Sunday, November 20, 2011

* ĐẶC SẮC CỦA VĂN HỌC CỔ ĐIỂN VIỆT NAM QUA NỘI DUNG TRUYỆN KIỀU

ĐẶNG THÁI MAI*
"Đáng giá nghìn vàng".
Khi nói đến văn học cổ điển nước nhà tác phẩm đầu tiên mọi người phải nghĩ tới ngay là Truyện Kiều. Không ai có thể phủ nhận trong toàn bộ văn học Việt Nam ngày xưa, Truyện Kiều là một thành công vẻ vang nhất, là áng văn chương tiêu biểu hơn hết.
Sự thực ngay từ lúc mới thoát thai ra đời, Đoạn Trường Tân Thanh đã được công nhận là một kiệt tác bậc nhất trong thơ ca Việt Nam. Trong mấy thế hệ nhà văn, trong khoảng hơn một trăm ba mươi năm nay năm nay, người đọc, người phê bình Truyện Kiều không bao giờ cạn lời khen ngợi. Đó kể cả những người không tán thành hoàn toàn nội dung. Dân chúng xác nhận lời bình phẩm của lớp sĩ phu học giả. Hồi tập thơ của Nguyễn Du còn chép bằng chữ Nôm, có những bà không hề đi học, chỉ nhờ thuộc lòng Truyện Kiều đã mò mẫm tự học để đọc được các bản sách chữ Nôm. Người dân bất kỳ tầng lớp nào, không ai không thích nghe kể Truyện Kiều, ngâm Kiều, lẩy Kiều. Người ta nhớ từng câu, từng đoạn và dẫn dụng vào câu chuyện hằng ngày, khi nói đến “nhân tình thế thái”. Trong xã hội Truyện Kiều được xem như một bản “linh kinh” báo cho người ta những bước rủi may trên đường đời. Trong văn học thế giới, trừ mấy tập kinh thánh, chỉ có hai thi sĩ chinh phục được lòng tin của độc giả đến trình độ đó: Virgil, nhà thi sĩ La Mã và Nguyễn Du. Khi thực dân Pháp vừa đặt nền thống trị ở Nam Kỳ, muốn tỏ vẻ tha thiết với văn hóa Việt Nam hơn tập đoàn vua chúa nhà Nguyễn, Truyện Kiều là áng văn được đem in bằng quốc ngữ và dịch ra tiếng Pháp. Chế độ thực dân phải thừa nhận tập thơ của Nguyễn Du làm một tập sách học ở nhà trường.

Đối với thế hệ trước năm 1945, Truyện Kiều được xem trọng tại nhà trường và trên văn đàn. Sự thích thú của dân chúng đối với Truyện Kiều ngày nay so với ngày xưa không kém sút. Tóm lại, Truyện Kiều cũng như tất cả các áng văn tuyệt tác trong văn học thế giới dường như không hề biết già, mà lại còn có vẻ càng ngày càng trẻ nữa. Truyện Kiều có cả một vận mệnh vẻ vang. Qua đó, có thể nhận thấy rằng từ xưa đến nay các thế hệ nhà văn, nhà thơ đều thừa nhận về giá trị văn nghệ của Truyện Kiều, mỗi thời đại, mỗi giai tầng xã hội đánh giá tác phẩm của Nguyễn Du theo quan điểm riêng biệt.

Sự thật là thế, một áng thơ, văn kiệt tác là một pho kiến trúc phức tạp, sâu sắc, phong phú và nhiều màu vẻ. Cho nên qua các thời đại, mỗi thế hệ đều khám phá thấy ở đây những tiêu chuẩn mới để đối chiếu với ý thức của mình. Cũng vì vậy mà đứng trước một tác phẩm cổ điển, các thế hệ độc giả, các giai cấp xã hội đều có thái độ khác nhau, trong khi phê bình, thưởng thức. Sự trạng đó chứng minh rõ rệt tính chất lịch sử của mọi công trình kiến thiết văn nghệ. Nhưng chính vì vậy mà qua các thời kỳ lịch sử, tất cả các áng văn chương thành công đã được soi rọi bằng những tia sáng mới. Do đó khi nhận định về nội dung, hình thức các tác phẩm cổ điển ưu tú lại có thể càng ngày càng đầy đủ, chính xác.

Các nhà văn xưa đứng trên quan niệm thẩm mỹ học để bình phẩm Truyện Kiều. Nhà phê bình văn học hiện đại quan niệm giá trị của Truyện Kiều theo quan điểm văn học thời đại.

