Monday, October 24, 2011

* TẠI SAO IRAN ÂM MƯU GIẾT ĐẠI SỨ SAUDI ARABIA


Trúc Giang MN
 
1* Nguyên nhân
Hai năm trước đây, Wikileaks tiết lộ một công điện đề ngày 20-4-2008 do Đại sứ Adel al-Jubeir trao cho nhà ngoại giao Hoa Kỳ tại thủ đô Riyadh, nội dung là nhà vua Saudi Arabia, Abdullah muốn Hoa Kỳ không tập cơ sở Uranium của Iran, nhà vua nói “Hãy chặt đầu con rắn nầy”. Riêng Đại sứ Jubeir là một trong những tiếng nói chống Iran mạnh mẽ nhất.
Sau khi Bộ Tư Pháp và FBI tiết lộ âm mưu của Iran nhằm ám sát Đại sứ Jubeir, thì dân biểu Mike Rogers, Chủ tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện, cho báo chí biết, công điện nói trên chỉ là một trong những nguyên nhân của âm mưu ám sát, vì Iran và Saudi Arabia đã căng thẳng từ lâu và tình thế đã đến lúc chin muồi. Đó là âm mưu tổ chức ám sát. 
Dân biểu Rogers nói tiếp, “Ngoài al-Qaeda ra, chỉ có lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran (The Islamic Revolutionary Guards) có chủ trương nhúng tay vào máu của công dân Hoa Kỳ mà thôi”.
Theo tiết lộ của Tình báo Tài chánh Mỹ, thì lực lượng Quds bị lộ diện, khi chuyển giao tiền bạc để trả cho việc thuê các sát thủ thuộc tổ chức ma túy Mexico thực hiện việc ám sát bằng bom.
Các hoài nghi về âm mưu tấn công của Iran đã được chú ý và theo dõi trong nhiều năm qua. Báo chí kể lại, giữa năm 2002 và 2006, chính quyền TT Bush đã trục xuất 6 nhà ngoại giao  Iran làm việc tại LHQ, về việc do thám đường xe điện ngầm ở New York. Năm 2004, Nghị sĩ Chuck  Schumer nêu nhận xét, “Tôi không thấy có lý do chính đáng nào  để thu hình Video hoạt động về đêm của xe điện ngầm, mà người Iran đã thực hiện”.
Vì Iran chủ trương tiêu diệt Do Thái mà HK ủng hộ và bảo vệ Do Thái, cho nên HK và các đồng minh Á Rập Hồi giáo ôn hòa như Ai Cập, Jordan và nhất là Saudi Arabia, trở thành kẻ thù của Iran.
Đó là những lý do khiến cho Iran căng thẳng với Saudi Arabia.
 
2* Hoa Kỳ công bố âm mưu Iran ám sát Đại sứ Adel al-Jubeir
Hôm thứ ba 11-10-2011, chính quyền HK cho biết đã phá vở một âm mưu ám sát Đại sứ Saudi Arabia bằng bom trên đất Mỹ.
Trong cuộc họp báo, Giám đốc FBI, Robert Mueller cho biết, 2 người thực hiện âm mưu ám sát là Manssor Arbabsiar, 52 tuổi, người Iran nhập tịch Mỹ, có 2 hộ chiếu Hoa Kỳ và Iran, bị bắt tại phi trường Kennedy ngày 29-9-2011. Người thứ hai trong âm mưu là Gholam Shakuri, được biết là một thành viên của Vệ Binh Cách Mạng Iran, hiện đang tại đào, sống ở Iran.
Bị cáo buộc hai tội, là âm mưu xử dụng vũ khí giết người hàng loạt (bom) và có hành động khủng bố. Cũng trong buổi họp báo, Bộ trưởng Tư Pháp, Eric Holder cho biết, kẻ chủ mưu là đơn vị Quds, trực thuộc lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran. Ông nói “Các quan chức cao cấp Iran phải chịu trách nhiệm về âm mưu nầy”.
Các giới chức chống khủng bố cho rằng việc mưu sát ĐS Adel al-Jubeir sẽ mở màng cho một chiến dịch mang tên “Chiến dịch Liên minh Đỏ” trên đất Mỹ, bao gồm việc đánh bom các Sứ quán Saudi Arabia, Do Thái và Argentina ở thủ đô Washington.
 
