Saturday, November 26, 2011

* Những quà tặng vô giá

Chu Thập
Mới đây, công ty may mặc thời trang nổi tiếng của Ý “Benetton” đã gây “sóng gió” tại Roma khi tung ra một tấm bảng quảng cáo với nội dung mà nhiều người cho là xúc phạm đến vị lãnh đạo của Giáo hội công giáo là đức giáo hoàng Benedicto. Với các kỹ thuật chỉnh sửa và ghép ráp hình rất tinh vi, bảng quảng cáo đã cho đức giáo hoàng hôn môi một giáo sĩ hồi giáo một cách “mùi mẫn”.
Không riêng nhà lãnh đạo của Giáo hội công giáo và vị giáo sĩ cao cấp của Hồi giáo Ai cập, khách qua đường còn thấy một số cặp nguyên thủ quốc gia khác cũng trong thư thế “hôn hít” rất là “kỳ cục” ấy, như tổng thống Barack Obama của Hoa kỳ hôn chủ tịch Hồ cẩm Đào của Trung Quốc, rồi cũng tổng thống Obama hôn ông Hugo Chavez, tổng thống Venezuela, như tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy hôn bà Angela Merkel, thủ tướng Đức, như tổng thống Nam Hàn Lee Myung bak hôn lãnh tụ “kính yêu” Bắc Hàn Kim Jong Il hay như thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu hôn chủ tịch Mahmoud Abbas của Palestine. Lúc còn trong nước, mỗi lần chứng kiến cảnh các lãnh tụ trong khối “xã hội chủ nghĩa anh em” hay “môi hở răng lạnh” trao cho nhau cái hôn “hữu nghị” và áp má vào nhau nghe chùn chụt, tôi đã thấy lợm giọng rồi. Nay người ta lại cho những nguyên thủ đáng kính trọng trên thế giới hôn nhau trên môi thì quả thật, tôi chỉ muốn “nôn” mà thôi.

Với hàng chữ “Unhate” (không thù hận) được viết lớn bên cạnh tấm hình, hãng Benetton lại đi đến tận cùng của ngụy biện để giải thích rằng mình làm như thế là để kêu gọi xây dựng hòa bình và chấm dứt thù hận.

Trước đây, vào năm 1990, công ty may mặc thời trang này cũng đã cho phát hành một số bảng quảng cáo cũng có nội dung tương tự nhưng ít táo bạo và thách thức hơn như: một linh mục hôn một nữ tu, hình ảnh một trẻ sơ sinh đẫm máu, một phụ nữ da đen cho một trẻ sơ sinh da trắng bú mớm, một bệnh nhân AIDS hấp hối trên giường bệnh được bao quanh bởi những người thân trong trạng thái rất đau khổ. Thông điệp được hãng này đưa ra xuyên qua những tấm bảng quảng cáo này là hãy “chấp nhận” và “khoan nhượng”.
Phản ứng mạnh mẽ nhứt trước tấm ảnh quảng cáo có hình đức giáo hoàng là Tòa thánh Vatican. Ngay sau khi Tòa thánh lên tiếng phải đối, hãng Benetton đã cho tháo gỡ bức hình có đức giáo hoàng và tuyên bố rằng mục đích của chiến dịch quảng cáo là để chống lại văn hóa thù hận dưới mọi hình thức, đồng thời cũng đã xin lỗi Tòa thánh vì đã xử dụng hình ảnh của đức giáo hoàng để quảng cáo với nội dung xúc phạm đến tình cảm của các tín hữu công giáo (x.bản tin của Đàn Chim Việt, 20/11/2011).
