Wednesday, October 5, 2011

* Đe dọa tự do tôn giáo: từ chủ nghĩa cộng sản vô thần đến chủ nghĩa thế trần phàm tục


Vũ Văn An


      

Nói tới các đe dọa tự do tôn giáo, phần đông vẫn chỉ liên tưởng tới những lực lượng cực đoan như cộng sản hay Hồi Giáo, ít khi nghĩ tới các chế độ tự nhận là tự do như Hoa Kỳ và Âu Châu. Thế nhưng Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ không nghĩ vậy. Theo Blog của tạp chí Công Giáo America ngày 30 tháng 9, Hội Đồng này vừa công bố việc thành lập “Một Ủy Ban Đặc Nhiệm Về Tự Do Tôn Giáo”, không phải để cùng chính phủ Hoa Kỳ tranh đấu cho tự do tôn giáo ở những nơi như Việt Nam, Trung Hoa, Iran hay Iraq mà là để chống lại chiến tranh văn hóa ngay tại Hoa Kỳ, một nền văn hóa đang không ngừng sói mòn nền tự do tôn giáo.

Ủy Ban Đặc Nhiệm Về Tự Do Tôn Giáo
Ủy Ban hứa sẽ “giảng dạy và đưa ra chính sách đối đầu với các đe dọa đang leo thang”. Đứng đầu danh sách các đe dọa này là các chỉ thị do Bộ Y Tế và Các Dịch Vụ Nhân Bản của chính phủ Mỹ đề ra, đòi phải bao gồm việc ngừa thai và triệt sản vào các kế hoạch bảo hiểm sức khỏe, trong đó có kế hoạch ngừa thai “khẩn trương” gọi là Plan B và Ella. Trong một lá thư gửi các vị giám mục để công bố về Ủy Ban này, Đức TGM Dolan, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, viết rằng đối với các Kitô Hữu và những người có đức tin, tự do tôn giáo ngày nay “đang càng ngày càng bị tấn công tại Hoa Kỳ một cách chưa từng thấy. Cuộc tấn công này đặc biệt rõ rệt trong con số càng ngày càng gia tăng các chương trình hay chính sách của chính phủ liên bang gây hại cho quyền lương tâm của những người có đức tin hay phá hoại nguyên tắc nền tảng của tự do tôn giáo. Là mục tử của hơn 70 triệu công dân Hoa Kỳ, chúng ta chia sẻ trách nhiệm chung và cấp bách phải công bố sự thật của tự do tôn giáo cho mọi người, và nhờ thế bảo vệ dân chúng của ta chống lại cuộc tấn công đang rõ ràng mỗi ngày một gia trọng theo một tốc độ leo thang mà phần đông chúng ta chưa bao giờ tưởng tượng được”. Đức Cha William Lori của giáo phậnBridgeport, Connecticut, sẽ đứng đầu tân ủy ban. Ngài hân hoan có “dịp được làm việc với các giám mục bạn và những người chuyên môn về luật hiến pháp để bảo vệ và phát huy hồng ân tự do tôn giáo do Thiên Chúa ban tặng, một tự do được nhìn nhận và bảo đảm bởi Hiến Pháp Hoa Kỳ. Ủy ban đặc nhiệm này nhắm đương đầu với các đe dọa đang gia tăng đối với tự do tôn giáo trong xã hội ta để sứ mệnh của Giáo Hội được thăng tiến không gặp trở ngại và quyền lợi của tín hữu mọi tôn giáo hay người không có tín ngưỡng được tôn trọng”.Trong dịp này, Đức TGM Dolan cho hay: dù ngài cũng như vị tiền nhiệm là Đức HY Francis George từng gửi nhiều thư riêng cho Tổng Thống Obama về tự do tôn giáo trong ngữ cảnh tái định nghĩa hôn nhân, nhưng không hề nhận được phúc đáp nào từ Tổng Thống.

