Trúc Giang
Tần Thủy Hoàng nổi tiếng là một bạo chúa trong lịch sử Trung Quốc, qua những hành động tàn bạo như đốt sách, chôn học trò, giết hàng triệu người trong việc xây Lăng mộ và Vạn Lý Trường Thành, gây chiến tranh tóm thu lục quốc.
Tần Thủy Hoàng nổi tiếng là một bạo chúa trong lịch sử Trung Quốc, qua những hành động tàn bạo như đốt sách, chôn học trò, giết hàng triệu người trong việc xây Lăng mộ và Vạn Lý Trường Thành, gây chiến tranh tóm thu lục quốc.
Chung quanh Tần Thuỷ Hoàng còn có những nhân vật đặc biệt nổi tiếng như Lã Bất Vi, Kinh Kha và Lao Ái.
Cũng có câu chuyện thương tâm, bi thảm do Tần Thủy Hoàng gây ra như chuyện "Nàng Mạnh Khương Khóc Trường Thành".
Tần Thủy Hoàng muốn trường sanh bất tử, sai nhiều người đi tìm thuốc sống lâu, nhưng tiếc thay, bạo chúa chỉ sống có 49 năm.
1* Mưu buôn ngôi báu
Tần Thủy Hoàng (259 TCN – 210 TCN) tên húy là Doanh Chính, lên ngôi năm 13 tuổi. Là một bạo chúa vì chính sách cai trị độc ác, tàn bạo. Thủy hoàng có nghĩa là vua nguyên thủy, đầu tiên. Kế đến, đời con là Nhị Thế hoàng, rồi Tam Thế hoàng...và Vạn Thế hoàng.
Có thuyết cho rằng Tần Thủy Hoàng là con của Lã Bất Vi, một thương nhân, sau trở thành một tướng quốc nhà Tần.
Bắt đầu bằng việc hoàng tử Tử Sở của nước Tần bị bắt làm con tin ở nước Triệu. Tử Sở quen biết với một thương gia giàu có là Lã Bất Vi. Ông nầy buôn bán rất thành công, nhất là việc buôn quan bán tước bằng hối lộ.
Lã Bất Vi có nói chuyện về so sánh lợi nhuận với người cha, cũng là một thương buôn.
- Cày ruộng lợi gấp mấy? - Lợi gấp mười.
- Buôn châu ngọc lợi gấp mấy? - Lợi gấp trăm.
- Nếu giúp cho một người được lên làm vua thống trị sơn hà thì lợi gấp mấy?
Đó là mưu đồ được tiến hành từ hoàng tử Tử Sở đang bị làm con tin ở nước Triệu.
Bắt đầu kế hoạch, Lã Bất Vi đưa cho Tử Sở 500 cân vàng để tiêu dùng và tiếp đãi tân khách. Danh tiếng Tử Sở từ đó lên cao.
Lã Bất Vi có người thiếp rất xinh đẹp, đàn hay, múa giỏi lại đang mang thai, tên là Triệu Cơ. Lã Bất Vi mời Tử Sở đến nhà và cho Triệu Cơ ra hầu rượu. Tử Sở liền đem lòng say mê và Lã Bất Vi (LBV) liền dâng Triệu Cơ cho Tử Sở làm phu nhân. Hành động nầy nằm trong kế hoạch buôn ngôi báu của LBV.
Triệu Cơ sinh con trai, đó là Doanh Chính sau nầy là Tần Thủy Hoàng.
Tình hình căng thẳng giữa Tần và Triệu, vua Triệu bắt Tử Sở định giết, nhờ Lã Bất Vi đưa 600 cân vàng cho kẻ giữ ngục để Tử Sở trốn thoát. Lúc đó, Triệu Cơ và Doanh Chính còn ở lại nước Triệu.