Cũng như những người sinh ra và lớn lên trong một nền văn hóa đề cao nguyên tắc “nam nữ thọ thọ bất thân”, có lẽ suốt thời niên thiếu, tôi chưa từng thấy có ai công khai “hôn hít” bao giờ cả. Ngay cả như cha mẹ tôi cũng chưa một lần bị tôi bắt gặp “quả tang” làm một cử chỉ âu yếm công khai nào chứ đừng nói tới chuyện ôm nhau mà hôn hít. Mãi cho tới khi đến Pháp, lần đầu tiên tôi thực sự bị “sốc” khi thấy bất cứ nơi công cộng nào người ta cũng hôn nhau được và dĩ nhiên hôn nhau theo kiểu Tây (French kiss). Nhưng chuyện gì rồi cũng quen. Bây giờ tôi thấy mình như “trơ” ra trước cảnh trai gái, đàn ông đàn bà ôm nhau hôn trên màn ảnh cũng như trên đường phố trước mắt mình. Với tôi, cái hôn say đắm hay bất cứ cử chỉ âu yếm nào của hai người khác phái đang yêu nhau lúc nào cũng đẹp. Phải nói rằng cái hôn là cử chỉ biểu lộ tình cảm đẹp nhứt mà văn minh Tây phương đã mang lại cho nhân loại.
Thật ra, mở Wikipedia để tra cứu, tôi thấy “hôn hít” không phải là phát minh của văn minh Tây phương, mà đã có từ thời Ai cập cổ cũng như Hy lạp, Assyria và Ấn dộ. Theo nhà nhân chủng học Cesare Lombroso ở thế kỷ 19, cái hôn của những tình nhân xuất phát và tiến hóa từ cái hôn của người mẹ. Vào đầu thế kỷ 20, nhà sử học Ernest Crawley, khi nghiên cứu về nguồn gốc của cái hôn, đã cho rằng tại Nhựt Bản, trước thế kỷ 20, người ta chỉ biết có mỗi nụ hôn là nụ hôn của người mẹ dành cho thơ nhi. Tại Phi Châu và những “vùng kém văn minh”, vợ chồng hay người yêu không bao giờ hôn nhau.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tôn giáo, thì cái hôn xem ra rất phổ quát. Kinh thánh của Do thái giáo cũng như Kinh Coran của hồi giáo ghi lại rất nhiều cái hôn. Riêng Kitô giáo, trong giai đoạn tiên khởi, đã nói đến cái hôn bình an. Theo ngã của văn minh Tây phương, đã có một dạo, cái hôn bình an này cũng được du nhập vào Việt nam, nhưng không thể hội nhập vào văn hóa Việt nam. Tôi còn nhớ, vào cao điểm của nghi thức Thánh lễ sau cuộc cải tổ của Công đồng Vatican II, tức sau năm 1965, các tín hữu công giáo được vị chủ tế mời gọi trao cho nhau một cử chỉ bình an. Ở Tây phương, thì đây là lúc người người bắt tay nhau hay nếu thân hơn một chút thì ôm lấy nhau để gọi là trao cho nhau cái hôn bình an. Trong chuyến đi Việt nam vừa rồi, tôi thấy cử chỉ bình an này vẫn còn được người công giáo Việt nam trao cho nhau một cách máy móc và lạnh lùng. Trong đa số các nhà thờ, nam nữ vẫn thọ thọ bất thân, nghĩa là nam vẫn cứ ngồi bên hữu và nữ thì vẫn “tử thủ” bên tả. Khi linh mục kêu gọi trao bình an cho nhau, thì ai đó ra hiệu và người ta mới quay sang nhau, có khi cũng chẳng cần nhìn nhau và rập ràng cúi chào nhau. Đừng nói đâu xa, tại Úc đại lợi này, trong các thánh lễ bằng tiếng Việt nam, mỗi khi được mời gọi trao ban bình an, cùng lắm người Việt nam chỉ bắt tay nhau thôi. Ngay cả vợ chồng cũng chìa tay ra cho nhau! Hiếm lắm mới thấy có những cặp vợ chồng ôm nhau để trao bình an cho nhau.
