Saturday, October 8, 2011

* Gia đình gián điệp chấn động nước Mỹ (kỳ cuối)

Ban đầu, John nghĩ có thể FBI đã phát hiện ra điều gì đó, nhưng không thể lý giải tại sao họ không"cất vó" ngay địa điểm đặt hòm thư chết. Trằn trọc mãi không ngủ được, đột nhiên, chuông điện thoại phòng John reo vang lúc tờ mờ sáng…



Kỳ cuối: Cuộc rượt đuổi của FBI


John dự định đến hòm thư chết sau khi trời tối, nhưng vì không có kế hoạch gì cho buổi chiều hôm đó, nên ông ta đi sớm hơn. John ra khỏi nhà lúc 12g10 trưa, và 50 phút trước đó, Hunter đã yêu cầu các nhân viên tiếp tục theo dõi.


Lần theo dấu vết


FBI bám theo John trên đường tới Washington DC. Mọi việc diễn ra trôi chảy trước khi John đến khu vực ngoại ô thuộc bang Maryland. Cả 6 chiếc ô tô nhập lại và cùng bám theo xe John. Hunter lo lắng John có thể phát hiện ra họ khi ông ta bắt đầu chạy xe dọc những con đường quê vắng vẻ. Chiếc trực thăng tham gia đuổi bắt đã bị mất dấu vết khi chiếc xe của John chui vào những tán cây rậm. Lúc đó là gần 5 giờ chiều và không ai biết John đã biến đâu mất. Trong vòng 3 giờ sau đó, FBI đã lùng sục khắp vùng quê Maryland.
Trong khi Hunter đứng ngồi không yên, thì John lại ung dung ăn tối ở khách sạn Ramada gần đó. 7g30 tối, chiếc trực thăng phát hiện thấy xe của John đang chạy về khu vực mà họ đã mất dấu. Cùng lúc đó, các nhân viên FBI trông thấy một chiếc xe ô tô mui kín gắn biển số ngoại giao xuất hiện. Thông tin trên biển số cho thấy đó là xe của Aleksei Gavrilovich Tkachenko, Bí thư thứ ba Đại sứ quán Liên Xô. Không còn nghi ngờ gì nữa, John sắp tiến hành trao tài liệu cho Liên Xô.
Nhưng sau đó FBI đã hành động quá vội vã. Theo chỉ dẫn của KGB, John phải để một lon Seven Up đúng vị trí đặt hòm thư chết để “thông báo” ông ta đã đến và sẵn sàng trao đổi. Sau khi để lon Seven Up ở bên cạnh đường, John đã lái xe đến địa điểm mà Tkachenko cũng ra ám hiệu tương tự. Ngay khi John bắt đầu lái xe về hướng bắc, FBI đã lao đến và nhặt lon Seven Up. Họ cứ nghĩ rằng bên trong lon nước có thể là tài liệu được thu nhỏ.



Gốc cây có tấm biển “Cấm săn bắn” được chọn làm hòm thư chết cho John.
Bắt hụt vì lon Seven Up

Vì FBI đã lấy chiếc lon, nên lúc Tkachenko đến, anh ta không thấy bất kỳ ám hiệu nào. Tkachenko nghĩ rằng John không thực hiện được cuộc trao đổi lần này, và liền lái xe về. Trong khi đó, John đến địa chỉ hòm thư chết của KGB và trông thấy lon Seven Up của Tkachenkos. Tưởng mọi việc vẫn diễn ra bình thường, John quay trở lại vị trí đặt hòm thư chết của mình và đặt chiếc túi ở gần tấm biển đề dòng chữ “Cấm săn bắn”.
John vừa đi khỏi, FBI xuất hiện và lấy chiếc túi. Họ phát hiện ra các bí mật bên trong nó. John đến vị trí KGB đặt tiền mà không tìm thấy cái gì cả. Hốt hoảng, ông ta nhanh chóng quay lại nơi đặt chiếc túi, nhưng nó đã biến mất. John đành lái xe trở lại khách sạn Ramada.
John nghĩ có thể FBI đã phát hiện ra điều gì đó, nhưng ông ta không thể lý giải được tại sao họ lại không bắt mình ở ngay địa điểm đặt hòm thư chết. Trằn trọc mãi không ngủ được, Walker bắt đầu vạch ra từng kịch bản trong đầu cho đến khi tiếng chuông điện thoại phòng ông ta đột ngột vang lên. Lúc đó là 3g30 sáng.
“Vâng”, Walker trả lời. “Đây là cuộc gọi từ quầy lễ tân”, một giọng nữ vang lên trong điện thoại. “Đã xảy ra một vụ tai nạn! Người nào đó đã đâm phải chiếc xe màu xanh trắng của ngài ở trong bãi đỗ xe. Ngài nên nhanh chóng có mặt để giải quyết!”. “Được thôi”, Walker nói. “Tôi xuống ngay đây”.

John (trái) bị áp tải đến tòa án.
Sa lưới


John biết là mình đang gặp phải chuyện chẳng lành. Chắc chắn FBI đã biết chuyện. Thời gian lúc này còn rất ít. Điều đầu tiên phải làm là tiêu huỷ chiếc phong bì mà KGB đã chuyển cho John cách đây vài tháng ở Vienna (Áo). Phong bì này có vẽ bản đồ địa điểm đặt hộp thư chết, những vị trí mà John sẽ đặt túi đựng tài liệu mật, và những tấm ảnh đen trắng chụp địa điểm đặt hòm thư chết.
Chỉ có một điều là nếu đốt hết các tài liệu hướng dẫn này, John sẽ không thể sử dụng lại được. Các nhân viên tình báo Liên Xô dặn rằng, nếu một địa điểm đặt hòm thư chết bị bỏ qua, thì cả hai bên sẽ liên hệ lại sau đó đúng một tuần. Nếu đốt đi hết các tài liệu hướng dẫn, John sẽ không thể biết được địa điểm của lần liên lạc vào chủ nhật tuần tới để nhận 200.000 USD.
Lòng tham đã nhanh chóng chiến thắng sự cẩn trọng, John nhìn quanh căn phòng để tìm một chỗ giấu chiếc phong bì. Đút tạm chiếc phong bì vào dưới chiếc gối, John rút khẩu côn 38 ly ra khỏi bao súng đeo bên hông và chuẩn bị mở cửa. Ông ta hốt hoảng chạy dọc hành lang, súng lăm lăm trong tay. Không thấy ai quanh đó.
Vội vàng quay trở lại phòng, ông ta vồ lấy chiếc phong bì và chạy nhanh về phía chiếc máy xay đá thì bỗng dưng có tiếng quát: “Đứng lại! FBI đây!”. John quay sang bên phải. Hai nhân viên FBI mặc áo chống đạn xông ra từ căn phòng phía đối diện với cầu thang. Họ chĩa súng vào ngực John. Sau đó, các thành viên lưới gián điệp của John cũng lần lượt phải đưa tay vào còng.
Tất cả các thành viên lưới gián điệp này, trừ Michael, phải lĩnh án tù chung thân. Riêng Michael chỉ bị kết án 25 năm tù. Cậu ta được trả tự do vào tháng 2/2000, ở tuổi 37, sau khi đã thi hành án được 15 năm. Riêng Barbara có công báo cho chính phủ nên không bị truy tố. Hậu quả mà John và mạng lưới gián điệp gây ra là người Mỹ phải tốn gần 1 tỷ USD để thay thế các máy giải mã, vũ khí trang bị cho quân đội. 


Đình Vũ

No comments:

Post a Comment