Friday, December 9, 2011

* Sắc tình trong ảnh khoả thân của Ngải Vị Vị

Trần Đông Đức
Nhà nước Trung Quốc do đảng cộng sản lãnh đạo gần đây đã dùng những biện pháp tinh vi để cô lập uy tín của nghệ sỹ Ngải Vị Vị. Ở Trung Quốc, người ta cũng gọi thế lực cao nhất của nhà nước này là Đảng Trung Ương (DTU) vì chỉ có họ mới có đủ sức để trả thù một cách quyết liệt khi bị người ta bêu xấu. (Đảng Trung Ương tức là Trung Ương Đảng trong tiếng Việt. Xin tạm dùng ngữ cảnh Đảng Trung Ương làm uy thế đại diện cho vị trí của nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay vì nó liên quan đến nội dung các bức ảnh của Ngải Vị Vị trong bài viết này).
Ngải Vị Vị
Bằng chính sách thuế vụ tuỳ tiện, DTU đã bắt Ngải Vị Vị phải đóng một số thuế lớn trong một thời gian ngắn để nghệ sỹ này không kịp trở tay mà bắt vào tù trở lại – hay đành phải quy phục DTU để rồi chấm dứt mọi hành vi chỉ trích chế độ.
Nhưng hiện nay, thủ đoạn truy thuế hại người đã bị phản tác dụng. Trên ba vạn người Trung Quốc bất chấp nguy cơ bị trù dập đã tham gia vào chương trình góp tiền giúp Ngải Vị Vị trả thuế.
Kế hoạch bóp cổ Ngải Vị Vị vì thế đã được giải vây. DTU bèn moi ra một chuyện khác liên quan đến trường phái sáng tạo của Ngải Vị Vị với tội danh chụp hình khỏa thân. Qua sự điều tra được dàn dựng, DTU hy vọng không những làm xấu thanh danh nghệ sĩ mà còn kết được một số tội hình sự như tuyên truyền văn hóa khiêu dâm đồi trụy.
Nghe tới khiêu dâm, đúng là không ai không khỏi hiếu kỳ và hóng hớt. Nhất là đối với dân chúng Trung Quốc có truyền thống mấy ngàn năm văn hóa Khổng Giáo kiềm tỏa dục vọng con người thì thế nào rồi những người như Ngải Vị Vị cũng bị ném đá cho mà xem. Người ủng hộ tinh thần Ngải Vị Vị cũng từ đó sẽ bị nhục lây mà thôi hò hét về những khao khát hình tượng nhân sinh nghệ thuật. Dâm uế hóa được hình ảnh Ngải Vị Vị không những đóng vai trò phủ nhận luôn địa vị đạo đức nghề nghiệp mà còn góp phần điều chỉnh lại trào lưu quốc tế từ Tây Phương từng phong cho Ngải Vị Vị là những nhân vật có quyền lực văn hóa nhiều hơn cả những quan chức lãnh tụ đang còn sống.
Lực lượng công an cũng tới thăm dò điều tra phía bên vợ của Ngải Vị Vị để làm lung lạc tinh thần “tương kính như tân” – và nếu có khả năng phân hóa nội bộ bằng cách chồng chất thêm những khó khăn tạm thời về mặt kinh tế để làm hỏng quan hệ phối ngẫu của họ thì càng tốt. Lực lượng đảng Ngũ Mao (50 xu) và hồng vệ binh được điều động sẵn sàng văng vãi (phóng ni) lên mạng để làm cho dư luận ruồng bỏ Ngải Vị Vị.
Khoả thân có phải là khiêu dâm?
Đúng là nghệ sĩ Ngải Vị Vị có chụp một số hình kiểu lõa thể tập trung. Một số ảnh xem như vẻ ăn chơi nhảy múa, bước đại nhảy vọt, nhưng theo phong cách “đứng chụp từ xa”, “đứng gần che lại” không có vẻ nào gọi là dâm tâm động loạn. Các động tác trong đó thì cũng không có cái nào biểu cảm quá mức thịt da để làm người ta nhìn vào mà bị khiêu động sắc tình. Nhiều người cho rằng có thể sinh lý dục vọng của đảng Ngũ Mao và hồng vệ binh bị giam cầm lâu dài quá độ (vừa Khổng Mạnh vừa Búa Liềm) nên mới bị những bức hình này quấy động tâm tính. Những người bình thường biết xem phim đọc sách nghe nhạc thì xem xong rồi tâm tư không bị gợn bụi trần mà còn lắng đọng linh hồn như đang chiêm nghiệm tận cùng của “ngũ hành bát quái”, “tứ đại giai không”; đơn sơ mà uyên bác.
