Saturday, October 8, 2011

* CẢM NGHĨ VÀ NHỮNG KỶ NIỆM NGƯỜI LÍNH NHẨY DÙ

          
Cuộc chiến đã trôi qua hơn 35 năm nhưng dư âm của nhưng tháng ngày ấy vẫn còn vang vọng đâu đây. Đến nay,chúng ta đã “quá biết” vì sao miền Nam của chúng ta sụp đổ. Chiến tranh được nhìn từ nhiều góc cạnh, qua những bài viết, qua những nhận định của mọi tầng lớp đã chứng minh cho mọi người biết rằng QLVNCH không hề thua trong cuộc chiến vừa qua mà tan rã theo sự sắp xếp của các CƯỜNG QUỐC ĐÀN ANH cộng với lệnh lui binh không tính toán dẫn đến hệ lụy MIỀN NAM tan tác theo hiệu ứng DOMINO. Với tôi là một người lính đã chiến đấu đến giờ phút cuối cùng của cuộc chiến, một ít tự hào còn lại trong tôi là mình đã làm xong bổn phận của một người lính. Tôi viết những dòng chữ này như một nén nhang KÍNH CẨN dâng lên các đồng đội, các chiến sĩ đã ngã xuống vì TỔ QUỐC, vì màu cờ sắc áo của binh chủng trong đó có hai người bạn của tôi, HÒA và TOÀN cùng nhập ngũ một ngày, học chung một khóa dù.


TÔI ĐI LÍNH NHẨY DÙ
Chúng tôi gồm bốn đứa Tuấn, Toàn, Hòa và tôi (Viên), ở Trại Gia Binh Hoàng hoa Thám(SĐND), BỐ của bốn đứa tôi là lính Nhẩy Dù, đến đời chúng tôi là thế hệ thứ hai chọn màu NÓN ĐỎ. Tôi còn nhớ sau khi trình diện Phòng Tuyển mộ SĐND chúng tôi được chở lên Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ dể làm thủ tục nhập ngũ gồm Khám sức khỏe, làm Căn cước Quân Nhân vào khoảng đầu tháng 05/1973.


Rời TT3TMNN chúng tôi được chở về Khối Bổ Sung SĐND ở trại HOÀNG HOA THÁM lãnh quân trang chờ ngày nhập khóa tại Tiểu Đoàn Vương Mộng Hồng thuộc Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Chúng tôi nhập khóa tại TĐVMH, Đại Đội C. Đây là Tiểu Đoàn Khóa Sinh Vương Mộng Hồng tại TTHLQT của SĐND là đơn vị duy nhất khi huấn luyện bận bộ đồ trận hoa rừng cũng chính vì thế mà mỗi khi xuất trại đi bãi học nếu gặp các khóa đàn em hoặc đơn vị bạn là Bộ Binh chúng tôi phải chạy qua mặt và luôn hô to khẩu hiệu “nhẩy dù không thích đi xe chỉ thích chạy bộ năm ,mười cây số ta coi là thường” nhưng nếu gặp khóa đàn anh là Nhẩy Dù thì phải nhường đường đây là nét đẹp đặc thù của binh chủng Nhẩy Dù đã tôi luyện cho những tân binh “tò te” chúng tôi hiểu biết về kỷ luật và tinh thần tôn trọng các đàn anh.


Sau khi mãn khóa huấn luyện tại TĐVMH là 9 tuần chúng tôi về lại KBS của SĐND dể học tiếp khóa huấn luyện nhẩy dù. Trước khi học nhẩy dù chúng tôi phải qua kỳ khám sức khỏe rất kỹ nếu ai bị thương tật về chân, tay, mắt kém đều bị loại qua GIA ĐÌNH BÁC TÁM chờ ngày đi binh chủng khác.


