Monday, October 3, 2011

TIỂU ĐOÀN 42 BIỆT ĐỘNG QUÂN CỌP BA ĐẦU RẰN (KBC 4533)




Viết cho những Biệt Động Quân trên khắp bốn vùng chiến thuật,Để tưởng nhớ hương hồn Cố Thiếu Tá Quách Hồng Quang Tiểu Đoàn Trưởng cuối cùng của Cọp Ba Đầu Rằn.

NGUYỄN KHẮP NƠI
tigerhead23Được tuyển chọn kỹ lưỡng, được huấn luyện đầy đủ, với kỹ thuật chợt ẩn chợt hiện, đánh nhanh đánh gọn, binh chủng Biệt Động Quân, từ khi mới được thành lập vào ngày 1 tháng Bẩy 1960, đã lập được rất nhiều chiến tích, làm kinh sợ kẻ thù và là niềm hãnh diện của những người trai thời chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Trong những Tiểu Đoàn nổi tiếng của các Tiểu Đoàn nổi tiếng nhất của Biệt Động Quân, chúng ta phải nói tới:
  • Tiểu Đoàn 42 “Cọp Ba Đầu Rằn” với vị Tiểu Đoàn Trưởng lừng danh: Thiếu Tá Lưu Trọng Kiệt.
  • Tiểu Đoàn 44 “Cọp Đen” với Thiếu Tá Nguyễn Văn Dần và huyền thoại “Nữ Hổ Tướng Hồ Thị Quế”.
  • Tiểu Đoàn 52 “Sấm Sét Miền Đông” do Thiếu Tá Nguyễn Hiệp làm Tiểu Đoàn Trưởng.
Với tinh thần dũng mãnh, cộng thêm với bộ quân phục mầu áo hoa rừng, chiếc nón sắt sơn rằn ri với đầu con ben đen thui, cặp mắt đỏ rực sáng quắc trên nền ngôi sao trắng toát, đã làm cho người chiến binh Biệt Động có một dáng vẻ oai hùng, đáng nể và đáng sợ (đối với Việt Cộng mà thôi)
Cũng từ những oai hùng đó, danh xưng “Cọp Ba Đầu Rằn” đã trở thành một cái gì đó huyền thoại!
Bất cứ ai, dù lính hay dân sự, cũng ít ra có một lần nhắc tới hoặc được nghe kể về “Cọp Ba Đầu Rằn”.
Thậm chí, mỗi khi nói tới Biệt Động Quân, đã có nhiều người tưởng rằng, danh xưng “Cọp Ba Đầu Rằn” là dùng chung cho tất cả những chàng trai Biệt Động.
Được gọi là cọp, đã cảm thấy mình mạnh bạo, oai hùng rồi,
Lại được gọi là cọp . . . ba đầu, rằn ri nữa!
Nghe càng thấy hùng tráng, độc đáo, phải không các bạn?
Thế nhưng, khi được hỏi:
“Cọp Ba Đầu Rằn” là cái gì?
Ai đặt ra cái danh xưng này? Đặt ra hồi nào? Ở đâu?
Nhiều Biệt Động Quân (trong đó có tôi) đã không có câu trả lời thỏa đáng.
Mãi cho tới gần đây, khi đọc bài viết của huynh trưởng Hồ Viết Lượng, tôi mới được mở mang trí tuệ. Xin được viết lại ra đây để quý độc giả cùng thưởng lãm:
“Cọp Ba Đầu Rằn” hay là “Cọp Ba Chân Đầu Rằn” cũng giống nhau, cũng là danh xưng của Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân.
Như chúng ta đã biết, binh chủng BĐQ được thành lập năm 1960 theo nhu cầu chiến trường lúc bấy giờ. Việt Cộng trong khoảng thời gian này, đã dùng những tên nằm vùng tổ chức những đám du kích để khuấy phá các vùng nông thôn hẻo lánh trên khắp lãnh thổ VNCH. Theo chính sách “Dĩ độc trị độc”, Tổng Thống Ngô Đình Diệm, dựa theo lời khuyến cáo của các Tướng Lãnh và những chuyên gia quân sự, đã quyết định thành lập những đơn vị “Phản Du Kích” được gọi là “Biệt Động Quân”.