Nói là nhiếp ảnh sắp đặt cho nghệ thuật tạo hình thì cũng không xứng với tinh anh tài nghệ của Ngải Vị Vị. Ngải Vị Vị là người từng tham gia thiết kế sân vận động Tổ Chim cho thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008. Sự nghiệp sắp xếp dàn dựng từ cấu trúc đến vật thể phải nói là đa chiều và phức tạp hơn nhiều so với việc bắc ghế ra ngồi bày biện với mấy cô nàng trước máy ảnh.
Thế là từ vụ điều tra nhiếp ảnh khiêu dâm do công an chụp lên vô hình trung đã biến những tác phẩm khoả thân của Ngải Vị Vị và bốn cô đào trở thành một cao trào văn hoá. Nghệ thuật đương đại trào lưu như đột nhiên sinh sôi nảy nở từ chính chỗ này.
“Nhất Hổ Bát Nãi Đồ” và trào lưu nhị nãi
Quốc Nãi – Tống Tổ AnhMới nghe đến những bức hình có tên là “Nhất Hổ Bát Nãi Đồ” có nghĩa là một con cọp và tám “bầu sữa” theo trình tự chuyển cảnh trở thành hoạt đề nghệ thuật biếm chỉ đời sống xa hội sôi nổi. Chữ nãi còn có nghĩa bóng gió gợi ý đến phong trào bồ bịch của quan chức Trung Quốc hiện nay như nhị nãi, tam nãi, tứ nãi… cho tới bát nãi.
Nhị Nãi nổi tiếng nhất của Trung Quốc mà ai cũng biết đó là nữ ca sĩ Tống Tổ Anh, người gốc Miêu tộc, chuyên hát dân ca và từng qua lại với tổng bí thư Giang Trạch Dân lúc còn tại chức. Vợ nguyên phối của Giang Trạch Dân so với Tống Tổ Anh thì kém về ưu thế ngoại hình một trời một vực. Do đó mà “Quốc Nãi” xinh đẹp Tống Tổ Anh được nhân dân Trung Quốc trên mạng ưa chuộng và tán dương địa vị thành “Trung Cộng Quốc Mẫu” với nhiều danh hiệu như “Quốc -Sắc-Mẫu-Đơn-Thiên-Hương-Nhị-Nãi” (国色牡丹天香二奶) nghe không khác gì là thuỵ hiệu của quý phi hoàng hậu thời xưa.
Cũng nói thêm rằng, Trung Quốc đại lục không có thể chế cấp chức Đệ Nhất Phu Nhân (như kiểu Mỹ và các nước Tây Phương) cho vợ nguyên thủ. Dân chúng Trung Quốc thì tuỳ thời và tuỳ theo thành tích hoạt động của họ mà đặt cho danh hiệu này nọ. Thường là danh hiệu thật là oai trời để xứng đáng với bề thế của người chồng đang cầm đầu đất nước to lớn này. Trường hợp Giang Thanh, tức là đồng chí Lam Bình mà Tố Hữu từng làm thơ ca tụng là một ví dụ. Xuất thân là một diễn viên, sau này làm vợ của Mao Trạch Đông , Giang Thanh là một “Trung Cộng quốc mẫu” từng được xưng tụng: Vô-Sản-Giai-Cấp-Văn-Nghệ-Vĩ-Đại-Kỳ-Thủ (无产阶级文艺伟大旗手). Tuy nhiên, sau khi Mao chết bị phe Đặng Tiểu Bình cho dán lại là: “Lâm-Bưu-Giang-Thanh-Phản-Cách-Mạng-Tập-Đoàn”(林彪江青反革命集团) làm phải uất nghẹn mà chết trong tù lúc đang hưởng án chung thân.
Giang Thanh – “Trung Cộng Quốc Mẫu” chết trong tù Lịch sử có khi lặp lại, nếu không có gì thay đổi vào giờ chót thì vợ (cưới lần thứ hai) của chủ tịch Trung Quốc tương lai Tập Cận Bình, tên là Bành Lệ Viện sẽ chính thức lên làm Trung Cộng quốc mẫu vào năm tới. Bành Lệ Viện cũng đang là một diễn viên, ca sĩ hát nhạc dân tộc có tiếng, mang hàm thiếu tướng quân đội từng diễn kịch chung sân khấu với Tống Tổ Anh. Hãy chờ xem.