Truyện Kiều xét theo quan điểm văn học ngày nay cũng như các sáng tác vĩ đại trong văn học sử các dân tộc khác, sở dĩ có sức mạnh để chống chọi với sự tàn phá của thời gian, sở dĩ nó có sức thu hút tình cảm, mỹ cảm của nhiều thế hệ thuộc mọi tầng lớp dân chúng, vì tác giả đã vận dụng nghệ thuật trác tuyệt truyền thống, những hình tượng đẹp đẽ phản ảnh đời sống xã hội Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử, đặt ra vấn đề và cố tìm cách giải quyết nhu cầu của người dân trong tình thế xã hội. Engel đã nhiều lần nói đến sự quan trọng của khuynh hướng trong văn học. Một nhà văn cổ điển thiên tài vẫn có một khuynh hướng: khuynh hướng đứng về phía đại đa sốnhân dân, đi với nhân dân, chống với chế độ áp bức bất công của xã hội. Khuynh hướng đó là sự đồng tình với nhân dân theo tinh thần nhân đạo chủ nghĩa. Nó có thể chỉ thể hiện trong bút pháp tả thực. Có thể “khuynh hướng không được nêu rõ thành một công thức và nhà thơ không bắt buộc phải chỉ cho độc giả một giải pháp tập thành về mọi mâu thuẫn xã hội mà mình mô tả”. Là vì qua “tình cảnh và động tác” của nhân vật trong câu chuyện, người đọc vẫn có thể nhìn thấy dụng ý của thi sĩ...Trình bày bộ mặt thực của một xã hội xây dựng trên cơ sở tư lợi của một thiểu số, tức gây ý thức mong muốn cải tạo xã hội. Cũng có thể là sau lúc đã nêu vấn đề, phương hướng cải tạo xã hội mà tác giả đề ra không đúng hẳn với đường lối phát triển của xã hội, hoặc chỉ là một hình ảnh viễn vông. Nhưng nếu như một tác phẩm có thể gây được cho đông đảo độc giả cái mộng tưởng là ngoài thực tế buồn tẻ của hiện tại, con người vẫn có thể hy vọng một thế giới tương lai đẹp đẽ hơn, thì cái chủ nghĩa lãng mạn đó cũng là một động lực để khuyến khích con người cứ ước ao, suy nghĩ, tưởng tượng và tranh đấu để tiến lên. Cho nên một tác phẩm ưu tú tả thực hay lãng mạn luôn bao hàm một tinh thần nhân đạo chan chứa tình cảm đối với dân chúng. Nhà phê bình văn học cổ điển Nga Bêlinsky đã nói: "Nhà thi sĩ thiên tài nhất định phải là của nhân dân” là bởi vậy. Và chính vì thế mà có thể xác nhận: nhân dân tính là tiêu chuẩn chắc chắn trong văn nghệ cổ điển.

Về phần nội dung, nhân dân tính biểu hiện vào trong chủ nghĩa nhân đạo của văn nghệ sĩ.

Nhưng trong lĩnh vực văn nghệ, một vấn đề tuy là thứ yếu, nhưng rất quan trọng, đó là vấn đề hình thức. Về vấn đề này, trước đây, dưới ảnh hưởng thẩm mỹ học phong kiến và tư sản, nhà phê bình nước ta có lúc đã quá chú trọng đến nó, cho nên nhiều lúc đã sa chân vào vũng lầy hình thức chủ nghĩa, và quên hẳn nội dung. Từ đó đi đến lý luận “nghệ thuật vị nghệ thuật”, đoạn đường sẽ rất ngắn và dễ dàng. Nhưng không thể vì sợ “sa lầy" muốn “bảo hiểm” mà trốn biệt đi, không dám nhìn tới hình thức trong khi nói đến văn nghệ. Trước đây, văn nghệ Nga đã nêu rõ khuyết điểm của mấy bài văn chương phát biểu trong dịp kỷ niệm năm thứ 150 ngày sinh nhật Puskin, vì mấy bài đó chỉ nói sơ sài về “vấn đề hình thức trong công trình sáng tác của nhà thi sĩ vĩ đại thế kỷ vừa qua của nước Nga”

Nhưng một mặt nữa trong khi phân tích giá trị văn chương một tác phẩm, tưởng cũng cần đả kích cái lối “giảng văn” tán rộng, máy móc, khen từ dấu chấm phết khen đi.