Hầu hết các vị chỉ huy, các binh sĩ của Biệt Động Quân, đều là những chiến sĩ xuất sắc, được tuyển chọn từ những đơn vị thiện chiến. Sau một khóa huấn luyện đặc biệt về du kích chiến ở các Trung Tâm huấn luyện BĐQ, đã được đưa ra phục vụ tại 50 đại đội BĐQ biệt lập ở khắp bốn vùng chiến thuật.
BDQ2
Trong khoảng thời gian từ 1960 đến 1964, các ĐĐ biệt lập này đã hoạt động thật là hữu hiệu. Họ đã áp dụng chiến thuật phản du kích, để tiêu diệt phần lớn lực lượng du kích của địch, làm cho chúng không còn hoạt động được nữa.
Để chống lại chiến thuật “Biệt Động” thần diệu này, vào khoảng đầu năm 1965, VC đành phải sát nhập các đơn vị du kích còn lại vào lực lượng địa phương của chúng, tạo thành những đại đội, Tiểu Đoàn và trung đoàn, để mong dùng số đông dành lại phần nào những mất mát trước đây.
Biết được âm mưu này của bọn VC, Bộ Tổng Tham Mưu của QLVNCH cũng đã nghiên cứu và quyết định gom những đại đội BĐQ biệt lập lại để tổ chức thành các Tiểu Đoàn, Liên Đoàn BĐQ, để đáp ứng lại với nhu cầu gia tăng của chiến trường.
Vào khoảng tháng 2 năm 1966, bốn đại đội BĐQ biệt lập sau đây đã được gom lại để thành lập Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân (KBC 4533):
* ĐĐ362/BL, được đổi tên thành Đại Đội 1/42, do Thiếu Úy Vương Văn Trổ (K.10 TĐ) làm Đại Đội Trưởng.
* ĐĐ 315/BL, được đổi tên là Đại Đội 2/42, do Thiếu Úy Nguyễn Tấn Giai (K.2 NT) làm Đại Đội Trưởng.
* ĐĐ 368/BL, được đổi tên là Đại Đội 3/42, do Thiếu Úy Hồ Viết Lượng (K.10 TĐ) làm Đại Đội Trưởng.
* ĐĐ 370/BL được đổi tên là Đại Đội 4/42, do Thiếu Úy Nguyễn Văn Út (K.18 VBĐL), sau là Thiếu Úy Nguyễn Văn Huy (K.16 VBĐL) làm Đại Đội Trưởng.
Khi đã thành lập xong, bắt đầu đi hành quân chung, thì Đại Úy Nguyễn Văn Biết (Biết “ống vố”) được chỉ định làm Tiểu Đoàn Trưởng.
Trên giấy tờ, thì TĐ 42 có 4 đại đội, nhưng trên thực tế, Tiểu Đoàn chỉ gom lại được có 3 đại đội mà thôi, còn đại đội 370 BĐQ Biệt lập (tức đại đội 4/42) vẫn còn . . . biệt lập.
Đ4/42 do Thiếu Úy Nguyễn Văn Huy (Huy lé) vẫn còn đang hành quân bảo vệ an ninh và là chủ lực của quận Thới Bình, thuộc tỉnh Cà Mau. Đại đội đang đóng đồn và khai quang, công tác còn dở dang nên chưa có thể về hành quân cùng TĐ được.
Trang bị ban đầu của các TĐ/BĐQ cũng như các TĐ/BB khác, chỉ có thêm một loại súng Shotgun, bắn đạn chài. Còn Quân phục thì BĐQ cũng vẫn mặc quân phục Bộ Binh màu xanh olive , chỉ khác bên vai trái có mang phù hiệu cọp đen và đội Mũ Nâu mà thôi.
Tiểu Đoàn 42/BĐQ trong thời gian đầu, được tăng phái cho Sư Đoàn 21 Bộ Binh, đã tham dự hầu hết các cuộc hành quân Dân Chí của Sư đoàn này tổ chức, tại các đia danh thuộc Khu 42/CT như sau:
· Kinh Thác Lác, Phụng Hiệp, Búng Tàu v…v… (thuộc tỉnh Cần Thơ).
· Đầm Dơi, Thới Bình, Khai Quang, Biện Nhị. Năm Căn, Bờ Đập v…v… (thuộc tỉnh Cà Mau).
· Rạch Sỏi, Đầm Răng, Đầm Rầy, Cán Gáo v…v… (thuộc tỉnh Rạch Giá).