Dường như cái hôn vẫn còn là một cách biểu lộ tình cảm xa lạ với người Việt nam và người Á châu nói chung. Phải chăng vì trân quý sự chân thành và sợ những cái hôn Giuda mà người Việt nam còn e dè với cử chỉ này không? Nhưng dù sống ở thời đại nào và thuộc nền văn hóa nào, con người vẫn phải đi vào quan hệ với người khác bằng sự “tiếp xúc” qua thân xác của mình. Hôn cũng chỉ là một hình thức tiếp xúc. Điều quan trọng không phải là sự tiếp xúc mà là mức độ thân mật và chân tình của con người. Người ta vẫn có thể ngồi sát bên nhau mà vẫn là người xa lạ hay kẻ thù của nhau. Một nụ hôn Giuda, dù có “mùi mẫn” đến đâu cũng chẳng đánh động được người được hôn.
Ngày nay y khoa đã khám phá ra sức mạnh chữa trị của sự va chạm và tiếp xúc với một người khác. Chuyên gia tâm lý trị liệu Karl Menninger đã chứng minh rằng những người “chậm trí” thường đáp trả một cách tích cực hơn nếu có sự tiếp xúc giữa họ với người chữa trị họ. Một bài viết được đăng trong một tạp chí y khoa ghi lại rằng các bệnh nhân bị đột quỵ thường trở lại bình thường mau chóng hơn nếu có một người yêu thương họ hiện diện bên cạnh để nắm tay họ. Bài báo cũng cho thấy rằng những nạn nhân bị tê liệt não bộ cũng sẽ cử động nhiều hơn sau khi tiếp xúc với người thân. (x.Harold Sala, Joyfully Single in a Couples’World, Mandaluyong City, Philippines, 1996, trg 99)
Tạp chí Reader’s Digest, ấn bản Úc châu, trong số ra tháng 12 này, cũng ghi lại một câu chuyện thật cảm động về sức mạnh chữa trị và hồi sinh nhờ sự tiếp xúc giữa người mẹ và một thơ nhi. Đây là một “phép lạ” mà các bác sĩ không giải thích được, nhưng chỉ có cha mẹ đứa bé mới biết đích xác tại sao nó sống còn. Theo câu chuyện, mặc dù phải còn 14 tuần nữa người phụ nữ tên là Kate Ogg, 29 tuổi, mới đến ngày lâm bồn, nhưng chị đã trải qua những cơn đau thắt không chịu đựng nổi, cho nên đã được đưa vào bệnh viện Wollongong, New South Wales. Tại đây, hai đứa con sinh đôi đầu lòng, một trai một gái của chị đã chào đời. Nhưng trong khi đứa em gái tên là Emily đã “mang tiếng khóc vào đời” thì anh nó, Jamie, lại ra đời như một khúc gỗ. Trong 20 phút, các bác sĩ đã tìm cách đưa dưỡng khí vào buồng phổi của em, nhưng tất cả mọi cố gắng đều vô ích. Đứa bé vẫn không thở, không cử động, không đáp trả lại với bất cứ thứ kích thích nào. Một trong những bác sĩ đã phải thú nhận với người mẹ rằng họ không còn hy vọng nào để cứu sống em.
Để cho người mẹ được nhìn mặt con lần cuối, các bác sĩ đã đưa đứa bé trở lại cho chị. Cùng với người chồng đang có mặt bên cạnh, người mẹ đã tháo tấm vải quấn xung quanh đứa con và đặt nó trực tiếp tiếp xúc lên ngực mình. Chị vừa thổn thức vừa ôm đứa bé vào lòng. Chị nhớ lại rất nhiều lần, mỗi khi chồng chị nhức đầu hay đau yếu, chị đều ôm lấy anh và hôn vào mắt anh. Chị không bao giờ ý thức rằng chính cái lối săn sóc mà người ta thường gọi là “chăm sóc theo kiểu Kangaroo mẹ chăm sóc con” (kangaroo mother care) đó đã giúp cho bệnh tình của chồng chị thuyên giảm rất nhiều.
