Friday, December 23, 2011

* Chủ tịch Kim qua đời, duyên phận Trung – Triều ‘đứt gánh'?

Sau sự ra đi của nhà lãnh đạo Kim Jong-il, Trung Quốc sẽ không để giai đoạn “thử lửa” trong quan hệ với Triều Tiên kéo dài. Thay vào đó, Bắc Kinh sẽ đẩy nhanh nỗ lực để duy trì “sợi tơ duyên” với Bình Nhưỡng.
Đau buồn
Ngay sau khi các nguồn tin chính thức của Triều Tiên thông báo về cái chết của Chủ tịch Kim, chính quyền Trung Quốc lập tức gửi điện chia buồn.
Xinhua dẫn tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc có đoạn: “Chúng tôi hết sức bàng hoàng trước tin Tổng thư ký đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Triều Tiên và là Chủ tịch Triều Tiên – đồng chí Kim Jong-il từ trần. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc về sự ra đi của Chủ tịch Kim”.
Ông Mã Triều Húc cũng ca ngợi Chủ tịch Kim Jong-il là "nhà lãnh đạo vĩ đại", người đã có những đóng góp quan trọng cho quan hệ Trung - Triều.
Tuyên bố còn nhấn mạnh: “Chúng tôi tin chắc rằng nhân dân Triều Tiên có thể biến đau thương thành sức mạnh và đoàn kết. Trung Quốc và Triều Tiên sẽ cùng nhau cố gắng tiếp tục có nhiều đóng góp tích cực hơn nữa để củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước”.
Sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì gặp gỡ đại diện lâm thời của Triều Tiên Pak Myong-ho ở Bắc Kinh để chuyển thông điệp chia buồn tới Bình Nhưỡng.
Tiếp đến, ngày 21/12, Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đích thân đến Đại sứ quán Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên tại Bắc Kinh để bày tỏ sự chia buồn sâu sắc trước sự ra đi của nhà lãnh đạo Kim Jong-il.
Theo chân Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, nhiều người Trung Quốc cũng cầm hoa tập trung trước Đại sứ quán Triều Tiên bày tỏ sự thương tiếc đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-il.
Chủ tịch Trung Quốc đến viếng nhà lãnh đạo Kim Jong-il tại Đại sứ quán Triều Tiên tại Bắc Kinh. Ảnh: euronews.


Trong khi đó, tất cả báo chí nhà nước Trung Quốc đồng loạt đưa tin lãnh đạo Triều Tiên từ trần. Tờ China Daily đăng ảnh ông Kim Jong-il trên trang đầu với hàng tựa: “Một người bạn đã ra đi”.
Tờ People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc thì đưa tin lãnh đạo Kim Jong-il với giọng văn tiếc thương vô hạn.
Ngoài ra, cái chết của Chủ tịch Kim cũng là chủ đề được thảo luận nhiều nhất trên các blog và trang web thông tin.
… và lo lắng
Sở dĩ Trung Quốc nhiệt thành bày tỏ nỗi xúc động trước cái chết của Chủ tịch là bởi giữa hai nước có mối “thâm tình”. Trong chiến tranh liên Triều 1950-1953, Trung Quốc giúp Triều Tiên chống liên minh Mỹ – Hàn, hai nước vẫn còn hiệp ước bảo vệ song phương.
Bắc Kinh chính là nhà cung cấp viện trợ lương thực, nhiên liệu cũng như vũ khí quân sự lớn nhất của Bình Nhưỡng, đồng thời là đối tác thương mại số 1 của Triều Tiên.
Không chỉ trợ giúp Bình Nhưỡng trong phạm vi nội bộ giữa hai nước, Bắc Kinh còn ra mặt bênh vực người láng giềng trên trường quốc tế. Với vai trò chủ trì vòng đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, Trung Quốc khéo léo đưa Mỹ và một số nước “vào tròng” nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho Triều Tiên hưởng lợi.
Hơn nữa, dù những thách thức hạt nhân của Bình Nhưỡng, đặc biệt là vụ thử hạt nhân năm 2006 và 2009, đôi khi khiến Bắc Kinh “nóng mặt” nhưng giới chức Trung Quốc vẫn một mực kêu gọi giải pháp hòa bình và rất hiếm khi công khai lên án Triều Tiên.
Chính vì mối quan hệ mật thiết mà Trung Quốc có nhiều lý do để lo ngại trước sự ra đi của Chủ tịch Kim (trái). Ảnh: Wall Street Journal.


