Monday, December 19, 2011

* Điểm mặt những nhà lãnh đạo chết 'bất đắc kỳ tử'

Được người dân tôn sùng, kính trọng với sự nghiệp chính trị vẻ vang nhưng nhiều lãnh đạo cao cấp của thế giới lại "yểu mệnh" vì những nguyên nhân bất ngờ.
Lãnh tụ Triều Tiên mắc bệnh di truyền?
Hôm nay, các trang báo quốc tế tràn ngập thông tin về cái chết bất ngờ của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-Il sau cơn nhồi máu cơ tim trên chuyến đi thị sát bên ngoài thủ đô Bình Nhưỡng. Đây chắc chắn là một mất mát quá lớn đối với người dân Triều Tiên từ sau khi Chủ tịch Kim Nhật Thành qua đời cũng vì một cơn đau tim cấp tính.
Ngày 8/7/1994 trở thành một ngày tang tóc đối với người Triều Tiên khi lãnh tụ vĩ đại Kim Nhật Thành đột ngột qua đời. Kim Nhật Thành là nhà lãnh đạo Triều Tiên từ khi quốc gia này được thành lập vào đầu năm 1948 cho đến khi ông mất. Ông cũng giữ chức Thủ tướng từ năm 1948 đến năm 1972 và Chủ tịch nước từ năm 1972 cho đến khi mất.
Ngoài ra, Kim Nhật Thành còn là Tổng Bí thư của Đảng Lao động Triều Tiên. Ở đất nước này, người dân coi vị Chủ tịch Kim Nhật Thành là “Lãnh tụ vĩ đại” và hiến pháp xem ông là “Chủ tịch vĩnh cửu”. Ngày sinh và ngày mất của Chủ tịch Kim Nhật Thành cũng trở thành quốc lễ ở Triều Tiên.
Cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (trái) và con trai Kim Jong-Il vào năm 1992.
Theo nhiều tài liệu của Triều Tiên còn ghi lại, khi có tuổi, phía sau cố của Chủ tịch Kim bỗng xuất hiện một khối u lớn. Các bác sỹ tại bệnh viện quân đội Bình Nhưỡng khi đó cho biết, khối u này là "biến tướng" của u sỏi, đây chính là kết quả của sự thiếu dinh dưỡng thuở ấu thơ. Tuy nhiên, vị trí của khối u lại nằm gần não và tủy sống nên không thể giải phẫu.
Cũng chính bởi do hình ảnh không được đẹp, nên ở thời điểm đó các nhiếp ảnh gia Triều Tiên luôn chụp ảnh vị Chủ tịch của mình từ một góc cố định hơi chếch sang trái. Một điều đặc biệt là Chủ tịch Kim không chết do ảnh hưởng của khối u mà ông chết bởi một cơn đau tim đột ngột. Tuy nhiên, trong các cuộc kiểm tra sức khoẻ trước đó, chưa có một kết luận nào liên quan tới bệnh tim trong bệnh án của Chủ tịch Kim Nhật Thành.