3* Các biện pháp trừng phạt ban đầu
Bộ Tài Chánh Mỹ thông báo các biện pháp trừng phạt 5 cá nhân có liên quan đến âm mưu ám sát là Manssor Arbabsiar, Gholam Shakuri (tại đào), Abdul Reza Shahlai, Qasem Soleimani và Hamed Abdollahi.
Bộ Ngân Khố Mỹ đã quyết định cấm vận hảng hàng không thương mại Mahan Air của Iran, cho rằng hảng nầy đã cung cấp tiền bạc và phương tiện cho lực lượng Quds.
Thứ trưởng Tài Chánh Mỹ, phụ trách tình báo khủng bố và tài chánh, ông David Cohen, khẳng định: “Một lần nữa, Iran lại xử dụng Vệ Binh Cách Mạng và hệ thống tài chánh quốc tế, lần nầy nhắm vào nhà ngoại giao Saudi Arabia”.
Hoa Kỳ hiện đang vận động quốc tế thông qua một đạo luật mở rộng việc trừng phạt Iran.
Các viên chức Mỹ cho rằng Lãnh Tụ Tối Cao Ayatollah Ali Khamenei và người đứng đầu lực lượng Quds, phải biết rõ vụ nầy vì họ là những cấp chỉ huy trực tiếp của Quds.
Ngày 12-10-2011, Tổng thống Barack Obama đã gọi âm mưu nầy “là một sự vi phạm trắng trợn luật pháp Mỹ và luật quốc tế về việc bảo vệ các nhà ngoại giao”.
Quốc vương Saudi Arabia, Abdullah cũng nhất trí với Tổng thống HK rằng, âm mưu nầy đã vi phạm trắng trợn vào thông lệ, đạo lý và luật pháp quốc tế.
Từ Luân Đôn, hoàng tử Saudi Arabia, Turki al-Faisal nói rằng “Các bằng chứng đã quá rõ ràng cho thấy các quan chức Iran phải trả giá”.
Bà Rosemary Hollis, Giám đốc nghiên cứu Trung đông của Đại học City London nêu nhận xét: “Khó mà nói được âm mưu nầy quan trọng đến bực nào, nhưng những cáo buộc của HK là dấu hiệu nghiêm trọng về một thời kỳ bất ổn và tiềm tàng nguy hiểm sắp tới”.
Bộ ngoại giao HK sẽ ra một cảnh báo cho những công dân HK về việc đi lại trên thế giới, vì lo ngại những hành động bài Mỹ sẽ nhắm vào những thường dân nầy. Cảnh báo sẽ có hiệu lực kể từ ngày 11-1-2012. Điều nầy cho thấy, nhiều việc nghiêm trọng có thể sẽ xảy ra.
Một bản tin trên tờ Việt Báo Online ngày 18-10-2011 với cái tựa đề “Tướng Mỹ: Đánh Iran Giải Thể Quân Quds”. Trong đó, tướng hồi hưu Jack Keane, một trong những kế hoạch gia về chiến lược chống nổi dậy tại Iraq và Afghanistan, gợi ý: “Hk nên hành động mạnh hơn và dùng giải pháp quân sự. Ông muốn giải thể lực lượng Quds của Vệ Binh Cách Mạng Iran-dùng quân sự công khai chống lại Quds, nghĩa là giết và phá hủy căn cứ của họ”.
 