Lã Bất Vi đã thực hiện nhiều âm mưu, tính toán để dọn đường, và sau cùng Tử Sở được lên ngôi, là Trang Tương Vương của nhà Tần. Và LBV được phong làm Thừa tướng, ăn thuế 10 vạn hộ ở Hà Nam, Lạc Dương.
Tử Sở làm vua được 3 năm thì mất. Thái tử Doanh Chính lên ngôi năm 13 tuổi, tức là Tần Thủy Hoàng. Lã Bất Vi được phong làm tướng quốc, gọi là trọng phụ.
2* Lao Ái thông dâm với Thái Hậu
Vua Tần nhỏ tuổi, Thái hậu thường lén lút thông dâm với Lã Bất Vi.
Trong nhà Lã Bất Vi có đến vạn người, đua nhau quý trọng kẻ sĩ so với Mạnh Thường Quân ở nước Tề.
Bất Vi bèn sai kẻ sĩ đang làm khách trong nhà, mỗi người viết ra những điều hiểu biết của minh, góp lại thành Tám Lãm, sáu Luận, mười Kỹ, cho rằng đủ hết mọi việc trong trời đất, muôn vật, muôn loài xưa và nay.
Đặt tên sách là Lã Thị Xuân Thu, bày ở cửa chợ Hàm Dương, đặt 1,000 lạng vàng lên trên, mời các du sĩ khắp nơi, ai có thể thêm hoặc bớt một chữ nào, thì xin biếu 1,000 lạng vàng.
Khi Tần vương đã lớn mà Thái hậu cứ đòi dâm loạn mãi, Lã Bất Vi sợ bị lộ, mang hoạ vào thân, bèn ngầm tìm một người có dương vật lớn tên Lao Ái, vào làm người nhà. Lã Bất Vi sai Lao Ái làm trò vui để phô trương dương vật, là lấy dương vật tra vào bánh xe bằng gổ đồng mà đi. Quả nhiên, Thái hậu Triệu Cơ nghe biết, muốn được Lao Ái làm riêng của mình. Lã Bất Vi và Thái hậu thực hiện mọi việc để cho Lao Ái vào phục vụ Thái hậu Triệu Cơ với chức Cấp Sự Trung.
Thái hậu cùng y gian dâm, sinh được 2 con, đem dấu đi.
Đồng thời còn lập mưu chờ cho Tần Thủy Hoàng chết thì đưa con lên làm vua.
Nhà Lao Ái tôi tớ tới vài ngàn người, khách đến cầu quan, cầu được làm môn hạ cho y cũng tới hơn ngàn.
Năm thứ 9 đời Tần Thủy Hoàng, có người phát giác Lao Ái không phải là hoạn quan mà còn thông dâm với Thái hậu sinh ra 2 con.
Tần Vương Chính giao cho pháp đình xét xử, biết rõ sự tình, tru di tam tộc nhà Lao Ái, giết chết 2 đứa con do Thái hậu sinh ra và đày Thái hậu sang đất Ung.
Nhà cửa các môn hạ Lao Ái bị tịch thu, người thì bị đày đi làm ruông..
Lã Bất Vi sau đó bị cách chức và bị ép phải uống thuốc độc tự tử.
3* Tần Thủy Hoàng tóm thâu lục quốc
Khi Vương Chính lên ngôi, nước Tần lớn mạnh, có ưu thế áp đảo hơn 6 nước chư hầu còn lại là Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, nhà Chu và Tề.
Áp dụng mưu kế "Thân xa, đánh gần", giao hảo với nước Tề ở xa và tấn chiếm các nước chung quanh. Những tướng tài như Vương Tiễn (Cha), Vương Bí (Con), Mộng Ngao, Mộng Vũ, Phàn Ô Kỳ...Chiến tranh liên tục xảy ra cho đến khi Tần Thủy hoàng tóm thu được 6 nước, thống nhất Trung Hoa.
