Wednesday, October 5, 2011

* Người phụ nữ cứu triệu mạng sống từ thảo dược Trung Hoa


Đó là Youyou Tu, người đã chuyển đổi phương pháp chữa trị của người Trung Hoa cổ xưa thành thuốc chống sốt rét mạnh nhất đang có hiện nay, cứu được hàng triệu mạng sống trên khắp toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Nhà khoa học Trung Quốc Youyou Tu.
Hơn 40 năm trước, giữa những biến động và xáo trộn của Cuộc cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc và cả cuộc chiến tranh Việt Nam, hàng trăm nhà khoa học Trung Quốc đã nung nấu nỗ lực đầy tham vọng, đó là tìm được một loại thuốc có thể chế ngự được bệnh sốt rét. Kết quả là họ đã phát hiện ra artemisinin, một hợp chất được tìm thấy trong thảo dược, mà cùng với các dẫn xuất của nó, hiện đang được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới để điều trị sốt rét.
Công trình do các nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu đã chuyển đổi phương pháp chữa trị bệnh sốt rét từ kiến thức truyền thống sang liệu pháp y học hiện đại.
Tháng 9 vừa qua, Giải thưởng Lasker danh giá đã thuộc về Youyou Tu, nhà khoa học 81 tuổi người Trung Quốc, người đã đóng vai trò lớn trong việc phát hiện ra hợp chất trên.
Giáo sư Tu đã dẫn đầu nhóm “chuyển đổi phương pháp chữa trị của người Trung Hoa cổ xưa thành thuốc chống sốt rét mạnh nhất đang có hiện nay”, Quỹ Lasker, có trụ sở tại Mỹ, đánh giá khi công nhận công trình của bà với Giải thưởng nghiên cứu y học lâm sàngLasker-DeBakey. Theo quỹ Lasker, hàng triệu mạng sống khắp toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, đã được cứu sống.
Dự án mật 523
Giữa cuộc chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến khốc liệt khác cũng song hành, đó là chiến đấu với Plasmodium falciparum, ký sinh trùng gớm ghiếc nhất gây bệnh sốt rét bởi chúng kháng được cả thuốc chloroquine. Mỹ đã đưa ra một loại thuốc khác để tiêu diệt ký sinh trùng này trong cơ thể, thuốc mefloquine. Còn miền bắc Việt Nam lúc bấy giờ đã nhờ Trung Quốc giúp đỡ chiến đấu với căn bệnh.
Theo tiết lộ trong một bài báo gần đây trên tạp chí Cell (Tế bào) của hai nhà khoa học Louis H. Miller và Xinzhuan Su, thuộc Viện Dị ứng và các bệnh lây nhiễm quốc gia Mỹ, theo chỉ thị của Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai, chính phủ Trung Quốc đã triệu tập một cuộc họp ở Bắc Kinh vào ngày 23/5/1967 để thảo luận về vấn đề. Một chương trình bí mật, được biết đến với tên gọi Dự án 523, sau đó được phát động, với sự tham gia của hơn 500 nhà khoa học từ khoảng 60 phòng thí nghiệm khác nhau.
Khi dự án được xem là bí mật quân sự, không có liên lạc nào về công trình nghiên cứu với thế giới bên ngoài được phép.
Bắt đầu từ “vườn thảo dược”
Giáo sư Tu sau đó là nhà nghiên cứu chính của Viện dược vật học Trung Hoa thuộc Học viện khoa học Đông y cổ truyền Trung Quốc (CACMS) tại Bắc Kinh.
“Viện của tôi nhanh chóng bắt tay vào dự án và bổ nhiệm tôi đứng đầu một nhóm nghiên cứu bệnh sốt rét”, bà nhớ lại trong bài bình luận được đăng tải gần đây trên tạp chí Y học tự nhiên (Nature Medicine). “Nhóm những nhà nghiên cứu trẻ của chúng tôi bắt đầu nghiên cứu tài liệu liên quan đến các hoạt chất chống lại bệnh sốt rét trong các nguyên liệu thảo dược của Trung Quốc”.
Giáo sư Tu và các đồng nghiệp bắt đầu tìm kiếm sách về thuốc truyền thống của Trung Hoa, rà soát các cuốn sách cổ và cả các cách chữa trị dân gian. Họ phát hiện ra hơn 2000 bài thuốc thảo dược Trung Hoa, trong đó 640 bài có vẻ đầy hứa hẹn. Trong số này, khoảng 380 chiết xuất liên quan đến khoảng 200 thảo dược được chọn để thử nghiệm trên chuột.
Thật không may, “tiến trình không diễn ra suôn sẻ và không có kết quả quan trọng nào xuất hiện một cách dễ dàng”, bà viết trong bài báo.
Thời khắc quyết định đến khi chiết xuất từ một loại cây mà người Trung Quốc gọi là qinghao (cây thanh hao) “cho thấy mức độ ngăn chặn sự phát triển của ký sinh trùng đầy hứa hẹn”.
Nhưng các cuộc thử nghiệm sau đó đều kết thúc với mức độ ngăn chặn thấp hơn nhiều. Giáo sư Tu đi đến kết luận rằng, có thể vấn đề nằm ở việc chiết xuất hoạt chất. Bà đã tìm thấy manh mối trong một cuốn sách cổ Sổ tay kê thuốc cho chữa trị khẩn cấp của Ge Hong, có từ khoảng 1.700 năm trước.
