Thursday, December 15, 2011

* Mỹ sôi sục ‘tìm đường sống’ cho chiến lược Afghanistan

Quyết định “cấm cửa” tuyến đường vận chuyển quân lương cho binh sĩ NATO tại Afghanistan của Pakistan khiến Mỹ chỉ còn cách duy nhất là “chạy vạy” các nước Trung Á để tìm các giải pháp thay thế, qua đó “thoát thân” khỏi vũng lầy Kabul.
Đồng minh ngoảnh mặt
Sau một thời gian căng thẳng với đỉnh điểm là cuộc không kích “nhầm” của lực lượng NATO do Mỹ dẫn đầu khiến 24 binh sĩ Pakistan thiệt mạng, Islamabad quyết định đóng cửa biên giới với tất cả các tuyến tiếp vận hậu cần của Mỹ tới Afghanistan đi qua lãnh thổ Pakistan; đồng thời yêu cầu Mỹ rút khỏi căn cứ không quân Shamsi ở Tây Nam Pakistan, nơi thường được dùng làm điểm xuất phát các chiến dịch tấn công lực lượng Taliban và al Qaeda.
Thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani thậm chí còn cảnh báo Mỹ và các đồng minh NATO rằng, bất cứ cuộc tấn công qua biên giới nào trong tương lai cũng sẽ gặp phải sự "đáp trả gây thiệt hại".
Quân đội Pakistan cũng đã triển khai vũ khí phòng vệ, trong đó có các loại tên lửa vác vai ở khu vực biên giới với Afghanistan. Loại vũ khí này được đánh giá là có đủ khả năng đe dọa máy bay của Mỹ và NATO.
Sự trả đũa này của Pakistan được đánh giá là mang lại mất mát rất lớn đối với Mỹ. Người Mỹ cần cả lãnh thổ lẫn người dân Pakistan để làm bàn đạp trong cuộc chiến chống lại Taliban.
Quan trọng hơn, thiếu đi sự ủng hộ của Pakistan, việc hoàn tất các chiến dịch tại Afghanistan của quân đội Mỹ theo kế hoạch là điều khó khả thi bởi 60% binh sĩ và hàng hóa quân sự tới Afghanistan của Mỹ sẽ phải tìm đường khác.

Pakistan chặn tuyến đường trung chuyển của Mỹ đến Afghanistan qua lãnh thổ nước này. Ảnh: Daily Mail.



Do đó, Mỹ bắt đầu suy tính việc quá cảnh qua tuyến đường qua Caucasus và Trung Á, vốn được gọi là Mạng lưới phân phối phía Bắc (NDN).
Thực tế, trong những tháng gần đây, kể từ khi quan hệ Mỹ - Pakistan bắt đầu rạn nứt, NDN trở thành tuyến đường tiếp viện chủ yếu cho quân đội Mỹ và quân đội liên quân ở Afghanistan.
Hiện 52% hàng tiếp viện của NATO quá cảnh qua NDN trong khi đó chỉ còn 48% hàng tiếp viện quá cảnh qua tuyến đường Pakistan truyền thống. Thậm chí, NATO còn dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ chuyển 75% hàng tiếp viện cho quân đội liên quân ở Afghanistan thông qua NDN.
Riêng đối với Mỹ, 40% hàng tiếp viện của Mỹ đến Afghanistan quá cảnh qua NDN trong khi đó, tuyến đường Pakistan truyền thống chỉ tiếp nhận 30%, phần còn lại Mỹ chuyển đến Afghanistan bằng đường hàng không có đi qua không phận Karakoram-Torkham của Pakistan.
Do đó, không có gì phải bàn cãi khi NDN đóng vai trò sống còn đối với quân đội Mỹ lẫn phương Tây.
Tuy nhiên, Washington đến nay vẫn chưa có bất cứ sự đảm bảo nào cho tuyến đường qua những nước Cộng hòa Trung Á vốn thuộc Liên Xô cũ này.
Ngay sau khi thắng cử, Tổng thống của quốc gia Trung Á Kyrgyzstan Almazbek Atambayev lên tiếng phản đối sự hiện diện của căn cứ quân sự Mỹ tại Manas. Đánh giá "sự có mặt của quân Mỹ không bảo đảm an ninh cho Kyrgyzstan", Tổng thống Atambayev khẳng định, không thể chấp nhận thực tế là một trung tâm vận tải quá cảnh của NATO do binh sĩ Mỹ làm nòng cốt tồn tại tại sân bay quốc tế Manas.
“An ninh của Kyrgyzstan có thể bị hủy hoại dưới tay Mỹ. Nếu một ngày xảy ra cuộc chiến giữa Washington và Tehran, hậu quả mà chúng ta có thể thấy rõ là Iran sẽ đánh bom Manas”, ông Almazbek Atambayev nhấn mạnh.
Với Mỹ, đóng cửa căn cứ quân sự tại Kyrgyzstan có nghĩa hòn đá tảng cho chiến lược thoái lui khỏi Afghanistan đã bị lay chuyển bởi mỗi tuần có tới 2.000 binh sĩ Mỹ đi qua Manas để đến Afghanistan hoặc trở về nhà. Ngoài ra, căn cứ này còn là nơi để tiếp nhiên liệu cho các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của Mỹ tại Afghanistan.
“Căn cứ Manas mang lại lợi thế rất lớn về không gian và thời gian. Nếu qua căn cứ này, chúng tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian để đến hoặc đi khỏi Kabul. Vì vậy, sẽ là mất mát lớn nếu Manas bị đóng cửa”, Đại tá James Jakobson, chỉ huy căn cứ Manas nhấn mạnh.
Cậy nhờ ‘đối thủ’
Với một viễn cảnh tương lai không chắc chắn cho tuyến đường qua Kyrgyzstan cũng như Pakistan như vậy, giới chức Mỹ lại phải tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm sự ủng hộ từ các lãnh đạo Trung Á khác.
Một nhân vật được Mỹ nhắm đến hiện nay là Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov. Tuy nhiên, trớ trêu thay, chế độ Karimov lâu nay bị Mỹ lên án mạnh mẽ vì các vấn đề liên quan đến nhân quyền. Ông Karimov thậm chí còn bị giới chức Mỹ so sánh với cựu Tổng thống Libya Gaddafi vừa bị lật đổ.
Và vào đúng thời điểm Nhà Trắng đang hân hoan chúc mừng người dân Libya trước cái chết của Đại tá Gaddafi, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đứng bên Tổng thống Islam Karimov, vừa bắt tay vừa niềm nở nói: “Tôi rất hân hạnh được đến Tashkent để tiếp xúc nhiều hơn với ngài cũng như nhân dân Uzbekistan”.
Theo một nhà báo tại Tashkent, chỉ có sự cần thiết rất lớn mới có thể buộc Ngoại trưởng Mỹ phạm điều kiêng kị ngầm để gặp gỡ Tổng thống Uzbekistan.