Tự do tôn giáo
Trong khi ấy, trong bữa tiệc sau “Thánh Lễ Đỏ” mở đầu năm hoạt động của ngành thẩm phán, luật sư, giáo sư luật và nói chung những ai liên quan đến luật pháp, tổ chức tại Houston ngày 29 tháng 9 vừa qua, Đức Cha Thomas J. Paprocki, Giám Mục Springfield, Illinois, đã đọc một bài diễn văn tựa đề là “Threats to Religious Freedom: From Godless Communism to Profane Secularism”(Đe dọa tự do tôn giáo: từ chủ nghĩa cộng sản vô thần đến chủ nghĩa thế trần phàm tục).Vốn là một hội viên của hội luật gia Illinois trong 30 năm qua đồng thời là một luật gia giáo luật trong 20 năm qua, Đức Cha Paprocki cho hay ngài cũng là người trong nghề với cử tọa. Lúc còn học giáo luật tại Đại Học Gregoriana ở Rôma, ngài có dịp qua thăm Liên Xô với một phái đoàn của Đại Học Bắc Mỹ. Người hướng dẫn du lịch tự hào nói với phái đoàn rằng Liên Xô có tự do tôn giáo và để chứng minh, anh ta cho hay: “riêng tạiMoscow, chúng tôi có hơn 50 nhà thờ Kitô Giáo”. So sánh với tổng giáo phậnChicago, nơi có 365 giáo xứ phục vụ người Công Giáo, thì con số kia chẳng đáng huênh hoang bao nhiêu. Tuy nhiên, điều đáng nói là cái hiểu của người cộng sản về tự do tôn giáo. Đối với người Xô Viết, tự do tôn giáo chỉ có nghĩa là tự do thờ phượng, nghĩa là tín hữu được tự do cầu nguyện trong nhà thờ, còn ở ngoài nhà thờ, họ không được phép giảng dạy đức tin hay tham gia các hoạt động bác ái đặt căn bản trên đức tin. Lúc ấy, Đức Cha Parpocki nghĩ: cái hiểu trên thật khác xa với cái hiểu của người Mỹ về quyền tự do thực thi tôn giáo, được tu chính án thứ nhất của Hiến Pháp bảo vệ. Ngài nghĩ tới mạng lưới rộng lớn gồm nhiều định chế Công Giáo ở Mỹ: các trường, các học viện, các đại học, bệnh viện, viện dưỡng lão, và nhiều dịch vụ xã hội như cơ quan bác ái Công Giáo.Chỉ sau cuộc viếng thăm đó ít lâu, Xô Viết chính thức xụp đổ và ai cũng nghĩ rằng chủ nghĩa cộng sản vô thần đã biến mất do chính cái sai lầm hiển nhiên của nó. Nay, 20 năm sau, rõ ràng các ý thức hệ này vẫn chưa lùi vào quên lãng, mà chỉ thay hình đổi dạng dưới một hình thức khác. Và việc lan tràn của các ý thức hệ vừa được tân trang lại này không còn chỉ giới hạn tại các lãnh thổ của Xô Viết cũ và các chư hầu của nó nữa. Tại Tây Âu và Bắc Mỹ, bạn sẽ thấy chẳng mấy người ủng hộ chủ trương minh nhiên của chủ nghĩa cộng sản vô thần, nhưng bạn sẽ thấy rất nhiều người sống theo các nguyên tắc có thể gọi đúng tên là chủ nghĩa thế trần phàm tục. Trong cuốn sách mới xuất bản gần đây, tựa là God in Action: How Faith in God Can Address the Challenges of the World (Thiên Chúa Trong Hành Động: Làm Thế Nào Niềm Tin Vào Thiên Chúa Có Thể Đương Đầu Với Các Thách Đố Của Thế Giới), Đức HY George của Chicago phân biệt một bên là tính thế trần một bên là chủ nghĩa thế trần. Trong tư cách một triết học toàn diện về sinh hoạt công, chủ nghĩa thế trần coi thế giới chỉ là phàm tục, một lãnh vực trong đó, Thiên Chúa bị ngăn cấm… Còn tính thế trần, hiểu như mảnh đất nằm giữa thánh thiêng và thế tục, coi thế giới như một lãnh vực ngẫu nhiên có các cùng đích và mục tiêu gần như tối hậu riêng. Hiểu như thế, tính thế trần không ly khai thế giới khỏi Thiên Chúa, mà nhìn nhận như Chúa Kitô rằng nước Thiên Chúa không thuộc thế giới này.