Ôm con vào lòng, Kate bắt đầu nói chuyện với nó. Chị kể cho nó nghe về em nó và gia đình nó. Lạ lùng quá, sau vài phút, người mẹ nghe thấy lồng ngực của đứa con bắt đầu cử động một cách nhịp nhàng. Chị nói cho chồng biết là có thể đứa bé còn sống và bảo chồng đi gọi bác sĩ. Nhưng bác sĩ chạy đến chẩn đoán và giải thích rằng đây có thể là một phản xạ tự nhiên mà thôi. Nhưng hai vợ chồng vẫn không hết hy vọng. Họ đặt đứa bé vào lòng và cả ba ôm lấy nhau như bất cứ một gia đình nào muốn gắn bó thân mật với nhau. Lần này, họ không thể tin được điều đã xảy ra: đứa bé bắt đầu mở mắt ra và nắm lấy ngón tay của cha nó. Người chồng liền chạy đi báo tin cho các bác sĩ. Một viên bác sĩ cùng với một y tá nhẩn nha đến phòng và cũng với một giọng điệu như lần trước, ông giải thích rằng hai vợ chồng đang bị ảo tưởng. Lúc bấy giờ người mẹ mới đưa một ngón tay của mình cho viên bác sĩ xem và nói rằng đứa bé đã liếm vào ngón tay có dính sửa của chị. Viên bác sĩ liền đưa tay bồng đứa bé lên và ngạc nhiên vô cùng khi nghe nó bắt đầu khóc. Ông đặt nó xuống giường trở lại và đặt ống nghe lên lồng ngực của nó. Đứa bé đã bắt đầu thở và máu cũng đã lưu chuyển trong người nó.
Bài viết trên báo Reader’s Digest đã trích dẫn lời của ông Matt Hertenstein, một giáo sư phụ khảo về tâm lý học tại đại học DePauw, Hoa kỳ và là một chuyên gia nổi tiếng trên thế giới về sức mạnh của sự “tiếp xúc” bằng da thịt của con người. Giáo sư Hertenstein nói: “Thân xác của chúng ta thèm được đụng chạm. Người ta đã chứng minh được ảnh huởng tích cực của sự “tiếp xúc” đối với sinh lý, hệ thống miễn nhiễm, sự đáp trả trước sự căng thẳng và ngay cả não bộ của chúng ta”. Điều này không chỉ đặc biệt có giá trị đối với trẻ sơ sinh mà còn đối với mọi người trong bất cứ trạng thái thể lý và tinh thần nào.
Nhìn lại kinh nghiệm bản thân, mỗi lần ngã bệnh, ở bất cứ tuổi nào, điều tôi sợ nhứt vẫn là sự cô đơn và điều tôi “thèm” nhứt vẫn là sự hiện diện của người thân. Thật ra, không chỉ có những lúc đau yếu, mà bình thường, tôi vẫn thấy thèm một lời chào hỏi, một nụ cười thân thiện, một ánh mắt giao cảm và cảm thông và nhứt là một bàn tay thân ái nào đó, nếu không được vỗ lên vai, thì cũng được nắm bắt.
Trong một số dịp đặc biệt, tôi cũng cố gắng hội nhập vào văn hóa Tây phương để “ôm hôn” người thân, nhứt là sau một thời gian dài xa cách. Nhưng trong cuộc sống thường ngày, tôi vẫn luôn trân quý những cử chỉ thân thiện và thân ái mà tôi nhận được và trao cho người khác. Đó là những quà tặng vô giá mà người cho không bao giờ ngờ. Rất nhiều lần trong đời, tôi đã lướt qua buồn khổ, thất bại, chán nản chỉ nhờ vào một cử chỉ hết sức “vớ vẩn” của người thân. Một cái vỗ vai có thể khiến tôi đứng dậy làm lại từ đầu, một ánh mắt khích lệ khiến tôi có sức mạnh để chạy trốn...công an. Quả thực, tôi đã sống một cuộc sống đầy ý nghĩa cho đến hôm nay phần lớn nhờ vào những tiếp xúc thân tình giữa người với người, và tôi tin rằng tôi vẫn luôn cần như vậy.
Viết những giòng chữ này mỗi tuần, tôi cảm thấy hạnh phúc vì tôi biết rằng tôi đang được “tiếp xúc” với người khác. Nhận và trao ban tình thân ái chắc chắn là “thương vụ” duy nhứt mà tôi yêu thích và gắn bó trong cuộc đời này.

No comments:

Post a Comment