Sunday, December 11, 2011

* Bức văn tự bí ẩn trên phiến đá cổ

Không chỉ là nơi“giấu kho báu”, phiến đá cổ còn lưu giữ bức văn tự bí ẩn như là một thông điệp của người xưa nhưng không ai có thể “giải mã”!

Bức văn tự cổ trên phiến đá
Ngoài hai vết lõm kỳ lạ để lại trên phiến đá khổng lồ, trùng khớp với tư thế một người quỳ gối móc vàng trong phiếnđá, phiến đá cổ kính ở làng Bái còn lưu giữ một bức văn tự cổ nhưng không ai giải mã được.

Viên đá hình trụ kê ở châu của phiến đá cổ.
Chiều chầm chậm buông trên cánh đồng làng Bái, những tia nắng rẻ quạt từ cuối trời hắt lên tạo thành một khoảnh khắc kỳ lạ. Trong khoảnh khắc này, hình ảnh phiến đá cổ nằm im lìm cạnh góc chiếc ao làng, phía sau lưng là những nóc tháp cổ trong vườn chùa… tạo một cảm giác khó giải thích.
Ông Tuấn đưa thêm nhiều thông tin lý thú về phiến đá: phiến đá hình chữ nhật, độ dày khá đều nhau và bằng phẳng, hai đầu được gối trên hai bờ tường gạch cổ. Đây là loại đá xanh, và là đá phiến liền khối. Người làng Bái dùng một dụng cụ lớn như dùi trống gõ vào bề mặt phiến đá, và phiến đá phát ra những âm thanh như tiếng khánh đá.
“Tôi chưa thấy phiến đá nào gõ vào phát ra tiếng kêu nhưphiến đá này. Những tiếng “coong coong” rất rõ nét, thánh thót như tiếng chuôngđá” – ông Tuấn kể chuyện.

Những ký tự cổ trên bề mặt phiến đá.
Thời gian đã bào mòn trên phiến đá. Múc nước ao chùa đểrửa những bùn đất, rong rêu trên bề mặt phiến đá, ông Tuấn dò dò ngón tay để chỉnhững hàng chữ cổ để lại trên bề mặt, mà nếu không để ý sẽ không có ai phát hiện ra.
Những ký tự này có hình dáng giống chữ Hán cổ, được khắc chạm trên mặt đá. Có lẽ, do thời gian, mưa nắng lên phiếnđá đã quá nhiều khiến những ký tự này bị mòn, chỉ còn là những vệt trắng giống như người ta viết bằng phấn trắng.
Các ký tự được chạm khắc theo lối viết chữ của người Trung Quốc (từ phải sang trái, theo từng cột dọc). Các hàng chữ đều đặn và thẳng thớm liền kề nhau phủ kín bề mặt phiến đá. Nhiều chỗ trên phiến đá bị bào mòn, không nhận rõ mặt chữ.
Một bậc túc nho của làng thạo chữHán văn đã từng ra phiến đá hòng mong “giải mã” được bức thông điệp của người xưa để lại, nhưng đành “ngậm ngùi” về tay trắng.
Theo bậc túc nho này, những ký tựnày rất kỳ lạ, không phải là chữ Hán, cũng không phải là chữ tượng hình. Ông đồrằng, đó là chữ Hán cổ, loại ký tự khởi thủy của chữ Hán đã được cải tổ nhiều lần cho đến tận bây giờ.
Vẫn câu chuyện của ông Tuấn: có thể,những dòng chữ này có nội dung giải thích vì sao người ta đặt phiến đá ở đây, hoặc là trích lục một phần lịch sử dựng làng… Tuy nhiên, nhiều người phỏng đoán,đó là những lời dẫn giải mật đồ của một kho báu được cất giấu ở đâu đó.
Những “giả thuyết” được dân làng đưa ra và truyền tụng hoàn toàn có cơ sở, khi những vết lõm bí ẩn trên phiến đá, cách xây dựng kỳ lạ của hai bức tường gạch kê để đặt phiến đá lên, viên đá hình trụ đặt trong phần khuyết của một bên bức tường kê…
Và, sâu xa hơn, nó gắn với một câu chuyện về trấn trạch phong thủy của làng…