Qua đợt khám sức khỏe , kế tiếp là tám món ăn chơi bao gồm:
-Chạy 100 mét(nước rút có Ba lô và súng)
-Cõng bạn chạy 100 mét
-Hít đất 45 cái
-Nhảy xa
-_Thụt dầu 66 cái
-Leo dây 3 mét
-Uốn bụng 66 cái
-Hít xà ngang,


Ngày đầu “xơi tái” tám món ăn chơi vừa kể trên, về đến “sam” là lăn quay ra ngủ vì quá mệt hơn nữa còn dưỡng sức ngày mai chạy tám bon(8 cây số).
Đang mơ màng tiếng còi tập họp vang lên , vội vàng vệ sinh cá nhân, chuẩn bị ba lô sung đạn chạy tám bon, đường chạy là vòng đai phi trường Tân Sơn Nhất về đến TTHLND, Mệt ơi là mệt… nói chung các bạn ai cũng vượt qua.
Chiều đến được nghỉ xã hơi, ngày mai nhập khóa học dù.


Sáng sớm tập họp đi từ KBS qua TTHLND làm lễ nhập khóa, Đó là khóa dù 313, khi nhập khóa theo vần A,B,C… để sếp toán, tôi vần V nên được vào toán cuối, toán 7. Toán tôi có các vị SQ cùng học chung khóa dù, các vị SQ được đánh số từ 01 trở lên , thí dụ toán tôi có 6 vị SQ sẽ đánh số từ 1 cho đến 6 sau đó các số sẽ tiếp tục từ cao cho đến thấp, toán tôi có 29 người tôi dược đánh số 15/7 trên nón sắt, tôi thường nhẩy đầu toán hai khi nhẩy bằng máy bay C-119( máy bay hai đuôi).


Học nhẩy dù gồm 3 giai đoạn:
-Tuần lễ đầu học về dù lưng, dù bụng. Dù có bao nhiêu dây, bao nhiêu múi, sức chịu đứt là bao nhiêu, cách mặc dù lưng và dù bụng. Dù có 4 dây thượng thăng dể lái dù, chống gió ra sao, cách lấy thế đáp xuống đất như thế nào .v. v…(lâu quá không nhớ hết chi tiết,xin các vị châm chước).


-Tuần thứ hai lên đài 4,5 mét, 11 mét(thường gọi là chuồng cu), đài 12 mét là dù không định hướng để tập cho Khóa Sinh cách tiếp đất cho an toàn( đài này trước đây gọi là tử thần khô), cách chống dù lôi, lên máy bay mô hình thật nhẩy ra(để làm quen khi nhẩy dù thật)…


Sợ nhất vẫn là nhẩy chuồng cu( đài cao 11 mét),các bạn tưởng tượng khi nhẩy ra ở độ cao 11 mét, hai tay bạn không nắm vào vật gì cả,bạn lấy thế hai tay vịn vào cửa giống như cửa máy bay, sau tiếng “GO” của Huấn Luyện Viên bạn phải nhẩy ra từ độ cao 11 mét nếu bạn không có niềm tin vào đai chữ H và sức chịu đứt của sợi dây cáp bạn sẽ không dám nhẩy ra(dù bạn đã được học rất kỷ). Khóa tôi có bạn không dám nhẩy, trong giờ nghỉ giải lao bị phạt đứng chào bằng dù trên dài 11 mét.


Xin nói đôi nét về khóa dù, mỗi toán thường có 2 vị Huấn Luyện Viên, thường là Hạ Sĩ Quan, gọi thân mật là “ông thầy”, trong huấn luyện nhẩy dù Quan cũng như Lính đều học giống nhau không phân biệt cấp bậc, khi ai đó làm sai vị HLV chỉ cần kêu danh số ghi trên nón sắt, 10 cái nhẩy xổm khi thi hành xong bắt buộc phải hô to” nhẩy dù khỏe, nhẩy dù khỏe” rồi vào hàng học tiếp. Mỗi tiếng được nghỉ 10 phút và đặc biệt suốt khóa học không được ngồi, chỉ có đứng thành hình vòng cung mỗi khi học. Mỗi buổi sang chúng tôi thường “điểm tâm” khoảng 5, 10 cây số rồi mới học tùy theo vị HLV dẫn chạy nhiều hay ít, mỗi ngày học 8 tiếng , quá mệt!!!