4* Phản ứng của Iran
Ngày 15-10-2011, trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia, Lãnh Tụ Tối Cao, Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei cho rằng, những “cáo buộc của HK là vô nghĩa và lố bịch, nhằm mục đích gây chia rẻ giữa Iran và Saudi Arabia. HK muốn cô lập Iran, nhưng chính HK đang bị cô lập”.
Đại sứ Iran tại LHQ, M. Khazaee chỉ trích HK là hiếu chiến. Trong bức thơ gởi cho TTK/LHQ Ban Ki-moon và cho HĐ/BA/LHQ có đoạn “Iran luôn luôn mong muốn một thế giới không có chủ nghĩa khủng bố. Hành động hiếu chiến và cổ máy chống Iran của HK là một đe dọa cho Iran và cho hoà bình trong vùng Vịnh Ba Tư.”
 
5* Tổng quát về nước Iran
Nước Iran nằm trong Vịnh Á Rập, có biên giới chung với Iraq, Afghanistan, Pakistan, Thổ Nhỉ Kỳ, Armenia.
Diện tích: 1,648,000 Km2.
Dân số: 70 triệu. (2006) 90% là người Hồi giáo hệ phái Shiite.
5.1. Hệ thống chính trị của Iran
5.1.1. Chức vụ Lãnh Tụ Tối Cao
Lãnh Tụ Tối Cao hiện tại là Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, nắm giữ tất cả quyền lực quốc gia. Là Tổng Tư Lịnh quân đội và các lực lượng an ninh tình báo. Quyết định chính sách ngoại giao và nắm độc quyền tuyên chiến. Lãnh Tụ Tối Cao được Hội Đồng Chuyên Gia, gồm 86 giáo sĩ Hồi giáo bầu ra, nhiệm kỳ 7 năm.
Lãnh Tụ Tối Cao chỉ định và bổ nhiệm các cấp chỉ huy quân đội, an ninh tình báo, cảnh sát, truyền thanh, truyền hình.
5.1.2. Hội Đồng Chuyên Gia
Là một cơ quan gồm 86 giáo sĩ được gọi là “đạo đức và thông thái” do toàn dân bầu lên, nhiệm kỳ 8 năm. Hội Đồng Chuyên Gia bầu ra chức vụ Lãnh Tụ Tối Cao và có quyền cách chức, chức vụ nầy bất cứ lúc nào. Hội Đồng Chuyên Gia họp mỗi năm một lần, kéo dài một tuần lễ.
5.1.3. Chức vụ Tổng thống Iran
Tổng thống là chức vụ cao nhất trong ngành hành pháp, do phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 4 năm. Vị trí quyền lực của tổng thống đứng hàng thứ hai, sau Lãnh Tụ Tối Cao. Chính phủ gồm có 8 Phó tổng thống và 21 bộ trưởng.
 
6* Vệ Binh Cách Mạng
Vệ Binh Cách Mạng (VBCM) là một trong lực lượng võ trang của Iran. Quân số khoảng 200,000 người. Là một đạo quân rất tinh nhuệ, độc lập với quân đội Iran. Ngoài sức mạnh về quân sự ra, VBCM giữ một vai trò rất quan trọng về chính trị và kinh tế của Iran.
Hoa Kỳ đã xếp VBCM vào danh sách các nhóm khủng bố QT, bởi vì đơn vị Quds đã huấn luyện, cung cấp vũ khí cho các nhóm khủng bố QT như Hezbollah, Hamas, quân nổi dậy ở Iraq và Afghanistan…
VBCM có bộ binh, không quân, hải quân và lực lượng đặc biệt riêng, độc lập với quân đội Iran. VBCM điều khiển hệ thống hỏa tiển, quan trọng nhất là hỏa tiển đạn đạo, tầm xa Shalab-3.
VBCM đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Lãnh Tụ Tối Cao Khamenei. Trung tướng Mohammed Ali Aziz Jafari là người thân cận nhất của Khamenei được cử làm Tư lịnh lực lượng nầy.
VBCM hoạt động kinh doanh, có nguồn lợi thu nhập ổn định. Năm 2006, giành được hợp đồng trị giá 2.09 tỷ USD tại khu mỏ dầu lớn nhất Iran ở South Pars. Một hợp đồng 1.3 tỷ USD xây dựng đường ống dẫn nhiên liệu đến Pakistan. Dự án mở rộng đường xe điện ngầm, đường sắt cao tốc, xây bến cảng, xây con đập cho nhà máy thủy điện…Để tránh cấm vận, VBCM đã thành lập và đứng phía sau các công ty có tên khác nhau.
 
