Võ Long Triều
Photo: Goolge image |
Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ngày càng nóng. Đặc biệt trong tháng 10 năm nay. Khởi sự là ủy ban hợp tác song phương Việt-Phi diễn ra tại Hà Nội do Bộ Trưởng Ngọai Giao hai nước, ông Phạm Bình Minh và ông Albert Rosario, chủ trì ngày 7-10-2011. Hai bên đồng ý xác định rằng việc hợp tác biển và đại dương là cột trụ quan hệ của hai nước. Hai bên thiết lập “đường dây nóng” giữa cảnh sát biển Việt Nam và lực lượng phòng vệ biển Philippines, đồng thời hai bên còn thỏa thuận hợp tác an ninh quốc phòng biển và tuần tiễu chung.
Trước đó ngày 26-9-2011, báo China Daily của Trung Quốc viết bài xã luận lên án Việt Nam và Philippines sử dụng các lực lượng bên ngoài như Ấn Độ và Hoa Kỳ làm chiêu bài để mặc cả và đối phó với Trung Quốc.
Sau khi tàu chiến Ấn Độ ghé cảng Việt Nam và công ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh tỏ ý hợp tác với PetroViệtnam lập tức ngày 20-9-2011, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: Ấn Độ muốn xâm phạm chủ quyền và lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Đồng thời Trung Quốc gởi công điện ngọai giao cho Ấn Độ nhấn mạnh rằng bất kỳ họat động thăm dò hay khai thác nào ở hai lô 127 và 128 trên bờ biển Việt Nam mà không xin phép Trung Quốc là bất hợp pháp.
Về vấn đề biển Đông, Việt Nam đã qui phục Trung Quốc từ lâu, do công hàm của Phạm Văn Đồng năm 1958, do những thỏa hiệp ngầm giữa hai bên, và những sự mua chuộc đút lót khác, tiền bạc hay mỹ nhân kế. Nhưng hiện tình chính trị quân sự quốc tế có chiều hướng thay đổi, Mỹ bao vây Trung Quốc rõ ràng qua sự thân thiện với các quốc gia: Úc Châu, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines, Thái Lan, Đại Hàn, Indonesia, v.v.. Và chính cựu Ngọai Trưởng Mỹ Henry Kissinger công khai xác nhận, Trung Quốc sợ bị Mỹ bao vây.
Việt Nam lợi dụng thế trận mới này dàn xếp hai cuộc viếng thăm: ngày 11-10-2011, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng dẫn phái đoàn 7 bộ trưởng sang Trung Quốc hâm nóng tình hữu nghị, ký thỏa ước 6 điểm “nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên Biển Đông”, trong đó có việc đàm phán song phương, với mục đích vuốt ve hòa hoãn. Cùng ngày Chủ Tịch nước, Trương Tấn Sang lãnh đạo một phái đoàn gồm toàn thứ trưởng đi Ấn Độ với mục đích ký hợp đồng thỏa thuận giữa công ty dầu khí quốc doanh Ấn Độ ONGC Videsh và PetroVietnam, “có hiệu lực 3 năm gồm việc đầu tư, khai thác và cung cấp dầu khí”, hợp đồng có tính cách ràng buộc và hành động hẳn hoi. Người ta đặt nghi vấn, nội bộ đảng cộng sản Hà Nội có mầm mống chia rẽ chăng? Vì thấy Trương Tấn Sang, người đã dám tuyên bố có một bầy sâu trong đảng (ngụ ý sâu tham nhũng), và đảng không chủ trương để Trung Quốc khai thác Bauxite lâu dài. Còn Nguyễn Phú Trong là nhân vật được Trung Quốc tuyển chọn từ lâu. Nhưng cũng có dư luận cho rằng họ là cộng sản cao cấp với nhau cả, biết đâu sự bất đồng bên ngoài chỉ là một thủ đọan phân thân, một chiến thuật phân công, chia trách nhiệm. Một ông thiện Nguyễn Phú Trọng luôn tuân theo lệnh của Trung Quốc và một ông ác Trương Tấn Sang, cứng đầu hành động ngang ngược có tính khiêu khích để gỡ gạc được phần nào hay phần nấy, vì đã lỡ hứa hẹn dâng biển cho Trung Quốc từ lâu. Ngoài ra hành động ngang ngược của Trương Tấn Sang cũng nhằm mục đích xoa dịu được dư luận quần chúng bất bình trước nguy cơ bị Trung Quốc xâm chiếm dần, bị đô hộ kiểu mới, bị “Bắc thuộc” lần thứ tư, làm cho cả nước, khinh khi, phản kháng bộ chính trị đảng là hèn nhát, đó cũng là một nguy cơ khác có thể làm sụp đổ chế độ cộng sản Hà Nội.