 Đức HY George, sau đó, trích dẫn công thức của Đức GH Gelanius I (492-496) nhắc nhở Hoàng Đế Anastasius khi ông mưu toan kiểm soát Giáo Hội: “Có hai quyền lực chủ yếu cai quản thế giới này”, chứ không phải một. Dù phàm tục loại bỏ Thiên Chúa, nhưng thánh thiêng và thế tục đều được qui định bởi Thiên Chúa, Đấng, do đó, quản trị con người theo nguyên tắc đa nguyên và đa dạng về định chế.Sự phân biệt trên rất quan trọng, vì không nên nhìn thế giới thế tục tự nó như kẻ thù của thánh thiêng. Chúa Giêsu vốn nhìn nhận hai lãnh vực hợp pháp này khi Người nói “Hãy trả cho Xêda những gì thuộc Xêda, và hãy trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa” (Mc 12:17). Người không dạy ta phải bác bỏ hay gây chiến với những điều thuộc thế giới này, hay những điều thuộc thế giới này đều xấu xa từ nội tại và ta phải xa lánh chúng. Thực vậy, Thánh Kinh dạy ta rằng Thiên Chúa coi tất cả những gì Người tạo ra đều “rất tốt” (St 1:1-31). Thành thử, không có vấn đề cõi thánh thiêng và cõi thế tục, hiểu cho đúng, lại ở thế đối nghịch nhau được. Vấn đề chỉ là chủ nghĩa thế trần nặng mùi phàm tục. Mà phàm tục (profane) đây không có nghĩa là nói năng phàm tục mà là một chữ phát nguyên từ La Tinh pro+fano, nghĩa là “đứng ngoài đối diện với đền thờ” tức loại bỏ Thiên Chúa, loại bỏ tất cả những gì là thánh thiêng. Như thế, quan tâm của ta hiện nay không phải là với thế giới thế tục, mà là với chủ nghĩa thế trần phàm tục, một chủ nghĩa tìm cách loại bỏ Thiên Chúa khỏi thế giới, khỏi đền thờ hay giáo hội. Đức HY George cũng đề cập tới các tương đồng giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thế trần ngày nay, nhất là trong một cột báo gần đây trên nhật báo của tổng giáo phận Chicago. Ngài viết: “Mục đích của chủ nghĩa cộng sản và của chủ nghĩa thế trần ngày nay đều như nhau: tạo ra một xã hội trong đó Thiên Chúa không thể xuất hiện công khai, tẩy xóa bất cứ chứng từ nào của niềm tin tôn giáo khỏi sinh hoạt công và ngăn cản Giáo Hội hành động trong lịch sử, hạn chế sứ mệnh của Giáo Hội vào việc thờ phượng riêng, chỉ được chuyên chở một hệ thống tín ngưỡng vô ảnh hưởng tới xã hội ngoại trừ theo điều kiện duy thế tục. Theo nghĩa này, những người duy thế trần tại đất nước này và nhiều nơi khác chính là những kẻ nối nghiệp người cộng sản của thế kỷ vừa qua”. Thế giới cộng sản của thế kỷ vừa qua là thế giới trong đó Karol Wojtyla từng lớn lên, người sau này trở thành Gioan Phaolô II thân yêu của chúng ta. Người viết tiểu sử của ngài, George Weigel, mô tả thế giới ấy mà ông gọi là “nền văn hóa dối trá của cộng sản” như sau: “Các đạo luật cho phép phá thai thả giàn, các trại thanh niên cộng sản chuyên khuyến khích thử nghiệm tính dục, việc làm nhằm tách ly chồng với vợ, cha mẹ với con cái, tất cả đều là khí cụ trong các chiến dịch cộng sản nhằm chống lại nền văn hóa truyền thống của Ba Lan và chống lại Giáo Hội cũng như giáo huấn luân lý của Giáo Hội”.Các tên, chương trình và triết lý tiềm tàng của chủ nghĩa cộng sản vô thần và của chủ nghĩa thế trần phàm tục có thể khác nhau, nhưng hậu quả thì như nhau, nhất là liên quan đến tự do tôn giáo. Rất nhiều điển hình khắp thế giới đã chứng minh điều đó (4), chỉ xin kể ra một số đe dọa quá đáng đối với tự do tôn giáo ngay ở đây, tại Hiệp Chúng Quốc này.Việc áp đặt lên tự do tôn giáo xuất hiện dưới mặt nạ các đạo luật và qui định chống kỳ thị. Kết quả là các tổ chức tôn giáo được chỉ thị phải sử dụng ai, phải đồng ý với điều gì, nếu không sẽ bị đẩy khỏi sinh hoạt công cộng. Quả là một dấu hiệu đầy tai họa đối với an ninh quốc gia khi các nhà quân sự Hoa Kỳ bắt đầu chơi trò “chính xác về chính trị” với nền tự do tôn giáo. Các thiện nguyện viên của Gideons International đã được thông tri rằng họ không được phân phối Thánh Kinh cho các trung tâm huấn luyện sơ khởi (induction centers) của quân đội nữa, một việc được họ thực hành hơn nửa thế kỷ nay mà chưa gặp bất cứ trở ngại nào. Xem ra, chính phủ Hoa Kỳ cho rằng các binh sĩ mang Thánh Kinh là một đe dọa cho nền an ninh quốc gia.
