Tuesday, October 25, 2011

* Bình minh mới của khí cầu quân sự


Nhờ khoa học kỹ thuật hiện đại, khí cầu sẽ được con người tin tưởng trong vai trò pháo đài bay của tương lai. 

Khí cầu bay Zeppelin, hay còn gọi là phương tiện bay nhẹ hơn không khí (LTAV - Lighter than Air Vehicle) đang được các quan chức quân sự thế giới để mắt đến như một phương tiện vận chuyển, trinh sát giá rẻ với nhiều ưu điểm vượt bậc so với các loại máy bay hay UAV hiện đại.

Theo Alan Metzger, phó giám đốc LEMV (Long Endurance Multi-Intelligence Vehicle), chương trình nghiên cứu chế tạo khí cầu trinh sát của công ty Northrop Grumman, những chiếc LTAV có nhiều ưu điểm so với máy bay truyền thống về khả năng hoạt động liên tục, tải trọng, tầm hoạt động, khả năng sống sót trên chiến trường, sự linh hoạt và giá cả bảo dưỡng, vận hành.

Metzger cho biết, chắc chắn những chiếc LTAV sẽ thay thế máy bay đảm nhận nhiều nhiệm vụ trên chiến trường tương lai, đặc biệt là trinh sát và vận tải.

Với công nghệ chế tạo LTAV ngày càng phát triển, những chiếc khí cầu máy này sẽ chịu trách nhiệm chính thực hiện các nhiệm vụ trinh sát dài ngày hay vận chuyển các kiện hàng siêu trọng, ngoại cỡ.

Khí cầu máy (zeppelin) đã là hình ảnh quen thuộc trong các bộ phim khoa học viễn tưởng hay trò chơi điện tử.


Trong các nhiệm vụ trinh sát, giám sát, cảnh báo sớm (ISR), LTAV vượt xa các loại máy bay về thời gian hoạt động, kể cả các loại UAV.

Nếu như UAV trinh sát RQ-4 Global Hawk đang giữ kỷ lục về thời gian hoạt động liên tục trong 30 giờ thì con số này cũng không có ý nghĩa khi so sánh với khoảng thời gian 3 tuần của một chiếc LTAV.

Theo ông Metzger, LTAV có thể đảm nhận được công việc thay cho 25 chiếc máy bay trinh sát truyền thống thuộc loại hiện đại nhất mà Quân đội Mỹ đang sở hữu.

Mức độ tiêu thụ nhiên liệu của LTAV cũng nằm ở mức thấp kỷ lục, chỉ tốn 17 lít/giờ, tương đương với mức tiêu thụ của một chiếc máy cắt cỏ và thấp hơn rất nhiều so máy bay trinh sát như E-2 Hawkeye (2,19 tấn/giờ).
Khí cầu máy cũng có khả năng hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu, có khả năng cất cánh và hạ cánh trên các bề mặt gồ ghề không cần sự chuẩn bị thay vì yêu cầu bắt buộc phải có đường băng như phần lớn các loại máy bay trinh sát khác.

Ngoài ra, giá thành bảo dưỡng của khí cầu máy cũng rất rẻ vì cấu tạo phương tiện này khá đơn giản, có thể thay thế các bộ phận trong thời gian ngắn.
Cũng nhờ tải trọng lớn, một chiếc khí cầu trinh sát có thể mang theo nhiều loại radar và camera cỡ lớn, công suất mạnh giúp tăng khả năng trinh sát và cảnh báo sớm lên nhiều lần.

Ngoài ra, một chiếc khí cầu vận tải cũng dễ dàng chuyên chở được lượng hàng hóa lên tới 1.000 tấn, vượt xa khả năng chuyên chở của chiếc máy bay lớn nhất hiện nay An-225 Antonov với khả năng chở 250 tấn hàng.

So sánh thời gian hoạt động liên tục của LEMV với máy bay trinh sát không người lái RQ-4 Global Hawk và máy bay trinh sát E-8C.



So sánh tải trọng hàng hóa của khí cầu vận tải HAV-606 với máy bay vận tải C-17 và C-130 trong quân đội Mỹ.


"Con mắt không chớp" của Quân đội Mỹ

Hiện tại, có nhiều chương trình nghiên cứu ứng dụng khí cầu với sự tham gia của nhiều cường quốc quân sự.

Tại Mỹ, công ty Northrop Grumman đã thắng thầu một hợp đồng trị giá tới 517 triệu USD để phát triển chương trình LEMV nhằm chế tạo ra một “con mắt không bao giờ chớp” trên bầu trời cho quân đội Mỹ.

Một trong những sản phẩm của chương trình này được đặt tên theo tên chương trình phát triển LEMV là kết quả của sự hợp tác giữ Northrop Grumman và công ty sản xuất khí cầu máy HAV của Anh.

Một chiếc LEMV có khả năng hoạt động thay thế cho 25 chiếc máy bay trinh sát.


LEMV có độ dài 90 m và mang theo nhiều loại khí tài trinh sát khác nhau với tổng khối lượng tới 1.134 kg. 40% lực nâng của LEMV đến từ phần thân chứa khí nhẹ dược làm bằng sợi cường lực, 60% còn lại được hỗ trợ bởi 4 động cơ có khả năng thay đổi hướng lực đẩy.

Khí cầu trinh sát LEMV có thể hoạt động theo nhiều cơ chế như có người lái trực tiếp, điều khiển từ mặt đất hay hoạt động tự động hoàn toàn.