Tổng thống Ba Lan tử nạn vì rơi máy bayNgày 10/4/2010 cả thế giới bàng hoàng trước hung tin Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski và hàng loạt lãnh đạo cao cấp của nước này tử nạn vì máy bay rơi khi đang chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Smolensk phía Tây nước Nga.
Theo Reuters, tai nạn khủng khiếp xảy ra lúc 14h (giờ VN) cách sân bay Smolensk chưa đầy 2 km khi chiếc Tupolev Tu-154 đi vào vùng thời tiết có sương mù dày đặc. “Khi chuẩn bị hạ cánh, chiếc máy bay của Tổng thống Ba Lan đã không bay tới đường băng”, người phát ngôn chính quyền Smolensk Sergei Antufiev nói trên Russian TV.
Ông Lech Kaczynski đột ngột qua đời vì tai nạn máy bay.
Thư ký báo chí Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết máy bay rơi cách đường băng 300-400 m, chiếc máy bay cố hạ cánh vài lần trước khi một cánh máy bay mắc vào ngọn cây ở khu rừng ngay sát sân bay và mắc nạn. Hình ảnh trên đài truyền hình cho thấy chiếc máy bay bốc cháy sau vụ va chạm trước khi rơi xuống đất vỡ thành nhiều mảnh. Đội cứu hộ đã có mặt để đưa các thi thể ra ngoài, không có ai sống sót sau vụ tai nạn.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cử người cấp bách đến hiện trường để mở cuộc điều tra. Thủ tướng Nga Vladimir Putin trực tiếp bay tới để thị sát hiện trường vụ tai nạn. BBC đánh giá tai nạn là một thảm họa cho người Ba Lan. Cờ rủ được treo trên dinh Tổng thống trong ngày 10/4.
Được biết, chiếc máy bay Tupolev Tu-154 chở đoàn lãnh đạo Ba Lan đã có tuổi thọ hơn 20 năm, là một trong những chiếc máy bay thuộc hàng cổ của Ba Lan. Trước đó có nhiều lời kêu gọi nâng cấp đoàn máy bay Chính phủ song không đủ kinh phí để thực hiện. Theo Mạng an toàn hàng không, có ít nhất 66 tai nạn máy bay liên quan đến chiếc Tu-154, bao gồm 6 vụ trong năm năm qua. Một số hãng hàng không của Nga như Aeroflot đã ngưng sử dụng loại máy bay này.

Ba năm, hai Bộ trưởng Mexico chết bất thườngChỉ trong vòng ba năm, từ năm 2008-2011, hai Bộ trưởng Nội vụ Mexico, vị trí cấp cao trong nội các tương đương với Phó Tổng thống ở Mỹ, chuyên chịu trách nhiệm về các vấn đề nội địa và an ninh, đặc biệt là cuộc chiến chống các băng đảng ma túy, đột ngột qua đời vì cùng nguyên nhân là tai nạn máy bay.
Ngày 4/10/2008, Bộ trưởng Nội vụ Juan Camilo Mourino thiệt mạng khi chiếc máy bay nhỏ chở ông và một vài người khác gặp nạn gần Thủ đô Mexico City. 36 tháng sau, giới chức nước này lại bàng hoàng báo tin, Bộ trưởng Nội vụ Mexico Francisco Blake Mora cùng 7 người khác vừa tử nạn trong vụ tai nạn trực thăng ở phía Nam thủ đô Mexico City vào hôm 11/11.
Các nhà điều tra đã kết luận rằng nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn của Bộ trưởng Juan Camilo Mourino năm 2008 là do chiếc máy bay nhỏ chở ông bay quá gần với một chiếc máy bay phản lực lớn hơn ngay phía trước nó. Ngoài ra, sương mù dày đặc làm hạn chế tầm nhìn của phi công và một số lỗi kĩ thuật nhỏ khác cũng được tính đến. Trong khi đó, nguyên nhân cái chết của ông Blake Mora vẫn không được tiết lộ.
Bộ trưởng Nội vụ Mexico Blake Mora vấp phải "dớp" của người tiền nhiệm.
Ông Blake nhậm chức Bộ trưởng Nội vụ Mexico vào tháng 7/2010. Ông khởi nghiệp tại thành phố biên giới Tijuana ở Tây Bắc Mexico từ những năm 1990. Trước khi được bổ nhiệm là Bộ trưởng Nội vụ, ông từng giữ chức Giám đốc Sở Nội vụ tại bang Baja California.
Một số nguồn tin báo chí Mexico cho biết, tại thời điểm xảy ra tai nạn, sương mù dày đặc. Tin nhắn cuối cùng trên trang Twitter của vị Bộ trưởng này được đăng tải vào ngày 4/11, đúng dịp kỉ niệm 3 năm ngày ra đi của ông Juan Camilo Mouriño.