4* Cải tạo công thương nghiệp
Trong "Sĩ, nông, công, thương", Tần Thủy Hoàng khuyến khích "binh", "nông", ghét "công", "thương". Muốn nắm hết các nguồn lợi về thương nghiệp. Những phú thương có xưởng sản xuất sắt thép ở Thiểm Tây và Tứ Xuyên đều bị bắt giam tới 200,000 gia đình, kể cả tiểu thương, tịch thu tài sản và đày ra xứ Thục làm ruộng.
Có lẻ Tần Thủy Hoàng là ông tổ của cuộc Cải Tạo công thương nghiệp ở VN sau thời 75.
5* Đốt sách chôn học trò
Câu "Đốt sách chôn học trò" đã trở thành một thành ngữ trong văn học dân gian của nước Tàu và cả ở VN.
Sau khi tóm thu lục quốc, Tần Thủy hoàng áp dụng chính sách cai trị rất khắc nghiệt, tàn bạo cho nên, trong dân gian nổi lên những tư tưởng phê bình chỉ trích và chống đối, nhất là những nhà nho, những người có đọc sách thánnh hiền.
Thừa tướng Lý Tư đề nghị dập tắt tự do tư tưởng và ngôn luận, thống nhất ý kiến, diệt trừ những dị nghị,những bình luận chê bai, làm giảm uy tín của nhà vua. Mục đích muốn biến dân thành dễ bảo, có kỷ luật.
Lý Tư đề nghị đốt tất cả những thi thơ, sách vở của đạo Nho như Tứ Thư, Ngũ Kinh và sách của Bách gia chư tử.
Tần Thủy Hoàng có ác cảm với nho sĩ đã mở trường dạy đạo lý thánh hiền, chỉ trích chiến tranh, phổ biến những tư tưởng dân chủ như "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh". Tự do tư tưởng và tự do ngôn luận là tội nặng nhất, phải bị giết. Sách Tứ Thư, Ngũ Kinh bị xem là "Văn hoá đồi trụy và phản động", phải đem đốt hết.
Nhiều người phải dấu sách vào tường hoặc cố học thuộc lòng để sau nầy dạy dỗ con cháu.
Những ai muốn, thì phải học quan lại của triều đình mà chỉ được học về luật pháp của nhà vua mà thôi.
Tần Thủy Hoàng phát hiện ở Hàm Dương có một nhóm nho sĩ đã từng bình phẩm về mình, bèn ra lịnh bắt giam thẩm vấn.
Các nho sinh không chịu nổi các đòn tra khảo cho nên khai ra một loạt những người khác. Tần Thủy Hoàng ra lịnh đem chôn tất cả gồm 460 người.
Sau đó, số nho sinh bị bắt giữ ngày một đông và tất cả bị đày ra biên giới.
Sau khi nhà Tần bị tiêu diệt ở 50 năm sau, thời nhà Hán, lịnh cấm đó được bãi bỏ và trong nước không còn ai nhớ rõ Tứ Thư, Ngũ Kinh cả. Nhà thơ Đường Chương Kiệt đã viết một bài thơ có câu:
"Khanh hôi vị lãnh Sơn Đông loạn
Lưu, Hạng nguyên lai bất độc thư"
Nghĩa là:
Trước khi hầm tro lạnh, Sơn Đông đã nổi loạn
Lưu Bang, Hạng Võ đều không biết đọc sách.
Dân Tàu thời Tần Thủy Hoàng đa số thất học, không biết chữ.
6* Lăng mộ Tần Thủy Hoàng
Lăng mộ Tần Thủy Hoàng nằm ở phía Bắc núi Ly Sơn, tỉnh Thiểm Tây, Trung Hoa.Trên mộ, phủ lên một lớp đất cao 76 mét. Từ Bắc đến Nam dài 350 mét, Đông sang Tây 354 mét. Chung quanh Lăng mộ có 2 lớp tường thành bên ngoài là 2 Km2, có cửa.
Giữa 2 lớp thành có các giác lâu, cung tẩm, chùa chiền và nhà ở.