Một tập báo Văn Nghệ Liên Xô đã từng nêu lên một điển hình và phê bình gay gắt lối phân tích đó. Vào khoảng năm 1950, trên tờ tạp chí Dạy Tiếng Nga, một đồ đệ ngôn ngữ học của J. Maro có phát biểu mấy ý kiến về tính chất giai cấp của danh từ chuyên môn trong văn học. Điểm xuất phát của nhà "ngữ học" là câu chuyện ngắn của S. Shedrin nhan đề "Chuyện một bác nông dân đã nuôi sống được hai vị tướng quân". Tác giả bám ngay lấy cái đầu đề của bài đó và quả quyết: " Nông dân và Tướng quân, chỉ hai danh từ đó đã nêu rõ hai giai cấp đối địch rồi! Lại còn một người nuôi hai. Lại còn chữ nuôi sống nữa, rõ ràng quan hệ kinh tế được nêu lên từ đầu!" Tòa soạn báo Văn Nghệ đã cực lực công kích lối phê bình đó và kết luận: "chỉ nhìn qua cũng đủ rõ lối phân tích ngôn ngữ như vậy là hoang đường, sai lầm đến mức nào."

Cái lối giảng hình thức như thế trong làng văn nước ta ngày xưa không phải không có. Có người đã khen câu “Nửa vầng trăng khuyết ba sao giữa trời” trong Truyện Kiều hay tuyệt vì là hình ảnh chữ “Tâm” (viết theo lối chữ Hán) mà nó hay còn chính vì Kỳ Tâm là tên tự của Thúc Sinh, và qua cái hình ảnh đó người ta thấy Kiều đang nhớ Thúc Sinh.
Trong khi giảng văn cần tránh hai khuynh hướng đó. Nhưng không phải vì sợ lâm vào chủ nghĩa hình thức mà khi nói đến văn học ta, có thể gạt hẳn hình thức ra ngoài. Vì nói đến văn nghệ, hình thức cũng là một thể hiện của nhân dân tính vào trong nghệ thuật, trong văn học. Một tác phẩm cổ điển ưu tú bao giờ cũng là một công trình sáng tác trong đó nội dung đã được biểu hiện bằng một hình thức độc đáo của nghệ thuật ngôn ngữ. Văn học khác khẩu hiệu ở chỗ đó.

Sau đây, xin đóng góp một nhận xét đại cương về đặc sắc của văn học cổ điển Việt Nam qua nội dung Truyện Kiều.

-Truyện Kiều có phản ánh ít nhiều gì xã hội Việt Nam ở đầu thế kỷ trước hay không?
-Tinh thần nhân đạo của Nguyễn Du là thế nào?

Nói đến vấn đề phản ánh tình hình xã hội trong Truyện Kiều, trước hết cần trả lời một câu nghi vấn căn bản. Truyện Kiều là một câu chuyện rút trong một tập tiểu thuyết của Trung Quốc, bây giờ đi tìm ở đây cái hình ảnh của xã hội Việt Nam thì tránh sao khỏi lối lập luận "khiên cưỡng", ép uổng sự thực? Trong Truyện Kiều, sự kiện, địa điểm, thời gian đều của Trung Hoa. Trong trí nhớ độc giả, ấn tượng các nhân vật Nguyễn Du trình bày là những nhân vật Trung Hoa. Khi thấy trên các tập Truyện Kiều xuất bản lâu nay những bức minh họa trình bày các nhân vật đó với bộ mặt và y phục Trung Hoa, không có một độc giả Việt Nam nào có phản ứng gì. Đó là sự thực. Tính chất đề tài quả có một ý vị nước ngoài. Cho nên nhân vật Nguyễn Du đã dàn xếp vào trong truyện không thể nói là những nét mặt đặc biệt Việt Nam, thuần túy Việt Nam. Đi sâu một bước nữa, nói đến giai cấp xã hội thì trong Truyện Kiều hình ảnh của dân chúng, nông dân không có gì rõ rệt. Cho nên đi tìm bộ mặt lịch sử kinh tế hoặc chính trị chân thật của xã hội Việt Nam qua tập thơ đó là chuyện mơ màng.

