Tuesday, December 13, 2011

* Những công nghệ quân sự nổi bật 2011 (kỳ 2)

Bài toán tự động hóa trong kỹ thuật quân sự đòi hỏi các nhà khoa học không những phải làm cho vũ khí ngày càng thông minh, mà còn đảm bảo nhân bản hơn.
Thấy được hiệu quả của máy bay không người lái (UAV) khi thực hiện nhiệm vụ trinh sát, nhiều quốc gia đã rầm rộ phát triển phương tiện này trong năm 2011.

UAV "rợp trời"Gần đây nhất, Trung Quốc bắt đầu những chuyến bay thử nghiệm UAV tầm xa HQ-4 với thiết kế độc đáo, kết hợp kiểu cánh truyền thống và cánh đuôi ngược dài. Trước đó, Israel hoàn thành chương trình thử nghiệm UAV trinh sát tầm xa Eitan có kích thước “khổng lồ” (dài 15m, sải cánh 26m). Eitan có thể hoạt động liên tục trên không 36 giờ, ở độ cao 13.000km. Theo nhà sản xuất, các hệ thống phòng không, thậm chí là S-300, không thể phát hiện được hoạt động của UAV này.
Ở Ấn Độ, Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) dự định thiết kế UAV dùng năng lượng mặt trời có thể hoạt động liên tục 1 tháng trên không. Loại UAV này lắp thiết bị điện tử tiên tiến phục vụ do thám tầm xa, thu thập dữ liệu và truyền thông tin trong thời gian thực qua nhiều kênh.
Tương lai UAV - máy bay ném bom tàng hình không người lái X-47B.
Tại triển lãm hàng không MAKS 2011, Tập đoàn Vega (Nga) giới thiệu UAV Lutch có trọng lượng 800kg, tốc độ đạt 270km/h, bay liên tục trên không 18h. Lutch không chỉ có nhiệm vụ do thám mà còn mang được vũ khí để thực hiện tấn công mục tiêu trong trường hợp cần thiết.
Tuy nhiên, UAV tiêu biểu nhất của năm 2011 phải kể đến máy bay ném bom tàng hình không người lái X-47B. UAV này có kiểu dáng tương tự máy bay ném bom chiến lược B-2 nhưng kích thước nhỏ hơn. Nó được trang bị động cơ phản lực cho phép hoạt động liên tục trên không 6 giờ liên tục, tầm bay gần 4.000km. X-47B thiết kế với khoang trong thân chứa khí tài trinh sát, tên lửa, bom có điều khiển. Đây là loại UAV vũ trang duy nhất hiện nay trên thế giới có khả năng cất hạ cánh trên tàu sân bay.