Hai tuần trôi qua, ngày mai chúng tôi nhẩy SAUT đầu, tối đó trước khi đi ngủ lòng bồn chồn ,hồi hộp cho sang ngày mai khi lên phi cơ nhẩy ra ngoài không trung,dù có bọc không? Khi dù bọc rớt xuống đất có gì không?có gió mạnh để bị dù lôi không? Dù có đuôi nheo hay số tám không? Mình sẽ giựt dù bụng như thế nào? Bao ý tưởng dồn dập tôi thiếp vào giấc ngủ… tiếng còi tập họp vang lên , sang nay không chạy thể dục như mọi bữa.Di chuyển qua TTHLND xe GMC đưa chúng tôi đến phi trương TSN, nhận dù , măc vào dù lưng sau lưng, dù bụng đeo đằng trước bụng, mỗi em nhận một trái lựu đạn còn trong hộp đề phòng trường dù bị lạc sẽ dùng nó để tự vệ vì bãi nhẩy nằm ở Nhị Bình,Hóc Môn nên vấn đề an ninh chưa tuyệt đối an toàn, SAUT đầu chúng tôi nhẩy không có súng, chỉ có trái lựu đạn. Điều gì đến đã đến ,toán 7 của tôi lên phi cơ,ổn định chổ ngồi theo danh số, SAUT đầu toán tôi nhẩy bằng phi cơ C-119 hai đuôi, từ số 1de61n 14 nhẩy nhẩy cửa bên phải, từ 15 đế 29 nhẩy cửa bên trái, tôi là số 15/7 nên nhẩy đầu toán hai(run quá trời)… sau đó là lời dặn dò của 2 vị HLV toán 7, trên phi cơ còn có 2 vị nữa phụ trách thả dù( người của TTHLND).


Chúng tôi được bắt nhịp hát bài TĐVMH , “đoàn khóa sinh VMH hiên ngang vượt mọi nguy nan…” Bài Lục Quân Việt Nam” đường trường xa muôn vó câu bay chập chùng…” thì đèn báo đến điểm nhẩy, tất cả đứng lên, tay trái cầm dây SOA, chân kéo lê từng nhịp… trước lúc nhẩy các vị HLV đã dặn dò rất kỷ, khi nhẩy ra nhớ khám dù, tránh bạn trên không,kiểm soát nón sắt, nhìn xuống đất để ý khói màu dưới đất bay theo hướng nào thì khi xuống đất phải kéo hai dây thượng thăng chống gió để tránh dù lôi.


Bao hồi hội hộp cũng trôi qua khi đèn báo nhẩy bật lên , tiếng la của HLV vang lên “chuẩn bị, lấy thế, GO, GO…” còn vẳng bên tai tôi bị gió cuốn trôi ra ngoài không gian , giựt mình thì ra dù bọc, mình không đếm, khám dù, không gian hoa dù nở tiếng ai kêu mình trên không thì ra bạn cùng toán tòn teng bên trái. Cảm giác nhìn cánh dù no gió trên không trung từ độ cao 1200 feet (khoảng 400 mét) mới thú vị làm sao!!! Không gian in dấu giầy, bài thơ của đàn anh HÀ HUYỀN CHI, rất ,rất là sướng… nhìn xuống đất thấy đất dâng lên, dâng lên… thì ra mình đang rơi xuống, mặt đất càng lúc càng rõ tiếng ai kêu kéo hai dây đàng trước, lấy thế, lấy thế đi… rồi một cái :oặt” tôi ngã lăn xuống đất, ngay lúc đó các bạn toán trước nhào đến giúp đở,xếp dù lại, cõng dù trên vai chạy lại điểm tập họp, báo cáo toán mình có ai bị gì không? Đưa dù lên xe, tập họp về TTHLND vì tôi là toán nhẩy chót nên không phải ra bãi trộ giúp cho các toán nhẩy sau.