Các tự do tập thể
Viết trên tờ THE WALL STREET JOURNAL, William McGurn rất đúng khi nhận diện ra điều đang làm bận tâm các nhà lãnh đạo tôn giáo của mọi tín ngưỡng và hệ phái: “Ở cốt lõi ưu tư của họ chính là điều này: người ta đang viết lại Tu Chính Án Thứ Nhất cho chính xác về chính trị. Sau năm 1791, điều làm cho tự do tôn giáo của Mỹ thực sự có tính triệt để không phải chỉ là vì nó cho phép người ta thờ phượng (hay không thờ phượng) như họ thấy thích đáng. Phần triệt để là việc bảo đảm dành cho các quyền tự do tập thể (corporate freedoms): được giữ tài sản chung với nhau, được sở hữu báo chí, được điều hành các trường học, được mở các bệnh viện và bệnh xá, v.v…”. Kinh nghiệm làm giám mục Springfield của Đức Cha Paprocki cho thấy nhiều điều nghịch lý. Tháng Mười Hai vừa qua, hai viện quốc hội Illinois thông qua dự luật cho phép điều tự gọi là “kết hợp dân sự”. Nhiều dân biểu nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ dự luật này đã thất cử trước đó một tháng nên thấy rõ là họ đâu có lợi gì khi bỏ phiếu ủng hộ nó. Nhưng Thống Đốc Illinois, Patrick Quinn, còn đi xa hơn thế, khi ký ban hành luật này, ông tuyên bố làm thế “là do niềm tin tôn giáo” của ông. Các tờ báo, khi trích lại lời tuyên bố ấy, có cho hay ông là một người Công Giáo. Là một nhà lãnh đạo Công Giáo tại ngay thủ phủ tiểu bang, Đức Cha Parpocki đã ra một tuyên bố cho hay: Thống Đốc Quinn cho rằng mình ký ban hành đạo luật là do được khích động bởi niềm tin tôn giáo, nhưng chắc chắn đó không phải là niềm tin Công Giáo. Theo Đức Cha Paprocki, đạo luật được Thống Đốc Quinn ban hành, tuy được truyền thông vắn tắt gọi là “Đạo Luật Kết Hợp Dân Sự” (Civil Union Act), nhưng thực ra, cái tên đầy đủ của nó là “Đạo Luật Bảo Vệ Tự Do Tôn Giáo và Kết Hợp Dân Sự”. Có lẽ vì những nhà ủng hộ các cuộc kết hợp dân sự sợ không vận động đủ số phiếu ủng hộ, nên họ phải thêm một số điều khoản bảo đảm tự do tôn giáo. Tuy nhiên, dù nêu tôn giáo lên đầu tựa đề, đạo luật cũng chỉ có hai câu nói tới thứ tự do này mà thôi. Câu đầu: “Không điều gì trong Đạo Luật này được can thiệp vào hay qui định thực hành tôn giáo của bất cứ cơ quan tôn giáo nào”. Câu hai: “Bất cứ cơ quan tôn giáo nào, Quốc Gia Da Đỏ hay Bộ Lạc hoặc Nhóm Thổ Dân nào cũng được tự do quyết định có nên hay không nên cử hành hay chủ lễ cuộc kết hợp dân sự”.Điều đáng lưu ý là lúc dự luật còn ở Thượng Viện Tiểu Bang, người ta tranh luận về việc hai câu trên độc lập với nhau hay câu đầu chỉ dùng để giới thiệu câu sau tức câu dự liệu rằng không ai bị bắt buộc phải chủ lễ tại một cuộc kết hợp dân sự. Ngày 1 tháng 12 năm 2010, người bảo trợ dự luật tuyên bố rằng hai câu ở phần 15, được trích dẫn trên đây, là hai câu độc lập với nhau, một câu nói tới các thực hành tôn giáo, một câu nói tới quyết định có chủ lễ hay không. Ông nhấn mạnh dự luật không có ý định “cản trở các quyền mà các cơ quan tôn giáo cần có để thực hành… các hoạt động tôn giáo của họ”.