Tuy nhiên, chính vì tình hữu hảo đặc biệt này mà ngoài niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Chủ tịch Kim, Trung Quốc còn canh cánh nỗi lo bên mình.
Theo ông Stephanie Kleine-Ahlbrandt, Giám đốc dự án nghiên cứu Đông Bắc Á tại Tổ chức nghiên cứu khủng hoảng quốc tế, sự hồi phục sức khỏe nhanh chóng của Chủ tịch Kim sau cơn đột biến hồi năm 2008 khiến Bắc Kinh tin tưởng rằng, ông Kim Jong-il sẽ còn dẫn dắt đất nước Triều Tiên trong thời gian dài, ít nhất là khoảng 7-10 năm.
Tuy nhiên, mọi chuyện không diễn ra như tiên liệu của Bắc Kinh. “Cái chết của ông Kim Jong-il thực sự gây sốc với giới chức Trung Quốc bởi nó diễn ra nhanh hơn nhiều so với họ dự tính. Giờ đây Bắc Kinh đứng trước nhiều thách thức lớn trong quan hệ với Bình Nhưỡng”, ông Stephanie Kleine-Ahlbrandt nhấn mạnh.
Biến cố lớn ở Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh hết sức nhạy cảm, khi Trung Quốc chuẩn bị có sự thay đổi lớn trong bộ máy lãnh đạo. “Trong lúc này, Bắc Kinh không muốn có bất cứ sự cố nào ở trong khu vực, đặc biệt là láng giềng Bình Nhưỡng khiến Trung Quốc phải xao nhãng công việc chuẩn bị cho tiến trình chuyển giao quyền lực”, chuyên gia Kleine-Ahlbrandt bình luận.
Bên cạnh đó, trước mối lo của phương Tây về những diễn tiến tiêu cực trong bộ máy chính quyền Triều Tiên, Trung Quốc cũng không khỏi băn khoăn.
“Không ai có thể chắc chắn rằng Triều Tiên sẽ rơi vào bất ổn, song cũng không ai có thể phớt lờ mối nguy từ khả năng này”, ông Zhu Feng, học giả tại ĐH Bắc Kinh cho hay.
Theo ông Zhu Feng, những hậu quả mà tình trạng căng thẳng tại Triều Tiên có thể mang lại cho Trung Quốc là hết sức nghiêm trọng. Một trong những hệ lụy chính là sự “xâm lấn” của những người nhập cư Triều Tiên dọc sông Yalu vào lãnh thổ Trung Quốc, gây ra tình trạng hỗn loạn và đe dọa trực tiếp đến an ninh và kinh tế Trung Quốc.
Hơn nữa, nếu kịch bản bất ổn diễn ra trong thời điểm này, khi Mỹ dồn trọng tâm sang châu Á và coi khu vực này là ưu tiên chiến lược mới, thì Trung Quốc sẽ thiệt đơn thiệt kép.
Khi đó, để duy trì tầm ảnh hưởng của mình trước thách thức từ Washington, Bắc Kinh không còn cách nào khác ngoài giải pháp can thiệp quân sự. Nếu vậy thì cơ hội cho Trung Quốc không thực sự lớn bởi nhiều thế kỷ nay, quân đội Bắc Kinh chưa từng can dự tại một quốc gia nào.
Ngoài ra, hành động này còn có thể kéo lính Mỹ đến sát biên giới Trung Quốc, dẫn đến cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh và Washington trên bán đảo Triều Tiên như cách đây gần 50 năm.
Nếu vậy, Trung Quốc còn gặp nguy hiểm hơn bởi bản thân Trung Quốc cũng đang căng thẳng với một số nước trong khu vực vì tranh chấp chủ quyền. Nếu chiến tranh xảy ra thì Bắc Kinh sẽ phải đối đầu với không chỉ mình Washington.
Chưa biết kết quả thắng thua ra sao nhưng chắc chắn một điều rằng, trong thời gian Trung Quốc mải mê giao tranh đó thì Hàn Quốc đã kịp nhảy vào Triều Tiên. Đó là kịch bản mà lâu nay Bắc Kinh luôn tránh để xảy ra bởi nó đe dọa lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.
Bắc Kinh đã phải nỗ lực không mệt mỏi suốt vài thập kỷ để có được mối quan hệ bền chặt với Bình Nhưỡng như ngày nay. Nếu để quốc gia khác “hớt tay trên”, mọi nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc lâu nay coi như thất bại và phí hoài.
Cam kết chung thủy
Với quá nhiều lý do để lo lắng như vậy nên mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc lúc này là giữ ổn định cho Triều Tiên. “Một Bình Nhưỡng ổn định là kịch bản phù hợp nhất cho lợi ích của Bắc Kinh. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc lúc này là tạo mọi điều kiện để chính quyền mới của Triều Tiên có được sự vững chắc nhất định”, Sarah McDowall, nhà phân tích tại IHS Jane's đánh giá.
Chia sẻ quan điểm trên, Mike Chinoy, tác giả của cuốn ‘Chuyện chưa biết về cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên’ nhấn mạnh: “Mối quan tâm lớn nhất của Trung Quốc sau khi Chủ tịch Kim Jong-il qua đời là sự ổn định ở Triều Tiên. Bắc Kinh sẽ làm tất cả những gì có thể để duy trì sự ổn định ở Bình Nhưỡng sau sự kiện chấn động này”.
Trung Quốc sốt sắng bày tỏ sự ủng hộ đối với nhà lãnh đạo tương lai của Triều Tiên Kim Jong-un (trái). Ảnh: hojemacau.