Đêm đó dù các Cán Bộ đã dặn là không được ồn ào, dưỡng sức ngày mai đi nhẩy tiếp nhưng làm sao ngăn được gần 200 con người mới được cái thú từ trên trời rơi xuống, cảm giác đi mây về gió sang nay, tiếng nói chuyện râm ran… tao thấy thằng B,C,D tao la quá trời !! mày có nghe không??? Có em còn kể tao đếm 331,332,333,334,khám dù??? Thôi Bà Tám!!! Không có em nào đếm được nhất là SAUT đầu, phải không các Thiên Thần Mũ Đỏ???


Rồi SAUT 2,3,4 và 5 chúng tôi mãn khóa dù, đến “đời chúng tôi” bằng dù chỉ cần 5 SAUT là đủ, từ đó trên ngực phải của áo hoa rừng có thêm bằng dù và tôi chính thức trở thành người lính NHẨY DÙ.


Theo lời kể của Cựu Th/úy Dũng ĐĐ93/TD9ND(khóa 4/71) ra trường về Nhẩy Dù tháng 7/72 nhưng vì nhu cầu chiến trường nên khóa của anh không được học dù lúc đó mà phải ra chiến trường chiến đấu, anh kể đã có những người bạn cùng khóa đã hy sinh, bị thương giải ngũ mà vẫn chưa học dù, riêng anh sau khi có hai Chiến Thương Bội Tinh mới được về học dù tháng 11/73 khóa dù 321.


Sau khi mãn khóa Tuấn về TĐ8ND, Toàn ở lại KBS, tôi và Hòa về TD9ND, Hòa 94, tôi 90. Cuốn theo chiến trận tôi và ít khi gặp nhau dù rằng cùng TĐ, tôi và có một kỷ niệm nho nhỏ lúc về phép hai thằng tôi đi chung với nhau, nó không có NÓN ĐỎ để đội ,đành đi mượn, trên đường về gần tới Ngã tư Bảy Hiền khoảng 10 giờ tối, hai thằng tôi đi bộ lơn tơn bỗng nghe tiếng xe ép sát bên, quay ra thì NÓN ĐỎ của nó đã bị giựt, người giựt nón cũng là lính Nhẩy Dù, tôi và cố rượt theo nhưng không kịp vì nó chạy xe HONDA!!!


Ngay cả lúc TĐ “hấp” ở TTHLVK gần một tháng mà tôi và nó cũng không gặp nhau. Tiểu đoàn 9 Nhẩy Dù là đơn vị cuối cùng của SĐND hành quân thao dợt bằng nhầy dù cấp Tiểu Đoàn lúc TĐ ‘hấp” ở TTHLVK vào khoảng tháng 7/74. Từ TTHLVK tiểu đoàn di chuyển đến hậu cứ của TĐ6ND ở Vũng Tàu ôn tập lại cách đeo “gen” các khí tài, khí cụ như súng cối 81, bàn tiếp hậu, chân ba càng, máy truyền tin, súng đạn, balo.v.v. để nhẩy dù do các vị HLV của TTHLND huấn luyện khoảng 2 ngày. Xin nhắc lại nếu các vị nào có tham dự hành quân thao dợt này chắc phải nhớ dến hai ổ bánh mì và hai hộp thịt gà(khẩu phần ăn cả ngày hôm đó) được phát cho mỗi người lúc sáng khi chờ máy bay đến để nhẩy, 3 giờ sáng T.Đoàn tập họp ra Phi Trường Vũng Tàu, Phi trường này nhỏ chúng tôi nhẩy dù cấp T.Đoàn nên phải chờ thứ tự theo kế hoạch hành quân để nhẩy từng đại đội . Các vị tưởng tượng bộ đồ dù (dù lưng và dù bụng) dùng để nhẩy dù sấp sĩ 50 kg chưa kể balo, súng đạn cá nhân của mỗi người nên vì thế khi nhẩy xuống,kiểm điểm quân số, vác dù về điểm tập trung, nhận lệnh hành quân, chiếm mục tiêu, dừng quân, đến trưa hai ở bánh mì coi như đi đứt, nguyên ngày đó đói thê thảm… địa điểm hành quân dọc theo quốc lộ 15B, thời gian khoảng 3 ngày. Sau đó lên xe về hậu cứ T.Đoàn ở Bà Quẹo.


Khoảng giữa tháng tám năm 74, T.Đoàn đi hành quân ra Đà Nẳng,đó là mặt trận THƯỜNG ĐỨC với những trận đánh ác liệt dành nhau từng ngọn đồi, nhất là ngọn đồi 1062 (qua bài viết của các anh như: Trương Dưỡng, Võ Trung Tín, Nguyễn Hữu Viên) cũng đã nói lên tính chất khốc liệt của cuộc chiến, ĐĐ93 chỉ sau 3 ngày chạm địch đã có 2 SQ Tr/Đội Trưởng tử thương, 2SQ Tr/đội Trưởng bị thương và cả ĐĐT là Đ/úy Tựu cũng bị thương máu của các chiến sĩ Dù đã đổ trong đó có cả người bạn của tôi, HS Hòa 94 mang máy cho Trung đội của Th/úy Thiện 94 ngày nó tử trận , anh Thiện cũng bị thương, tôi gặp nó gói gọn trong Poncho khi xác nó được di tản ra T.Đoàn, Hòa được an táng tại NTQĐBH. T.đoàn 9 Nhẩy Dù tham chiến mặt trận Thường Đức từ “đầu mùa cho đến cuối mùa”, vừa được rút ra để dưỡng quân vào buổi chiều rồi lại được lệnh “gọn gàng” vào lúc 3 giờ sáng, lần này vào sâu hơn, xa hơn… thời tiết xấu mưa miền trung rỉ rả cả ngày đêm , trực thăng không vào được chúng tôi phải di tản các đồng đội bị thương, bị tử trận bằng sức người, xác chết hai người khiêng một, bị thương bốn người một thương binh đi từ sáng sớm đến xế chiều mới tới điểm ECHO, giao các thương binh,xác chết của đồng đội cho tiền trạm, chúng tôi nhận tiếp tế, đạn dược và các đồng đội tăng cường hành quân,chúng tôi trở về tuyến mặt trời đã đi ngũ vì thế trước khi đi chúng tôi đã lấy mật khẩu để trở về tuyến cho an toàn (nếu không nói mật khẩu sẽ bị nhận lầm là V.cộng). Cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt hơn, TĐ8ND nhận lệnh đánh chiếm đồi 1062, khi TĐ8 đi qua chổ đóng quân của TĐoàn , tôi có vài người bạn ở ĐĐ82, trong đó có THẮNG nhà ở trong trại gia binh Hoàng Hoa Thám với tôi , nó đi Nhẩy Dù sau tôi và nó hy sinh ở ngọn đồi 1062…

Ngọn đồi 52 trước mặt nhìn từ chỗ đóng quân của T,Đoàn trên đồi, chúng tôi được lệnh rút quân???  Sau đó, T.Đoàn đóng quân một vài nơi ở Đà nẵng tôi không nhớ rõ nhưng có đóng quân bảo vệ cho Pháo Đội C1 vì Pháo đội đó tôi có người bạn tên Thiêm ở trong Trại Gia Binh HHT. Tôi có qua thăm nó lúc đóng quân gần nhau. Sau cùng bàn giao cho TQLC, T.Đ14 TQLC đơn vị về Saigon vào ngày 21/03/1975 từ Phi Trường Đànẵng.