* Hai mặt tráo trở với Trung Quốc
Sáu điểm thỏa thuận khởi đầu với điều I, xác nhận tinh thần 16 chữ vàng và 4 cái tốt như sau: Hai bên đứng trên sự “hợp tác chiến lược tòan diện vì sự ổn định lâu dài” trong vùng, hai bên đề cao phương châm “làng xóm tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, và bạn hợp tác tốt”…
Điều III vẫn thuận theo lập trường của Trung Quốc là: “Trong lúc đôi bên đàm phán, hai bên tuyệt đối tôn trọng tuyên ngôn hành vi các bên trên biển Đông (DOC). Đôi bên thông qua bàn hội nghị giải quyết dị biệt.
Điều IV… “Không bên nào có hành động gì để gây nên giải pháp tạm thời kể cả việc khảo cứu và khai thác tài nguyên”.
Trong lúc Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào chứng kiến lễ ký kết 6 điểm nguyên tắc cơ bản tại Bắc Kinh thì tại New Delhi Trương Tấn Sang và Manmohan Singh chứng kiến lể ký hợp đồng thỏa thuận khai thác dầu ở hai lô 127 và 128 trong vùng biển Việt Nam.
Liền sau khi biết tin ONGC Videsh và PetroVietnam ký hợp đồng, lập tức tờ báo của đảng cộng sản Trung Quốc Global Times viết bài xã luận chỉ trích Việt Nam kịch liệt rằng: Mới một ngày sau khi ký thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản với Trung Quốc tại sao Hà Nội ký thỏa thuận với Ấn Độ, họat động thăm dò, khai thác và cung cấp dầu khí? Bài báo có nội dung đe dọa trắng trợn: “Hai nước Ấn Độ và Việt Nam phải biết rõ rằng thỏa thuận này có nghĩa như thế nào đối với Trung Quốc”. Tờ báo viết tiếp: “Sự ký kết này cho thấy tinh thần hai mặt của Hà Nội hay là một sự bất đồng trong đội ngũ các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam”. Và dự án thăm dò dầu khí này có động cơ chính trị mạnh mẽ. Sự phản đối bằng miệng của Trung Quốc không được để ý tới. Nên Trung Quốc cần phải có hành động mạnh mẽ và thực tế để khiến cho những dự án đó phải thất bại.
Sự giận dữ của Trung Cộng khiến ngọai trưởng nước này khẳng định chủ quyền của họ trên Biển Đông không thể tranh cãi. Sự đe dọa hành động mạnh mẽ của Trung Quốc sẽ dẫn đến sự gia chạm bằng vũ lực hay không? Người ta chưa thể tiên đóan được khi mà Chủ Tịch Trương Tấn Sang tuyên bố với hãng thông tấn Ấn Độ PTI: Việt Nam cam kết sẽ bảo vệ quyền lợi các quốc gia nào hợp tác khai thác đầu hỏa với PetroViệt Nam. Trong khi đó Ấn Độ công khai bác bỏ sự cảnh cáo của Trung Quốc và Hà Nội đã chấp thuận cho Ấn Độ sử dụng cảng Nha Trang và hiện diện ở Vịnh Hạ Long.