· Hỏa Lựu, Hưng Long, Long Mỹ, Ngọc Hòa v…v… (thuộc tỉnh Chương Thiện).
Qua các cuộc hành quân này, TĐ 42/BĐQ đã chạm địch liên miên, giáng cho chúng những đòn chí tử, gây tổn thất nặng nề cho các đơn vị địa phương cũng như chủ lực của VC. Bọn nón cối bị đòn đau, sợ quá, bèn tìm hiểu điều tra cặn kẽ, xem ai đã đánh chúng những đòn tơi bời hoa lá như vậy? Sau khi biết rõ kẻ địch là Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân, với quân số chỉ có 3 đại đội, mang huy hiệu “Cọp Đen” trên vai áo, bọn VC đã kính nể, đã kinh sợ mà đặt tên cho Tiểu Đoàn 42 là:“Cọp Ba Đầu”
Sau một thời gian hành quân lùng và diệt địch, Tiểu Đoàn 42 BĐQ được nghỉ dưỡng quân. Vì mới thành lập, chưa có hậu cứ, nên TĐ phải dưỡng quân bằng cách . . . đóng quân dọc theo quốc lộ, tỉnh lộ, hoặc trong nhà của dân.
Trong thời gian đơn vị dưỡng quân tại xã Hoà Bình thuộc tỉnh Bạc Liêu. Một buổi sáng, Đại Úy Nguyễn Văn Biết, Tiểu Đoàn trưởng, đi ngang qua vị trí đóng quân của ĐĐ2/42, do Thiếu Úy Nguyễn Tấn Giai làm ĐĐT, ông thấy một số binh sĩ của đại đội này đang tụ họp để trang trí những cái nón sắt của họ bằng cách vẽ hình đầu cọp đen của binh chủng ở đằng trước và sơn rằn ri trên phần còn lại nón sắt bằng các màu đỏ, trắng, vàng, xanh v…v… trông rất “ngầu”.
Đại Úy Biết thấy cũng . . . hay hay, nên đã ra lệnh cho tất cả Tiểu Đoàn đều sơn và vẽ trên nón sắt giống như ĐĐ2 vậy.
Kể từ đó, mỗi khi Tiểu Đoàn đi hành quân, nhất là về ban đêm, cái nón sắt mầu trắng, đen, nâu, đỏ của Tiểu Đoàn 42 BĐQ hiện ra chập chờn như những bóng ma về đòi mạng bọn Việt Cộng, làm cho bọn chúng nổi da gà ớn lạnh sương sống, mất hết cả tinh thần chiến đấu. Vì thế, các đơn vị địa phương và chủ lực như Trung Đoàn 18B của bọn VC đã bị những thiệt hại nặng nề khi giao tranh với những “Thần Chết” ở Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân, trong những vùng chiến trận chung quanh Cần Thơ, Sóc Trăng . . v. . . v.
Rồi tới các cuộc hành quân Dân Chí, Tiểu Đoàn 42 BĐQ ít khi đụng độ với các đơn vị của VC, mặc dù tin tình báo đã xác nhận sự có mặt của bọn chúng. Sau này chúng tôi mới vỡ lẽ, khi dân chúng trong vùng hành quân cho biết, bọn cán bộ VC cao cấp đã chỉ thị cho các cấp chỉ huy địa phương : “Khi gặp Tiểu Đoàn “Cọp ba chân đầu rằn” hoặc “Cọp Ba Đầu Rằn”, là phải né, vì kỹ thuật tác chiến của Tiểu Đoàn này rất giỏi, tinh thần binh sĩ rất cao, gan dạ, không sợ chết. Chỉ khi nào không tránh né được mới phải đương đầu mà thôi! Nhưng dù có đương đầu, cũng tìm cách rút dù để bảo toàn đơn vị”.
Kể từ đó Tiểu Đoàn 42/BĐQ mới có danh hiệu là “Cọp Ba Đầu Rằn” hay “Cọp ba chân đầu rằn”.
Tóm lại, Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân, khi đi hành quân, chỉ có 3 đại đội và lính đội nón sắt có vẽ đầu cọp và rằn ri chung quanh. Tuy chỉ có 3 đại đội, nhưng Tiểu Đoàn đã giáng cho chúng những đòn chí tử, nên đám VC sợ quá, mới đặt tên cho Tiểu Đoàn này là: “CỌP BA ĐẦU RẰN”
Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân . . . thành danh là từ sự sợ hãi của bọn VC như vậy đó!