Bên dưới mặt đất là địa cung hình chữ nhật, dài 400 mét, rộng 392 mét. Bốn phía có tường bao bọc. Tường cao 27 mét, dầy 4 mét. Bốn phía đều có cửa. Tổng diện tích là 18 vạn mét vuông.
Từ trên xuống dưới có 3 tầng. Trên hết là Ngoại cung, kế đó là Nội cung và dưới cùng là Tẩm cung. Diện tích Tẩm cung khoảng 2 vạn mét vuông. Trong Tẩm cung, nồng độ thủy ngân cao hơn bình thường là 280 lần. Thủy ngân ở thể lỏng, bền, không tan, làm nước cho những con sông được lâu bền.
Ngoài Địa cung có 300 đường hầm chứa "Bồi táng" là những vật được chôn kèm theo với xác người chết, có tới 5 vạn cổ vật quan trọng.
Sử gia đời Hán là Tư Mã Thiên thuật lại việc xây mộ Tần Thủy Hoàng như sau:
" Khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi đã sai đào núi Ly Sơn, đến khi tóm thu được thiên hạ thì đem 70 vạn người (700,000) trong thiên hạ đến xây Lăng mộ. Đào 3 con suối. Đem những vật quý báu của các cung, của trăm quan xuống cất đầy dưới mộ. Lại sai thợ làm máy bắn tên, hễ có ai đào đến gần thì bắn ra. Sai lấy thủy ngân làm 100 con sông : Trường Giang, Hoàng Hà, Biển lớn. Các máy móc làm cho nước sông và nước biển chảy vào nhau. Trên có thiên văn, dưới có địa lý. Lấy đầu cá nhân ngư để thắp đuốc, trù tính thế nào cho cháy lâu không tắt.”
Sau khi chôn Tần Thủy Hoàng, những người thợ làm máy móc và cất dấu báu vật đều bị giết chết tất cả. Con trai Tần Thủy Hoàng sai trồng cây và trồng cỏ lên trên đễ nguỵ trang thành một cái núi.
*Khai quật Lăng mộ Tần Thủy Hoàng
Năm 1974, một phần hầm mộ được khai quật. Đầu tiên là "Đường binh mã dũng số 1". Các nhà khảo cổ ước lượng có 8,000 tượng đất sét bao gồm các quan văn, võ, binh lính và ngựa.
Năm 1994, tiếp tục khai quật đường số 2. Chứa đựng trận thế kỵ binh, và binh lính bắn tên, với các tư thế tạo hình phong phú, kỹ thuật cao.
Cuộc khai quật gặp nhiều khó khăn, ước đoán phải tốn hàng trăm triệu đôla Mỹ. Đó là phải vượt qua lớp thủy ngân bao bọc, nồng độ rất cao. Phải chuyển một khối đất khổng lồ, mực nước ngầm dưới lòng đất khá cao. Các tượng binh mã được đào lên phải được bảo quản thật kỹ để không phai màu, tránh vở và nứt. Những đồ vật phát hiện rất có giá trị về lịch sử trung Hoa cổ đại.
7* Vạn Lý Trường Thành
Vạn Lý Trường Thành là một bức tường thành nổi tiếng của Trung Hoa, được liên tục xây dựng bằng đất và đá từ thế kỷ thứ 5 TCN cho đến thế kỷ 16, để bảo vệ Đế quốc Trung Hoa khói những cuộc tấn công của người Mông Cổ, Người Thổ Nhỉ Kỳ và những bộ tộc du mục khác ở phía Bắc, từ Mông Cổ và Mãn Châu.
Một số đoạn của bức tường thành được xây dựng từ thế kỷ thứ 5 TCN, trong đó nổi tiếng nhất là đoạn tường do Tần Thuỷ Hoàng ra lịnh cho xây dựng từ năm 220 TCN đến năm 200 TCN (20 năm).