7* Lực lượng Quds
Lực lượng Quds (còn gọi là Qods Force) là một đơn vị đặc biệt của Vệ Binh Cách Mạng Iran, có nhiệm vụ hoạt động ở nước ngoài. Ayatollah Khamenei trực tiếp lãnh đạo và người chỉ huy là Thiếu tướng Qasem Suleimani. Quân số ước lượng 15,000. Sau chiến tranh Iran-Iraq ở những năm 1980, lực lượng Quds được thành lập để tiếp tục đánh phá Iraq bằng cách hỗ trợ mọi mặt cho sắc tộc Kurds, đánh lại Saddam Hussein. Quds hoạt động ở nước ngoài, từ Afghanistan, Bosnia, Pakistan, Ấn Độ, Thổ Nhỉ Kỳ, Jordan…để hỗ trợ các nhóm Hồi giáo cực đoan thực hiện khủng bố.
Tờ Los Angeles Times báo cáo, nhiều nhà quan sát cho rằng Quds là một lực lượng tốt nhất thế giới, gồm những con người cực kỳ tài giỏi (extremely talented). Lực lượng Quds chỉ dưới quyền Lãnh Tụ Tối Cao Ali Khamenei mà thôi. Hoa Kỳ đã xếp nhóm nầy vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế.
 
8* Cương quyết sản xuất vũ khí nguyên tử
Mặc dù bị cấm vân kinh tế, nhưng Iran cương quyết không từ bỏ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Cơ quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế (The International Atomic Energy Agency-IAEA) của LHQ cho hay, họ có đủ bằng chứng cho thấy Iran vẫn tiếp tục chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân. 
8.1. Bắc Hàn cung cấp công nghệ hạt nhân cho Iran 
Ngày 22-7-2011, một viên chức an ninh hàng đầu của Anh cho biết, Bắc Hàn và Iran đang hợp tác chế tạo hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử. Bình Nhưỡng đã bán công nghệ làm giàu Uranium (Uranium enrichment program) và giúp chế tạo hoả tiễn mang đầu dạn hạt nhân. Đó là nguồn lợi chính của Bắc Hàn.
8.2. Trung Quốc giúp Iran phát triển vũ khí hạt nhân
Hồi tháng 10 năm 2010, tờ Washington Post dẫn lời của một viên chức cao cấp Mỹ cho hay, HK vừa mới gởi cho Bắc Kinh một danh sách những công ty và ngân hàng TQ đã vi phạm lịnh cấm vận của LHQ, về việc trừng phạt chương trình vũ khí hạt nhân của Iran. Đó là TQ giúp Iran nâng cấp công nghệ hỏa tiễn và phát triển vũ khí nguyên tử. Bắc Kinh có khả năng sửa chữa, nâng cấp và cải tiến các loại vũ khí mà Nga đã cung cấp cho Iran trước kia.
Nghị Quyết số 1929 của HĐ/BA/LHQ cấm cung cấp cho Iran tất cả những loại vũ khí thông thường và những phụ tùng thay thế cho những thứ vũ khí đó, bao gồm xe tăng, xe bọc thép, pháo cở lớn, phi cơ chiến đấu, trực thăng quân sự, tàu chiến, hoả tiễn và hệ thống phóng hỏa tiễn. TQ và Nga đã ký tên vào NQ đó, nhưng qua những mánh mung, lươn lẹo, TQ đã bán kỹ thuật cho Iran như đã nói trên.
 
9* Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad
Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad (hay là Mahmud Ahmadinejad), sinh ngày 28-10-1956, là con của người thợ rèn. Lấy bằng thạc sĩ năm 1986, tiến sĩ năm 1997.
Ông chủ trương đưa nước Iran lên thành một cường quốc ngang hàng với những cường quốc hiện tại. Chủ trương tiêu diệt Do Thái. Đẩy mạnh quan hệ với Nga, Venezuela và Syria, chống Hoa Kỳ mạnh mẽ nhất. Bị thế giới lên án vì chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử và thái độ hống hách, khiêu khích các quốc gia Tây Phương
9.1. Chống Hoa Kỳ
Năm 2005, báo New York Times đăng bài viết về Ahmadinejad đã tham gia bắt cóc nhân viên Sứ quán HK ở Iran năm 1979. Ahmadinejad phủ nhận, nhưng những con tin đã nhớ rõ chính hắn đã trực tiếp thẩm vấn họ. Đại tá Charles Scott, Trung tá David Roeder, người lính TQLC Kevin Hermening và cựu sĩ quan tình báo ở Toà Đại sứ, William J. Daugherty là những con tin nạn nhân của Ahmadinejad, đã xác nhận chính hắn là hung thủ.
9.2. Nói thêm về vụ bắt cóc con tin năm 1979.
Chính Mahmoud Ahmadinejad là một trong 5 sinh viên đã xách động 500 sinh viên cùng với đám đông người Hồi giáo, do Giáo chủ Ayatollah Ruhollah Khomeini lãnh đạo, đã biểu tình chiếm Toà Đại sứ và bắt tất cả nhân viên làm con tin. Đó là sự kiện Khủng Hoảng Con Tin năm 1979.
9.2.1. Khủng Hoảng Con Tin.
Là khủng hoảng ngoại giao giữa HK và Iran, trong đó 52 công dân HK trong Toà Đại sứ bị bắt làm con tin kéo dài 444 ngày, kể từ 4-11-1979 đến 20-1-1981. (1 năm 2 tháng 19 ngày)
9.2.2. Nguyên nhân
Nhà vua Mohamed Rezza Pahlavi của Iran là một đồng minh thân cận nhất của HK ở Trung Đông. Vua Pahlavi cai trị độc tài, hà khắc cho nên đa số người Hồi giáo do Ayatollah Ruhollah Khomeini lãnh đạo, làm cuộc cách mạng năm 1979, lật đổ chế độ phong kiến và nhà vua phải chạy ra nước ngoài sống lưu vong.
Ngày 22-10-1979, Tổng thống Jimmy Carter cho phép vua Pahlavi được vào nước Mỹ để tỵ nạn chính trị và trị bịnh ung thư. Việc nầy làm cho Hồi giáo Iran nổi giận, cộng thêm việc HK ủng hộ vua Pahlavi trong một thời gian dài trước kia, cho nên đám sinh viên cùng với dân chúng người Hồi giáo biểu tình, xâm nhập toà Đại sứ và bắt tất cả nhân viên làm con tin.
Mahmoud Ahmadinejad, Tổng thống Iran hiện nay, là một trong năm sinh viên đầu não tổ chức chiếm toà Đại sứ và bắt cóc con tin. Đám sinh viên được Giáo chủ Ayatollah Khomeini ủng hộ.
52 nhân viên trong Toà Đại sứ bị bắt. Cộng thêm 3 người Mỹ làm việc ở Bộ Ngoại Giao Iran và những người khác nâng tổng số con tin lên 66 người.
Bắt giữ con tin để đòi HK thực hiện 4 điều sau đây:
1. Trao trả nhà vua Pahlavi để Iran xét xử.
2. Hoàn trả tài sản của nhà vua ở HK cho nhân dân Iran.
3. Nhìn nhận lỗi lầm của HK trong quá khứ và phải đưa lời xin lỗi.
4. Cam kết sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của Iran nữa.
Ngày 15-12-1979, vua Pahlavi rời khỏi HK đi Panama và đã chết ở đó.
Những con tin bị trói, bịt mắt dẫn ra trước ống kính của các nhà báo, rồi giam giữ trong toà Đại sứ.
Có 6 nhà ngoại giao HK ở ngoài Toà Đại sứ, đã chạy đến 2 sứ quán lân cận là Canada và Thụy Sĩ để xin tỵ nạn. 6 người nầy trốn trong các toà Đại sứ cho đến ngày 28-1-1980 mới rời Iran bằng thông hành của Canada.
9.2.3. Các con tin bị hành hạ và khủng bố
Tài sản cá nhân bị cướp đoạt hoặc bị ăn cắp. Bị trói tay nhiều ngày, có khi hơn tuần lễ. Cấm nói chuyện với nhau. Một người tên Michael Metrinko bị còng tay, biệt giam suốt cả tháng, bị đánh đập, chửi bới chỉ vì nêu ý kiến phê bình Ayatollah Khomeini.
