Monday, December 12, 2011

* Sân bay vũ trụ Plesetsk và vai trò mới

Sân bay vũ trụ Plesetsk ở Nga đã được xây dựng từ các đây hơn 50 năm, nhưng chỉ thời gian gần đây mới được dư luận nhắc tới.
Bức màn bí mật che phủ sự tồn tại của Plesetsk bấy lâu nay, thực ra rất đơn giản. Ban đầu, sân bay này được xây dựng như là một thành phần của lực tên lửa chiến lược.
Trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tên lửa giữa Mỹ và Liên Xô, tại đây các tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên của Liên Xô R-7, đã được đưa vào các bệ phóng sẵn chờ lệnh.
Trong lịch sử hình thành của mình Plesetsk đã chứng kiến sức sáng tạo mãnh liệt và những nỗ lực đáng kinh ngạc của đội ngũ chuyên gia và nhân viên làm việc tại đây.
Đây là nơi ra đời hầu như tất cả các sản phẩm của ngành công nghiệp không gian quốc gia Liên Xô và Nga, trong đó có 11 tổ hợp tên lửa. Từ sân bay vũ trụ Plesetsk, có hơn 1.600 lần tên lửa đẩy được phóng lên, 500 lần tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) được thử nghiệm. Cũng từ đây, 2.000 phương tiện thiết bị nghiên cứu khoa học được đưa lên vũ trụ.
Trong những năm 1970-1980 sân bay này chiếm hơn 40% tổng số lần phóng tên lửa đẩy trên thế giới.
Thật không may, trong biên niên sử của Plesetsk còn có cả những bi kịch, đó là vào năm 1973, một trong những bệ phóng tại sân bay đã xảy ra tai nạn, làm chết 9 người. Năm 1980, thảm họa xảy ra khi các chuyên gia đang nạp nhiên liệu cho tên lửa Vostok (Phương Đông) đã cướp đi mạng sống của 48 người.
Thiết bị vũ trụ GOCE do trung tâm nghiên cứu ở Plesetsk chế tạo.
Ngày nay, Plesetsk là trung tâm thử nghiệm và ứng dụng các hệ thống không gian, hệ thống kỹ thuật, là nơi chuẩn bị phóng tên lửa cho các mục đích khác nhau và thiết bị không gian, các tổ hợp phóng, và dịch vụ hỗ trợ, nằm trên diện tích 176.000 ha.
Từ ngày 26/8/2011 trạm thử nghiệm khoa học riêng biệt mang tên "Chiến trường Kur" nằm trên bán đảo Kamchatka và Cục quản lý thử nghiệm ở Baikonur cùng gia nhập các đơn vị trực thuộc Plesetsk.
Theo lời đại tá Nicholas Nestechuka, Phó Tư lệnh sân bay Plesetsk, hiện nay, nhiệm vụ chính yếu mà trung tâm tập trung giải quyết là xây dựng tổ hợp tên lửa tiên tiến Angara. Từ đây, người ta sẽ phóng các lớp tên lửa đẩy cùng tên.
Ngoài ra trung tâm đang tiếp nhận tổ hợp tên lửa Rokot và chuẩn bị hoàn thiện Soyuz-2, chuẩn bị phóng tên lửa đẩy hạng nhẹ Soyuz-1B, các cuộc thử nghiệm ICBM mới cũng đã được lên kế hoạch.

Ấn tượng Plesetsk!