Ấy thế nhưng, tháng 5 vừa qua, Phó Giám Đốc Nha Nhi Đồng Và Dịch Vụ Gia Đình (DCFS) của Tiểu Bang Illinois lại viết cho một cơ quan dịch vụ xã hội của tôn giáo, tức Dịch Vụ Nhi Đồng Và Gia Đình Tin Lành của Wheaton, Illinois, rằng DCFS sẽ duyệt lại các chính sách và thủ tục để bao gồm việc nhìn nhận các cuộc kết hợp dân sự, [điều] có thể ảnh hưởng tới các vấn đề cung cấp dịch vụ của các cơ quan đặt căn bản trên đức tin”. Vị Phó Giám Đốc này cũng viết rằng: Giám Đốc (Nha) sẽ gửi văn thư cho mọi cơ quan [để] họ cùng chia sẻ ý định của Nha trong việc bao gồm các liên hệ kết hợp dân sự vào việc nhận trẻ em làm con nuôi hay chăm sóc”. Ngoài ra, Phó Giám Đốc này còn cho người ta hiểu rằng quyết định của Nha trong vấn đề này có thể đem tới việc kết thúc các liên hệ khế ước với Dịch Vụ Nhi Đồng Và Gia Đình Tin Lành, khi viết rằng: “Quyết định tiến hành việc cung cấp dịch vụ con nuôi là của quí vị chứ không phải của DCFS… Nếu việc thay đổi chính sách này đi ngược lại các niềm tin tôn giáo của cơ quan quí vị, thì quí vị và Hội Đồng Quản Trị của quí vị có thể chấm dứt khế ước con nuôi”. Dự đoán một hành động trừng phạt tương tự có thể sẽ áp dụng cho các chương trình nhận con nuôi của Công Giáo, nên các cơ quan bác ái Công Giáo của các giáo phận Springfield, Joliet và Peoria đã ra tòa yêu cầu tòa tuyên bố rằng chủ trương lâu đời của mình không trao trẻ em cho các cặp sống chung không lấy nhau, bất luận khuynh hướng tính dục của họ, được bảo vệ bởi Đạo Luật Nhân Quyền Illinois, Đạo Luật Bảo Vệ Tự Do Tôn Giáo Và Kết Hợp Dân Sự, và Đạo Luật Phục Hồi Tự Do Tôn Giáo Illinois. Các cơ quan bác ái Công Giáo cũng xin án tòa ngăn cấm các viên chức Illinois không được hành động gì thêm ngược với điều trên.Tháng vừa rồi, Chánh Án John Schmidt đã phán quyết rằng các cơ quan bác ái Công Giáo không có quyền kéo dài các khế ước với tiểu bang trong việc giám sát các trẻ em được nhận làm con nuôi hay chăm sóc (foster). Theo Đức Cha Paprocki, không ai có quyền ấy, nhưng đó chỉ là một phần của vấn đề. Điều quan trọng là: dù không ai có quyền ký khế ước với tiểu bang, nhưng tiểu bang cũng đâu được tự do căn cứ vào các lý do bất hợp pháp để từ khước ký khế ước. Một chủ nhân không thể từ khước ai một công việc vì lý do chủng tộc thế nào, thì tiểu bang cũng không thể từ khước một khế ước đối với một tổ chức vì các niềm tin của họ như vậy.Phía Công Giáo đã mang luận điểm đó ra tranh cãi, nhưng Chánh Án Schmidt bác bỏ luận điểm này. Ông cũng bác bỏ cả lời yêu cầu ra lệnh ngăn cấm các viên chức Illinois không được hành động gì thêm ngược với niềm tin Công Giáo. Hiện các luật sư phía Công Giáo đang thượng tố lên tòa trên, vì các dịch vụ con nuôi của các cơ quan bác ái Công Giáo sẽ lâm nguy nếu Tiểu Bang quyết định chuyển giao trẻ em qua các cơ quan khác. Quyết định của Nha Dịch Vụ Nhi Đồng Và