Tuesday, December 6, 2011

* Hồ sơ tên lửa Standard Missile (kỳ 2)

Nhằm hiện thực hóa cho chương trình phòng thủ tên lửa, SM-3 ra đời là nỗ lực để cụ thể hóa chương trình BMD của hệ thống chiến đấu Aegis.
Để duy trì sức mạnh và lợi thế trước bất kỳ cuộc chiến nào, Mỹ nỗ lực xây dựng chương trình phòng thủ tên lửa xuyên quốc gia. Hệ thống chiến đấu Aegis chính là trái tim của chương trình phòng thủ tên lửa này.
Các biến thể SM-2ER hiện tại không còn đáp ứng được kỳ vọng của chương trình BMD, nhà sản xuất Raytheon tiếp tục cho ra đời biến thể mới có tên gọi RIM-161 SM-3. SM-3 thực ra là một phát triển mở rộng tiếp theo của SM-2ER lô IV đã bị hủy bỏ trước đó.
Về cơ bản SM-3 giống với SM-2ER lô IV. SM-3 sử dụng chung động cơ đẩy phụ Mk-72 như SM-2. Tuy nhiên, SM-3 được trang bị thêm một tầng đẩy thứ 3 Mk136, hay còn gọi là tầng đẩy tăng cường thay vì chỉ có 2 tầng đẩy như SM-2ER.
Tầng đẩy tăng cường Mk136 được phát triển bởi công ty hàng không vũ trụ Alliant Techsystems Inc của Mỹ thường được gọi tắt là ATK. Tầng đẩy tăng cường giúp tên lửa SM-3 vượt ra ngoài tầng khí quyển.
Cấu tạo của SM-3 bao gồm các thành phần sau, động cơ đẩy phụ kiểm soát lực đẩy vector Mk72, hệ thống lái, động cơ tên lửa nhiên liệu rắn lực đẩy kép Mk104, động cơ đẩy tăng cường Mk136, hệ thống đầu dò mục tiêu và cuối cùng là đầu đạn động năng KW.

Cơ chế hoạt độngRadar AN/SPY-1 của hệ thống chiến đấu Aegis sẽ phát hiện các mục tiêu tên lửa đạn đạo, hệ thống chiến đấu Aegis sẽ dựa vào các thông số cần thiết như, tốc độ của mục tiêu, quỹ đạo bay, nhằm tính toán một giải pháp đánh chặn.
Đồ họa cơ chế tách tầng đẩy của tên lửa SM-3.



Hệ thống sẽ kích hoạt tên lửa đánh chặn SM-3 để tiêu diệt mục tiêu, tên lửa SM-3 có tới 4 giai đoạn. Giai đoạn đầu tên lửa sẽ được đưa ra khỏi ống phóng Mk-41 bằng tầng đẩy phụ Mk72. Tên lửa thiết lập các thông số liên lạc với tàu Aegis. Giai đoạn này tên lửa được dẫn hướng bằng quán tính.
Giai đoạn thứ 2 tên lửa tách bỏ tầng đẩy phụ Mk72 và kích hoạt động cơ tên lửa nhiên liệu rắn lực đẩy kép Mk104. Giai đoạn này tên lửa được dẫn hướng thông qua radar AN/SPY-1 của tàu phóng với sự hỗ trợ của hệ thống GPS.
Giai đoạn thứ 3, tên lửa tách bỏ phần còn lại của động cơ đẩy và kích hoạt động cơ đẩy tăng cường Mk136. Động cơ đẩy tăng cường sẽ giúp tên lửa SM-3 vượt ra ngoài tầng khí quyển. Động cơ đẩy tăng cường Mk136 sẽ cung cấp lực đẩy cho tên lửa trong khoảng 30 giây trước khi tiếp cận mục tiêu.
Giai đoạn thứ 4, tên lửa tách bỏ tầng đẩy tăng cường và kích hoạt hệ thống LEAP, một modun chuyên dụng để đánh chặn tên lửa bên ngoài bầu khí quyển. LEAP bao gồm một đầu đạn không thuốc nổ, được thiết kế với công nghệ “hit-to-kill” truy đuổi và tiêu diệt.
Module đánh chặn chuyên dụng bên ngoài không gian LEAP.



