Monday, December 19, 2011

* Chủ tịch Kim Jong-il qua đời:

Vì sao Mỹ và các nước láng giềng “giật mình”?
 Cái chết của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il có thể làm tắt hi vọng vừa mới lóe lên về việc nối lại đàm phán hạt nhân với Mỹ và các đồng minh châu Á quan trọng của nước này, trong khi người kế nhiệm trẻ vẫn còn là một “ẩn số” với họ.


Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il qua đời sau một cơn đau tim.
Câu hỏi quan trọng và ngay tức thì cho Washington cùng đồng minh Seoul là liệu Triều Tiên có thể vượt qua được đau buồn sau cái chết của nhà lãnh đạo đáng kính của họ và hoàn thành cuộc chuyển giao quyền lực cho người con trai út của ông, đại tướng Kim Jong-un, người được hãng thông tấn nhà nước KCNA ca ngợi là “người kế nhiệm vĩ đại” cho cha ông.
“Lý do mọi người đang theo dõi chặt chẽ không phải bởi chúng tôi dự đoán Triều Tiên tấn công, mà bởi các sự kiện bên trong Triều Tiên có thể để lại những hậu quả đáng lo ngại”, Rod Lyon, một chuyên gia về Triều Tiên tại Viện chính sách chiến lược Australia tại Canberra cho hay.
“Nếu có một cuộc kế nhiệm gây tranh cãi, có nghĩa là có một cuộc đấu tranh về những vấn đề như ai sẽ quản lý số pluton của Triều Tiên, chứ không chỉ là ai sẽ điều hành quân đội Triều Tiên”.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Obama đã liên lạc chặt chẽ với Nhật và Hàn Quốc, hai trong số 5 nước khác tham gia vào vòng đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. “Chúng tôi vẫn cam kết đối với sự ổn định của bán đảo Triều Tiên, và sự tự do cũng như an ninh của các đồng minh chúng tôi”, thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney ra tuyên bố.
Thời gian khó khăn cho Obama
Đối với Obama, nhà lãnh đạo Triều Tiên qua đời vào thời điểm khó khăn, khi chính quyền của ông coi trọng và đặt nhiều hi vọng vào việc Bình Nhưỡng tái tham gia vào vòng đàm phán hạt nhân cũng như việc hỗ trợ lương thực cho hàng triệu người Triều Tiên đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thiếu thốn. Thành công trong những vấn đề này đóng vai trò quan trọng cho cuộc tái tranh cử của Tổng thống Obama vào năm tới.
Phái viên Mỹ về các vấn đề hạt nhân của Triều Tiên Glyn Davies vừa mới trở về Washington để tham vấn, sau các cuộc đàm phán ở Seoul, Tokyo và Bắc Kinh về vấn đề hạt nhân.
Giới chức Mỹ cho biết hiện thời chưa có quyết định gì về việc tái khởi động các cuộc thương lượng về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, nhưng gần đây họ đã rục rịch cho các cuộc đàm phán với các nhà ngoại giao Triều Tiên về vấn đề nối lại viện trợ - một bước được xem như là tín hiệu tích cực.
Theo Jim Walsh, chuyên gia về Triều Tiên của chương trình nghiên cứu an ninh thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ cho biết: “Đây là một tin xấu, bởi nó có nghĩa là chúng ta đang bước vào một giai đoạn nguy hiểm trong mối quan hệ Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ. Triều Tiên sẽ trở nên đối đầu hơn, bởi nhà lãnh đạo trẻ mới sẽ phải chứng minh giá trị của mình.”
“Có khả năng các cuộc đàm phán (về nối lại bàn đàm phán 6 bên) sẽ bị hoãn lại trong thời gian tang lễ, chính thức hóa tiến trình chuyển giao quyền lực”, Bruce Klingner, nhà phân tích chính sách châu Á tại Quỹ Di sản ở Washington nhận xét.
Một số chuyên gia về Triều Tiên cho rằng ban lãnh đạo ở Bình Nhưỡng có khả năng sẽ tập trung vào vấn đề trong nước trong tầm trung hạn khi củng cố kiểm soát cả trong và sau quá trình chuyển giao quyền lực.
Không có tác động lớn đối với an ninh khu vực?
Hàn Quốc đã đặt quân đội trong tình trạng cảnh báo trong khi các thị trường chứng khoán châu Á sụt giảm vào ngày hôm nay, những chỉ dấu lo ngại trước khả năng cái chết đột ngột của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il có thể gây ra bất ổn tại quốc gia hạt nhân Triều Tiên và rộng hơn nữa.
Song hầu hết những chuyên gia về Triều Tiên dự đoán một cuộc chuyển giao quyền lực cho người con trai út, đại tướng Kim Jong-il, sẽ dẫn đến ít bất ngờ. Đại tướng Kim Jong-un nhanh chóng được hãng thông tấn Triều Tiên ca ngợi là “người kế nhiệm vĩ đại” cho cha ông, “nhà lãnh đạo kính yêu”.
Theo David Kang, người đứng đầu Cơ quan nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Nam California, cho rằng Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của Kim Jong-un, được cho là trong độ tuổi 20 và từng theo học tại Thụy Sỹ, “trong tương lai gần sẽ không có thay đổi”. Nhà lãnh đạo mới sẽ “cúi đầu (lắng nghe) trong vài năm và chính phủ sẽ do những nhà lãnh đạo lớn tuổi hơn dẫn dắt”, giáo sư Kang cho hay.
Nhiều nhà phân tích khác cũng có cùng quan điểm. “Tôi không thấy sẽ có tác động lớn nào đối với an ninh khu vực, bởi tình hình nhân sự đã được kiểm soát” kể từ khi Chủ tịch Kim Jong-il công bố vào năm ngoái rằng con trai ông sẽ kế nhiệm ông, Liu Xuecheng, một chuyên gia về Triều Tiên tại Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc ở Bắc Kinh, một cơ quan có liên hệ với Bộ Ngoại giao, cho biết.
“Lo ngại lớn nhất của Trung Quốc sẽ là sự ổn định của Triều Tiên và mục tiêu của Trung Quốc là đảm bảo cho nước này vẫn ổn định”, Cai Jian, một chuyên gia về Triều Tiên tại đại học Fudan ở Thượng Hải cho hay. “Tôi cho rằng an ninh sẽ được củng cố ở Triều Tiên và Trung Quốc chắc chắn cũng sẽ thắt chặt an ninh ở dọc biên giới. Nếu cái chết của nhà lãnh đạo Kim dẫn đến sự hỗn loạn, chúng ta có thể thấy dòng người tị nạn tràn qua biên giới Trung Quốc”, Cai Jian nhận định.
Song dù thế nào “kỷ nguyên hậu Kim Jong-il đã bắt đầu và kỷ nguyên này chắc chắn sẽ đem đến thay đổi cho bán đảo Triều Tiên”, giáo sư Zhu Feng, một chuyên gia về an ninh khu vực Đông Á tại trường đại học Bắc Kinh cho biết. “Vì vậy, trong những trường hợp này, hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như Nhật, Hàn và Nga, sẽ rất quan trọng”.
Vũ Quý Tổng hợp

No comments:

Post a Comment