Tuesday, December 13, 2011

* Mỹ rút khỏi Afghanistan, Nga, Trung lo ngay ngáy

Thông tin về việc Mỹ lập căn cứ quân sự ở Afghanistan sau khi rút lực lượng quốc tế tại đây khiến giới chức Moscow và Bắc Kinh đứng ngồi không yên.
 Trả lời phỏng vấn trên Đài tiếng nói nước Nga mới đây, ông Zamir Kabulov, đặc phái viên của Tổng thống Nga về Afghanistan bày tỏ quan ngại: “Điều mà chúng tôi thực sự không hiểu là mối liên hệ nào giữa kế hoạch giảm số quân nhân Mỹ và sự tăng cường cơ sở hạ tầng quân sự của Washington tại Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan”.
Theo kế hoạch, từ đầu năm 2012 tới khi rút toàn bộ quân sỹ khỏi Afghanistan (năm 2014), Mỹ sẽ để lại Trung Á lượng khí tài lớn quân sự cực lớn cho các đồng minh. Hiện Washington đề nghị với Tajikistan và Uzbekistan về việc thành lập trên lãnh thổ của hai nước này một mạng lưới các trung tâm đào tạo quân sự.
Ông Aleksandr Konovalov, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược, phân tích: “Thoạt nghe thì dường như lý do đưa ra khá chính đáng – nhằm huấn luyện cho quân nhân các nước trong khu vực cách sử dụng những vũ khí và thiết bị của NATO ở Afghanistan. Tuy nhiên, những binh sĩ Afghanistan, Tajikistan hay Uzbekistan sẽ không giữ nổi những vũ khí này trong tay. Rất có thể, chúng lọt vào tay những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan, những nhóm khủng bố ly khai”.
“Một khi vũ khí đã vào tay những kẻ khủng bố, an ninh các nước Trung Á cũng như các nước có chung đường biên, trong đó có nước Nga và Trung Quốc, sẽ bị đe dọa nghiêm trọng”, ông Aleksandr Konovalov, cảnh báo.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ khí tài quân sự sau khi quân đội Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Ảnh minh họa


Theo các thông tin tình báo Nga, sau khi rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ và NATO có thể tiếp tục duy trì hiện diện quân sự của họ ở đất nước này thông qua 15 trung tâm chỉ huy chiến dịch.
Ông Leonid Ivashov, Giám đốc Học viện các vấn đề địa chính trị của Nga, khẳng định: Những trung tâm chỉ huy chiến dịch vẫn sẽ được duy trì trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Đây thực sự là mối đe dọa đối với an ninh của các nước láng giềng của Afghanistan.
Để duy trì hoạt động, Washington và NATO tiếp tục chuyển tới trung tâm chỉ huy chiến dịch một phần vũ khí và thiết bị từ các kho chứa hiện nay tại Afghanistan. Số lượng khí tài đủ để trang bị cho một lực lượng quân tinh nhuệ nhất định.
Theo ông Leonid Ivashov, viễn cảnh đó không thể không gây lo ngại cho Trung Quốc, bởi trong số các trung tâm chỉ huy chiến dịch sẽ gồm cả sân bay tác chiến quân sự hiện đại nhất của Mỹ.
Những sân bay này sẵn sàng tiếp nhận các máy bay có khả năng giáng đòn tấn công đe dọa các cơ sở hạt nhân của Bắc Kinh cũng như các căn cứ quân sự của Trung Quốc giáp ranh với Afghanistan.
Ông Leonid Ivashov phân tích: Việc duy trì cơ sở kỹ thuật và nhóm quân nước ngoài dưới dạng cơ quan bảo vệ an ninh tư nhân hoặc các căn cứ điều hành ở Afghanistan – hiển nhiên là đối tượng cho mối lo ngại mới của Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Iran, cũng như hàng loạt đối tác của Nga trong Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) và Hiệp ước Thượng Hải (SCO).
“Điều quan trọng là xác định các biện pháp giảm thiểu thiệt hại, đe dọa và những mạo hiểm có thể nảy sinh sau khi bắt đầu việc quân Mỹ và NATO rút khỏi Afghanistan vào năm 2014 như dự kiến. Đương nhiên cả trên cơ sở song phương cũng như trong khuôn khổ SCO và CSTO, Nga cần hoạch định lập trường chung cùng với các đối tác của mình”, ông Leonid Ivashov nhận định.
Sau khi Washington rút quân khỏi Afghanistan, khả năng xuất hiện những căn cứ mới của quân sự nước ngoài, cả ở sát biên giới Nga và Trung Quốc, gián tiếp tác động làm thay đổi tình hình địa chính trị của khu vực Trung Á.
Giới phân tích quốc tế cho rằng, Moscow và Bắc Kinh sẽ không đứng nhìn mối đe dọa đang dần trở thành hiện thực, mà sẽ thúc đẩy các đối tác chiến lược trong vực. Điều đó đồng nghĩa, tình hình Trung Á tới đây sẽ tiếp tục xuất hiện những diễn biến khó lường.
Tùng Dương (tổng hợp)

No comments:

Post a Comment