Tuesday, October 11, 2011

* Từ bức thư ngỏ của 36 nhân sĩ hải ngoại tới bức tâm thư của học giả Lê Quế Lâm


Vũ Quốc Thúc                         
 
Bức thư ngỏ đề ngày 31 tháng 8 năm 2011 của 36 nhân sĩ hải ngoại, gửi cấp lãnh đạo chính quyền đương thời ở quốc nội, đã gây nên một cuộc tranh luận rộng rãi và sôi nổi. Khỏi cần nói là tính chất bất ngờ của “biến cố truyền thông” này đã khiến nhiều người thắc mắc. Với tư cách là người được mời đầu tiên để góp ý cũng như ký tên trong thư ngỏ -có lẽ vì mình cao tuổi nhất- tôi nhận định mấy điểm sau đây.
 
 Điểm 1 – Mặc dù G.S. Lê Xuân Khoa đã đích thân liên lạc với tôi ngay từ lúc bức thư ngỏ mới dự thảo, tôi vẫn tự hỏi: Sáng kiến này xuất phát từ đâu?
 
 Dĩ nhiên không phải từ Bắc Kinh vì những đề nghị trong thư là để đối phó với xu hướng bành trướng bá quyền của Trung Quốc. Từ Hà Nội? Chắc không phải vì thư ngỏ công khai yểm trợ những người đang đối đầu với nhà đương quyền. Còn chủ trương rằng một phe nào đó trong Đảng Cộng Sản Việt Nam muốn mớm lời cho những tác giả bức thư ngỏ: giả thuyết này chưa hề được chứng minh. Điều mà ai nấy thấy rõ là ngay từ ngày 31/8/2011, các cơ quan truyền thông danh tiếng của Tây Phương như BBC, World Bank Net, R.F.A., R F I, VOA… đã loan tin và phân tích nội dung cùng phỏng vấn một số nhân vật đã ký tên trong Thư ngỏ. Như vậy ta có thể tin rằng: sáng kiến xuất phát từ phía Tây Phương. Mục đích có thể là để tiến dần tới một nền trật tự quốc tế trong vùng Đông Nam Á trước tình hình ngày càng căng thẳng trong vùng này. Nội dung và hình thức của nền trật tự ấy chưa ai biết rõ nhưng có một điều mà chúng tôi mong mỏi từ nhiều năm nay là nước Việt Nam sẽ giữ một vị thế trung lập tương tự như Áo Quốc (Austria) ở Âu Châu sau Thế chiến 2. Gần đây, một chuyên gia về ngành học Bang Giao Quốc Tế , Ông Ngô Văn Tuấn, từng cộng tác với Ban Ngoại Giao của Ủy Hội Âu Châu và vẫn cư ngụ tại Hoà Lan, có viết một bài bình luận về vụ Thư Ngỏ của 36 nhân sĩ Việt Nam Hải Ngoại. Trong bài này Ông nhận định là nhà đương quyền Việt Nam đang áp dụng một sách lược ngoại giao rập theo khuôn mẫu Trung Lập Vĩnh Viễn. Bài bình luận của Ông Ngô Văn Tuấn công bố đúng lúc Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức công du Hoà Lan. Phải chăng đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay diễn tiến của một kịch bản soạn trước? Dầu sao, người ta có lý do để hoài nghi sách lược trung lập này nếu Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn tiếp tục nắm độc quyền chính trị như đã được ấn định trong Hiến Pháp năm 1992. Tại sao? Chính vì từ năm 1990 Đảng Cộng Sản Việt Nam đã cam kết theo đúng đường lối của Đảng Cộng Sản Trung Hoa mà Đảng này thì nắm độc quyền chính trị ở Trung Quốc, như vậy nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam làm gì có quyền theo đuổi một chính sách đối ngoại trái ngược với quyền lợi của Trung Quốc? Lý do này khiến một số người chủ trương: việc cần làm trước tiên là phải lật đổ nền độc tài cộng sản hiện thời để thiết lập một thể chế thật sự dân chủ và pháp trị. Lật đổ bằng cách nào? Người ta nghĩ ngay tới phong trào cách mạng hoa nhài đang lan tràn ở các nước Á Rập.
 
 Điểm 2 -Bức thư ngỏ của 36 nhân sĩ Việt Nam Hải Ngoại có liên hệ gì với phong trào cách mạng hoa nhài không?
 