Cũng vì sự sợ hãi của bọn Việt cộng, trong suốt khoảng thời gian từ 1966 đến 1967, Tiểu Đoàn đi hành quân rất ít khi đụng địch. Đi hành quân cùng nhau, trong khi các đơn bạn đụng địch đánh nhau bể đầu sứt trán, thì Tiểu Đoàn 42 từ sáng đến chiều phè cánh nhạn, tìm mãi cũng chẳng có con nhạn Việt Cộng lạc đàn nào mà đánh đấm. Binh lính 42 chỉ mong các lực lượng bạn gọi mình tiếp ứng, để nhẩy vào đánh “ăn ké”.
Mỗi khi trực thăng chở quân tới chiến trường, đổ xuống toàn là “Cọp ba đầu rằn”, bọn VC hoảng sợ, đâu còn tâm trí đâu mà đánh, chúng tốc hầm cá nhân bỏ chạy tứ tán, trở thành mục tiêu ngon lành cho các phi công trực thăng võ trang, tha hồ mà nhả đạn mà không cần nhắm.
Đầu năm 1967, Tiểu Đoàn 42/BĐQ được lệnh của vị Tư lệnh QĐ IV, QK4, lúc đó là Chuẩn Tướng Đặng Văn Quang:
“ Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân phải sơn lại nón sắt bình thường như các đơn vị Bộ Binh khác”.
Thời gian này TĐ đã có đủ 4 Đại đội, ĐĐT Đại đội 4 bây giờ là Đại Úy Nguyễn Văn Út (Đại Úy Út đã hy sinh khi lên làm Tiểu Đoàn trưởng TĐ/41/BĐQ)
Khi TĐ42/BĐQ được lệnh tham dự Chiến dịch Dân Chí 42/SĐ21/BB, trong nhiệm vụ hành quân càn quét, tiêu diệt địch như các đơn vị bộ binh khác, Tiểu Đoàn đã đụng độ với Tiểu Đoàn chủ lực cơ động Tây Đô của VC trên bờ kinh Thác Lác, thuộc tỉnh Cần Thơ. Trong trận đụng độ này, TĐ 42 BĐQ đã tiêu diệt gần 2/3 quân số địch và bắt sống một số tù binh của đơn vị này.
Khi thẩm vấn, các tù binh cho biết: Cấp chỉ huy của họ, sau khi nhìn qua ống nhòm, thấy đơn vị trước mặt là bộ binh, nên đã ra lệnh cho bộ đội chuẩn bị giao chiến, không ngờ khi chạm trán mới biết là đã đụng với TĐ 42/BĐQ, vì thấy bên vai trái có dấu hiệu “Cọp Đen”.
Tiểu Đoàn 42/BĐQ là đơn vị đầu tiên của QLVNCH được huy chương của Tổng Thống Hoa Kỳ “President Unit Citation” và được nhận tới hai lần lận.
Tiểu Đoàn có giây biểu chương màu tam hợp (Bảo Quốc).
Trên cờ Tiểu Đoàn, có 6 lần được tuyên dương công trạng trước Quân Đội.
Những Sĩ Quan sau đây đã giữ chức vụ Tiểu Đoàn trưởng của Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân “Cọp Ba Đầu Rằn”:
  • Đại Úy Nguyễn Văn Biết.
  • Đại Úy Nguyễn Tấn Giai.
  • Đại Úy Lưu Trọng Kiệt (hy sinh trước Mậu Thân).
  • Đại Úy Chung Thanh Tòng (thời gian Mậu Thân)
  • Đại Úy Lê Thành Long.
Vị Tiểu Đoàn Trưởng cuối cùng của Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân, là:
  • Cố Thiếu Tá Quách Hồng Quang.
Theo lời kể của Huynh Trưởng Quách Thanh Thủy, anh của TT Quang, tôi xin ghi lại cái chết đau thương của Thiếu Tá Quang như sau:
“Những ngày cuối tháng tư đen năm 75, cũng như nhiều gia đình khác ở miền Nam Việt Nam có người thân làm việc trong chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa, nhứt là các quân nhân ở những đơn vị tác chiến, gia đình tôi luôn ngồi đứng không yên. Những tin tức đau thương cứ dồn dập đưa về từ các vùng chiến càng lúc càng bi thảm hơn mà người thân của mình ở trong đó thì vẫn biền biệt, không có cách nào để liên lạc thăm hỏi.
