Viễn cảnh như mơ về phòng tắm tương lai
Phòng tắm trong tương lai có thể được trang bị những bức màn nước chiếu tin tức mới nhất trong ngày, cũng như sàn nhà tự thay đổi bề mặt giống như cát hoặc tuyết, tùy theo ý thích của chủ nhân.
Đó chính là mô hình phòng tắm đã được nhà cung cấp Ideal Standard International (trụ sở chính tại Brussels, Bỉ) tổng hợp từ dự đoán của các nhà thiết kế và người theo chủ nghĩa tương lai. Kết quả cũng cho thấy sự thay đổi trong nhận thức con người về một bộ phận đặc biệt trong ngôi nhà mà trước đây chỉ phục vụ cho việc lau rửa và làm vệ sinh của các thành viên gia đình.
Sàn phòng tắm trong tương lai có thể tái tạo cảm giác bước đi trên cát cho người dùng.
Theo đó, nhà tắm có thể được trang bị những tấm màn nước từ vòi sen, cho phép chủ nhân đọc lướt tin tức thời sự hoặc thậm chí xem luôn các đoạn video hoặc đĩa phim yêu thích nếu có thời gian.
Gương tương tác sẽ cung cấp mẹo trang điểm cho từng thành viên, cũng như đảm nhiệm luôn chức năng gọi video cho bạn bè và người thân.
Bên cạnh đó, để biến phòng tắm thành nơi trú ẩn an toàn trước cuộc sống bộn bề bên ngoài và mang lại cảm giác gần gũi thiên nhiên, các chuyên gia nghĩ đến khả năng áp dụng công nghệ xúc giác mới cho phép thay đổi cảm nhận của người sử dụng khi họ lướt chân trên sàn nhà.
Công nghệ này cho phép người dùng điều chỉnh và lập trình sàn nhà để tái tạo lại cảm giác bước chân trên cát mềm mại, hoặc giống như đặt chân trên tảng đá ấm nóng của Địa Trung Hải, hoặc thậm chí cái cảm giác mềm xốp và lành lạnh của tuyết.
Nền nhà còn được thiết kế để biến thành bề mặt dính dưới bàn chân ướt, ngăn chặn tình trạng trơn trượt. Người dùng còn có thể tùy ý chọn mùi hương phù hợp cảm xúc, trong khi các bức tường hóa thành nền cho một khung cảnh hiền hòa của thiên nhiên.
Công nghệ xử lý nước biển thành nước uống
Thiết bị xử lý nước Taprogge Terrawater vừa được thử nghiệm thành công tại vùng biển ở TP HCM có thể cung cấp 5m3 nước uống lọc từ nước biển mỗi ngày cho người dân.
Đây là công nghệ xử lý nước không có hóa chất. Nguyên lý hoạt động cơ bản dựa trên quá trình bốc hơi và ngưng tụ tự nhiên, loại bỏ hoàn toàn những chất độc hại khó xử lý trong nước.
Taprogge Terrawater thiết kế theo module,
đặt gọn trong container 20-40 feet. (Ảnh: Hà Mai)
Hệ thống Terrawater được thiết kế theo dạng kết cấu module và lắp đặt gọn trong container 20-40 feet. Có thể kết hợp nhiều module lại để tăng công suất.
Terrawater xử lý nhiều nguồn nước như nước biển, lợ, nhiễm phèn, nước thải, nước nhiễm thuốc trừ sâu... Hệ thống sử dụng nhiều nguồn năng lượng để xử lý nước như địa nhiệt, năng lượng mặt trời, nhiệt thải tận dụng từ các nhà máy công nghiệp, nhiệt thải từ lò hơi, đầu đốt diesel, máy phát điện...
Taprogge Terrawater lọc nước biển thành nước ngọt theo nguyên
lý bốc hơi và ngưng tụ, không sử dụng hóa chất. (Ảnh: Hà Mai)
Ông Trần Việt Dũng, Chủ tịch tập đoàn EASCO, đơn vị triển khai Taprogge Terrawater tại Cần Giờ, TP HCM, cho biết hệ thống có thể tối ưu năng lượng hoạt động bằng cách tận dụng nhiệt lượng thải ra từ các máy phát điện diesel để xử lý nước.
Khác với công nghệ R.O, Terrawater không "kén" nguồn nước, do vậy không cần phải xử lý nước trước khi đưa vào hệ thống để tiến hành tách muối. Ngoài ra hệ thống cũng không thải chất độc hại ra môi trường.
Bà Trương Thùy Trang, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, đánh giá công nghệ tách muối quy mô nhỏ Taprogge Terrawater rất phù hợp với điều kiện của những vùng ít cư dân, xa xôi hẻo lánh, hải đảo, nơi không có cơ sở hạ tầng hay hệ thống phân phối nước sạch.
Làm sạch nước bằng thuỷ tinh phế liệu
Theo nghiên cứu mới đây của Đại học Greenwich (Anh), các loại thủy tinh bỏ đi có thể tái sử dụng để lọc chất ô nhiễm khỏi nguồn nước ngầm, làm nước sạch hơn.
Tiến sĩ Nichola Coleman và đồng nghiệp.
Tiến sĩ Nichola Coleman, giảng viên cao cấp khoa Hóa học Vật liệu của Đại học Greenwich, dẫn đầu nhóm nghiên cứu, cho biết: “Hiện nay, nhiều loại thủy tinh phế liệu đã được tái chế nhằm nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể thực hiện trên thủy tinh không màu, còn chưa thể áp dụng tái chế với thủy tinh màu. Điều đó khiến lượng rác thải ngày một tăng...”.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành trộn hỗn hợp gồm thủy tinh màu, vôi và natri hydroxit (còn gọi là soda ăn mòn). Tiếp đó, họ làm nóng cho hỗn hợp trên rồi cho vào một hộp kín làm bằng thép không gỉ. Hỗn hợp này chuyển hóa thànhtobermorite, một loại khoáng chất có tác dụng tách các kim loại nặng ra khỏi nước ngầm hoặc nước thải.
Bà Nichola Coleman hy vọng, có thể cho chất tobermorite vào các thiết bị lọc để ngăn chặn ô nhiễm nguồn nước sạch bị lây lan từ những khu vực có nguồn nước bị ô nhiễm trước đó.
“Nghiên cứu phần nào cho thấy công dụng của thủy tinh phế liệu, ít nhất nó cũng có ích. Dùng thủy tinh đã bỏ đi để làm sạch nguồn nước là điều chưa ai từng nghĩ tới” - các nhà khoa học Greenwich cho biết.
Kết quả nghiên cứu này được công bố trên Tạp chí quốc tế về Quản lí Môi trường và Chất thải của Anh.
No comments:
Post a Comment