Bị khủng bố tinh thần, một lính quân y tuyệt thực 2 tuần lễ, hai người khác tự tử nhưng được cứu sống.
Một hôm, giữa đêm khuya, tất cả phụ nữ bị trói, bịt mắt và dẫn qua một phòng khác. Lính gác bắt tất cả phụ nữ cổi cả quần áo lót, trần truồng hoàn toàn, hai tay giơ lên cao, rồi bọn lính gác lên cò súng lách cách như thể sắp bắn, nhưng lại thôi. Chả có hỏi han gì cả. Kéo quần lên. Ra về chỗ cũ.
Các con tin cho rằng đó là màn trình diễn, chỉ để làm thoả mãn thị giác của bọn lính Iran tò mò xem phụ nữ Tây phương ra sao mà thôi.
9.2.4. Thả con tin
Ngày 19-11-1979
13 người, gồm phụ nữ và người da đen được thả.
Ngày 11-7-1980
Một người tên Richard I. Queen được thả vì bịnh nặng. 
Như vậy còn lại 52 người bị giam giữ cho đến ngày 20-1-1981 mới được thả.
Tổng thống Carter đã phong toả 8 tỷ USD, tài sản của Iran và cấm vận kinh tế. Chấm dứt việc nhập cảng dầu từ Iran.
Sau những thương lượng thất bại, Tổng thống Jimmy Carter quyết định dùng quân sự giải cứu con tin.
9.2.5. Cuộc hành quân giải cứu
Tổng thống Carter ra lịnh mở cuộc hành quân giải cứu 52 con tin ở Toà đại sứ HK ở Tehran.
Cuộc hành quân Eagle Claw được tiến hành.
Thời gian: Ngày 24 và 25 tháng 4 năm 1980.
9.2.6. Thi hành nhiệm vụ
- Dùng 8 trực thăng RH-53D, trong đó có 2 chiếc phòng hờ. Trên Hàng Không Mẫu Hạm Nimitz, những trực thăng được sơn màu cát để nguỵ trang. Xoá bỏ tất cả những phù hiệu, những con số, con chữ có dính dáng đến Hoa Kỳ. 
- Hai chiếc vận tải cơ C-130. Một chiếc chở xăng theo để tiếp tế cho trực thăng khi bay trở về, một chiếc để chở con tin.
- 120 lính Mủ Xanh của Lực Lượng Đặc Biệt.
- 12 Biệt Động quân.
- 15 người Mỹ gốc Iran thông thạo tiếng Ba Tư, là ngôn ngữ chính của Iran, làm nhiệm vụ thông dịch và lái xe.
Chỉ huy trưởng là Đại tá Charlie Beckwith.
9.2.7. Hủy bỏ cuộc hành quân
Thời tiết xấu bất ngờ xảy ra, bão cát làm cho 2 trực thăng bị trở ngại máy móc phải quay trở về HKMH Nimitz.
Những trực thăng khác không đến điểm hẹn, có tên là Desert One đúng giờ trong lãnh thổ Iran. Và cũng tại điểm hẹn nầy, một trực thăng bị hỏng máy do bụi cát gây ra.
Cho nên cuộc hành quân bị hủy bỏ.
Chuẩn bị rời Iran thì một tai nạn xảy ra. Đó là chiếc trực thăng đến lấy xăng, cánh quạt của nó chém vào phi cơ C-130 làm cho 2 phi cơ bị phát hỏa, hư hại, phải phá hủy. Có 9 người chết.
Vừa lúc đó lại có một chiếc xe Bus chở 34 người khách Iran chạy ngang qua, cho nên nhóm giải cứu phải nhanh chóng rút lui.
Lính Iran đến hiện trường, đếm 8 xác ngươi Mỹ và một xác người Iran.
Sau việc giải cứu thất bại, 52 con tin được đưa ra khỏi toà Đại sứ và giam giữ ở nhiều chỗ khác nhau. Sau cùng, tất cả bị đưa vào nhà tù và bị giam tất cả 444 ngày, kề từ 4-11-1979 đến 20-1-1981
9.2.8. Thoả Hiệp Algeria 1981
Hoa Kỳ đưa vụ việc bắt các nhà ngoại giao ra Toà án Quốc tế. Toà phán quyết Iran phải thả người, nhưng Iran không thả. Chịu thua.
Ngày 19-1-1981, một thoả hiệp được ký kết tại Algeria và 52 con tin được thả ra ngày hôm sau, 20-1-1981, chỉ 20 phút sau khi Tổng thống Ronald Reagan tuyên thệ nhậm chức.
Việc xâm chiếm Toà Đại sứ là vi phạm luật quốc tế, vốn coi toà đại sứ là lãnh thổ của quốc gia đó. Các nhà ngoại giao cũng được hưởng quy chế bãi miễn việc bắt giữ.
Sau nầy, nhiều con tin đã gởi đơn lên Toà Án HK để kiện Iran, nhưng bị bác đơn, bởi vì trong Thoả Hiệp Algeria năm 1981, HK cam kết không thưa kiện để đổi lấy về 52 con tin được an toàn tánh mạng.
 