Bốn đứa em tôi, mỗi đứa ở một nơi, một ở ngành Trung Ương Tình Báo không thấy về, một ở Sư đoàn 5 Bộ Binh, một ở Tiểu Đoàn 32 Biệt Động Quận và một ở Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân.
Tiểu Đoàn 42/BĐQ trong cuộc triệt thoái Tây Nguyên của Tướng Phú, một tuần lễ sau trực thăng mới tìm được Bộ Chỉ Huy còn đang lội bộ trong vùng rừng núi Phú Yên, tất cả đều mang thương tích đầy mình. Tiểu Đoàn được đưa về căn cứ Long Bình ở Biên Hòa để tái trang bị và tiếp tục chiến đấu (hậu cứ của Tiểu Đoàn vẫn còn đóng ở cầu Rạch Ngỗng, Cần Thơ).
Chiều ngày 30/4/75, hai đứa em tôi, một ở TƯTB và một ở TĐ.32/BĐQ về tới nhà, trưa ngày 01/5/75 thì đứa ở SĐ.5/BB cũng về tới nhà, gia đình chỉ còn lo cho Quách Hồng Quang và trông đứng, trông ngồi. Má tôi không ngớt cầu nguyện Trời Phật thì xế chiều hôm đó Quang về tới nhà, trong mình vẫn cò mặc chiếc áo thun xanh, quần treillis rằn và đôi giày trận. Gia đình tôi hết sức vui mừng, mấy anh em chúng tôi được an toàn sau một cuộc chiến vô cùng bi thương và tàn khốc.
Gia đình chúng tôi xúm xít, hỏi tin nhau trong nổi vừa vui mừng vừa lo âu cho những ngày sắp tới. Mặc dầu có lịnh đầu hàng của Tổng Thống, nhưng Tiểu Đoàn 42 BĐQ vẫn tiếp tục chiến đấu như nhiều đơn vị bạn khác. Cho đến trưa ngày 01 tháng 5/75, khi không còn đạn dược và áp lực địch càng lúc càng nặng nề, thấy không còn cách nào duy trì được nữa, để bảo tồn sinh mạng anh em, Cọp Rằn đành phải tản hàng thoát hiễm.
Sau khi binh sĩ tản hàng, Quang và một số sĩ quan còn lại rời khỏi vị trí trên một chiếc xe Jeep chạy thẳng về Saigon trên xa lộ Biên Hòa. Trên lộ trình nầy, nhiều đơn vị Nhảy Dù vẫn còn đang chiến đấu với Cộng Quân. Xe Jeep vượt qua nhiều bức tường lửa, đến ngã ba Hàng Xanh thì đột nhiên có hai chiếc xe thiết giáp của Cộng Quân xuất hiện đuổi theo. Chạy tới cầu Phan Thanh Giản thì xe Jeep bị trúng đạn và bốc cháy, mọi người rời xe, cởi áo, thoát vào xóm.
Tiểu Đoàn 42/BĐQ Cọp Ba Đầu Rằn kể từ đây hoàn toàn bị xóa tên theo những đau thương của vận nước !
Luồn lõi đi bộ ra tới Saigon, ngang qua công viên có tượng đài Thủy Quân Lục Chiến, Quang kín đáo nghiêng mình chào kính Trung Tá Long, mặc sắc phục cảnh sát đả tự sát nằm chết trên thảm cỏ xanh, dưới chân tượng đài, trước Quốc Hội VNCH.
Trong lòng tràn ngập những nỗi niềm phẫn uất, không vội về nhà, Quang đón xe Honda ôm trước chợ Saigon chạy về trường đua Phú Thọ, nơi đặt Bản Doanh Hành Quân của Binh Chủng BĐQ, đến đây hy vọng sẽ gặp lại anh em và tiếp tục chiến đấu. Nhưng niềm hy vọng cuối cùng nầy bị gãy đổ : Phú Thọ lặng lẽ tiêu điều, nhìn vào bên trong thấy vắng hoe, không một bóng người, bên ngoài thì nhiều xác chết lính BĐQ nằm vương vãi trong bầu không khí đầy uất hận và tanh tưởi mùi máu của một cuộc chiến vừa tàn.
