Saturday, October 8, 2011

* Gia đình gián điệp chấn động nước Mỹ (kỳ 2)

Bất ngờ bị thuyên chuyển ra khỏi “mỏ vàng” tin tức, tiền lương của KGB cũng giảm theo, John nghĩ cách tuyển dụng người thân, thậm chí cả học trò, vào lưới gián điệp.

Kỳ 2: Dụ người thân vào “hang hùm”

John tiếp tục đánh cắp các bộ mã liên lạc của hạm đội Đại Tây Dương và bất kỳ tài liệu mật nào khác mà có thể lấy được. Trong số đó, có cả những thông tin chi tiết về tàu ngầm hạt nhân hiện đại nhất của Hải quân Mỹ.

Thuyên chuyển và… lo sợ

Đột nhiên, không hiểu lý do gì, năm 1969, John bị chuyển đi làm giáo viên ở một trường đào tạo lính thông tin. KGB ngay sau đó đã giảm lương từ 4.000 xuống còn 2.000 USD/tháng, khiến John và Barbara phải đối mặt với các vấn đề tài chính. John tìm cách để tiếp tục đánh cắp tài liệu. Và Jerry Whitworth – một học trò của John, có lẽ là mục tiêu dễ tiếp cận, giúp ông ta giải bài toán tài chính.

Một lần nữa, John lại bị thuyên chuyển tới một tàu tiếp tế hậu cần - công việc cho phép tiếp cận với các bộ mã. KGB do đó lại bơm thêm tiền vào khoản lương hàng tháng của John. Do đặc thù công việc, John phải lênh đênh hàng tháng trời trên biển, xa Barbara và các con. Tuy nhiên, ông ta lại cảm thấy rất vui sướng khi được xa nhà như vậy. Bọn trẻ dần trở nên khó dạy bảo và Barbara mắc phải chứng nghiện rượu.
Văn phòng thám tử tư của John Walker.

Trước sự ngạc nhiên của John, khi về nhà sau một chuyến đi dài vào đầu năm 1973, Barbara nói rằng muốn ly dị. Dù đã chán ngấy, nhưng John vẫn cầu xin Barbara cân nhắc lại. Không phải vì tình yêu mà đó là sự sợ hãi. Theo quy định của FBI, cứ sau 5 năm thì tiến hành thẩm tra lại toàn bộ lý lịch của từng nhân viên làm việc cho chính phủ, và năm ấy, John đã đến hạn.

Ông ta lo sợ rằng Barbara sẽ phản bội nếu họ ly dị. Những lời hứa hẹn đường mật của John ngay lập tức “đánh gục” Barbara - một trái tim dại khờ và tuyệt vọng. Nhưng ông ta đã nhanh chóng thất hứa sau khi vượt qua được đợt thẩm tra.

Bắt đầu tuyển dụng

Đến lúc này, John quyết định chính thức tuyển dụng Whitwort vào mạng lưới gián điệp của mình, sau đó có thể xin nghỉ hưu và đảm trách nhiệm vụ người đưa tin giữa Whitworth và KGB. Theo tính toán của John, một khi không còn làm việc cho Hải quân, ông ta có thể đánh lừa Barbara rằng mình không còn làm gián điệp nữa. Và dĩ nhiên, ông ta có thể tống khứ cô vợ lắm lời ra khỏi cuộc đời mình.

Sau khi tốt nghiệp trường thông tin, Whitworth được cử đi huấn luyện nâng cao ở trường đào tạo liên lạc vệ tinh của Hải quân. Với công việc của mình, Whitworth không chỉ có khả năng tiếp cận các bộ mã và bức điện nhạy cảm, mà còn có thể đánh cắp tài liệu giới thiệu về cách thức hoạt động của hệ thống vệ tinh liên lạc. Sau một vài phi vụ suôn sẻ với Whitworth, John được điều trở lại Norfolk.

Ông ta ngay lập tức làm đơn xin nghỉ hưu, rồi sau đó là chia tay Barbara. Có nhiều thời gian rỗi, John tìm cách mở rộng mạng lưới gián điệp của mình, phòng khi Whitworth không còn cộng tác.

Đưa con đẻ vào lưới

Nhận thấy mục tiêu dễ tiếp cận nhất là những đứa con của mình, John quyết định liên lạc với chúng, nhưng ông ta chỉ nhận được lời khước từ. Không chịu thất bại, John tiếp tục tìm kiếm những kẻ có thể phản bội khác để lôi kéo vào mạng lưới của mình. Năm 1973, Arthur- anh trai John- nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá, nhưng vẫn làm việc cho Công ty VSE, một nhà thầu trong lĩnh vực sản xuất hàng quân sự.

John sử dụng phương pháp đã học được của KGB để lôi kéo anh trai. Ông ta hỏi Arthur xem liệu có thể cung cấp cho mình những tài liệu mật được không, và sau đó trả công bằng khoản tiền 6.000 USD, quá hời đối với thông tin nhận được. Chẳng bao lâu, Arthur nhận thấy việc đánh cắp tài liệu ở Công ty VSE mới dễ làm sao, và ông ta có thể kiếm được bộn tiền nhờ những tài liệu này.

Không dừng lại ở đó, John chuyển sang mục tiêu là con trai Michael. Đầu năm 1984, Michael phục vụ trên tàu sân bay USS Nimitz. Ở đây cậu được giao nhiệm vụ tiêu huỷ các túi đựng tài liệu mật. Những chiếc túi này được dán kín và Michael mang chúng đến một chiếc lò đốt. Nhưng người ta chỉ đốt chúng khi cần thiết, và việc này chỉ diễn ra sau 23g30, khi các máy bay không cất và hạ cánh.

Ngôi nhà của John Walker

Michael có vô khối thời gian để lục lọi trong kho đựng những chiếc túi này. Cậu ta chỉ đơn giản xé rách miệng túi và lấy bất kỳ thứ gì ra mà cậu muốn, rồi sau đó dán lại. Nhưng một lần cậu đã bị bắt quả tang khi đang lục lọi những chiếc túi.

“Cậu đang làm cái quái gì ở đây thế, Walker?”, một trong số những sĩ quan chỉ huy trên tàu hỏi. “Tôi đang tìm một bức điện mà thuyền trưởng cần”, Michael nhanh chóng đáp lời. Sở dĩ Micheal có thể ứng phó được nhanh như thế là do đã được người cha huấn luyện cho những ngón nghề của một thám tử.

Rồi Michael tiếp tục gặp may. Đêm nọ, trong lúc đang ngồi ở phòng trực tác chiến trên tàu sân bay, Michaek lấy tay búng nhẹ vào một đống thẻ bài và thấy tên của một người phụ nữ được viết trên một tấm thẻ màu trắng nhỏ. Tấm thẻ đề tên của một người phụ nữ là Jodie kèm theo một vài con số. Nhưng đây không thể là số điện thoại, bởi có quá nhiều số. Michael ghi lại tên và các con số đó lên một mảnh giấy, rồi tiếp tục lục tìm toàn bộ những tấm thẻ còn lại. Lần lượt là những cái tên Sarah, Joanne...

Tổng số có 7 tên, đúng bằng số lượng tủ đựng tài liệu mật ở trong phòng. Cậu đoán ai đó có thể sợ quên mật mã để mở các tủ đựng tài liệu, nên đã viết ra và giấu chúng dưới dạng các số điện thoại. Giờ đây, Micheal có thể tiếp cận hầu hết các tài liệu tuyệt mật trên con tàu. “Mình sẽ khiến cha phải cảm thấy tự hào về con trai!”, Micheal mừng thầm. 

No comments:

Post a Comment