Về Saigon, đơn vị được lệnh Ứng Chiến số 1 cho Bộ Tổng Tham Mưu tức là trong 6 tiếng phải có mặt chiến đấu khi có yêu cầu, linh động đơn vị cho đi phép 12 tiếng 50% quân số luân phiên cho đến ngày” thằng Trung” thả bom Dinh Độc Lập, T.Đoàn được lệnh đi hành quân ở Long Khánh đó là ngày 09/04/1975, đơn vị đóng quân ở Trảng Bom, lúc này tôi gặp Toàn ĐĐ2CBND, hai thằng đi ăn hủ tiếu ở chợ, tôi đâu có ngờ đó là bữa ăn cuối cùng của tôi và nó, Toàn đã hy sinh lúc đơn vị lui binh từ Phước Tuy về Vũng Tàu, nó bị mãnh pháo tiện ngang đầu ,thê thảm cho người bạn của tôi, nó hy sinh giờ thứ 25 của cuộc chiến.


Trở lại cuộc hành quân Long Khánh, sau 2 ngày ở Trảng Bom đơn vị nhẩy vào Long Khánh bằng trực thăng Chinook gồm TĐ8ND, TĐ1ND, TĐ9ND,TĐ3PBND, ĐĐ1TSND,ĐD2CBND và BCH LĐ1ND vừa nhẩy xuống ngã ba Xuân Lộc, Tr/tá NHỎ TĐT bị thương, di tản cấp tốc về Saigon, đơn vị tiếp tục chiến đấu dưới quyền chỉ huy của Th/tá Đường, theo tôi được biết Sĩ Quan tử trận cuối cùng của T.Đoàn là Chuẩn Úy Thới đđ 93, sau 11 ngày đêm chiến đấu, đơn vị được lệnh rút quân về Phước Tuy, đến đồi Con Rắn chạm địch, đại đội 92 lên truy kích địch bỏ chạy, đêm đó toàn bộ LĐ1ND nằm trên đường nhựa khoảng nửa đêm có chiếc xe JEEP chạy vào chổ đóng quân toàn bộ đơn vị báo động bắn xối xả vào chiếc JEEP thì ra đó là 3 tên Việt Cộng lấy được chiếc xe không biết đơn vị nào bỏ lại vô tình chạy đúng vào đoàn quân để rồi phải ăn đạn.


Về Phước Tuy đơn vị đóng quân tại Láng Cát (Giáo Xứ Chu Hải) dọc theo Quốc Lộ 15B,nơi này tháng 7/74 đơn vị thao dượt hành quân bằng nhẩy dù cấp tiểu đoàn, lúc đó Kế Toán Trưởng của tiểu đoàn lên phát lương và bổ sung quân số, súng đạn… kế bên đơn vị là Pháo Đội C3 tôi gặp lại bạn tên là Hòa PĐC3 đã từng đi chơi chung với nhau lúc ở HUẾ vào cuối năm 73, không biết bây giờ người bạn ấy ra sao??? Còn sống hay đã chết, vì sao tôi lại hỏi như vậy, đóng quân ở đâu được vài ngày thì Phước Tuy bị địch tràn ngập, đường về Long Thành bị chận tại Quán Chim, chúng tôi chỉ còn lối thoát duy nhất là vượt cồn Long Sơn theo sự chỉ dẫn của Phi Công trực thăng đang bay trên đầu,chúng tôi vào khoảng 200 trăm gồm đủ đơn vị như BCH T.Đoàn 9, đại đội 90, đại đội 91, Trinh Sát 1, Công Binh Dù, Pháo Binh Dù, một ít lính Bộ Binh, một ít thường dân đi theo, chúng tôi tiến thẳng về hướng cồn Long Sơn. Lúc đầu nước ngang bụng nhưng càng về khuya nước càng dâng cao tới ngực, tới cổ, ngoài kia tiếng loa của địch kêu gọi đầu hang,tiếng loa càng lúc càng gần, chúng tôi chuyền nhau từng cây sung. từng viên đạn nếu cần chúng tôi sẽ chiến đấu cũng may địch không phát hiện ra chúng tôi, tôi còn nhớ trong đoàn quân vượt cồn Long Sơn lúc đó có TS1 Thiện, mang máy cho T.Đoàn, TS Thế Trưởng ban BNB (ban nhà bếp), HS Gìn. Th/sĩ Thường Vụ Khinh… lâu quá không nhớ rõ những ai nhưng nhớ nhất là THANH 91 (trước đây ở Người Nhái) mới bổ sung về T.Đoàn lúc ở Phước Tuy cùng Th/úy Công bên Trinh Sat 1, TS1 Thiện 90 sửa được máy PRC25 liên lạc được với LĐ, sau phát súng của TS Thế chiếc ghe đang chạy phải dừng lại, Thanh 91 bơi ra giữ lại trên ghe có 3 người, Th/úy Công la nhảy xuống và đòi bắn vì tình nghi là Việt Cộng may quá tôi nhận diện được một người trong bọn họ là Quý Đen cùng học chung khóa dù 313 nay lạnh cẳng nên đào ngủ đi Địa Phương Quân ở Phước Tuy trên đường tháo chạy vì thế nên Th/úy Công không bắn. Lấy được ghe, Thanh 91 liên lạc bên Hải Quân được biết chỗ chúng tôi đang ở là vùng oanh kích trắng, sau đó Th/úy Công, Thanh 91, TS1 Thiện cùng Bá Trinh Sát 1 lấy ghe chạy ra Vũng Tàu kiếm ghe lớn vào đón chúng tôi, mọi việc êm xuôi có ghe lớn đến đón chúng tôi về Bến Đá.

Đêm đó, tôi ngủ tại Bến Đá, sáng ra tập họp đi về T.Đ 6 ND bổ sung súng đạn, lương thực tại hậu cứ T.Đ 6 tôi gặp Chóng 83, Sơn 83 (con ông Lẫm cùng ở Trại Gia Binh HHT). Chóng di tản qua Mỹ cùng T.Đ8 nhưng đã mất trong một tai nạn giao thông năm 76 (qua lời kể của Th/úy Kiệt 83). Chiếc xe chở tôi từ T.Đ 6 về Bến Đá, trên đường chạy bị Việt Cộng bắn sẻ trúng Tr/úy Kinh 91 sượt ngang “của quý” nghe nói anh Kinh di tản qua Mỹ và lập gia đình bình thường, xin chúc mừng anh. Tôi cũng gặp người lái chiếc xe đó là Công 91, khi vượt biên qua đảo Bidong, Mã lai, Công bây giờ cũng định cư tại Mỹ, bang TEXAS. 


Đến Bến Đá, được lịnh ra khơi, lúc lên ghe Th/sĩ Khinh, Tr/úy Kinh , Th/tá Đường đi ghe khác riêng tôi lên ghe của Th/úy Trang LĐ1 bên ghe này tôi thấy anh Khinh làm dấu chỉ cho ghe tôi chạy theo nhưng giữa ba đào sóng cả tôi đã lạc mất anh cùng đơn vị, lúc đó địch pháo theo chúng tôi rất nhiều, sau 33 năm tôi mới liên lạc được với anh Khinh và Phước 90 (mang máy cho Ban 3, Đại úy Chỉ Trưởng Ban 3 T.Đoàn 9) qua số điện thoại do anh Thiện 94 cho, đến nay tôi vẫn chưa gặp mặt anh và Phước chỉ qua hình ảnh ,tiếng nói mà thôi, vì tôi với anh là nghĩa thầy trò, anh làm Thường Vụ còn tôi là Thư Ký, anh và tôi ở cùng hầm, ăn cùng mâm, sống chết bên nhau. 