Gia Đình Illinois trên đây chỉ là một điển hình cho thấy nhà nước đang tìm cách áp đặt cái dịch bản riêng của họ đối với chủ nghĩa thế trần phàm tục lên xã hội Hoa Kỳ. Một điển hình khác là quyết định năm 2005 của cựu thống đốc Rod Blagojevich, người từng bị đưa ra tòa và hiện là tội phạm. Quyết định này buộc các dược phòng và dược sĩ phải cung cấp thuốc viên ngừa thai và phá thai khẩn cấp. Rất may, quyết định đó bị chánh án Tòa Sangamon bác bỏ tháng 4 vừa qua, sau nhiều năm tranh tụng. Ưu tư hiện nay là việc chính phủ Liên Bang có thể buộc các kế hoạch bảo hiểm phải bao gồm việc ngừa thai và sau cùng buộc các bệnh viện Công Giáo phải thi hành việc phá thai. Những ưu tư này không phải chỉ là những ảo giác tâm thần. Thực vậy, Đức Cha Paprocki cho hay gần đây Bộ Trưởng Bộ Y Tế và Các Dịch Vụ Nhân Bản đã đề nghị buộc các kế hoạch bảo hiểm tư phải bảo hiểm cả việc ngừa thai, phá thai bằng hóa chất và triệt sản, chỉ trừ các “chủ nhân tôn giáo”. Nhưng hạn từ chủ nhân tôn giáo này bị giải thích một cách rất hạn hẹp đến độ trên thực tế, khó có sự bảo vệ nào cho các cá nhân hay hãng bảo hiểm nào phản đối lương tâm đối với thuốc ngừa thai hay triệt sản. Tổng Cố Vấn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ gọi việc bắt buộc trên là “một cuộc tấn công vô tiền khoáng hậu vào tự do tôn giáo”. Theo đề nghị trên, một giáo hội sẽ không phải là một chủ nhân tôn giáo nếu (a) giáo hội này phục vụ những ai hiện không phải là thành viên của mình; (b) không chịu thuê người vì lý do tôn giáo, hay (c) không chịu hạn chế các mục đích bác ái và truyền đạo của mình vào việc đào tạo các giá trị tôn giáo. Các tiêu chuẩn hẹp hòi trên không một chút liên quan hợp lý nào với bất cứ mục đích hợp pháp nào của chính phủ. Theo các tiêu chuẩn này, ngay thừa tác vụ của Chúa Giêsu và của Giáo Hội Kitô Giáo sơ khai cũng không được coi là có tính tôn giáo vì cả Chúa Giêsu lẫn Giáo Hội sơ khai đều không chịu giới hạn thừa tác vụ của mình vào những người đồng đạo mà thôi hay chỉ lo giảng dạy mà thôi. Ta hãy tưởng tượng người ta sẽ chỉ trích các cơ quan bác ái Công Giáo, các bệnh viện Công Giáo, và các đại học Công Giáo ra sao khi những định chế này chỉ tuyển dụng người Công Giáo và chỉ phục vụ người Công Giáo. Nhưng đó không phải là cách tiếp cận của Công Giáo, một cách tiếp cận đặt căn bản trên nguyên tắc được Chúa Giêsu nói rõ trong dụ ngôn Người Samaritanô Nhân Hậu, trong đó, Người dạy ta phải quan tâm và trợ giúp người cần tới ta, bất kể các dị biệt tôn giáo. Trường hợp trừ vì vậy quả là có vấn đề trầm trọng, nhưng vấn đề nòng cốt vẫn là chính đề nghị trên. Chỉ khi nào đề nghị này bị thâu hồi, mọi nan đề trầm trọng về luân lý do đề nghị ấy tạo ra mới bị loại bỏ. Đức HY Daniel DiNardo của Houston, trong bức thư đề ngày 7 tháng 9 năm 2011 gửi Quốc Hội Hoa Kỳ, trong tư cách Chủ Tịch Ủy Ban Các Hoạt Động Phò Sự Sống của HĐ Giám Mục Hoa Kỳ, đã