Thursday, January 5, 2012

* Lộ rõ tham vọng

Tàu DDG-1000 được thiết kế nhằm chống lại những mối đe dọa hiện hữu và có thể xuất hiện trong tương lai, có khả năng theo dõi, tìm kiếm và khả năng tác chiến nhanh chóng .
Thế kỷ XXI chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng hải quân trong chiến lược chung hướng ra đại dương của các nước. Để đảm nhận vai trò nòng cốt, tàu chiến hải quân các nước chủ yếu sẽ đi theo xu hướng tàng hình hóa, chế áp vũ khí chống hạm và radar hiện đại. Đó cũng chính là dòng chủ lưu của công nghệ nghiên cứu – chế tạo tàu chiến năm 2012.
Mỹ là nước đầu tiên trên thế giới tập trung phát triển công nghệ tàng hình cho máy bay và tàu chiến nhằm “bịt mắt” radar, từ đó bất ngờ tấn công, tập kích đối phương. Với chương trình chế tạo tàu chiến lớp Zumwalt hiện nay, tham vọng của Mỹ ngày càng bộc lộ rõ: duy trì sức mạnh tối đa trên biển.

Siêu phẩm của công nghệ…
DDG-1000 là tổng hòa ứng dụng rất nhiều tiến bộ trong công nghệ. Đầu tiên phải kể đến là công nghệ tàng hình. Để có thể tồn tại khi chiến đấu ở gần bờ, DDG-1000 phải dựa nhiều vào khả năng nhận biết những hiểm họa xung quanh và trực diện, trong khi vẫn đảm bảo khó bị phát hiện. Công nghệ tàng hình được ứng dụng trên tàu một cách triệt để (cả về thiết kế tàng hình và vật liệu tàng hình). Thiết kế hình dáng vát của thân tàu giúp giảm tiết diện phản xạ của radar tốt hơn so với những tàu có thiết kế thân nhiều góc nhọn (hard-angles).
Phòng điều khiển điện tử phải đảm bảo yêu cầu là 1 tấm chắn điện từ hữu hiệu, giúp giảm các tín hiệu radar và hồng ngoại. Để đáp ứng được yêu cầu này, vật liệu composit được dùng cho thiết kế phần thượng tầng của tàu. Tín hiệu radar và hồng ngoại được giảm thiểu một cách tối đa. Trên tàu còn được lắp đặt hệ thống triệt khí thải để giảm bớt tín hiệu hồng ngoại từ bộ phận thoát khí.
Hình họa tàu khu trục tương lai DDG-1000.


Tàu sử dụng hệ thống truyền động bằng điện cùng một bộ tích hợp năng lượng hoạt động nhờ những motor đồng bộ hóa từ trường đặt cố định trong thân tàu. Thiết kế động cơ đặc biệt này giúp tàu hạn chế bớt được tiếng ồn của động cơ, giảm khả năng bị phát hiện bởi tàu ngầm đối phương cũng như tránh được các thiết bị thu tiếng động. Hệ thống vũ khí có thể gấp lại, giấu gọn trong thân tàu cũng là một phương pháp tăng khả năng tàng hình của tàu.
Ngoài thiết kế tàng hình vốn đang là xu thế của tàu chiến hiện nay, tàu DDG-1000 còn có nhiều điểm nổi bật khác. Dự kiến tàu DDG-1000 sẽ sở hữu 1 nguồn điện lên tới 78 megawat thay vì 7,5 megawat như trên tàu DDG-51 hiện nay.
Với chức năng của một tàu chiến “siêu hạng”, DDG-1000 sử dụng hệ thống radar X-Band SPY-3 của hãng Raytheon cho phép truy tìm và bám sát mục tiêu trên cạn và trên không cũng như hỗ trợ khả năng tấn công cho tàu, tăng cường khả năng tự vệ. Công nghệ radar sử dụng mạng lưới ăng-ten có độ nhạy cao giúp tàu có thể chống lại tên lửa vì nó có thể theo dấu và định hướng cho hơn 10 tên lửa cùng lúc.
Để tăng khả năng sống sót, ngoài hệ thống pháo tự động, trên tàu hiện có gắn bệ phóng tên lửa thẳng đứng-một trong những ưu thế của tàu. Những tàu khu trục lớp Zumwalt sẽ được bố trí khoảng 80 ngăn chứa tên lửa trên 20 bệ phóng đặt dọc theo cạnh tàu, giúp giảm khả năng bị tấn công trực diện bởi các tên lửa hiện đại nhất. Ống phóng của bệ phóng Mk57 sẽ to hơn của Mk 41, cho phép chúng phóng ra những tên lửa lớn hơn.
Siêu pháo hạm AGM 155mm trên DDG-1000.