Trở lại vấn đề, cách dùng chữ nãi để đặt tên cho bức nhiếp ảnh là có dụng ý bao quát hình tượng chứ không phải là chữ nhũ (vú) nhã nhặn để dành cho các em bé sơ sinh. Bát nãi, ngụ ý thật là sâu xa làm người Trung Quốc bị ấn tượng ngay cả từng con con số đếm vì chữ Bát lại có âm từa tựa với chữ Phát trong “Phát Tài” trong các phương ngữ Trung Quốc ở miền Nam.
Bành Lệ Viện”Chân đi chữ Bát 八, tay khoát chữ O” cũng chính là tướng đi như bơi của nhân vật Trư Bát Giới trong bộ phim truyền hình nổi tiếng Tây Du Ký nghe rất gần gũi. Trong truyền thống hội họa dân gian lại có thêm bức tranh hùng hồn đồi núi là Bát Tuấn Đồ (Tám Con Ngựa).
Bức ảnh "khiêu dâm" của Ngại Vị Vị
Do đó, nói “Nhất Hổ Bát Nãi Đồ” chỉ cần nghe danh đề là có ngay sự liên tưởng tới chiều sâu văn hóa nghệ thuật rất đặc sắc. Tựa đề bức ảnh “một cọp tám vú” nghe rất ngồ ngộ nhanh chóng trở thành thành ngữ lan truyền. Chắc có nội dung gì đây, ngụ ý gì đây, cảm khái nghệ thuật phù phiếm hình tượng gì đây, mà lại bay xa và bay bổng lên như thế
Đó là tấm ảnh một người đàn ông (do Ngải Vị Vị đóng) đang trong tư thế ở truồng, ngồi ghế chính làm nhân vật chủ giác nhưng lại nghiêng về bên trái. Đây được lý giải là là hình tượng đại biểu cho Đảng Trung Ương với đường hướng khuynh tả làm cơ sở lý luận cố hữu của đảng cộng sản. Xung quanh người đàn ông là bốn phụ nữ (nãi) cũng trong tư thế ở truồng, đứng ngồi theo mỗi xu thế khác nhau đại diện cho bốn giai cấp thành hình trong xã hội Trung Quốc.
Nãi tóc dài ngồi bên trái đại diện cho thành phần trí thức. Tuy có chỗ ngồi đấy, nhưng đôi mắt đeo kiếng của nãi cứ luôn nhìn vào Đảng Trung Ương.
Nãi thứ hai ngồi bên phải có đôi tay hướng thân thể nghiêng sang đại diện cho phái hữu khuynh. Thân hình nãi này béo tốt, tay đeo đồng hồ, cổ đeo dây chuyền đại diện cho giai cấp tư sản. Đảng Trung Ương và Giai Cấp Tư Sản có sự phân cách độc lập về mặt cự ly nhưng ở góc cạnh riêng tư hai thế lực này đang cùng nhau cấu kết (bằng một tấm hình chụp riêng).
Nãi tóc ngắn nhỏ con ngồi ké ghế với Đảng Trung Ương chính là nhóm Truyền Thông Mới Nổi. Lúc đầu, nhóm này không có địa vị nào nhưng được Đảng Trung Ương cho sà vào như rồi trở thành em út thân mật, được ngồi chung ghế nên cười sung sướng.
Một nhân vật bị Trung Ương Đảng bị che khuất hình dạng chính là Giai Cấp Công Nông – không có ghế ngồi, không có địa vị, chỉ đứng thò đầu làm cảnh nhìn rất phai nhạt.
Về ngọn cờ Công Nông Trung Quốc
...Mộng Hồn Quanh - Lá Cờ Cách Mạng thời Mao Trạch Đông
Giai cấp công nông mà bị cho de ra đằng sau như thế biểu lộ một sự lơ là trắng trợn của DTU. Trong cuộc vạn lý trường chinh đảng cộng sản dùng hình ảnh ngọn cờ của giai cấp này cho lên hàng đầu.
Cũng nói thêm, trong một bài thơ bằng chữ Hán,” Thụy Bất Trước” của tập Ngục Trung Nhật Ký có câu “mộng hồn hoàn nhiễu ngũ tiêm tinh” chính là tác giả hướng về ngọn cờ công nông này. Cộng sản Trung Quốc dùng cờ công nông làm cách mạng cho đến khi gần chiếm trọn giang sơn mới nghĩ tới việc cho người sáng tác quốc kỳ mới thế cờ của chế độ Tưởng Giới Thạch . Thế là cờ năm sao của Trung Quốc hiện nay ra đời qua một cuộc thi tuyển lựa trước ngày tuyên bố thành lập nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa chỉ có vài tháng vào năm 1949.