10. Tử hình bằng ném đá
10.1. Tội ngoại tình
Luật của đạo Hồi cấm ngoại tình, vi phạm thì bị xử tử bằng cách ném đá cho đến chết, đàn ông cũng như đàn bà. Nhưng luật Hồi giáo không cấm đa thê, suy ra, đa thê cũng là hình thức của ngoại tình hợp pháp đối với đàn ông.
Iran đã áp dụng hình thức xử tử nầy trở lại, sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, đã lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế của vua Mohamed Rezza Pahlavi.
Tử hình bằng ném đá chỉ dành cho tội ngoại tình, các trọng tội khác thì bị xử treo cổ.
Tử hình ném đá được tiến hành như sau, đàn ông thì chôn đến thắt lưng, phụ nữ thì chôn đến ngực, để tránh bị lõa thể. Hai tay cũng bị chôn dưới đất. Người thi hành luật đọc bản án, rồi sau đó, tội nhân bị ném đá cho đến chết.
Nếu tử tội thoát ra khỏi hố chôn trong khi bị ném đá, thì sẽ được “trắng án” hoặc bị tù giam, mà không phải chết. Việc thoát ra khỏi hố chôn, thì đàn ông có nhiều hy vọng hơn phụ nữ, vì đàn ông không bị chôn sâu đến ngực như phụ nữ.
Hồi tháng 12 năm 2008, một người đàn ông may mắn thoát ra khỏi hố chôn.
Xử tử bằng hình thức nầy bị xem là dã man vì tội nhân bị hành hạ đau đớn trước khi chết. Tiếng khóc la thảm thiết. Sự đau đớn của tử tội kéo dài hay ngắn, tùy thuộc vào sự căm phẩn, tức giận của những người ném đá, trong đó có người chồng hay vợ của tội nhân.
10.2. Tử tội Ashtiani
Vào tháng 5 năm 2006, một phụ nữ Iran tên Sakineh Mohammadi Ashtiani, 43 tuổi, bị đánh 99 gậy về tội ngoại tình và đồng loã giết chồng, rồi sau đó sẽ bị ném đá cho đến chết. Bà nầy có 2 con. Con gái tên Farideh 18 tuổi, con trai tên Sajjad Qaderzadeh, 22 tuổi.
Hình thức xử tử dã man thời Trung cổ nầy đã bị thế giới lên án. Vụ án của bà Ashtiani trở thành nổi tiếng, khi có một loạt các quốc gia kêu gọi Iran nên từ bỏ loại hình phạt đó đi.
Tại Pháp, người dân đã tổ chức một loạt các cuộc biểu tình phản đối hình phạt nầy. Đệ nhất phu nhân Pháp, bà Carla Bruni-Sarkozy đã viết một bức thơ công khai kêu gọi Iran giải thoát cho người phụ nữ nói trên. Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad dung lời lẻ nặng nề, thô tục, gọi bà Sarkozy là “con đĩ đáng chết”.
Ngoại trưởng Pháp gọi hình phạt ném đá là “đỉnh cao của sự dã man”.
 Ngoại trưởng Ý, ông Franco Frattini cho biết, đại sứ Ý ở Iran đã đến gặp các quan chức Tehran và được cho biết là chưa có quyết định cho thi hành bản án ném đá.
Tổng thống Brazil, ông Inacio Lula da Silva, người đã ủng hộ Iran tại LHQ, cũng can thiệp và đề nghị cho bà Ashtiani được sang sinh sống ở Brazil.
 