LEAP sẽ tự động tìm kiếm mục tiêu thông qua các dữ liệu được hệ thống Aegis của tàu phóng cung cấp. Để làm được điều này, LEAP sử dụng một cảm biến hồng ngoại FWIR cùng radar bán chủ động để xác định mục tiêu.
LEAP được trang bị một đầu đạn Kinetic Warhead (KW) thuộc dạng đầu đạn động năng (dùng động lực để phá hủy mục tiêu thay vì sức nổ). Theo tính toán, động năng của vụ va chạm có thể đạt 130 Jun, tương đương với 31kg TNT.
LEAP được ứng dụng các thuật toán so sánh tiên tiến, cho phép nó xác định mục tiêu của nó là đầu đạn tên lửa hay mảnh vụn tách ra từ tên lửa mục tiêu.
SM-3 đã chứng minh khả năng phân biệt mục tiêu trong mớ hỗn độn này. Sự kết hợp của hệ thống cảm biến hồng ngoại FWIR và hệ thống radar AN/SPY1 của hệ thống Aegis đã nâng cao khả năng nhận biết mục tiêu của tên lửa SM-3.

Các biến thểTên lửa RIM-161A thử nghiệm lần đầu tiên vào tháng 9/1999, thử nghiệm tiếp theo diễn ra vào tháng 1/2000. Các thử nghiệm được đánh giá là thành công, việc kiểm soát tên lửa được thực hiện cho đến giai đoạn thứ 4 khi đầu đạn động năng được tách ra.
Tuy nhiên, sự phát triển của SM-3 không hoàn toàn suôn sẻ, khả năng hứng chịu ứng suất trọng trường của tên lửa không tốt khi tên lửa đạt tốc độ 9600km/h. Các thử nghiệm nhiều lần bị trì hoãn, nhưng cuối cùng tên lửa cũng thử nghiệm thành công vào ngày 24/2/2005.
Các biến thể đã và đang được sản xuất của tên lửa SM-3.



Đến giữa năm 2006, các thử nghiệm tiếp theo diễn ra khá thành công, tên lửa SM-3 đã đánh chặn thành công mục tiêu giả định vào ngày 22/6/2006. Biến thể nâng cấp RIM-161B block IA được giới thiệu vào năm 2008, bao gồm cải tiến động cơ tên lửa, nâng cấp phần mềm điều khiển.
Biến thể RIM-161C được giới thiệu vào năm 2009, với những cải tiến quan trọng như, cảm biến hồng ngoại FWIR hai màu sắc, hệ thống kiểm soát mới, hệ thống xữ lý tín hiệu tiên tiến.
RIM-161D block II được giới thiệu vào năm 2010, bao gồm trang bị đầu đạn KW tốc độ cao, phần khí động học của tên lửa cũng được thiết kế lại. Đường kính của tên lửa lớn hơn 530mm so với 340mm của SM-3 block IA, vây ổn định và vây lái ngắn hơn, vây ổn định nằm sát xuống phía dưới của động cơ tên lửa chính thay vì nằm chính giữa động cơ như biến thể SM-3 block IA.
Sự phát triển của SM-3 block IB và block II có sự tham gia của đối tác Nhật Bản, tên lửa được dự định hoàn thiện trong giai đoạn 2010-2012. Biến thể SM-3 block IIA được dự định hoàn thiện trong giai đoạn 2012-2014. SM-3 block IIB bao gồm một đầu đạn KW lớn hơn, cải thiện chế độ điều khiển đầu đạn ở tốc độ siêu thanh.
Thông số kỹ thuật: Dài 6,55 m, đường kính 340mm với SM-3 block IA, 530mm với block IB/II/IIA/IIB, sải cánh 1,57 m với block IA, sải cánh của block IB/II/IIA/IIB chưa được công bố.
Trọng lượng của tên lửa SM-3 vẫn chưa được công bố, SM-3 có tầm bắn lên đến 500km, tầm cao tối đa lên đến 160km, tốc độ tối đa của tên lửa khoảng 9600km/h, SM-3 được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa có tầm bắn tới 12000 km. Ngoài nhiệm vụ chính là đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa, SM-3 có thể được sử dụng cho mục đích chống vệ tinh.
Tên lửa SM-3 block IIA/IIB được dự định sẽ trở thành tên lửa tiêu chuẩn của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo xuyên quốc gia BMD và tương thích với chương trình phát triển hệ thống chiến đấu Aegis 4.01.
SM-3 được xem là tên lửa đánh chặn hàng đầu thế giới hiện nay, xét về tầm bắn, các công nghệ được áp dụng khó có loại tên lửa nào trên thế giới có thể so sánh. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa muốn dừng lại, tham vọng của họ là rất lớn, SM-3 chưa hoàn thiện hết các phiên bản, Mỹ đã bắt đầu rục rịch phát triển tiếp biến thể tiếp theo là RIM-174 hay còn gọi là SM-6ERAM.
Quốc Việt

No comments:

Post a Comment