Bức từng thành dài 6,352 Km (3,948 dặm Anh)
Tường thành có 5 đoạn chính:
1. 208 TCN (Nhà Tần)
2. Thế kỷ thứ 1 (Nhà Hán)
3. Thế kỷ thứ 7 (Nhà Tùy)
4. Từ 1,138 đến 1,198 (Nhà Nam Tống)
5. Từ 1,368 đến 1,640 (Từ vua Hồng Vũ đến vua Vạn Lịch, nhà Minh)
Vạn Lý Trường Thành ngày nay cho du khách đến xem là được xây dựng từ thời Nhà Minh (1,368 đến 1,640).
Về mặt quân sự thì bức tuờng chỉ có giá trị về việc phân ranh giới, chớ không có giá trị về phòng thủ. Bằng chứng là quân Mông Cổ vây thành Tương Dương, mặc dù có đại hiệp Quách Tĩnh và Hoàng Dung và cả Dương Hoá ra sức bảo vệ mà cũng không giữ được thành. Cuối cùng Mông Cổ vào chiếm Trung Nguyên lập ra nhà Nguyên.
Sau đó, đến năm 1644, người Mãn Thanh đã vượt tường thành bằng cách mua chuộc viên quan trấn thủ là Ngô Tam Quế, mở của cổng Sơn Hải Quan vào chiếm Trung Nguyên lập nên nhà Thanh.
Cho dù Ngô Tam Quế không mở cửa thành, thì quân Mãn Thanh cũng phá tường bằng đất nện mà vào, bởi vì, lúc đó, Lý Tự Thành nổi loạn và đã chiếm Bắc Kinh. Khi Lý Tự Thành lên làm vua, thì Ngô Tam Quế dâng người thiếp xinh đẹp của mình là Trần Viên Viên cho Lý Tự Thành.(Có tài liệu nói Lý Tự Thành cướp Trần Viên Viên)
Lý Tự Thành gốc thổ phỉ cho nên quân Mãn Thanh chỉ đánh trong vòng 40 ngày thì dẹp tan triều đình Đại Thuận của Lý Tự Thành.
Trở lại việc Tần Thủy Hoàng xây Vạn Lý Trường Thành. Tần Thủy Hoàng sai tướng Mông Điềm triệu tập nam đinh trong nước, ban đầu xây những tuyến phòng thủ ở những nơi hiểm yếu trên biên giới. Sau đó, nối những phần tường rời rạc lại với nhau. Tường thành dài hơn vạn dặm.
Một nhà sử học Tây phương cho biết, đã có 3,500,000 người bị trưng dụng vào việc xây tường. Và số người chết lên tới hơn một triệu vì kiệt sức, đói khát và bịnh tật.
Nó được đặt cho cái tên là "Nghĩa địa dài nhất trên trái đất".
8* Chuyện Mạnh Khương Nữ Khóc Trường Thành
“Mạnh Khương Nữ Khóc Trường Thành” là một câu chuyện trong dân gian. Chuyện kể rằng:
Vào thời Tần Thủy Hoàng, ngay trong đêm tân hôn, chồng của Mạnh Khương là một thư sinh Giang Nam tên là Phạm Hỷ Lương bị triều đình bắt đi xây Vạn Lý Trường Thành.
Đến mùa đông, Mạnh Khương đan áo cho chồng và lặn lội ngàn dặm tìm chồng trao áo. Mạnh Khương đã đi suốt chiều dài của tường thành cuối cùng biết được chồng đã chết và bị vùi thây dưới tường thành.
Nàng Mạnh Khương quá đau buồn, khóc lóc thảm thiết suốt 3 ngày 3 đêm, máu hoà nước mắt.Tiếng khóc thê lương vang xa 800 dặm, làm đổ một khúc tường, để lộ ra xác chết của chồng.
Mạnh Khương an táng chồng rồi nhảy xuống sông tự tử.
Ngày nay, tại quận Sơn Hải Quan thuộc tỉnh Hà Bắc có miếu thờ Mạnh Khương.
