Monday, December 12, 2011

* Chuyện khó tin trên chiếc “giường” cổ nhất thế giới

Từ 77.000 năm trước, người cổ đại đã ngủ “đệm” và thậm chí còn dùng chất chống muỗi.

Tổ tiên của chúng ta biết hưởng thụ cuộc sống thông minh hơn chúng ta tưởng: Họ đã biết thư giãn thoải mái trên những tấm nệm làm từ cây cỏ.

Các nhà khảo cổ học đã phát hiện thấy bằng chứng về "giường đệm" của người cổ đại
Các nhà khoa học đã phát hiện thấy bằng chứng của việc người hang (caveman) kết giường từ lá và thân cây mềm trong một hang đá ở Nam Phi. Ít nhất ba tầng khai quật khác nhau tại khu Sibudu đều có dấu vết của “giường”, mà theo giới khảo cổ là có niên đại từ 38.000 – 77.000 năm. Không chỉ cung cấp một nơi êm ái để ngủ, những loại lá được dùng để đan giường còn có chứa một chất chống côn trùng, đủ mạnh để xua đuổi loài muỗi.
“Những chiếc đệm cổ nhất vẫn được bảo toàn khá tốt bất chấp thời gian. Các thân cây và lá cây được đan chặt với nhau, bọc bên ngoài bởi một lớp lá mỏng. Việc lựa chọn các loại lá và thân cây cho thấy, những cư dân buổi đầu của Sibudu hiểu biết khá nhiều về thực vật. Họ cũng nhận thực được về công dụng chữa bệnh của cây”, Giáo sư Lyn Wadley của Đại học Witwatersrand, Johannesburg phân tích trên Daily Mail.

Người cổ đại có hiểu biết bất ngờ về thực vật, thậm chí còn nhận thức được công dụng y tế của chúng.
Thậm chí, theo suy đoán của Giáo sư Wadley, không chỉ phục vụ giấc ngủ vào ban đêm, tấm đệm này còn có thể là “bàn làm việc” của người cổ đại khi ban ngày.
Các dấu vết trong hang cũng cho thấy, khoảng 73.000 năm trước, các cư dân đã có thói quen hun khói giường sau khi sử dụng. “Họ nâng chiếc đệm và hơ trên lửa, có lẽ là một cách để diệt và đuổi ký sinh trùng”, đoàn khảo cổ cho biết.
Chiếc giường cổ nhất trước đây mà khoa học từng phát hiện được có niên đại 20.000 năm trước.
Trọng Cầm

No comments:

Post a Comment