Cuốn sổ tay gợi ý ngâm qinghao vào trong nước, rồi sau đó vắt nước uống. “Câu này đã đưa cho tôi ý tưởng rằng làm nóng trong bước chiết xuất truyền thống mà chúng tôi đã thực hiện có thể đã phá hủy các hoạt chất và rằng việc chiết xuất ở nhiệt độ thấp có thể là cần thiết để bảo quản hoạt chất chống sốt rét”, giáo sư Tu cho hay. Cuối cùng họ đã chuyển sang phương thức chiết xuất ở nhiệt độ thấp hơn.
Mặc dù vậy, theo tiến sỹ Miller và tiến sỹ Su kể trong bài báo của họ, chất chiết xuất được vẫn còn độc, cần phải tinh lọc để loại một phần chất axit không có hoạt chất chống sốt rét. Chiết xuất trung tính còn lại, được dán nhãn là “chiết xuất số 191” có thể loại bỏ hoàn toàn ký sinh trùng khi thử nghiệm trên chuột và khỉ.
Giáo sư Tu đã trình bày công trình tại cuộc họp của Dự án 523 tại Nam Kinh vào tháng 3/1972. Cũng năm này, nhóm của bà xác đinh “một chất không màu, trong như pha lê” là hợp chất hóa học có hiệu quả. Họ gọi đó là Qinghaosu, có nghĩa là “yếu tố cơ bản” trong qinghao. Thế giới sau này gọi đó là artemisinin.
Đến đích đầy chông gai
Sử dụng thông tin giáo sư Tu cung cấp, hai nhóm, một của Viện nghiên cứu thuốc Yunnan và một ở Viện nghiên cứu thuốc truyền thống Sơn Đông, đã có thể tách tinh thể của hợp chất. Các nhà khoa học Trung Quốc xác định được cấu trúc tinh thể 3 chiều của nó vào năm 1975 và công bố dữ liệu 2 năm sau đấy. Bước đầu tiên trong thử nghiệm lâm sàng là xác định độ an toàn của loại thuốc mới. Do không được thực hiện thử nghiệm như vậy trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, giáo sư Tu và đồng nghiệp đã lấy chiết xuất từ cây để chứng minh thuốc có thể phân phối an toàn.
Khi chiết xuất từ cây được thử nghiệm trên bệnh nhân sốt rét tải tỉnh Hải Nam, kết quả mĩ mãn. Những người được điều trị chiết xuất từ cây khỏe nhanh hơn trong khi những người được điều trị chloroquine không khỏe lên.
Theo tiến sỹ Miller và Su, Guoqiao Li, thuộc Đại học thuốc truyền thống Quảng Châu đã thực hiện thử nghiệm trên bệnh nhân, dùng mẫu artemisinin đã được tinh chế. Những nghiên cứu này lần đầu tiên cho thấy kết hợp liệu pháp dùng artemisinin và thuốc chống sốt rét khác sẽ ngăn bệnh tái phát và tăng đề kháng.
“Artemisinin có tác dụng nhanh chóng trong vòng vài giờ”, họ cho biết. Nhưng lượng artemisinin trong cơ thể giảm nhanh chóng, vì vậy cần phải điều trị cùng với một loại thuốc khác để chữa được bệnh.
Chỉ đến tháng 12/1979, bài báo tiếng Anh đầu tiên về Qinghaosu được đăng tải, thu hút được sự quan tâm lớn của quốc tế lúc bấy giờ. Và đến thời điểm đó, thuốc đã được thử nghiệm thành công trên 2.000 người.
Tháng 10/1981, hội thảo do Liên hợp quốc tài trợ về hóa học trị liệu bệnh sốt rét đã được tổ chức tại Bắc Kinh. Khi được mời lên phát biểu, giáo sư Tu đã trình bày báo cáo về “Những nghiên cứu đối với Qinghaosu”.
Báo cáo của giáo sư Tu không chỉ nói về artemisinin mà còn về một số dẫn xuất thậm chí còn mạnh hơn của nó. Quỹ Lasker nhấn mạnh, trong các nghiên cứu cấu trúc của mình, giáo sư Tu đã thay đổi cấu trúc hóa học của artemisininđể tạo ra hợp chất có tác dụng mạnh gấp 10 lần và giảm được nguy cơ tái phát bệnh. Hợp chất này là cơ sở cho việc sản xuất những loại thuốc chiết xuấtartemisinin khác. Những dẫn xuất này cũng có khuynh hướng ở lâu hơn trong cơ thể và là trung tâm của các liệu pháp ngày nay.
Trong bài báo của mình trên tạp chí Nature Medicine, giáo sư Tu nhấn mạnh “tính hiệu quả của artemisinin và các dẫn xuất của nó trong điều trị hàng ngàn bệnh nhân bị sốt rét ở Trung Quốc đã thu hút được sự quan tâm trên khắp thế giới vào những năm 1980”.
Công trình do các nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu đã làm thay đổi cách chữa trị bệnh sốt rét. Theo tổ chức Y tế Thế giới, số khóa học về liệu pháp kết hợp dựa trên artemisinin tăng mạnh từ 11,2 triệu năm 2005 lên 76 triệu vào năm sau đó và đạt 158 triệu cho tới năm 2009.
“Giáo sư Tu đã là người tiên phong trong cách tiếp cận mới chữa trị bệnh sốt rét, chữa trị cho hàng trăm triệu người và còn nhiều hơn thế nữa”, Quỹ Lasker nhận định. “Bằng cách áp dụng những kỹ thuật hiện đại cùng di sản của những thầy thuốc Trung Hoa để lại trong suốt 5.000 năm, bà đã chuyển được những tinh hoa của nó vào thế kỷ 21”.
Phan Anh Tổng hợp

No comments:

Post a Comment