Tạp Ghi Huy Phương
Dù đã 33 năm, tại Lào Cai có lẽ người dân chưa quên khi trở lại trận địa, họ đã chôn chồng, cha mẹ, con cái, anh em của họ như thế nào, để bây giờ lại phải “treo cao lồng đèn đỏ” mừng quốc khánh kẻ thù phương Bắc, không khác gì Thúy Kiều phải vừa hầu đàn xong, lại phải ngủ với Hồ Tôn Hiến khi mộ Từ Hải vừa mới được chôn vội bên sông vào buổi chiều.
(Hình minh họa: Feng Li/Getty Images)
Những chiếc đèn lồng màu đỏ vừa được treo lên trong phần sân riêng của Tùng Liên, người thiếp thứ tư của chủ nhân họ Trần. Mỗi đêm, Trần phú hộ lại chọn ngủ với một thê thiếp, một ân sủng được người quản gia loan báo cho cả gia trang bằng những ngọn đèn lồng đỏ được treo cao trong sân nhà của người thiếp được chọn. Ðó là những hình ảnh chúng ta được xem trong cuốn phim “Treo Cao Ðèn Lồng Ðỏ” nổi tiếng của điện ảnh Trung Hoa.
Với danh nghĩa mừng ngày tái lập tỉnh Lào Cai, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh này đã chỉ thị cho dân treo đèn lồng lụa đỏ kiểu Tàu trên một số đường ở trung tâm thành phố. Từ ngày 2 tháng 9, các công sở đồng loạt treo đèn lồng trên cây phía trước trụ sở. Tại mỗi phường trong nội thành như Cốc Lếu, Lào Cai, Phố Mới, Kim Tân, Duyên Hải, UƯy Ban Nhân Dân lại chọn ít nhất một con đường bắt dân thắp đèn lồng đỏ, như tại phố Trần Nhật Duật thuộc phường Kim Tân, theo chỉ thị của chính quyền, người dân phải đồng loạt thắp đèn lồng đỏ trước hiên nhà.
Trên trang báo mạng của đảng bộ tỉnh Lào Cai, có một banner ghi “Hướng tới kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Lào Cai 1/10/1991-1/10/2011.” Kỳ thực Lào Cai được thành lập ngày 12 tháng 7 năm 1907 bởi toàn quyền Ðông Dương thời bấy giờ. Dưới chế độ Cộng Sản, Lào Cai trở thành một phần của tỉnh Hoàng Liên Sơn vào tháng 3 năm 1975 rồi được trả lại tên cũ vào ngày 10 tháng 10 năm 1991. Thế nhưng, lãnh đạo đảng bộ Lào Cai đã không chọn ngày thành lập tỉnh 12 tháng 7 và cũng không chọn ngày 10 tháng 10 nếu muốn dùng ngày “tái lập,” mà lại “chọn” ngày 1 tháng 10. Ngày 1 tháng 10 “tình cờ” lại là ngày quốc khánh của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Người dân Lào Cai cho rằng việc treo quá nhiều đèn trong khu phố dễ làm cho người ta liên tưởng đến các khu phố Trung Cộng mà người dân vẫn thấy trong các cuốn phim của nước này. Dân phản đối vì treo lồng đèn đỏ không phải là văn hóa Việt Nam mà đây là một thứ văn hóa nô dịch. Thế nhưng những thứ công cụ “vẹt” chỉ biết lập lại chủ trương của chính quyền như chủ tịch UBND Phường Kim Tân thì tâng bốc, cho rằng thắp đèn lồng trong khu phố là “việc nên làm để nâng cao mỹ quan đô thị, làm đẹp thêm hình ảnh thành phố biên cương trong mắt người dân và du khách.”