Dựa trên những tin tức và hình ảnh được phát tán rộng rãi qua các cơ quan truyền thông ta có quyền tin rằng nguyên nhân chính của phong trào cách mạng này là tâm trạng bất mãn của nhân dân – đa số thuộc tầng lớp trẻ – trước những tệ đoan như: bất công xã hội, bất bình đẳng sâu xa giữa thiểu số giàu sang và quảng đại quần chúng, tòa án hoàn toàn lệ thuộc chính quyền, còn chính quyền thì độc đoán, bè phái, tham nhũng…Những người bất mãn không còn cách nào khác là dùng sức mạnh của đám đông để lật đổ kẻ đương quyền. Những hiện tượng tiêu cực vừa kể đều có ở quốc nội Việt Nam: như vậy một cuộc cách mạng kiểu hoa nhài có nhiều khả năng bùng nổ. Dĩ nhiên, trong nhóm đảng viên Cộng Sản đương cầm quyền, có những phần tử ngoan cố chủ trương phải đàn áp mọi mưu toan chống đối. Tuy nhiên cũng có những phần tử sáng suốt hơn chủ trương cải cách thể chế ngay từ bây giờ để sự bất mãn của nhân dân không đưa tới bạo loạn. Một số người can đảm đã công khai đưa kiến nghị hay thỉnh nguyện thư lên cấp lãnh đạo. Khỏi cần nói, chính quyền đương nhiệm cố gắng bịt miệng những người này, cô lập họ đối với đại chúng, không để cho họ được tiếp xúc với các cơ quan truyền thông, nhất là với những người có đôi chút uy tín ở hải ngoại. Chính vì nhận rõ tình trạng này mà các tác giả bức thư ngỏ cảm thấy có bổn phận lên tiếng để yểm trợ những người đang can đảm tranh đấu ở quốc nội. Gửi thư ngỏ cho cấp lãnh đạo đương quyền là chính thức cảnh giác nhóm lãnh đạo này về trách nhiệm lịch sử của họ. Nếu họ sớm tỉnh ngộ, biết đưa ra những biện pháp cải cách phù hợp với xu hướng tiến hóa của thế giới hiện đại, thì họ có thể tránh cho đất nước những sự mất mát, đổ vỡ, rối loạn… như ta đang chứng kiến ở một số quốc gia vùng Bắc Phi và Trung Đông .Dĩ nhiên, những tác giả bức Thư ngỏ không hy vọng hảo huyền là đề nghị của mình sẽ được chính quyền đương nhiệm chấp thuận trong thời gian trước mắt: phản ứng thông thường của những kẻ độc tài là phớt lờ để cho mọi sự phản đối chìm dần vào quên lãng. Ta nên làm gì để đối phó với thái độ phớt lờ này?
 
 Điểm 3 – Vận động quần chúng  trong nước .
 
Gửi thư ngỏ cho cấp lãnh đạo đương quyền chỉ là một hành động khơi mào. Trong một bài bình luận thời cuộc công bố năm 2008 dưới tựa đề Một cuộc cách mạng nhung có thể xẩy ra ở Việt Nam không ? Chúng tôi đã nhận định là vũ khí hữu hiệu nhất của những kẻ đối lập, dưới các chế độ độc tài, là sử dụng tối đa các kỹ thuật và phương tiện truyền thông hiện đại. Kèm theo đó là phải phát động một phong trào bất tuân dân sự để gây sức ép với kẻ cầm quyền. Nói cách khác , phải mở một cuộc chiến tâm lý đại quy mô và mạnh mẽ, hướng vào nhân dân. Chính vì thế mà tôi thấy bức tâm thư gửi đồng bào của học giả Lê Quế Lâm là một hành động dũng lực .
 
Tôi được biết Ông Lê Quế Lâm sau khi Ông xuất bản cuốn sách Việt Nam: thắng và bại (Nhà xuất bản Ngoc Thu – Sydney 1993). Đó là một cuốn sử về “cuộc chiến tranh Việt Nam”, viết rất công phu, dựa trên nhiều tài liệu mà chỉ một học giả làm việc trong một cơ quan nghiên cứu đặc biệt mới có vào thời điểm ấy. Cuốn sách được trình bày rất khoa học theo đúng quy tắc hàn lâm, khiến tôi thành thật tán thưởng. Điều khiến tôi khâm phục nhất là tinh thần khách quan của tác giả, khi ông viết về những sự kiện thường  làm cho người ta hăng say, cơ hồ trở nên thiên lệch, bất công.
 
Trong bức tâm thư kèm đây ông đã viết với tư cách một công dân tha thiết tương lai của đất nước, nhiệt thành mong quê hương sớm ra khỏi tình trạng hiểm nghèo hiện thời để theo kịp đà tiến hóa của thế giới văn minh ./.   
 
 VŨ QUỐC THÚC

No comments:

Post a Comment