Trong khuôn khổ thực hiện chương trình mục tiêu liên bang "Phát triển các sân bay vũ trụ Nga giai đoạn 2006-2015" các công tác nghiên cứu chuyên sâu đang được triển khai tại Plesetsk.
Tiêu biểu là chương trình tên lửa Angara sẽ là thành phần cơ bản của hệ thống quốc gia chuyên vận chuyển các phương tiện vào quỹ đạo gần trái đất và các thiết bị vũ trụ phục vụ cho mục đích quân sự, kinh tế xã hội và khoa học có trọng lượng từ 2-24,5 tấn, ở các quỹ đạo tầm thấp, tầm trung và tầm cao với các dạng chuyển động tròn và elip.
Hơn nữa, hệ thống này dựa hoàn toàn vào việc sử dụng tiềm lực khoa học và công nghiệp độc quyền của Nga. Đến đầu 2011, sự sẵn sàng của các cơ sở hạ tầng mặt đất của các tổ hợp tên lửa đã đạt gần 85%, và dự kiến sẽ vượt 90% vào cuối năm.
Tên lửa đẩy lớp Angara
Về tên lửa đẩy Angara, đó là một dòng tên lửa gồm 4 lớp với khả năng mang vào không gian toàn bộ các loại trọng tải hiện tại và tương lai. Trong đó, tên lửa lớp nhẹ có Angara-1.1, Angara-1.2; lớp trung: Angara-A3; lớp nặng Angara-A4; và lớp siêu nặng Angara-A5.
Các tên lửa này sẽ không sử dụng bất kỳ loại nhiên liệu độc hại nào có gốc heptyl (C7H15) do đó sẽ cho phép cải thiện đáng kể các tiêu chí an toàn sinh thái trong khu vực tiếp giáp với Plesetsk, và tại những khu vực mà các bộ phận tách ra từ tên lửa đẩy rơi xuống.
Tổ hợp Angara bao gồm bộ phận phóng và kỹ thuật. Đầu tiên người ra sẽ lắp ráp các tên lửa phụ, sau đó nạp nhiên liệu. Riêng bộ phận phóng của tổ hợp tên lửa Angara không thể không gây ấn tượng mạnh bởi kích thước khổng lồ và các giải pháp kỹ thuật độc nhất vô nhị. Nó được thực hiện theo phương án phóng âm với 6 tầng. Đến Plesetsk, bạn có thể tận mắt nhìn thấy đường hầm dẫn dẫn lửa rất lớn nằm sâu 50 m dưới lòng đất.
Các bộ phận cơ bản của công trình phóng tên lửa bao gồm: bệ phóng, tháp tiếp nhiên liệu có đường cáp được gắn với thiết bị của hệ thống cung cấp gas và phụ gia của các thành phần nhiên liệu tên lửa, các hệ thống làm mát ống xả, cung cấp điện, bảo đảm nhiệt và các hệ thống điều khiển thiết bị tự động .
Bắt đầu giai đoạn nạp phụ gia nhiên liệu tên lửa để chuẩn bị phóng, toàn bộ nhân viên phục vụ sẽ được sơ tán tới khu an toàn.
Theo đề án đã được Bộ Quốc phòng Nga đã phê duyệt và Cơ quan Vũ trụ Liên bang đang triển khai, các tên lửa lớp Angara sẽ dần thay thế lớp tên lửa Soyuz, dự kiến Angara-1 sẽ được phóng trước năm 2013.
Trong tháng 2/2011 Lực lượng không gian đã đưa vào không gian vệ tinh của hệ thống GLONASS-K từ sân bay vũ trụ Plesetsk, trước đó phần việc này được ​​Baikonur đảm nhiệm. Và sau đó các vệ tinh tiếp theo của hệ thống định vị toàn cầu GLONASS cũng được phóng lên từ sân bay Plesetsk.

Bảo đảm an ninh quốc gia
Trong tương tai, sân bay vũ trụ Plesetsk sẽ được sử dụng chủ yếu để phóng các tên lửa đẩy hạng nặng và đảm đương các nhiệm vụ chiến lược, còn những loại nhẹ sẽ được chuyển sang Baikonur, nơi đang được hạn chế nhiệm vụ đảm đương.
“Lúc đó Plesetsk không chỉ đơn giản có thể đảm bảo an ninh của đất nước một cách đáng tin cậy. Rất khó có thể biết trước điều gì có thể xảy ra. Bỗng nhiên người ta chiếm lấy sân bay (Baikonur) của chúng ta và tuyên bố rằng họ không cho phép chúng ta phóng tên lửa từ sân bay của họ nữa”, Đại tá Nicholas Nestechuka, Phó Tư lệnh sân bay Plesetsk, cho biết.
Ngoài ra, từ Plesetsk các tên lửa đẩy có thể dễ dàng vươn tới các quỹ đạo tầm gần, điều mà không thể đạt được nếu tên lửa được phóng lên từ khu vực gần xích đạo. Nhưng nhiệm vụ chiến lược của Plesetsk là đảm bảo khả năng độc lập của Nga trong việc tiếp cận không gian.
Các nhà xây dựng cam kết đến 31/12/2011 sẽ kết thúc lắp đặt một trong những công trình quan trọng và phức tạp nhất của tổ hợp phóng đó là tháp nạp nhiên liệu.
Và cuối cùng, sân bay thử nghiệm không gian quốc gia Plesetsk cùng với trung tâm cảnh báo tấn công tên lửa, trung tâm kiểm soát không gian vũ trụ, trung tâm thí nghiệm và quản lý các phương tiện vũ trụ mang tên du hành gia Titov, sẽ được sát nhập cùng với Binh chủng vũ trụ trước kia để hình thành một binh chủng mới đầy sức mạnh của lực lượng vũ trang Nga – Binh chủng phòng thủ không gian, nhằm hình thành một Bộ tư lệnh thống nhất công tác quản lý và tác chiến chiến lược theo quyết định của Tổng thống Liên bang Nga ngày 1/12/2011.
Dưới đây là một số hình ảnh về sân bay vũ trụ này:











Danh Nguyễn (tổng hợp)

No comments:

Post a Comment