Tuy vậy cũng cần nhận rõ ý nghĩa cái chân thật trong văn học. Giữa dân tộc này với dân tộc kia, có những nét cá tính riêng biệt, nhưng có những nét giống nhau, đó là nét phổ biến trong tính chất con người. Trong văn học nước ngoài có khá nhiều văn, thi sĩ thiên tài tuy có vay mượn đề tài ở nước ngoài , nhưng vẫn chiếm được sự đồng tình của độc giả trong nước, trong thời đại mình. Chính vì sau bộ áo, sau những nét vật chất riêng biệt của nhân vật, của địa phương, người văn nghệ sĩ đã nhận thấy và đã xây dựng được một pho hình tượng phổ biến, với những nét tâm lý, những động tác phổ biến. Đặc biệt trường hợp Nguyễn Du, xã hội Việt Nam và Trung Quốc có những nếp tư tưởng, những thói quen, những động tác gần gũi nhau. Cho nên bao nhiêu nhân vật xây dựng trong Truyện Kiều, xét về mặt tinh thần, mặt biểu hiện tâm lý con người trong động tác, lời nói, lối sống không có gì xa lạ. Thái độ phản ứng của Kiều trước vận mạng, Kim Trọng trên đường lắt léo của tình trường, bộ điệu, mồm miệng Tú Bà, Sở Khanh, tư thế một nhân vật ngang giời dọc đất như Từ Hải qua tác phẩm Nguyễn Du, không phải riêng biệt của Trung Hoa, mà cũng là những con người điển hình phổ biến chung cho xã hội Việt Nam nữa.

Nói đến phản ánh tình hình xã hội cũng vậy. Tập truyện của Nguyễn Du cố nhiên không phải là bức chân dung chụp lấy mọi nét đặc sắc kinh tế, chính trị của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ thứ XIX. Nhà thi sĩ không phải nhà khoa học xã hội. Trong tác phẩm của Nguyễn Du, chỉ nên nhận lấy những tia hồi quang soi rọi cho mọi người nhìn thấy những mối mâu thuẫn của xã hội phong kiến trên con đường phân hóa. Nhận định phản ánh luận theo tinh thần đó, trước hết người ta thấy câu chuyện xảy ra trong một thời kỳ mà nhà sử phong kiến có thể nói là thịnh trị:

Rằng năm Gia Tỉnh triều Minh
Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng.

Ấy nhưng giữa cảnh “thái bình” đó, đời sống xã hội thế nào? Nhà họ Vương là một nhà “bực trung”, cô gái đầu lòng của hai ông bà viên ngoại là Kiều thì:

Một hai nghiêng nước nghiêng thành –
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai...

Kiều có người yêu có thể nói là xứng đáng theo quan điểm của thời đại – Kim Trọng:

Thiên tư tài mạo tuyệt vời –
Vào trong phong nhã, ta ngoài hào hoa.

Họ nguyền bể thề non, hứa hẹn cùng nhau một cuộc đời ân ái vẹn tuyền. Nhưng một ngày kia ông viên ngoại bị thằng bán tơ vu cáo. Quan lại tới tận nhà bắt:

Già giang một lão một trai
Một dây vô loại buộc hai thâm tình
Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh
Rụng rời khung dệt, tan tành gói may
Đồ tế nhuyễn, của riêng tây –
Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham...

Bước đường lưu lạc của Kiều bắt đầu. Quan nha đòi ba trăm lạng tiền lót. Để chuộc cha, Kiều phải bán mình...Chính quyền phong kiến là thủ phạm làm họ nhà Vương vô tội phải tan nát, Kiều phải lênh đênh. Chỉ xem tất cả bộ mặt các quan lại trong Truyện Kiều có mấy mặt là thiệt mặt người. Từ mấy quan địa phương, tri phủ, tri huyện, đến viên “tổng đốc trọng thần”, đều một lũ người vô trách nhiệm, không tài năng và tệ hơn nữa một lũ tham ô, dâm dục, ác bá. Tượng trưng cho giai cấp quan liêu địa chủ là nhà “họ Hoạn danh gia”. Cụ Thượng Lại chết nhưng nhà Hoạn cụ Thượng bà vẫn nguy nga đồ sộ:

Ngước trông tòa rộng dãy dài
Thiên quan Trủng tế có bài treo trên –
Ban ngày sáp thắp đôi bên –
Giữa giường thất bảo ngồi trên một bà...

Và mụ Thượng góa đó còn nuôi một bọn côn quan, Ưng, Khuyển để tổ chức những cuộc bắt cóc, đốt nhà giữa ban ngày, tại những địa điểm cách xa nhà chúng “đường bộ tháng chầy”. Công việc của chúng lại tiến hành dưới ánh sáng “trời quang mây tạnh”, giữa những giờ “bể lặng sóng trong” ngay trước mũi của cái người ta vẫn gọi chính quyền. Truyện Kiều quả một bản cáo trạng bằng thơ, bằng hình tượng nghệ thuật, bộc lộ tất cả cái thối tha của chế độ quan liêu phong kiến sa đọa trên con đường tan rã. Là vì nó thối nát từ cuống tim, từ đầu óc.