Nhiều người Việt coi các phim về Vạn Lý Trường Chinh của Tung Quốc từ thập niên 30 thấy cảnh có Mao Trạch Đông đi bên cạnh cây cờ đỏ Công Nông là cứ đâm ra ngờ ngợ rồi lại thắc mắc là làm sao hai nước Trung Việt lại đụng hàng nhau một cách như thế mà cũng được à?.
Bài thơ được viết như sau:
睡不著
Thuỵ Bất Trước
一更…二更…又三更
Nhất canh… nhị canh…hựu tam canh
輾轉,徘徊,睡不成
Triển chuyển, bồi hồi, thuỵ bất thành
四,五更時才合眼
Tứ, ngũ canh thời tài hợp nhãn
夢魂還繞五尖星
Mộng hồn hoàn nhiễu ngũ tiêm tinh
NAM TRÂN dịch ra:
Không Ngủ Được
Một canh…hai canh…lại ba canh,
Trằn trọc băn khoăn, giấc chẳng thành;
Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt,
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh.
Ngũ: Năm; Tiêm: Nhọn; Tinh: Sao
Vàng chỗ nào đâu mà vàng, dịch dọt bị hoa mắt à?
Cũng vì cái cụm “sao vàng năm cánh mộng hồn quanh” thêm vàng thêm nghệ này mà bên Tàu có học giả hiếu kỳ dịch ngược lại bài của Nam Trân sang tiếng lại Trung “Ngũ giác hoàng tinh nhiễu mộng hồn – 五角黃星繞夢魂”để hiểu chân tướng của ngôi sao và ngọn cờ máu nhuộm hiện nay liên quan như thế nào?
Ngũ Tiêm Tinh có nghĩa là gì? Đó chính là ngôi sao năm cánh màu trắng có cái búa liềm màu đen lồng chính giữa chứ không phải là loại sao vàng năm cánh mà học sinh Việt Nam phải học thuộc bằng tiếng Kinh rồi xưng tụng nhà thơ đang mơ tưởng đến quốc kỳ Việt Nam.
Vào thời điểm bài thơ Không Ngủ Được ra đời, cờ đỏ sao vàng của Việt Nam đang còn nằm trong bào thai cách mạng. Quân đội dân dân chưa có khúc quân hành nào mang tính trập trùng gian nguy như Cờ Đỏ-Sao Trắng-Búa Liềm Đen của công nông bên Tàu.
Do đó, không thể phủ nhận giai cấp công nông và cách mạng Việt Nam có chút nhân duyên phối hợp ngẫu nhiên.
Do đó, ảnh khỏa thân của Ngải Vị Vị lại có thêm một ý vị mới đối giới thưởng ngoạn Việt Nam – không thể không thích thú mà suy luận ra nhiều góc cạnh khác.
Sự sắp đặt hình ảnh như vầy, đơn sơ mà sâu sắc. Không biết dụng ý của tác phẩm này ban đầu như thế nào mà hiện nay sự tìm hiểu và phê bình hình tượng còn vượt xa hơn hình ảnh về một người đàn ông đang bao gái, tưởng là chỉ có ý chỉ hiện thực phê phán vào các quan chức cộng sản hiện nay.
Về mặt tư thế và phối cảnh (ý nói về nội dung và nghệ thuật các bức ảnh) thì các diễn viên rất tự tin và thoải mái. Ngụ ý về chính trị thì quá ngất ngây lung linh tín hiệu nhưng còn về phương diện trào lưu thì đó là một xu hướng thúc đẩy giải phóng tình dục cho nhân dân Trung Quốc đang bị một cổ hai tròng: Búa Liềm và Khổng Giáo. Người xem ảnh mở rộng tâm hồn thì cảm thấy tự tin, có chút thể nghiệm, thách thức phong hóa và có một phần nào giải phóng tư duy về những điều xưa nay cần phải che đậy.
Đảng Trung Ương
Thế nhưng bốn cô gái này nếu đếm ra thì chỉ nhất, nhị, tam, tứ… nãi mà thôi – một ngôi sao lớn và bốn ngôi sao nhỏ trên cờ Trung Quốc chăng? Hiểu như thế theo kiểu dân mạng Đài Loan phân tích cũng hợp lý.
