi hành lần lượt 3 bản án khác, mỗi án kéo dài 20 năm, về các tội sát nhân trong mưu đồ chính trị mà ông đã gây ra trong thập niên 1980.

Lẽ ra đương kim tổng thống Panama không nên nặng tay với một lão già vừa cao huyết áp, vừa bị loét đường tiêu hóa, vừa bị viêm mũi do dị ứng, mặc dù ông ta vẫn có thể tự di chuyển lui tới và có thể tự mình lo sóc các việc vệ sinh. Ông ta đã quá già, đã có quá nhiều thời gian trong tù để nghĩ suy về những kẻ mà ông đã giết hại. 22 năm qua, ông đã đi từ khám đường Mỹ, tới nhà lao Pháp, thì cũng chẳng cần phải nếm mùi chuồng rệp Panama nữa, nhất là nếu Tổng thống Ricardo Martinelli so những lầm lỗi của Manuel Noriega với cách thức và cường độ mà những nhà cầm quyền cộng sản ở Việt Nam giết đồng bào mình hàng loạt trong Tết Mậu Thân ở Huế, trên Đại lộ Kinh hoàng Quảng trị, hay ở Tỉnh lộ Máu 7b từ Pleiku về Phú Bổn tháng 3 năm 1975. Đặt những tội lỗi của cựu tổng thống Panama lên những gì đảng Cộng sản Việt Nam đã làm cho nhân dân miền Nam của mình, ông Noriega chỉ đáng một ngày tù.

No comments:

Post a Comment