Ấy nhưng chế độ đó vẫn có những tay tuyên truyền đắc lực. Dưới chế độ đó vẫn có những con người ca tụng trật tự xã hội và khuyến khích nhân dân phải“an thường thủ phận”. Không biết có phải lão “quan thuyết hàng” đã mớm miệng cho Kiều hay không? Nhưng chính Kiều, con người bị hy sinh của chế độ bán thịt người đó đã rỉ vào tai Từ Hải:

Rằng:”Trong Thánh trạch dồi dào –
Tưới ra đã khắp, thấm vào đã sâu –
Bình thành công đức bấy lâu –
Ai ai cũng đội trên đầu xiết bao !...

Mấy câu nói có ý nghĩa vô cùng mai mỉa trong sự vô ý thức của người nói. Nhưng với ai chịu khó suy nghĩ chút ít, thì nó bộc lộ tất cả tác dụng rùng rợn của nền lễ giáo phong kiến.

Nhưng sau hậu đài xã hội phong kiến, một chế độ mới đã bắt đầu ló bộ mặt hung hãn kiêu căng của nó. Đồng tiền đã có thể “đổi trắng thay đen”, tác uy tác phúc, hãm hại dân lành làm giàu cho bọn quan nha. Đồng tiền đã cho phép lũ ác ma như Mã Giám Sinh với Tú Bà, Bạc Bà, Bạc Hạnh mua người, bán người dưới sự che chở của pháp luật. Chúng có thể ăn to nói lớn,“ngồi đứng sỗ sàng”, chỉ vì chúng có tiền. Sở Khanh vác bộ “mặt mo” đi thi hành chước “đà đao” để bẩy Kiều cũng chỉ vì tiền của mụ Tú:

Có ba trăm lạng trao tay –
Không dưng đâu dễ chuyện này trò kia.

Và giữa thằng “bán tơ" đã“xưng xuất” trước cửa quan vu khống Vương Ông với Mã Giám Sinh cùng bọn quan nha, ngay giữa quan nha với nhà mụ Tú sự liên hệ có phần chắc không phải chỉ là câu chuyện hoàn toàn suy đoán của độc giả. Ngay cả Kiều đã đi tới chỗ vô tình giết Từ Hải cũng vì “Của nhiều nói ngọt nên lời dễ xiêu...”.Còn lũ quan lại nha môn thì:

Một ngày lạ thói sai nha –
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.

Đồng tiền có một thế lực như vậy trong một xã hội tổ chức như kia...Thơ Nguyễn Du không che đậy, bộc lộ sự thực. Và từ ngày lưu lạc Kiều chỉ là món hàng trao tay nọ qua tay kia giữa đám làng chơi ngu xuẩn, hoang dâm và vô sỉ:

Thoắt mua về, thoắt bán đi –
Mây trôi bèo nổi thiếu gì là nơi !

Truyện Kiều bộc lộ tố cáo sự tác hại của đồng tiền trong một xã hội mà kinh tế thương mại bắt đầu chớm nở, như cái nhọt ung thư trên sườn lưng của chế độ phong kiến.

Ngòi bút tả thực của Nguyễn Du hết sức trung thành khi diễn tả những cảnh sống hàng ngày của các hạng người trong xã hội. Bức cảnh Kiều sống trong gia đình êm ấm ngày mới cập kê hiện thực. Bao nhiêu màn cảnh trong mấy lần gặp gỡ giữa Kim Trọng và Kiều vẫn hiện thực. Hiện thực khi thi sĩ mô tả cảnh quan nha bắt bớ tra tấn và vơ vét của nhà dân lương thiện. Hiện thực tư thế, lời lẽ, cử chỉ của Mã Giám Sinh, Tú Bà. Và tất cả cuộc đời Kiều suốt mười lăm năm lưu lạc, “Thanh lâu hai lượt, thanh y một lần”, qua một thời gian làm lẽ Thúc Sinh, làm vợ Từ Hải, vẫn những cảnh hiện thực...Là vì Nguyễn Du khi tả người cũng như khi tả cảnh, khi tự sự cũng như khi phân tích tâm trạng, luôn luôn chú ý đến một sự thực sâu xa, chân thật! Ấy là sự thực của tâm cảm. Tâm cảm của nhân vật lại luôn được biểu hiện bằng những nét mặt, tư thế, lời nói rất chân thật và những cử chỉ hết sức linh động. Chính vì vậy trong lúc tả cảnh, tả người, Nguyễn Du đã gây được cái không khí thích nghi cho hoạt động, ăn nhịp với tâm trạng của con người, đồng thời gây dựng trong tâm hồn độc giả những tình cảm sâu sắc chân thật: yêu thương hay giận ghét.