chỉ trích cuộc vận động ráo riết của tổ chức phá thai lớn nhất nước tức Planned Parenthood (PP) nhằm cổ vũ cho đề nghị của Bộ Y Tế Và Dịch Vụ Nhân Bản (HHS) buộc các hãng bảo hiểm phải bao gồm việc phá thai bằng hóa chất hay giải phẫu. Tổ chức PP hy vọng rằng một khi có lệnh (mandate) cho cả nước phải sử dụng việc họ gọi là “ngăn ngừa” thai nghén mà họ coi là một thứ bệnh có hại cho phúc lợi của phụ nữ này, thì họ sẽ có cơ sở để cổ vũ phá thai như một thứ “chữa chạy”. Đức HY DiNardo nhấn mạnh tới mối đe dọa do lệnh này đem lại đối với quyền lương tâm và tự do tôn giáo. Đức Cha Paprocki cho rằng muốn dân chủ tiếp tục sống còn tại Hoa Kỳ, đừng để nó biến thành một hình thức cai trị độc đoán mới, người ta cần nắm lại vai trò của các giá trị tôn giáo và luân lý từng được đệ nhất Tổng Thống Mỹ, George Washington, cổ vũ. Trong diễn văn từ giã vào năm 1796, TT Washington nói rằng: “Trong tất cả các xu thế và thói quen dẫn tới phồn thịnh chính trị, tôn giáo và luân lý là những nâng đỡ không thể thiếu… “. 

Thuốc giải độc hay nhất đối với chủ nghĩa thế trần phàm tục
Điển hình của những người chiến đấu và đánh bại chủ nghĩa cộng sản vô thần có lẽ là thuốc giải độc hay nhất đối với chủ nghĩa thế trần phàm tục. Một trong những vị bảo vệ Giáo Hội tại Ba Lan kiên cường nhất chính là Giáo Chủ Ba Lan, Đức HY Stefan Wyszynski. Tháng 5 năm 1953, chế độ cộng sản ra lệnh thi hành đạo luật theo đó, Giáo Hội không có quyền cử nhiệm hay bãi chức các mục tử nữa, nhất là các giám mục. Quyền đó, từ nay thuộc về nhà nước. Trong một bài giảng mạnh bạo tại Nhà Thờ Chính Tòa ở Warsaw, Đức HY Wyszynski tuyên bố rằng: “Chúng ta dạy rằng hãy trả cho Xêda điều thuộc về Xêda, và hãy trả cho Chúa điều thuộc về Chúa. Nhưng khi Xêda tự ý ngồi trên bàn thờ, chúng ta phải cương quyết đáp lại: ông ta không được làm thế”.Không bao lâu sau, Đức HY Wyszynski bị bắt và bắt đầu 3 năm ngồi tù. Đến cuối năm, 8 giám mục và 900 linh mục bị cầm tù vì đức tin. Con số ấy sẽ tăng lên 2,000 vị sau đó 2 năm, trong khi các phân khoa thần học bị đóng cửa, cha mẹ bị đe dọa, việc giáo dục tôn giáo tại các trường bị đình chỉ, và nhiều khoản thuế nặng nề được đánh trên Giáo Hội. Chỉ khi gặp bất ổn khắp nước do cuộc tổng đình công của thợ thuyền đem lại vào năm 1956, một cuộc đình công bị xe tăng của Hồng Quân dẹp tan, nhà lãnh đạo mới của cộng sản mới hiểu ra rằng chỉ có một con người duy nhất ổn định được tình hình là Đức HY Wyszynski. Nhờ thế, ngài được thả tự do sau khi đạt được nhiều nhượng bộ. Một vị giám mục trẻ có tên Karol Wojtyla cũng đã bước theo chân Đức HY Wyszynski trong việc bảo vệ tự do tôn giáo. TạiNowa Huta, khu kỹ nghệ mới do chính phủ cộng sản thiết lập ở ngoại ô Kracow, một khu được họ cố tạo thành một thành phố không có Thiên Chúa, dĩ nhiên không có nhà thờ. Nhưng phụ tá giám mục Wojtyla không nghĩ thế. Ngày 24 tháng 12 năm 1959, ngài quyết định