Ðó chỉ là sự ngu dốt về mỹ thuật, bắt chước như khỉ và nói theo như vẹt, hay trò lập lờ đánh lận con đen để làm vừa lòng quan thầy, tự nguyện làm một quận huyện của phương Bắc? Bên “mẫu quốc” mừng ngày quốc khánh thì bên “chư hầu” cũng hoan hỉ ngày “cha sanh mẹ đẻ.” Ngay ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long còn được phù phép biến thành ngày 1 tháng 10 thì chuyện cỏn con ngày tái lập một tỉnh Lào Cai bị ảo thuật hóa trùng ngày quốc khánh Tàu Cộng thì quá dễ dàng.
Thế nhưng, điều nhục nhất Lào Cai đã là trận địa, nơi thường dân và bộ đội đã bị Trung Cộng sát hại hàng chục nghìn người trong cuộc chiến biên giới năm 1979, “dạy cho Việt Nam một bài học.” Dù đã 33 năm, tại Lào Cai có lẽ người dân chưa quên khi trở lại trận địa, họ đã chôn chồng, cha mẹ, con cái, anh em của họ như thế nào, để bây giờ lại phải “treo cao lồng đèn đỏ” mừng quốc khánh kẻ thù phương Bắc, không khác gì Thúy Kiều phải vừa hầu đàn xong, lại phải ngủ với Hồ Tôn Hiến khi mộ Từ Hải vừa mới được chôn vội bên sông vào buổi chiều.
Trong tác phẩm điện ảnh “Treo Cao Ðèn Lồng Ðỏ” của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, Tùng Liên là cô sinh viên 19 tuổi xuất thân từ gia đình trung lưu, đang theo học đại học thì cha cô bị phá sản phải tự tử. Dưới sự áp lực của người mẹ ghẻ, cô phải bỏ học và về làm người thiếp thứ tư cho chủ nhân Trần Tả Thiên, một ông già nhiều tuổi nhưng giàu có. Cuộc sống của cô bị giam cầm trong trang viên của lão phú hộ, bán linh hồn lẫn thể xác cho chủ nhân không còn hy vọng vào một tương lai.
Trên đất nước Việt Nam, 36 năm sau ngày cả đất nước bị nhuộm đỏ, để giữ quyền lực và nhận được ân sủng, đảng Cộng Sản Việt Nam đã dâng cả đất nước cho Tàu Cộng. Sau Nội Mông, Tây Tạng, và Tân Cương, Việt Nam bị gả bán cả phần hồn lẫn phần xác cho lão phú hộ Trung Quốc. Cao nguyên miền Trung bị đào xới khai thác bauxite. Rừng đầu nguồn Tây Bắc bị cho thuê dài hạn. Lao động phổ thông Tàu tràn ngập đất nước với những dự án chất lượng thấp. Phim và truyện Tàu tràn lan hang cùng ngõ hẻm. Cái ý niệm phải làm một điều gì đó cho vừa lòng ông chủ lớn, dù phải xây Vạn Lý Trường Thành ở Ðà Lạt, lập Ðông Ðô Ðại Phố Bình Dương, hay dâng cao nguyên cho Trung Cộng khai thác bauxite, cũng chưa đủ nghĩa “cúc cung tận tụy.” Lịch sử chống Bắc phương bị đục bỏ, xóa mờ. Dân chúng biểu tình chống xâm lăng bị đạp vào mặt. Và thân phận toàn dân “tối đen như mực và như cái tiền đồ”* của đất nước.
Những hành động như thế này của đảng và nhà cầm quyền Cộng Sản giúp cho ta thấy rõ hơn sự suy nghĩ và hành động của tập đoàn độc tài không vượt lên trên được xuất thân vô học và vô văn hóa của chính mình. Nó cũng bộc lộ bản chất hèn hạ bợ đỡ của những kẻ bất tài, vô hạnh tự nguyện làm tôi tớ cho ngoại bang.
Thắp sáng và treo cao những ngọn lồng đèn đỏ lên đi, chị em ta! Ông chủ Trung Cộng đã chiếu cố đến thân phận tỳ thiếp hèn mọn của Việt Nam rồi đó.
* Tắt Ðèn của Ngô Tất Tố
No comments:
Post a Comment