Là một chuyện bi thảm trong hàng triệu nổi đau của người dân, nạn nhân của một chế độ độc tài tàn bạo, coi mạng người như cỏ rác, của những con người vô cảm, mất cả nhân tính, mà lại nhân danh con người để tiêu diệt loài người.
Người không có tình người, dù đặt giữa quảng trường, cao cách mấy cũng thua loài bò sát. (Có máu lạnh). Không phải chỉ có ở thời cổ xưa, mà trong thế kỷ 20 cũng còn có xảy ra rất nhiều.
9* Kinh Kha thích sát vua Tần
Thái Tử Đan nước Yên chiêu mộ hiền tài, tuyển chọn nhân sĩ, trong kế hoạch để bảo vệ đất nước trước ý đồ xâm chiếm lục quốc của Tần Thủy Hoàng.
Kinh Kha và Phàn Ô Kỳ là những du khách của Thái Tử Đan.
Kinh Kha là người nước Vệ, vì không được trọng dụng cho nên chu du khắp nơi và cuối cùng đến nước Yên, kết bạn với Cao Tiệm Ly, một nghệ sĩ khải đàn và một người bán thịt chó. Họ cùng nhau uống rượu và ca hát suốt ngày.
Phàn Ô Kỳ trước kia là viên tướng của Tần Thủy Hoàng, biết rằng Thủy Hoàng là con của Lã Bất Vi, không phải dòng dỏi họ vua, cho nên nổi loạn, lập một hoàng tử lên ngôi. Tần Thủy Hoàng sai viên tướng là Vương Tiễn dẹp loạn. Phàn Ô Kỳ bị bại và chạy sang nước Yên làm khách của Thái Tử Đan.
Thái Tử Đan và Kinh Kha thiết lập kế hoạch hành thích vua Tần. Theo dự tính, Kinh Kha và Tần Vũ Vương, 13 tuổi, mang tấm bản đồ quân sự của nước Yên sang dâng cho vua Tần. Lợi dụng sự tiếp cận mà ra tay hành thích.
Phàn Ô Kỳ tự hiến đầu mình để Kinh Kha tạo thêm niềm tin khi mang đầu dâng lên cho vua Tần.
Buổi tiễn đưa Kinh Kha lên đường thi hành sứ mạng trên bờ Sông Dịch thật là vô cùng cảm động. Kinh Kha đã hứng tác 2 câu thơ:
Phong tiêu tiêu hề, Dịch Thủy hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn
Dịch
Gió hiu hắt, Dịch thủy lạnh ghê
Tráng sĩ ra đi chừ, không bao giờ về.
Hoặc
Gió đìu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê
Tráng sĩ một đi không trở về.
Đúng là một sứ mạng hiểm nguy, một đi không trở lại. Cho dù thành công hay thất bại, thì Kinh Kha cũng chỉ có một con đường chết mà thôi.
Người chiến sĩ ra trận "Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi" còn có hy vọng ngày về, trái lại, Kinh Kha thì không.
Khi hai người tiến đến gần, mang thủ cấp Phàn Ô Kỳ và tấm bản đồ, thì Tần Vũ Vương quá hoảng sợ, biến sắc mặt và mất bình tĩnh. Kinh Kha mở tấm bản đồ trong đó có dấu con dao ngắn vô cùng sắc bén tiến đến đâm Tần Thủy Hoàng. Vua Tần tránh khỏi và chạy ra xa. Kinh Kha phóng con dao, nhưng lại không trúng và quân lính đến giết Kinh Kha.
Sau vụ hành thích, Tần Thủy Hoàng đem quân sang đánh nước Yên. Vua Yên yếu thế, bèn cắt đầu Thái Tử Đan dâng lên tạ tội và xin cầu hoà. Nhưng sau đó, quân Tần lại đánh chiếm, bắt giết vua Yên. Và từ đó, nước Yên bị diệt vong vào năm 222 TCN.
