Wednesday, November 23, 2011

* Trung Quốc thực thi chiến lược 'Gián điệp toàn diện'

Trung Quốc khuyến khích công dân có điều kiện di cư ra các nước trên thế giới vừa gây dựng cộng đồng, vừa tạo thêm cơ hội thu thập tin tức tình báo phụ vụ quốc gia.
Sự kiện Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) bắt giữ Tung Shen-Yun, quốc tịch Trung Quốc, khi đang tìm cách lấy các tài liệu mật về hệ thống tên lửa S-300 của Nga chỉ là một trong nhiều vụ liên quan tới gián điệp người Trung Quốc mà FSB thực hiện thời gian gần đây.

Vụ bắt giữ Tung Shen-Yun được FSB thực hiện ngày 28/10/2010, nhưng gần 1 năm sau, ngày 5/10/2011, FSB mới công bố và chuyển cho các công tố của tòa án thành phố Moscow.

Theo FSB, Tung Shen-Yun thực hiện nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của Bộ Công an Trung Quốc với bình phong là phiên dịch viên cho “các phái đoàn chính thức”, nhờ đó Tung Shen-Yun có điều kiện tiếp cận các công trình sư S-300 để thu thập các dữ liệu liên quan tới hệ thống tên lửa này.

S-300 là biế thể của hệ thống tên lửa đất đối không mà Moscow sản xuất từ thời Liên Xô, hiện được thay thế bằng hệ thống S-400 hiện đại hơn. Tuy nhiên, khi sự việc xảy ra, giới an ninh Liên bang Nga không khỏi lo lắng.

Trả lời phỏng vấn trên Đài tiếng nói nước Nga ngày 7/10, Oleg Glazunov, nhà phân tích chính trị hàng đầu nước Nga, cho rằng: Trung Quốc có lực lượng tình báo đông đảo nhất thế giới, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của cộng đồng Trung Quốc tại hầu hết các quốc gia.

Với tôn chỉ “Gián điệp toàn diện”, Trung Quốc thậm chí khuyến khích công dân di cư ra nước ngoài, vừa để phát triển cộng đồng, vừa thu thập tin tức tình báo.
Có lẽ không chỉ S-300 mà nhiều loại vũ khí khác của Nga cũng bị Trung Quốc "đánh cắp tài liệu" và sao chép lại.


Sự việc Tung Shen-Yun tìm mọi cách mua tài liệu về hệ thống tên lửa S-300 mà Trung Quốc đã mua của Nga từ lâu và cho sản xuất hàng loạt một lần nữa minh chứng tầm nhìn của chiến lược “Gián điệp toàn diện” của Trung Quốc.

Một mặt, Trung Quốc nhập hàng loạt hệ thống tên lửa S-300, nhưng lại không tin Moscow bán cho Bắc Kinh các biến thể S-300 tiên tiến nhất. Mặt khác, bản thân Trung Quốc muốn lập các nhà máy sản xuất các thiết bị quân sự của riêng mình.

Andrei Masalovich, chuyên gia về gián điệp Internet, cho rằng: “Lịch sử hoạt động gián điệp của Trung Quốc ở Nga không giới hạn trong một loại vũ khí. Đối với gián điệp Trung Quốc, một trong những ưu tiên là sao chép các loại vũ khí thành công nhất của Nga – bắt đầu từ Su-33 và kết thúc bằng tên lửa và hàng không mẫu hạm. Đó là chiến lược có chủ ý của một nước lớn – chiếm lĩnh được tất cả những thứ mong muốn bằng đủ mọi cách rồi đưa vào sản xuất trong nước”.

Thực tế, không chỉ Nga, mà Mỹ cùng nhiều quốc gia khác cũng luôn cảnh giác trước mối lo từ gián điệp Trung Quốc. Tại Mỹ, cộng đồng người Trung Quốc lên đến hàng triệu người, cơ quan an ninh Mỹ luôn đau đầu trong việc phân loại đối tượng nào là lưu vong tư tưởng, đối tượng nào là điệp viên tình báo đang trà trộn giữa những công dân tuân thủ pháp luật.

CIA đã không ít lần bẽ mặt khi phát hiện một số nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc lưu vong vốn được hỗ trợ, nhưng thực tế là điệp viên cung cấp thông tin cho lực lượng an ninh của Bắc Kinh.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng là mối đe dọa hàng đầu cho hệ thống không gian mạng của các cơ quan chính phủ và an ninh nước Mỹ. Hồi tháng 6/2011, Google thông báo tin tặc đã đột nhập vào tài khoản của vài trăm người sử dụng dịch vụ thư Gmail, bao gồm cả tài khoản các quan chức cấp cao của Mỹ.

Cuối năm 2010, Bộ Ngoại giao Đức cũng bóng gió quy kết Trung Quốc là “vương quốc tin tặc” và là đầu não của mạng lưới đánh cắp tức tình báo kinh tế.
Tùng Dương (tổng hợp)

No comments:

Post a Comment