Vật thiêng trấn yểm?!
Ông Nguyễn Xuân Thụy, người dân xóm Chùa kể một câu chuyện khác về phiến đá: “Người ta bảo rằng, phiến đá này là vật trấn trạch phong thủy của làng. Trước, có một thầy địa lý đi qua làng Bái, nhìnđịa thế của làng và phán rằng: nếu không trấn trạch, đàn bà con gái làng Bái sẽgóa bụa, hay nói cách khác, trai đinh trong làng sẽ yểu mệnh mà đi sớm”.
Thông với ao chùa (hay còn gọi là ao Rối) có một con cừ (con sông nhỏ, do người dân tự đào – p.viên) “ăn” từkhu đồng Hóp chạy thẳng đến đây, tạo thành một thế đầu rồng. Địa thế này, nhiều người nhận định, các thầy ngoại trấn yểm để dân làng không ngóc đầulên được.
Chiếc cầu của làng được ghép bằng bốn phiến đá xanh bằng phẳng được cho rằng có cùng niên đại với phiến đá cổ.
Có nhiều lý giải được đưa ra, nhưng không ai có cơ hội kiểm chứng lại những giả thuyết đó cả. Cho nên, những câu chuyện thấm đẫm chất kỳ bí cứ treo lửng lơ như người ta treo một linh vật trên ngọn cây đa làng.
Thời kỳ hợp tác xã những năm 60 của thế kỷ trước, HTX đã từng khoán đám thanh niên, trai đinh trong làng di dời phiến đá này ra kê ở cống U để đi lại. Hàng chục thanh niên khỏe mạnh (trong đó có ông Thụy) mang theo đòn bẩy, lặn ngụp dưới ao Rối tìm cách di chuyển phiến đá mà không được.
Đám thanh niên còn đóng bè chuối bằng những cây chuối hột, dùng chão cày bừa của hợp tác vòng vào phiến đá kéo đi nhưng phiến đá cũng không di dời. Gần chục công điểm cho một người mà không xong, cuối cùng HTX đành bỏ cuộc.
mặt trước...
và mặt sau của chiếc cầu đá.
Lại có một câu chuyện khác: cũng một đám trai đinh trong làng, không biết làm cách nào đã khênh được phiến đá ra ao đình để kê làm cầu ao. Thế nhưng, những người tham gia khênh phiến đá, về nhà không hiểu lý do gìđều lăn ra ốm thập tử nhất sinh, nhiều người còn ốm rụng tóc.
Hãi quá, họ phải hè nhau khênh trả phiến đá về vị trí cũmới khỏe mạnh trở lại.
Theo sự phát triển chung, làng Bái cổ kính bây giờ đã có bộ mặt mới. Dân cư đông đúc đã khiến làng mở rộng diện tích gấp nhiều lần.
Những công trình xưa cũ nay cũng không còn nhiều, chỉ còn lại dấu ấn hiếm hoi trên mái đình làng. Chùa làng cũngđã được xây mới.
Đường làng thênh thang mở đường cho những ngôi nhà cao tầng kiên cố mọc lên. Những cây cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm cũng đã bị bão mưa quật đổ.
Làng đang sôi động trước một sự kiện lớn: dồn điền đổi thửa, bờ vùng bờ thửa được phá bỏ để hình thành những khu ruộng thẳng cánh cò bay cho phù hợp với xu thế hiện đại hóa, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp…
Đó là xu thế chung khó cưỡng ở nhiều làng quê Việt Nam hiện nay, và làng Bái cũng không nằm ngoại lệ. Tuy nhiên, những giá trị xưa cũ, những hiện thân văn hóa được chọn lọc tự nhiên còn đến bây giờ, liệu có tiếp tục “sống” hay không, nó phụ thuộc nhiều vào tư duy của chính con người.
Cũng như phiến đá cổ nằm lẻ loi bên góc chiếc ao chùa, hàng trăm năm nay nó vẫn nằm đó, cùng với những truyền thuyết mà mang trong mình. Đôi khi, sự bí ẩn và linh thiêng đã giúp những vật vô triđược cứu sống trước “xâm thực” của con người…
  • Kiên Trung

No comments:

Post a Comment