* Hai mặt tráo trở với Phi Luật Tân
Sự kiện điều III của bản văn ký kết về “nguyên tắc cơ bản” ghi rằng: “Đôi bên thông qua bàn hội nghị giải quyết dị biệt”. Như vậy có nghĩa là Việt Nam và Trung Quốc sẽ đàm phán song phương, điều này đi ngược với lập trường của các nước ASEAN chủ trương đàm phán đa phương bởi vì nhiều nước tranh chấp chủ quyền của các quần đảo trên Biển Đông là Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan chớ không phải chỉ có Trung Quốc và Việt Nam. Sự thỏa thuận có tính cách “xé rào”, “tráo trở” của Việt Nam làm báo chí Philippines, đặc biệt tờ Daily Inquirer ở Manila, chỉ trích Việt Nam nặng nề. Tờ báo viết rằng “từ lâu Philippine đã nhấn mạnh phải đứng chung nhiều nước để đối phó với tham vọng bành trướng của một quốc gia lớn nhứt, mạnh nhứt trong khu vực”. Báo chí Philippines đặt câu hỏi tại sao Việt Nam đã từng ký kết trong bản “thỏa hiệp nguyên tắc ứng xử năm 2002 mà bây giờ hành động trái ngược”?
Tồng Thống Benigno Aquino tuyên bố sẽ chờ gặp Chủ Tịch Trương Tấn Sang vào cuối tháng này để bàn thảo về thái độ của Việt Nam. Ông tuyên bố: “Lập trường của chúng tôi là giải pháp đa phương. Mọi sự giải quyết song phương không tòan diện, sẽ không phải là một giải pháp”. Lời tuyên bố chí lý, bởi vì nếu Việt Nam thuận nhường một đảo con nào đó cho Trung Quốc mà Philippines đòi giành lấy, hay Malaysia hoặc Brunei không chấp nhận, thì vấn đề tranh chấp sẽ còn nguyên vẹn, đúng như lời phát biểu của Tổng Thống Aquino: Giải quyết song phương không phải là một giải pháp.
Thêm một biến chuyển mới là ngày 15-10-2011 tờ báo Nhật Bản Yomioru Shimbun loan tin: “Nhật bản và ASEAN sẽ nỗ lực lôi kéo Việt Nam và Philippines vào họat động chung tạo một mạng lưới an ninh hàng hải trên Biển Đông để ngăn chận ảnh hưởng của Bắc Kinh”.
Người ta chờ xem còn nhiều biến chuyển mới sau cuộc hội kiến giữa Benigno Aquino và Trương Tấn Sang, đặt biệt khi ONGC Videsh và PetroVietnam nhứt định sẽ khoan đầu tại hai lô 127, 128 nằm trong hải phận Việt Nam. Chắc chắn Trung Quốc sẽ phản ứng. Bằng cách nào? Nhẹ nhứt là cắt dây cáp. Ấn Độ sẽ không cúi đầu chịu nhịn như sự việc đã xẩy ra cho Bình Minh 2 và Viking 2 của Hà Nội? Vậy thì sẽ có nổ súng hay không? Và Trung Quốc sẽ đánh một trận nhỏ để tránh một trận lớn như báo chí của họ đã tuyên bố hay không? Chờ xem.
Sự tiên đoán của ký giả Susan Lawrence viết trên báo US News and World Report năm 1992: “Trung Quốc không hề từ bỏ ý định chiếm lĩnh tòan bộ các quần đảo ở Biển Đông, gồm khoảng 500 hòn đảo lớn nhỏ, một vùng được ước đoán có nhiều dầu hỏa và khí đốt, vì vậy nếu có nổ súng trên thế giới trong những năm sắp tới, có nhiều hy vọng điều đó sẽ xẩy ra tại vùng này”. Lời tiên đoán của Susan Lawrence đúng hay sai? Chưa ai có thể trả lời dù biết rằng hải quân Ấn Độ mạnh hơn hải quân Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment