Tuesday, October 25, 2011

* TRẬN ĐÁNH “ĐỒI MÓNG NGỰA” (Tiếp theo)




Sư Đoàn 18 Bộ Binh

       Nhật ký hành quân, 150500/4-75
       Tác xạ chuẩn bị địch đánh trúng triền Đồi Móng Ngựa vào lúc 5 giờ sáng ngày 15 tháng Tư 1975. Trận chiến khởi sự khỏa lấp hết âm thanh dàn nhạc chính trong Xuân Lộc.
       Trung úy Nguyễn Thanh Trường có thói quen nói rất lẹ như Huyền Vũ tường thuật túc cầu, nhưng mạch lạc rõ ràng mỗi khi chạm địch. Trường cho biết sơn pháo địch đặt bên sườn Núi Ma-- khoảng nửa đường giữa Đồi Móng Ngựa và Xuân Lộc -- không rõ bao nhiêu khẩu. Địch gia tăng hoả lực trong mười phút, và xung phong cấp kỳ. Pháo bạn từ trung đoàn và Núi Thị (gần Cua Con Heo, cửa ngõ Xuân Lộc) trong khoảnh khắc tập trung bắn phá trên hướng tấn công địch phía đông Đồi Móng Ngựa. Ánh hoả châu làm chao nghiêng lay động khắp cảnh vật rừng cây, nhờ đó lính của Trường nhìn thấy rõ màu chàm đen di động của lính cụ Hồ. Với quân số chừng một trăm người, Trường đã giao cho Thiếu úy Tốt, đại đội phó, hai phần ba quân số bố trí theo lưng đồi để có tầm quan sát và tác xạ. Lựu đạn và M.72 phân phối đều cho các hố chiến đấu. Không một tên giặc nào bước lọt được lên đồi. 
       Thương binh địch bị lính của Tốt bắt làm tù binh khai báo thuộc đại đội trinh sát, trung đoàn 95B, quân đoàn 4, mới từ Bắc vô. 
       Sau đợt xung phong thất bại, sơn pháo địch từ Núi Ma cùng với đại bác 130 từ bốn hướng áp đảo Đồi Móng Ngựa , rải xuống khắp vị trí trung đoàn dưới ấp Nguyễn Thái Học. Khói đen đặc bao phủ quanh rừng cao su, toả mờ trong ấp cũng là một cơ sở một đồn điền cao su. Bên kia khu sân rộng, những nòng súng đại bác thụt hậu, nháng lửa, nhưng không còn phát ra tiếng nổ, như trong một đoạn phim câm. 
Hai khẩu đại bác 105 trúng đạn, đen sì tựa hai con voi lật nghiêng trong ụ đất. Cây ăng-ten cao nghệu gần hầm đại tá Dũng bị đánh gẫy, nằm sõng soài bên sân. Mặt sân thênh thang lỗ chỗ như những luống khoai vừa mới bị cày sới lên.
       Lúc 8 giờ, sơn pháo giặc chuẩn bị cho đợt xung phong mới. Trời sáng rõ, nắng ấm, khói mờ mịt bay cao. Triền đồi thưa thớt hơn sau nhiều đợt pháo. Những sinh mạng, hơn một trăm tấm bia sống đi lên, dồn lên, điếc không sợ súng. Lính của Trường thấy rõ nhiều cậu vừa đi vừa nhai mía, ăn vội một trái cây, không nghĩ nơi đây là sống hay là chết.  Đó là những cậu thiếu niên chừng mười lăm, mười sáu tuổi, thản nhiên như đi tập trận giả, và cứ thế tiến tới. Lính của Trường không thể làm gì khác hơn là tập bắn bia trên xạ trường; họ phải bắn phát một cho chắc ăn, vừa để tiết kiệm đạn dược. Lính không lấy làm lạ, bởi qua những lần đụng độ, bắt được nhiều tù binh Bắc Việt vừa mới lớn, ốm yếu xanh xao; chúng khai báo chỉ được tập bắn khoảng chục viên đạn, rồi bị đẩy ra trận, nói là đi B (Miền Nam). 
       Nếu đem so sánh, thì lính chính quy cụ Hồ không thể nào đồng cân đồng sức với lính sư đoàn, lính của Trường được. Khi chạm trán bất ngờ, đội hình đơn vị địch tương đương với ta thường dễ bị rối loạn, chúng thường hô lớn “xung phong!” hoặc “đại đội X đánh diện, đại đội N đánh điểm” để nghi binh, rồi chém vè. Nhưng lợi điểm của chúng-lực lượng xâm lăng nói chung- là có trọn vùng núi rừng xâm nhập, có hậu phương lớn Miên Lào; có thời gian chuẩn bị, tạo yếu tố bất ngờ; do đó chúng thường nắm quyền chủ động chọn lựa địa thế cho trận đánh, -- còn hỏi vì đâu quân xâm lược “tài giỏi” đến thế, thì xin tham khảo chương trình Việt-Nam-hoá chiến tranh và Hiệp định Ba Lê do “đồng minh” chủ xướng, là biết rõ. 
       Thủ trưởng cộng quân ra ngón dụ hàng sau thêm một lần thất bại. Tiếng loa léo nhéo giọng Bắc Kỳ tiếng được tiếng chăng nghe bỏ ngoài tai.  Đây là khoảng trống thời gian để chúng thu quân, tổ chức tấn công tiếp. Trường cho săn sóc thương binh, gom đàn em thành những ổ kháng cự, bởi lực lượng không còn đủ để dàn mỏng trên một tuyến dài mấy trăm mét theo vành móng ngựa. 
       Ngoài vòng đai bắc ấp Nguyễn Thái Học, Trung úy Mai Mạnh Liêu đã sẵn sàng. Lính đại đội 4 cuốn lều, nhưng tiếp tục bố trí, hoặc chụm lửa chuẩn bị bữa cơm gạo sấy. Theo thói quen, Liêu xem lại mấy thứ lỉnh kỉnh nhưng không thể thiếu: sổ ám danh đàm thoại, địa bàn, tấm bản đồ, băng cấp cứu; sau đó là những bao thuốc lá Quân tiếp vụ và một bi đông ba xi đế, nói là để chống sốt rét rừng (?) 
       Mấy tiệm chạp phô, quán nước bên ấp vừa đóng cửa. Nhưng lính cũng đã mua được chút rau quả phòng hờ. Dân chúng bỏ đi chạy loạn theo đường ruộng về phía nam Bàu Cá ngay từ ngày đầu cộng quân tấn công Xuân Lộc. Sáng hôm ra đi, cô chủ quán gượng cười nói với Mỹ Phụng, “Cái bàn bi-a em để nguyên đó, các anh trông cho em; còn vài két la de, các anh cứ tự nhiên uống hết đi.”
       Lúc 8giờ 30, Tiểu đoàn phó Hà Văn Cho và Liêu điều động đại đội 4 mở đường nương theo sườn phía tây lên tăng cường cho Đồi Móng Ngựa, đồng thời mang thêm đạn dược cho đại đội Trường. 
       Hà Văn Cho lên đồi, tinh thần các em lính lên theo, cũng  dễ hiểu bởi Cho từng coi trinh sát trung đoàn và sư đoàn, tác giả cuộc tái chiếm Đồi Gió trong  chiến trường An Lộc 1972.  Hà Văn Cho đến thay Mỹ Phụng trong chức vụ tiểu đoàn trưởng, nhưng Mỹ Phụng còn bị kẹt lại do điều kiện chiến trận, chưa kịp bàn giao. 
       Đại đội phó Thiếu úy Nghĩa hướng dẫn trung đội đầu chiếm giữ tuyến của Trường vừa bị sát thương nhiều nhất. Nghĩa tiếp tục giữ tuyến ngoài, và Liêu theo dõi hoả lực yểm trợ phi pháo. Đại đội của Liêu đã đến vừa đúng lúc để cùng Trường kịp chấn chỉnh lại đội hình chiến đấu. Thương binh được trao về trạm xá; đó là mấy căn nhà gạch nằm giữa ấp, cũng đã trúng nhiều đạn pháo. Trận chiến rối bời, không hiểu hai ông y sĩ Nam và Sang xoay trở như thế nào để săn sóc thương binh. 
       Thiếu úy Trần Đình Cảnh và trung đội “xì ke” của anh ta giữ tuyến giao liên từ Đồi Móng Ngựa xuống ấp, làm thêm nhiệm vụ tiếp tế và tản thương. Tuyến phòng thủ quanh ấp vẫn là tình trạng dã chiến tạm thời - một hố cá nhân trần trụi, không bờ lũy, không chướng ngại vật, không rào kẽm gai, mỗi giờ mỗi lúc càng thêm thưa mỏng hơn. 
       Trên đồi, theo hướng dẫn của Cho, trực thăng vòng qua đánh phá Núi Ma; sơn pháo giặc câm tiếng sau mấy giờ tự do hoành hành, nhờ góc núi che chở nên tránh được tầm pháo bạn. Phản lực F-5 biến ngọn Xóc Lu phía tây thành một cột khói lớn kèm theo những tiếng nổ phụ; buổi sáng nắng ấm chuyển sang thành một buổi sáng có nhiều sương mù. Liêu xin đánh bom trên một khối đông hàng trăm giặc từ quốc lộ 20 tràn vô, không rõ vì khinh suất hay non kém về chiến thuật, chúng bu lại lố nhố ven rừng cao su. Xác người và thân cây tung lên thấy rõ trong tầm nhìn. 
       Tiếng loa ì xèo giọng Bắc kỳ ngưng lại từ lúc nào. Hồi 10 giờ, Pháo giặc lên cơn điên trên Đồi Móng Ngựa trả thù một phen cho hả giận, rồi chuyển xuống ấp Nguyễn Thái Học, tức thì hàng mấy trăm sinh linh đồng loạt bật dậy. Từ những bờ cây gục đổ, từ sau nhửng thân chuối xác xơ dưới kia, giặc xông lên. Tiếng kèn xung phong dục dã. Cả một tiểu đoàn giặc di chuyển và tác xạ liên tục lên đồi, bất chấp hàng rào pháo cản của bạn. Chúng bám lấy hai phiá đầu vành móng ngựa nhằm phân tán lực lượng bố phòng của ta.
       Có thể nói Đại tá Ngô Kỳ Dũng là người bận rộn nhứt Miền Đông ngày hôm nay. Cặp bút chì mỡ xanh, đỏ trong tay ông mòn dần, đã quá phần nửa. Khói thuốc tràn ngập căn hầm. Tiếng ông vốn khàn đục nghe thêm nặng trịch khi ông liên lạc không ngừng với phi, pháo và Tướng Lê Minh Đảo trong Xuân Lộc. Mỹ Phụng thầm phục cách vẽ phóng đồ chấm độ của ông như một họa công tài ba (nhờ lâu năm trong nghề Phòng Ba và Trung tâm Hành quân). Qua chiếc máy truyền tin Trung Cộng, ông theo dõi rất sát tình hình địch.
       Lúc đó là một giờ chiều. Một giọng nói đặc sệt Quảng Bình từ máy phát ra:

       - Cự nọi (cứ nói).

      Trung đoàn trưởng 95B giặc sốt ruột nghe “dưới” báo cáo:

- Bá...bá…báo…cááááo…
- Đ.M! Khận trướng lến! Nọi đí! (Khẩn trương lên, nói đi!)
- Bá bá bá cáo, lúc đầu, tôi nghĩ địch là một B (trung đội), nên cho C trinh sát đánh. Không ngờ chúng là một C (đại đội Trường). Tôi đánh tiếp bằng hai C, lính không lên được, rồi toàn D (tiểu đoàn), thì hình như chúng lại là một D (ta thêm đại đội Liêu). Bây giờ tôi khó khăn... Ghi chú: địch đoán sai về quân số ta trên đồi là trung đội, nên đã tấn công bằng một đại đội 95 trinh sát.
- Đ.M! Mận ăn cại chi rựa ...(... Mần ăn cái chi rứa ...)
Tinh thần đang căng thẳng, mệt mỏi theo dõi trận đánh bên cạnh Đại tá Dũng, viên trung sỹ đội kỹ thuật cũng phải mỉm cười. Anh thấy tên E trưởng Việt cộng cũng biết “đ.m.” ngon lành như Đại tá Dũng nhà mình.
- Đ.M! Nghe đây. Những thằng bị thương nặng, không cần, dục bỏ. Gom những thằng thương nhẹ, tui cho anh thêm một D nữa, tui sẹ...
      Trung sỹ ban Kỹ thuật từng đi theo trung đoàn qua bao địa danh chiến trận, biết bao lần giải mã cấp thời những báo cáo, chỉ thị, nghe bắt những giọng nói bắc kỳ léo nhéo chỉnh pháo lên Tân Uyên, Rạch Bắp..., nhưng anh không ngờ cộng quân lại dã man tàn tệ với thương binh của họ như thế. Biết bao nhiêu lần, quân ta đã gom góp những thương binh địch sau trận đánh, và săn sóc họ chu đáo không kém gì lính bên mình.
       Về chiều, pháo giặc càng gia tăng nóng nảy dữ dằn hơn. Căn hầm Đại tá Dũng bị sập. Hai chiếc xe tăng M.41 bốc khói ngùn ngụt ở cuối sân. Ông Dũng thoát khỏi hầm an toàn, lem luốc, chạy sang ban chỉ huy tiểu đoàn 3/52 đặt gần thung lũng. Cây ăng-ten dựng lên, lại bị đánh gẫy nằm gục bên sân. Bên kia sân, Thiếu Tá Thanh Trước toàn thân đen đúa tiếp tục điều khiển tác xạ; đại bác nháng lửa nghe ì ầm như từ đâu xa vọng về. 
       Mỹ Phụng ở ngoài tuyến trở vô khi ông Dũng vừa tới. Căn nhà ngói bỗng thấy sáng trưng dưới hai mảng trống trên nóc do pháo địch gây ra không biết lúc nào. Ban truyền tin của trung sĩ nhất Anh được an toàn là một sự lạ. Trung úy Hưng ban 3, đang liên lạc với trên đồi. Ông Dũng giật lấy ống nói.
       Trên Đồi Móng Ngựa, Mai Mạnh Liêu yêu cầu đánh pháo trên những hàng quân giặc đi như diễn hành ngoài quốc lộ, hướng về khu vực trung đoàn; một cánh rất đông khác vòng theo đường rừng về khu Bàu Cá phiá Biên Hoà. Mười phút trước, Mỹ Phụng quan sát qua ống nhòm cũng thấy địch rất đông bên kia thung lũng, nhưng chúng chuyển về hướng Dầu Giây (Sau này được biết giặc tiếp tục vây đánh Đồi Móng Ngựa và ấp Nguyễn Thái Học, đồng thời “bôn tập” về tập trung quanh Biên Hoà và Sàigòn).
       Pháo bạn từ Núi Thị bắn tới trên những hàng quân giặc; chúng giãn ra hai bên đường trong chốc lát, rồi tiếp tục tụ lại như những mảng bèo trôi. Chúng làm ngơ không lượm thương binh đồng đội, tiếp tục đi chuyển (có lẽ hậu cần sẽ lo sau). 
       Liêu cho biết, một toán chỉ huy giặc chạy vô căn nhà ngói về phía đầu ấp. Căn nhà bị đánh sập, không thấy những tên mang máy truyền tin thoát ra nữa. Trong một thoáng, Mỹ Phụng cho đó là cái quán có bàn bia-a của cô gái; nghĩ tới cô gái hôm nào, anh ta vừa buồn vừa mừng cho cô ta thoát nạn binh đao.
       Trọn ngày 15 tháng Tư 1975, Đồi Móng Ngưa và ấp Nguyễn Thái Học chịu pháo giặc mười hai giờ liên tiếp, và liên tục đẩy lui những đợt xung phong hay xâm nhập của giặc. Đó là tập hợp của đủ thành phần tác chiến: từ một đại đội 95 trinh sát tinh nhuệ, đến một tiểu đoàn lính thiếu nhi mới từ Bắc vô, đến sự gom góp vá víu của toàn trung đoàn 95B điêu đứng trước phi pháo bạn, và những cú đánh trả do đàn em của Trường, Cho và Liêu. Ngọn đồi xanh mát đã biến thành ngọn đồi trống trơn. Rừng cây trái xum xuê trở thành cánh đồng quang đãng. Thân cây trộn với xác người chồng chất lên nhau hàng nọ tiếp nối hàng kia. Cùng với nhịp độ chuyển quân ngoài quốc lộ, trung đoàn trưởng “đ.m.” giặc lùa một phần ba quân số thiếu nhi còn lại vô vòng tử địa. 
       Trung úy Nguyễn Thanh Trường có thói quen nói rất lẹ như Huyền Vũ của Miền Nam xưa tường thuật trận đấu túc cầu. Trường xin pháo nổ cao trên làn sóng giặc đang chập choạng đi lên. Trường xin pháo sẵn sàng nổ chụp ngay trên đồi, xin đánh bom trên đầu mình khi Trường yêu cầu. 
       Vào lúc 5giờ 30 chiều, tiếng Mai Mạnh Liêu nghe đứt đoạn trong máy:
- Chung quanh chúng tôi chẳng còn gì, triền đồi ngập xác địch và cây cối, rừng tan hoang, ngọn đồi như đã thay đổi độ dốc.
       Những người lính trẻ Miền Nam thuộc Tiểu đoàn 3/52 Sư đoàn 18, được phi, pháo bạn tận tâm yểm trợ, đã giáng trả cộng quân một trận để đời nơi toạ độ cô đơn đó -- Đồi Móng Ngựa -- làm tan rã Trung đoàn 95-B thuộc Quân đoàn 4 Bắc Việt, nhưng đã chiến thắng âm thầm khi vận nước nổi trôi. 

Ý-YÊN
Lá Còn Xanh Cây

Chút ít về Ý Yên: Trước 1975, viết trên Bách Khoa và Thơ-Và-Thi-Nhân do Vũ Hoàng Chương trên báo Tự Do. Ý-Yên là bút hiệu của Thiếu Tá Phan Tấn Mỹ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3/52 Sư đoàn 18 trong trận chiến Xuân Lộc, tháng Tư 1975, hiện đang cư ngụ tại San Jose, California.
Vị Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 3/52 đã kể lại: “Đại Đội 1 và Đại Đội 4 đã đánh bật được những đợt tấn công của quân địch. Tới 4 giờ chiều ngày 15.4.1975, Trung Úy Liêu, sĩ quan chỉ huy trên đồi báo cáo về: ...Không còn cái gì tồn tại chúng quanh chúng tôi hết. Xác địch nằm ngỗn ngang trên mặt đồi, cây cối chung quanh hoàn toàn bị tiêu rụi thành bình địa. Thân cây và xác chết chồng chất lên nhau hàng đống, từng này chồng lên từng kia...”. Mặc dù bị thiệt hại quá nặng nề như vậy, nhưng bộ phận tuyên truyền của địch vẫn cứ ra rả mở loa kêu gọi quân ta đầu hàng. Thật buồn cười. Xác chết cán binh chúng còn bầy nhầy thịt xương chất hàng đống như núi, không đủ để cho chúng hiểu rằng chiến sĩ Sư Đoàn 18 Bộ Binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa kiên quyết chiến đấu đến hơi thở và giọt máu cuối cùng hay sao.

No comments:

Post a Comment