Khí cầu đầu tiên loại này có tên HAV-304 sẽ được giao cho quân đội Mỹ vào tháng 12/2011, bay từ Mỹ tới Afghanistan, sau đó sẽ thực hiện nhiệm vụ trinh sát tại đây trong chế độ điều khiển từ mặt đất hay tự động hoàn toàn.

HAV-304 có thể hoat động với nhiều chế độ lái bởi phi công, điều khiển từ mặt đất hay tự động hoàn toàn.


Khí cầu trinh sát LEMV thực ra cũng mới chỉ là bước đầu trong tham vọng phát triển khí cầu trinh sát của Mỹ khi 2 cơ quan nghiên cứu DARPA và ISIS của nước này đang phát triển một loại khí cầu có khả năng hoạt động liên tục trong 1 năm, có khả năng điều phối chiến trường trên không trong bán kính 600 km và 300 km đối với các đơn vị trên mặt đất.

Một loại khí cầu trinh sát khác cũng được phát triển song song với LEMV, đó là HALE-D (High-Altitude Long-Endurance Demonstrator) của Lockheed Martin.

HALE-D được phát triển với mục đích làm tổng đài trung chuyển thông tin trên chiến trường cho các binh sĩ đang đóng quân tại Afghanistan.

Khí cầu HALE-D của Lockheed Martin sẽ phục vụ như một tổng đài xử lý và trung chuyển thông tin ở độ cao 18 km trên không.


Với độ dài 76 m, HALE-D được thiết kế với khả năng hoạt động hoàn toàn tự động ở độ cao 18 km. Tuy nhiên, trong một cuộc thử nghiệm thực địa tại Akron, Ohio vào tháng 7/2011, HALE-D đã gặp trục trặc khi bay tới độ cao 9 km và phải hạ cánh khẩn cấp tại Pensylvania.

Thực hiện cùng lúc với các dự án khí cầu trinh sát là các dự án chế tạo khí cầu vận tải.

Giải pháp của Lockheed Martin trong lĩnh vực này là một loại khí cầu máy lai máy bay có tên P791. Biến thể khí cầu thử nghiệm có độ dài 180 m, tuy nhiên khi sản xuất thực tế, nó sẽ được sản xuất với nhiều phiên bản khác nhau có khả năng chở từ 20, 50 cho đến 500 tấn hàng hóa.

Với loại khí cầu này, một lữ đoàn quân đội với đầy đủ trang bị có thể được vận chuyển trực tiếp từ Mỹ tới chiến trường này trong thời gian ngắn.

Khí cầu vận tải P791 có chiều dài 180 m và có thể chở tối đa 500 tấn hàng hóa.

Bên cạnh Lockheed Martin, liên doanh giữa Northrop Grumman và HAV cũng cho ra đời hàng loạt các biến thể khí cầu vận tải với nhiều tải trọng khác nhau.

Biến thể HAV-266 có trọng tải 20 tấn có khả năng chở theo các kiện hàng hạng nhẹ và trung bình.

Biến thể HAV-366 có khoang chở hàng mang theo cả xe bọc thép và biến thể lớn nhất HAV-606 được thiết kế với một khoang hàng ở giữa cùng nhiều khoang chở lính riêng biệt.

Ngoài ra, liên doanh này cũng phát triển biến thể khí cầu chở hàng với trọng tải tới 1.000 tấn.


Với khí cầu vận tải hiện đại, một lữ đoàn quân với đầy đủ trang bị có thể được chở trực tiếp đến chiến trường trong vòng không đến một ngày.


Bên cạnh nhiều lợi ích không thể chối cãi của khí cầu, một số ý kiến cũng lo ngại về độ an toàn của phương tiện này, nhất là khi nó phải đối mặt với nhiều loại vũ khí phòng không của đối phương.

Tuy nhiên theo cả Metzger và Gordon Taylor, người phát ngôn của HAV, thời đại những chiếc khí cầu máy có thể nổ tung chỉ với một viên đạn đã là quá khứ.

Theo Metzger, những chiếc khí cầu ngày nay được làm bằng những loại vật liệu tiên tiến và cực kỳ bền. Loại sợi làm vỏ khí cầu có sức đàn hồi tốt và chênh lệch áp suất bên trong khí cầu và bên ngoài cũng rất nhỏ, chỉ cỡ 0,007 atmosphere, do đó việc trúng vài viên đạn phòng không đối với chúng cũng không phải vấn đề lớn.

Ngoài ra, các khí cầu ngày nay được nạp khí trơ, chẳng hạn như heli, khiến khí cầu khó gặp phải hỏa hoạn như các loại được nạp bằng hydro trong lịch sử. Hơn nữa, quả cầu chứa khí được chia thành nhiều khoang cũng làm tăng đáng kể độ an toàn.

Trong một thử nghiệm độ bền, LEMV đã phải đối đầu với nhiều loại súng phòng không và tên lửa khác nhau. Taylor cho biết, khí cầu mà công ty sản xuất sẽ hạ cánh an toàn ngay cả khi trúng vài phát đạn pháo hay tên lửa.

Với khả năng hoạt động linh hoạt với nhiều nhiệm vụ khác nhau ngoài trinh sát, vận tải như chống mìn, bệnh viện di động, sở chỉ huy trên không, tuần thám biển..., có vẻ bình minh của thời đại khí cầu nay mới thực sự bắt đầu
An Thái (theo Jane's Defence)

No comments:

Post a Comment