Tháng 9 năm 1965, Thiếu Tá Nguyễn Khoa Nam được đề cử đảm nhiệm chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù thay thế Thiếu Tá Hồ Trung Hậu qua nắm Chiến Đoàn 1 Dù. Được thành lập vào tháng 9 năm 1953, TĐ5ND là tiểu đoàn nổi tiếng và vất vả nhất của Sư Đoàn Nhảy Dù. TĐ5ND là tiểu đoàn độc nhất của Việt Nam nhảy xuống Điện Biên Phủ dù rằng lúc đó các sĩ quan chỉ huy còn là người Pháp. Bị thiệt hại gần hết, tiểu đoàn được tái thành lập sau hiệp định Genève mà các cấp chỉ huy nổi tiếng như Nguyễn Chánh Thi, Ngô Xuân Soạn, Hồ Tiêu, Ngô Quang Trưởng, Hồ Trung Hậu.
Tiểu Đoàn Phó là Đại Úy Nguyễn Viết Cần, bị thương vào đầu năm 1966 và được thay thế bởi Đại Úy Nguyễn Vỹ. Một trong những đại đội trưởng thâm niên là Đại Úy Ngô Lê Tỉnh.
Hành quân An Dân 564 tại Hậu Nghĩa
Hành quân An Dân 564 khai diễn ngày 30 tháng 12 năm 1965 tại vùng tiếp giáp biên giới Miên-Việt thuộc tỉnh Hậu Nghĩa. Đơn vị địch là tiểu đoàn D9 thuộc Công Trường 9, quân số khoảng hơn 200 tên trang bị 2 súng cối 61 ly, 1 DKZ 57 ly, súng phòng không, đại liên và 3 thượng liên cùng các vũ khí cá nhân. Nhiệm vụ của chúng là yểm trợ cho đoàn hậu cần thu gom lúa gạo và các thực phẩm tại vùng này. Địch đặt các chốt rải rác quanh vùng để kịp thời báo động và chặn đánh khi QLVNCH hành quân vào vùng này. Tại khu trung tâm, địch đào các công sự kiên cố và đặt các ổ phòng không chống trực thăng vận.
TĐ5ND được sử dụng như là đơn vị xung kích, trực thăng vận xuống khu trung tâm của địch sau khi phi cơ đã oanh kích và pháo binh đã tác xạ vào khu này. TĐ1ND đổ quân sát biên giới Miên-Việt để chặn đánh đường rút lui của địch đồng thời ngăn chặn không cho địch tăng cường tiếp viện từ biên giới qua.
TĐ5ND đổ quân ngoài đồng trống đã bị địch sử dụng các loại súng cộng đồng bắn xối xả chế ngự mặc dù trước đó phi pháo đã xạ kích vào mục tiêu. Tình trạng rất nguy hiểm, vừa hoàn tất việc đổ quân, tiểu đoàn đã có khoảng 20 chiến sĩ bị thương. Không trù trừ, Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng ra lệnh cho tiền sát viên pháo binh đi theo tiểu đoàn gọi pháo binh bắn đạn khói trước mặt mục tiêu đồng thời cho toàn bộ chuẩn bị xung phong vì nếu chậm trễ tình trạng thương vong sẽ gia tăng.
Trong khoảnh khắc, các khẩu 155 ly và 105 ly đã tạo được màn khói dày đặc trước tuyến phòng thủ của địch. Nhờ màn khói che mắt địch quân, các chiến sĩ TĐ5ND nhanh nhẹn băng đồng ruộng, xung phong tràn vào vị trí địch quân khiến chúng ngơ ngác, hoảng hốt chạy tứ tán. Một số lợi dụng hầm hố kiên cố, cố gắng cầm cự hy vọng lúc màn đêm xuống sẽ dễ dàng lẩn trốn. Nhưng các chiến sĩ ta đâu để chúng yên, từng trái lựu đạn lần lượt tung xuống các hầm còn địch và nhanh chóng khai tử tiểu đoàn D9 Việt Cộng trong đó có viên thủ trưởng.
Kết quả gần 100 địch quân chết tại trận cùng toàn bộ vũ khí nặng. Lúc bấy giờ là 4 giờ chiều, nắng vẫn còn gắt và trải vàng trên đồng lúa vừa chín tới. Tiểu đoàn tiếp tục tung rộng ra để lục soát và kiếm vị trí đóng quân qua đêm cũng như lo bảo vệ bãi đáp để trực thăng xuống di tản các chiến sĩ bị thương và hy sinh, đồng thời nhận tiếp tế đạn dược bổ sung.
TĐ1ND từ hướng biên giới tiến về hướng TĐ5ND. Trên đường tiến quân qua khu đồng ruộng lúa đã gặt rồi, chỉ còn lại những ụ rơm rạ nhỏ rải rác khắp nơi, TĐ1ND đã gặp toán tàn quân của địch đang cố gắng rút lui về biên giới Việt-Miên. Có lẽ trước đó, từ đằng xa, chúng đã thấy quân Nhảy Dù đang tiến về phía chúng. Ruộng trống, địch biết khó có thể lẩn tránh được nên tên chỉ huy ra lệnh gom những đống rơm rạ lại thành một cây rơm lớn giữa đồng và tất cả chun vào trong đó núp. Khi đại đội trưởng đại đội dẫn đầu tiến gần khu có cây rơm, thấy khả nghi, cho toán khinh binh lên xem xét. Bị lộ, địch tung rơm bỏ chạy. Chiến sĩ ta đuổi theo tiêu diệt được 14 tên cùng tất cả vũ khí.
Ngày hôm sau, khoảng giữa trưa thì TĐ1ND từ biên giới giao tiếp được với TĐ5ND. Hai tiểu đoàn tiếp tục ở lại vùng hành quân để bảo vệ cho dân chúng đến gặt lúa và đưa về vùng an ninh. Trong trận này, hai đại đội trưởng có công nhất của TĐ5ND được ân thưởng Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương và thiếu tá tiểu đoàn trưởng cũng được ân thưởng Anh Dũng Bội Tinh với nhành dương liễu.
Hành quân Liên Kết 62 - 66 tại Quảng Ngãi
Khoảng cuối năm 1965, vào dịp lễ Giáng Sinh và Tết Nguyên Đán, tình hình quân sự tại Vùng 1 Chiến thuật tương đối yên tĩnh. Đến cuối tháng 1 năm 1966, Cộng Sản pháo kích vào phi trường Đà Nẳng và phi trường Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại Non Nước bằng súng cối 120 ly. Đây là lần thứ hai Cộng Sản dùng loại súng lớn này để pháo kích các căn cứ quân sự của ta. Sư Đoàn 2 Bộ Binh bắt đầu tăng cường các cuộc hành quân lùng và diệt địch qua các cuộc hành quân Liên Kết. Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã phóng ra cuộc hành quân qui mô Double Eagle gồm 4 tiểu đoàn TQLC lục soát khu vực giữa Quảng Ngãi và Bình Định trong gần 3 tuần lễ để truy lùng dấu vết của Sư Đoàn 325C Bắc Việt nhưng không có kết quả.
Ngay sau đó, dấu vết của một trung đoàn thuộc Sư Đoàn 2 Bắc Việt được ghi nhận trong vùng Tây Bắc của thành phố Quảng Ngãi. Vào ngày 3 tháng 3, cuộc hành quân liên quân Liên Kết 62/Utah được khởi diễn ngay lập tức với các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, Sư Đoàn 2 Bộ Binh Việt Nam với sự tăng cường của 2 Tiểu Đoàn 1 và 5 Dù. Các pháo đội 155 ly và 105 ly của Hoa Kỳ được di chuyển ngay lập tức vào các vị trí yểm trợ và 3 phi đội chiến đấu cơ TQLC/HK sẵn sàng để yểm trợ tiếp cận.
Mặc dù các bãi đáp đã bị oanh tạc tơi bời, đợt trực thăng vận đầu tiên chở hai đại đội của TĐ1ND đã gặp hỏa lực phòng không 12 ly 8 dày đặc của địch quân. Một phản lực cơ F-4 bị bắn rơi và 4 trực thăng vũ trang bị hư hại. Tuy nhiên, đợt đổ quân thứ hai cũng được hoàn tất vào 11 giờ sáng ở ngay chân đồi mà trên đỉnh đồi đó địch đã đào các giao thông hào chằng chịt để bố trí các súng phòng không. Các đại đội của TĐ1ND đã nương theo vùng cây cối rậm rạp, xung phong chiếm được cao điểm 50, tịch thu 2 đại liên phòng không 12 ly 8 và một súng cối 61 ly. Tiểu đoàn 2/7 TQLC/HK cũng được đổ xuống các ngọn đồi cách đó một cây số về phía Nam.
Trong suốt 5 tiếng đồng hồ sau đó, hai tiểu đoàn Việt-Mỹ đánh bật các đợt tấn công liên tiếp của địch từ các ruộng mía dày đặc. Đến chiều thì đạn dược và lựu đạn đã gần cạn. Phía TĐ1ND đã có gần 20 binh sĩ tử thương và hơn 60 bị thương mà chưa tản thương được. Tiểu đoàn 2/7 TQLC/HK bị thiệt hại nặng hơn. Trực thăng tản thương và tiếp tế đạn không đáp xuống được phải thả từ trên cao, đạn dược rơi xuống bị hư hại khá nhiều. TĐ1ND phải tái phối trí các vũ khí và đạn dược tịch thu được của địch cho cuộc phòng thủ đêm. Đến tối, hai tiểu đoàn bạn thiết lập được tuyến phòng thủ với sự yểm trợ của các pháo đội 105 ly để chờ viện binh. Suốt đêm, pháo binh từ Bình Sơn liên tục nã đạn vào các vị trí địch với mức độ 1,000 quả một giờ. Đạn tiêu thụ cấp bách đến nỗi lần đầu tiên, hai đoàn công voa chở đạn dược từ Chu Lai phải khởi hành trong đêm để tiếp tế đạn cho các pháo đội, đạn đưa từng viên từ xe xuống thẳng các khẩu đại bác. Khoảng 11 giờ đêm và rồi lần nữa lúc 3 giờ sáng, địch pháo kích dữ dội và mở hai đợt tấn công ác liệt vào các vị trí của 2 tiểu đoàn 2/7 TQLC/HK và TĐ1ND. Nhờ sự yểm trợ tiếp cận của pháo binh, nhiều khi chỉ cách công sự phòng thủ 200-300 thước, hai đơn vị này giữ vững được vị trí trước các đợt tấn công liên tiếp của địch trong đêm.