Mỹ nỗ lực "ve vãn" Uzbekistan. Ảnh: Tribune.



Lý giải cho “sự cần thiết” này, Phó giám đốc Viện đánh giá chiến lược và phân tích Moscow Alexander Khramchikhin nhận định, người Mỹ và đồng minh đang tìm đường rút lui khỏi Afghanistan an toàn. Biên giới Pakistan mà 10 năm nay NATO hành quân qua để vào Afghanistan nay bị cấm cửa, còn hành lang tiếp tế mà Nga dành cho NATO thì không phù hợp: Nga cấm vận chuyển vũ khí. Do đó, Mỹ và đồng minh muốn rút khỏi Afghanistan qua Uzbekistan.
Đối với Mỹ, biến Uzbekistan thành căn cứ điểm tựa của mình ở Trung Á là hết sức lợi hại. Khác với Kyrgyzstan và Tajikistan, hai nước luôn thường xuyên phải giữ thăng bằng giữa tình thế vô Chính phủ hoặc nội chiến, chế độ của ông Islam Karimov thể hiện sự ổn định độc nhất vô nhị đối với cả khu vực.
Vấn đề chỉ còn là, liệu chính Tổng thống Uzbekistan có muốn tiếp nhận sự bảo trợ của Mỹ hay không. Theo ông Yusudzhana Rasulov, từng là nhà phân tích của Học viện xây dựng nhà nước ở Tashkent, người Mỹ có thể hứa cho ông mọi đảm bảo quyền lực và tiền bạc, nhưng sau cuộc cách mạng Mùa xuân Arab, “người ta ít tin vào người Mỹ rồi”.
Vì vậy, việc thuyết phục Tổng thống Islam Karimov để mở đường cho Mỹ có lối thoát khỏi Afghanistan cũng đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ phía Washington.
Tuy nhiên, thời gian không chờ đợi Mỹ. Trong bối cảnh thời hạn rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2014 đang đến gần và sức ép rút quân ngày càng tăng trong Quốc hội khi gánh nặng về kinh tế ngày một lớn, chính quyền của Tổng thống Obama không còn cách nào khác là phải chạy đua với thời gian và dồn mọi sức lực để ve vãn nhà lãnh đạo Uzbekistan bởi dường như nhân vật từng bị Mỹ "coi rẻ" này lại chính là mắt xích duy nhất giúp Washington trong bài toán này.
Trà My (tổng hợp)

No comments:

Post a Comment