Quang trở ra bến xe đò chợ Bình Tây (Chợ Lớn Mới), với ý định tìm phương tiện về Miền Tây với Quân Khu IV, nhưng vô phương, vì mọi trục lộ lưu thông đều bị cô lập, Quang đành về nhà để chờ tin !
Chiều hôm đó thì bọn Cộng Sản nằm vùng ở lối xóm tìm đến ‘’thăm hỏi’’. Thiếu Tá Quách Hồng Quang, Con Chim Đầu Đàn của Tiểu Đoàn Cọp Rằn Miền Tây đành chịu bó tay thất thủ, đành mang ‘’Một Nổi Căm Hờn Trong Củi Sắt’’ dưới sự giám sát sắt máu của bọn người ô hợp, chân mang dép râu, đầu đội nón tai bèo và họng súng lúc nào cũng lăm le nhả đạn, cho đến ngày bị tập trung vào trường Quốc Gia Sư Phạm để vĩnh viễn ra đi vào chôn lao tù khổ sai được mệnh danh với mỹ từ ‘’Trại Học Tập Cải Tạo’’ !!!
Sau mấy tháng bặt tin thì có lịnh cho gia đình có thân nhân bị đi học tập cải tạo, được phép gởi thức ăn, quần áo và thuốc men vào bồi dưỡng. Quà được gởi đi vài lần, nhưng hồi âm thì không bao giờ nhận được !
Một đêm nọ, vào khoảng 3 giờ sáng thì có tiếng đập cửa của công an đòi xét nhà. Mở cửa ra thì thấy một bọn trên mười người, ăn mặc ô hợp, mang dép râu, đội nón cối, lăm le tay súng. Họ xông vào nhà, kêu mọi người trong nhà thức dậy, và lục soát kỹ lưỡng khắp mọi nơi. Sau một hồi lục soát, không tìm được gì khả nghi, một tên trong bọn lung mang súng K.54, lớn giọng trịch thượng hỏi:
“Tên nguỵ Quách Hồng Quang đâu ?”
Cả nhà tôi chưng hủng và nói:
“Quách Hồng Quang đã tuân lịnh nhà nước đi trình diện học tập cải tạo rồi, mấy ông hỏi như vậy là sao?”
Hắn nói:
“Tên ngụy Quách Hồng Quang đã trốn trại, bộ đội và nhân dân đang truy nã, nếu gia đình mà cố tình giấu giếm thì sẽ chịu trách nhiệm trước nhân dân. Nay tôi nói cho mà biết, phải thật tình khai báo với công an là hiện giờ nó trốn ở đâu thì sẽ được khoan hồng, bằng không thì chớ trách”.
Sau một hồi giảng thuyết chánh trị và đọc những qui định sắt máu nặng nề, những hăm dọa cố hữu, cả bọn rút lui. Hai hôm sau, bọn chúng còn trở lại hỏi gạn hạch phường khóm cùng một số người xung quanh là:
“Có thấy Quách Hồng Quang trốn trại trở về hay không?”
Gia đình chúng tôi lúc đó rất lo âu lẫn vui mừng, vì quả thật có nghe tin hiện có nhiều tổ chức Phục Quốc ở nhiều nơi và cũng có nghe tin nhiều sĩ quan trốn trại theo các tổ chức nầy. Nếu Quang thoát được thì là điều đại phúc vì sẽ thoát được những trả thù tàn bạo trong ngục tù Cộng Sản và anh em Phục Quốc có thêm được một chiến hữu giàu kinh nghiệm chiến trường, ngược lại, không biết rồi đây, bọn chúng sẽ có thái độ gì đối với gia đình chúng tôi trong những ngày sắp tới.
Sự chờ đợi của gia đình chúng tôi đã không lâu, vài tuần lễ sau đó, chúng tôi nhận được giấy báo qua đường bưu điện, yêu cầu chúng tôi đừng gởi quà cho Quách Hồng Quang nữa, vì:
“Quách Hồng Quang đã chết trong trại cải tạo rồi!”
Cầm tờ giấy báo nầy, gia đình chúng tôi đau buồn khôn xiết, xin được hướng dẫn đến viếng mộ. Sau nhiều lần tới lui, khiếu nại khó khăn, cuối cùng, chúng bằng lòng cho gia đình chúng tôi đi viếng mộ.