Bệ phóng này sẽ là nơi phóng đi các tên lửa hành trình đối đất Tomahawk, tên lửa đối không SM2-MR, tên lửa Evolved Seasparrow cho những mục tiêu trên không và trên biển cũng như hệ thống rocket chống ngầm. Hai hệ thống pháo cự li gần 40mm cho phép tăng khả năng tự phòng thủ của tàu trước mối đe dọa từ trên không và tàu nổi.
Không chỉ chú trọng khả năng chiến đấu trên không, tàu nổi và trên cạn, DDG-1000 còn sở hữu 2 hệ thống pháo hạm AGS155mm của hãng BAE System, hỗ trợ các đơn vị chiến đấu gần bờ, với 304 quả đạn pháo dẫn đường bởi hệ thống định vị toàn cầu, AGS có khả năng phóng xa từ 113 đến 161 km.… nhưng còn nhiều tranh cãi
Tuy nhiên, DDG -1000 cũng vẫn chưa thực sự hoàn chỉnh. Nhiều chi tiết và công nghệ trên tàu hiện vẫn là đề tài tranh cãi của nhiều chuyên gia quân sự. Chẳng hạn như công nghệ tàng hình của tàu, khi hoạt động trong vùng nước nông gần bờ, đối phương có thể sử dụng các thiết bị bay không người lái có gắn thiết bị quang điện để dò ra tàu. Khi khai hỏa, tàu dễ dàng trở thành mục tiêu cho các cảm biến âm thanh.
Thiết kế nổi trội của thân tàu cũng có thể là mối hiểm họa cho tàu bởi khi chạy với tốc độ không phù hợp, tàu có thể bị lập úp. Bên cạnh đó, hệ thống động cơ của tàu cũng đang gây nhiều tranh cãi. Ngoài việc sử dụng hệ thống tích hợp năng lượng sử dụng các motor đồng bộ từ trường đặt trên thân, tàu còn sử dụng các motor cảm ứng cải tiến(AIM) như một giải pháp dự bị.
Tuy nhiên công nghệ AIM đòi hỏi phải có một motor nặng hơn, chiếm chỗ hơn, cần một hệ thống điều khiển riêng biệt nhằm giảm tiếng ồn, trong khi chỉ sản sinh được 1/3 số năng lượng điện cần thiết.
Một trong những vấn đề làm đau đầu các nhà thiết kế đó là hệ thống radar không thích hợp với các tên lửa đạn đạo có nhiệm vụ phòng thủ. Không những thế, DDG-1000 còn không thể sử dụng hệ thống tên lửa SM-2, SM-3, SM-6 chống tên lửa, máy bay và tàu.
Ngoài những vấn đề kĩ thuật, vũ khí, hiện giá cả “trên trời” của mỗi chiếc DDG-1000 (khoảng 5 tỉ đô la) cũng làm cho các nhà cầm quân phải thận trọng khi điều một chiếc tàu đắt giá đến thế vào vùng nước nông đầy rẫy cạm bẫy, trong tầm kiểm soát của đối phương.
Hiền Thảo

No comments:

Post a Comment