Lên ghe Th/úy Trang cho ghe chạy hướng Tây Nam qua một đêm, đến khoảng 10 giờ sáng tôi thấy tấm bảng “Trường Tiểu Học Cộng Đồng Kinh Nước Mặn” và tàu của Giang Cảnh đón chúng tôi vào bờ, hỏi chúng tôi ở đơn vị nào về đây. Sau đó gặp được Th/úy Phân Chi Khu đón chúng tôi và hứa sẽ lien lạc với Chi Khu cho xe chở chúng tôi về Đơn vị, Đang mãi mê thụt Bida trên quán chúng tôi vừa cặp bến thì tiếng của TS Mới 90 nói “đầu hàng rồi Viên ơi! Mày còn bận đồ lính nó bắn chết bây giờ” tôi vội quẳng cây cơ, nhìn lại các bạn đã bận đồ CIVIL , dáo dát tìm kiếm được bộ đồ con gái quần loe, áo thun, thôi cũng tạm được, ngó ra đầu đường về hương đồn Địa Phương Quân đã thấy treo cờ trắng, thật quá bàng hoàng tôi nghe tiếng Th/úy Trang nói, đến đây là chấm dứt vì có Lệnh Đầu Hàng của T.T Dương văn Minh ai về nhà nấy và nói mọi người vừa rồi ai bán được cái gì trên ghe ,bỏ ra chia đều cho các anh em, đó là nghĩa cử chia xẻ tình đồng đội mà bao nhiêu năm nay tôi vẫn nhớ, Tôi được chia khoảng hơn 3000, trên ghe có khoảng 18 lính Nhẩy Dù và 2 TQLC. Chia tay trên đường về chỉ có tôi và TS Mới là cùng đơn vị ĐĐ90, cho mãi đến nay tôi vẫn không nghe và biết tin tức gì về TS Mới cả, Đến CẦU Ông Thìn tôi và anh Mới chia tay. Thế là chấm dứt đời Chiến binh!!! Lúc đó là 12 giờ ngày 30/04/ 75.


Sau này,tôi tình cờ gặp được anh Dũng 93 cùng TĐ hằng năm anh thường lên NTQĐBH thắp nhang cho Th/úy Lượng 93 cũng hy sinh tại Thường Đức tháng 8/74 và các đồng đội khác, đã nhiều lần tôi lên NTQĐBH thắp nhang, xây mộ lại cho các chiến hữu cùng anh Dũng nhưng vẫn không tìm gặp được mộ Hòa, nghĩa trang bây giờ tan hoang lắm ,cái mất mộ bia , cái không còn nắp đậy, viết cho mày những dòng chữ này hy vọng ngày nào đó tao sẽ gặp lại mộ mày xây lại cho mày được ấm cúng hơn. À này Hòa tao cũng lien lạc được “ông thầy” của mày là anh Thiện 94, anh có kể tao nghe lúc mày bị gãy cánh còn anh thì bị thương. 


Trại gia binh nơi ở của chúng mình ở sau 4/75 đã bị đuổi sạch như một tổ chim bị bắn phá những cánh chim “dù” bay tứ tán , tôi đã mất lien lạc với gia đình Hòa và Toàn. Mỗi độ tháng năm về lòng bồi hồi nhớ lại kỷ niệm ngày nhập ngủ của 4 thằng mình, đã 35 trôi qua chiến tranh đã lấy đi hai người bạn thời thơ ấu, ký ức một thời lính chiến vẫn còn đây nhất là bọn mình thế hệ 2 của nhẩy dù mãi mãi không quên, dù nơi đâu và thế nào tôi vẫn là người lính NHẨY DÙ, tinh thần Nhẩy Dù Cố Gắng luôn trong tôi. 


Xin kính cẩn dâng lên nén nhang lòng cho các đồng đội, các chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc./.


Nhẩy Dù 90
Saigon tháng 5 năm 2010

No comments:

Post a Comment