Lẽ cố nhiên khi nhận thấy tinh thần tả thực và tinh thần phê phán trong tác phẩm của Nguyễn Du, tưởng cũng nên nhận rõ một sự thực: Nguyễn Du chưa phải một thi sĩ đứng hẳn về lớp dân nghèo. Chính vì vậy về phương diện nội dung tư tưởng, Truyện Kiều chưa cung cấp được một nhân sinh quan thích đáng. Nguyễn Du nêu rõ mâu thuẫn của thời đại con người bị đè nén dưới áp bức của chế độ quan liêu kinh tế thương mại. Đó là một ưu điểm của Truyện Kiều. Tuy vậy, trước bao nhiêu vấn đề xã hội nêu lên trong Truyện Kiều, giải pháp của thi sĩ chưa có thể nói đã ổn thỏa. Nguyễn Du oán ghét đồng tiền, nhưng lại quay về cái cảnh tượng mơ màng của chế độ phong kiến nguyên thủy mà nhà nho vẫn tưởng tượng một thời kỳ thịnh trị. Nguyễn Du bất mãn với chế độ quan liêu phong kiến, nhưng vẫn quyến luyến với ý thức hệ nhà nho: trung, hiếu, tiết, nghĩa. Mâu thuẫn giữa chữ “tài” và chữ “mệnh”? Nguyễn Du giải quyết bằng chữ “tâm”!

Vấn đề luyến ái? Kiều quả đã can đảm nghe lời gọi của trái tim và bất chấp khuôn phép lễ giáo, tôn pháp của đạo Khổng. Nhưng tinh thần đấu tranh của Kiều chưa phải ý thức tranh đấu của chủ nghĩa nữ quyền.

Vấn đề hôn nhân? Truyện Kiều có những đoạn hùng hồn khởi tố những người đàn bà lâm vào “cái kiếp lấy chồng chung”. Nhưng tố khổ chưa thể giải quyết vấn đề nữ quyền.

Vấn đề hạnh phúc? Cảnh đoàn viên của Kiều trong đoạn “Hậu Kim Trọng” chỉ là tia sáng dìu dịu, hắt hiu trước bàn thờ Phật, phải đâu là thức ăn của cõi người...Đối với vận mệnh có lúc Kiều phải nghiến răng nguyền rủa:

Chém cha cái kiếp má đào –
Cởi ra rồi lại buộc vào như không?

Nhưng cuộc đời của Kiều vẫn chỉ là cái trò đùa của số mạng, trước sau chỉ:“...nhắm mắt đưa chân - Mà xem con tạo xoay vần đến đâu...”Bao nhiêu mâu thuẫn đó đều chưa có thể nói là đã giải quyết được dứt khoát. Đó là mâu thuẫn giữa thực tế và lý tưởng. Lý tưởng của con người muốn vươn lên tới một cảnh sống tươi đẹp công bằng hơn, giữa những ngày chế độ kinh tế, chính trị và trình độ ý thức vẫn ràng buộc cặp cánh của tưởng tượng trong những điều kiện sống gắt gao. Đó cũng là tấm bi kịch trong tâm hồn, trong đời sống sáng tác của thiên tài thuở trước.

Nhưng không phải vì thế mà có thể hạ giá Truyện Kiều. Dân chúng có lý do chính đáng để yêu Truyện Kiều.

Trước hết, bởi Truyện Kiều là một pho sách của tình yêu, yêu tự nhiên, yêu nhân loại, yêu lý tưởng. Qua Truyện Kiều, chủ nghĩa nhân đạo đặc sắc rõ rệt nhất trong văn học cổ điển Việt Nam.

Đó là bút pháp tả thực trong Truyện Kiều. Một yếu tố thứ hai của tác phẩm chính là yếu tố trữ tình.