11. Kết
Iran có một ông thủ lãnh tôn giáo ác ôn, tàn bạo, nhất định sản xuất cho được thứ vũ khí giết người hàng loạt, cổ xúy và hỗ trợ khủng bố, cộng thêm một tổng thống ngông cuồng, ngạo mạn và thô lỗ, chủ trương tiêu diệt người Do Thái cho được mới thôi. Iran thật sự là một mối đe dọa cho Do Thái, các quốc gia Á Rập Hồi Giáo ôn hoà ở Trung Đông và cả châu Âu nữa..
Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad ỷ có Nga và Trung Cộng chống lưng ở Hội Đồng BA/LHQ, nên hung hăng ngang ngược, thách thức Tây phương.
Về các giải pháp trừng phạt để ngăn chận vũ khí giết người hàng loạt không cho lọt vào tay những tên khủng bố điên cuồng như các lãnh đạo Iran, thì hiện nay, biện pháp cấm vận và cô lập Iran là khả thi nhất.
Ngày 16-10-2011, tờ New York Times đưa tin, Tổng thống Obama đã áp lực cơ quan Nguyên Tử Năng QT (IAEA) thuộc LHQ, cần phải tiết lộ những bằng chứng cho thấy Iran đang triển khai vũ khí nguyên tử, để buộc nước nầy phải trả lời với quốc tế về hành động đó.
Đồng thời, HK đang vận động thế giới gây áp lực để cô lập Iran.
Nữ Dân biểu Ileana Ros-Lehtinen, Chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện, yêu cầu các quốc gia có tinh thần trách nhiệm, phải tức khắc bóp nghẹt chế độ và lãnh đạo Iran.
Hoa Kỳ có thể sẽ có những biện pháp mạnh, một mặt ngăn chận sự hỗ trợ của Quds đối với các tổ chức khủng bố HAMAS người Palestine, Hezbollah của nước Libăng, và phe nổi dậy ở Afghanistan, khi HK rút quân. Mặt khác và chủ yếu là ngăn chận chương trình sản xuất vũ khí nguyên tử của Iran.

No comments:

Post a Comment