10* Cao Tiệm Ly thích sát vua Tần
Cao Tiệm Ly, người nước Yên, một nghệ sĩ có tài khải đàn và là bạn thân của Kinh Kha. Sau khi Kinh Kha bị giết, Tần Vương ra lịnh truy nả các bạn bè, nên Cao Tiệm Ly phải thay tên đổi họ, trốn sang một tiệm rượu, khải đàn cho khách nghe.
Khi đã nổi tiếng, Cao Tiệm Ly công khai danh tánh vì muốn ám sát Tần Vương, trả thù cho Kinh Kha.
Tần Thủy Hoàng biết được, cho bắt Cao Tiệm Ly, nhưng tiếc tài khải đàn nên không giết mà sai chọc mù hai mắt để Tiệm Ly khải đàn cho vua nghe. Tần vương thích nhạc, nên càng ngày càng xích đến gần. Cao Tiệm Ly đổ chì vào bầu đàn cho nặng, làm vũ khí đập vào đầu Tần Vương. Nhưng vì bị mù, cho nên đập không trúng và bị giết.
11* Ngày tàn của bạo chúa
Tần Thủy Hoàng muốn trường sanh bất lão, nghe lời Hầu Sinh và Lư Sinh muốn tu tiên, tự xưng là Chân Nhân. Lại nghe lời Từ Phúc nói rằng có thể tìm thuốc trường sinh.
Tần Vương cấp tiền bạc cho Từ Phúc ra biển đi tìm thuốc, nhưng Từ Phúc đi mấy năm mà không trở về. Lư Sinh và Hầu Sinh cũng bỏ trốn vì không chịu nổi sự hà khắc của Tần vương.
Năm 210 Trước Công Nguyên, Tần Thủy Hoàng đi kinh lý phía Đông và bị bịnh chết trên đường về tại Bình Đài, rất xa kinh đô.
Thừa tướng Lý Tư dấu kín chuyện vua chết, sợ có loạn do các hoàng tử tranh nhau ngôi báu và cũng sợ dân chúng nổi loạn. Do đó, trên đường về, sai một thái giám ngồi cạnh quan tài, đến giờ ăn cũng dâng cơm cho vua. Bá quan địa phương trình tấu, thì thái giám chỉ nói "Được" mà thôi.
Gặp lúc trời nắng, quan tài bốc mùi hôi thúi. lại sai mang mấy thùng cá muối theo xe để đánh lẫn mùi hôi thúi.
Thừa tướng Lý Tư làm di chiếu giả, cho con thứ lên làm vua và buộc thái tử mà Tần Thủy Hoàng di chiếu truyền ngôi, phải tự tử.
Cuối cùng, cái chết của một bạo chúa bốc lên một mùi hôi thúi vô cùng, ngàn năm lưu xú diệt lưu phương. Thọ 49 tuổi.
Tần Thủy Hoàng dùng bạo lực để cai trị dân, khi suy yếu hoặc bạo lực không còn thì bị hủy diệt.
Mao Trạch Đông hết sức ca ngợi và tự nhận là một Tần Thhủy Hoàng thứ hai của Trung Quốc.
Mao cũng đốt sách trong Cách Mạng Văn Hoá và chế độ Mao không chôn chôn học trò mà chỉ dùng xe tăng cán nát sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn. Cách giết người của Chủ Nghĩa Cộng Sản hiện đại hơn, quy mô hơn của Tần Thuỷ Hoàng cổ đại.
Tần Thủy Hoàng, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và đám bộ hạ tay sai ở các nước CS chư hầu giống nhau ở chỗ tàn bạo và vô nhân đạo là giết chết chính đồng bào của mình.
Những bạo chúa cho dù có đem vô chùa, đặt trên bệ cao, cũng chỉ lưu lại mùi thúi của cá chết mà thôi.
No comments:
Post a Comment