Truyện Kiều có những trang trữ tình ưu tú nhất trong văn học nước ta, là tập thơ ái tình. Trong một xã hội phong kiến, khi quả tim của đôi lứa thanh niên luôn bị đè nén trong lễ giáo, nỗi ẩn ức của con người đã tìm được trong tập thơ Nguyễn Du đôi lời an ủi, một tia hy vọng cho luyến ái được tự do, được giải phóng và một dịp để nhận thức bao nhiêu nét tế nhị của quả tim con người qua các cuộc thử thách của tình yêu. Do đó độc giả biết ghét tất cả những trạng thái luân lý không tự nhiên đã trói buộc con người một cách vô lý, làm cho cõi lòng nghèo nàn. Truyện Kiều còn là tập thơ của thiên nhiên, dạy cho con người biết yêu thiên nhiên trong màu sắc, thanh âm, ý vị của nó. Thiên nhiên trong Truyện Kiều toàn diện:

Cảnh thiên nhiên chân thật của đồng quê, cảnh chiều hôm, cảnh: “non xa trăng gần” khi Kiều ngồi nghe: "Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi", cảnh: "Ngọn triều non bạc trùng trùng"...Bao nhiêu âm thanh, màu sắc, bao nhiêu cảm giác của ngũ quan, bao nhiêu ý nghĩa của con người trước tạo vật...Nguyễn Du đã lựa chọn sắp xếp, có lúc vay mượn, nhưng luôn luôn chế biến để họa những bức cảnh phù hợp với tâm trạng, ăn nhịp với bước đường biến chuyển của cuộc đời. Cảnh vật thiên nhiên trong Truyện Kiều vừa là một quang cảnh “nhìn qua một tâm trạng” vừa là bức tranh trí họa cho đời sống của con người. Nhà thi sĩ trữ tình thiên tài đó, trong khi tả cảnh vật thiên nhiên với bao nhiêu màu sắc, hình thái, đã giúp cho người đọc một lối nhận thức về vũ trụ, về ngoại giới. Đồng thời nhà thi sĩ đã làm cho nhãn giới và tâm giới của độc giả thêm phong phú, thâm thúy. Cảm giác của độc giả dồi dào và sắc sảo hẳn lên với những cảm giác phức tạp, nhiều vẻ, nhiều màu, thi sĩ đã lượm nhặt lại và cung cấp một bó hoa đầy vật sắc. Tập thơ của Nguyễn Du quả đã mở rộng tầm con mắt độc giả ngày trước và cả ngày nay, cho nó chú ý đến thị dã mới mẻ, muôn màu của vật giới và tâm giới.

Một mặt nữa, cảnh vật thiên nhiên là cụ thể. Khi thi sĩ gây cho người mối cảm tình sâu sắc đối với cảnh vật, đồng thời cũng bồi dưỡng nỗi lòng yêu quê hương đất nước. Tình yêu quê hương làng mạc đó chính là một yếu tố để bồi dưỡng tinh thần yêu nước của con người. Quan niệm phê bình văn học nhân dân vẫn chú trọng đến tinh thần yêu nước của các nhà văn hiện đại, chính vì lẽ đó. Qua Truyện Kiều, có những bức họa, bức cảnh tuyệt diệu độc giả có thể đối chiếu với thực tế Việt Nam, làm cho con người tin chắc đó là hình thái, màu sắc của đất. Độc giả không lấy gì làm lạ khi những người bôn tẩu việc nước và gặp bước đường trắc trở vẫn mở một trang Truyện Kiều, tìm lấy một lời an ủi, một lý do cho sự hy sinh với lý tưởng của mình. Những câu thơ giản dị như:

Tấc lòng cố quốc tha hương
Đường kia nỗi nọ ngổn ngang bời bời...

cũng đã nói hộ người trong cuộc một niềm tâm sự thiết tha: nỗi lòng yêu nhà yêu nước trên bước đường éo le cùng quẫn, khi cảm thấy sự bất lực của mình trước quân thù. Mà nào hoàn cảnh của họ có phải hoàn toàn là cảnh của Kiều đâu! Trong chốn ngục tối, một nhà chí sĩ biết rằng mai kia sẽ bị bọn thống trị đưa ra xử cực hình sẽ tập Kiều để ngỏ lòng kiên quyết hy sinh cho lý tưởng:

Cửa nhà dù tính về sau nữa –
Còn con em đó, lọ cầu đây!.

Cho nên bài học của Truyện Kiều là bài học yêu lý tưởng, sẵn sàng hy sinh. Mặc dầu lý tưởng của Kiều, lý do hy sinh của Kiều đối với nhiều người không phải lẽ sống duy nhất, tha thiết. Dân chúng yêu mãi Truyện Kiều vì qua Truyện Kiều mọi người đều thấy non nước quê hương quả đáng yêu.