Đạo đức không xác định bằng thuật toánSự phát triển mạnh mẽ của UAV đang tạo ra kỷ nguyên mới trong kỹ thuật quân sự. Sử dụng UAV trong trinh sát và chiến đấu tạo được lợi thế nhất định đối với nhưng nước sở hữu nó. Nhưng nó đặt ra một vấn đề về tính nhân đạo. UAV với khả năng tự động hóa cao có thể tự động lựa xác định, phân biệt, chọn mục tiêu, thực hiện truyền thông thời gian thực với trung tâm xử lý… như những gì thể hiện trong chiến dịch tiêu diệt Osama bin Laden ở Pakistan.
Thế nhưng, đến giờ UAV vẫn chỉ là “robot bay” trong khi phương tiện này lại được trao nhiệm vụ của những người lính. Thật khủng khiếp khi sự nhầm lẫn mục tiêu có thể gây ra cái chết của hàng trăm dân thường - điều thường xảy ra ở Afghanistan, Pakistan, Iraq…
Nhiều cuộc tranh cãi nổ ra xung quanh vấn đề này, các nhà khoa học quân sự tiếp tục đưa ra các lập luận chứng minh giá trị sử dụng UAV. Ronald Arkin - Giáo sư về robot ở Viện Công nghệ Georgia (Mỹ) tin rằng có thể lập trình robot theo Công ước Geneva để các UAV từ chối nhiệm vụ trái với quy tắc của xung đột quốc tế.
Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị băn khoăn về cái gọi là quy tắc và đạo đức bị các phần mềm kiểm soát. Không ai có thể xác định được những giá trị đạo đức mà các lập trình viên đã đưa vào bộ nhớ của các robot hay UAV. Cho dù các nhà lập trình có cố gắng để trang bị thêm các quy tắc giao chiến trong bộ nhớ của các robot hay UAV, nó vẫn là những "chiến binh máu lạnh" ngoài chiến trường. Bất kỳ thứ gì trong tầm ngắm đều dễ dàng biến thành mục tiêu.
Quân đội Iran khoe xác UAV RQ-170 bị bắn rơi.
Trong khi X-47B là mẫu thử nghiệm được chủ động quảng bá, thì RQ-170, một UAV hiện đại khác của Mỹ lại xuất hiện trong tình huống bất đắc dĩ khi Iran tuyên bố đã “ép hạ cánh” trinh thám cơ tàng hình không người lái này vào đầu tháng 12/2011. RQ-170 là phương tiện trinh thám “tối mật”.
Không rõ thời gian đưa vào phục vụ và hầu như chẳng có hình ảnh nào bị rò rỉ cho tới năm 2009 khi nó vô tình xuất hiện trước ống kính phóng viên trên đường băng căn cứ Không quân Mỹ ở Kandahar (Afghanistan). Vậy mà Iran tuyên bố đã dùng tác chiến điện tử để chiếm quyền kiểm soát của RQ-170 bằng khí tài điện tử cũ kỹ của Nga là Hệ thống trinh sát điện tử mặt đất 1L222 Avtobaza. Điều này đã gây sốc với nhiều chuyên gia Mỹ. Không chỉ vậy, Iran còn tuyên bố sẽ “giải thiêng” công nghệ mật trong RQ-170.

Đối phó với hackerNăm 2011 cũng đánh dấu những nét mới của hình thái chiến tranh mạng. Nhiều trang mạng của Bộ Quốc phòng các nước, các tập đoàn công nghiệp quân sự trên thế giới bị đánh cắp thông tin.
Giữa năm 2011, đại diện Tập đoàn Lockheed Martin tuyên bố mạng máy tính công ty bị hacker tấn công trên quy mô lớn. Không lâu sau, công ty Mitsubishi Heavy Industry – nhà thầu quốc phòng lớn nhất Nhật Bản bị nhóm tin tặc tổ chức tấn công kiểm soát 80 máy tính. Ở Hàn Quốc, hàng chục trang web của chính phủ, văn phòng Tổng thống, Bộ Ngoại giao, Cơ quan Tình báo bị tấn công khiến trang mạng tê liệt.
Nghiêm trọng hơn, gần đây tạp chí Wired công bố thông tin về hệ thông điều khiển máy bay không người lái của Mỹ khi được thực hiện nhiệm vụ tại Afghanistan đã bị nhiễm một loại virus. Nó xâm nhập vào buồng điều khiển của các loại UAV Predator và Reaper – nơi ghi lại lệnh của phi công khi học thực hiện nhiệm vụ từ xa.
Tuy Không quân Mỹ ngay lập tức trấn an rằng vụ việc hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Nhưng điều này cũng làm dấy lên lo ngại về việc đối phương nắm quyền điều khiển UAV để sử dụng cho âm mưu xấu. Trong khi đó, Mỹ cũng dính “nghi án” tấn công hệ thống mạng máy tính của quân đội Lybia, cắt đứt liên lạc giữa trạm radar cảnh giới và đơn vị tên lửa phòng không có thể đe dọa máy bay NATO.
Trước tình hình phức tạp, các nước đẩy mạnh việc thành lập đơn vị tác chiến mạng. Nga đang thử nghiệm hệ thống phòng thủ mạng đảm bảo khả năng chống lại tất cả những cuộc tấn công của hacker. NATO cũng lên kế hoạch lập đơn vị phản ứng nhanh mang tên Cyber Red Team. Thậm chí, Mỹ còn tuyên bố dùng đòn phóng tên lửa chính xác đến bất cứ nơi đâu trên trái đất để trừng phạt hacker.
Lê Nam

No comments:

Post a Comment