Tờ mờ sáng 4 tháng 3, Tướng Jonas M. Platt, Tham Mưu Trưởng Quân đoàn III TQLC/HK điều động thêm một pháo đội 155 ly xuống Bình Sơn, đổ tiểu đoàn 3/1 TQLC/HK xuống cao điểm phía Bắc và tiểu đoàn 2/4 TQLC/HK đổ xuống phía Nam trận địa. Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh Việt Nam điều động Tiểu Đoàn 37 BĐQ và Tiểu Đoàn 1 Trung Đoàn 5 Bộ Binh án ngữ dọc theo đường xe lửa phía Đông đồng thời trực thăng vận TĐ5ND do Thiếu Tá Nguyễn Khoa Nam chỉ huy chỉ huy xuống giữa vị trí 2 tiểu đoàn 2/7 TQLC/HK và TĐ1ND. Địch quân xem như đã bị vây hãm cả ba phía. Các tiểu đoàn tăng viện bắt đầu tiến quân từ ba mặt vào khu vực ruộng mía để giải tỏa áp lực cho hai tiểu đoàn bạn. Bom Napalm được sử dụng tối đa ... Đến trưa, cuộc chiến giảm dần cường độ, những ruộng mía tình nghi là vị trí của địch bị bom Napalm thiêu rụi. Đến đêm, các đại đội địch quân với sự yểm trợ của súng cối và đại liên, cố gắng tấn công các vị trí phòng thủ đêm của TQLC/HK nhưng không đạt được kết quả. Cuộc hành quân xem như chấm dứt vào ngày 6 tháng 3 khi các đơn vị Việt-Mỹ làm chủ các cao điểm, còn tàn quân địch phân tán mỏng rút về vùng rừng núi phía Tây. Sau 4 ngày ác chiến, địch để lại 600 binh sĩ tử trận, liên quân Việt-Mỹ có khoảng 500 người vừa chết vừa bị thương trong đó có 98 TQLC/HK tử trận.
TĐ1ND và TĐ5ND thay vì được về hậu cứ ở Sài Gòn để chỉnh bị và bổ quân quân số thì lại được điều động ngay ra Đà Nẳng rồi Huế vì biến cố Phật Giáo tại miền Trung. Tình hình tại Huế tạm yên, thì hai tháng sau đó TĐ5ND lại được điều động khẩn cấp trở lại Quảng Ngãi vì tin tình báo cho biết một trung đoàn mới của Cộng Sản Bắc Việt, lợi dụng tình hình lộn xộn tại miền Trung, bắt đầu xâm nhập khu vực phía Tây quận Sơn Hà.
Cuộc hành quân Liên Kết 66 khai diễn với Bộ Chỉ Huy nhẹ của SĐ2BB đặt tại núi Tròn, khoảng 10 cây số Tây Bắc Quảng Ngãi. Trong khi bay quan sát với cố vấn trưởng Hoa Kỳ khoảng 15 cây số phía Tây núi Tròn để quyết định vị trí đổ quân, Thiếu Tá Nam đã phát hiện những đám cỏ lau bị rạp xuống, điều này chứng tỏ có đơn vị địch vừa mới di chuyển qua vùng. Sáng sớm hôm sau, toàn bộ TĐ5ND được trực thăng vận xuống các khu đồi thấp phía Tây quận Sơn Hà với mục đích chặn đánh hậu quân của địch trong khi các tiểu đoàn của SĐ2BB được sẵn sàng để tiếp viện khi cần. Năm đại đội liên tiếp đổ xuống trận địa, dẫn đầu bởi hai đại đội 52, 53 do Đại Úy Ngô Lê Tỉnh chỉ huy. Vượt quá sự dự liệu của tình báo, TĐ5ND đụng độ ngay với đơn vị súng nặng và phòng không đang di chuyển. Suốt ngày hôm đó, những trận đánh cận chiến ác liệt đã xảy ra giữa các đơn vị bảo vệ của địch và các chiến sĩ TĐ5ND với sự yểm trợ liên tục của không quân. Trận chiến kết thúc vào buổi chiều và TĐ5ND tịch thu toàn bộ súng nặng và phòng không của địch. Trung đoàn địch, rút kinh nghiệm về sự tổn thất nặng trong cuộc Hành Quân Liên Kết 62 sau khi thấy mất đơn vị súng nặng yểm trợ, đã quyết định phân tán vào vùng núi phía Tây.
Sau các trận này, TĐ1ND và TĐ5ND được tuyên dương trước Quân Đội, Thiếu Tá Nguyễn Khoa Nam được ân thưởng Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương, thăng cấp Trung Tá đặc cách tại mặt trận và lên nắm Chiến Đoàn 3 Dù, giao TĐ5ND cho Tiểu Đoàn Phó là Thiếu Tá Nguyễn Vỹ.
No comments:
Post a Comment