Nhiều chuyên gia nhận định, nỗ lực ổn định Triều Tiên của Trung Quốc vào thời điểm này đóng vai trò hết sức quan trọng.
“Hiện tại Bình Nhưỡng cần sự trợ giúp của Bắc Kinh hơn lúc nào hết, đặc biệt là sự ủng hộ đối với nhà lãnh đạo tương lai Kim Jong-un để Triều Tiên có một cuộc chuyển giao quyền lực suôn sẻ. Do đó, trách nhiệm của Trung Quốc hiện giờ rất lớn. Bắc Kinh đã, đang và sẽ là móc xích quan trọng giữa giới lãnh đạo Bình Nhưỡng và thế giới”, ông John Delury, Phó giáo sư tại ĐH Yonsei nhấn mạnh.
Quả thực, vai trò của Trung Quốc trong cuộc chuyển giao quyền lực tại Triều Tiên đã được Chủ tịch Kim Jong-il đánh giá cao ngay từ khi ông còn sống. Để tạo được điểm tựa vững chắc cho người kế nhiệm, trong vòng 18 tháng trước khi qua đời, Chủ tịch Kim đến Bắc Kinh để gặp gỡ giới lãnh đạo Trung Quốc đến bốn lần dù sức khỏe không thực sự tốt.
Và dường như để thực hiện di nguyện của Chủ tịch Kim, cũng là để bảo toàn lợi ích cho mình, những ngày gần đây, Trung Quốc sốt sắng thể hiện sự ủng hộ đối với ông Kim Jong-un bẳng cả lời nói và hành động.
Ngày 20/12, một ngày sau khi Triều Tiên thông báo về cái chết của Chủ tịch Kim, Trung Quốc ra tuyên bố hoan nghênh ông Kim Jong-un, người kế nhiệm tương lai của nhà lãnh đạo Kim Jong-il tới thăm Trung Quốc.
"Trung Quốc và Triều Tiên luôn duy trì các chuyến thăm cấp cao và chúng tôi chào đón nhà lãnh đạo tương lai Triều Tiên tới thăm Trung Quốc khi thuận tiện cho cả hai bên”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân cho hay.
Ông Lưu cũng khẳng định, Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ hợp tác với Triều Tiên để đảm bảo “hòa bình và sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên".
Đồng thời, Bắc Kinh kêu gọi nhân dân Triều Tiên đoàn kết, ủng hộ ông Kim Jong-un và biến “nỗi đau thành sức mạnh”. “Chúng tôi tin rằng Triều Tiên sẽ tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của đảng Lao động Triều Tiên và đồng chí Kim Jong-un”, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao liên quan đến vấn đề Triều Tiên. Người phát ngôn Lưu cho hay, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và ông Kim Sung-hwan, Ngoại trưởng Hàn Quốc.
“Trong cuộc trao đổi, Bộ trưởng Dương Khiết Trì nhấn mạnh rằng, việc duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên là mối quan tâm chung của tất cả các bên”, ông Lưu cho biết.
Theo ông Lưu, quan điểm này cũng được ông Dương khẳng định trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản Koichiro Gemba và Ngoại trưởng Nga Lavrov.
Ngoài ra, Bloomberg dẫn nhận định của giới chuyên gia cho biết, nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể tăng cường viện trợ kinh tế cho Triều Tiên trong thời gian ngắn sắp tới.
Như vậy, bằng những lời nói và hành động sốt sắng, Bắc Kinh đã đưa ra câu trả lời rõ ràng với thế giới về quan điểm của mình trong quan hệ với Bình Nhưỡng thời hậu Kim Jong-il. Và đúng như chuyên gia Cai Jian tại ĐH Fudan ở Thượng Hải nhận định: “Bởi những ràng buộc mang tính chiến lược nên dù có xảy ra biến cố gì tại Triều Tiên thì Trung Quốc cũng không bao giờ bỏ mặc láng giềng. Không gì có thể chia lìa mối lương duyên này”.
Trà My

No comments:

Post a Comment