Thì ra, trại học tập cải tạo nầy là căn cứ trước đây của Liên Đoàn 5 Công Binh Kiến Tạo VNCH, gọi là Thành Ông Năm, ở Hốc Môn. Mộ phần ở ngoài đồng, do anh em tù đắp bằng đất và có gắn một tấm bia bằng nhôm, loại dùng lót phi trường trực thăng trước kia. Anh em dùng đinh đục thành chữ:
“Mộ Phần Thiếu Tá Quách Hồng Quang, chết ngày 28 12 1975 – 26/10 Âm Lịch”.
Bên cạnh đó còn có hai ngô mộ nữa của một ông Trung Tá Pháo Binh và một ông Trung Úy, chết cùng ngày.
Anh em cho biết, ba người cùng vượt ngục vào giữa đêm, nhưng rủi bị phát giác.
Ông Trung Tá bị bắn chết khi chui ra được bên ngoài.
Ông Trung Úy bị bắn chết ở phía sau.
Quách Hồng Quang bị bắn tại vòng rào kẽm gai cuối cùng, nhưng chưa chết, còn nằm tại chổ. Sáng sớm hôm sau, Quang bị bọn VC kéo ra sân cờ xử bắn trước mặt anh em tù đồng đội.
Sau nầy, một vài anh em ra khỏi tù, có chứng kiến buổi xử bắn ngày hôm đó thuật lại rằng:
“Cuộc vượt ngục của ba người có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng vào giờ chót đã không thành công. Khi bị kéo vào sân cờ trước sự chứng kiến của anh em thì Quách Hồng Quang tuy bị mất máu quá nhiều nhưng vẫn còn sống.
Tên bộ đội thét bảo quỳ gối để nghe đọc lệnh xử, Quang dõng dạc trả lời:
“Tôi là sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, dù sa cơ nhưng không bao giờ quỳ trước kẻ thù. Bắn đi !”
Một loạt đạn AK chát chúa, kết liễu ngay tức khắc cuộc đời oanh liệt của một mãnh hổ Miền Tây!”
Quách Hồng Quang xuất thân khóa 14 trường Bộ Binh Thủ Đức. Đơn vị đầu tiên là Tiểu Đoàn 23 Biệt Động Quân ở Vùng II, với cấp bậc Chuẩn Úy, tham dự chiến dịch Đỗ Xá năm 1963 ngay khi trình diện đơn vị.
Sau Tết Mậu Thân, Quang được thuyên chuyển về Liên Đoàn 3/BĐQ ở Biên Hòa với cấp bậc Đại Úy. Khoảng một năm sau, thuyên chuyển về Liên Đoàn 4/BĐQ ở Miền Tây, khi ở TĐ41, có lúc ở TĐ43 và sau cùng lên Thiếu Tá, làm TĐT/TĐ42 cho đến ngày mất nước.
Cái chết oanh liệt trong hỏa ngục Cộng Sản của Quách Hồng Quang là một bi hùng ca, tuy ngắn gọn nhưng đủ biểu lộ một khí phách hiên ngang của người chiến sĩ VNCH, lưu lại bao nhiêu tiếc thương cho gia đình, cho bằng hữu. Thể phách tuy không còn, nhưng tinh anh chắc chắn vẫn còn bàng bạc với hồn thiêng, sông núi.
Cho đến nay, gia đình chúng tôi vẫn chưa tìm hiểu được hết các tài liệu về cuộc đời của Quách Hồng Quang trong quảng đời từ khi bước chân vào ngục tù Cộng Sản năm 75. nhưng chắc chắn rằng, cái chết của Quách Hồng Quang đã nói lên được tinh thần bất khuất của người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, không hổ danh Cọp Rằn Miền Tây, dù bị sa cơ trong hỏa ngục của tập đoàn Cộng Sản Việt Nam, một tập đoàn hung hản và tàn bạo, vô nhân vào bậc nhất trên thế giới.
Bài viết nầy, chúng tôi kính tặng Gia Đình Mũ Nâu ở khắp nơi trên thế giới để ghi lại một kỹ niệm bi hùng, một hào khí ngất trời của những người chiến sĩ mang lý tưởng tự do: Người Lính Việt Nam Cộng Hòa.

No comments:

Post a Comment