Tuesday, December 13, 2011

* Chợ Bà Hoa, đi hoài không khám phá hết

Khi nhắc đến chợ Sài Gòn, người ta thường nghĩ ngay đến các chợ nổi tiếng như chợ Bến Thành, chợ Lớn, chợ Bà Chiểu… Còn với những người con xứ Quảng sống ở Sài Gòn thì không ai không biết đến ngôi chợ Bà Hoa.
Chợ có tên gọi Bà Hoa, đó là tên người phụ nữ đã đứng ra mua lại mảnh đất này để cất một cái chợ hình chữ nhật, phân lô và cho mọi người thuê lại. Do vùng này có nhiều người xứ Quảng sinh sống nên chợ Bà Hoa dần trở thành nơi bán các món ăn xứ Quảng.
Cho Ba Hoa, di hoai khong kham pha het
Đi đến chợ, người ta có thể tìm thấy hầu như không thiếu một thứ gì của xứ Quảng: từ cục đường tán, khoai lang sợi sấy khô, lon kẹo mạch nha ngọt lịm, những bịch kẹo gương, kẹo đậu phộng hay các loại bánh như bánh tét, bánh tổ, bánh ú, bánh in, bánh nậm, bánh bèo, bánh nổ, bánh đậu xanh, các loại mắm như mắm cà, mắm cái... Được tận mắt nhìn thấy những món ăn quen thuộc, người Quảng sẽ cảm thấy ấm lòng như đang đứng trên mảnh đất quê hương.
Ở đây bán đầy đủ tất cả các loại mắm của người miền Trung
Ở đây bán đầy đủ tất cả các loại mắm của người miền Trung
Bất cứ chỗ nào cũng thấy hàng quán treo những bảng hiệu giới thiệu các đặc sản xứ Quảng. Từ những con cá nục bé xíu bằng hai ngón tay để hấp cuốn bánh tráng, cá khế ít xương mà hồi còn ở quê ai cũng thường được ăn, đến những bịch mắm cà, những lọ mắm cái đặc trưng quê nhà. Nhìn những trái mít non lại liên tưởng đến câu ca dao "Ai lên nhắn với nậu nguồn. Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên". Những con cá chuồn làm sạch, ướp với chút hành, tiêu, tỏi và không thể thiếu củ nén giã nát cho vào kho chung với mít nón, hoăc chiên giòn ăn với mít luộc vào những ngày mưa thì không từ nào diễn tả được.
Mít non kho với cá chuồn - món ngon của người Quảng.
Mít non kho với cá chuồn - món ngon của người Quảng.
Đi chợ Bà Hoa là để tìm về một vùng ẩm thực xứ Quảng, ngôi chợ như dắt ta về với thế giới của làng xóm cũ với những món ăn chỉ còn trong ký ức. Nói đến xứ Quảng nói riêng và miền Trung nói chung, sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến mắm, mắm ruốc, mắm cái, mắm cà, mắm cá nục... Vào những ngày mưa, bữa cơm với đôi ba loại mắm, đĩa rau lang luộc thì chỉ sợ không đủ cơm mà ăn.
Nếu ai thích ăn mì Quảng mà không biết cách nấu nước lèo thì cứ hỏi người bán mì, họ sẽ tận tình chỉ dẫn. Nước lèo mì Quảng được nấu từ xương heo, đun trong nhiều giờ cho rút bớt nước và nguyên liệu không thể thiếu là củ nén và dầu phộng. Củ nén có mùi vị gần giống như củ tỏi nhưng thơm nồng hơn và chỉ trồng duy nhất ở miền Trung, còn dầu phộng thì phải là thứ ép thủ công chứ không dùng thứ dầu ăn công nghiệp được đóng chai bán ngoài chợ.
Ngoài việc tìm đến chợ Bà Hoa để ăn các món quê nhà, những người Quảng xa xứ còn tìm để đây chỉ để nghe giọng nói đặc sệt chất Quảng của quê mình. "Đi chợ mua sắm đã đành nhưng sướng nhất vẫn là được nghe các bà, các dì, các chị... trò chuyện đặc sệt giọng Quảng như trong một cái chợ quê, cảm thấy thân thiết và gần gũi vô cùng", chị Vi, nhân viên ngân hàng, tâm sự.
Những gia vị đặc trưng xứ Quảng được bày bán khắp chợ.
Những gia vị đặc trưng xứ Quảng được bày bán khắp chợ.
Chợ Bà Hoa nhỏ xíu, đi không mỏi chân nhưng cảm giác đi hoài chưa hết chợ. Theo những người buôn bán ở chợ cho biết, vào những dịp lễ, ngày Tết chợ rất đông vui. Không chỉ ở khu vực Bảy Hiền mà người miền Trung ở khắp nơi trong thành phố, thậm chí ở các tỉnh lân cận đều về chợ Bà Hoa mua sắm.
Không có gì thú vị bằng khi sống ở nơi thành thị náo nhiệt nhưng vẫn được hít thở và nhấm nháp một chút hương vị quê nhà, dù chỉ một chút thôi nhưng cũng làm ấm lòng những người con xa xứ. Ngôi chợ với những món dân dã trở thành nơi lưu giữ hồn quê không lẫn vào đâu được của một cộng đồng người miền Trung, góp thêm một nét văn hóa truyền thống độc đáo cho đất Sài Gòn.
Tiêu Phong

No comments:

Post a Comment