Nhưng rõ ràng khi đặt tên Bát (8) Nãi Đồ!‼ Thì ra dưới góc nhìn của Ngải Vị Vị trên mỗi nãi về mặt nhân thể lại có hai nãi khác. Luận về tính hợp tình hợp lý của số đếm Nhất đối với Bát thì lại có sự ẩn dụ sâu sắc và tinh vi. Một Đảng Trung Ương với tám đảng phái vệ tinh hiện nay ở Trung Quốc có địa vị như tương bám trên thân hình của bốn giai cấp. Nếu mỗi đảng phái vệ tinh ứng với mỗi bầu sữa thì Đảng Trung Ương chính là cái chỗ đũng quần.
Đúng vậy, trong chữ Hán cái đũng 裆có âm tương tự với chữ đảng như kiểu Bát với Phát. Với truyền thống ngàn năm chơi chữ đồng âm, “thâm dưa nhựa mít”, người Trung Quốc không thể nào không thích chí khi thấy sự thông minh biến Đảng Trung Ương 党中央 biến thành Đũng Trung Ương 裆中央, chẳng khác nào ví von Trung Ương Đảng như là cái gì thì ai cũng biết. Khi những bức ảnh này quá nổi tiếng rồi thì hình ảnh Đảng Trung Ương trở thành ngôn ngữ biếm chỉ như kiểu từ tình đồng chí trở thành tình đồng tính luyến ái mà dân gian gần đây gán cho.
Người trong cuộc nói gì
Lưu Manh Yến, tên thật là Diệp Hải Yến người đóng vai cô gái đại diện gia cấp tư sản, tay đeo đồng hồ, cổ đeo ngọc bối trong hình, qua vụ này đã trả lời với báo chí hiếu kỳ (và luôn cả đảng ngũ mao đang tìm cách bêu rếu Ngải Vị Vị) rằng các bức ảnh này “vốn không có ngụ ý nào, chỉ đơn giản là đề cao vẻ đẹp của thân hình, nhưng tôi không chối bỏ bất cứ sự giải thích nào về nó, tư tưởng con người có thể đi rất xa, xa lắm để cho mọi người tự do (hiểu sao thì hiểu)”
Cô ta còn nói, xem qua các tấm như “Mẹ Già Thêu Hoa”, “Một Con Người Cô Tịch”, tôi nhận ra một con người chấp trước, dũng cảm của Ngải Vị Vị. Anh không cho phép ai được quyền chà đạp lên tôn nghiêm của con người. Tôi dùng lương tri và sinh mệnh của tôi để bảo đảm rằng Ngải là một nghệ sĩ có lương tri và là một người đàn ông dũng cảm”
Trên mạng Baidu viết về bút danh Lưu Manh Yến dài cả mấy trang từ dân tộc, ngày sinh, tình trạng hôn nhân, cho đến nhóm máu để rồi chỉ trích cô ta chụp hình khiêu dâm khoả thân mà không biết xấu hổ. Mạng Baidu cũng trích dẫn những lời chỉ trích của đảng Ngũ Mao trộn vào những câu tuyên bố ngang phè của Lưu Manh Yến trên mạng để “lưu manh” hóa một người từng làm cô giáo dạy học trò và là một nhà tranh đấu cho nữ quyền. Tuy nhiên, cả mấy trang dài lê thê về tiểu sử của Diệp Hải Yến lại không dám nhắc đến tên tuổi của Ngải Vị Vị.
Đảng Trung Ương như vừa muốn dìm hàng lại vừa muốn tìm cách che đậy hình ảnh Đảng Trung Ương trong Nhất Hổ Bát Nãi Đồ của Ngải Vị Vị.
Cờ Bát Nhất của Giải Phóng Quân
Che đậy 挡trong chữ Hán cũng lại là chữ đồng âm từa tựa với chữ Đảng (đọc bằng âm Hán Việt là Đáng) cho nên nó lại diễn đạt đến bản chất thích che đậy của Trung Ương 挡中央. Tuy những bức hình xuất hiện lồ lộ chẳng thấy khiêu dâm chỗ nào mà cứ làm như là ma ám vào tình hình nội chính ám muội ở Trung Quốc. Thế rồi tự dưng Đảng Trung Ương có nghĩa là cái đủng quần trở thành câu chuyện khiêu khích đàm tiếu. Cảm hứng nghệ thuật như càng bay cao xa mãi tạo nên cơ hội và trường phái cho những nhà nhiếp ảnh muốn biến sắc tình – sắc giới trở thành động lực sáng tạo thách thức trật tự xã hội do Trung Ương Đảng đang nắm chặt trong tay.

No comments:

Post a Comment