Tinh thần nhân đạo trong văn học, trước hết là tình yêu đối với con người. Về phương diện này, Nguyễn Du, nhà thi sĩ có một tình yêu rộng rãi sâu sắc đối với nhân loại. Người tả thương Kiều vì Nguyễn Du đã chảy nước mắt với cảnh ngộ một thiếu nữ tài sắc bậc nhất bị dày vò dưới một chế độ xã hội quá vô tình.

Qua tập truyện của Nguyễn Du, người ta thấy những cảnh đáng thương nhất trong xã hội phong kiến: một gia đình tan nát dưới chế độ bất công, mối tình duyên đứt đoạn của một cặp “đôi lứa thiếu niên”, cảnh Kiều bị mua về bán đi trên thị trường thương mại, bị đày đọa trong chốn thanh lâu, hy sinh cho thú tính của hạng người ích kỷ, cảnh người đàn bà lấy lẽ, làm nô tỳ dưới một chế độ bán nô lệ, Kiều hiện thân của một giai nhân, một thiên tài bị đày đọa, qua những cảnh sống éo le, đau đớn. Sau thân thế Kiều, người ta thấy lòng thương của Nguyễn Du bao gồm cả phái yếu:

Đau đớn thay phận đàn bà –
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Lời than vãn của Kiều cũng là tiếng nức nở của tất cả những người đàn bà bị đày đọa. Chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du cố nhiên mới chỉ biểu hiện bằng những phương thức yếu ớt theo đạo lý chữ “nhân” của đạo Khổng, hoặc theo tinh thần hiếu sinh của đạo Phật, chưa phải chiến đấu tính cho nhân đạo, cho con người...Nhưng trong xã hội phong kiến đầy tội ác, giọt nước mắt trước đau khổ của loài người cũng là hạt mưa móc cần thiết cho cảnh vật dưới một gầm trời cang hạn.

Truyện Kiều rất hiếm những bộ mặt bác ái từ bi. Nhưng không phải hoàn toàn không có. Khi trong đám nha dịch còn chút “từ tâm” trong một kẻ lại già, khi trong nhà thanh lâu, dưới hàm sư tử, Kiều gặp được ả Mã Kiều, một mụ quản gia, một bà vãi Giác Duyên, nhà thi sĩ vội vàng ghi lấy để lại cho nhân loại một niềm an ủi, một lý do hy vọng. Nhưng cũng chính vì thế dưới chế độ áp bức, nhân loại càng đáng thương: sao cái lòng thương người lại hiếm hoi đến thế? Chỉ có những người như vậy mới biết thương người. Đó là một ám thị chứng minh cái chế độ vô nhân đạo đó không có lý do gì để tồn tại vĩnh viễn...

Cho nên chủ nghĩa nhân đạo là yếu tố đẹp đẽ nhất trong tập thơ của Nguyễn Du. Trong Truyện Kiều tính chiến đấu chưa phải tích cực và đúng với lập trường, mâu thuẫn chỉ giải quyết theo tinh thần thỏa hiệp với chế độ, tinh thần khuất phục với mệnh trời. Trời vẫn là động lực chi phối cõi người. Nhưng không vì thế mà có thể bất công với nhà thi sĩ. Trái hẳn thế, cần nhận định ý nghĩa nhân sinh quan của nhà thi sĩ dưới ánh sáng của lịch sử. Sự đóng góp của nó có phần nào có thể nói là tiến bộ đối với xã hội đương thời, cần được nêu lên rõ rệt. Điều cần hơn là nhận định chắc chắn cái giá trị của Truyện Kiềuvề phương diện nội dung, một cuốn truyện dồi dào tinh thần nhân đạo chủ nghĩa trong một xã hội vô nhân đạo. Ấy là chưa nói đến sự đóng góp của Truyện Kiều đối với văn học, với nghệ thuật tiếng nói của nhân dân, của dân tộc.

*Đặng Thái Mai sinh ngày 15.12.1902, tại làng Lương Điền, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An trong gia đình có truyền thống khoa bảng. Năm 1924 tốt nghiệp bậc trung học tại Vinh, Đặng Thái Mai nhập học trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, tốt nghiệp được bổ nhiệm dạy tại trường Quốc Huế năm 1929, tham gia đảng Tân Việt, bị thực dân Pháp bắt, lãnh án 3 năm tù. Ra tù dạy tại trường Gia Long rồi trường Thăng Long ở Hà Nội. Tác phẩm: Văn học khái luận, Lỗ Tấn thân thế văn nghệ, Lịch sử văn học Trung quốc hiện đại, Trên đường học tập và nghiên cứu, Văn thơ Phan Bội Châu...(NT)

No comments:

Post a Comment