đến đó cử hành Thánh Lễ Nửa Đêm ở ngoài trời, sau khi chính phủ cộng sản bác đơn xin xây nhà thờ. Trước sự tranh đấu ấy, ngày 13 tháng 10 năm 1967, lúc Wojtyla đã là Tổng GM Kracow, nhà nước đành phải cho phép xây nhà thờ ở Nowa Huta. Chính Đức TGM Wojtyla tự lái xe tới xúc xẻng đất thứ nhất để đặt viên đá đầu tiên do chính Đức Phaolô VI dâng kính và lấy từ vương cung thánh đường Thánh Phêrô cổ kính do Constantinô xây dựng. Chiến thắng của Đức HY Wojtyla được cử hành với việc thánh hiến nhà thờ mới tại Nowa Huta ngày 15 tháng 5 năm 1977. Ba Lan được chúc lành bằng một hàng giám mục kiên cường trong suốt thời bách hại của cộng sản, nhất là Đức HY Wyszynski và Đức HY Wojtyla, nhưng điều cần ghi nhận là thành công của các ngài đã được cả một hàng ngũ giáo dân nhiệt thành và đầy dấn thân hỗ trợ. Không có các cuộc biểu tình phản đối của giáo dân, Đức HY Wyszynski đã không được thả tự do và Đức HY Wojtyla đã không thánh hiến được ngôi nhà thờ mới ở Nowa Huta. Đức Cha Paprocki cho rằng người ta cần nhớ điều đó khi đòi hỏi sự lãnh đạo mạnh bạo từ các vị giám mục của mình. Đúng, theo ngài, các vị kế nhiệm các Tông Đồ phải sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì đức tin như các tông đồ đầu tiên, nhưng các ngài cũng phải dựa vào sự hỗ trợ của một hàng ngũ giáo dân nhiệt thành và sốt sắng. Nhân dịp này, Đức Cha Paprocki nhắc tới điển hình Thomas More, thánh quan thầy của các luật sư và chính trị gia. Trong cuốn phim “Người của Bốn Mùa” (A Man For All Seasons), một cuốn phim thuật lại cuộc đời thánh nhân khi chịu sự bách hại của Henry VIII dưới cái án Phản Nghịch vì không chịu ký vào tuyên ngôn tuyên xưng ông ta là thủ lãnh Giáo Hội Nước Anh, người soạn truyện phim, là Robert Bolt, thuật lại cảnh phiên tòa, trong đó, Thomas More, nhìn vào mặt kẻ làm chứng gian chống lại mình là Sir Richard Rich mà nói: “Tôi có một câu để hỏi nhân chứng. Sợi dây chuyền chỉ chức vụ mà ông đang đeo đó. Cho tôi xem được không?” Rich để More quan sát tấm huy chương. Quan sát xong, More nói: “Con rồng đỏ”, rồi quay qua Cromwell, người chủ tọa cuộc tra vấn, và hỏi: “Cái này nghĩa là gì?” Cromwell trả lời: “Sir Richard được bổ nhiệm làm Bộ Trưởng Tư Pháp của Wales. Lúc đó, More mới nhìn thẳng vào mặt Rich mà nói: “Để được Wales à? Tại sao vậy Richard, bán linh hồn để được cả thế gian còn chưa ăn thua gì… Huống hồ là được Wales!”. Tiếc thay, ta đang sống trong thời rất nhiều chính khách sẵn sàng bán linh hồn mình cho những điều còn kém giá trị hơn Wales nhiều! Đức Cha Paprocki cầu mong cho có nhiều luật gia và chính khách biết noi gương can đảm của Thomas More trung thành với giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo và góp tay cổ vũ và bảo vệ tự do tôn giáo tại đất nước này và khắp nơi trên thế giới: “Tôi chết trong tư cách bề tôi Nhà Vua, nhưng trước hết là bày tôi của Thiên Chúa”.

No comments:

Post a Comment