Tổng thống Turkmenistan đột ngột... ngừng thởNhà lãnh đạo nổi tiếng với những luật lệ kỳ lạ của nước Cộng hòa Turkmenistan, Saparmurat Niyazov đột ngột qua đời ngày 21/12/2006 ở tuổi 66. Giới chức nước này thông báo ông qua đời vào lúc 1h10 rạng sáng ngày 21/12 do tim đột ngột ngừng đập.
Saparmurat Atayevich Niyazov là cựu nguyên thủ của Turkmenistan từ 1985 đến khi từ trần năm 2006. Ông đã từng đảm đương các trọng trách Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô Viết Turkmenistan từ 1985 đến 1991, Chủ tịch Xô Viết tối cao Turkmenistan năm 1990 và Bí thư thứ nhất Trung ương đảng Cộng sản Turkmenistan trong thời gian 1985–1991. Ông trở thành Tổng thống Turkmenistan đầu tiên vào tháng 10/1990 và thường được ca ngợi là một Turkmenbashi, “Người cha đáng kính của mọi người dân Turkmenistan”.
Ông Saparmurat Atayevich Niyazov đột ngột ngừng thở.
Báo chí phương Tây chỉ trích ông là một trong những nhà độc tài đàn áp nhất trong thế giới, nhấn mạnh rằng ông có tiếng về bắt cả nước phải bắt chước những tính lập dị của ông. Ông nổi tiếng ở phương Tây về tôn sùng cá nhân do ông thành lập ở Turkmenistan. Tháng 12/1999, Quốc hội Turkmenistan thông qua luật cho phép Niyazov giữ chức Tổng thống vô thời hạn.
Theo phương Tây, trong suốt thời gian nắm quyền, Niyazov xây dựng một nhà nước mang đậm tính cá nhân của ông. Ông đổi tháng, ngày trên lịch theo tên của ông và gia đình đồng thời ra lệnh dựng tượng Tổng thống khắp nước.
Trong số những luật lệ ông đưa ra có việc cấm người dân nghe đài trên ô tô, hút thuốc lá nơi công cộng và cấm thanh niên để râu, cấm trồng răng vàng.

Thủ tướng Gruzia chết vì ngộ độc gasNgày 3/2/2005, Thủ tướng Gruzia bất ngờ qua đời khi đang ở nhà một người bạn với nguyên nhân là ngộ độc do rò rỉ khí đốt. Tai nạn xảy ra khi ông Zurab Zhvania, 41 tuổi, đang ở nhà người bạn là Raul Usupov, phó tỉnh trưởng Kremo-Kartli.
Bộ trưởng Nội vụ Merabishvili khi đó cho hay các nhân viên an ninh đập cửa xông vào khi họ không thấy dấu hiệu của sự sống, vài giờ sau khi Thủ tướng đặt chân đến ngôi nhà. Các nhân viên an ninh phát hiện một chiếc lò sưởi chạy bằng gas do Iran sản xuất đặt ở phòng chính. Zhvania nằm trên ghế bành trong khi xác của Usupov được tìm thấy trong bếp. “Sự việc xảy ra quá bất ngờ”, ông Merabishvili nhận định.
Thủ tướng Zurab chết vì ngộ độc khí gas
Ngay lập tức, Tổng thống Gruzia khi đó là Mikhail Saakashvili triệu tập một cuộc họp khẩn cấp các bộ trưởng để bàn bạc về cái chết của một trong số ít nhân vật quan trọng trong cuộc cách mạng hoa hồng năm 2003.
“Đây là một đòn quá lớn đối với đất nước chúng ta và với tôi. Gruzia đã mất đi một nhà yêu nước vĩ đại. Tôi mất người bạn thân nhất, cố vấn trung thành nhất, liên minh quan trọng nhất”, Tổng thống phát biểu.
Ông Zhvania từng là một đồng minh của cựu Tổng thống Eduard Shevardnadze. Tuy nhiên, ông tham gia và có vai trò quan trọng cuộc cách mạng hoa hồng dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ Shevardnadze. Cựu Tổng thống Saakashvili, người lãnh đạo cuộc cách mạng hoa hồng, đã bổ nhiệm Zhvania làm Thủ tướng sau khi giành chiến thắng trong bầu cử tháng 1/2004.

Phan Anh (tổng hợp)

No comments:

Post a Comment